Soạn bài Bản chất xã hội - văn hóa của ngôn ngữ - Cánh diều

Với soạn bài Bản chất xã hội - văn hóa của ngôn ngữ trang 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44 Chuyên đề Văn 11 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Ngữ văn 11.

1. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội

1.1. Chức năng của ngôn ngữ trong xã hội

          Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của loài người. Xã hội loài người tồn tại và phát triển được là nhờ vào sự hợp tác giữa các thành viên trong đời sống, từ những công việc trong gia đình đến các sinh hoạt cộng đồng như sản xuất, phòng chống thiên tai, học tập, hội họp,…Để giao tiếp, con người có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau như cử chỉ (gật đầu, lắc đầu, vẫy tay,…) tín hiệu bằng hình khối, âm thanh và ánh sáng (cành lá làm dấu, còi xe, đèn giao thông,…). Song, tất cả các phương tiện trên đều rất nghèo nàn về số lượng và ý nghĩa của kí hiệu, về phạm vi sử dụng so với số lượng và ý nghĩa vô cùng phong phú, tinh tế của từ ngữ, về phạm vi sử dụng hết sức rộng rãi của ngôn ngữ. Ngay cả âm nhạc, hội hoạm điêu khắc tuy có khả năng biểu đạt rất lớn lao nhưng cũng chỉ khơi gợi tình cảm, cảm xúc và nhận thức, chứ không truyền đạt các khái niệm, tư tưởng một cách đầy đủ, chính xác để người nghe, người xem đạt đến một cách hiểu, cách cảm nhận như nhau. Do đó, có thể nói phương tiện giao tiếp phổ thông nhất và hiệu quả nhất mà con người sử dụng là ngôn ngữ.

          Cùng với chức năng giao tiếp, ngôn ngữ còn là công cụ tư duy của con người. Ngôn ngữ trực tiếp tham gia vào quá trình nhận thức, suy nghĩ. Không có từ ngữ nào, câu nào không biểu hiện nhận thức của con người về sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng đó. Mặt khác, mọi ý nghĩ, tư tưởng của chúng ta chỉ trở nên rõ ràng khi được biểu hiện bằng ngôn ngữ. Các nghệ sĩ  khi sáng tác và người đọc, người nghe khi thưởng thức nghệ thuật có thể tư duy bằng hình ảnh, hình tượng nhưng phạm vu của những suy tưởng này cũng có giới hạn. Trong đời sống hằng ngày, ai cũng phải suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Ngay cả ý nghĩa, tư tưởng được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật cũng chỉ trở nên rõ ràng khi được biểu hiện bằng ngôn ngữ.

1.2. Ngôn ngữ không phải là hiện tượng tự nhiên

          Là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất và là công cụ để tư duy, ngôn ngữ được con người sử dụng hằng ngày tự nhiên như hít thở, ăn uống, đi lại,…Nhưng hít thở, ăn uống, đi lại,…là bản tính tự nhiên của động vật. Bất cứ ai sinh ra cũng có những khả năng này. Ngược lại, muốn sử dụng được một ngôn ngữ thì phải học. Trẻ em học nghe, học nói nhờ giao tiếp với cha mẹ, ông bà và những người xung quanh. Để biết đọc, biết viết càng phải học, thậm chí phải học trong nhà trường. Trẻ sống trong cộng đồng dân tộc nào thì sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc ấy. Nếu tác khỏi gia đình, xã hội từ khi chưa biết nói thì một đứa trẻ vẫn có khả năng hít thở, ăn uống, đi lại và lớn lên vì đó là bản tính tự nhiên nhưng đứa trẻ ấy sẽ không biết nói. Các nhà khoa học đã dẫn ra nhiều câu chuyện minh chứng cho điều này.

          Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất là chuyện một cậu bé Ấn Độ sống trong rừng rậm cùng bầy sói. Cậu được những người thợ săn phát hiện vào năm 1867 và đưa về một trại trẻ mồ côi. Cậu bé được đặt tên là Đai-na Xa-ni-cha (Dina Sanichar), theo tiếng Hin-đu (Hindu) có nghĩa là Thứ Bảy, đánh dấu ngày cậy đến sống ở trại hè. Thứ Bảy có những tập tính như ăn thịt sống, bò bằng tứ chi, gầm gừ hoặc hú lên như sói. Dần dần, cậu học được cách ăn thức ăn chín, đi thẳng trên hai chân và tự mặc quần áo, thậm chí hút thuốc như một số người,…Nhưng khó nhất đối với cậu để hòa nhập vào xã hội là học nói. Rất lâu sau, cậu mới hiểu được và nói được một số từ ngữ. Cậu bé người sói đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhân vật Mâu-li (Mowgli) trong tác phẩm nổi tiếng Câu chuyện rừng xanh của nhà văn Ra-đi-a Ki-plinh (Rudyard Kipling).

Soạn bài Bản chất xã hội - văn hóa của ngôn ngữ | Chuyên đề Văn 11 Cánh diều

          Bên cạnh “cậu bé người sói”, báo chí còn nói đến nhiều trường hợp tương tự, trong số đó có cả những đứa trẻ bị tách khỏi xã hội khi đã biết nói ít nhiều. Sau một thời gian dài không giao tiếp với những người xung quanh, những trẻ em này cũng mất dần năng lực ngôn ngữ, đến khi trở về sống với cộng đồng một thời gian dài mới hồi phục.

          Một số người cho rằng có thể những đứa trẻ tương tự cậu bé Thứ Bảy chỉ là trẻ khuyết tật; câu chuyện về họ đã được thêu dệt để thu hút sự chú ý của giới truyền thông hoặc để quyên góp tiền từ thiện. Nhưng báo chí cũng nêu lên một số trường hợp hoàn toàn có thật vào những năm cuối thế kỉ XX. Đó là trường hợp cô bé Ô-xa-na Ma-lay-a (Oxana Malaya) ở U-crai-na (Ukraina). Cô bé bị cha mẹ nghiện rượu bỏ rơi từ năm ba tuổi, rồi được những con chó hoang nuôi dưỡng. Khi các nhân viên xã hội phát hiện ra Ma-lay-a, cô bé đã khoảng tám tuổi nhưng không biết nói và chỉ di chuyển bằng tứ chi. Sau nhiều năm điều trị, Ma-lay-a đã nói được tiếng Nga. Về sau, cô đã làm việc trong một trại chăn nuôi của bệnh viện. Nhưng vì học nói muộn nên khi đã khá lớn, tư duy của cô chỉ tương đương với một đứa trẻ lên năm và giọng nói thì ngang ngang, không biểu cảm. Một trường hợp nữa là cậu bé Giôn Xê-bân-ni-a (John Ssebunya) Ở U-gan-da (Uganda). Cậu bé bỏ trốn khỏi nhà vào năm 1988 khi mới ba tuổi, sau một thảm kịch gia đình. Cậu chạy vào rừng và sống với một bầy khỉ. Người ta tìm thấy cậu vào năm 1991, lúc khoảng sáu tuổi và đưa vào trại trẻ mồ côi. Lúc đó, cậy bé bị chai sạn hết các đầu gối do đi lại giống như một con khỉ. Ở trại trẻ, Giôn học nói và sau đó tham gia dàn đồng ca trẻ em “Viên ngọc châu Phi”.

          Những câu chuyện trên cho thấy mặc dù ngôn ngữ có thể là một tiềm năng của con người nhưng tiềm năng ấy chỉ biến thành hiện thực nếu con người gắn với đời sống của một cộng đồng xã hội nhất định, học ngôn ngữ từ cộng đồng xã hội ấy.

1.3. Ngôn ngữ là quy ước chung của cộng đồng

Để giao tiếp được, mỗi ngôn ngữ phải có vốn từ và quy tắc ngữ pháp chung được thống nhất trong cộng đồng. Trên thực tế, mỗi cá nhân có thể có đóng góp nhất định vào việc hình thành cách biểu đạt mới, góp phần làm giàu thêm ngôn ngữ mà mình đang sử dụng; mỗi địa phương hoặc mỗi giới trong xã hội có thể sử dụng một số từ ngữ, một số cách diễn đạt riêng. Nhưng về cơ bản, các cá nhân, các địa phương, các giới xã hội đều phải sử dụng vốn từ và quy tắc ngữ pháp chung của ngôn ngữ. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nam Cao, Xuân Diệu,... có thể sáng tạo nhiều từ ngữ hoặc cách diễn đạt mới lạ, hấp dẫn, tinh tế nhưng đó là những từ ngữ, những cách diễn đạt dựa trên vốn từ và quy tắc ngữ pháp chung của tiếng Việt. Đồng thời, giá trị của những sáng tạo ấy cũng chỉ có thể nổi bật trên cơ sở đối chiếu với vốn từ ngữ và quy tắc ngữ pháp chung.

Câu hỏi 1 (trang 37 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): "Theo các nhà khoa học, gà cũng biết "tỉ tê" với gà. Khi dắt bầy con đi kiếm mồi, gà mẹ kêu đều đều: "Cúc... cúc... cúc..." có nghĩa là: "Không có gì nguy hiểm.”. Gà mẹ vừa bới vừa kêu nhanh: “Cúc, cúc, cúc!” tức là nó gọi: "Lại đây mau, mồi ngon lắm!”. Còn khi nó xù lông, kêu gấp: "Roóc roóc" thì có nghĩa là: "Nguy hiểm! Nấp mau!". Đàn con lập tức phải chui hết vào cánh mẹ, nằm im."(1).

Dựa vào thông tin trên và những kiến thức thu nhận được từ các nguồn khác, hãy trình bày suy nghĩ của em: Các loài vật có thể giao tiếp với nhau bằng những cách nào? Phương tiện giao tiếp của chúng có những hạn chế như thế nào so với ngôn ngữ của loài người?

Trả lời:

- Các loài vật có thể giao tiếp với nhau bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ:

+ Tiếng kêu đặc trưng để truyền đạt thông điệp cho con cái về môi trường xung quanh.

+ Sử dụng cử chỉ và hành động như nhảy múa, gật đầu, quật đuôi, xù lông… để truyền đạt thông tin về sự phản ứng, sự quan tâm hay nguy hiểm.

+ Loài vật thông qua các biểu hiện cơ thể như màu sắc lông, cánh, da hay sự đổi hình dạng để giao tiếp với đồng loại hoặc loài khác.

+ Mùi hương và pheromone: Một số loài vật sử dụng mùi hương hoặc pheromone để giao tiếp với nhau. Điều này có thể dùng để gọi đối tác sinh sản, đánh dấu lãnh thổ, hay đưa ra cảnh báo.

- Phương tiện giao tiếp của chúng có một số hạn chế so với ngôn ngữ của loài người:

+ Ngôn ngữ của loài vật thường đơn giản và hạn chế trong việc truyền tải thông tin phức tạp và trừu tượng, thường chỉ phục vụ mục đích cơ bản như báo hiệu mồi, cảnh báo nguy hiểm hoặc tương tác xã hội đơn giản.

+ Các loài vật không thể trao đổi ý kiến, bàn luận hay diễn đạt ý tưởng phức tạp như loài người. Họ không có khả năng sử dụng từ ngữ hay biểu đạt ý nghĩa trừu tượng.

