SBT Ngữ văn 7 Bài tập 1 trang 10 Kết nối tri thức

Bài tập 1. trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc lại bài thơ Đồng dao mùa xuân (từ Ba lô con cóc đến hết) trong SGK (tr. 40 - 41) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Nhận xét về đặc điểm hình thức của đoạn thơ trên các phương diện như số tiếng trong mỗi dòng thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp.

Trả lời:

Nhận xét về đặc điểm hình thức của đoạn thơ xét trên các phương diện như số tiếng trong mỗi dòng thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp:

- Về số tiếng trong mỗi dòng thơ: mỗi dòng thơ có bốn tiếng, ngắn gọn như một nhát chạm khắc sắc nét, góp phần tạc vào kí ức độc giả hình tượng người lính đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc giữa lúc tuổi đời còn rất trẻ.

- Về cách gieo vần: vần chân được gieo ở hầu hết các dòng thơ. Ví dụ: xanh - lành,

vàng - gian, ngàn - non, lành - xanh,...

- Về cách ngắt nhịp: nhịp chẵn (2/2) đan xen các biến tấu linh hoạt. Ví dụ:

Ba lô /con cóc

Tấm áo /màu xanh

Làn da / sốt rét

Cái cười /hiền lành


Anh ngồi / lặng lẽ

Dưới cội / mai vàng

Dài /bao thương nhớ

Mùa xuân “nhân gian


Anh ngồi / rực rỡ

Màu hoa / đại ngàn

Mắt / như suối biếc

Vai / đầy núi non...

Nhịp nền 2/2 được hình thành một cách tự nhiên (do tính bình ổn của cảm xúc và thói quen ưa sự nhịp nhàng khi làm thơ của người Việt chi phối) khiến bài thơ có một tiết tấu uyển chuyển. Đồng thời, những biến tấu rất tự nhiên ghi lại chân thực cảm xúc riêng của nhà thơ và truyền được đến độc giả cảm xúc đó. Tính từ dài được ngắt nhịp riêng tạo thành nhịp 1/3 ở dòng thơ Dài/ bao thương nhớ làm nổi bật tình cảm, nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi.

Hai dòng thơ:

Mắt / như suối biếc

Vai / đầy núi non

cũng được ngắt nhịp 1/3. Biến tấu ở hai dòng này tạo cho người đọc ấn tượng về hình ảnh người lính với vẻ đẹp của tâm hồn trong sáng và sự hi sinh cao cả. Hình ảnh người lính đã vĩnh viễn hoà vào núi non, sông suối, làm nên hồn thiêng đất nước.

Câu 2 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Qua miêu tả của nhà thơ, hình ảnh người lính hiện lên trong đoạn thơ có đặc điểm như thế nào?

Trả lời:

Qua miêu tả của nhà thơ, hình ảnh người lính hiện lên trong đoạn thơ giản dị, khiêm nhường nhưng cũng rất đỗi cao đẹp, thiêng liêng:

- Hành trang của anh chẳng có gì ngoài một chiếc ba lô con cóc, một tấm áo mang màu xanh tươi dung dị của cỏ cây.

- Ngoại hình: Làn da sốt rét gợi về cuộc sống gian nan, cực nhọc trên chiến trường và trong những chặng đường hành quân. Đây cũng là đặc điểm chung của hình ảnh người lính trong thơ ca kháng chiến:

Giọt giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ.

(Tố Hữu, Cá nước)

Quân xanh màu lá, dữ oai hùm.

(Quang Dũng, Tây Tiến)

Nhưng trên môi người lính luôn nở nụ cười lạc quan và rất đỗi hiền hoà. Dường như mọi gian khổ, hi sinh đối với anh chỉ nhẹ tựa lông hồng.

Dáng ngồi lặng lẽ của anh thể hiện đức khiêm nhường, âm thầm cống hiến, âm thầm hi sinh. Anh ra đi để lại mùa hoa rực rỡ. Dáng hình anh hoà với dáng hình xứ sở, làm nên mùa xuân cho đất nước.

- Tình cảm của người lính: Hai dòng thơ Dài bao thương nhớ / Mùa xuân nhân gian có thể hiểu là nỗi thương nhớ những mùa xuân nhân gian tươi đẹp của người lính đã hi sinh, cũng có thể hiểu là nỗi nhớ thương những người con anh dũng dài theo năm tháng của nhân gian.

Câu 3 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Em cảm nhận như thế nào về tình cảm nhà thơ dành cho người lính?

Trả lời:

Cảm nhận về tình cảm nhà thơ dành cho người lính:

- Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ được thể hiện trong toàn bộ bài thơ. Đó là niềm thương xót, tự hào, cảm phục, biết ơn những người lính đã hi sinh tuổi xanh, hi sinh cuộc đời cho độc lập dân tộc.

- Riêng trong đoạn thơ này, tình cảm của nhà thơ thể hiện ở nỗi nhớ thương tha thiết, thái độ ngợi ca vẻ đẹp bình dị mà cao cả, thiêng liêng, lòng biết ơn những hi sinh thầm lặng của người lính.

Câu 4 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Trong hai dòng thơ sau, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:

Mắt như suối biếc

Vai đầy núi non...

Trả lời:

Trong hai dòng thơ, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ:

- Mắt như suối biếc: so sánh mắt với suối biếc.

- Vai đầy núi non: ẩn dụ (dùng hình ảnh núi non để chỉ trọng trách bảo vệ, giữ gìn núi sông đang đặt trên vai người lính).

Những so sánh, ẩn dụ sử dụng hình ảnh thiên nhiên vĩnh cửu làm sự vật đối chiếu có tác dụng nhấn mạnh niềm tin của nhà thơ rằng dáng hình người lính đã vĩnh viễn hoà vào núi non, sông suối. Mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối đều thấp thoáng hình bóng của anh. Anh đã “hoá thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời” (Nguyễn Khoa Điềm).

Câu 5 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tìm các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng của chúng.

Trả lời:

Những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và tác dụng của chúng:

- Lặng lẽ: nghĩa trong từ điển là “không lên tiếng, không có tiếng động, tiếng ồn” Trong dòng thơ này, từ lặng lẽ thể hiện sự khiêm nhường và những cống hiến, hi sinh âm thầm của người lính.

- Rực rỡ: nghĩa trong từ điển là “có màu sắc tươi sáng, đẹp đẽ và nổi bật hẳn lên, làm cho ai cũng phải chú ý“. Trong dòng thơ Anh ngồi rực rỡ, từ rực rỡ còn có nghĩa là vẻ đẹp của người lính toả chiếu vào thiên nhiên.

Câu 6 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Giải thích nghĩa của từ ngọt lành trong dòng thơ Ngày xuân ngọt lành.

Trả lời:

Nghĩa của từ ngọt lành trong dòng thơ Ngày xuân ngọt lành:

- Từ ngọt có một số nghĩa cơ bản như sau:

1) có vị như đường, mật;

2) dịu dàng, êm ái.

- Từ lành có một số nghĩa:

1) hiền từ;

2) tốt;

3) không độc;

4) không rách;

5) hết bệnh.

- Nghĩa chung của từ ngọt lành trong dòng thơ Ngày xuân ngọt lành là tốt đẹp, ngọt ngào, hạnh phúc.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác