SBT Ngữ văn 7 Bài tập 3 trang 12, 13 Kết nối tri thức

Bài tập 3. trang 12, 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc lợi bài thơ Chiều sông Thương trong SGK (tr. 56) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Thể thơ của bài Chiều sông Thương có giống với bài Tiếng ve không? Nêu nhận xét của em về cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.

Trả lời:

Thể thơ của bài Chiều sông Thương không giống với bài Tiếng ve. Bài thơ Tiếng ve thuộc thể bốn chữ, bài thơ Chiều sông Thương thuộc thể năm chữ.

Nhận xét về cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ:

- Cách gieo vần: vần của bài thơ được gieo khá linh hoạt: ngõ - họ, hái - nói, lên - Yên, Hạ - quả, nổi - mới, sang - màng, cau - nâu, bưởi - đợi,... Các âm a và â trong au / âu (cau/ nâu), ươ và ơ trong ươi / ơi (bưởi / đợi) gần nhau nên có thể coi các tiếng mà chúng cấu tạo bắt vần với nhau.

- Ngắt nhịp: Đi suốt / cả ngày thu

vẫn chưa về/ tới ngõ

dùng dằng /hoa Quan họ

nở tím /bên sông Thương


nước / vẫn nước / đôi dòng

chiều / vẫn chiều / lưỡi hái

những gì / sông muốn nói

cánh buồm / đang hát lên

Nhịp thơ linh hoạt, chủ yếu ngắt nhịp 2/3, 3/2, tuy nhiên cũng có dòng đặc biệt ngắt nhịp 1/2/2: nước / vẫn nước / đôi dòng, chiều / vẫn chiều / lưỡi hái thể hiện cảm xúc của tác giả trước dòng sông quê thân thương, gần gũi, không có gì thay đổi sau rất nhiều năm cách xa. Quê hương là vậy, luôn ân tình, ân nghĩa, thuỷ chung như nhất.

Câu 2 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trừ dòng thơ đầu tiên, chữ đầu các dòng thơ còn lại ở bài thơ Chiều sông Thương không viết hoa. Theo em, đặc điểm này có tác dụng gì trong việc thể hiện cảm xúc, nội dung bài thơ?

Trả lời:

Bài thơ có một đặc điểm riêng là trừ dòng thơ đầu tiên, chữ đầu các dòng thơ còn lại không viết hoa. Đặc điểm này giúp bài thơ biểu lộ được cảm xúc của nhà thơ đối với quê hương nhân một lần thăm quê. Cảnh quê, người quê, tình quê trải dài, miên man theo mỗi bước chân người đi. Cảm xúc da diết trào dâng không nốt ngừng lặng.

Câu 3 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hình ảnh sông Thương và quê hương quan họ hiện lên như thế nào trong bài thơ?

Trả lời:

Hình ảnh sông Thương và quê hương quan họ hiện lên trong bài thơ với các đặc điểm sau:

- Đẹp lãng mạn, nên thơ: hoa Quan họ nở tím bên sông Thương, nắng thu trải đầy, trăng non múi bưởi, lúa cúi mình giấu quả, ruộng bời con gió xanh,...

- Đẹp bình dị, thân thương: mấy cô coi máy nước / mắt dài như dao cau, bên cầu con nghé đợi / cả chiều thu sang sông.

- Đẹp tràn đầy sức sống: mạ đã thò lá mới / trên lớp bùn sếnh sang /cho sắc mặt mùa màng/ đất quê mình thịnh vượng / những gì ta gửi gắm /sắp vàng hoe bốn bên, con sông màu nâu, con sông màu biếc, bồi cho mùa phôi thai,...

Vẻ đẹp sông Thương hiện lên qua đôi mắt của một người yêu tha thiết quê hương mình.

Câu 4 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tìm từ láy trong những dòng thơ sau và nêu tác dụng của những từ láy đó:

- dùng dằng hoa Quan họ

nở tím bên sông Thương

- mạ đã thò lá mới

trên lớp bùn sếnh sang

Trả lời:

Từ láy trong bốn dòng thơ: dùng dằng, sếnh sang.

- Dùng dằng là lưỡng lự, chưa quyết định dứt khoát xem nên đi hay nên ở. Trong bài thơ, từ dùng dằng diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ trước vẻ đẹp của hoa xoan, loài hoa có màu tím nhẹ, nở thành từng chùm rất đẹp. Hoa xoan có nhiều ở vùng quê quan họ, nhất là bên sông Thương nên được nhà thơ gọi là hoa Quan họ.

- Sếnh sang trong bài thơ chỉ đặc điểm của lớp bùn màu mỡ, gợi cảm giác mịn màng, mượt mà, từ đó gợi lên vẻ trù phú, thịnh vượng của quê hương.

Câu 5 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong các dòng thơ dưới đây, nhà thơ đã dùng những biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của những biện pháp tu từ đó.

- ôi con sông màu nâu

ôi con sông màu biếc

- những gì sông muốn nói

cánh buồm đang hát lên

Trả lời:

Các biện pháp tu từ và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó:

- ôi con sông màu nâu

ôi con sông màu biếc

Trong hai dòng thơ này, nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ. Điệp ngữ ôi con sông thể hiện tình cảm tha thiết của nhà thơ dành cho dòng sông. Tình cảm trào dâng khiến nhà thơ cất lên thành lời gọi chan chứa yêu thương.

- những gì sông muốn nói

cánh buồm đang hát lên

Nhân hoá là biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ trên. Những cụm động từ vốn được dùng để chỉ hoạt động của con người như muốn nói, hát lên giờ đây được gắn cho những vật vô tri như con sông, cánh buồm. Con sông, cánh buồm đã giúp nhà thơ thể hiện cảm xúc phơi phới đang trào dâng trong tâm hồn.

Câu 6 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Theo em, nhà thơ có cảm xúc và suy nghĩ như thế nào về sông Thương và quê hương quan họ?

Trả lời:

Nhà thơ bộc lộ tình cảm yêu thương trìu mến dành cho sông Thương và quê hương quan họ. Tình cảm ấy đôi khi được bộc lộ trực tiếp qua thái độ dùng dằng, lưu luyến trước vẻ đẹp của sông Thương đến độ đi suốt cả ngày thu / vẫn chưa về tới ngõ, ở lời gọi ôi con sông tha thiết; có khi ẩn kín trong niềm tự hào về một miền quê gần gũi, bình dị mà nên thơ, trù phú, thịnh vượng,...

Câu 7 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Vẽ sơ đồ tư duy khái quát những đặc điểm chính về hình thức và nội dung của bài thơ.

Trả lời:

SBT Ngữ văn 7 Bài tập 3 trang 12, 13 Kết nối tri thức

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác