SBT Ngữ văn 12 Kết nối tri thức Bài tập 6 trang 12

Với giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 6 trang 12 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Bài tập 6 trang 12 SBT Ngữ văn 12 Tập 1: Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu:

Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt

Như đón từ xa một ý thơ.

 

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu...

 

Hàng thông lấp loáng đứng trong im

Cành lá in như đã lặng chìm

Hư thực làm sao phân biệt được.

Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

 

Cả trời say nhuộm một màu trăng

Và cả lòng tôi chẳng nói rằng

Không một tiếng gì nghe động chạm

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...

(Hàn Mặc Tử – Gái quê, Chơi giữa mùa trăng, Đau thương, Xuân như ý,

NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995, tr. 44)

Câu 1 trang 12 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Xác định mạch cảm xúc của bài thơ.

Trả lời:

Mạch cảm xúc bài thơ:

- Những cảm nhận ban đầu khi đến với Đà Lạt;

- Cảm xúc tinh tế trước thiên nhiên Đà Lạt;

- Cảm nhận về không gian của Đà Lạt như trong cõi mộng;

- Tiếng lòng thi nhân giữa không gian trăng Đà Lạt.

Câu 2 trang 12 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Phân tích những hình ảnh thể hiện nét đặc trưng của không gian Đà Lạt trong bài thơ.

Trả lời:

- Như tên của bài thơ Đà Lạt trăng mờ, đây là những cảm nhận của tác giả về Đà Lạt trong một đêm trăng. Không gian Đà Lạt mở ra với nét đặc trưng “Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!”, một Đà Lạt đã trở thành nỗi đắm say của biết bao người. Cảnh thực mà như mơ bàng bạc xuyên suốt mạch cảm xúc của bài thơ và thấm vào từng hình ảnh thơ.

- Có thể chọn những hình ảnh tiêu biểu trong từng khổ thơ để phân tích nét đặc trưng của không gian Đà Lạt. Chẳng hạn, một Đà Lạt mộng mơ đẹp như một bài thơ “Như đón từ xa một ý thơ”, Đà Lạt của những cảm xúc thanh tân “xem trời giải nghĩa yêu” Đà Lạt như trong cõi mộng “Hư thực làm sao phân biệt được khiến cho lòng người đắm say “Cả trời say nhuộm một màu trăng”. Những hình ảnh trong bài thơ đã khơi lên trong người đọc nhiều cảm xúc về vẻ đẹp và sự hấp dẫn kì lạ của không gian đất trời Đà Lạt.

Câu 3 trang 12 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Theo bạn, “phút thiêng liêng” được nhắc đến ở câu thơ thứ nhất đã “khởi đầu” cho những tình cảm, cảm xúc gì của nhà thơ với Đà Lạt?

Trả lời:

Có thể thấy trong bài thơ, tác giả đã gửi tình cảm, cảm xúc của mình vào từng hình ảnh, từng cảnh sắc. Nhà thơ đã dành cho Đà Lạt những tình cảm, cảm xúc thật đặc biệt, khoảnh khắc đến với Đà Lạt được coi là một “phút thiêng liêng cấp độ cao và sâu nhất của niềm cảm xúc trào dâng.

Do vậy, Đà Lạt trong bài thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử không chỉ là một thành phố mộng mơ đã từng làm say đắm biết bao người, mà còn mang những nét riêng khi thể hiện tiếng lòng của thi nhân, đó là một Đà Lạt “huyền mơ đến mộng mi chuếnh choáng, một thế giới thơ “lặng thinh” mà ở đó thi nhân không chỉ nhìn bằng mắt mà đã lắng nghe bằng tất cả tâm hồn.

Câu 4 trang 12 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Phân tích hiệu quả của một biện pháp tu từ đặc sắc được sử dụng trong bài thơ.

Trả lời:

Một trong những nét đặc sắc của bài thơ là sử dụng một số biện pháp tu từ trong đó nổi bật là biện pháp nhân hoá, điệp ngữ, so sánh,... Có thể chọn một biện pháp tu từ mà mình ấn tượng và phân tích tác dụng, hiệu quả của biện pháp đó. Chẳng hạn, biện pháp nhân hoá “trăng sao đắm đuối”, “trời giải nghĩa yêu hàng thông “đứng trong im”; biện pháp điệp ngữ “để nghe”, “để xem”, “cả lòng tôi “cả trời say”,..; biện pháp so sánh “như đón từ xa”, “cành lá in như đã lặng chìm” vừa có tác dụng tái hiện tinh tế, sinh động cảnh sắc đất trời Đà Lạt, vừa gửi trong đó những cung bậc tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.

Câu 5 trang 12 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Bài thơ được viết theo phong cách gì? Chỉ ra một số biểu hiện của phong cách đó.

Trả lời:

Để nhận ra phong cách thơ Hàn Mặc Tử qua bài thơ Đà Lạt trăng mờ, cần kết nối nội dung được gợi ra từ những câu đã trả lời ở trên, có thể so sánh bài thơ này với bài Thề non nước của Tản Đà và vận dụng tri thức ngữ văn có liên quan đến bài học.

Những cảm xúc tinh tế của cái tôi nội cảm, một thế giới thơ hiện về như trong một giấc mơ huyền bí, mạch thơ tuôn trào theo những liên tưởng tự do của chủ thể trữ tình, hệ thống hình ảnh trong thơ với những tầng bậc ý nghĩa phong phú và khơi gợi nhiều chiều cảm nhận của người đọc,... là những biểu hiện của phong cách thơ Hàn Mặc Tử – nhà thơ lãng mạn.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 2: Những thế giới thơ hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác