Thông tư hướng dẫn xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp trên internet số 11-2015-TT-BKHCN mới nhất
Thông tư hướng dẫn xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp trên internet số 11-2015-TT-BKHCN
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ -------
Số: 11/2015/TT-BKHCN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2015 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 99/2013/NĐ-CP NGÀY 29/8/2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ);
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 (sau đây gọi tắt là Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi);
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 (sau đây gọi tắt là Nghị định 105/2006/NĐ-CP sửa đổi);
Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26/02/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định 99/2013/NĐ-CP).
2. Đối tượng áp dụng:
a) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
b) Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
c) Các đối tượng khác có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Điều 2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, gồm:
a) Công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài;
b) Hộ kinh doanh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật đăng ký kinh doanh.
2. Tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp;
b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
c) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
d) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư;
đ) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định pháp luật.
Điều 3. Hình thức xử phạt bổ sung
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 3 và Điểm a Khoản 12 Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được áp dụng đối với vi phạm do lỗi cố ý và có một trong các căn cứ sau đây:
1. Khi thấy cần thiết để đảm bảo tang vật, phương tiện vi phạm không bị tiêu hủy, tẩu tán, thay đổi hiện trạng hoặc ngăn ngừa khả năng dẫn đến hành vi vi phạm tiếp theo.
2. Hàng hóa không xác định được người vi phạm.
Điều 4. Các biện pháp khắc phục hậu quả
1. Biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được thực hiện như sau:
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm được áp dụng đối với tang vật, phương tiện vi phạm là sản phẩm, hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch gắn dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn.
Phương pháp loại bỏ có thể tiến hành bằng một hoặc nhiều phương thức như: gỡ bỏ, tháo, cắt, xoá, mài hoặc các biện pháp thích hợp khác để loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi tang vật, phương tiện vi phạm.
b) Buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền được áp dụng trong trường hợp bên yêu cầu xử lý vi phạm và bên bị yêu cầu xử lý vi phạm không đạt được thoả thuận theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 99/2013/NĐ-CP và bên bị yêu cầu xử lý vi phạm không chấm dứt hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền vi phạm.
c) Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp được áp dụng khi bên bị yêu cầu xử lý vi phạm không chấm dứt hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm hoặc không tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp xâm phạm theo thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc theo thỏa thuận của của các bên.
2. Buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được áp dụng đối với:
a) Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; tem nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tem, nhãn, vật phẩm mang yếu tố vi phạm;
b) Hàng hóa không còn giá trị sử dụng;
c) Hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường;
d) Hàng hóa mà yếu tố xâm phạm không thể loại bỏ ra khỏi hàng hóa hoặc việc loại bỏ không đảm bảo ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm hoặc không thể áp dụng được các biện pháp xử lý khác.
3. Đối với hàng hóa vi phạm, nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất hàng hoá vi phạm, tang vật, phương tiện vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá và các tình tiết, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của vụ việc để quyết định biện pháp xử lý phù hợp, có tham khảo ý kiến của chủ thể quyền, người yêu cầu xử lý vi phạm và tổ chức, cá nhân liên quan.
Sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi hàng hóa, cơ quan xử lý vi phạm có thể:
a) Cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm tận dụng hàng hóa, nguyên vật liệu để làm nguyên vật liệu sản xuất hàng hoá khác hoặc cho phép phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng đến khả năng khai thác của chủ thể quyền, trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội; hoặc
b) Bán đấu giá để sung công quỹ hoặc các biện pháp khác theo đề nghị và thoả thuận của các bên liên quan phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định 105/2006/NĐ-CP sửa đổi.
4. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm h Khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được áp dụng khi có hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp lệ chứng minh tổ chức, cá nhân đó đã thực hiện hành vi vi phạm (có số lượng, giá trị hàng hóa vi phạm kèm theo) và hàng hóa vi phạm đã được phát hiện đến thời điểm thanh tra, kiểm tra.
Số tiền thu lợi bất hợp pháp được nộp vào Kho bạc Nhà nước tương tự như thủ tục nộp tiền phạt theo quyết định xử phạt hành chính. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử phạt có tài khoản tạm thu mở tại Kho bạc Nhà nước thì tiền thu lợi nói trên được nộp vào tài khoản tạm thu của cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Định kỳ, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm nộp lại cho Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
5. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5. Xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm theo quy định tại Điều 4 Nghị định 99/2013/NĐ-CP
1. Việc xác định tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm tại thời điểm vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định 99/2013/NĐ-CP được tính theo công thức sau:
Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ vi phạm nhân (x) đơn giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm tại thời điểm vi phạm hành chính.
