(13+ mẫu) Tả bác nông dân lớp 5 (điểm cao)
Với bài văn tả bác nông dân lớp 5 hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 1)
- Dàn ý Tả bác nông dân lớp 5
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 2)
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 3)
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 4)
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 5)
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 6)
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 7)
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 8)
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 9)
- Tả bác nông dân lớp 5 (mẫu 10)
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 1
Bác Tài là một nông dân cần cù, chất phác. Em được biết đến bác là nhờ một lần về thăm quê ngoại.
Hôm ấy, trên đường về quê em phải qua một cánh đồng rộng mênh mông. Ngồi trên xe mà lòng em cứ nao nao mong chóng về gặp ngoại. Nhưng oái oăm thay, giữa đường xe bị hỏng nên em phải đi bộ qua con đường khá dài.Người cũng mệt, hai mẹ con nghỉ lại quán nước bên đường. Cũng chính trên con đường này em được làm quen với bác Tài khi bác đang cày ruộng.
Bác Tài chừng ngoài bốn mươi tuổi. Dáng người bác cao lớn, vạm vỡ. Trên khuôn mặt chữ điền là đôi mắt to và sáng. Da bác sám nắng, tay chân chắc nịch. Bác say sưa cày ruộng trong chiếc áo đen đã bạc màu, ướt đẫm mồ hôi. Chiếc quần vải màu xanh dày dặn được xắn cao để lộ màu da chân đỏ au, vồng lên những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc. Đôi tay cứng cáp điều khiển cái cày khéo léo. Một tay bác cầm chuôi cày, còn tay kia thì cầm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng. Theo lưỡi cày, đất được lật lên ngọt xớt, phơi mình trên thửa ruộng chạy dài, thẳng tắp. Thỉnh thoảng bác lại quất nhẹ vào lưng trâu, miệng quát to: "Ngọ! Ngọ!". Hai con trâu đi chậm rãi dần vì phải kéo cả lưỡi cày, lật bao nhiêu lớp bùn đất. Trong ruộng có nước, khi lưỡi cày đi qua, nó để lại trong nước những hình xoắn tròn to, rồi nhỏ dần nhỏ dần. Khi cày đã thấm mệt, bác dừng lại nghỉ ngơi. Bác ngồi dưới một gốc cây to rồi lấy trong túi ra một gói thuốc rê đã được vê thành từng điếu rồi châm lửa hút. Lúc này, các động tác của bác chậm rãi. Hai con trâu khoan thai, vẫy đuôi gặm cỏ. Mặt trời giờ đã lên cao, ánh nắng rải chan hòa khắp thửa ruộng. Mặt bác nhễ nhại mồ hôi, nhưng bác vẫn cùng con trâu tiếp tục cày xong thửa ruộng. Trâu sau một lát nghỉ ngơi, lại ngoan ngoãn bì bõm kéo cày theo sự điều khiển của bác. Em thấy thương và cảm phục bác làm sao. Nhìn những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa, em lại nhớ đến câu tục ngữ: "Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng".
Em và mẹ lên đường về quê, mỗi lúc một xa, bóng bác nông dân khuất dần. Để làm ra hạt gạo, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Em thầm cảm ơn các bác nông dân, những người đã cho ta bát cơm trắng, dẻo thơm trong sự nhọc nhằn vất vả của mình.
Dàn ý Tả bác nông dân lớp 5
1. Mở bài:
Bác Tư ở xóm em là một người nông dân chất phác, luôn cặm cụi làm những công việc đồng áng.
Em được quan sát bác cày ruộng vào một buổi trưa hè.
2. Thân bài:
a) Hình dáng:
Dáng người cao lớn.
Nước da ngăm đen.
Đầu đội nón lá.
Mặc bộ bà ba màu nâu đã sờn bạc.
b) Tính tình, hoạt động:
Cần mẫn làm việc.
Chăm chú cày trên thửa ruộng.
Tay trái cầm roi tre.
Tay phải cầm cán cày.
Mắt đăm đắm hướng về trước.
Chân bước dài, chắc nịch.
Thao tác nhanh nhẹn, đưa cày để trâu đi vòng rất thành thạo.
Cày xong thửa ruộng bác cho trâu tắm dưới kênh.
Bác ngồi trên bờ nghỉ tay hút thuốc.
Bác rất hài lòng với kết quả lao động của mình.
3. Kết bài:
Em rất kính yêu bác Tư.
Bác Tư là người đã làm ra những hạt gạo thơm ngon để nuôi sống con người.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 2
Trên cánh đồng, bác Hùng đang gặt nốt thửa ruộng cuối cùng của mùa này. Ánh nắng gay gắt của mùa hè cũng chẳng thể cản trở được công việc của bác.
Bác Hùng mình cởi trần, mặc chiếc quần bò đã bạc màu, chân đi chiếc ủng ngắn. Trên cổ vắt chiếc khăn nhỏ màu nâu để lau mồ hôi trên trán. Trên đầu bác đội chiếc mũ cói vành rộng, giúp che nắng. Dây mũ bác không thắt vào mà để rộng ra, để thỉnh thoảng dừng lại lấy mũ xuống làm quạt.
