SBT Ngữ văn 7 Bài tập 2 trang 36 Kết nối tri thức

Bài tập 2 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Giả định em là người đăng kí phát biểu ý kiến trong một cuộc hội thảo về Lối sống xanh. Hãy chuẩn bị nội dung bài nói và tập thể hiện bài nói đó.

Trả lời:

- Xem lại văn bản “Thân thiện với môi trường” trong SGK (tr. 98 - 100), hai đoạn trích ở các bài tập 7, 8 để lựa chọn những ý có thể sử dụng, tham khảo. Ngoài ra, có thể tìm đọc một số tài liệu khác có nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo.

- Nội dung bài nói có thể đề cập những vấn đề chung trên cơ sở trả lời một số câu hỏi như: Thế nào là lối sống xanh? Nguyên nhân nảy sinh trào lưu sống xanh là gì? Lối sống xanh có những biểu hiện cụ thể nào? Mỗi người có thể làm gì để thực hiện lối sống xanh?...

- Hoàn toàn có thể phát biểu về một khía cạnh cụ thể của việc thực hiện lối sống xanh như: tiêu dùng thông minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm bớt rác thải nhựa,...

* Bài nói mẫu tham khảo:

Lối sống “xanh” đã có từ lâu trong ý thức và thói quen của người dân các nước phát triển trên thế giới. Họ coi việc xây dựng, phát triển nếp sống này là một phần tất yếu của cuộc sống. Nhiều nước đã đưa ra những điều khoản cụ thể trong bảo vệ, cải tạo môi trường, quy định về lối sống, hành vi của người dân trong luật để quản lý, điều hành và xử lý các vi phạm. Họ còn xây dựng các chương trình giáo dục trong hệ thống trường học để tuyên truyền, giáo dục công dân trẻ có ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống “xanh”.

Ở nước ta, lối sống “xanh” đang dần trở thành xu hướng sống hiện đại, văn minh lịch sự. Tại các địa phương, nhất là ở đô thị, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và trường học đã tích cực tuyên truyền, vận động tới người dân lối sống lành mạnh, có ý thức bảo vệ và cải tạo môi trường sống. Có thể kể đến các hoạt động rất phổ biến như: Không xả rác bừa bãi; tiết kiệm điện nước; chăm sóc và bảo vệ cây xanh; buôn bán và sử dụng thực phẩm an toàn; có ý thức vệ sinh nơi ở, làm việc và nơi công cộng; ngăn chặn những hành vi làm ô nhiễm môi trường; tích cực vận động, rèn luyện thể chất và tinh thần, tạo không gian xanh tươi nơi mình sinh sống... Những việc làm đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường xung quanh.

Song, hiện nay, môi trường sống của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi quá nhiều hoạt động gây ô nhiễm như: Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nước hay vấn đề thực phẩm không an toàn... đang tác động không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của mỗi người. Ngoài những lý do khách quan đem lại thì ý thức kém của không ít người dân đã làm cho môi trường sống của chúng ta bị ảnh hưởng đáng kể.

Trên thực tế, không gian học tập, công tác và làm việc tác động rất lớn đến tâm trạng và sức khỏe của mỗi người. Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng lên, sự tiện nghi và cảnh quan môi trường trong lành sẽ trở thành không gian để chúng ta tận hưởng cuộc sống, mang đến sự thư giãn, thoải mái, từ đó mỗi người có cơ hội nạp lại năng lượng sau những giờ phút lao động, học tập căng thẳng. Ở môi trường sống an toàn, sạch đẹp, thoáng mát sẽ tạo cho mỗi chúng ta thêm nguồn hứng khởi, kích thích sự năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động, làm cho cuộc sống thêm thi vị.

Sống “xanh” là lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên; là lối sống mà con người giảm thiểu tối đa phá vỡ cân bằng sinh thái, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sử dụng cạn kiệt tài nguyên. Khi môi trường sống tự nhiên ngày càng biến đổi và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người, giải pháp sống “xanh” bắt đầu được cả xã hội quan tâm thực hiện và lan tỏa. Trong sinh hoạt hàng ngày, có lẽ không cần ôm đồm làm nhiều việc, mỗi người hãy làm tốt một vài việc đơn giản cũng đã góp phần tạo dựng lối sống “xanh”. Ví dụ như thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa một lần; không dùng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã; tắt bớt điện; hạn chế nước… đã có thể giúp cho cuộc sống “xanh” hơn. Hay trong ăn uống, dùng sản phẩm được sản xuất theo phương thức tự nhiên, hữu cơ; tự trồng rau xanh tận dụng không gian trong gia đình hay ủ phân bón từ thức ăn thừa… cũng đã là sống “xanh” rồi. Những ý tưởng tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu cộng đồng cùng chung tay, mọi người cùng hành động, chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ không hề nhỏ.

Sống “xanh” giờ đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân mà là vấn đề của cả cộng đồng. Sống “xanh” có nghĩa là đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện tại của xã hội mà không phải hy sinh, làm ảnh hưởng đến môi trường sống hay tài nguyên của thế hệ tương lai. Xu hướng sống “xanh” không thể có trong một sớm một chiều mà phải “mưa dầm thấm lâu”. Đừng đổ lỗi cho khách quan mà hãy hướng đến rèn luyện ý thức, hành vi của mỗi người khi hòa mình vào cộng đồng xã hội; đừng vì lợi ích trước mắt mà quên đi giá trị cốt lõi bên trong của mỗi hành động, việc làm.

Có lẽ, chẳng có sự thay đổi nào là dễ dàng, nhất là thay đổi ý thức, lối sống. Hãy cùng nhau xây dựng lối sống “xanh” trở thành phong trào thi đua sôi nổi, trở thành ý thức tự giác trong mỗi người, để xã hội của chúng ta ngày càng văn minh, hiện đại và có một môi trường sống lý tưởng. Nếu chúng ta không biết bảo vệ và gìn giữ môi trường sống trong lành cho mình thì chính chúng ta sẽ là những người thua cuộc. Hãy chung tay vì một lối sống “xanh”!

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác