Giáo án Giáo dục thể chất 9 Chân trời sáng tạo (năm 2024 mới nhất)

Tài liệu Giáo án Giáo dục thể chất 9 Chân trời sáng tạo đầy đủ cả năm, mới nhất theo mẫu Kế hoạch bài dạy (KHBD) chuẩn của Bộ GD&ĐT giúp Thầy/Cô dễ dàng soạn giáo án môn Giáo dục thể chất 9 theo chương trình sách mới.

Chủ đề I. CHẠY CỰ LI NGẮN (100 m)

Bài 1: CỦNG CỐ KĨ THUẬT XUẤT PHÁT VÀ CHẠY LAO SAU XUẤT PHÁT

Thời gian thực hiện: 06 tiết

I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

1. Về kiến thức:

– Phối hợp kĩ thuật giai đoạn xuất phát và chạy lao sau xuất phát.

– Giới thiệu được một số điều luật cơ bản trong môn Chạy.

– Trò chơi phát triển sức nhanh.

2. Về năng lực:

– Rèn luyện và phối hợp được các kĩ thuật trong giai đoạn xuất phát cao và chạy lao sau xuất phát.

– Biết sử dụng các yếu tố tự nhiên để rèn luyện sức khoẻ và phát triển
thể chất.

– Hình thành tố chất sức nhanh.

– Vận dụng một số kiến thức đã học vào thực tế.

3. Về phẩm chất:

Chủ động, tích cực trong tập luyện.

II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

– Giáo viên: Kế hoạch bài dạy, trang phục thể thao, tranh ảnh, cờ hiệu,
phấn viết, còi, đồng hồ bấm giờ, bàn đạp, ván phát lệnh.

– Học sinh: Đồng phục thể thao, nước uống, khăn mặt.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC CHỦ YẾU

1. Hoạt động 1: Mở đầu

a) Mục tiêu: Khởi động làm nóng cơ thể sẵn sàng cho tiếp thu các kiến thức mới.

b) Nội dung:

– Điểm danh, nhận lớp, phổ biến nội dung học tập.

– Hướng dẫn bài khởi động và trò chơi khởi động cho học sinh.

c) Sản phẩm: Hoàn thành bài khởi động và trò chơi khởi động theo hướng dẫn của giáo viên.

d) Tổ chức thực hiện:

Chuyển giao nhiệm vụ học tập:

– Giáo viên tập hợp lớp, điểm danh, phổ biến nội dung học, mục tiêu và yêu cầu cần đạt cho học sinh.

– Giáo viên giới thiệu một số kiến thức về cách sử dụng các yếu tố tự nhiên để rèn luyện sức khoẻ và phát triển thể chất như các yếu tố không khí, ánh sáng, nước và địa hình tập luyện:

+ Hướng dẫn học sinh trong khi tập luyện cần chú ý chọn những khu vực có không khí trong lành, thoáng mát, không nắng chói, không ô nhiễm, không gió mạnh, nên tránh tập luyện trong thời điểm ánh nắng mặt trời gay gắt để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.

+ Đối với việc đảm bảo an toàn khi lựa chọn địa hình: không nên tập luyện trên các địa hình trơn trượt, mấp mô, nhiều chướng ngại vật như đá nhỏ, có các vũng nước.

+ Khi tập luyện ở môi trường nước, người tập cần đảm bảo điều kiện về nhiệt độ, dòng chảy, độ sâu.

– Giáo viên hướng dẫn học sinh chạy với tốc độ chậm quanh sân trường với cự li từ 200 – 400 m.

– Giáo viên tập hợp học sinh thành các hàng ngang đứng xen kẽ nhau.
Giáo viên có thể mời một học sinh lên để đếm nhịp và thực hiện mẫu cho các bạn khác. Các động tác xoay các khớp theo thứ tự từ trên xuống dưới bao gồm đầu, cổ, tay, vai, hông, gập duỗi gối, cổ tay, cổ chân. Giáo viên chú ý nhắc nhở học sinh thực hiện kĩ các động tác xoay khớp hông, gập duỗi gối, xoay cổ chân và các động tác căng cơ liên quan đến chân. Mỗi động tác thực hiện 2 lần × 8 nhịp hoặc 10 – 15 giây.

– Giáo viên tập hợp học sinh thành các hàng dọc, tổ chức thực hiện các bài tập bổ trợ: chạy bước nhỏ, chạy nâng cao đùi, chạy đạp sau và chạy tăng tốc độ. Giáo viên chỉ định một bạn hô hiệu lệnh “chạy” cho mỗi hàng thực hiện
cùng lúc. Mỗi động tác thực hiện chạy với cự li 10 – 15 m, lặp lại 2 – 3 lần.

– Giáo viên tổ chức trò chơi khởi động như gợi ý trong sách giáo khoa (có thể thay thế bằng trò chơi trong phần các trò chơi phát triển sức nhanh).

ĐOÀN THUYỀN VƯỢT BIỂN

Dụng cụ: Cờ hiệu, phấn viết, còi.

Cách thực hiện: Người chơi chia thành các đội có số người bằng nhau, ngồi thấp thành các hàng dọc sau vạch giới hạn, hai tay đặt lên vai bạn phía trước. Khi có hiệu lệnh, các đội di chuyển nhanh vòng qua cờ hiệu về vạch giới hạn. Trong quá trình di chuyển, tất cả các thành viên đều phải ở tư thế ngồi thấp và tay không được rời vai bạn phía trước. Nếu bị tách rời, cả đội dừng và nối lại hàng, sau đó tiếp tục di chuyển. Đội có người chơi cuối cùng vượt qua vạch giới hạn trước là đội chiến thắng.

Giáo án Giáo dục thể chất 9 Chân trời sáng tạo (năm 2024 mới nhất)

Thực hiện nhiệm vụ học:

– Học sinh tập hợp lớp, điểm số và báo cáo cho giáo viên.

– Học sinh nghe giới thiệu một số kiến thức về cách sử dụng các yếu tố tự nhiên để rèn luyện sức khoẻ và phát triển thể chất.

– Học sinh thực hiện chạy chậm 200 – 400 m và các động tác khởi động làm nóng cơ thể.

– Học sinh tích cực tham gia trò chơi khởi động.

Đánh giá kết quả thực hiện:

– Thực hiện chưa đạt: Chưa thực hiện đủ lượng vận động của bài khởi động. Chưa tích cực tham gia trò chơi.

– Thực hiện đạt: Thực hiện đủ lượng vận động của bài khởi động. Tích cực tham gia trò chơi.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới

a) Mục tiêu:

– Hoàn thành được giai đoạn xuất phát và chạy lao sau xuất phát.

– Nắm được một số điều luật cơ bản trong chạy cự li ngắn.

b) Nội dung:

– Hướng dẫn ôn tập và hoàn thiện kĩ thuật phối hợp trong giai đoạn xuất phát thấp và chạy lao sau xuất phát.

– Giới thiệu một số điều luật cơ bản trong chạy cự li ngắn cho học sinh.

c) Sản phẩm: Tiếp thu và thực hiện được kĩ thuật phối hợp trong giai đoạn xuất phát thấp và chạy lao sau xuất phát, một số điều luật cơ bản trong chạy cự li ngắn.

d) Tổ chức thực hiện:

Chuyển giao nhiệm vụ học tập:

– Giáo viên sử dụng phương pháp lời nói nêu nhiệm vụ củng cố kĩ thuật trong chạy cự li ngắn bao gồm:

+ Tiếp tục tập luyện kĩ thuật cũng như củng cố toàn bộ kĩ thuật đã học trong những năm học trước nhưng yêu cầu ở mức độ cao hơn về tính chính xác của kĩ thuật động tác, thực hiện động tác nhịp nhàng, liên tục và hiệu quả hơn.

+ Cùng với nhiệm vụ củng cố kĩ thuật cần chú ý phát triển các tố chất thể lực tạo điều kiện cho việc thực hiện động tác hiệu quả hơn.

– Giáo viên sử dụng phương pháp lời nói để nêu những yếu lĩnh kĩ thuật trong phối hợp các giai đoạn xuất phát thấp và chạy lao sau xuất phát. Giáo viên sử dụng phương pháp lời nói để nêu một số điều luật cơ bản trong chạy cự li ngắn cho học sinh biết. Các điều luật liên quan đến bàn đạp xuất phát trong chạy cự li ngắn, do đó cần trang bị bàn đạp hoặc tranh ảnh minh hoạ khi tổ chức nội dung này.

– Giáo viên sử dụng phương pháp trực quan và làm mẫu theo trình tự các kĩ thuật phối hợp trong giai đoạn xuất phát thấp và chạy lao sau xuất phát.

– Giáo viên hướng dẫn cả lớp thực hiện sau đó mời 2 – 4 học sinh lên làm mẫu, chỉ ra những điểm sai chung và cách sửa chữa, sau đó chia lớp thành các nhóm nhỏ để luyện tập.

Thực hiện nhiệm vụ học:

– Học sinh chú ý lắng nghe, quan sát giáo viên giới thiệu và phân tích động tác.

– Học sinh chủ động, tích cực tập luyện theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Báo cáo kết quả thực hiện:

– Giáo viên mời 1 – 2 học sinh thực hiện mẫu để cả lớp theo dõi.

– Giáo viên lưu ý một số lỗi thường mắc và cách sửa sai.

Đánh giá kết quả thực hiện:

– Thực hiện chưa đạt: Thực hiện các động tác “vào chỗ”, “sẵn sàng” chưa đúng biên độ động tác. Xuất phát chậm so với hiệu lệnh. Chuyển tiếp giữa hai giai đoạn còn giật cụt, chưa tự nhiên.

– Thực hiện đạt: Thực hiện các động tác “vào chỗ”, “sẵn sàng” đúng biên độ động tác. Xuất phát nhanh so với hiệu lệnh. Chuyển tiếp giữa hai giai đoạn tự nhiên.

................................

................................

................................

(Nguồn: NXB Giáo dục)

Xem thêm giáo án 9 Chân trời sáng tạo các môn học hay khác:


Đề thi, giáo án các lớp các môn học