SBT Ngữ văn 12 Cánh diều Tây Tiến

Với giải sách bài tập Văn 12 Tây Tiến sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Câu 1 trang 45 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: (Câu hỏi 1, SGK) Lúc đầu, bài thơ có nhan đề là Nhớ Tây Tiến, sau đó, tác giả đổi thành Tây Tiến. Theo em, sự thay đổi đó có tác dụng gì?

Trả lời:

 Lúc đầu, bài thơ có nhan đề là Nhớ Tây Tiến, sau đó, tác giả đổi thành Tây Tiến. Theo em, sự thay đổi đó có tác dụng:

– Lược bỏ từ “nhớ” làm cho ý thơ đỡ lộ. Không cần có từ “nhớ”, người đọc vẫn cảm nhận được nỗi nhớ bao trùm cả bài thơ.

– Bỏ đi từ “nhớ”, nhan đề bài thơ ngắn gọn, chỉ còn hai chữ “Tây Tiến”. Sự tập trung chú ý dồn vào hai chữ “Tây Tiến”, vừa cô đọng, vừa có sức lan toả: Tây Tiến là đơn vị chiến đấu, là người lính, là điểm xuất phát và cũng là điểm về cảm, nỗi nhớ của nhà thơ.

Câu 2 trang 46 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Kết cấu bài thơ Tây Tiến có gì đáng lưu ý? Kết cấu đó có liên quan như thế nào với mạch cảm xúc của bài thơ?

Trả lời:

Bài thơ có kết cấu bốn đoạn:

- Đoạn 1 (từ “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!” đến “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”): Qua nỗi nhớ của tác giả hiện lên cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và hình ảnh đoàn quân Tây Tiến với những cuộc hành quân gian khổ nhưng thắm thiết tình quân dân.

- Đoạn 2 (từ “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” đến “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”): Những kỉ niệm tuyệt đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan văn nghệ và vẻ đẹp thơ mộng của cảnh sông nước Tây Bắc.

- Đoạn 3 (từ “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” đến “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”): Trực tiếp tập trung khắc hoạ hình tượng người lính với vẻ đẹp lãng mạn và bị tráng.

- Đoạn kết (từ “Tây Tiến người đi không hẹn ước” đến “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”): Nhớ lại lời thề trước buổi lên đường, dù xa đơn vị vẫn gửi lòng mình mãi gắn bó với Tây Tiến, với miền Tây.

Kết cấu bài thơ như gợi lên những đợt sóng tình cảm tiếp nối: trào dâng ở đoạn I, nhẹ nhàng, lắng đọng ở đoạn 2, tiếp tục tuôn trào, mạnh mẽ ở đoạn 3 để rồi sâu lắng ở đoạn kết.

Câu 3 trang 46 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Phân tích tác dụng của hình tượng thiên nhiên trong việc thể hiện hình tượng người lính Tây Tiến.

Trả lời:

Cảnh thiên nhiên Tây Bắc mang vẻ đẹp lãng mạn, là bối cảnh làm nổi bật, tôn lên vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng của chiến binh Tây Tiến.

− Ở đoạn 1 là hình ảnh thiên nhiên với vẻ đẹp lãng mạn dữ dội, hùng vĩ khác thường: đèo cao sương lấp, “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thăm”, “heo hút cồn mây”, “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”...; với cảnh núi rừng huyền bí, hung dữ “thác gầm thét”, “cọp trêu người”. Trên nền bối cảnh thiên nhiên đó, người lính xuất hiện với vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng: những chặng đường hành quân đầy gian khổ, hi sinh là những thử thách của thiên nhiên và người lính đã vượt qua tất cả với lòng dũng cảm, với tinh thần lạc quan. Tâm hồn lãng mạn của người lính còn thể hiện qua nỗi nhớ thắm thiết tình quân dân: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.

- Ở đoạn 2 là hình ảnh thiên nhiên với vẻ đẹp lãng mạn thơ mộng, huyền ảo: cảnh núi rừng trong đêm liên hoan văn nghệ như “hội đuốc hoa”, cảnh sông nước Tây Bắc trong không gian mờ ảo của màn sương giăng, trong thời gian buổi chiều tĩnh lặng, đôi bờ phơ phất ngàn lau, những bông hoa “đong đưa” trên mặt nước,... Bối cảnh thiên nhiên lãng mạn làm nền tương ứng với hình ảnh lãng mạn của chiến binh Tây Tiến: đắm say trong những điệu múa, điệu khèn của các thiếu nữ người dân tộc, nhớ về hình ảnh các cô gái vùng cao duyên dáng trên những con thuyền độc mộc: “Có nhớ dáng người trên độc mộc / Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

Câu 4 trang 46 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: (Câu hỏi 4, SGK) Phân tích vẻ đẹp lãng mạn và chất bi tráng của hình tượng người lính trong đoạn thơ “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc ... Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Trả lời:

Có thể phân tích vẻ đẹp lãng mạn và chất bi tráng của người lính qua kết cấu của đoạn thơ:

– Bốn câu thơ đầu: Vẻ đẹp lãng mạn của người lính qua dáng vẻ và đời sống tâm hồn.

+ Dáng vẻ oai phong lẫm liệt khác thường: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùm”.

Quang Dũng không hề che giấu những gian khổ, thiếu thốn ghê gớm mà người lính Tây Tiến phải chịu đựng. Nhưng sự thật nghiệt ngã được lãng mạn hoá tạo nên ở họ vẻ oai phong, lẫm liệt khác thường. Sự thực người lính Tây Tiến đầu không mọc tóc do sốt rét rụng tóc hoặc do họ tự cạo trọc đầu để thuận tiện khi đánh giáp lá cà. Sự thật người lính Tây Tiến “da xanh màu lá” cũng do bệnh sốt rét, do thiếu ăn, thiếu ngủ. Thế nhưng “đoàn binh không mọc tóc” lại gợi cảm hứng về một vẻ đẹp dữ dội khác thường và “màu lá” gợi cảm hứng về màu của rừng xanh, đã tạo liên tưởng đầy chất lãng mạn: người lính oai phong, lẫm liệt như mãnh hổ ngự trị chốn rừng thiêng.

+ Đời sống tâm hồn với nhiều “mộng” và “mơ”. “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Quang Dũng thể hiện rất đúng “chất lính” của những người học sinh, trí thức Thủ đô ra đi kháng chiến. Gian khổ, thiếu thốn không làm giảm phong độ hào hoa của họ. Người lính Tây Tiến mang vào cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc cả cái hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội. Người lính mộng chiến công truy kích giặc biên giới Việt – Lào. Các chiến binh “mắt trừng” để nhìn về phía kẻ thù, để nêu tinh thần cảnh giác, để mài sắc quyết tâm chiến đấu. Người lính ra đi từ trường xưa, phố cũ nên họ nhớ về kỉ niệm là nhớ về một tà áo trắng, một mái tóc thề, một đôi mắt huyền, nhớ về một “dáng kiều thơm”.

- Bốn câu thơ sau: Vẻ đẹp lãng mạn và bị tráng của người lính qua tư thế ra đi vì lí tưởng và sự hi sinh cao đẹp.

+ Tư thế ra đi vì lí tưởng của người lính được gợi tả trong những câu thơ đầy chất lãng mạn và tinh thần bị tráng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ / Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Cái bi thương được gợi lên qua hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới nhưng khung cảnh không hiện lên một cách thê lương. Cảm giác bị thương bị mờ đi bởi lí tưởng xả thân quên mình vì Tổ quốc của người lính: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Hai từ “chẳng tiếc” đặt giữa câu thơ thể hiện tư thế ra đi coi cái chết nhẹ tựa lông hồng của những người “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. “Đời xanh” là tuổi trẻ với bao hoa mộng. Đẹp là thế, hứa hẹn nhiều là thế nhưng “chẳng tiếc”, sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc.

+ Cái chết của người lính mang vẻ đẹp bi tráng: “Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Sự thật bi thảm: Những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có cả đến mạnh chiếu che thân, qua cái nhìn của Quang Dũng lại được bao bọc trong những tấm chiến bào sang trọng (có cách hiểu khác: áo bào thay bằng chiếu hay là lấy chiếu thay cho áo bào). Cái bị thương vợi đi nhờ cách nói giảm (“anh về đất”) và rồi bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã. Người lính ra đi không có tiếng kèn đưa tiễn của đoàn quân nhạc thì đã có tiếng gầm của dòng sông quê hương. Cả đất trời nghiêng mình tiễn biệt anh. Anh ra đi trong những âm hưởng vừa dữ dội, vừa hào hùng của thiên nhiên

Câu 5 trang 46 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: (Câu hỏi 5, SGK) Bài thơ Tây Tiến đậm chất nhạc, chất hoạ, có cách kết hợp từ mới lạ, độc đáo. Hãy phân tích những thành công nghệ thuật đó.

Trả lời:

Bài thơ Tây Tiến đậm chất nhạc, chất hoạ, có cách kết hợp từ mới lạ, độc đáo.

- Chất nhạc được gợi lên từ âm hưởng, giọng điệu thể hiện nỗi nhớ da diết qua cách cách dùng từ: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! / Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi” (Từ “ơi” kết hợp với từ láy “chơi vơi” tạo nên âm hưởng thiết tha âm vang trong lòng người đọc). Việc phối hợp thanh điệu góp phân tạo nên nhạc điệu của bài thơ. Dòng thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” với nhiều thanh trắc, đọc lên nghe như thấy được tiếng thở nặng nhọc của người chiến sĩ sau chặng đường vượt dốc. Trong khi đó, dòng thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại toàn thanh bằng làm cho nhịp thơ như trầm xuống, thể hiện sự thư thái sau những phút giây vất vả. Nhạc điệu gợi lên từ âm thanh của tiếng khèn: “Khèn lên man điệu nàng e ấp”, từ sự trầm trồ, ngỡ ngàng của người lính trẻ khi bất ngờ nhận ra vẻ đẹp của những thiếu nữ người dân tộc: “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”.

- Chất hoạ được tạo nên từ một cây bút thơ giàu chất tạo hình. Cách phối hợp thanh điệu, nhịp điệu dòng thơ gợi lên hình ảnh. Với bốn câu thơ: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm [...] Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, tác giả đã vẽ lên bức tranh hoành tráng, thể hiện sự hùng vĩ, hiểm trở và dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc. Những từ mang giá trị tạo hình cao: khúc khuỷu, thăm thẳm, cồn mây, súng ngửi trời đã diễn tả thật đắc địa sự hiểm trở, trùng điệp và độ cao ngất trời của núi rừng miền Tây Tổ quốc. Núi cao tưởng chừng chạm mây, mây nổi thành cồn heo hút, người lính trèo lên những ngọn núi, mũi súng như chạm tới đỉnh trời. Thủ pháp đối lập được khai thác triệt để ở dòng thơ thứ ba. Nhịp điệu dòng thơ như bẻ đôi, từ ngữ, hình ảnh đối lập nhau: ngàn thước lên cao ngàn thước xuống, diễn tả dốc vút lên đổ xuống gần như thẳng đứng. Dòng thơ gây cho độc giả cảm giác được “chơi” một trò bập bênh đến chóng mặt. Ba dòng trên nhiều thanh trắc tạo sự chắc khoẻ, gân guốc. Dòng thứ tư toàn thanh bằng tạo nên sự mênh mang, mềm mại. Từ góc độ hội hoạ có thể thấy rằng: giữa những nét vẽ gân guốc, khoẻ khoắn là một nét vẽ thanh nhẹ làm dịu mát cả bức tranh.

Bài thơ Tây Tiến có những cách dùng từ và kết hợp từ mới lạ. Các em có thể nêu và phân tích một số ví dụ: “Nhớ chơi vơi” (Từ “chơi vơi” như vẽ ra trạng thái cụ thể của nỗi nhớ, hình tượng hoá nỗi nhớ: mênh mang nhưng sâu lắng. Đây là nỗi nhớ chênh chao giữa đôi bờ hư và thực). “Hoa về trong đêm hơi” (Nếu là “hoa nở” thì chỉ gợi lên hình ảnh của hoa còn “hoa về” thì vừa gợi lên hình ảnh hoa, vừa gợi lên hình bóng con người; Nếu là “đêm sương” thì đơn thuần là tả thực, còn “đêm hơi” thì gợi lên cả cái hồn của cảnh vật đậm chất thơ). “Súng ngửi trời” (Hai chữ “ngửi trời” được dùng rất tự nhiên và cũng rất táo bạo, vừa ngộ nghĩnh, vừa có tính chất tinh nghịch của người lính). “Hoa đong đưa” (Nếu là “hoa đung đưa” thì đơn thuần là chuyên động vật lí, còn “hoa đong đưa” là trạng thái tâm hồn, hoa cũng như người thiếu nữ chèo thuyền độc mộc làm duyên, làm dáng trên gương nước chòng chành), v.v.

Câu 6 trang 46 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Phân tích sự giống nhau và khác nhau của hình tượng người lính qua hai đoạn thơ sau:

- Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e áp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(Quang Dũng, Tây Tiến)

 

- Ba năm rồi gửi lại quê hương

Mái lều gianh,

Tiếng mõ đêm trường,

Luống cày đất đỏ

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya.

Chúng tôi đi

Nắng mưa sờn mép ba lô,

Tháng năm bạn cùng thôn xóm.

Nghỉ lại lưng đèo

Nằm trên dốc nắng

Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng

Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.

 (Hồng Nguyên, Nhớ)

Trả lời:

So sánh

Đoạn thơ (bài Tây Tiến) – Đoạn thơ (bài Nhớ)

Giống nhau

– Viết về người lính trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

– Viết về đời sống tâm hồn.

+ Nỗi nhớ của người lính trên đường đi chiến đấu.

+ Thể hiện tinh thần lạc quan của người lính trong cuộc sống khó khăn, gian khổ.

Khác nhau

Đoạn thơ (bài Tây Tiến)

Đoạn thơ (bài Nhớ)

– Nỗi nhớ thể hiện tâm hồn hào hoa, lãng mạn của người lính xuất thân từ học sinh, sinh viên, ra đi từ Thủ đô Hà Nội.

– Tinh quân dân thắm thiết.

– Nỗi nhớ về quê hương chân thực, bình dị của người lính xuất thân từ làng quê.

– Tình đồng chí, tình quân dân sâu nặng.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 4: Văn tế, thơ hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 12 Cánh diều khác