6 Đoạn văn tả giàn cây leo lớp 4 (điểm cao)

Với đoạn văn tả giàn cây leo lớp 4 hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết đoạn văn hay hơn.

Đoạn văn tả giàn cây leo lớp 4 - mẫu 1

Nhà em có rất nhiều cây leo như: bầu, bí,…Nhưng em vẫn thích nhất là giàn mướp hương mà bố em trồng ở sau vườn.

Khung giàn mướp được làm bằng tre dài năm mét, rộng hai mét. Mới hôm nào, cây mướp còn nhỏ xíu. Chỉ mấy hôm sau, ngọn mướp đã bò khắp giàn. Tay mướp chỉ nhỏ bằng que tăm, mới chiều hôm nay tay mướp chỉ dài khoảng năm phân mà sáng mai tay đã dài mười năm phân quấn chặt vào giàn. Thật là kì lạ phải không các bạn!

Chẳng mấy chốc một màu xanh tươi đã phủ kín mặt giàn. Khi đã leo khắp giàn thì mướp bắt đầu ra hoa. Hoa mướp màu vàng tươi như mời gọi ong bướm đến hút mật. Rồi quả mướp bé xíu thi nhau chồi ra như muốn mở lời chào ngày mới. Quả bằng ngón tay, bằng con chuột, bằng con cá chuối to. Quả thì thẳng, quả thì cong như vầng trăng gần giữa tháng. Quả này chen với quả kia lúc lỉu khắp giàn. Sáng nào, em cũng ra vườn hái mướp về ăn. Mướp nhiều quá, mẹ sai em cắt mang biếu họ hàng, hàng xóm mỗi người vài quả. Ai cũng khen mướp nhà em ngon và thơm.

Cây mướp nhà em rất nhiều tác dụng, vào mùa hè mà có bát canh cua hoa mướp thì thật là tuyệt! Lá mướp tươi để lau nhựa mít. Ai bị nước ăn chân thì dùng lá mướp khô sẽ khỏi. Em sẽ chăm sóc cây mướp thật tốt để cây cho nhiều quả.

Đoạn văn tả giàn cây leo lớp 4 - mẫu 2

Nhà em có một mảnh vườn nho nhỏ được bố mẹ em dùng để trồng những loại rau củ và cây ăn quả. Có diện tích không to lắm, thế những mảnh vườn ấy lại là nơi hội tụ của biết bao nhiêu loại cây mà bố mẹ em trồng: nào xà lách, súp lơ, bắp cải, xoài ổi,... nhưng em thích nhất vẫn là giàn mướp hương mà bố mẹ em thường trồng vào đầu mùa hè. Và đó cũng chính là nơi mà tuổi thơ của em lớn lên cùng tình cảm của bố mẹ vun trồng, chăm sóc.

Mướp hương là loại mướp nhỏ nhưng rất thơm và ngon. Chính vì vậy cho nên mướp hương thường thu hút ong bướm tới. Nếu không được bảo vệ cẩn thận thì những quả mướp hương nhỏ xinh sẽ rất dễ bị ong châm và hỏng. Hồi còn nhỏ, mẹ em thường bảo một câu rằng: trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt mướp. Vào những ngày đầu hè, bố em thường lấy những hạt giống của những quả mướp già từ những năm trước để lại rồi gieo xuống chỗ đất mềm xốp, ẩm ướt để cho chúng có thể vươn lên những mầm xanh cho nhanh lớn. Bố còn lấy những đoạn tre nhỏ, rào xung quanh chỗ trồng mướp để tránh cho những chú gà bới đất hay những chú chó tinh nghịch chạy qua sẽ làm hỏng cây non. Qua đôi bàn tay chăm sóc của bố, những cây mướp nhỏ nhanh chóng chui ra khỏi mặt đất rồi vươn mình đón những ánh nắng đầu tiên. Thời gian chúng lớn cũng rất nhanh so với những loại cây khác, chẳng mấy chốc, cây mướp nhỏ đã bắt đầu mọc những tua dài màu xanh và dần quấn tới những cành cây gần nó. Thời gian này, bố thường sẽ bắt đầu làm những giàn ở phía bên trên để cho những dây quấn được bám vào và phát triển. Giàn được làm chống bởi bốn thanh sắt ở bốn phía, phía trên có những cành tre được chẻ một cách cẩn thận và được xếp thành những hình vuông nhỏ cho mướp có thể leo lên. Ngày qua ngày, những cành mướp đã xanh tốt với những đoạn tua chắc khỏe bám vào giàn.

Phía trên, những bông hoa bắt đầu nở, màu vàng rực rỡ như màu nắng cùng mùi thơm đã thu hút những chú ong mật và cả những đàn bươm bướm tới đây tìm mật và bay lượn. chỉ ít ngày sau khi hoa nở, những quả non bắt đầu nhú ra từ nhụy. Những quả non ấy lớn lên nhanh lắm các bạn ạ. Mẹ còn dặn dò em là khi nhìn mướp thì không được chỉ tay hay sờ vào vì như thế sẽ làm mướp bị thui chột từ bé và không thể thành quả. Vì vậy, những lúc như thế, em chỉ có thể nhìn ngắm chúng từ một góc và háo hức chờ đợi cho tới lúc mướp trở thành những quả to và dài. Khi nhỏ, mướp vẫn còn những tàn hoa màu nâu ở bên dưới. Sau đó, những tàn hoa ấy không còn thì chúng bắt đầu lớn dần ra và dài dần ra. Bên ngoài lớp vỏ là một lớp lông nhỏ và mịn như thể chúng không hề thấm nước vậy. đây là khoảng thời gian mình phải bảo vệ cho mướp nhiều nhất vì nếu bị ong chích thì chúng sẽ bị hỏng hết và không thể nào ăn được. Khi những quả mướp lớn dần, màu xanh chuyển sang đậm hơn và có thể ngắt xuống ăn được. Nếu để mướp trên cây lâu quá thì chúng sẽ bị già và khô, lớp vỏ dày và không còn ăn được nữa, chỉ có thể lấy xơ mướp rửa bát và lấy hạt phơi trồng cho những năm sau.

Mướp là một loại quả có rất nhiều công dụng. Không chỉ có thể xào nấu với thịt mà mướp còn được cho chung vào món canh cua cùng rau đay, rau mùng tơi cũng rất ngon nữa. Đó cũng mang tình thương của cha mẹ dành cho chúng em, bởi thế, với em, cây mướp cũng chính là một kỉ niệm của tuổi thơ thật là đẹp.

Đoạn văn tả giàn cây leo lớp 4 - mẫu 3

Sân nhà em được che rợp một giàn thiên lí.

Năm ngoái chữa nhà, lát lại cái sân, một vài thứ có thể đổi thay, nhưng cái giàn thiên lí thì bà và mẹ cô giữ, nhất định giữ lại. Giàn thiên lí này do chú Trọng bắc, ba gốc thiên lí do chú Trọng trồng, trước khi chú đi vào chiến trường miền Nam thời đánh Mĩ. Chú đi mãi, không bao giờ về nữa.

Sáu cái cột tre ngày xưa chú bắc, nay đã bị ải, bố em đã thay bằng những ống nước bằng kẽm không gỉ. Cái giàn được chằng bằng dây thép, có sợi to bằng chiếc đũa, có sợi nhỏ bằng cọng rơm nay vẫn còn nguyên và bền chắc. Dây thép đan dọc ngang, mỗi ô giàn vuông vắn, mỗi bề nhỉnh hơn gang tay người lớn. Chú Trọng thật khéo tay, các ô giàn đan đều tăm tắp.

Giàn thiên lí xanh tươi bốn mùa. Ba gốc thiên lí nằm ở mép sân, mỗi gốc cách nhau 4 mét. Thiên lí là giống cây leo, cành, nhánh thiên lí bằng ngón tay út, bằng cọng rạ, cái vòi thiên lí chỉ bằng cọng rơm. Nhưng gốc thiên lí màu nâu thẫm, màu xanh rêu lại to bằng cổ tay người lớn. Lá thiên lí tựa lá khoai, mỏng hơn, xanh nhạt hơn. về mùa xuân, lá thiên lí xanh biếc một màu, che kín mặt giàn. Tháng ba là mùa hoa thiên lí. Có nhà thơ nào đã viết mà cô danh ca Huế vẫn hát vẫn ngâm: "Trên giàn thiên lí bóng xuân sang"? Hoa thiên lí kết thành chùm, mỗi chùm có ba bốn hoa. Hoa thiên lí có 5 cánh như năm ngôi sao xếp đều xòe ra xung quanh đài hoa xinh xinh như cái chuông nhỏ bằng ngọc màu xanh rêu, xanh lơ; nhụy hoa màu vàng nhạt. Hương thiên lí ngan ngát vào ban mai, nồng nàn về chiều, thoang thoảng trong sương đêm. Nhiều bữa, tỉnh giấc giữa đêm khuya, em cảm thấy cả ngôi nhà êm đềm như bao bọc bằng hương thiên lí, tâm hồn nhẹ lâng lâng.