Tay phải bác Hùng cầm lưỡi liềm sắc bén, tay trái thì giữ thân lúa. Hai tay bác phối hợp nhịp nhàng, tay này cắt thì tay kia đỡ và gom lại thành bó nhỏ. Khi bó lúa trên tay trái đã đầy, bác sẽ dừng lại, xóc xóc cho nó thật gọn rồi chất qua một bên. Cả quá trình, bác cứ phải cúi mãi, tấm lưng đẫm mồ hôi bóng lên dưới ánh nắng, cứ nhấp nha nhấp nhổm mãi. Thỉnh thoảng, bác dừng lại lau mồ hôi, uống cốc nước mát, đấm đấm vào lưng và vai cho đỡ mỏi, rồi lại tiếp tục công việc của mình.
Bác Hùng như một cỗ máy, làm việc chăm chỉ và bền bỉ. Bác làm từ lúc nắng chói chang đến khi mặt trời đã khuất sau lưng núi. Lúc này, thửa ruộng đã được gặt xong, các bó lúa cũng đã được gom lại chất lên xe bò. Cứ thế, bác nằm tựa lên mớ lúa, đủng đỉnh đánh xe trở về nhà.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 3
Quê hương em là một vùng nông thôn thanh bình, với những cánh đồng rộng bao la nhân dân sống chủ yếu làm nghề nông. Hình ảnh làng quê đẹp nhất trong em chính là hình ảnh bác nông dân đang cày ruộng.
Đó là một buổi trưa hè, cái nắng gay gắt vẫn đang chiếu trên đồng ruộng và các bác nông dân vẫn đang cặm cụi làm. Xa xa, những tà áo nâu cùng những chiếc nón trắng nhấp nhô trên đồng. Em tò mò, muốn ngắm nhìn các bác khi đang làm việc nên đi tới gần cánh đồng hơn. Đứng cách em khoảng năm mét, những cô những bác nông dân đang chăm chỉ làm đồng. Người bón phân, người cuốc đất, người bắt ốc..., tiếng cười nói râm ran xua đi cái nóng của buổi ban trưa. Em chú ý nhất là một bác nông dân đang cày ruộng. Thân hình bác tầm thước, bộ đồ màu nâu đã dính đầy bùn. Chiếc quần xắn lên tới đầu gối làm lộ ra đôi chân chắc khỏe, các cơ nổi lên rõ rệt. Từng bước đi của bác đều vững chãi, nhanh nhẹn. Bác tầm khoảng năm mươi tuổi, có lẽ do việc nhà nông vất vả nên trông bác già hơn tuổi, nét lam lũ hằn lên những vết chai sạn trên bàn tay. Khuôn mặt bác hiền hậu, vầng trán lấm tấm mồ hôi. Có những giọt lăn dài trên má rồi rơi ngay xuống thớ đất bác vừa cày.
Bác điều khiển một chú trâu to, da đen bóng thật khỏe mạnh. Đôi tay rám nắng với những vết chai rắn rỏi cầm chắc vào tay cày. Trời nắng như đổ lửa khiến mồ hôi chảy trên cả cánh tay, khiến màu da của bác trông càng khỏe mạnh. Bác không bận tâm tới lưng áo ướt đẫm, tới cái oi ả của trưa hè. Những bước đi cứ đều đều, những tiếng hô "đi" cùng những tiếng "vút" phát ra từ cây roi của bác cứ vang lên đều đặn. Mỗi bước đi, bác lại vung roi lên và ra lệnh cho chú trâu của mình. Chú trâu như hiểu được mệnh lệnh của chủ, bước những bước dài trên đồng. Khi thì quẹo trái, khi thì sang phải. Chiếc lưỡi cày sắc lẹm đi sâu vào lòng đất, là lên những khối đất có kích thước đều nhau. Đất tròn đồng cứ lần lượt được xới lên thành hàng thành luống, trông thâu thích mắt. Thỉnh thoảng bác lại ca lên vài câu hòa cùng những người xung quanh hay kể vài câu chuyện vui cho mọi người, tiếng cười giòn càng rộn vang lên. Mọi người như quên đi cái nóng của ngày hè, quên đi cái vất vả của công việc. Người và trâu cứ thế chầm chậm, cần mẫn đi hết cánh đồng, quên đi thời gian, quên đi mệt nhọc. Nhìn khung cảnh ấy em lại nhớ đến bài ca dao:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Em rất thích ngắm bác nông dân đang cày ruộng, vì khi ấy em thấy thấm thía hơn nỗi vất vả khó nhọc của người nông dân khi làm ra hạt gạo. Em sẽ trân trọng, biết ơn các bác nông dân hơn nữa- người biến những giọt mồ hôi thành hạt ngọc quý.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 4
Sáng chủ nhật, em được theo mẹ ra đồng màu Lạc Thổ đưa nước cho thợ cày. Các ruộng lúa mới gặt xong độ một tuần đã bắt đầu cày vỡ, làm đất trồng màu vụ đông.
Trong làng, một số gia đình đã có máy cày, máy bừa, nhưng phần đông các hộ vẫn nuôi trâu, bò vừa để cày bừa, vừa lấy phân chuồng bón ruộng. Gia đình em chỉ có 6 sào ruộng, mẹ chỉ dùng hình thức đổi công.
Bác Huấn vẫn cày bừa, làm đất cho nhà em. Nhìn thấy hai mẹ con em đứng trên bờ, bác giơ nón vẫy rồi lại xăm xăm cày. Bác Huấn ngót 50 tuổi, bác nói tuổi bác là tuổi Sửu, "cái tuổi làm hùng hục như trâu bò". Tính bác vui, cởi mở, vừa nói vừa cười rất dễ mến. Bác to khỏe, quần nâu xắn cao, áo lính bạc màu, sau lưng giắt cái điếu cày mà bác gọi là "đại bác". Người lực lưỡng, bắp chân bắp tay cuồn cuộn. Nước da màu nâu sẫm, đúng là vóc dáng của một con người quanh năm chân lấm tay bùn, quen dầm mưa dãi nắng.
Con trâu mộng to béo, da đen nhánh kéo cày đi trước. Bác Huấn tay trái nắm thừng để điều khiển, tay phải cầm đốc cày, theo sau. Đường cày thẳng, bác nhoai người về phía trước. Đến hai đầu bờ, bác nhấp cày lên, cho trâu quay lại cày tiếp. Bác nhấp cày nhẹ nhàng như không. Lâu lâu, bác lại cất tiếng "tắc, rì… họ", lần đầu tiên em mới nghe thấy những tiếng ấy của thợ cày. Bác chia ruộng thành nhiều khoảnh, mỗi khoảnh là một luống cày; mỗi luống cày có nhiều đường cày. Ruộng đồng màu, đất xốp vừa độ ẩm, nhưng luống cày lượn sóng úp vào nhau, trông thật đẹp.
Xong một luống cày, bác cho trâu đứng nghỉ. Bác lên bờ đến chỗ hai mẹ con em đứng đợi. Mẹ em lấy ra bốn củ khoai lang bày ra trên đĩa, rót chè xanh ra bát mời bác. Bác lấy chiếc nón đang đội trên đầu quạt một lúc rồi đặt xuống làm "ghế" ngồi rất thoải mái. Vừa nói chuyện với hai mẹ con em, bác vừa bật lửa rít thuốc lào. Tiếng rít thuốc giòn tan. Cặp mắt lờ đờ, bác phun khói ra cả mũi, cả miệng, làm em ngạc nhiên quá. Cả con người bác toát ra một vẻ sảng khoái kì lạ. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, hai vai áo. Trán lấm tấm mồ hôi. Cặp lông mày sâu róm nhíu lai. Bác xoa hai tay vào nhau, vỗ vỗ mấy cái, cầm lấy củ khoai mẹ em mời, bác bóc vỏ ăn một cách ngon lành. Bác uống liền một lúc hai bát nước, rồi nói:
– Chè chị mua ở chợ Đồng à? Thơm và đậm lắm. Cứ để tất cả mọi thứ lại, hai mẹ con chị cứ ra về kẻo nắng. Tôi sẽ lo liệu hết.
Bác lại xăm xăm bước đến chỗ con trâu. Tiếng "tắc… rì…" nghe rất rõ. Trâu kéo cày băng băng. Lúc thì bác Huấn khom lưng, lúc thì nhoài người ra phía trước, tay phải nắm đốc cày một cách thiện nghệ. Những đường cày thẳng tăm tắp, những luống cày lượn sóng. Đi theo sau người và trâu là đàn sáo mỏ vàng năm, sáu con, lúc bay lúc nhảy để tìm mồi.
Cả cánh đồng màu chuyển động. Những luống cày màu nâu óng ánh dưới nắng tháng mười. Trâu và người cặm cụi, mải miết làm việc. Đi được một quãng, ngoái lại nhìn, em vẫn còn nhìn thấy bóng nón trắng của bác Huấn đang nhấp nhô trên thửa ruộng gia đình em.
Mẹ vừa đi vừa nói: "Bác Huân chỉ học hết lớp 7, rồi đi thanh niên xung phong. Bác chất phác, cày bừa giỏi, cả làng ai cũng quý. Cuối tuần, bác lại bừa và làm luống giúp để nhà ta trồng đậu cô-ve giống mới. Bố bác Huấn ngày xưa là lão nông tri điền, 70 tuổi mà còn đi cày quanh năm…".
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 5
Nhắc đến bác nông dân, em nhớ đến bác Sáu ở gần nhà Ngoại. Bác là một nông dân cần cù, chất phác. Chuyên đi cày thuê kiếm cơm, nên bác là người sử dụng cày rất thành thạo. Em biết được bác là nhờ hôm Trung thu về thăm Ngoại.
Hôm ấy, trên đường về, em đi qua một cánh đồng rộng mênh mông. Em đang ngồi trên xe mà lòng nôn nao mong chóng về gặp Ngoại. Nhưng oái oăm thay, giữa đường xe bị hỏng nên em phải đi bộ qua con đường khá dài. Chính trên đoạn đường này, em được làm quen với bác Sáu. Bác trạc năm mươi tuổi, thân hình cường tráng, vạm vỡ, rắn chắc. Gương mặt bác nông dân hơi khắc khổ, nước da sạm nắng, tay chân chắc nịch, quần xắn tận đầu gối, đôi tay đang nhanh nhẹn điều khiển cặp trâu. Một tay bác nắm sợi dây thừng và chuôi cày, còn tay kia nắm cái roi mây dài đánh vào mông trâu. Trời nắng to, mồ hôi ra đầm đìa. Miệng bác kêu “Ví thá, ví thá…” làm em thấy lạ tai quá. Hai con trâu đi chầm chậm vì phải kéo cả lưỡi cày lật bao nhiêu lớp bùn đất. Những đường cày thẳng tắp như kẻ sẵn, chạy dài từ bờ này sang bờ kia trông thật đẹp mắt.
Khi cày được gần một nửa đám ruộng, bác nghỉ giải lao bước đến dưới cây phi lao nằm gác chân lên tảng đá nhỏ, lim dim đôi mắt nhìn trời. Hai con trâu được bác cởi ách ra đang tự do gặm cỏ ở góc ruộng. Nhìn bác nằm nghỉ thoải mái dưới bóng râm, lòng em dấy lên một niềm cảm phục. Một nắng hai sương bác và bao nhiêu những người nông dân như bác quanh năm phơi mình trên đồng ruộng để làm ra hạt gạo nuôi sống con người.
Hình ảnh người nông dân vất vả trên luống cày, thửa ruộng của mình thật là đẹp.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 6
Bác Tùng là một nông dân cần cù, chất phác. Bác là người họ hàng của gia đình em. Em được biết đến bác là nhờ một lần về thăm quê ngoại. Gặp bác khi bác đang cày ruộng.
Hôm ấy, trên đường về quê em phải qua một cánh đồng rộng. Xa xa là dãy núi tím ngắt. Con mương nhỏ dẫn nước chạy men theo con đường trải đá răm. Đang vui vẻ nói chuyện cùng bố. Bố em dừng lại chào to: “Chào bác Hải, trưa rồi mà vẫn không nghỉ tay à?”
Bác Tài đang cày ruộng. Bác ngừng trâu. Dừng lại, nở nụ cười thật tươi chào lại bố con em. Năm nay bác chừng ngoài bốn mươi tuổi rồi. Dáng người bác cao lớn, vạm vỡ. Trên khuôn mặt chữ điền là đôi mắt to và sáng. Da bác sám nắng, tay chân chắc nịch. Bác say sưa cày ruộng trong chiếc áo đen đã bạc màu, ướt đẫm mồ hôi. Chiếc quần vải màu xanh dày dặn được xắn cao để lộ màu da chân đỏ au, vồng lên những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc. Đôi tay cứng cáp điều khiển cái cày khéo léo. Một tay bác cầm chuôi cày, còn tay kia thì cầm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng. Theo lưỡi cày, đất được lật lên ngọt xớt, phơi mình trên thửa ruộng chạy dài, thẳng tắp. Thỉnh thoảng bác lại quất nhẹ vào lưng trâu, miệng quát to: "Ngọ! Ngọ!". Hai con trâu đi chậm rãi dần vì phải kéo cả lưỡi cày, lật bao nhiêu lớp bùn đất. Trong ruộng có nước, khi lưỡi cày đi qua, nó để lại trong nước những hình xoắn tròn to, rồi nhỏ dần nhỏ dần. Khi cày đã thấm mệt, bác dừng lại nghỉ ngơi. Bác ngồi dưới một gốc cây to rồi lấy trong túi ra một gói thuốc rê đã được vê thành từng điếu rồi châm lửa hút. Lúc này, các động tác của bác chậm rãi. Hai con trâu khoan thai, vẫy đuôi gặm cỏ. Mặt trời giờ đã lên cao, ánh nắng rải chan hòa khắp thửa ruộng. Mặt bác nhễ nhại mồ hôi, nhưng bác vẫn cùng con trâu tiếp tục cày xong thửa ruộng. Trâu sau một lát nghỉ ngơi, lại ngoan ngoãn bì bõm kéo cày theo sự điều khiển của bác. Em thấy quý và cảm phục bác làm sao. Nhìn những hàng đất cày thành luống trông rất đẹp dưới nắng trưa, em lại nhớ đến câu tục ngữ: "Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng".
Em và bố tiếp tục lên xe vào nhà nội, mỗi lúc một xa, bóng bác Hải khuất dần. Để làm ra hạt gạo, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Em thầm cảm ơn các bác nông dân, những người đã cho ta bát cơm trắng, dẻo thơm trong sự nhọc nhằn vất vả của mình.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 7
Cánh đồng lúa quê em đã vào mùa thu hoạch các bác nông dân ngày ngày ra đồng gặt lúa, mang về những hạt thóc vàng ươm sau những ngày tháng vất vả.
