Nhà giáo Việt Nam – những người lái đò thầm lặng mới nhất

Nhà giáo Việt Nam – những người lái đò thầm lặng

Tải xuống

Nhà giáo Việt Nam – những người lái đò thầm lặng

Để chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhằm phát hiện, tôn vinh, tri ân những tấm gương nhà giáo có cống hiến xuất sắc, tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục. Nay tôi xin viết về một người cô mà tôi hết mực yêu quý, đó là cô Phạm Thị Nhơn. Cô là giáo viên chủ nhiệm lớp 10 của tôi và cũng là giáo viên phụ trách giảng dạy môn Anh văn của lớp.

Khối 10 là khối lớp trung gian chuyển từ cấp Trung học cơ sở sang cấp Trung học phổ thông nên khi vào học trường THPT Hùng Vương tôi đã rất là bỡ ngỡ. Mọi nguyên tắc, nề nếp của trường tôi đều phải xem đi xem lại rất kỹ. Bạn bè thì cũng thay đổi, không có sự thân thiện như những bạn bè thân quen cũ. Vì vậy, mọi hoạt động và cư xử của tôi đều dè chừng, sợ sệt, không năng động như hồi cấp 2. Nhưng nhờ có cô, tôi từng bước quen với mọi thứ của trường mình hơn.

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên gặp cô, cô mặc một chiếc áo dài hoa tím bước vào lớp và nở một nụ cười tươi tắn như người mẹ hiền đang cười với những đứa con thơ. Mọi người không ai dặn ai liền đứng dạy chào cô một cách trân trọng. Trong giây phút đó, lòng tôi như rộn ràng và cảm giác nhẹ nhõm vô cùng vì cô chủ nhiệm của mình thật xinh đẹp và hiền dịu.

Tuy bản thân tôi không giỏi môn Anh văn nhưng mỗi tiết Anh văn cô dạy đều làm tôi vô cùng hứng thú. Cô luôn biết tiếp thêm vào bài giảng những chi tiết, dẫn chứng vui về ngôn ngữ để cả lớp không bị mệt mỏi khi tiết Anh văn là tiết cuối cùng của ngày hôm đó.

Trong lớp tôi học khi ấy, có một bạn bị trầm cảm nặng, bạn ấy không giao tiếp với bất kỳ ai cũng như không tham gia bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào của lớp. Mỗi khi giao tiếp với bạn thì chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc gật đầu, có khi bạn còn không trả lời mà lơ hết tất cả. Nhờ có cô Nhơn mà bạn ấy đã trở nên hòa đồng hơn. Mỗi tuần cô luôn hỏi thăm ban cán sự lớp về tình hình bệnh trầm cảm của bạn. Ngoài ra, tôi cũng thấy cô hay gặp riêng bạn nói chuyện, hỏi về những khó khăn mà bạn ấy gặp phải. Cuối năm, lớp tôi đã nhờ bạn ấy lên tặng một bó hoa cho cô và lần đầu tiên bạn ấy phát biểu trước lớp, cũng như lần đầu tiên tôi nghe được giọng nói trầm ấm của bạn, câu nói đó là “con và các bạn cám ơn cô”. Một câu nói ngắn gọn nhưng bao hàm biết bao tình yêu thương, sự khó khăn, sự cố gắng của cô cùng cả lớp.

Một lớp cá biệt như chúng tôi, thật may mắn khi được cô giảng dạy và chủ nhiệm. Lớp chúng tôi luôn bị giáo viên bộ môn và giám thị la rầy, phàn nàn, và lớp tôi luôn đứng chót về điểm số kỷ luật hàng tuần. Nhưng những điều đó không làm cô bỏ cuộc, mỗi vi phạm của chúng tôi cô không những xử phạt nghiêm mà còn có những câu chuyện hay để khuyên nhủ các bạn đừng vi phạm nữa và nếu lặp lại nhiều lần thì cô sẽ làm việc với phụ huynh để tìm biện pháp khắc phục, giúp những bạn vi phạm đó nghiêm túc hơn trong việc học.

