Đề thi vào lớp 10 môn Văn TP.HCM 2016 có đáp án

Chỉ từ 150k mua trọn bộ Đề thi vào 10 Văn 2024 bản word có lời giải chi tiết:

Xem thử Đề ôn vào 10 Văn Xem thử Đề vào 10 Văn Tp.HCM

    Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

    Thời gian: 120 phút

Câu 1: (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

   Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.

   Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?

   Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.

   Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức...

   (Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)

a. Tìm thành phần phụ chú trong văn bản trên và cho biết tác dụng của thành phần ấy. (0,5 điểm)

b. Xác định ít nhất một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu Sống một cuộc đời, cũng giống vẽ một bức tranh vậy và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ ấy. (0,5 điểm)

c. Nêu nội dung văn bản trên. (1,0 điểm)

d. Theo em, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ? Trả lời trong khoảng 3 - 5 dòng (1,0 điểm)

Câu 2: (3,0 điểm)

   Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nêu yêu thương?

Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.

Câu 3: (4,0 điểm)

Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã viết về nhân vật anh thanh niên như sau:

   Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:

   - Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắm liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả "thèm" hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào "ốp" là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: "Đấy, bác cũng chẳng "thèm" người là gì?".

   Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:

   - Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.

   Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích trên. Từ đó, hãy liên hệ với hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống để thấy được vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam.

Câu 1. (3 điểm)

a. Thành phần phụ chú: “lứa tuổi bất ổn định nhất.”

Tác dụng: bổ sung ý nghĩa cho cụm từ “lứa tuổi học trò”

b. Biện pháp tu từ được sử dụng : so sánh “sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh”.

Tác dụng: giúp cho cách diễn đạt thêm sinh động, gợi cảm, khơi mở cho người đọc những suy nghĩ, liên tưởng về việc sống một cuộc đời…

   (Học sinh có thể xác định các biện pháp khác như: điệp từ “một”, tác dụng: nhấn mạnh vào tính chất duy nhất của đối tượng được đề cập; điệp cấu trúc sống một cuộc đời – vẽ một bức tranh, tác dụng: tạo nhịp điệu cân xứng, hài hòa cho câu văn, khiến câu văn trở nên ấn tượng, dễ nhớ…)

c. Nội dung văn bản: ước mơ của con người không bao giờ mất đi, thế nên hãy theo đuổi ước mơ, hãy chuẩn bị chu đáo cho việc thực hiện ước mơ, hãy đánh thức những ước mơ sâu kín.

   (Học sinh có thể tiếp nhận văn bản theo nhiều góc nhìn khác nhau; chấp nhận các ý hợp lí khác ngoài hướng dẫn chấm)

d. Thể hiện được suy nghĩ chân thành, sâu sắc về vấn đề. Học sinh có thể đồng ý hoặc không đồng ý với vấn đề đặt ra miễn sao lí lẽ phải thuyết phục.

   (Cần thấy được chỉ nên theo đuổi những ước mơ chân chính, tốt đẹp. Khi theo đuổi ước mơ, nên cân nhắc hoàn cảnh, điều kiện thực tế…)

Câu 2. (3 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ 3 phần: mở, thân, kết….

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai các luận điểm…

   Học sinh có thể đưa ra nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau về vấn đề. Có thể đồng ý, không đồng ý hoặc đồng ý một phần về vấn đề. Sau đây là 1 hướng giải quyết đề bài.

- Giải thích:

    + Những điều ngọt ngào: những hành động, cử chỉ, lời nói,… tốt đẹp mang đến niềm vui, sự ấm áp…; yêu thương: tình cảm tốt đẹp giữa người với người.

→ Người ta thường nghĩ biểu hiện của yêu thương luôn là những điều ngọt ngào nhưng thật ra có nhiều điều, nhiều cách để tạo nên tình yêu thương.

- Bàn luận:

    + Những điều ngọt ngào (sự trìu mến, ân cần, những lời lẽ dịu dàng, tình cảm) được xem là cách thể hiện yêu thương bởi nó kiến ta cảm thấy được quan tâm, chia sẻ, nâng đỡ trân trọng…

    + Không phải lúc nào cũng chỉ ngọt ngào mới làm nên yêu thương. Nhiều khi những cay đắng, phũ phàng (những lời la mắng của cha mẹ, những trách cứ của thầy cô, sự từ chối giúp đỡ của bạn bè …) lại xuất phát từ tình cảm thật sự dành cho ta, từ mong muốn ta hoàn thiện từng ngày…

    + Có những ngọt ngào không xuất phát từ yêu thương và có những cay đắng không làm nên yêu thương.

    + Phê phán những con người chỉ biết đón nhận yêu thương thông qua những ngọt ngào nên đã bỏ lỡ rất nhiều yêu thương thật sự, cũng như đã nhận lầm không ít yêu thương giả dối…

- Bài học nhận thức và hành động: cần nhận thức đúng đắn về yêu thương: không phải chỉ ngọt ngào mới làm nên yêu thương…; có ý thức và hành động cụ thể đem đến yêu thương cho mọi người và cho chính mình.

Lưu ý: HS cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3. (4 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

- Cảm nhận về nhân vậy anh thanh niên trong đoạn trích:

    + Là người yêu nghề, ý thức rõ về ý nghĩa của công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn sẵn sàng cống hiến cho cuộc đời;

    + Là người cởi mở, chân thành, gắn bó với mọi người.

    + Là người yêu sách, có tinh thần tự học.

- Đánh giá về nghệ thuật đoạn trích: ngôn ngữ tự nhiên, sinh động, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận….

- Học sinh có thể tự chọn một nhân vật văn học hoặc nhân vật đời sống để liên hệ. Nhân vật được chọn phải thuộc thế hệ trẻ với những phẩm chất ưu tú, nhiệt tình cống hiến, dựng xây, bảo vệ quê hương. Từ sự liên hệ đó, khẳng định vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam: nhiệt huyết, tin yêu, cống hiến, dấn thân….

Xem thử Đề ôn vào 10 Văn Xem thử Đề vào 10 Văn Tp.HCM

Xem thêm các Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án hay khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học