Thông tư 200-2016-TT-BTC về kinh phí hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự mới nhất

Thông tư 200-2016-TT-BTC về kinh phí hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự

Tải xuống

BỘ TÀI CHÍNH

Số: 200/2016/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC LẬP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, KINH PHÍ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14/11/2008; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015;

Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định cơ chế quản lý tài chính về kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự và việc lập, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, gồm:

1. Nội dung chi, mức chi, nguồn kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là chi phí cưỡng chế thi hành án); thủ tục tạm ứng, hoàn tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án, lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện.

2. Việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thi hành án dân sự.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự.

Chương II

CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VỀ KINH PHÍ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

Điều 3. Nộp chi phí cưỡng chế thi hành án

1. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án, người được thi hành án, người thứ ba bị cưỡng chế thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền thu được, tiền bán đấu giá tài sản kê biên, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa, trừ trường hợp chi phí cưỡng chế do ngân sách nhà nước bảo đảm.

2. Trường hợp đương sự yêu cầu định giá lại tài sản cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 phải nộp một phần chi phí định giá trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản.

Cơ quan thi hành án dân sự căn cứ chi phí định giá tài sản lần liền kề trước đó và chi phí định giá tài sản thực tế ở địa phương tại thời điểm đương sự yêu cầu định giá lại tài sản để xác định mức nộp chi phí định giá lại tài sản và thông báo cho người yêu cầu định giá lại tài sản nộp tiền chi phí định giá.

Khi kết thúc việc định giá lại tài sản, đương sự sẽ nộp tiếp phần chênh lệch giữa tổng chi phí định giá lại thực tế và chi phí đương sự đã nộp.

Cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm theo dõi, ghi chép và phản ánh đầy đủ vào sổ sách kế toán các khoản nộp chi phí định giá của đương sự theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán.

Điều 4. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu

1. Chi phí thông báo về cưỡng chế:

a) Chi phí thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, báo chí);

b) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án (cán bộ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội và các thành phần khác).

2. Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu; thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án.

3. Chi phí cho việc định giá, định giá lại tài sản, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản:

a) Chi phí định giá, định giá lại tài sản:

- Chi phí thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản: Giá dịch vụ thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản theo hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá.

- Chi phí liên quan đến việc định giá trong trường hợp Chấp hành viên thực hiện việc xác định giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12.

b) Chi bồi dưỡng cho các thành viên họp xác định giá, xác định giá lại tài sản;

c) Chi giám định tài sản: Chi phí giám định tài sản và một số khoản chi thực tế hợp pháp để thực hiện việc giám định tài sản;

d) Chi phí bán đấu giá tài sản:

- Phí bán đấu giá theo quy định và các chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tài sản.

- Tiền thuê địa điểm, phương tiện phục vụ tổ chức bán đấu giá, niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức tiến hành bán đấu giá tài sản để thi hành án.

4. Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.

5. Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu:

a) Chi thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, thuê địa điểm và các khoản chi phí thực tế hợp pháp khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu;

b) Chi bồi dưỡng cho các đối tượng trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu.

6. Chi tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).

7. Chi phí kê biên, xử lý tài sản quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số

62/2015/NĐ-CP tương ứng với tỷ lệ số tiền, tài sản mà họ thực nhận.

8. Các khoản chi phí khác do pháp luật quy định phục vụ cho cưỡng chế.

Điều 5. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án chịu

1. Chi phí định giá lại tài sản quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá.

2. Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

3. Chi phí kê biên, xử lý tài sản quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP tương ứng với tỷ lệ số tiền, tài sản mà họ thực nhận.

4. Trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không đúng thì người đó phải thanh toán các khoản chi phí thực tế do việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đó.

Điều 6. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người thứ ba chịu

1. Người thứ ba chịu các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người thứ ba đang quản lý tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá mà bị cưỡng chế thi hành án thì phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP;

b) Người thứ ba là tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

2. Nội dung chi phí mà người thứ ba phải chịu thực hiện theo nội dung chi quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

Điều 7. Các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án do ngân sách nhà nước bảo đảm

1. Chi phí quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12.

2. Chi phí quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

3. Chi phí định giá lại tài sản quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư này trong trường hợp có vi phạm quy định về định giá theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12.

4. Phí, chi phí bán đấu giá tài sản không thành theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP).

5. Chi phí khi đang tiến hành tổ chức cưỡng chế nhưng phải ngừng vì các lý do sau đây:

a) Do sự kiện bất khả kháng quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP;

b) Trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án, tạm ngừng thi hành án để giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12.

6. Chi phí cưỡng chế do người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13.

Điều 8. Mức chi cưỡng chế thi hành án dân sự

1. Chi cho các thành viên tham gia họp bàn cưỡng chế thi hành án, các thành viên họp định giá và định giá lại giá tài sản cưỡng chế thi hành án:

a) Chủ trì: 150.000 đồng/người/ngày;

b) Thành viên: 100.000 đồng/người/ngày.

2. Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án

a) Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát, dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án:

- Chủ trì: 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

- Đối tượng khác: 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

b) Đại diện tổ dân phố, trưởng thôn, già làng, trưởng bản và các đối tượng khác được huy động tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết: 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

3. Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án; những người trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ:

a) Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát: 70.000 đồng/người/ngày;

b) Dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác: 100.000 đồng/người/ngày.

4. Chi công tác phí cho các đối tượng đi xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án: Thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Chi thuê phiên dịch trong cưỡng chế thi hành án:

a) Phiên dịch tiếng dân tộc: Tính theo mức tiền lương tối thiểu vùng cao nhất tính theo ngày do Nhà nước quy định tại thời điểm thuê. Tùy vào địa bàn cụ thể, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự quyết định mức thanh toán tiền công thực hiện các công việc nêu trên cho phù hợp.

Tải xuống