Ngày nào, mẹ và bà cũng hái hoa thiên lí bày lên đĩa đặt lên bàn thờ. Bà nói nhỏ nhẹ, nước mắt ứa ra: "Con ơi! Trọng ơi! Giàn thiên lí nở hoa mà con cứ đi mãi không về...". Hoa thiên lí để xào với lòng gà, xào với thịt bò, hay nấu canh. Món nào bà và mẹ nấu cũng ngon, ăn suốt mùa hè vẫn không chán. Với bà, hoa thiên lí là cây nhà lá vườn, ai đến chơi bà cũng biếu một gói để về thắp hương, nấu canh. Với mẹ thì hoa là đặc sản, mỗi tuần mẹ hái hai lần, môi lần ba, bốn cân, mẹ đưa lên chợ thị xã bán. Tiền bán hoa thiên lí góp lại có năm được trên một triệu, mẹ dùng để mua sắm mọi thứ làm giỗ ông, giỗ chú Trọng.

Mùa hè, ngồi dưới giàn thiên lí mát lắm. Những đêm thu, ngồi dưới giàn thiên lí để ngắm trăng, thật tuyệt. Ánh trăng lọc qua màu lá thiên lí xanh ngời ngời.

Mẹ vẫn sai em đem nước vo gạo ra tưới cho gốc cây thiên lí. Cuối năm, bố thay đất, bón phân chuồng, bón đạm cho ba cây thiên lí. Đã trên 30 năm mà giàn thiên lí của gia đình vẫn tươi tốt, xanh ngăn ngắt.

Cuối thu, mùa hoa thiên lí vãn. Bầy ong đến hút nhụy hoa, tìm mật hoa cũng thưa thớt dần. Thỉnh thoảng mới thấy một hai con ong bầu đen nhánh chập chờn lượn qua lượn lại. Nhưng giàn thiên lí vẫn xanh. Với bà, với mẹ, giàn thiên lí là tình nhớ thương, nỗi đợi chờ. Với em, giàn thiên lí là mảnh trời năm tháng tỏa mát tâm hồn và ngôi nhà be bé xinh xinh ngào ngạt hương hoa.

Năm nay, xuân đến sớm. Mùa xuân đã về. Mùa hoa thiên lí lại dâng hương.

Đoạn văn tả giàn cây leo lớp 4 - mẫu 4

Ở góc sân nhỏ nhà em có một luống hoa đồng tiền rất xinh. Để bảo vệ cho luống hoa, bố em đã trồng trên đó một giàn hoa thiên lý.

Giàn hoa thiên lý này có kích thước tương dương với luống hoa đồng tiền. Bố em khéo léo đóng các cọc gỗ cao 1,5m cách nhau đều đặn, rồi phủ lưới sắt có các ô vuông to như bàn tay lên, tọa thành khung giàn chắc chắn. Theo đó, mấy gốc thiên lí trồng ở dưới chân cọc mon men bò dọc lên giàn. Lúc đầu, thiên lý chưa ngoan, định bò đi chỗ khác. Bố em liền lấy dây vải buộc chúng vào cọc, rèn cho bò đúng hướng. Nhờ vậy, chẳng mấy mà cả giàn đã được phủ xanh bởi rất nhiều nhánh thiên lí xanh xanh. Lá thiên lí không quá to nhưng mọc dày, nên cả giàn trông dày lên như đám mây màu xanh, che hết ánh nắng để bảo vệ luống hoa phía dưới. Tuy nhiên, theo thời gian, giàn thiên lý còn khiến em phải bất ngờ, bởi nó cũng ra hoa. Hoa thiên lý mọc thành chùm lớn gồm nhiều bông hoa nhỏ màu vàng. Trông nó cũng xinh xắn chẳng kém hoa đồng tiền. Không chỉ thế, hoa thiên lí đem xào hay nấu canh cũng rất ngon và mát.

Giàn hoa thiên lý nhà em khiến ai đến chơi cũng phải dừng lại khen ngợi. Chiều nào em cũng ra tưới nước cho cây để mong cây càng thêm tươi tốt.

Đoạn văn tả giàn cây leo lớp 4 - mẫu 5

Trước cửa nhà em có trồng một giàn hoa giấy. Giàn hoa này đã được mẹ em trồng từ cách đây nhiều năm rồi. Ngày nào em cũng dành một chút thời gian để ngắm nhìn cây.

