Thông tư 28-2016-TT-BLĐTBXH về lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có vốn góp chi phối của Nhà nước mới nhất

Thông tư 28-2016-TT-BLĐTBXH về lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có vốn góp chi phối của Nhà nước

Tải xuống

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Số: 28/2016/TT-BLĐTBXH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 01 tháng 09 năm 2016

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI CÔNG TY CÓ CỔ PHẦN, VỐN GÓP CHI PHỐI CỦA NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng làm căn cứ để người đại diện phần vốn nhà nước tham gia, biểu quyết tại cuộc họp của Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông đối với công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tại cuộc họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 53/2016/NĐ-CP).

2. Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ nêu tại Khoản 1 Điều này (sau đây gọi chung là công ty) là công ty do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tổ chức được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 53/2016/NĐ-CP.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và yếu tố khách quan khi xác định tiền lương, thù lao

1. Nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng đối với công ty được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 53/2016/NĐ-CP.

2. Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động và lợi nhuận để loại trừ khi xác định tiền lương của người lao động và tiền lương, thù lao của người quản lý công ty được quy định tại Điều 7 Nghị định số 53/2016/NĐ-CP. Việc loại trừ ảnh hưởng của yếu tố khách quan được thực hiện như sau:

a) Ảnh hưởng của yếu tố khách quan (nếu có) đến năng suất lao động và lợi nhuận của công ty phải được tính toán, lượng hóa thành số liệu cụ thể để loại trừ.

b) Yếu tố khách quan làm tăng năng suất lao động, lợi nhuận thì phải giảm trừ, yếu tố khách quan làm giảm năng suất lao động, lợi nhuận thì được cộng thêm vào năng suất lao động, lợi nhuận khi xác định tiền lương, thù lao kế hoạch; đồng thời phải đánh giá lại yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận thực hiện so với kế hoạch để loại trừ khi xác định tiền lương, thù lao thực hiện.

Mục 2. QUẢN LÝ LAO ĐỘNG

Điều 4. Rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức, lao động

1. Công ty rà soát lại cơ cấu tổ chức, đầu mối quản lý để sắp xếp, điều chỉnh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, không trùng lặp chức năng, nhiệm vụ và có sự kết nối giữa các bộ phận, tổ đội, phân xưởng sản xuất, kinh doanh, phòng (ban) chuyên môn, điều hành trực tiếp, hạn chế các khâu tổ chức trung gian.

2. Sắp xếp lại lao động trong từng bộ phận, tổ đội, phân xưởng sản xuất, kinh doanh, phòng (ban) chuyên môn, trong đó tổ chức theo vị trí việc làm hoặc chức danh công việc đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, phục vụ; đối với lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực hiện theo dây truyền, công nghệ của máy móc, thiết bị hoặc theo quy trình công việc thì xác định lao động và bố trí công việc theo định mức lao động.

3. Rà soát lại định mức lao động hoặc xây dựng định mức lao động mới đối với lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Bộ luật lao động về tiền lương.

Điều 5. Xây dựng kế hoạch lao động

1. Kế hoạch lao động hàng năm của công ty được xây dựng căn cứ vào cơ cấu tổ chức theo Điều 4 Thông tư này, yêu cầu thực hiện khối lượng, chất lượng, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tình hình sử dụng lao động năm trước, vị trí việc làm hoặc chức danh công việc và định mức lao động.

2. Kế hoạch lao động bao gồm: tổng số lao động cần sử dụng, số lượng, chất lượng lao động tuyển dụng mới theo chức danh, vị trí làm việc; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật của từng loại lao động. Trong điều kiện khối lượng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh kế hoạch không tăng hoặc đầu mối quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh của công ty không tăng so với thực hiện của năm trước liền kề thì số lao động bình quân kế hoạch không vượt quá 5% so với số lao động bình quân thực tế sử dụng của năm trước liền kề. Số lao động bình quân kế hoạch và số lao động bình quân thực tế sử dụng của năm trước liền kề được xác định theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Kế hoạch lao động phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên phê duyệt trước khi thực hiện, trong đó phải phân công rõ quyền hạn, trách nhiệm, nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức trong triển khai kế hoạch lao động.

Điều 6. Đánh giá tình hình sử dụng lao động

1. Hằng năm, công ty phải đánh giá tình hình sử dụng lao động theo kế hoạch lao động đã được phê duyệt. Nội dung đánh giá phải phân tích rõ ưu điểm, tồn tại, hạn chế trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động, nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và đề xuất biện pháp khắc phục tồn tại.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc không có việc làm thì công ty phải thực hiện các biện pháp sắp xếp lại lao động hoặc bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại lao động. Trường hợp đã tìm mọi biện pháp nhưng vẫn không bố trí, sắp xếp được việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động thì phải giải quyết đầy đủ các chế độ, quyền lợi đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

3. Trường hợp tuyển dụng lao động vượt quá kế hoạch hoặc không đúng kế hoạch, dẫn đến người lao động không có việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động thì người được giao tuyển dụng lao động phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên theo quy chế và Điều lệ của công ty.

Mục 3. TIỀN LƯƠNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 7. Quỹ tiền lương kế hoạch

Quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động được xác định dựa trên số lao động bình quân kế hoạch và mức tiền lương bình quân kế hoạch quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Điều 8. Mức tiền lương bình quân kế hoạch

Căn cứ mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, công ty xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch (tính theo tháng) gắn với năng suất lao động và lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện của năm trước liền kề như sau:

1. Đối với công ty có năng suất lao động bình quân tăng thì mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định so với mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề gắn với lợi nhuận kế hoạch như sau:

a) Lợi nhuận kế hoạch bằng hoặc tăng so với thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tăng không vượt quá mức tăng năng suất lao động bình quân.

Mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện chia cho số lao động bình quân thực tế sử dụng của năm trước liền kề. Năng suất lao động bình quân được tính theo hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Lợi nhuận kế hoạch thấp hơn thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tăng không vượt quá 80% mức tăng năng suất lao động bình quân.

2. Đối với công ty có năng suất lao động bình quân bằng thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định gắn với lợi nhuận kế hoạch như sau:

a) Lợi nhuận kế hoạch tăng so với thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch tăng so với mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề nhưng không vượt quá 20% mức tăng lợi nhuận;

Tải xuống