Vào cuối học kỳ 1, lớp tôi vi phạm rất nhiều, các thầy cô bộ môn khác phản ánh với cô chủ nhiệm rất nhiều trường hợp lười học và cúp học tiết của các thầy cô đó. Tuần đó, cô vào lớp với vẻ mặt rất tức giận, cô la rầy lớp, điểm mặt những bạn lười học cúp tiết. Khi cô tức giận, vừa nói cô vừa đập mạnh cuốn sổ đầu bài xuống bàn, tôi đã thấy được vài giọt nước mắt cô rơi. lòng chúng tôi như thắt lại. Chỉ vì sự lười biếng, vì những sự vui vẻ nhất thời mà chúng tôi không nhận ra được những điều nghiêm trọng sau đó. Trong những lời răn đe, cô luôn kèm theo những lời khuyên nhủ, cô vạch ra một loạt những tương lai không được tươi sáng nếu các bạn không lo học. Và ngay tiết ngoại khóa lần sau cô đã kể cho chúng tôi nghe bài học về “quả chín”. Như chúng ta đều biết, khi cây ra quả thì người ta chỉ nên hái khi nó đã chín. Nếu hái sớm quả sẽ không ngon, nếu hái trễ quả sẽ hư không thể ăn được. Con người chúng ta cũng vậy, phải lo tập trung học để có đủ kiến thức, đủ chín để vào đời thì cuộc sống mới ngọt ngào và không vất vả về sau. Cô còn đưa thêm dẫn chứng về các anh chị đi trước. Hai chị là học trò của cô, cả hai đều rất dễ thương và có ý chí cố gắng học hành. Chị A khi đi học có mở 1 shop quần áo, mỹ phẩm bán online và bán cho bạn bè. Chị A bán một tháng có thể kiếm được hơn 10 triệu và ai ai cũng trầm trồ khen ngợi. Sau đó chị ấy sa sút trong việc học, mặc dù chị đậu tốt nghiệp nhưng chị lại không học lên đại học mà vẫn tập trung làm công việc bán hàng của mình. Chị B thì không như vậy, chị chăm chỉ học hành mặc dù có thể xin tiền ba mẹ mở shop bán. Chị biết được khả năng của mình có thể hơn thế. Cuối cùng chị học đại học Khoa học tự nhiên ngành công nghệ hóa học và chế tạo ra nhưng cây son từ thiên nhiên như: Son trái gấc, son củ dền và son dưỡng từ dầu dừa… Chị B tạo ra những cây son và bán lại cho các đại lý như chị A. Và dĩ nhiên, thu nhập của chị B phải cao hơn rất nhiều chị A mặc dù chị B xuất phát điểm sau chị A. Không những vậy cuộc sống chị B lại an nhàn vui vẻ, không chạy đôn chạy đáo quảng cáo, bán hàng mà chỉ cần ở nhà nghiên cứu thêm cách làm các loại mỹ phẩm mới từ việc học đại học. Cuối cùng cô Nhơn khuyên nhủ cả lớp phải lo học, đừng để những cám dỗ trước mắt mà bỏ đi những ngọt ngào phía sau, đừng lãng phí thời gian cho những thứ mà ta có thể dễ dàng làm được, hãy cố gắng hết sức hướng tới những mục tiêu khác cao hơn, tốt đẹp hơn, đặc biệt đừng lười học, sống là phải kiên trì học hỏi.

Và từ hôm đó cả lớp chăm chỉ lại, cố gắng học thật tốt, thi thật tốt kỳ thi cuối học kỳ 1 sắp tới. Tôi không nhớ rõ cả lớp như thế nào, nhưng nhờ những lời động viên khuyên nhủ của cô mà tôi đã được học sinh giỏi học kì 1 cũng như học sinh giỏi cả năm học đó. Đặc biệt, tôi nhớ rõ là qua tuần đầu tiên của học kỳ 2 lớp tôi đã leo lên hạng 3 về kỷ luật của các lớp buổi chiều, tiếp theo đó thì luôn nằm trong top 10 kỷ luật tốt của trường.

Cô không những là một giáo viên bộ môn Anh văn, hay là một giáo viên chủ nhiệm đơn thuần, mà cô còn là một người dạy cho chúng tôi cách cư xử, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Mỗi tiết chủ nhiệm và ngoại khóa, cô luôn kể chúng tôi nghe về những bài học hay của cuộc sống. Những câu chuyện của cô như những món quà tặng giúp chúng tôi hiểu hơn về thế giới xung quanh cũng như tiếp thêm những bước đệm làm hành trang cho chúng tôi vào đời như: bài học “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, bài học “quả chín”, bài học “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và bài học “sướng trước khổ sau hay khổ trước sướng sau”…Những bài học có vẻ đơn giản vậy mà khi cô kể, chúng tôi mới thực sự hiểu, thật sự thấy được tầm quan trọng của nó.

Khi tốt nghiệp cấp 3, tôi rất hay về trường thăm cô Nhơn nhưng vào năm thứ ba đại học trở đi vì bận chuyện tốt nghiệp và thi cử mà tôi đã không về trường thăm cô. Một thời gian dài sau đó, tôi mới được vinh hạnh trở về công tác giảng dạy tại ngôi trường THPT Hùng Vương thân yêu với một niềm phấn khởi mong gặp cô, không biết cô còn nhớ mình không?. Và, và, và tôi như đã sốc khi nghe tin cô đã qua đời… Khi ấy, tôi đã đi đến niệm Sư Từ và thắp cô nén nhang với một lòng biết ơn to lớn, cám ơn những bài học của cô, cám ơn sự chăm lo của cô ngày xưa. Tôi không quên kể cô nghe về một số bạn của lớp ngày ấy, có bạn đã đi du học, có bạn đã làm giảng viên, có bạn đã được học bổng học thạc sĩ nước ngoài…... Tôi luôn tự nhủ với lòng mình rằng phải cố gắng trở thành một người giáo viên tốt, trở thành người có ích cho xã hội để không phụ câu nói ngày xưa của cô: “Một bác sĩ không giỏi, không tốt sẽ làm chết một bệnh nhân, khi đó là một thất bại. Còn một giáo viên nếu không giỏi, không tốt sẽ làm hư cả một thế hệ, khi đó là một ĐẠI thất bại”.

Tải xuống