Kiến thức trọng tâm Kinh tế Pháp luật 12 Bài 1 (sách mới)



Trong chương trình sách mới, môn GDCD 12 được đổi tên thành Giáo dục Kinh tế & Pháp luật 12. Kiến thức trọng tâm Kinh tế Pháp luật 12 Bài 1 gồm tóm tắt lý thuyết, trắc nghiệm, giải sgk, sbt theo từng bài học giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức môn KTPL 12 để ôn thi Tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao.

Kiến thức trọng tâm GD KTPL 12 Bài 1 Kết nối tri thức

Kiến thức trọng tâm GD KTPL 12 Bài 1 Chân trời sáng tạo

Kiến thức trọng tâm GD KTPL 12 Bài 1 Cánh diều




Lưu trữ: Kiến thức trọng tâm GDCD 12 Bài 1: Pháp luật và đời sống (sách cũ)

A. Lý thuyết bài học

I. Kiến thức cơ bản:

1. Khái niệm pháp luật

a. Pháp luật là gì?

- Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước.

b. Đặc trưng của pháp luật

- Tính quy phạm phổ biến

    + Tính quy phạm: Khuôn mẫu; tính phổ biến: áp dụng nhiều lần đối với nhiều người, nhiều nơi.

    + Tính quy phạm phổ biến: làm nên giá trị công bằng bình đẳng trước pháp luật.

    + Bất kì ai ở trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định cũng phải thực hiện theo khuôn mẫu pháp luật quy định.

- Tính quyền lực, bắt buộc chung

    + Tính quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước.

    + Tất cả mọi người đều phải thực hiện các quy phạm pháp luật.

- Tính xác định chặt chẽ về hình thức

    + Hình thức thể hiện của pháp luật là các văn bản có chứa các quy phạm pháp luật được xác định chặt chẽ về hình thức: văn phong diễn đạt phải chính xác. Cơ quan ban hành văn bản và hiệu lực của văn bản được quy định chặt chẽ trong Hiến pháp hoặc luật.

2. Bản chất của pháp luật

a. Bản chất giai cấp của pháp luật.

- Pháp luật do nhà nước ban hành phù hợp với ý chí nguyện vọng của giai cấp cầm quyền mà nhà nước là đại diện.

b. Bản chất xã hội của pháp luật.

- Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, do thực tiễn cuộc sống đòi hỏi.

- Pháp luật không chỉ phản ánh ý chí của giai cấp thống trị mà còn phản ánh nhu cầu, lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp dân cư khác nhau trong xã hội.

- Các quy phạm pháp luật được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội, vì sự phát triển của xã hội.

3. Mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức

a. Quan hệ giữa pháp luật với kinh tế:

- Các quan hệ kinh tế quyết định nội dung của pháp luật, sự thay đổi các quan hệ kinh tế sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi nội dung của pháp luật.

- Pháp luật lại tác động ngược trở lại đối với kinh tế, có thể theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.

b. Quan hệ giữa pháp luật với chính trị:

- Đường lối chính trị của đảng cầm quyền chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện pháp luật. Thông qua pháp luật, ý chí của giai cấp cầm quyền trở thành ý chí của nhà nước.

- Đồng thời, pháp luật còn thể hiện ở mức độ nhất định đường lối chính trị của giai cấp và các tầng lớp khác trong xã hội.

c. Quan hệ giữa pháp luật với đạo đức:

- Nhà nước luôn cố gắng chuyển những quy phạm đạo đức có tính phổ biến phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội thành các quy phạm pháp luật.

- Khi ấy, các giá trị đạo đức không chỉ được tuân thủ bằng niềm tin, lương tâm của cá nhân hay do sức ép của dư luận xã hội mà còn được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh quyền lực nhà nước.

4. Vai trò của pháp luật trong đời sồng xã hội

a. Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lí xã hội

- Tất cả các nhà nước đều quản lí xã hội chủ yếu bằng pháp luật bên cạnh những phương tiện khác như chính sách, kế hoạch, giáo dục tư tưởng, đạo đức,...Nhờ có pháp luật, nhà nước phát huy được quyền lực của mình và kiểm tra, kiểm soát được các hoạt động của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan trong phạm vi lãnh thổ của mình.

- Quản lí bằng pháp luật là phương pháp quản lí dân chủvà hiệu quả nhất , vì:

    + Pháp luật là khuôn mẫu có tính phổ biến và bắt buộc chung, phù hợp với lợi ích chung của các giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau , tạo được sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực hiện pháp luật.

    + Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách thống nhất trong toàn quốc và được bảo đảm bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước nên hiệu lực thi hành cao.

    + Quản lí xã hội bằng pháp luật nghĩa là nhà nước ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật trên quy mô toàn xã hội.

b. Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình:

- Hiến pháp quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ; các luật về dân sự, hôn nhân và gia đình , thương mại , thuế, đất đai , giáo dục ,...cụ thể hóa nội dung, cách thức thực hiện các quyền của công dân trong từng lĩnh vực cụ thể. Trên cơ sở ấy, công dân thực hiện quyền của mình.

- Các luật về hành chính, hình sự, tố tụng,... quy định thẩm quyền, nội dung, hình thức, thủ tục giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và xử lí các vi phạm pháp luật. Nhờ thế, công dân sẽ bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

B. Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước là khái niệm của

A. Pháp luật.

B. Quy chế.

C. Quy định.

D.Pháp lệnh.

Lời giải: 

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 2: Chủ thể nào có trách nhiệm đảm bảo cho pháp luật được mọi người thi hành và tuân thủ trong thực tế?

A. Công dân.

B. Xã hội.

C. Tổ chức.

D. Nhà nước.

Lời giải: 

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 3: Pháp luật được Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng

A. Ý chí của Nhà nước.

B. Quyền lực Nhà nước.

C. Ý thức tự giác của công dân.

D. Dư luận xã hội.

Lời giải:

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 4: Nội dung nào dưới đây không phải là đặc trưng của pháp luật?

A. Tính quy phạm phổ biến.

B. Tính quyền lực, bắt buộc chung.

C. Tính thuyết phục.

D. Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

Lời giải: 

Đặc trưng của pháp luật thể hiện ở tính quy phạm phổ biến, tính quyền lực, bắt buộc chung và tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 5:   Đặc trưng làm nên giá trị công bằng, bình đẳng của pháp luật là

A. Tính quy phạm phổ biến.

B. Tính quyền lực, bắt buộc chung.

C. Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

D. Cả A, B và C.

Lời giải: 

Tính quy phạm phổ biến làm nên giá trị công bằng, bình đẳng của pháp luật, vì bất kì ai ở trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định cũng phải xử sự theo khuôn mẫu được pháp luật quy định.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 6: Đặc trưng nào là đặc điểm phân biệt quy phạm pháp luật với quy phạm đạo đức?

A. Tính quy phạm phổ biến.

B. Tính quyền lực, bắt buộc chung.

C. Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

D. Tính giáo dục, thuyết phục.

Lời giải: 

Pháp luật có tính quyền lực, bắt buộc chung tức là quy định bắt buộc chung đối với tất cả mọi cá nhân

Đáp án cần chọn là: B

Câu 7: Nội dung văn bản do cơ quan cấp dưới ban hành không được trái với nội dung văn bản do cơ quan cấp trên ban hành là đảm bảo đặc trưng nào dưới đây của pháp luật?

A. Tính quy phạm phổ biến.

B. Tính quyền lực, bắt buộc chung.

C. Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

D. Tính xác định chặt chẽ về mặt nội dung.

Lời giải: 

Nội dung của văn bản do cơ quan cấp dưới ban hành (có hiệu lực pháp lí thấp hơn) không được trái với nội dung của văn bản do cơ quan cấp trên nhằm đảm bảo đặc trưng tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức, nhằm tạo nên sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 8: Pháp luật mang bản chất của

A. Giai cấp cầm quyền.

B. Giai cấp tiến bộ nhất.

C. Mọi giai cấp.

D. Dân tộc.

Lời giải: 

Các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành phù hợp với ý chí của giai cấp cầm quyền mà nhà nước là đại diện.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 9: Pháp luật nước ta thể hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động trên

A. Lĩnh vực kinh tế

B. Lĩnh vực chính trị

C. Lĩnh vực xã hội

D. Tất cả mọi lĩnh vực

Lời giải: 

Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam mang bản chất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả mọi lĩnh vực.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 10: Pháp luật ở bất kì xã hội nào đều mang

A. Bản chất giai cấp và bản chất xã hội.

B. Bản chất giai cấp và bản chất thời đại.

C. Bản chất giai cấp và bản chất lịch sử.

D. Bản chất giai cấp và bản chất dân tộc

Lời giải: 

Các đặc trưng của pháp luật cho thấy pháp luật vừa mang bản chất giai cấp, vừa mang bản chất xã hội.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 11: Quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức có mối quan hệ ........ với nhau.

A. Gắn bó.

B. Chặt chẽ.

C. Khăng khít.

D. Thân thiết.

Lời giải:

Ở mỗi nước, ngoài quy phạm pháp luật còn tồn tại các loại quy phạm xã hội khác, trong đó có quy phạm đạo đức. Hai loại quy phạm này có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 12: Pháp luật là một ................ để thể hiện và bảo vệ các giá trị đạo đức

A. Phương tiện cơ bản.

B. Phương tiện đặc trưng.

C. Phương tiện phù hợp.

D. Phương tiện đặc thù.

Lời giải:

Khi đã trở thành nội dung của quy phạm pháp luật thì các giá trị đạo đức không chỉ được tuân thủ bằng niềm tin, lương tâm của cá nhân hay do sức ép của dư luận xã hội mà còn được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh quyền lực nhà nước. Do đó, có thể nói, pháp luật là một phương tiện đặc thù để thể hiện và bảo vệ các giá trị đạo đức.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 13: Pháp luật và đạo đức cùng hướng tới các giá trị cơ bản nhất là:

A. Công bằng, nghĩa vụ, lương tâm, danh dự.

B. Nghĩa vụ, lương tâm, danh dự, nhân phẩm.

C. Công bằng, bình đẳng, tự do, lẽ phải.

D. Công bằng, trung thực, bình đẳng, bác ái.

Lời giải:

Những giá trị cơ bản nhất của pháp luật – công bằng, bình đẳng, tự do, lẽ phải, cũng là những giá trị đạo đức cao cả mà con người luôn hướng tới.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 14: Pháp luật là một trong những phương tiện để nhà nước thực hiện vai trò nào dưới đây?

A. Quản lí công dân.

B. Bảo vệ công dân.

C. Quản lí xã hội.

D. Bảo vệ xã hội.

Lời giải:

Để quản lí xã hội, cùng với các phương tiện khác, nhà nước sử dụng pháp luật như một phương tiện hữu hiệu nhất mà không một phương tiện nào có thể thay thế được.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 15: Pháp luật được coi là phương tiện để quản nhà nước quản lí xã hội

A. Hiệu quả nhất.

B. Hữu hiệu nhất.

C. Đơn giản nhất.

D. Phù hợp nhất.

Lời giải:

Để quản lí xã hội, cùng với các phương tiện khác, nhà nước sử dụng pháp luật như một phương tiện hữu hiệu nhất mà không một phương tiện nào có thể thay thế được.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 16: Nội dung nào dưới đây không thể hiện vai trò của nhà nước trong quản lí xã hội bằng pháp luật?

A. Ban hành pháp luật trên quy mô toàn xã hội.

B. Tổ chức thực hiện pháp luật trên toàn xã hội.

C. Công bố công khai, kịp thời các văn bản pháp luật.

D. Tự giác tìm hiểu các quy định của pháp luật.

Lời giải:

Quản lí xã hội bằng pháp luật nghĩa là nhà nước ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật trên quy mô toàn xã hội, đưa pháp luật vào đời sống của từng người dân. Muốn người dân thực hiện đúng pháp luật thì phải làm cho dân biết pháp luật, vì vậy phải công bố công khai, kịp thời các văn bản pháp luật.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 17: Công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua phương tiện nào?

A. Hiến pháp.

B. Pháp luật.

C. Đạo đức.

D. Chủ trương, chính sách.

Lời giải:

Pháp luật là phương tiện để công dân bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua các luật về hành chính, dân sự, hình sự, tố tụng,...

Đáp án cần chọn là: B

Câu 18: Pháp luật không chỉ quy định quyền của công dân trong cuộc sống mà còn quy định ........................... để công dân thực hiện quyền đó.

A. Phương pháp.

B. Cách thức.

C. Biện pháp.

D. Trình tự.

Lời giải:

Pháp luật không những quy định quyền của công dân trong cuộc sống mà còn quy định rõ cách thức để công dân thực hiện các quyền đó cũng như trình tự, thủ tục pháp lí để công dân yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 19: Luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất là

A. Hiến pháp.

B. Luật Hình sự.

C. Luật Dân sự.

D. Luật Hành chính.

Lời giải:

Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 20: Văn bản nào sau đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật?

A. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

B. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

C. Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

D. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018.

Lời giải:

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

=> Không thoả mãn các đặc trưng của pháp luật

Đáp án cần chọn là: B

C. Giải bài tập sgk

Xem thêm các bài học Giáo dục công dân lớp 12 đầy đủ, chi tiết khác:




Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học