Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải

Với tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 10 Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 10.

I. Vai trò và đặc điểm

1. Vai trò

- Giao thông vận tải là ngành dịch vụ quan trọng, là khâu không thể thiếu trong sản xuất, giúp quá trình sản xuất và tiêu thụ được diễn ra liên tục.

- Giúp nhu cầu đi lại của toàn xã hội được diễn ra thuận tiện và thông suốt.

- Tạo các mối liên kết kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong quốc gia, tăng cường các mối giao lưu và hợp tác quốc tế.

- Thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, làm thay đổi phân bố sản xuất và dân cư.

- Góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có của mỗi vùng, quốc gia.

2. Đặc điểm

- Sản phẩm của ngành giao thông vận tải chính là sự chuyên chở người và hàng hoá.

- Các tiêu chí đánh giá dịch vụ vận tải gồm: Khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển và cự li vận chuyển trung bình.

- Giao thông vận tải là khâu quan trọng trong dịch vụ logistic.

- Có sự phân bố đặc thù theo mạng lưới với các tuyến và đầu mối giao thông.

II. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải

1. Vị trí địa lí

- Đây là nhân tố quy định sự có mặt của loại hình giao thông vận tải.

- Vị trí địa lí ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải.

2. Nhân tố tự nhiên

- Địa hình quy định sự có mặt và vai trò của loại hình giao thông vận tải.

- Khí hậu và thời tiết ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải.

- Các điều kiện thời tiết như mưa, bão, sương mù, băng tuyết,... sẽ cản trở hoạt động của một số phương tiện giao thông vận tải.

3. Nhân tố kinh tế - xã hội

- Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển, phân bố và hoạt động của giao thông vận tải.

- Phân bố dân cư ảnh hưởng sâu sắc tới vận tải hành khách.

- Khoa học - công nghệ ảnh hưởng đến tốc độ vận chuyển, việc hiện đại hoá và nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải, quá trình điều hành và quản lí giao thông vận tải.

- Vốn đầu tư và chính sách tác động tới sự phát triển mạng lưới và mức độ hiện đại hoá hệ thống hạ tầng giao thông vận tải.

III. Tình hình phát triển và phân bố các ngành giao thông vận tải trên thế giới

Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải (ảnh 1)

Hình 34.1. Phân bố giao thông đường ô tô, đường sắt trên thế giới, năm 2020

1. Đường ô tô

- Tình hình phát triển:

+ Vận tải đường ô tô ra đời sớm, phát triển mạnh và phổ biến nhất hiện nay nhờ tính ưu việt trong việc di chuyển, tính kết nối với các loại hình vận tải khác.

+ Số lượng ô tô trên thế giới không ngừng tăng lên, trong đó tăng mạnh nhất là phương tiện ô tô thân thiện với môi trường và có độ an toàn cao.

+ Mạng lưới đường sá ngày càng phát triển, tổng chiều dài đường ô tô không ngừng tăng lên, nhất là hệ thống đường cao tốc.

- Phân bố

+ Mật độ đường ô tô tập trung nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước EU.

+ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Tây Âu là các quốc gia có tỉ lệ sở hữu và sử dụng ô tô cao nhất trên thế giới.

2. Đường sắt

- Tình hình phát triển:

+ Vận tải đường sắt ra đời sớm, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 nhờ sự phát minh đầu máy hơi nước.

+ Trên thế giới có hơn 1,37 triệu km đường sắt (năm 2020) với nhiều loại hình như đường sắt trên mặt đất, đường sắt trên cao, đường sắt dưới lòng đất,...

- Phân bố: Mạng lưới đường sắt trên thế giới tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Á. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga,…

3. Đường sông, hồ

- Tình hình phát triển: Giao thông vận tải đường sông, hồ phát triển từ rất sớm để đảm nhận vai trò vận tải người và hàng hoá trên các hệ thống sông, hồ tự nhiên.

- Phân bố: Một số hệ thống sông, hồ có khả năng giao thông lớn như sông Đa-nuýp (Danube), sông Rai-nơ (Rhein) ở châu Âu; Trường Giang, sông Mê Công,…

4. Đường biển

- Tình hình phát triển:

+ Ngành giao thông vận tải đường biển phát triển từ rất sớm và chủ yếu là vận tải ven bờ, khối lượng vận chuyển nhỏ, cự ly vận chuyển ngắn.

+ Các tàu biển có kích thước và tải trọng ngày càng lớn, công nghệ vận hành được cải tiến để tăng tốc độ, đảm bảo an toàn và chú trọng đến bảo vệ môi trường biển.

- Phân bố

+ Các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Xin-ga-po,... sở hữu đội tàu nhiều nhất thế giới.

+ Các tuyến đường biển nhộn nhịp trên thế giới hiện nay là tuyến kết nối châu Âu qua Ấn Độ Dương với châu Á - TBD; tuyến kết nối hai bên bờ Đại Tây Dương.

+ Một số cảng biển có năng lực vận tải lớn trên thế giới như Thượng Hải, Xin-ga-po, Hồng Kông, Rốt-tec-đam,...

Lý thuyết Địa Lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải (ảnh 2)

Hình 34.2. Phân bố giao thông đường biển, đường hàng không trên thế giới, năm 2020

5. Đường hàng không

- Tình hình phát triển:

+ Hàng không là ngành giao thông vận tải non trẻ nhưng có bước phát triển thần tốc nhờ tiến bộ của khoa học - công nghệ và tính ưu việt về tốc độ di chuyển.

+ Số lượng các máy bay dân dụng trên thế giới không ngừng tăng lên với khoảng 35 000 chiếc đang hoạt động.

- Phân bố

+ Hiện nay, thế giới có hơn 15 000 sân bay dân dụng đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

+ Các tuyến hàng không nhộn nhịp nhất là tuyến vượt Đại Tây Dương kết nối châu Âu với châu Mỹ, tuyến nối Hoa Kỳ với các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:


Giải bài tập lớp 10 Chân trời sáng tạo khác