+ Loài vật thường giao tiếp trong phạm vi hẹp và chỉ tập trung vào ngữ cảnh gần gũi, không có khả năng truyền tải thông điệp qua khoảng cách xa hay thời gian dài như con người.

Câu hỏi 2 (trang 37 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Hãy tìm đọc về ngôn ngữ kí hiệu (thủ ngữ) dành cho người khiếm thính. Theo em, việc sử dụng loại ngôn ngữ kí hiệu này có phủ nhận vai trò của ngôn ngữ không? Vì sao?

Trả lời:

Theo em, việc sử dụng loại ngôn ngữ kí hiệu này không phủ nhận vai trò của ngôn ngữ. Ngôn ngữ đặc biệt này hay còn gọi là ngôn ngữ dấu hiệu, ký hiệu, thủ ngữ là ngôn ngữ dùng những biểu hiện của bàn tay thay cho âm thanh của tiếng nói.  Ngôn ngữ ký hiệu do người khiếm thính tạo ra nhằm giúp họ có thể giao tiếp với nhau trong cộng đồng của mình và tiếp thu tri thức của xã hội.

Câu hỏi 3 (trang 37 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Từ câu chuyện của cô bé Ô-xa-na Ma-lay-a đã dẫn trong bài học, em có suy nghĩ gì về năng lực sử dụng ngôn ngữ của con người? Cụ thể:

a) Vì sao khi được phát hiện và đưa về trại trẻ, Ma-lay-a không biết nói?

b) Vì sao Ma-lay-a nói tiếng Nga? Giả sử, cô bé được một nhóm người Anh hoặc Pháp nuôi dưỡng thì cô sẽ nói tiếng gì?

c) Điều gì đã ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và tư duy của Ma-lay-a?

Trả lời:

a) Khi được phát hiện và đưa về trại trẻ, Ma-lay-a không biết nói vì thực tế muốn sử dụng ngôn ngữ thì phải học, con người khi sinh ra không ai có thể tự có khả năng ngôn ngữ được; mà cần phải học nhờ vào giao tiếp với cha mẹ, ông bà và những người xung quanh. Trong câu chuyện này, cô bé Ma-lay-a bị bỏ rơi khi chưa biết nói, lạc trong bầy sói, không được dạy cho việc giao tiếp và phát triển ngôn ngữ vì thế nên Ma-lay-a khi lớn lên sẽ không biết nói.

b) Ma-lay-a nói tiếng Nga vì người tiếp cận và dạy cô bé nói là những nhân viên xã hội người Nga. Khi được tiếp xúc, giao tiếp và dạy tiếng Nga thì cô bé sẽ biết nói tiếng Nga. Trong trường hợp, cô bé được một nhóm người Anh hoặc Pháp nuôi dưỡng thì cô sẽ nói tiếng Anh hoặc Pháp.

c) Điều ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và tư duy của Ma-lay-a là: những hoạt động đời sống của một cộng đồng xã hội nơi Ma-lay-a sống và Ma-lay-a học ngôn ngữ từ chính cộng đồng xã hội ấy.

Câu hỏi 4 (trang 37 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Từ những điều đã biết về bản chất xã hội của ngôn ngữ, em có thể rút ra những bài học gì cho việc học tập và sử dụng ngôn ngữ?

Trả lời:

Những bài học cho việc học tập và sử dụng ngôn ngữ:

- Muốn đọc hiểu và sử dụng thành thạo một ngôn ngữ, bản thân người học phải thường xuyên tiếp xúc và giao tiếp với những người sử dụng ngôn ngữ đó hằng ngày.

- Ngôn ngữ cho phép chúng ta diễn đạt ý nghĩa và cảm xúc một cách phong phú và sâu sắc. Việc học tập và sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và đa dạng sẽ giúp chúng ta truyền đạt ý kiến, cảm xúc và tư duy một cách chính xác và hiệu quả.

 2. Ngôn ngữ là một thành tố của văn hoá

2.1. Khái niệm "văn hoá"

"Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (2). Theo cách hiểu này, văn hoá bao gồm hai bộ phận là văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Văn hoá vật thể là kết quả hoạt động sáng tạo của con người thể hiện ở các công cụ lao động, phương tiện giao thông vận tải, truyền thông, nhà cửa, trang phục,... Văn hoá phi vật thể bao gồm phong tục tập quán, các chuẩn mực đạo đức, tôn giáo, thẩm mĩ, các kinh nghiệm sống, các tư tưởng, thể chế xã hội,...

Từ cách hiểu trên, có thể thấy: "Văn hoá của một dân tộc, hiểu theo nghĩa căn bản nhất, là toàn bộ những cái qua đó một dân tộc tự biểu hiện mình, tự nhận biết mình và giúp các dân tộc khác nhận biết mình [...]. Bởi vậy, văn hoá là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc, đồng thời cũng là nơi thể hiện ý thức và phương thức tiếp nhận những giá trị của các dân tộc khác theo tinh thần cùng tham dự và cùng chia sẻ.”(1).

2.2. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá

Ngôn ngữ của mỗi dân tộc hình thành và phát triển trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc đó. Vì vậy, bản thân ngôn ngữ là một thành tựu phát triển của dân tộc; mặt khác, nó phản ánh nhận thức và kết quả hoạt động sáng tạo của cộng đồng dân tộc đó trong quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, tổ chức xã hội. Ngôn ngữ là một thành tố của văn hoá, thuộc bộ phận văn hoá phi vật thể. Chính vì vậy, nhà bác học Vin-hem vôn Hum-bôn (Wilhelm von Humboldt) từng khẳng định: "Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc.". Từ nhận định này, ta có thể hiểu ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu đặc trưng văn hoá tộc người.

Trước hết, đặc trưng văn hoá tộc người được phản ánh trong từ ngữ. Từ ngữ trong ngôn ngữ nào cũng phản ánh nhận thức của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ấy về các sự vật, hiện tượng quen thuộc và môi trường sống nói chung. Người Việt sống ở vùng nhiệt đới, rừng núi nhiều, sông suối lắm, có biển rộng bao la, sản vật trên cạn dưới nước phong phú, đa dạng, lại làm lúa nước nên các từ ngữ về môi trường sống và môi trường lao động sản xuất này rất phong phú, đa dạng. Ví dụ, riêng về cây lúa và sản phẩm từ cây lúa, trong khi nhiều ngôn ngữ khác chỉ biểu thị bằng một từ (như rice trong tiếng Anh, riz trong tiếng Pháp, rix trong tiếng Nga,...) thì tiếng Việt có đến năm từ, mỗi từ chỉ cây lúa hoặc sản phẩm từ cây lúa ở một giai đoạn phát triển hoặc trạng thái nhất định: mạ (cây lúa non), lúa (cây lúa trưởng thành), thóc (hạt lúa còn nguyên vỏ trấu), gạo (hạt lúa đã qua xay giã, dùng làm lương thực), cơm (gạo đã nấu chín để ăn). Tên các loài thực vật, động vật, thuỷ sản, hải sản, các phương tiện đi lại trên sông nước trong tiếng Việt rất phong phú. Các hiện tượng thiên nhiên của vùng nhiệt đới như bão, lũ, lụt,... cũng được phản ánh qua vốn từ tiếng Việt.

Đặc điểm thứ hai thể hiện mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá là nghĩa của từ ngữ và cách sử dụng từ ngữ trong mỗi ngôn ngữ đều phản ánh lối nghĩ (cách tư duy) riêng của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó.

Ví dụ, từ cây với nghĩa gốc là "thực vật có thân cao" đã chuyển nghĩa trong hàng loạt từ ngữ để biểu thị: đồ vật có một chiều cao nhất định (cây cột, cây rơm, cây nến, cây bút / cây viết, cây kem, cây vàng, cây số, ...); năng lực đặc biệt (cây kể chuyện, cây hài hước, cây văn nghệ, cây làm bàn,...). Từ lá có nghĩa gốc là "bộ phận của thực vật, có diện tích phẳng, rộng" cũng được chuyển nghĩa để cấu tạo nên các từ ngữ chỉ những vật có diện tích phẳng, rộng (lá cờ, lá thư, lá phổi, lá gan, lá lách, vàng lá,...). Từ hoa có nghĩa gốc là "bộ phận sinh sản của thực vật, thường có màu sắc đẹp và hương thơm" đã được dùng với nghĩa chuyển trong hàng loạt từ ngữ chỉ cái đẹp (hoa hậu, hoa khôi, hoa niên, hoa lệ, hoa mĩ, hào hoa, phồn hoa, thăng hoa, vinh hoa,...) hoặc cái không đẹp (xa hoa, phù hoa, trăng hoa, hoa hoè hoa sói,...). Các từ gốc, cội, rễ, gieo,... cũng được chuyển nghĩa để tạo ra các từ mới như: gốc tích, gốc rễ, mất gốc, cội rễ, gạo cội; gieo vần, gieo rắc, gieo bệnh,...

Sông nước cũng là nét văn hoá được phản ánh rõ nét trong tiếng Việt. Trường từ từ chỉ chất lỏng nói chung đã được chuyển nghĩa để chi "quốc gia" (việc nước), "bước đi, cách hành động" (tính hết nước), "sự giới hạn" (đến nước này), "lợi thế" (được nước), "cách sống" (nước đôi), "số lượng" (ngựa xe như nước),...

Nghĩa của từ ăn trong tiếng Việt cũng ẩn chứa ý niệm văn hoá của dân tộc Việt. Nhà ngôn ngữ học Đỗ Hữu Châu phân tích: "Nghĩa của từ ăn, manger, to eat (chỉ nói đến nghĩa của từ này khi nó được dùng với tham tố chủ thể chủ động "người", không nói đến những trường hợp với tham tố chủ thể "động vật", "thực vật") được các từ điển tường giải Việt, Pháp, Anh định nghĩa na ná giống nhau: hấp thụ vào cơ thể qua đường miệng như là thức ăn. Định nghĩa này ứng với phần ít có tính văn hoá nhất. Sự thật, khi nói đến ăn, người Việt Nam (và người Trung Quốc, người Nhật, nghĩa là những người khi ăn thì cầm đũa) nghĩ đến bao nhiêu ràng buộc đặc thù: từ cách ngồi vào bàn hoặc ngồi xuống chiếu đến cách cầm đũa, các nghi thức mời, tiếp thức ăn và bao nhiêu điều phiền phức khác xung quanh cái "sự ăn" mà những cư dân dùng "dao, nĩa, thìa" và các cư dân "dùng tay để bốc" không hề nghĩ đến (ngược lại, những cư dân này khi ăn lại có nhiều điều phiền phức khác mà dân cầm đũa chúng ta phải ngỡ ngàng).”(1). Tiếng Việt có nhiều từ ngữ do yếu tố ăn cấu thành như ăn chơi, ăn mặc, làm ăn,... Trong mỗi từ, yếu tố ăn đều biến hoá thành những nghĩa biểu trưng: trong ăn chơi, yếu tố ăn tuy vẫn còn giữ phần nào nghĩa gốc nhưng khi phối hợp với chơi, nó chủ yếu biểu thị sự hưởng thụ thú vui vật chất; trong các từ ăn ở, ăn mặc, làm ăn, yếu tố ăn đã phai mờ nghĩa gốc để phối hợp với yếu tố thứ hai của từ (ở, mặc, làm) biểu thị: sự đối xử hoặc nếp sinh hoạt ( ăn ở); cách trang phục (ăn mặc); hoạt động lao động, kinh doanh, kiếm sống (làm ăn);...

