SBT Ngữ văn 7 Bài tập 1 trang 42, 43 Kết nối tri thức

Bài tập 1. trang 42, 43 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc bài thơ Cây mận của Béc-tôn Brếch (Bertolt Brecht) và thực hiện các yêu cầu:

Góc sân mận nhỏ

Chẳng có quả nào

Sợ người dẫm phải

Đứng trong hàng rào.

Nó mong lớn lắm

Nhưng lớn làm sao

Mặt trời không tới

Cây buồn biết bao.

Mận chưa có quả

Nên chả ai tin.

Đúng là mận đấy

Sờ lá mà xem.

(Béc-tôn Brếch, Thơ trữ tình, Nguyễn Quân dịch, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006, tr. 74)

Câu 1 trang 42 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Thể thơ được người dịch dùng để chuyển ngữ bài thơ của Béc-tôn Brếch là thể thơ gì? Hãy nêu tên một số bài thơ em đã đọc được viết bằng thể thơ tương tự.

Trả lời:

Thể thơ được người dịch dùng để chuyển ngữ bài thơ của Béc-tôn Brếch là thể thơ bốn chữ (12 dòng được chia thành 3 khổ, mỗi dòng đúng 4 âm tiết; dùng vần chân, gieo vần cách quãng; trong mỗi khổ, âm tiết cuối của dòng thứ hai bắt vần với âm tiết cuối của dòng thứ tư).

Các bài thơ đã đọc cùng viết bằng thể thơ bốn chữ, chẳng hạn: Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điểm) trong Ngữ văn 7, tập một và một số bài thơ bốn chữ khác em có thể đã đọc như Làm anh (Phan Thị Thanh Nhàn), Ngôi nhà (Tô Hà), Buổi trưa hè (Huy Cận), Nhớ ơn (Đồng dao), Lượm (Tố Hữu),...

Câu 2 trang 42 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Cây mận nhỏ có cảnh ngộ như thế nào và đã bị đối xử ra sao? Nêu những chi tiết có thể cho biết điều này.

Trả lời:

Cây mận trong bài thơ có một cảnh ngộ khá đặc biệt: đứng ở góc sân, “trong hàng rào”, không thể lớn được vì bị cớm nắng (“Mặt trời không tới”), do vậy, cũng chưa thể có quả (tác giả hai lần nhắc ý này: “Chẳng có quả nào” “Mận chưa có quả”).

Con người đã thờ ơ với cây mận, chính điều đó khiến cây mận rơi vào cảnh ngộ hẩm hiu. Nhưng còn một hẩm hiu khác chồng lên hẩm hiu đã nói: Chả ai tin cây mận là cây mận! Việc dựng hàng rào quanh cây mận để đừng ai dẫm phải không thể hiện sự chăm sóc mà chỉ cho thấy một thái độ quan tâm chiếu lệ, hời hợt. Rõ ràng, cây mận đã không được đối xử đúng cách, phù hợp. Điều đó cũng có nghĩa là cây mận chưa được nhìn nhận như một sinh linh có đời sống riêng của mình.

Câu 3 trang 43 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Sự đồng cảm của nhà thơ đối với cây mận đã được bộc lộ như thế nào? Hãy tìm trong bản dịch những căn cứ cho phép em nêu nhận xét như vậy.

Trả lời:

Các nhà thơ thường được nhìn nhận là người có tố chất khác thường, do biết cảm nhận linh hồn của vạn vật. Cây mận bị người đời quên lãng nhưng nhà thơ thì không quên. Chính việc kể chuyện về cây mận cho thấy điều đó. Dường như nhà thơ đã đặt mình vào vị trí của cây mận để nói ra những ước mong thầm lặng của một sinh linh bé nhỏ “Đứng trong hàng rào”. Dù chỉ đọc bài thơ qua bản dịch, người đọc vẫn có thể thấy rất rõ sự đồng cảm của tác giả với nỗi buồn tủi của cây mận vì sự “Chẳng có quả nào”. Nhà thơ đã thể hiện dòng “tâm trạng” của cây mận, từ hi vọng, thấp thỏm (mong lớn lắm) đến hãng hụt (lớn làm sao, buồn biết bao) rồi lại hi vọng (Sờ lá mà xem), như thể nói về tâm trạng của chính mình. Có thể khẳng định rằng, việc tự đồng nhất mình với cây mận đã giúp nhà thơ thể hiện được điều cần nói một cách đầy ám ảnh và thuyết phục.

Câu 4 trang 43 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Theo em, khi đọc bài thơ, độc giả có thể nghĩ tới những điều gì khác ngoài câu chuyện về cây mận?

Trả lời:

Bài thơ tưởng như chỉ viết về cây mận nhưng sự thực thì không phải thế. Chuyện cây mận chỉ là một cái cớ để nhà thơ bộc lộ sự quan tâm, thương yêu, xót xa những thân phận không may mắn, những kiếp đời bé nhỏ trong xã hội và mong điều tốt đẹp đến với họ. Nếu biết thêm rằng đây là bài thơ được in trong một tập thơ viết cho thiếu nhi, người đọc càng có cơ sở để nối kết những điều được “kể” trực tiếp trong bài Cây mận với mối quan tâm của tác giả về thái độ cần có đối với trẻ em - những tâm hồn trong trắng đầy niềm hi vọng vào cuộc đời, luôn muốn được mọi người quan tâm, thấu hiểu.

Câu 5 trang 43 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nêu nhận xét của em về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hình tượng trong thơ trữ tình và hình tượng trong thơ ngụ ngôn qua việc kết nối bài thơ Cây mận với những truyện ngụ ngôn đã được học ở bài 6.

Trả lời:

Đều cùng thuộc nghệ thuật ngôn từ nên hình tượng trong thơ ngụ ngôn và hình tượng trong thơ trữ tình có những điểm chung:

- Tái hiện các quan hệ đời sống thông qua những con người, nhân vật, tình huống, sự việc cụ thể, giúp người đọc có thể thấy, nghe, nếm trải mọi cung bậc của cuộc đời một cách thuận lợi.

- Luôn bộc lộ quan niệm nhân sinh độc đáo, đưa lại cho người đọc nhiều suy ngẫm, cảm xúc mới mẻ.

Tuy nhiên, do đặc điểm loại hình quy định, giữa hình tượng trong thơ ngụ ngôn và hình tượng trong thơ trữ tình có những điểm khác biệt:

- Hình tượng trong thơ ngụ ngôn thường được tổ chức theo quan hệ lô-gíc, dẫn dắt người đọc đi tới một bài học tương đối rõ ràng, xác định. Có khi phần bài học được chính tác giả nêu lên ở cuối tác phẩm, có liên hệ chặt chẽ với toàn bộ diễn biến câu chuyện được kể.

- Hình tượng trong thơ trữ tình mang tính đa nghĩa, là kết quả của những liên tưởng, liên hệ phóng khoáng, bất ngờ, có thể gợi lên nhiều suy ngẫm, cảm xúc khác nhau. Tuỳ tâm trạng khi đọc và trải nghiệm riêng, mỗi người đọc có thể nhận được từ hình tượng thơ trữ tình những thông điệp không giống với ai khác.

Câu 6 trang 43 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Dựa vào những gợi mở từ bài thơ, hãy viết đoạn văn (khoảng 7 - 10 câu) nói về ý nghĩa của sự đồng cảm trong cuộc sống.

Trả lời:

Bài tập nêu định hướng viết thông qua một từ khoá là đồng cảm. Khi viết, em có thể tổ chức đoạn văn xoay quanh việc trả lời các câu hỏi: Thế nào là đồng cảm? Sự đồng cảm có thể giúp đời sống tinh thần của ta được phát triển phong phú như thế nào? Ý nghĩa mà sự đồng cảm mang lại cho việc kết nối mỗi cá nhân với xã hội, với cuộc đời là gì?

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Trong bất kì thời điểm nào, đồng cảm và sẻ chia luôn là hai điều cần thiết giúp con người vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống khắc nghiệt. Trong mùa dịch covid này, ta đã được chứng kiến rất nhiều những tấm lòng cao cả của sự sẻ chia, như câu chuyện về cây ATM gạo cung cấp gạo miễn phí cho người nghèo, hay những cá nhân, tổ chức đã quyên góp tiền của, thiết bị y tế.. cho tuyến đầu chống dịch. Và tất cả sự đồng cảm sẻ chia đó đều mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó tiếp thêm sức mạnh giúp con người vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin vào cuộc sống, thể hiện tình người và lòng nhân ái cao cả, qua đó phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách bao đời nay của ông cha ta. Nhờ vậy sẽ xây dựng được một xã hội ngày càng văn minh tốt đẹp, tràn đầy tình yêu thương, tiếp thêm niềm tin để những mảnh đời yếu thế không bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên trong xã hội hiện nay vẫn còn một bộ phận người mắc bệnh vô cảm, có lối sống ích kỉ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, cần phải được lên án, phê phán mạnh mẽ. Là một học sinh, ta cần nhận thức rõ vai trò của đồng cảm và sẻ chia ngay từ bây giờ, từ đó học cách chia sẻ với những người xung quanh, có những hành động thiết thực như quyên góp sách vở, quần áo cũ cho trẻ em vùng cao, giúp những người đang trong hoàn cảnh khó khăn ta gặp hàng ngày, mở lòng và lắng nghe nhiều hơn với những người xung quanh.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác