Thông tư 31-2016-TT-BTNMT bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh mới nhất

Thông tư 31-2016-TT-BTNMT bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh

Tải xuống

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 31/2016/TT-BTNMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2016

THÔNG TƯ

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỤM CÔNG NGHIỆP, KHU KINH DOANH, DỊCH VỤ TẬP TRUNG, LÀNG NGHỀ VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết Điều 67, Điểm đ Khoản 1 Điều 68, Điều 101, Điều 108, Khoản 2 Điều 121, Khoản 3 Điều 123, Khoản 3 Điều 125, Khoản 1 Điều 130 Luật Bảo vệ môi trường; Khoản 1 và Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP); Điều 37, Điều 39, Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều 43 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (sau đây viết tắt là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP); bao gồm:

1. Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp; khu kinh doanh, dịch vụ tập trung.

2. Bảo vệ môi trường làng nghề.

3. Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường cụm công nghiệp; khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; làng nghề; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây viết tắt là cơ sở).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam trực tiếp đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

2. Khu kinh doanh, dịch vụ tập trung là siêu thị; trung tâm thương mại; chợ; khu du lịch, thể thao, vui chơi giải trí; bến xe khách; nhà ga đường sắt thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam trực tiếp đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu kinh doanh, dịch vụ tập trung.

4. Cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở đang hoạt động là cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở đã có ít nhất một hạng mục, công trình đã đi vào vận hành chính thức.

5. Phương án bảo vệ môi trường là kế hoạch quản lý môi trường được lập và triển khai thực hiện trong toàn bộ quá trình hoạt động của cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở đang hoạt động và làng nghề.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỤM CÔNG NGHIỆP, KHU KINH DOANH, DỊCH VỤ TẬP TRUNG

Mục 1. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỤM CÔNG NGHIỆP

Điều 4. Yêu cầu bảo vệ môi trường trong lập quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp

1. Quy hoạch các khu chức năng và loại hình sản xuất trong cụm công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

2. Quy hoạch xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

3. Diện tích cây xanh trong phạm vi cụm công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ cụm công nghiệp.

Điều 5. Yêu cầu về đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp

1. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp bao gồm: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu giữ, xử lý chất thải rắn (nếu có). Hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý, thoát nước thải phải được tách riêng, thiết kế đồng bộ, bố trí phù hợp với quy hoạch đã được duyệt và tuân theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, quy định, quy chuẩn kỹ thuật môi trường có liên quan;

b) Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp có thể đầu tư xây dựng theo từng đơn nguyên (mô-đun) hoặc toàn bộ tương ứng với tiến độ lấp đầy cụm công nghiệp, bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cụm công nghiệp;

c) Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp bảo đảm các yêu cầu sau: có đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu vào và đầu ra, công tơ điện tử đo điện độc lập; điểm xả thải có biển báo rõ ràng; sàn công tác có diện tích tối thiểu 01 m2, lối đi thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; có phương án, hạ tầng, phương tiện, thiết bị để ứng phó, khắc phục sự cố trong trường hợp hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung gặp sự cố;

d) Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày.đêm trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 26 Thông tư này;

đ) Trường hợp cụm công nghiệp có phương án tự thu gom, xử lý chất thải rắn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thu gom, xử lý chất thải rắn.

2. Quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung phải vận hành thường xuyên theo đúng quy trình công nghệ để bảo đảm nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận;

b) Việc vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung phải có nhật ký vận hành ghi chép đầy đủ các nội dung: lưu lượng, các thông số đặc trưng của nước thải đầu vào và đầu ra (nếu có); lượng điện tiêu thụ; loại và lượng hóa chất sử dụng, bùn thải phát sinh. Nhật ký vận hành viết bằng tiếng Việt và lưu giữ tối thiểu 02 năm;

c) Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung phải duy tu, bảo dưỡng định kỳ, bảo đảm luôn vận hành bình thường;

d) Không pha loãng nước thải trước điểm xả thải quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;

đ) Bùn cặn của hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa của cụm công nghiệp phải thu gom, vận chuyển và xử lý hoặc tái sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý bùn thải.

3. Các trường hợp được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp:

a) Cơ sở phát sinh nước thải vượt quá khả năng tiếp nhận, xử lý của hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Cơ sở trong cụm công nghiệp mà cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ sở trong cụm công nghiệp

1. Xử lý nước thải:

a) Ký và thực hiện biên bản, hợp đồng thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp về đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp hoặc ký hợp đồng chuyển giao nước thải để xử lý với cơ sở có chức năng theo quy định tại Điều 20 Thông tư này;

b) Cơ sở được miễn trừ đấu nối quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư này phải thực hiện các quy định tại Điều 18 Thông tư này.

2. Thực hiện trách nhiệm quản lý chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

3. Thực hiện chương trình quan trắc môi trường của cơ sở theo quy định và thông báo kết quả cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp để tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường, đồng thời thông báo cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp khi xảy ra sự cố môi trường và thực hiện việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp

1. Đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Không được mở rộng cụm công nghiệp, tiếp nhận thêm dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trong trường hợp cụm công nghiệp chưa có công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

3. Nộp các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Bố trí ít nhất 01 cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: quản lý môi trường; khoa học, công nghệ, kỹ thuật môi trường; hóa học; sinh học. Cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường được tập huấn định kỳ hàng năm về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

5. Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường theo quy định tại Chương V Thông tư này.

6. Tổng hợp, báo cáo kết quả quan trắc môi trường, công tác bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, các cơ sở trong cụm công nghiệp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Chỉ đạo đơn vị trực thuộc có chức năng phù hợp đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 5 Thông tư này trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo các đơn vị chức năng không tiếp nhận các dự án đầu tư mới vào cụm công nghiệp chưa có hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 5 Thông tư này trên địa bàn quản lý.

3. Kiểm tra, thanh tra việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp.

Mục 2. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU KINH DOANH, DỊCH VỤ TẬP TRUNG

Điều 10. Quản lý nước thải, chất thải rắn

1. Khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có biện pháp xử lý đối với toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ; có hệ thống thoát nước bảo đảm đủ công suất tiếp nhận nước thải từ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong khu; quản lý, bảo đảm duy trì ổn định dịch vụ thoát nước theo quy định.

2. Các cơ sở, hộ kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng các biện pháp phân loại chất thải rắn, không xả chất thải rắn vào hệ thống thoát nước; chuyển giao chất thải rắn cho các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.

Tải xuống


Đề thi, giáo án các lớp các môn học