Dựa trên vốn từ cơ bản, tiếng Việt còn tạo ra một kho tàng thành ngữ, tục ngữ hết sức phong phú, hàm chứa cách nhận thức, quan niệm sống rất đặc sắc của cộng đồng. Ví dụ, chỉ điểm qua một quyển từ điển thành ngữ và tục ngữ (1), ta đã có thể đếm được tới 380 thành ngữ, tục ngữ liên quan đến từ ăn, biểu thị từ quan niệm về cách ăn đến cách sống và hiện thực cuộc sống: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng; Ăn Bắc mặc Kinh; Ăn chắc mặc bền; Ăn nên làm ra; Ăn bớt bát, nói bớt lời; Ăn to nói lớn; Ăn phải nhai, nói phải nghĩ; Ăn cho đều, tiêu cho sòng; Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn; Ăn đời ở kiếp; Ăn hiền ở lành; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Ăn ngay nói thật; Ăn ngay ở thật, mọi tật mọi lành;...

Một khía cạnh văn hoá khác được thể hiện qua ngôn ngữ là việc xưng hô. Các ngôn ngữ Ấn - Âu phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga,... chỉ có từ sáu đến tám đại từ xưng hô. Hệ thống đại từ xưng hô trong những ngôn ngữ này chủ yếu thể hiện những ý nghĩa ngữ pháp khái quát như ngôi và số. Ví dụ, trong tiếng Anh:

Soạn bài Bản chất xã hội - văn hóa của ngôn ngữ | Chuyên đề Văn 11 Cánh diều

Tiếng Nga, tiếng Pháp có thêm sự phân biệt sắc thái trung tính và sắc thái thân mật trong cách gọi ngôi thứ hai. Trong hai ngôn ngữ này, người ta thường gọi người đối thoại bằng từ vous (tiếng Pháp) hoặc vy (tiếng Nga); còn từ tu (tiếng Pháp) hoặc ty (tiếng Nga) chỉ được sử dụng giữa những người có quan hệ thân mật. Cũng như tiếng Anh, hai ngôn ngữ này còn có sự phân biệt ngôi thứ ba về giống; ví dụ, tiếng Pháp sử dụng đại từ il để chỉ giống đực và elle để chỉ giống cái; tiếng Nga sử dụng ba đại từ là on - chỉ giống đực, ona - chỉ giống cái và ono - chỉ giống trung.

So với các ngôn ngữ trên thì hệ thống từ xưng hô của tiếng Việt phong phú và phức tạp hơn nhiều. Để xưng hô, người Việt sử dụng các từ ngữ sau:

(1) Đại từ xưng hô: tôi, tao, tớ, mày, nó, hắn, chúng tôi, chúng ta, chúng nó, họ,...

(2) Danh từ chỉ quan hệ thân thuộc: bố, mẹ, anh, chị, chú, bác, cô, cậu, dì, cháu,...

(3) Từ ngữ chỉ chức vụ, nghề nghiệp: thầy, cô, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, chủ tịch,...

(4) Chỉ định từ: đằng ấy, ấy, đây, đấy,...

Các từ xưng hô trong tiếng Việt là một hệ thống mở, có thể lên đến cả trăm từ, với ba đặc điểm đáng chú ý về ngữ nghĩa là tính thân mật, tính tôn ti và tính cụ thể.

Tính thân mật trước hết thể hiện ở các đại từ xưng hô (tôi, tao, tớ, mày, nó, hắn, chúng tôi, chúng ta, họ). Toàn bộ những từ này đều không trung tính, kể cả từ họ chỉ ngôi thứ ba số nhiều. Chứng cớ là ta không thể gọi ông bà, bố mẹ hoặc người trên bằng họ, vì cách gọi đó thể hiện thái độ bất kính. Thậm chí, người lớn cũng không dùng từ họ để chỉ con cháu trong nhà, thầy cô không dùng từ họ để chỉ học sinh trong lớp vì cách gọi ấy thể hiện thái độ xa lạ, không phù hợp với quan hệ gia đình hay quan hệ thầy trò.

Việc sử dụng các từ chỉ quan hệ thân thuộc để xưng hô thể hiện đồng thời cả tính thân mật, tính tôn ti và tính cụ thể. Người Việt Nam không chỉ tự xưng và gọi người thân bằng những từ phù hợp với quan hệ thân thuộc (ông / bà - cháu, bố / mẹ - con, sử dụng các từ chỉ quan hệ thân thuộc để xưng hô ngoài xã hội phản ánh quan niệm của người Việt coi mọi người trong cộng đồng các dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam là đồng bào, tức là những người cùng huyết thống (đồng: cùng; bào: cái bọc). Điều đó nói lên tính thân mật trong xưng hô. Tính tôn ti và tính cụ thể được biểu hiện ở việc lựa chọn từ xưng hô phù hợp với quan hệ thân thuộc, tuổi tác, địa vị xã hội và giới tính.

Tính tôn ti và tính cụ thể cũng được thể hiện ở các từ xưng hô thuộc nhóm (3). Các từ xưng hô ở nhóm (4) thể hiện sắc thái thân mật, chỉ được sử dụng giữa những người cùng trang lứa có quan hệ thân tình.

Một nét văn hoá đặc sắc nữa trong cách xưng hô của người Việt Nam là phương châm "xưng khiêm, hô tôn", tức là khi tự gọi mình thì tỏ thái độ nhún nhường, khiêm tốn, khi gọi người khác thì đề cao để tỏ thái độ trọng thị. Ví dụ, khi tự xưng với một người lớn tuổi, người Việt Nam thường xưng cháu, xưng em; ngược lại, khi tự xưng với một người trẻ tuổi, người lớn tuổi thường xưng cô/ chú, mặc dù xét về tuổi tác, họ có thể lớn hơn bố mẹ người đối thoại. Người Việt Nam cũng thường gọi người đối thoại cao tuổi là cụ, gọi người đứng tuổi là ông / bà / bác, gọi người trẻ tuổi là anh/ chị, tỏ ý coi người đối thoại ngang hàng với bề trên của mình hoặc bề trên của con cháu mình.

Câu hỏi 1 (trang 42 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Nghĩa của từ nước trong mỗi câu thơ sau đây (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) khác nhau như thế nào? Các nghĩa chuyển của từ nước gợi lên cho em điều gì về biểu hiện của văn hóa trong ngôn ngữ?

- Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

- Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.

- Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

- Phòng khi nước đã đến chân

Dao này thì liệu với thân sau này.

- Về đây nước trước bẻ hoa

Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.

- Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Trả lời:

- Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

(nước: dòng nước)

- Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.

(nước: sắc đẹp phi thường của người phụ nữ)

- Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

(nước: một địa điểm đông đúc, có nhiều người xe qua lại).

- Phòng khi nước đã đến chân

Dao này thì liệu với thân sau này.

(nước: thời gian, tương lai gần)

- Về đây nước trước bẻ hoa

Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.

(nước: chảy ra)

- Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

(nước: vẻ đẹp của tóc)

Câu hỏi 2 (trang 42 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

CÁI BỤNG CHỨA... TINH THẦN

1. Đọc tít bài báo này chắc có bạn nghĩ bụng lại chuyện gì nữa đây? Nếu trong bụng còn nửa tin nửa ngờ xin bạn cũng đừng nóng lòng, sốt ruột, hãy bền lòng đọc tiếp và trước hết trả lời câu hỏi sau: Xin bạn vui lòng cho biết có thể tìm được những từ tiếng Anh, Pháp, Nga,... chỉ bộ phận cơ thể con người ứng với "bụng", "lòng", "ruột",... của tiếng Việt để dịch những từ ngữ viết nghiêng dưới đây được không?

Tôi nghĩ là không. Nếu bạn tìm được những trường hợp như vậy, xin đừng giữ trong bụng. Hãy nói ra, tôi sẵn lòng và hài lòng lắng nghe, vì tin rằng bạn không có bụng dạ gì. Nếu bạn đúng, dù hơi phiền lòng nhưng vì tôn trọng chân lí nên tôi buộc lòng chấp nhận và ghi lòng tạc dạ những điều tôi chưa hiểu thấu đáo.

Với những điều chưa thỏa đáng, tôi xin được nói lại, mong bạn đừng mếch lòng và cũng đừng để bụng làm gì. Vậy tôi cứ viết miễn sao các bạn ưng cái bụng là tốt lắm rồi.

2. 2. Phần lớn cách dùng từ lòng trong tiếng Việt theo nghĩa bóng lại chuyển thành từ tim trong tiếng Anh, Pháp hoặc Nga,...Vi sao vậy?

Lí thuyết ẩn dụ trong ngôn ngữ học hiện đại cho rằng con người là một vật chứa và thể hiện sự trải nghiệm thế giới vào ngôn ngữ. Tiếng Việt là một trường hợp điển hình.

Với người Việt, cái bụng là vật chứa tiêu biểu, nó chứa đựng và thể hiện những gì thuộc phạm trù tinh thần. Một chứng cứ là trong kho giai thoại Việt từng có người cởi trần nằm ngoài nắng để "phơi sách" - phơi chữ trong bụng. Những người lắm chữ nghĩa được coi là đầy một bụng sách. Mới rồi Nguyễn Quang Sáng viết: "Đúng là quên nhiều... Nhưng viết lại khác, cái gì mình muốn viết nó nằm trong bụng rồi, chỉ cần khui ra thôi." (Tuổi Trẻ, 13-1-2010). Trong tiếng Việt, bụng và những bộ phận của cái bụng: lòng, dạ, gan, ruột,... trở thành biểu tượng cho phạm trù tinh thần. Chúng là một công cụ biểu hiện tư duy, tâm lí, tình cảm, ý chí, sức chịu đựng.

Từ lòng được dùng rộng rãi nhất, biểu hiện được tất cả những cung bậc tình cảm con người. Thể hiện tình cảm mong muốn, khát khao của thời thanh niên sôi nổi, chúng ta hát: Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ / Bàn tay son sắt dâng cao ngọn cờ (Thời thanh niên sôi nổi, nhạc nước ngoài).

Khi vui sướng, người ta mở cờ trong bụng. Được khen, dù biết đó chỉ là những lời nói lấy lòng, ta thường vẫn hởi lòng hởi dạ, mát lòng mát dạ, nở từng khúc ruột.

Lúc yêu thương, say mê bạn khác giới là ta đã phải lòng họ rồi. Khi buồn thương, chỉ nghe tiếng cuốc kêu là lòng buồn tái tê, lòng đau như cắt. Trước cảnh bất hạnh, dễ thấy mủi lòng, chạnh lòng. Lúc lo lắng, bồn chồn đợi chờ thì lòng như lửa đốt.

Tin dữ làm ta sợ mất mật. Lúc khó chịu, không bằng lòng thì cãi lại. Tức giận nhau vẫn có thể bằng mặt đấy nhưng chẳng bằng lòng. Chuyện mẹ chồng nàng dâu, dì ghẻ con chồng thường do khác máu tanh lòng.

Trong tiếng nói nhiều dân tộc khác, người ta dùng từ "tim" để biểu hiện điều này. Người Việt nói "học thuộc lòng bài thơ" thì người Anh lại nói "học thuộc bài thơ bằng trái tim". Không nhiều ẩn dụ được người Anh thể hiện qua các từ ngực, lổng ngực, tuy, đại tràng, ruột (he busted a gut laughing - nó cười đau cả ruột).

Trong tiếng Việt cūng xuất hiện không ít từ tâm, tim với ý nghĩa biểu trưng (khẩu phật tâm xà, một túp lều tranh hai trái tim vàng, hiến dâng con tim và khối óc cho Tổ quốc,...). Tâm là một từ Hán Việt. Theo Nguyễn Đức Tồn, cách dùng từ tim theo nghĩa bóng có lẽ được du nhập từ các nền văn hoá khác trong mấy thế kỉ gần đây.

3. Cùng biểu thị phạm trù tinh thần, nhưng mỗi bộ phận lòng, dạ, ruột, gan,... lại nhấn mạnh một mặt nào đấy.

Nhìn một người theo bề ngoài, thấy mặt nhưng không thể thấy lòng, dạ, ruột, gan,... nên những từ này có một điểm chung là biểu thị những trạng thái tinh thần thầm kín. Cũng vì vậy, có hàng loạt từ ghép các yếu tố này: gan dạ, lòng dạ, bụng dạ, ruột gan,... "Các thầy giáo thì bụng dạ cũng đại khái như thế." (Tô Hoài); "Lại một lần nữa, ruột gan cô Thuý không kìm được sự hồi hộp." (Ngô Tất Tố).

Từ dạ có khả năng diễn đạt những mức độ của trạng thái tinh thần: chột dạ, nhẹ dạ, vững dạ,...; "Năm mười ba tuổi, tôi xin ra khỏi nhà trường. Tôi thấy rằng dù còn trẻ người non dạ thì tôi cũng đã đủ tư cách kiếm lấy mà ăn.” (Vũ Trọng Phụng).

Bụng, dạ nhấn mạnh tới những điều thầm kín trong tâm tư: ghi lòng tạc dạ, thậm chí sống để dạ, chết mang đi.

Bụng còn để tư duy. Khi suy xét, đánh giá một điều gì đó nhưng không nói ra là bạn nghĩ bụng. Có ý định làm một việc gì đó là ta đã định bụng. Tự nhủ mình là bụng bảo dạ, tự làm mình hoảng sợ là bụng nát dạ. Trong tế lễ ma chay, nhiều người tin rằng cõi dương sao thì cõi âm vậy ấy là đã suy bụng ta ra bụng... thần.

Dạ còn chỉ khả năng ghi nhận. Học hành mau hiểu, mau nhớ là sáng dạ. Người tối dạ thì ngược lại.

Từ ruột, ruột gan nhấn mạnh tới sự chịu đựng về tình cảm: "Cao thấp nát gan con sóng lượn. Ngạt ngào đứt ruột tiếng chim kêu.” (Hồ Biểu Chánh).

Khi lo lắng, ruột gan rối như tơ vò. Con hư thì bố mẹ đứt từng khúc ruột. Bị chọc quê đau, ta có thể ứa gan lộn ruột, buốt ruột buốt gan. Nhiều khi tức đến "tím gan, tím ruột với trời xanh" (Nguyễn Khuyến).

Gan nhấn mạnh tới ý chí mạnh mẽ, bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn, hiểm nguy. Đó là gan con cóc tía dẫn đàn súc vật lên kiện trời đòi mưa. Người non gan thường không làm được việc lớn. Có chí làm quan, có gan làm giàu. Những người cả gan là những người liều lĩnh, dám làm những việc động trời khác người: "Thuở nay người giàu sang thường kiếm con nhà giàu sang mà cưới, chớ có ai cả gan dám tính cưới con nhà nghèo hèn bao giờ." (Hồ Biểu Chánh).

Giới nữ thường mềm yếu, hiếm thấy những ai như trong Bão biển của Chu Văn: "Nó đánh cán bộ mình mà một con đàn bà trời giáng mặt sứa gan lim, hỏi cung hai lần, nó nhất định không khai.". Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài nhiều lần dùng từ gan biểu trưng cho ý chí: "Các cậu này to gan, liều quá"; "Vẻ thản nhiên trơ gan cùng tuế nguyệt của cảnh vật gợi một nỗi buồn thê lương."; "Cô nào kiên gan lắm cũng chỉ đi dạy, đứng bán mậu dịch bách hoá được ít lâu rồi bỏ về.”; "Mấy tên lính Thái gan li vẫn dai dẳng bắn xuống phát một.”;...

Trong tâm thức người Việt, cái bụng và lục phủ ngũ tạng chứa đựng tinh thần là như vậy.

(Nguyễn Đức Dân, tuoitre.vn)

a) Bài viết phân tích đặc trưng văn hoá người Việt thể hiện ở nhóm từ nào trong tiếng Việt?

b) Theo tác giả, các từ lòng, bụng, dạ, tâm, gan trong tiếng Việt thường biểu trưng cho điều gì? Những từ này thường chuyển nghĩa theo kiểu ẩn dụ hay hoán dụ?

Trả lời:

a) Bài viết phân tích đặc trưng văn hoá người Việt thể hiện ở nhóm từ trong tiếng Việt như: lòng, bụng, dạ, tâm, gan.

b)

- Theo tác giả, các từ lòng, bụng, dạ, tâm, gan trong tiếng Việt thường biểu trưng cho các khía cạnh tinh thần, trạng thái tâm lý, ý chí, cảm xúc, và sức chịu đựng của con người.

-  Những từ này thường chuyển nghĩa theo kiểu ẩn dụ.

Câu hỏi 3 (trang 44 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Viết báo cáo nghiên cứu về một trong các đề tài sau:

a) Sự chuyển nghĩa của từ mũi (hoặc từ đi, từ trắng) trong tiếng Việt.

b) Thành ngữ, tục ngữ có từ đầu trong tiếng Việt.

Trả lời:

Lựa chọn b)

BÁO CÁO NGHIÊN CỨU VỀ THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ CÓ TỪ "ĐẦU" TRONG TIẾNG VIỆT

I. Giới thiệu

Thành ngữ và tục ngữ là một phần quan trọng của ngôn ngữ mỗi dân tộc, thể hiện sự tích lũy, truyền thống và tư duy của một cộng đồng. Trong tiếng Việt, có nhiều thành ngữ và tục ngữ chứa từ "đầu" được sử dụng để miêu tả và truyền đạt những ý nghĩa đa dạng và sâu sắc. Đề tài này tập trung vào việc nghiên cứu và phân tích các thành ngữ, tục ngữ có từ "đầu" trong tiếng Việt, qua đó khám phá sự phong phú và tinh tế của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

II. Đối tượng nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu trong báo cáo này là các thành ngữ và tục ngữ trong tiếng Việt mà có từ "đầu". Đây là các cụm từ cố định, thường được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, văn viết và miêu tả một khía cạnh nào đó của cuộc sống, tri thức và giá trị trong xã hội.

III. Mục đích nghiên cứu

- Phân tích ý nghĩa và ngữ cảnh sử dụng: Mục đích chính của nghiên cứu là phân tích ý nghĩa và ngữ cảnh sử dụng của các thành ngữ và tục ngữ có từ "đầu" trong tiếng Việt. Qua việc phân tích từng trường hợp, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cách mà các cụm từ này thể hiện và truyền đạt những ý nghĩa sâu sắc về tri thức, giá trị và tư duy trong xã hội.

- Liên kết với văn hóa và tư duy: Nghiên cứu cũng mục tiêu liên kết những thành ngữ và tục ngữ này với văn hóa, tư duy và giá trị của người Việt. Chúng ta sẽ thảo luận về cách mà những cụm từ này phản ánh tinh thần lạc quan, suy nghĩ về tương lai và tôn trọng đạo đức trong xã hội.

- Nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa: Bằng cách nghiên cứu về các thành ngữ và tục ngữ, chúng ta sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngôn ngữ và văn hóa trong việc thể hiện tri thức và giá trị. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là công cụ giao tiếp mà còn là một phương tiện thể hiện tư duy và tinh thần của một cộng đồng.

IV. Phương pháp nghiên cứu

- Thu thập thành ngữ và tục ngữ có từ "đầu" trong tiếng Việt từ các nguồn văn bản, sách tham khảo và truyền thông.

- Phân tích và tìm hiểu ý nghĩa, ngữ cảnh sử dụng của mỗi thành ngữ và tục ngữ.

- Liên kết với văn hóa, tư duy, và giá trị của người Việt qua việc thảo luận về cách mà những thành ngữ này phản ánh tri thức và cách suy nghĩ của con người trong xã hội.

V. Thành ngữ và tục ngữ có từ "đầu" trong tiếng Việt

1. Đầu xuôi đuôi lọt

- Ý nghĩa: Nói về một công việc bước đầu đã giải quyết tốt, thì các bước sau sẽ dễ dàng, thuận lợi.

2. Oan có đầu, nợ có chủ

- Ý nghĩa: Những việc oan trái đều phải có nguyên nhân, nợ nần bao giờ cũng có người chủ nợ; không phải tự nhiên mà bị mắc oan hay mắc nợ.

3. Miếng trầu là đầu câu chuyện

 - Ý nghĩa: Phong tục xưa của người việt. Mời nhau xơi miếng trầu như là lời chào hỏi trong các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi. → Ca ngợi một nét văn hóa đẹp trong đời sống của người Việt Nam

VI. Nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa

Các thành ngữ và tục ngữ có từ "đầu" trong tiếng Việt không chỉ là cách diễn đạt thông thường mà còn là những thước phim ghi lại tư duy, tri thức, và giá trị của người Việt. Chúng phản ánh tinh thần lạc quan, tầm nhìn về tương lai, và tôn trọng đạo đức trong xã hội. Điều này minh chứng cho sự phong phú và sâu sắc của văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.

VII. Kết luận

Thành ngữ và tục ngữ có từ "đầu" trong tiếng Việt không chỉ là biểu thức ngôn ngữ mà còn là gương phản ánh văn hóa, tri thức và tư duy của người Việt. Chúng góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa độc đáo của dân tộc và tạo nên sự đa dạng và sâu sắc trong ngôn ngữ. Nghiên cứu này đã giúp chúng ta hiểu hơn về sự ảnh hưởng của từ ngữ trong việc thể hiện tri thức và giá trị trong xã hội.

Câu hỏi 4 (trang 44 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Từ những điều đã biết về bản chất văn hoá của ngôn ngữ, em có thể rút ra những bài học gì cho việc học tập và sử dụng ngôn ngữ?

Trả lời:

Những bài học cho việc học tập và sử dụng ngôn ngữ:

- Văn hóa ngôn ngữ dạy chúng ta cách giao tiếp một cách hiệu quả. Học cách thể hiện ý kiến, lắng nghe và tương tác một cách tôn trọng và có thể giúp xây dựng các mối quan hệ tốt và thành công trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

- Ngôn ngữ là phương tiện truyền tải giá trị văn hóa và tri thức. Hãy sử dụng ngôn ngữ một cách có ý thức để chia sẻ thông tin, kiến thức và đánh giá tích cực với những người xung quanh.

Tham khảo các bài soạn Chuyên đề Văn 11 Chuyên đề 2: Tìm hiểu ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại hay khác:

Xem thêm các bài Soạn Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học