Một ngày mẹ em mang về một cây hoa nhỏ nói đó là cây hoa giấy. Nhìn cây hoa bé xíu nhưng lại nở ra rất nhiều hoa. Em từng hỏi mẹ vì sao lại gọi là hoa giấy, mẹ nói đó là vì những cánh hoa mỏng manh như những tờ giấy. Em ngắm hoa thật kĩ thì thấy đúng là như thế thật. Trông chúng mỏng manh và yếu ớt vô cùng. Mỗi bông hoa được tạo nên bởi 3 cánh hoa. Khi những chú bướm đậu trên cây, thật khó để có thể phân biệt được bướm và hoa nếu như nhìn từ xa. Em cứ nghĩ cây hoa giấy sẽ lớn cao lên một chút giống như những loài cây khác nhưng không phải. Hoa giấy được mẹ đặt bên cạnh bức tường phía trước nhà. Thế rồi cây hoa bám lên tường, leo lên cái cột bố dựng bên góc nhà rồi leo lên mái hiên. Ngồi ở cửa sổ phòng học của mình, em cũng có thể nhìn rõ những dây leo đang bò xung quanh mái. Những cánh hoa màu hồng phớt đưa mình rung rinh trong gió. Chúng thật đẹp biết bao nhiêu. Em chưa thấy có loài hoa nào lại nở quanh năm và tươi tốt đến như vậy.

Nhờ có giàn hoa giấy, nhà của em trở nên đẹp hơn hẳn. Ai đi ngang qua cũng khen giàn hoa giấy đẹp. Em nghe mà cảm thấy thật tự hào. Em sẽ chăm sóc cho giàn hoa giấy này thật là tốt.

Đoạn văn tả giàn cây leo lớp 4 - mẫu 6

Trước sân nhà em có một giàn hoa giấy rất đẹp. Giàn hoa giấy đó năm nay đã được hơn 10 tuổi rồi. Nó được ông em trồng và chăm sóc. Đến bây giờ, ông đã đi xa, thì đến lượt bố em là người chăm sóc nó.

Cả một giàn hoa giấy được nâng đỡ từ cái giàn khung sắt do ông và bố cùng dựng lên. Lúc đầu, ông chỉ trồng hai gốc hoa giấy ở hai cái chân cột phía trong cùng. Thế mà qua từng đó năm, chúng đã cao lớn, vươn mình che kín toàn bộ giàn. Gốc cây hoa giấy to như cổ chân, cứng cáp và chắc nịch. Càng lên cao, nó sẽ hơi nhỏ đi một chút. Có một điều thú vị là, các cành nhánh con của hoa giấy không hề cứng như gốc mẹ, mà trở nên dẻo dai, mềm mại hơn. Chính vì thế mà ngày xưa ông dễ dàng uốn chúng vào các cột trụ, để hướng chúng bò lên giàn. Đặc biệt, phải đến các cành, nhánh con này thì mới bắt đầu xuất hiện những chiếc gai nhỏ. Có lẽ đó là cách mà cây tự bảo vệ các nụ hoa của mình khỏi các loài gây hại. Lá ho giấy không to, chỉ lớn bằng cái thìa, hơi cong lên và bóng loáng. Sống giữa của lá cũng có gai nhỏ, không giống như lá hoa hoa hồng có gai ở mép lá. Tuy nhỏ nhưng số lượng lá cây hoa giấy rất nhiều, số cành nhánh cũng đông đúc lắm. Chúng chen chúc rồi bò chồng lên cả nhau, che kín cái giàn sắt. Khiến dù nắng dù mưa thì khoảng sân bên dưới vẫn khô ráo, mát mẻ. Những cành bò được lên trên cùng, bò ra mép giàn sẽ oai phong vẫy vẫy cái đọt non tơ trong gió và nắng, khoe khoang chiến tích của bản thân. Nhân vật chính của giàn hoa giấy là những bông hoa giấy màu tím hồng xinh xắn. Mỗi bông hoa gồm ba cánh hoa mỏng chụm lại như cái đèn lồng. Hoa giấy mỏng manh nên dễ bị mưa gió làm tổn thương, nhưng nó vẫn cố gắng kiên cường chống lại mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Để tô điểm thêm sắc màu cho giàn hoa.

Mỗi khi ngồi chơi dưới giàn hoa giấy, em lại nhớ tới ông. Thật hạnh phúc và may mắn biết bao, khi em được kế thừa từ ông một món quà ý nghĩa như thế này.

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần: