SBT Ngữ văn 7 Bài tập 6 trang 38, 39 Kết nối tri thức

Bài tập 6. trang 38, 39 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc đoạn thơ sau trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điểm và trả lời các câu hỏi:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:


- Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi

Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân...

(Nguyễn Khoa Điểm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ,

Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 152 - 153)

Câu 1 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Những hình ảnh nào cho thấy người mẹ đã không quản ngại khó khăn, vất vả để chăm lo cho các anh bộ đội?

Trả lời:

Những hình ảnh cho thấy người mẹ đã không quản ngại khó khăn, vất vả để chăm lo cho các anh bộ đội: mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội, mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,... Người mẹ vừa địu con vừa giã gạo để nuôi bộ đội, vừa lo việc nhà vừa lo việc nước. Công việc vất vả, nhưng tình yêu của mẹ dành cho các anh bộ đội thì vô cùng sâu sắc.

Câu 2 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tình yêu thương của người mẹ đối với con được thể hiện qua những hình ảnh nào?

Trả lời:

Tình yêu thương của người mẹ đối với con được thể hiện qua những hình ảnh: Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi / Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối / Lưng đưa nôi và tim hát thành lời... Người mẹ Tà-ôi luôn địu con trên lưng lúc làm việc, dù công việc có nặng nhọc, vất vả đến đâu thì em cu Tai vẫn luôn bên mẹ. Mẹ lấy lưng mình làm nôi, vai mình làm gối và ru con bằng lời ru cất lên từ sâu thẳm trái tim.

Câu 3 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Em hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai dòng thơ: Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần / Mai sau con lớn vung chày lún sân?

Trả lời:

Qua hai dòng thơ Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần / Mai sau con lớn vung chày lún sân, ta thấy ước mơ thật giản dị mà cao đẹp của người mẹ Tà-ôi: Mẹ mong giã được thật nhiều gạo để nuôi bộ đội, mong con sau này lớn lên sẽ khoẻ mạnh, vạm vỡ, cường tráng, “vung chày lún sân” con cũng sẽ tiếp tục làm ra lúa gạo để góp phần nuôi bộ đội. Hình ảnh người mẹ Tà-ôi với ước mơ giản dị mà cao đẹp thật đáng quý, đáng trân trọng.

Câu 4 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Qua đoạn thơ, em cảm nhận được phẩm chất gì của người mẹ Tà-ôi?

Trả lời:

Qua đoạn thơ, em cảm nhận được những phẩm chất đáng quý của người mẹ Tà-ôi. Đó là người mẹ tảo tần, lam lũ, chịu đựng gian khổ, vất vả để nuôi con, mơ những giấc mơ đẹp cho con, mong con trở thành chàng trai khoẻ mạnh, thành người tự do, thành chiến sĩ cách mạng,... Mẹ còn là người mẹ kháng chiến, tình yêu con của mẹ gắn với tình yêu kháng chiến, yêu buôn làng, yêu đất nước. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung là khúc hát yêu thương con, khúc ca đầy khát vọng của người mẹ Tà-ôi trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Câu 5 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong hai dòng thơ Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi / Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội, nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ gì? Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

Trong hai dòng thơ Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi / Mẹ thương a-kay,

mẹ thương bộ đội, tác giả sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ nhằm nhấn mạnh tấm lòng của người mẹ tha thiết yêu thương con. Mẹ mong cho con ngủ ngoan và có những giấc mơ đẹp. Mẹ mong trong giấc ngủ, em cu Tai sẽ mơ giấc mơ của mẹ là có thật nhiều gạo ngon để nuôi bộ đội, phục vụ kháng chiến và mẹ cũng mong em lớn thật nhanh để giúp mẹ giã gạo nuôi quân.

Câu 6 trang 39 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hãy chọn và phân tích một vài trường hợp để làm rõ cách sử dụng từ ngữ đặc sắc trong đoạn thơ: Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng / Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi / Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối / Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.

Trả lời:

Cách sử dụng từ ngữ của nhà thơ trong dòng thơ: Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng rất đặc sắc. Sự sóng đôi của từ nghiêng đã vẽ nên hình ảnh người mẹ đang giã gạo trong khi đứa con nhỏ đang ngủ trên lưng, nhịp chày nghiêng, kéo theo giấc ngủ con nghiêng. Với từ nghiêng được lặp lại, tác giả vừa miêu tả công việc giã gạo nặng nhọc của người mẹ, vừa miêu tả giấc ngủ chập chờn của em bé trên lưng mẹ. Dường như em bé cũng cảm nhận được nỗi vất vả của mẹ nên em đã ngủ ngoan cho mẹ yên lòng.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác