Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mới nhất

Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Tải xuống

BÀI DỰ THI “TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐẶC BIỆT

VIỆT NAM – LÀO, LÀO – VIỆT NAM”

Họ và tên: Vi Văn Đông

Ngày tháng năm sinh: 18 / 05 / 1989

Giới tính:     Nam

Dân tộc:          Thái

Tôn giáo:       Không

Nghề nghiệp, chức vụ: Phó Chủ tịch Hội CCB

Đơn vị công tác: UBND xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Tại sao hai dân tộc Việt Nam - Lào phải yêu thương gắn bó chặt chẽ với nhau

Khi nói về mối quan hệ nghĩa tình giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, Bác Hồ kính yêu của chúng ta - Người đã dày công vun đắp cho mối quan hệ Việt - Lào đã nhấn mạnh, đó là mối “quan hệ đặc biệt”. Và đúng như vậy, để nói cho hết về mối “quan hệ đặc biệt” ấy cần phải ngược dòng lịch sử, để lịch sử chứng minh cái nghĩa, cái tình và tấm lòng thủy chung, son sắt, sát cánh bên nhau của hai Đảng, hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc và cùng nhau xây dựng hòa bình, hướng tới tương lai hạnh phúc. Đối với nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, quan hệ đặc biệt được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm đến chừng nào cũng không thể chia tách được. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Việt - Lào hai nước chúng ta, Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Nền tảng của quan hệ Việt - Lào xuất phát từ quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước láng giềng gần gũi, cùng chung sống trên bán đảo Đông Dương. Mối quan hệ truyền thống ấy trở nên “đặc biệt” từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng của hai dân tộc Việt Nam và Lào, cùng sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung, xây đắp nên tình đoàn kết keo sơn, thuỷ chung, son sắt Việt - Lào.

Hai nước Việt Nam - Lào có lịch sử gắn bó rất lâu đời với nhau trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của mỗi dân tộc. Trong chiều dài lịch sử ấy, nhân dân hai nước đã “chung lưng đấu cật để xây dựng mỗi nước phát triển. Là hai nước láng giềng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, Việt Nam và Lào đã chung tay viết nên những trang sử hào hùng của hai dân tộc. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời Việt Nam - Lào bắt nguồn từ tình cảm láng giềng thân thiết, sự gắn bó keo sơn giữa dân tộc Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào đã trải qua muôn vàn thử thách, được nhiều thế hệ lãnh đạo hai Đảng và nhân dân hai nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản kính mến trực tiếp gây dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai nước, cùng nhân dân hai nước quý trọng, nâng niu và dày công vun đắp, không ngừng phát triển và trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng và là mẫu mực hiếm có trong quan hệ quốc tế hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau... Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cũng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”. Tư tưởng lớn của hai nhà lãnh đạo đã trở thành kim chỉ nam soi đường, chỉ lối, được Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước thực hiện nhất quán trong suốt những năm tháng chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập, thống nhất đất nước đến hòa bình, xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Đặc biệt, trong nhiều giai đoạn lịch sử, hai dân tộc Việt Nam - Lào đều có chung một kẻ thù xâm lược. Vị trí địa lý và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của mỗi dân tộc đã gắn kết hai nước trở nên gần gũi, thân thiện.

Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là quan hệ đặc biệt quy định sự sống- còn của hai dân tộc. Các điều kiện tự nhiên, địa - chiến lược, địa - quân sự là một trong những yếu tố chi phối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Các yếu tố đó đặt ra yêu cầu tất yếu về sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những năm 1930 - 1939, các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã hỗ trợ lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng mỗi nước; tiếp đến là giúp nhau tiến hành cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi (1939 - 1945) và liên minh Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975).

Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Liên quân Việt - Lào phối hợp chiến đấu tại Lao Bảo (Quảng Trị) năm 1946.

        Việt Nam không chỉ sát cánh bên bạn trong thời kỳ đầu củng cố, phát triển lực lượng, xây dựng hậu cứ, cung cấp vũ khí, quân trang mà còn phối hợp với bộ đội PaThết Lào đánh địch giành thắng lợi oanh liệt. Từ ngày 18- 8 đến 15-9-1959, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các đơn vị PaThết Lào mở đợt hai hoạt động trong mùa mưa. Trong đợt hoạt động này, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam (chủ yếu là lực lượng quân khu 4 tác chiến ở các tỉnh Xiêng Khoảng, Liên huyện 90 và Khăm Muộn) đã vận dụng nhiều hình thức tác chiến linh hoạt như phục kích, tập kích, bao vây, bắn tỉa, địch vận, phá hoại cầu đường, đốt kho tàng địch, đánh cứ điểm bằng đặc công kết hợp hoả lực...Đi đôi với tác chiến, các đơn vị tình nguyện Việt Nam đã tích cực giúp Lào củng cố cơ sở, phát động nhân dân ủng hộ kháng chiến, tham gia các lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng. Các đơn vị tình nguyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng PaThết Lào và nhân dân địa phương đánh 40 trận, giải phóng thêm 13 điểm. Sau đợt hoạt động này, các tiểu đoàn 1, 2, 4 PaThết Lào được lệnh rút ra hoạt động ở biên giới Việt - Lào, sau đó sang tập trung ở huyện Yên Lập (Phú Thọ) để chấn chỉnh lực lượng. Theo yêu cầu của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt, Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp xây dựng tiểu đoàn 1 và 2 PaThết Lào thành hai tiểu đoàn chủ lực mạnh, quân số mỗi tiểu đoàn từ 650 đến 700 chiến sĩ; đồng thời bổ sung vũ khí, trang bị và cử các tổ chuyên gia giúp hai tiểu đoàn về quân sự, chính trị và chuyên môn kỹ thuật. Trong sự nghiệp chung đó, Lào và Việt Nam đã trở thành những người bạn, người đồng chí, người anh em máu thịt. Đó là một mối quan hệ xưa nay hiếm - một mối quan hệ láng giềng tự nhiên, có lịch sử gắn bó lâu dài, chung một dãy Trường Sơn, chung một dòng sông Mê kông, chung một ý thức hệ... quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối với nhân dân hai nước Việt Nam, Lào, quan hệ đặc biệt được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một.

Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại Hà Nội năm 1966.

Khi chiến dịch diễn ra ác liệt, trước yêu cầu phục vụ chiến trường, bà con dân tộc Việt Nam và Lào nơi đây tiếp tục tự nguyện phối hợp với cùng các lực lượng vận tải tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ bộ đội. Có những đoạn đường địch đánh phá dữ dội suốt ngày đêm, nhưng từng đoàn người gùi lương, tải đạn vẫn không ngừng toả đi các hướng về nơi bộ đội đang chờ. Nhiều nơi, đồng bào tự nguyện chỉ ăn củ mài và rau rừng, dành cho các chiến sĩ những hạt gạo, lát sắn, củ khoai cuối cùng để “ăn no mà đánh thắng giặc Mỹ”.

Từng đoàn dân công là con em các dân tộc ngày đem gùi lương, tải đạn ra chiến trường, rồi lại tham gia vận chuyển thương binh về tuyến sau. Nhiều thôn, bản thành lập các đội đi tìm kiếm chôn cất cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Bom đạn địch chà xát, tàn phá nhà cửa, nương rẫy nhưng không thể nào làm phai nhạt tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc, tình quân dân thắm thiết, thủy chung. Đó là nhân tố làm nên chiến thắng đường 9 - Nam Lào vang dội của quân và dân hai nước.

Tinh thần đoàn kết, tình cảm thủy chung, gắn bó keo sơn của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Việt Nam với dân tộc Lào anh em đã được Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu rõ: Nhiều đồng chí Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Sầm Nưa, Cánh đồng Chum...Nhiều cán bộ Việt Nam đã sang Lào hoạt động từ lúc cách mạng mới bắt đầu cho đến khi tóc đã bạc, coi nhân dân Lào như nhân dân của mình, coi sự nghiệp cách mạng Lào như sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đối với Việt Nam, sự hết lòng yêu quý, giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào luôn là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam. Đặc biệt, nhân dân Lào đã cùng chia sẻ với nhân dân Việt Nam trước bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, tạo mọi điều kiện để bộ đội Việt Nam mở đường Trường Sơn và mở các chiến dịch lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Bệnh viện Hồng Thập Tự của Việt Nam tại Xiêng Khoảng (Lào) được xây dựng theo hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Lào năm 1960

Một trong những nhân tố làm nên mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam, đó chính là tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc trong những năm tháng chiến tranh trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.

        Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế mà nhân dân hai nước đang tiến hành đã tạo ra những xung lực mới, đồng thời đặt ra những yêu cầu khách quan về gia tăng mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Lào; Lào - Việt Nam với những phương thức mới và những nội dung mới, do dó hai dân tộc cần phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam càng phát triển sống động trong giai đoạn hoà bình, xây dựng đất nước phồn vinh, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc

         Trong thời kỳ mới, hai Đảng, hai Nhà nước đều nhận thức rõ việc củng cố, mở rộng và phát triển một cách toàn diện mối quan hệ Việt Nam - Lào là yêu cầu tất yếu. Vì vậy, hai nước nhanh chóng đi đến ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào tháng 7-1977, đặt cơ sở pháp lý vững chắc, lâu dài cho quan hệ hai nước trong thời kỳ mới. Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, quan hệ Việt Nam - Lào nhanh chóng được triển khai thông qua các tổ chức đoàn thể nhân dân và các ban, ngành, địa phương với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng địa phương. Ngành thông tin, tuyên truyền, báo chí xuất bản của hai nước tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhân những ngày lễ trọng đại của hai dân tộc làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng, nội dung mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong giai đoạn mới của cách mạng.

       Đi đôi với quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, giữa các tỉnh Việt Nam với 12 tỉnh và thành phố của Lào cũng có nhiều hình thức hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau phong phú và hiệu quả.

        Các tổ chức hội hữu nghị trên nhiều lĩnh vực với hàng nghìn hội viên từ Trung ương đến cơ sở ra đời, nhiệm vụ chủ yếu là giới thiệu, thông tin cho các tầng lớp nhân dân hai nước về lịch sử đất nước, con người, nền văn hóa, thành tựu xây dựng và bảo vệ đất nước, làm cầu nối vận động và thúc đẩy các hoạt động hữu nghị, hợp tác và giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật một cách có hiệu quả, thiết thực; tổ chức các đoàn hữu nghị, giao lưu, trao đổi thông tin với các tổ chức xã hội - kinh tế - văn hóa của hai nước.

        Đặc biệt mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các tỉnh  ngày càng thắt chặt phát triển thành quan hệ kết nghĩa; không chỉ dừng lại ở 10 tỉnh có đường biên giới chung mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác như thủ đô Hà Nội với Viêng Chăn...Tại các tỉnh có đường biên giới chung, quan hệ kết nghĩa phát triển đến tận cơ sở, đó là kết nghĩa huyện với huyện, bản với bản trên cơ sở phát huy và duy trì mối quan hệ đoàn kết, hợp tác truyền thống láng giềng tốt đẹp, bảo đảm an ninh xã hội vùng biên, giải quyết tốt những vấn đề nảy  sinh, chủ động phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất Lào.

     Từ khi hai nước tiến hành đổi mới vào năm 1986, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục được củng cố, tăng cường và đạt những thành tựu rất lớn lao:

    - Hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại:

         Từ năm 1988, cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị đã trở thành một cơ chế hoạt động chính thức giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Biên bản thoả thuận giữa hai Bộ Chính trị là văn kiện quan trọng quyết định những phương hướng lớn của quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam trong từng thời kỳ và hàng năm. Lĩnh vực hợp tác về đối ngoại từ sau năm 1996 tiếp tục được tăng cường cả về chiều rộng cũng như chiều sâu, đem lại nhiều kết quả khả quan. Trong khi triển khai đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Việt Nam và Lào đều hết sức coi trọng quan hệ đặc biệt giữa hai nước, cam kết giữ gìn và không ngừng phát triển truyền thống quí báu đó như một qui luật phát triển và là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Củng cố tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam- lào (1986- 2007)- Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh:

Từ cuối thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, giữa hai Chính phủ, giữa hai bộ chức năng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng của hai nước đều ký những hiệp định, những nghị định về hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác bảo vệ an ninh và củng cố quốc phòng. Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng của cả hai nước đều rất coi trọng việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm xây dựng lực lượng, chống xâm nhập, chống bạo loạn và vô hiệu hóa các hoạt động diễn biến hòa bình của kẻ địch. Trong mối quan hệ này, phía Việt Nam luôn chủ động và đảm nhiệm gánh vác các công việc khó khăn nhất với phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, “an ninh của bạn cũng chính là an ninh của mình”... Việt Nam đã hợp tác với Lào củng cố và xây dựng được một lực lượng an ninh Lào có chất lượng cao, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.Sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh đã tạo ra một trong những nhân tố cơ bản thường xuyên, bảo đảm lợi ích trực tiếp về an ninh và phát triển của mỗi nước, không chỉ tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và khả năng phòng thủ của mỗi bên mà còn làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới ở hai nước.

  - Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật:

          Bước vào thời kỳ đổi mới, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước dần có sự thay đổi theo hướng phát triển từ viện trợ không hoàn lại, cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi; đồng thời, trong hợp tác đã chuyển dần từ hợp tác từng vụ việc theo yêu cầu của phía Lào sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch được ký kết giữa hai Chính phủ.Trên cơ sở của tư tưởng chỉ đạo nêu trên, ngày 15 tháng 3 năm 1995, tại Hà Nội, Thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật đến năm 2000 được ký kết.

Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Hát mừng tình hữu nghị Việt- Lào

Trong chiến lược phát triển kinh tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn là lĩnh vực kinh tế, xã hội quan trọng được Đảng, Nhà nước ở hai nước ưu tiên phát triển hàng đầu. Bởi vì nó không chỉ là thế mạnh tiềm năng sẵn có của Việt Nam và Lào, mà còn có ý nghĩa then chốt đối với nền kinh tế của Lào.

  - Giáo dục và đào tạo luôn được hai Đảng, hai Nhà nước xác định là một nhiệm vụ quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược và là biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào. Việt Nam coi việc đào tạo cho Lào một nguồn nhân lực có trình độ cao là nhu cầu có tính chiến lược lâu dài, không những của Lào mà còn phục vụ cho quá trình hợp tác của Việt Nam với Lào.

   -  Về giao thông vận tải giai đoạn 1996 – 2000, hai bên đã cùng nhau tìm nguồn đầu tư nâng cấp hệ thống đường thông thương nối liền hai nước, tạo điều kiện cho Lào thông thương qua lãnh thổ và cảng biển Việt Nam ra các nước. Hai bên đã đầu tư quốc lộ 43 (Mộc Châu – cửa khẩu Pa Háng), 6B (Hủa Phăn), đầu tư xây dựng cửa khẩu Chiềng Khương (Sơn La), quốc lộ 42 Lai Châu – Tây Trang – Phôngxalỳ). Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 9A, cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) - Xavẳnnakhệt; quốc lộ số 8 đi cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) - Bolikhămxay; quốc lộ 7 đi cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) - Xiêng Khoảng; quốc lộ 217 đi cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) và 6A (Hủa Phăn); Quốc lộ 12A đi cửa khẩu Chalo (Quảng Bình) – Khăm Muộn. Cải tạo nâng cấp cảng Đà Nẵng, cảng Xuân Hải và hoàn thành bến I cảng Vũng Áng để phía Lào sử dụng. Hai bên phối hợp hoàn thành xây dựng cửa khẩu Cầu Treo và Nậm Phạo. Hai bên ký thỏa thuận về nguyên tắc Việt Nam cho Lào vay ưu đãi xây dựng đường 18B tại Lào.

   -    Hợp tác về thương mại: Những năm đầu đổi mới, ngành thương mại hai nước xúc tiến nghiên cứu xây dựng đề án, tiến tới đầu tư xây dựng khu thương mại tự do Lao Bảo – Đen Xávẳn, chuẩn bị xây dựng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – Na Pê, mở cửa khẩu phụ và 11 điểm chợ biên giới để thúc đẩy sản xuất và giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là các vùng biên giới Việt Nam – Lào.

  -    Hợp tác về đầu tư: Sau khi có Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa hai nước (ngày 14 tháng 1 năm 1996) và các qui định về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài (năm 1999) cùng các thỏa thuận của hai Đảng hai Nhà nước, hai bên có nhiều cố gắng chỉ đạo triển khai tới các ngành, địa phương, cơ sở nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư liên doanh trên lãnh thổ của nhau, tạo nhiều điều kiện để trao đổi tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp hai bên. Các cuộc viếng thăm và làm việc của các đoàn cấp cao Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành hai nước; các cuộc hội thảo giữa doanh nghiệp hai nước do phía Lào tổ chức (tháng 10 năm 1998) và Sứ quán Việt Nam tổ chức (tháng 6 năm 2000); các hội chợ hàng hoá tại Lào không ngừng thúc đẩy những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này. Về phía Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam

    -  Trong lĩnh vực năng lượng, điểm nổi bật trong giai đoạn 1986 – 1995 là hai bên đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thiết kế và thi công một số tuyến đường dây tải điện 35 KV từ Việt Nam qua Lào.

  -  Hợp tác chuyên gia giai đoạn 1996 - 2000 không ngừng được củng cố, đổi mới và hoàn thiện cả về cơ chế lẫn hình thức hợp tác. Theo yêu cầu của phía Lào, Việt Nam đã cử 475 lượt chuyên gia tập trung vào các lĩnh vực kinh tế (63%), quốc phòng, an ninh (28%) và các lĩnh vực khác. Trong những năm này, nhiều đoàn chuyên gia vụ việc quan trọng của Việt Nam được cử sang Lào trao đổi và xử lý các vấn đề về quản lý vĩ mô (1996), đổi mới doanh nghiệp (1998), tiếp nhận viện trợ (1999), ... Đặc biệt, sự có mặt kịp thời của Đoàn chuyên gia cao cấp Việt Nam giúp Lào chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 1999, được phía Lào đánh giá có hiệu quả cao và thiết thực.

Hợp tác giữa các địa phương và hợp tác biên giới:

Quan hệ hợp tác toàn diện và đa dạng giữa các địa phương và hợp tác biên giới thực sự là nét nổi bật, tạo ra nền tảng và chiều sâu của quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Về chính trị, các tỉnh biên giới và các địa phương kết nghĩa của hai nước đã cử nhiều đoàn đại biểu Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành, các cấp…duy trì các hoạt động đối ngoại chính thức, hoặc trao đổi kinh nghiệm, thống nhất quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực. Công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt thêm bền chặt. Đặc biệt, hai bên luôn quan tâm và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi để lớp lớp thế hệ mai sau luôn giữ gìn, bảo vệ và phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, coi đó là quy luật tồn tại, phát triển của hai nước.

Bài dự thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Việt Nam – lào hợp tác ngăn chặn buôn bán gỗ và động vật hoang dã bất hợp pháp xuyên biên giới

Bước sang thế kỷ XXI, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc trong thế giới hiện đại trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, khoa học, công nghệ, thương mại... Đó là xu thế khách quan lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh. Thế giới đứng trước những vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương.      

   Mặt khác vị trí chiến lược của Đông Nam Á ở khu vực châu Á Thái Bình Dương từ lâu đã trở thành địa bàn tranh chấp ảnh hưởng và quyền lực giữa các nước lớn trên thế giới. Chính vì vậy, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội IX của Đảng NDCM Lào tiếp tục khẳng định đường lối, chính sách coi trọng, không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, coi đó là di sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển, là một trong những nhân tố đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước.

    Trong bối cảnh đoàn kết hợp tác rộng mở trên thế giới hiện nay, xuất hiện nhiều hình thức liên kết hợp tác song phương và đa phương với nhiều mục đích khác nhau, do vậy hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cần gắn bó chặt chẽ bên nhau, cùng nhau xây đắp mối quan hệ đặc biệt trở thành một mẫu mực về tình đoàn kết quốc tế trong lịch sử thế giới đương đại, đồng thời cũng vì sự phát triển bền vững của mỗi nước.

  Ngoài những điều kiện trên, hai nước Việt Nam, Lào có một ưu thế nổi trội vô cùng quý giá là quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà hai Đảng, hai dân tộc cần luôn luôn vun đắp, bảo vệ và phát huy trong mọi hoạt động chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng an ninh, ngoại giao, văn hoá, giáo dục đào tạo nhân lực, nhân tài.
Tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong thời kỳ mới. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, hai bên luôn khẳng định quan điểm nhất quán, tiếp tục coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau, đòi hỏi hai nước Việt Nam- lào phải yêu thương gắn bó chặt chẽ với nhau, giữ cho quan hệ đặc biệt Việt –Lào muôn đời bền vững.

                                                                 Thanh Quân, ngày 20 tháng 7 năm 2017

                                                  Người dự thi:

                                                       Vi Văn Đông 

Tải xuống


Đề thi, giáo án các lớp các môn học