Từ sáng tinh mơ, các bác nông dân đã ra đồng. Ra đồng các bác rẽ theo các hướng khác nhau, ai về thửa ruộng nhà nấy. Nhìn xa xa, ai cũng giống nhau. Vì mùa này trời rất nắng nên các bác mặc áo dày, đội nón trắng, khuôn mặt trùm kín bằng một chiếc khăn chỉ để lộ đôi mắt. Dụng cụ đã chuẩn bị xong, các bác bắt đầu công việc gặt lúa. Đàn bà lom khom cắt lúa còn đàn ông thì tuốt lúa. Tay trái các bác nâng từng bông lúa, tay phải cầm liềm cắt lúa xoèn xoẹt, đôi bàn tay mềm mại, thoăn thoắt tưởng như các bác đang múa. Từng bước chân nhịp nhàng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
Lúa cắt xong được các bác xếp ngay ngắn thành từng đống rất gọn gàng. Lúa được cắt mỗi lúc một nhiều. Tiếng tuốt lúa vang lên rộn ràng cùng nhịp thở của các bác. Các bác đứng dậy vươn vai, quay lại nhìn thành quả lao động của mình. Nét mặt ai cũng vui. Mặt trời lên cao dần, Khi đã thấm mệt, các bác đứng lên nghỉ giải lao, ngồi uống nước đá, ăn vội cái bánh mì mà người nhà mới mang đến. Đâu đó vang lên những lời hát ngọt ngào của các cô gái làm xua đi những mệt nhọc. Sau ít phút giải lao, mọi người lại bắt tay vào việc. Càng về trưa nắng càng gay gắt mọi người ai cũng thấm mệt nhưng tranh thủ làm cho xong công việc. Mồ hôi rơi xuống nghe thánh thót, lưng áo ướt đẫm. Thỉnh thoảng, các bác lấy nón quạt phành phạch xua tan đi cái nắng nóng cứ vô tình chiếu xuống cánh đồng trống trải. Lúa trên ruộng cũng được gặt xong.
Vào mùa gặt, ai cũng bận rộn. Những hạt lúa chắc nịch, vàng ươm đã được đưa về nhà. Các bác nông dân phấn khởi vì vụ mùa bội thu.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 8
Hè vừa rồi, khi về quê thăm nội, tôi làm quen với bác Tám và được xem bác cày ruộng.
Hôm ấy, sau một đêm mưa nước ngập đồng, từ mờ sáng tôi đã theo bác Tám ra đồng. Bác có vóc người khỏe mạnh, tuổi khoảng trên bốn mươi. Nước da ngăm đen, đầu đội chiếc nón lá cũ. Bác mặc áo bà ba, quần cụt đen, để lộ cánh tay và bắp chân thật rắn chắc. Gương mặt bác trông đã già trước tuổi nhưng biểu hiện nét phúc hậu và thật thà, miệng bác ngậm điếu thuốc, tay dắt trâu, vai vác cày ra đồng. Cánh đồng lúc này đã ngập nước trắng xóa mênh mông nó chia ngang, chia dọc những bờ đê nhỏ. Các bác nông dân ở các thửa ruộng đã có mặt tự bao giờ.
Đến nơi, bác bảo tôi ngồi dưới bóng cây mát. Bác bắt cày vào ách đôi trâu. Rồi tay phải bác nắm chặt cày, tay trái bác cầm roi đánh vào lưng trâu để ra hiệu cho cặp trâu xuống ruộng. Bác bắt đầu cày ở vòng ngoài rồi lẫn vào trong, cặp trâu quẹo trái quay phải theo tiếng "Ví, thá” của bác. Tiếng lội bì bõm của người và vật hòa lẫn tiếng điều khiển trâu của các bác nông dân tạo nên một âm thanh nhộn nhịp, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cánh đồng. Lưỡi cày từ từ lướt đi rẽ nước và đất bùn ra hai bên. Trâu lặng lẽ kéo cày, chân nó bị lún sâu xuống bùn, bước chậm chạp, miệng thở phì phò, bọt miệng đầy nước dãi, mắt nó đỏ gay. Tuy thế nó vẫn ra sức kéo cày, cổ nó rướn thẳng bước nặng nhọc, nó vẫn tiến tới theo sự điều khiển của bác Tám. Đôi lúc nó chừng như mệt quá, nó muốn dừng lại, nhưng bác Tám gõ chiếc roi lên sừng là nó cố sức tiến lên. Bác Tám khéo léo điều khiển lưỡi cày ăn sâu xuống đất, lưng bác cũng ướt đẫm mồ hôi. Cày được một lúc bác dừng lại nghỉ mệt lấy thuốc ra hút và trò chuyện với tôi. Rồi bác tiếp tục công việc cho đến khi mặt trời lên đỉnh đầu, cũng là lúc cày xong thửa ruộng. Bác tháo cày và dắt trâu về nhà.
Nhìn những luống cày mới úp lên nhau, tôi thầm nghĩ mai đây cánh đồng lúa này sẽ mọc bời bời và cho ta những hạt thóc quý thơm ngon nuôi sống mọi người… Em thầm cảm ơn các bác nông dân cần cù như bác Tám đã đổ bao nhiêu giọt mồ hôi cho chúng em những bát cơm thơm dẻo…
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 9
Nắng hè oi ả đã gọi một mùa hè tràn về trên khắp làng quê. Nắng như rót mật trên từng cành cây kẽ lá, nắng len lỏi qua từng con ngõ nhỏ và dát vàng lên từng con đường quê. Lúc này là lúc vào mùa, các bác nông dân đã hoàn thành công việc thu hoạch lúa gạo. Bác Dũng – người hàng xóm của em lại bắt tay vào một mùa mới.
