Khái niệm xuất siêu, nhập siêu mới nhất
Khái niệm xuất siêu, nhập siêu
1. Nhập siêu là gì?
Nhập siêu là khái niệm dùng mô tả tình trạng Cán cân thương mại có giá trị nhỏ hơn 0 (zero). Nói cách khác, khi kim ngạch nhập khẩu cao hơn xuất khẩu trong một thời gian nhất định, đó là nhập siêu. Nhập siêu là hiện tượng phổ biến ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển theo hướng mở.
2. Xuất siêu là gì?
Xuất siêu là khái niệm dùng mô tả tình trạng Cán cân thương mại có giá trị lớn hơn 0 (zero). Nói cách khác, khi kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu trong một thời gian nhất định, đó là xuất siêu.
Tác động của xuất siêu, nhập siêu
Xét trên nhiều phương diện, nhập khẩu ở một chừng mực nào đó sẽ có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các nước trong giai đoạn đang phát triển. Tuy nhiên, nhập siêu quá cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế.
Đối với nhập siêu:
* Tích cực
1. Kinh tế
Đối với kinh tế, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc trang thiết bị cao cấp giúp nâng cao trình độ kỹ thuật, tiến gần trình độ phát triển cao của thế giới, nhờ đó tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Trong điều kiện ngành sản xuất nguyên liệu cao cấp trong nước chưa phát triển thì việc nhập khẩu nguyên liệu giúp cho các nước này thực hiện tốt chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng về xuất khẩu. Hàng nhập khẩu trong nhiều trường hợp tạo môi trường cạnh tranh kích thích sản xuất trong nước hoàn thiện và phát triển. Nhập khẩu từ nguồn vốn ODA của các tổ chức tài chính quốc tế giúp cải thiện mau chóng hạ tầng cơ sơ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.
2. Xã hội
Đối với xã hội, việc nhập khẩu hàng tiêu dùng, sản phẩm khoa học và văn hóa còn góp phần phát triển nguồn nhân lực và nâng cao mức sống người dân. Nhập khẩu từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp chẳng những góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trương kinh tế mà còn tạo thêm công ăn, việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống xã hội
* Tiêu cực
1. Thúc đẩy tư tưởng "sùng ngoại"
Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo những hiểm họa của tình trạng nhập siêu lớn. Chẳng hạn, nhập khẩu tràn lan vượt quá kiểm soát của chính phủ sẽ dẫn tới hiện tượng lãng phí ngoại tệ, tác động xấu đến sản xuất trong nước. Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới xu hướng "sùng ngoại", khiến hàng nội địa khó tiêu thụ hơn.
2. Gia tăng nợ công
Quan trọng hơn, nhập siêu thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt ngoại tệ, khiến các chính phủ phải gia tăng vay nợ bằng cách phát hành thêm trái phiếu. Trong một thời gian dài, nhập siêu sẽ khiến con số nợ công của một nước ngày càng tăng vì suy cho cùng các nước đều phải dựa vào xuất khẩu để trả nợ và lãi.
3. Nhân tố tạo khủng hoảng
Xét ở mặt này, nhập siêu có thể gây ra khủng hoảng nợ công như tại Hy Lạp, nước nhập siêu tới 13,5% GDP (năm 2009), dẫn đầu top các nền kinh tế bị nhập siêu tính theo tỷ lệ với GDP. Nước này đã rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất châu Âu kể từ đầu năm 2010 và cho đến nay vẫn chưa cải thiện tình hình, dù đã nhận được các gói ứng cứu từ bên ngoài. Hoặc như trường hợp của Hoa Kỳ, nước có kim ngạch nhập siêu tuyệt đối (tính bằng USD) lớn nhất. Hoa Kỳ hiện cũng lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng ở mức độ và sắc thái khác vơi Hy Lạp. Hiện nước này đã chạm trần nợ công và có nguy cơ vỡ nợ tạm thời nếu Chính phủ và Quốc hội không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ trước ngày 2-8-2011.
Ngoài ra, một số nhà chuyên môn tin rằng nhập siêu lớn là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới cuộc Khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997 – 1998.
4. Gia tăng thất nghiệp
Một nghiên cứu của TS. Alec Feinberg, sáng lập viên Citizens for Equal Trade, lại gắn nhập siêu với tỷ lệ thất nghiệp. Dựa trên những dữ liệu từ 25 nước có mức nhập siêu và xuất siêu lớn nhất thế giới (trong giai đoạn 2009-2010), nhóm nghiên cứu của TS. Feinberg cho biết tỷ lệ tác động tới thị trường việc làm của tình trạng nhập siêu dao động từ 60-72%. Những nước nhập siêu cao có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và ngược lại.
TS. Feinberg cũng lưu ý 2 trường hợp là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hoa Kỳ là nước có mức nhập siêu tính theo giá trị USD lớn nhất thế giới, với 633 tỷ USD (năm 2010), lớn hơn giá trị kim ngạch nhập siêu của tất cả các nước nhập siêu trong top 10 (trừ Hoa Kỳ) cộng lại. Hoa Kỳ có tỷ lệ thất nghiệp 9,6% (tại thời điểm thực hiện nghiên cứu). Trong khi đó, Trung Quốc có Thặng dư thương mại tới 296 tỷ USD vào năm 2009, và có tỷ lệ thất nghiệp chỉ 4,3%.
5. Nhấn chìm thị trường chứng khoán
Trang web chuyên giải thích về đầu tư InvestOpedia cho rằng đối với Thị trường chứng khoán(TTCK), nhập siêu kéo dài có thể gây nên những hậu quả tai hại. Giải thích của InvestOpedia cũng dựa trên 2 tác động chính của tình trạng nhập siêu là gia tăng nợ công và làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Nếu trong một thời gian dài một đất nước nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn xuất khẩu, họ sẽ lâm vào cảnh nợ nần, trong khi hàng hóa nội địa ngày càng bị hàng ngoại lấn át. Qua thời gian, giới đầu tư sẽ nhận thấy tình trạng suy yếu trong tiêu thụ hàng hóa nội địa, một diễn biến gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước và cũng làm suy giảm giá trị cổ phiếu của họ. Thời gian càng kéo dài, giới đầu tư càng nhận ra rằng cơ hội đầu tư tốt ở thị trường nội địa càng ít đi, và bắt đầu chuyển hướng sang các thị trường cổ phiếu ở nước khác. Điều đó sẽ làm giảm nhu cầu đối với thị trường cổ phiếu ở trong nước và khiến thị trường ngày càng đi xuống. Thực trạng của Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có thể rơi vào trường hợp này.
Đối với xuất siêu:
Hai tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu hơn 865 triệu USD nhưng công lớn này đến từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Theo số liệu Bộ Công Thương vừa công bố trong tháng 2-2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam thặng dư 100 triệu USD giúp cán cân từ đầu năm đến nay thặng dư (xuất siêu) khoảng 865 triệu USD.
Doanh nghiệp nội vẫn khó
Trong đó, khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước nhập siêu 2,1 tỉ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể cả dầu thô xuất siêu tới 2,9 tỉ USD. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng trong ngắn hạn, xuất siêu là tín hiệu mừng bởi tạo thêm việc làm, thuế cho ngân sách nhưng về dài hạn, cứ “xuất hộ” khu vực FDI thì không ổn bởi tỉ lệ nội địa hóa không cải thiện và nền kinh tế thực chất chỉ gia công, lắp ráp.
Điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm là xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu phục hồi khi đạt kim ngạch khoảng 2,95 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Có điều, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm của cả nước tăng thêm 667 triệu USD so với cùng kỳ nhưng kim ngạch của khu vực FDI không kể dầu thô tăng 806 triệu USD, trong khi khu vực DN trong nước lại giảm 288 triệu USD, phản ánh bức tranh xuất khẩu của DN nội địa vẫn còn nhiều khó khăn. Riêng trong tháng 2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,3 tỉ USD thì riêng khu vực FDI, con số này đã chiếm tới 7,25 tỉ USD (chiếm 70,38%).
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của nhóm hàng cần nhập (nguyên phụ liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất như thủy sản, bắp, đậu tương, bông sơ xợi, nguyên liệu dệt may, da giày…) ước đạt 19,95 tỉ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ, trong khi tốc độ giảm của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng cần hạn chế nhập lại không nhiều, thậm chí tăng so với cùng kỳ.
Nếu so với con số nhập siêu của Việt Nam năm ngoái hơn 3,54 tỉ USD, mức xuất siêu trên 865 triệu USD trong 2 tháng đầu năm là tín hiệu tích cực. Thặng dư nguồn ngoại tệ khá lớn đã góp phần kéo giảm áp lực lên cầu ngoại tệ và giúp tỉ giá bớt căng thẳng những tháng đầu năm. Dù vậy, nhìn số liệu tính đến ngày 15-2 của Tổng cục Hải quan sẽ thấy xuất siêu của Việt Nam có được do kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm mạnh - dấu hiệu phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN kém khả quan.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 (15 ngày đầu tháng 2-2016) giảm tới 48,2% so với kỳ trước đó. Kết quả này đã kéo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu năm tới ngày 15-2 chỉ còn 33,38 tỉ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ giảm nhập khẩu hàng hóa mạnh hơn xuất khẩu đã giúp xuất siêu nhưng cho thấy bức tranh kém lạc quan về hoạt động của các DN. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, máy tính, thủy hải sản… đều có kim ngạch giảm hàng trăm triệu USD so với cùng kỳ.
Gia tăng nội địa hóa, nâng sức cạnh tranh
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh cho rằng xuất siêu của Việt Nam đang hoàn toàn đến từ khu vực FDI với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như điện thoại các loại và linh kiện, hàng điện tử và linh kiện, máy tính các loại lại đều chủ yếu gia công, lắp ráp ở Việt Nam. Kết quả, giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế và tác động lan tỏa tới khu vực DN trong nước chưa nhiều. Và trong dài hạn, nền kinh tế cứ tiếp tục xuất siêu nhờ nước ngoài, đến một lúc nào đó họ chuyển lợi nhuận về nước thì “tiết kiệm, để dành” của Việt Nam sẽ không còn gì.
Với làn sóng DN FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng DN trong nước lại chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng, nguồn nguyên phụ liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chưa phát triển (công nghiệp phụ trợ gần như giẫm chân tại chỗ)…, nguy cơ nhập siêu trở lại và ở mức cao là khó tránh khỏi; đồng thời, sức ép cạnh tranh từ bên ngoài trước bối cảnh hội nhập khiến DN trong nước đang bị lép vế, lấn át so với khối DN FDI.
Dù vậy, đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận việc tham gia các FTA, trong đó có những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn bởi Việt Nam đang lệ thuộc quá lớn vào một số thị trường trong khu vực.
Và, cơ hội để gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới là rất lớn. Đại diện Vụ Kế hoạch tổng hợp - Bộ Công Thương phân tích khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ TPP, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Canada... giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo cú hích lớn với những hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản…
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)