2. Việc xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm tuân theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
Trường hợp có căn cứ cho rằng giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu nêu tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 99/2013/NĐ-CP là không trung thực thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng giá theo thứ tự ưu tiên tiếp theo quy định tại các điểm b, c Khoản 1 Điều 4 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
3. Trường hợp không có căn cứ áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều này thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
4. Trường hợp tại thời điểm thanh tra không phát hiện được tang vật là hàng hóa, dịch vụ vi phạm làm cơ sở cho việc xác định khung phạt, thẩm quyền xử phạt nhưng có chứng cứ chứng minh tổ chức, cá nhân đã thực hiện hành vi vi phạm và vẫn còn trong thời hiệu xử phạt, thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng Khoản 14 Điều 11, Khoản 11 Điều 12, Khoản 14 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP để xử phạt.
Điều 6. Xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính
1. Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi ích mà tổ chức, cá nhân thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính, gồm:
a) Tiền;
b) Giấy tờ có giá;
c) Tài sản khác.
2. Xác định số lợi bất hợp pháp là tiền:
a) Căn cứ để xác định số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp mà có bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật nhân (x) đơn giá.
Số lượng hàng hóa hoặc khối lượng dịch vụ đã thực hiện được xác định trên cơ sở kê khai của tổ chức, cá nhân vi phạm và kiểm tra, xác minh của người có thẩm quyền.
Đơn giá được xác định trên cơ sở hồ sơ, chứng từ của tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tương tự.
Trường hợp không xác định được số lượng, khối lượng, đơn giá thì số lợi bất hợp pháp thu được là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi vi phạm.
b) Trường hợp chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật hàng hóa là hàng cấm, hàng lậu, hàng giả hoặc cung cấp dịch vụ kinh doanh có điều kiện: số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật nhân (x) đơn giá;
c) Ngoài hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điểm b Khoản này, trường hợp chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật hàng hóa hoặc dịch vụ khác: số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm thu được bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật nhân (x) đơn giá trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ (nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó).
3. Trường hợp không có căn cứ để xác định được số lợi bất hợp pháp là tiền theo quy định tại Khoản 2 Điều này thì số lợi bất hợp pháp được xác định là giấy tờ có giá hoặc tài sản khác.
Số lợi bất hợp pháp là giấy tờ có giá hoặc tài sản khác được xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM BỊ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH
Mục 1. Hành vi vi phạm quy định về quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp
Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP
1. Hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là việc sử dụng thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó tuy đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ đã bị huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ, ví dụ:
a) In trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ như: “nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu đã được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của…”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ ® (chỉ dẫn về việc nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu);
b) In trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì sản phẩm, hàng hóa chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp như: “sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp”, “sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ độc quyền sáng chế”, “sản phẩm được sản xuất từ quy trình được bảo hộ sáng chế của…”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ “P” hoặc “Patent” cùng các chữ số (chỉ dẫn về việc sản phẩm được cấp Patent - Bằng độc quyền sáng chế).
2. Hành vi chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là:
a) Hành vi chỉ dẫn sai là hành vi ghi trên hàng hóa hàng chữ “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự như vậy, bất kể bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, nhưng chưa được chuyển quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
b) Hành vi không ghi chỉ dẫn là hành vi không ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa chỉ dẫn về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 7 Nghị định 99/2013/NĐ-CP
1. Hành vi “đồng thời là đại diện cho các bên tranh chấp với nhau về quyền sở hữu công nghiệp” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện một hoặc một số dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ cho cả bên yêu cầu xử lý và bên bị yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong cùng một vụ việc;
b) Thực hiện một hoặc một số dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ cho bên thực hiện thủ tục phản đối, yêu cầu huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, xử lý vi phạm trong khi đang là đại diện cho người nộp đơn, chủ văn bằng bảo hộ thực hiện các thủ tục liên quan đến xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong cùng một vụ việc.
2. Hành vi cố ý cản trở việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người có quyền và lợi ích liên quan quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 7 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là một trong các hành vi sau đây:
a) Cố tình trì hoãn việc nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đơn yêu cầu xử lý vi phạm và các tài liệu, hồ sơ khác trong quá trình xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của bên được đại diện mà không có lý do chính đáng;
b) Đưa các thông tin không chính xác về tình trạng pháp lý của văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đơn yêu cầu xử lý vi phạm và các tài liệu, hồ sơ khác trong quá trình xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của chủ văn bằng;
c) Gửi đơn thư liên quan đến xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp không có căn cứ pháp luật nhằm làm chậm tiến trình giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần cho người có quyền và lợi ích liên quan;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của đại diện sở hữu công nghiệp.