Sáng sớm bác đã chuẩn bị máy cày và những công cụ khác để sẵn sàng cày thửa ruộng vừa mới gặt. Tay bác thoăn thoắt tra dầu vào máy, bác kiểm tra máy móc thật kĩ càng rồi mới đánh lái đưa máy cày ra đến cổng. Bác đeo găng tay, đội mũ để cho khỏi nắng, nom bác đã sẵn sàng để bắt đầu một ngày làm việc vất vả.
Ra đến đồng, bác cẩn thận đưa máy xuống đồng rồi mới bắt đầu cày ruộng. Những thửa ruộng vừa gặt còn vương đầy gốc rạ và những vụn rơm mới. Bác Dũng làm việc rất khoa học, không phải cứ đưa máy tới đâu là gặt tới đó, bác lần lượt cày từ mép thửa ruộng này rồi cứ cày từng hàng thẳng tắp. Nắng đã lên. Ánh nắng chói chang của ngày hè chiếu xuống khiến thửa ruộng bừng sáng, lấp lánh nom đẹp như một bức tranh mà người nghệ sĩ tài hoa nào đã chấm phá vài nét. Nước ở ruộng óng ánh những sắc vàng chói lóa. Nắng đã khiến cảnh vật trở nên rực rỡ hơn nhưng bác Dũng vẫn tập trung vào công việc mình làm. Tay bác nhanh nhẹn lái máy cày xới trên mảnh ruộng vừa thu hoạch lúa. Máy cày đi tới đâu, từng hàng đất bị xới lên theo đến đó. Bác nói rằng sau khi thu hoạch, phải xới đất như này để đất nghỉ ngơi, nó hấp thụ được nhiều khoáng chất hơn để trở nên tơi xốp hơn, màu mỡ hơn để lại bắt đầu một vụ mùa mới. Thế nên bác cày từng hàng rất kĩ, đất như vỡ vụn ra dưới chân bác.
Cày được một thửa, bác ngừng tay để lau những giọt mồ hôi đã bắt đầu thánh thót rơi trên gương mặt rám nắng của bác. Lưng bác ướt đầm mồ hôi vì nóng, bác đưa tay quệt những vệt mồ hôi chảy dài trên trán, tay với nhanh lấy chai nước bác đã chuẩn bị rồi uống. Bác dừng lại một chút ngắm lại mảnh ruộng bác vừa cày : thật kì diệu biết bao, lúc nãy đâu nó vẫn chỉ là mảnh ruộng còn vương đầy gốc rạ, thế mà giờ đã được cày xới, tơi xốp lạ kì. Bác mỉm cười rồi lại nhanh chóng bắt tay vào công việc. Tiếng mãy cày nổ vang khắp cả một vùng trời, hòa vào tiếng chim hót trên cành cây tạo thành thứ âm thanh xao động cả một vùng. Bác vẫn lái máy cày trên thửa ruộng, bác đi tới đâu là mảnh ruộng như nở hoa đến đó. Rồi nay mai thôi, trên mảnh đất tơi xốp này sẽ lại trải dài màu vàng của cây lúa làm cho quê hương giàu đẹp hơn. Nghĩ tới thành quả tương lai mà lòng bác vui sướng lạ kì.
Mặt trời đã đứng bóng. Trời càng chuyển về trưa lại càng nắng gắt hơn. Bác nghỉ tay một lát rồi lái máy cày về nhà, không quên ngoái lại nhìn thửa ruộng mình vừa cày xong. Nhìn thấy bác làm việc, em càng thêm yêu mến công việc của những người nông dân, càng thêm trân trọng hạt gạo – hạt ngọc trời đã ghi dấu biết bao nhiêu công sức của người nông dân.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 10
"Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”
Hạt gạo từ bao đời nay được coi là hạt ngọc trời nuôi sống con người. Để làm ra những hạt gạo trắng ngần, thơm mùi nắng mới, dẻo thơm chính là nhờ công lao to lớn của các bác nông dân. Buổi chiều hôm trước theo chân bà ra ngoài ruộng xem các bác nông dân làm việc, đến khi ra tận nơi, em mới cảm nhận rõ được phần nào sự vất vả nhọc nhằn, hy sinh mà người nông dân phải chịu để làm ra những hạt gạo thơm ngon ấy.
Sáng sớm tinh mơ, khi ông mặt trời vẫn còn ngái ngủ, chưa chịu nhích người ra khỏi lớp chăn bông ấm, các bác nông dân đã tíu tít ra ngoài ruộng. Tờ mờ sáng, lác đác đâu đây đã có bóng người, tiếng cười nói râm ran cả một góc xóm, nào khoe chuyện con cái, nào là chia sẻ chuyện cấy cày, nào lo chuyện mùa màng,… Đến ruộng, ai nấy lại bắt tay vào công việc của mình, người thì cầm lưỡi liềm để gặt lúa, người thì dùng máy để gặt lúa cho nhanh, người thì bó từng bó lúa lại để hai bên đường làng để chốc lát cho vào máy tuốt lúa. Mỗi người một việc, mỗi người một nỗi lo, áp lực của cuộc sống cứ đè nặng lên đôi vai họ nhưng nào có thể làm tắt đi nụ cười cùng ánh mắt ánh lên hạnh phúc trước những thành quả công việc của mình sau bao ngày dãi nắng dầm sương, đội mưa ra cấy lúa. Cả cánh đồng chìm trong màu vàng rực, chả còn phân biệt được đâu là nắng đâu là lúa, cả hai như hòa vào một, thiên nhiên và con người như đồng điệu với nhau. Nắng lên, những giọt mồ hôi lăn dài trên trán những người nông dân hiền lành, chăm chỉ, chất phác, vất vả nhưng nghĩ đến miếng cơm manh áo, nghĩ đến mọi người cần phải có cơm, có gạo để tồn tại, để sống cuộc sống ý nghĩ này, họ lại không quản ngày đêm, không quản nắng mưa, làm việc hết mình. Nhìn thấy hình ảnh của những bác nông dân làm việc, em lại càng hiểu hơn về giá trị to lớn của hạt gạo, bởi trong đó là bao mồ hôi, nước mắt, là tâm huyết của những con người chân thật ấy.
Em rất yêu quý những người nông dân, bởi chính những hy sinh, những vất vả mà họ âm thầm chịu đựng chính là để tạo ra những hạt ngọc tinh khiết nuôi sống con người, đó chính là những con người sống mãi với thời gian, sống mãi trong trai tim chúng ta với sự biết ơn và kính trọng.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 11
Quê hương em là một vùng đất nông nghiệp, cuộc sống gắn bó với cây cỏ ruộng đồng, người dân sống bằng nghề lao động chân tay, cần cù mà chất phác. Hôm nay em ra đồng cùng cha, tình cờ đứng ngắm nhìn bác Hai- bác ruột của em, đang cày ruộng.
Bác Hai không cao lắm, và khá gầy. Nhưng trông bác rất khỏe mạnh, nước da ngăm ngăm sau bao năm dãi nắng dầm mưa. Bác mặc một chiếc áo lao động màu xanh lam vải đã sờn và bạc màu, chiếc quần ống rộng màu nâu xám và một đôi ủng cao để để tránh bị đỉa cắn. Cả một bộ quần áo lấm lem bùn. Độ này dân cũng khấm khá hơn, dùng máy cày tiện hơn dùng trâu, bác đẩy chiếc máy cày từ từ theo đường thẳng, tiếng máy kêu khá lớn, lưỡi cày đặt sát mặt ruộng, những lớp đất cứ thế mà bung lên, lật các gốc rạ còn sót lại của vụ mùa năm ngoái. Lớp bùn trũng sâu gần bằng đôi ủng của bác, mỗi lần nhấc chân lên để đi bước tiếp theo cũng khá nặng nhọc. Nắng trên cao tỏa xuống khá gắt, chiếc mũ cối vành nhỏ không đủ che hết khuôn mặt bác, từng giọt mồ hôi lăn dài trên gò má và lưng áo cũng ướt đẫm. Công việc lao động chân tay chưa bao giờ là dễ dàng. Mặc dù mệt, em thấy mặt bác vẫn rất hứng khởi, đây là công việc gắn bó một đời, công việc nuôi sống gia đình nhỏ, dẫu có vất vả đến đâu người nông dân cũng yêu lấy ruộng đồng, yêu lấy mảnh đất của mình. Từ từ và cẩn thận, bác đẩy chiếc máy cày đi từng vòng một, thẳng tắp và đều đặn. Khi đã thấm mệt, bác ra bên bờ ruộng, ngồi dưới giác cây đa già uống lấy ngụm nước, bỏ chiếc phũ phe phẩy cho đỡ mệt, có làn gió thổi qua nhìn bác quan khoái lắm. Sau đó bác nhanh chóng quay lại với công việc của mình, mới đó mà đã gần xong cả một thửa khá rộng. Trời về trưa, nắng trời khá gắt cũng là lúc bác cày xong, một buổi sáng làm việc vất vả và hiệu quả của một người nông dân hiền lành, chất phác và mộc mạc như bác. Nhìn bác, em càng thêm trân trọng vẻ đẹp lao động cần cù của người dân quê mình.
Em rất thích ngắm các cô các bác làm đồng, cấy lúa, cày ruộng,nhìn ai cũng thật chăm chỉ. Em mong mình sẽ học thật giỏi để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 12
Quê hương em trải dài bát ngát với những cánh đồng lúa mênh mông bao la. Có lẽ vì vậy mà nghề trồng lúa nước đã là một trong những nghề nghiệp chính của người dân nơi đây. Cứ mỗi sáng chủ nhật, em đều cùng mẹ ra ruộng để ngắm nhìn các bác nông dân làm việc. Hình ảnh bác nông dân cày ruộng đã in đậm trong tâm trí em.
Vì vừa gặt lúa xong nên bây giờ mọi người đều tranh thủ để làm đất, cày ruộng và gieo mạ. Lần nào cũng vậy, ngay từ sáng sớm mà các bác nông dân đã ra đồng để chuẩn bị công việc bắt đầu một ngày mới. Các bác mặc trên mình những bộ quần áo vô cùng giản dị đôi khi chỉ là chiếc áo nâu đã sờn vải và nhạt màu theo thời gian cùng với một chiếc quần dài và kèm theo đó là một đôi sục cao cổ và cả chiếc nón quen thuộc để tránh nóng. Khi ông mặt trời thức giấc, từng tia nắng bắt đầu nhảy múa trên cánh đồng lúa thì cũng là lúc mọi người bắt tay vào làm việc. Các bác trai sẽ dùng một chiếc cuốc để cà xới đất ở ruộng lên cho tơi xốp. Từng đường cày dứt khoát khỏe khoắn biết bao nhiêu. Không chỉ sử dụng cày cuốc mà bác còn dùng trâu để cày ruộng, những con trâu ngoan ngoãn nghe lời chủ cày ruộng thành hàng lối ngay ngắn biết bao. Còn các bác gái sẽ làm công việc gieo mạ để trồng lúa. Dưới đôi bàn tay khéo léo nhanh nhẹn của các bác mà từng cây lúa đã được gieo trồng theo hàng lối thẳng tăm tắp trải dài đến hết từng mẫu ruộng. Ai cũng chăm chỉ làm việc cho xong nhiệm vụ của mình. Các bác còn vừa làm việc vừa trò chuyện cười nói rất vui vẻ. Thỉnh thoảng có lẽ do mệt quá nên các bác sẽ dừng lại để lau giọt mồ hôi đã chảy dài trên má hoặc lấy chiếc nón trên đầu để làm quạt cho mát hơn một chút. Tuy ai cũng mệt, vất vả nhưng không ai than thở một câu nào cả mà đều chăm chỉ miệt mài làm việc. Một số bác còn động viên nhau làm nhanh rồi nghỉ một lúc. Cứ như vậy biết bao nhiêu ruộng lúa đã được tạo nên dưới đôi bàn tay tảo tần của các bác nông dân. Nhìn các bác làm việc chăm chỉ, em thầm cảm thấy ngưỡng mộ và biết ơn các bác rất nhiều vì nhờ các bác mà chúng em có những hạt gạo dẻo thơm ngon trong mỗi bữa cơm gia đình.
Hình ảnh bác nông dân đang cày ruộng sẽ mãi là một hình ảnh đẹp và ý nghĩa đối với em. Chính các bác đã góp phần xây dựng nên quê hương ngày một giàu đẹp hơn. Em tự nhủ sẽ noi gương thật tốt sự chăm chỉ nhiệt tình của các bác.
Tả bác nông dân lớp 5 - mẫu 13
''Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày"
Người nông dân đã làm ra cho chúng ta hạt lúa củ khoai, lại cho chúng ta tấm gương sáng về con người lao động. Em đã gặp một bác nông dân như thế,trong một buổi trưa hè.
Chiều hè hôm ấy,một chiều hè oi ả tháng sáu, em được về thăm quê với gia đình. Từ xa xa,đã thấy đồng lúa rộng đã gặt xong chỉ trơ những gốc rạ. Mùi bùn đất đang vào vụ ngai ngái, là lạ. Ôi thích quá! Em hít căng lồng ngực một hơi thật dài, cho thoả thích hương đồng gió nội! Ôi mới thích làm sao!
Ngay bên vệ đường, là mảnh ruộng đang cày dở. Em thấy một bác nông dân đang cày ruộng. Bác mặc bộ quần áo nhuộm màu nâu, chân chất như chính màu đất quê hương. Gương mặt bác đẫm mồ hôi nhưng đôi mắt sáng vẫn ánh lên cái nhìn vui vẻ! Khuôn mặt đẫm màu gió sương, nỗi trăn trở và vẻ vất vả sau bao năm gắn bó với ruộng đồng. Dáng bác to lớn, vạm vỡ. Quả thật nhìn bác đi cày,em có cảm tưởng mình đang gặp một người dũng sĩ ! Bàn tay khỏe mạnh của bác túm lấy cái cày, tay kia đè nhẹ để kiểm tra cái ách ôm lấy cổ trâu. Lát sau, bác giơ cây roi, vút cao, quất vào con trâu giục bước. Từng đường, từng đường cày thẳng tắp lần lượt hiện ra, ngay ngắn và gọn gàng trên mặt ruộng.Thi thoảng, vài tiếng: ''Họ ! họ'' vút lên, chú trâu to lớn vậy mà vụt trở thành một con mèo con ngoan ngoãn, răm rắp nghe theo lời chủ.Từng giọt,từng giọt mồ hôi cứ thế buông rơi.Thời gian đã trôi quá khá lâu,nhưng vẫn chưa thấy bác lộ chút gì mệt mỏi. Mãi sau,mới thấy bác từ từ khoan thai ra lệnh cho con trâu dừng lại, nghỉ chân tại một gốc cây ven ruộng.Bộ quần áo bác giờ đây đã lấm lem bùn đất, nhưng ánh mắt thì lấp lánh niềm vui! Có lẽ,đó là niềm vui lao động một niềm vui chính đáng và đáng tự hào!
Hình ảnh bác nông dân mãi in đậm trong em. Em mãi không quên. Bác đã một nắng hai sương để làm ra hạt lúa củ khoai nuôi sống chúng em. Em thầm cảm ơn những người nông dân như bác.
Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:
- Mục lục Văn thuyết minh
- Mục lục Văn tự sự
- Mục lục Văn nghị luận xã hội
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 1
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 2
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều