SBT Ngữ văn 12 Kết nối tri thức Bài tập 2 trang 14

Với giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 2 trang 14 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Bài tập 2 trang 14 SBT Ngữ văn 12 Tập 1: Đọc lại văn bản Nhìn về vốn văn hoá dân tộc của Trần Đình Hượu trong SGK Ngữ văn 12, tập một (tr. 65), đoạn từ “Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo” đến “chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 14 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Đoạn văn đề cập những đặc điểm nào của văn hoá truyền thống Việt Nam? Nhận xét về cấu trúc và nội dung của đoạn văn.

Trả lời:

Trong đoạn văn, tác giả đề cập một số đặc điểm sau đây của văn hoá Việt Nam:

– Người Việt Nam ít có tinh thần tôn giáo.

– Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao.

– Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa.

– Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ.

– Trong tâm trí nhân dân thường có Thần, Bụt mà không có Tiên.

– Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo.

– Không dễ hoà hợp với cái mới, cái khác mình, nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng.

Về mặt cấu trúc, đoạn văn không có câu chủ đề, các câu quan hệ với nhau theo kiểu song song (mỗi câu biểu đạt một ý gắn với một đặc điểm của văn hoá truyền thống Việt Nam). Mỗi ý như vậy hoàn toàn có thể triển khai thành một đoạn văn riêng, tuy nhiên, ở đây, tác giả đã thâu gộp lại, khiến cho đoạn văn có tính hàm súc, tuy ngắn gọn nhưng rất phong phú về nội dung.

Câu 2 trang 14 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Đoạn văn chủ yếu nêu thông tin khách quan hay ý kiến chủ quan của người viết? Điều đó có tác động như thế nào đối với người đọc?

Trả lời:

Ở đoạn văn này, tác giả chủ yếu đưa ra nhận định của mình về các đặc điểm nổi bật của văn hóa truyền thống Việt Nam (như đã nêu ở phần trả lời câu 1), Phần lớn đó là các ý kiến chủ quan, do tác giả tự khái quát từ kết quả nghiên cứu của mình. Tất cả đều được diễn đạt bằng lời văn có màu sắc khẳng định mạnh mẽ, chắc chắn. Chọn hình thức diễn đạt hàm súc như vậy, tác giả muốn đúc kết những suy nghĩ sâu sắc qua quá trình khảo cứu cẩn trọng. Tuy nhiên, những nhận định mới mẻ, táo bạo như vậy rõ ràng tác động mạnh đến suy nghĩ của người đọc theo nhiều chiều: có thể khích lệ những người có tư tưởng mới hoặc “khiêu khích” những nếp nghĩ quen thuộc một thời, và dù theo chiều hướng nào thì cũng luôn để ngỏ khả năng đối thoại thẳng thắn, thiện chí, nghiêm túc.

Câu 3 trang 14 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Nêu suy nghĩ của bạn về một trong các ý kiến sau của tác giả: “Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo”; “Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ”; “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo”.

Trả lời:

Câu nói của Trần Đình Hượu “Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ” là một góc nhìn sâu sắc và đầy tính nhân văn về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Thể hiện ở hai vế: 

“Dân tộc chống ngoại xâm liên tục”: trải qua cả nghìn năm lịch sử đấu tranh triền miên từ thời vua Hùng đến các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, dân tộc ta vẫn một lòng nồng nàn yêu nước, thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền.

“Nhưng không thượng võ”: 

+ Khác biệt với tư tưởng thượng võ: Thượng võ thường gắn liền với việc coi trọng vũ lực, đề cao chiến tranh và coi thường hòa bình.

+ Giá trị nhân văn sâu sắc: Câu nói của Trần Đình Hượu muốn nhấn mạnh rằng, dù phải đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh, nhưng dân tộc ta không hề coi trọng chiến tranh. Chúng ta luôn hướng tới hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Câu 4 trang 14 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Những đặc điểm của văn hoá truyền thống Việt Nam mà tác giả nêu ở đoạn văn trên có phải là ưu điểm không? Vì sao?

Trả lời:

Những đặc điểm của văn hoá truyền thống Việt Nam được nêu ở đoạn văn là kết quả quá trình khảo cứu của tác giả. Khi trình bày điều đó, tác giả không bày tỏ thái độ đề cao hay hạ thấp. Từ góc độ người đọc, có thể thấy tác giả đã chỉ ra những đặc điểm mang tính chất cố hữu của văn hoá Việt Nam, thể hiện tinh thần thực tế, sự chừng mực, vừa phải trong ứng xử của người Việt ở các mối quan hệ. Những đặc điểm đó làm nên bản sắc, quyết định sự tồn tại của người Việt trong tiến trình lịch sử, khó có thể xem là ưu điểm hay nhược điểm. Nó chỉ có giá trị khu biệt khi đặt trong tương quan với văn hoá truyền thống của các dân tộc khác.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 3: Lập luận trong văn bản nghị luận hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác