Đề thi vào lớp 10 môn Văn TP.HCM 2018 có đáp án

Chỉ từ 150k mua trọn bộ Đề thi vào 10 Văn 2024 bản word có lời giải chi tiết:

Xem thử Đề ôn vào 10 Văn Xem thử Đề vào 10 Văn Tp.HCM

    Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

    Thời gian: 120 phút

Câu 1: (3,0 điểm)

Em hãy đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Văn bản 1

   Báo cáo mới đây của tạp chí Science cho thấy đến nay thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỉ tấn hiện là rác thải. Và 79% trong 6,3 tỉ tấn đó giờ đang nằm trong các bãi rác và môi trường tự nhiên.

   Nhựa được sử dụng phổ biến vì tiện dụng, rẻ tiền, dễ chế tạo. Tuy nhiên nhựa có hạn chế lớn là rất lâu phân hủy, đồng nghĩa với việc rác thải nhựa sẽ gây nên thảm họa môi trường nếu không có cách giải quyết

   Thời gian phân hủy tự nhiên của một số vật thể nhựa: (đơn vị: năm)

Đề thi vào lớp 10 môn Văn TP.HCM 2018 có đáp án

   Trong các đại dương, số lượng rác thải nhựa ước tính khoảng 150 triệu tấn – nặng gần bằng 1/5 khối lượng cá. Các nhà khoa học dự báo với tốc độ gia tăng rác thải nhựa như hiện nay, vào năm 2050, khối lượng rác thải nhựa sẽ nặng hơn cả khối lượng cá.

   Việt Nam là một trong các quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Tại Việt Nam, số lượng túi nilon, chai nhựa, ly nhựa, ống hút, hộp xốp,… được sử dụng nhiều vượt trội so với các nước khác.

   Rác thải nhựa ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản và tác động xấu đến sức khỏe con người,…

Văn bản 2

   Trước sự đe dọa của rác thải nhựa, nhiều nước đã lên kế hoạch hành động.

   Từ tháng 1 năm nay, chính phủ Scotland đề xuất ý kiến về việc cấm sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm làm từ nhựa. Lệnh cấm này sẽ góp phần giảm đáng kể lượng rác thải nhựa.

   Lệnh cấm này sẽ góp phần giảm đáng kể lượng rác thải nhựa.

   Tại Anh, các loại hạt kim tuyến trang trí đã bị cấm sử dụng. Việc tính phí với túi nhựa cũng được thực hiện. Theo số liệu thống kê của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn, nhờ việc tính phí này, trong thời gian qua, số lượng túi nhựa được đưa vào sử dụng đã giảm 9 tỉ chiếc.

   Từ năm 2019, Đài Loan sẽ cấm sử dụng các loại ống hút nhựa tại các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, sau đó tiến tới cấm hoàn toàn việc cung cấp túi nhựa tại các điểm kinh doanh.

   Tại Việt Nam, một số tổ chức xã hội đã phát động các chiến dịch như: “7 ngày thách thức”, “Bớt một vỏ chai, cứu tương lai”,… với mục tiêu thúc đẩy cộng đồng chung tay chống lại rác thải nhựa.

   Trong thời gian qua, nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đã tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm giảm rác thải nhựa. Các bạn mày mò thực hiện những dự án làm ống hút từ tre và cỏ bàng, tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng có ích,… Chắc chắn những hành động này sẽ góp phần giúp môi trường trở nên xanh, sạch đẹp hơn.

(Hai văn bản trên được tổng hợp từ các báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Thời nay)

a. Dựa vào văn bản, hãy cho biết tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống. (0,5 điểm)

b. Tìm thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn cuối của văn bản 2. (0,5 điểm)

c. Chỉ ra mối liên hệ về nội dung của hai văn bản trên. (1,0 điểm)

d. Theo em, giải pháp nào là hiệu quả nhất để giảm ô nhiễm rác thải nhựa ở nước ta hiện nay? Vì sao? (Em có thể lựa chọn giải pháp trong văn bản hoặc tự đề ra giải pháp khác. Trả lời trong khoảng 3 – 5 dòng). (1 điểm)

Câu 2: (3,0 điểm)

   Để thể hiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái (che chở, bao bọc, chia sẻ, gắn bó, bình đẳng, độc lập,…), các bạn học sinh đã đưa ra ba hình ảnh sau:

Đề thi vào lớp 10 môn Văn TP.HCM 2018 có đáp án

   Từ một trong ba hình ảnh trên, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay.

Câu 3: (4,0 điểm)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1:

   Không có kính không phải vì xe không có kính

   Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

   Ung dung buồng lái ta ngồi,

   Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

   Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

   Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

   Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

   Như sa như ùa vào buồng lái.

(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật)

   Cảm nhận về hình ảnh người lính trong hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác cũng viết về người lính để thấy được nét gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này.

Đề 2: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.

Câu 1: (3 điểm)

a. HS dựa vào văn bản chỉ ra tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống: ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, gây nguy hại cho nguồn lợi thủy hải sản và tác động xấu đến sức khỏe con người….

b. Thành phần tình thái: chắc chắn.

c. Mối liên hệ về nội dung của hai văn bản:

- Văn bản 1: thực trạng rác thải nhựa quá nhiều lại lâu phân hủy gây hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống.

- Văn bản 2: giải pháp mà các nước đưa ra để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.

d. Một số giải pháp:

- cần tính phí túi nhựa thay vì phát túi nhựa miễn phí cho khách mua hàng ở siêu thị. Khi đó, mỗi người sẽ tự mang theo túi nhựa hoặc chỉ mua số lượng túi nhựa đủ dùng. Lượng túi nhựa được sử dụng bớt đi, lượng rác thải từ túi nhựa sẽ giảm đi đáng kể.

- Cần tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ tác hại của hộp xốp, từ đó tiến tới cấm sử dụng hộp xốp để đựng thức ăn. Việc ngưng sử dụng hộp xốp vừa góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe người tiêu dùng, vừa làm giảm số lượng rác thải từ hộp xốp.

- …..

Câu 2: (3 điểm)

   HS lựa chọn 1 trong 3 hình ảnh để bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay. Sau đây là 1 số gợi ý cho các hướng giải quyết đề bài:

Hình 1 Hình 2 Hình 3
Giải thích – nêu hiện tượng: Đây là dạng đề mở, HS có thể đưa ra những cách giải mã hình ảnh khác nhau để rút ra vấn đề bàn luận. Một vài gợi ý:
Vòng tròn nhỏ nằm trong vòng tròn lớn tượng trưng cho việc con cái luôn được cha mẹ ôm ấp, bao bọc, chở che. Hai vòng tròn giao nhau tượng trưng cho việc cha mẹ và con cái là những cá thể riêng, độc lập nhưng vẫn có điểm chung, gắn kết chia sẻ với nhau. Hai vòng tròn đặt cạnh nhau tượng trưng cho việc con cái và cha mẹ là những cá thể riêng biệt, tuy ở gần nhưng ít liên quan, ít tác động đến nhau.
- Bàn luận: Tùy vào những hiểu biết và suy ngẫm riêng, học sinh bàn luận vấn đề đã chọn theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các bước làm bài Nghị luận xã hội (lí giải nguyên nhân, phân tích các mặt đúng – sai, lợi – hại,…) Một vài gợi ý:
    + Trong mắt cha mẹ, con lúc nào cũng nhỏ bé, non nớt, cần được quan tâm, chăm sóc, chỉ dẫn, dìu dắt. Hơn nữa, có những đứa con mắc bệnh không chịu lớn, luôn muốn dựa dẫm vào cha mẹ.

 

    + Việc cha mẹ bao bọc khiến con ít vấp ngã, ít phạm sai lầm và luôn cảm thấy mình được yêu thương. Tuy nhiên điều đó cũng làm con cảm thấy ngột ngạt, mất tự do, mất khả năng tự lập, tự quyết, từ đó sinh ra trầm cảm hoặc ỷ lại.
    + Yêu thương và tôn trọng cái tôi của con, hiểu rằng con cũng cần có đời sống độc lập, cha mẹ sẽ đối xử với con bình đẳng, ngang hàng trên cơ sở gắn kết, thấu hiểu, quan tâm.

 

    + Việc tạo cho con một đời sống tương đối độc lập sẽ khiến đứa trẻ có cơ hội trưởng thành trong tầm kiểm soát của cha mẹ mà không cảm thấy bức bối ngột ngạt. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng tốt đẹp vì con cảm thấy mình được yêu thương và tôn trọng.
    + Cuộc sống bận rộn với những mối quan tâm riêng khiến cha mẹ và con cái ít tương tác. Việc tôn thờ tự do cá nhân thái quá cũng khiến các thành viên trong gia đình thiếu quan tâm đến nhau.

 

    + Nếu từ nhỏ ít được cha mẹ quan tâm, đứa trẻ sẽ khó có thể lớn lên với một đời sống thể chất và tâm hồn lành mạnh. Việc những thành viên trong gia đình thiếu gắn kết làm gia đình trở nên lỏng lẻo, rời rạc.
    + Không đồng tình với việc cha mẹ bao bọc con cái thái quá hoặc không quan tâm đến con cái.

 

    + mỗi gia đình nên có những hoạt động chung để các thành viên thấu hiểu, chia sẻ với nhau. Bên cạnh đó, cần tôn trọng tự do của mỗi cá nhân.
- Bài học nhận thức và hành động: Phải duy trì sự gắn kết gia đình, đồng thời phải phát triển sự độc lập của bản thân.

Câu 3: (4 điểm)

Đề 1: Bài viết cần đảm bảo các ý sau:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, hai khổ thơ cần phân tích.

- Cảm nhận về hai khổ thơ: Cần thấy được:

    + Vẻ đẹp của hình tượng người lính: thể hiện qua tư thế hiên ngang, tình thần dũng cảm, coi thường gian khổ, hiểm nguy, cái nhìn lạc quan, tươi vui… Thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là hoàn cảnh để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp và sức mạnh tinh thần lớn lao của họ.

    + Vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật: hình ảnh thơ độc đáo, ngôn ngữ thơ rất gần với lời nói, có những câu như văn xuôi tạo nên giọng điệu ngang tàng, thể hiện cái hiên ngang của người lính, thể thơ tự do với số câu linh hoạt.

- Học sinh tự chọn một tác phẩm khác cũng viết về đề tài người lính (trong hoặc ngoài sgk) để liên hệ với hai khổ thơ trên. Cần nói qua về nội dung của tác phẩm được chọn, chỉ ra nét gặp gỡ của các tác giả (có thể về nội dung hoặc nghệ thuật hoặc cả nội dung và nghệ thuật, tùy theo tác phẩm được chọn) khi viết về người lính. Trên cơ sở đó, khẳng định ý nghĩa của đề tài người lính và đóng góp của mỗi nhà văn khi viết về đề tài này.

Đề 2: Một số hướng giải quyết:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Những trải nghiệm trong quá trình đọc sẽ thắp lên trong ta những ngọn lửa – những cảm xúc mãnh liệt. Đó có thể là ngọn lửa của khát khao chiếm lĩnh tri thức, ngọn lửa của mơ ước được đến với những vùng trời mới, được sống một cuộc đời tốt đẹp hơn, ngọn lửa của những tình cảm rực cháy: yêu thương, căm ghét, xúc động, tin tưởng….

- chứng minh bằng những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học: Học sinh tự chọn phân tích 1 hoặc nhiều tác phẩm (trong hoặc ngoài sgk) để chỉ ra những ngọn lửa mà trang sách nhóm lên trong mình. Cảm nhận của học sinh cần chân thành,tinh tế, sâu sắc. Bài làm cần có lí lẽ làm sáng tỏ vấn đề chứ không chỉ dừng lại ở việc phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Khái quát, đánh giá, bàn luận vấn đề: Học sinh đưa ra các ý kiến, suy nghĩ khác nhau về vấn đề. Có thể là:

    + Chỉ những tác phẩm thực sự giá trị mới nhóm lên ngọn lửa của những điều tốt đẹp, làm bừng sáng tâm hồn người đọc.

    + tác động của văn chương thường không đến ngay lập tức sau khi đọc mà phải qua quá trình nghiền ngẫm, chiêm nghiệm. Chỉ khi đọc có trình độ thường thức, có sự âm hiểu văn học, tác phẩm mới có thể nhóm lửa tâm hồn họ.

Xem thử Đề ôn vào 10 Văn Xem thử Đề vào 10 Văn Tp.HCM

Xem thêm các Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án hay khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học