3. Đại diện sở hữu công nghiệp có sai phạm nghiêm trọng trong khi hành nghề đại diện làm thiệt hại đến lợi ích của nhà nước hoặc xã hội quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 7 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng ký sáng chế mật ra nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền;
b) Tiết lộ thông tin, tài liệu chưa được phép công bố, thông tin thuộc diện bí mật nhà nước trong quá trình thực hiện dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
c) Thuê hoặc cho thuê chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về giám định sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP
1. Hành vi tiết lộ bí mật thông tin biết được khi tiến hành giám định mà không được phép của các bên liên quan quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là một trong các hành vi sau đây:
a) Tiết lộ bí mật thông tin, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp cung cấp liên quan đến vụ việc đang giải quyết;
b) Tiết lộ thông tin, tài liệu chưa được phép công bố, thông tin thuộc diện bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền, người yêu cầu giám định cung cấp để thực hiện việc giám định.
2. Hành vi lợi dụng tư cách giám định và hoạt động giám định để trục lợi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng tư cách tổ chức giám định, giám định viên hoặc việc tham gia hoạt động giám định để tác động, gây ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thu lợi bất hợp pháp;
b) Hoạt động không đúng lĩnh vực giám định ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động để thu lợi bất hợp pháp.
3. Hành vi cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là hành vi cố ý đưa ra kết luận giám định không có căn cứ pháp lý, không đúng với các thông tin, tài liệu được cung cấp để tiến hành giám định.
Mục 2. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Điều 10. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Internet
1. Hành vi bị xem xét đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP sửa đổi và hành vi đó xảy ra trên mạng Internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin ở Việt Nam thì cũng bị kết luận là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các điều 10, 11 và 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
2. Chủ sở hữu tên miền quốc gia thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi nêu tại Khoản 1 Điều này cũng bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và bị xử phạt theo quy định tại các điều 10, 11 và 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
Điều 11. Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế
Khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế phải tuân theo quy định tại các điều 5 và 8 Nghị định 105/2006/NĐ-CP sửa đổi và một số hướng dẫn sau:
1. Sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình bị xem xét được coi là trùng hoặc tương đương với sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình được bảo hộ theo một điểm nào đó (độc lập và phụ thuộc) của yêu cầu bảo hộ thuộc Bằng độc quyền sáng chế/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản được nêu trong điểm đó đều có mặt trong sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình bị xem xét dưới dạng trùng hoặc tương đương, trong đó:
a) Hai dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật được coi là trùng nhau nếu dấu hiệu đó có cùng bản chất, cùng mục đích sử dụng, cùng cách thức đạt được mục đích và cùng mối quan hệ với các dấu hiệu khác nêu trong yêu cầu bảo hộ;
b) Hai dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật được coi là tương đương với nhau nếu có bản chất tương tự nhau hoặc có thể thay thế cho nhau, có mục đích sử dụng và cách thức để đạt được mục đích sử dụng cơ bản giống nhau.
2. Nếu sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình bị xem xét không chứa ít nhất một dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản nêu trong một điểm nào đó của yêu cầu bảo hộ thì sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình bị xem xét được coi là không trùng/không tương đương với sản phẩm/bộ phận sản phẩm/quy trình được bảo hộ theo điểm đó.
Điều 12. Hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp phải tuân theo quy định tại các điều 5 và 10 Nghị định 105/2006/NĐ-CP sửa đổi và một số hướng dẫn sau:
1. Sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng (hình dáng) bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản và không cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
2. Sản phẩm/phần sản phẩm bị xem xét về bản chất được coi là bản sao của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu sản phẩm/phần sản phẩm đó có tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài chứa tất cả các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ được.
3. Trường hợp tổng thể các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của một sản phẩm/phần sản phẩm bị coi là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của tập hợp các đặc điểm tạo dáng bên ngoài của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm thuộc kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thì cũng bị coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đó.
4. Đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ được hiểu là đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết, ghi nhớ, được dùng để phân biệt tổng thể kiểu dáng công nghiệp này với kiểu dáng công nghiệp khác. Tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản có thể là hình khối, đường nét, tương quan giữa các đặc điểm hình khối và/hoặc đường nét, các đặc điểm màu sắc được xác định trên cơ sở bộ ảnh chụp/bản vẽ kèm theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Tòa án nhân dân tối cao, - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Công báo VPCP; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp; - Các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; - Website Bộ Khoa học và Công nghệ; - Lưu: VT, TTra (5). |
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Quân |
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)