20+ Thuyết minh về phở (điểm cao)



Bài văn Thuyết minh về phở lớp 8 hay nhất, ngắn gọn được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước giúp bạn viết bài văn hay hơn.

Thuyết minh về phở - mẫu 1

Mỗi quốc gia, dân tộc lại có một nền văn hóa ẩm thực khác nhau. Người ta biết đến sushi Nhật Bản, kim chi Hàn Quốc và bạn bè quốc tế đều biết đến phở Việt Nam. Phở không những là món ăn dân tộc mà còn là văn hóa ẩm thực Việt trên trường quốc tế.

Không có tư liệu chính xác nào về nguồn gốc của phở. Nhiều người cho rằng phở định hình vào đầu thế kỉ 20. Có quan điểm cho rằng phở vốn bắt nguồn từ món xáo trâu (dạng sợi bún) Việt Nam. Có quan điểm khác lại cho biết phở bắt nguồn từ một món ăn Quảng Đông hoặc nguồn gốc của phở là phương pháp chế biến món thịt bò hầm của Pháp. Dù không rõ phở có nguồn gốc chính xác từ đâu nhưng vào những năm 40 của thế kỉ 20, phở đã rất nổi tiếng ở Nam Định, Hà Nội.

Phở mang nhiều hương vị khác nhau tùy tay người chế biến. Nhưng thành phần chính của phở gồm bánh phở và nước dùng. Bánh phở dạng sợi, thường chế biến từ gạo. Nước dùng có mùi thơm từ gừng, quế, hồi và thảo quả nướng kết hợp với vị ngọt từ xương lợn được ninh nhừ, thịt bò hoặc thịt gà được thái mỏng và trần vào bát phở cùng với các loại rau thơm.

Nước dùng là yếu tố quyết định độ ngon của một bát phở, nên khâu chuẩn bị chế biến nước dùng cần đảm bảo kỹ lưỡng. Từ việc chọn xương sao cho ngọt ngon nhất đến ninh xương, nêm nếm gia vị. Vị ngọt của nước dùng phải từ xương thì mới ngon. Nước dùng còn phải có mùi thơm và màu trong. Những yêu cầu này đòi hỏi người đầu bếp phải có kinh nghiệm. Ngoài ra khi ăn phở, người ta hay ăn kèm rau thơm, thêm vị chua thanh thanh từ chanh. Tất cả cùng hòa quyện khiến bát phở thơm ngon đúng điệu không sai lệch đi một chút nào.

Qua nhiều giai đoạn phát triển của phở và sự sáng tạo của người đầu bếp từ thế hệ đi trước đến thế hệ sau, phở có nhiều loại hơn tương ứng cách chế biến của nó. Tuy nhiên có ba món phở chính là: phở nước, phở xào và phở áp chảo. Phở nước là loại được ưa chuộng hơn cả. Phở nước gồm phở bò, phở gà, phở tim gan. Khác nhau như vậy sở dĩ là do nước dùng cùng thịt ăn kèm.

Trong số đó, nổi tiếng nhất là phở bò. Phở được trình bày trong bát sứ với độ lớn vừa phải. Khi ăn phở, phải kết hợp dùng cả đũa và thìa để thưởng thức được trọn vẹn hương vị của một bát phở. Ăn phở phải ăn nóng và không ăn kèm thêm bất cứ món ăn, đồ uống nào khác bởi hương vị của nó vốn đã rất đầy đủ, hoàn hảo rồi.

Phở đã trở thành nét tinh tế trong văn hóa ấm thực dân tộc. Bốn mùa xuân hạ thu đông, cả ngày sáng trưa chiều tối, bất cứ khi nào muốn chúng ta đều có thể thưởng thức phở. Trên khắp mọi miền của tổ quốc thân yêu, quán ăn nào cũng phục vụ phở. Có những quán phở đã thành danh từ năm này qua năm khác, có những nơi đã trở thành làng nghề. Phở là một phần không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người con Việt Nam, để rồi khi xa quê hương, ở nước ngoài người ta vẫn khao khát được ăn một bát phở Việt Nam đúng nghĩa.

Bạn bè trên thế giới đến với Việt Nam, ai cũng một lần thử qua món phở và thích thú mùi vị của nó. Thậm chí, có nhiều người lặn lội từ vì lẽ đó đã gắn liền với đất nước và con người Việt Nam. Nếu hỏi một người nước ngoài rằng họ biết gì về Việt Nam, chắc chắn sẽ không có câu trả lời nào khác ngoài phở. Phở còn trở thành đề tài cho bao tác phẩm đồ sộ của các tác giả như Thạch Lam, Vũ Bằng… Cùng với tình yêu quê hương, ngày qua ngày, người ta luôn cố gắng giữ gìn nét ẩm thực độc đáo của đất nước mình.

Bao thế hệ đã đi qua, nhưng phở vẫn còn mãi dưới đôi tay khéo léo của người đầu bếp. Bát phở nghi ngút khói trong cái se se lạnh của đất nước nhiệt đới ẩm đã lặng lẽ khắc ghi trong trái tim con người Việt Nam niềm tự hào dân tộc.

Dàn ý Thuyết minh về phở

I. Mở bài:

+Mỗi vùng quê trên đất nước ta đều có đặc sản của quê mình. Ví dụ: Huế có mè xửng, cơm hến. Quảng Nam có mì Quảng, Hà Nội có phở, có cốm gói lá sen,…

+Hiện nay, phở được bán ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

+Em sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, em xin được giới thiệu về món Phở ngon nổi tiếng trong và ngoài nước của đất Hà Thành.

II. Thân bài:

a) Nguồn gốc

+Không ai biết chính xác phở có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên làm ra phở?

+Có giả thiết cho rằng, phở có nguồn gốc từ một món ăn của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

+Có giả thiết cho rằng, phở có nguồn gốc từ Nam Định.

+Có một số ý kiến lại cho rằng, phở có nguồn gốc từ miền Bắc nước ta khoảng những năm 1950. Năm 1954, phở theo dòng người di cư từ Bắc vào Nam. Đây là ý kiến được nhiều người đồng ý.

b) Cách chế biến phở

-Cách chế biến nước dùng

+Đây là công đoạn quan trọng nhất.

+Nước dùng của món phở truyền thông được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị.

+Lúc đầu cho lửa thật to. Khi nước sôi bùng lên thì giảm nhỏ lửa, vớt hết bọt ra. Cứ làm như vậy cho đến khi nước trong. Cho vào nồi nước dùng một ít gừng và hành tím nướng để vừa khử hết mùi của xương bò vừa làm nước có mùi thơm dễ chịu.

+Bánh phở: Được làm từ bột gạo tẻ, cán mỏng và cắt thành sợi. ơ miền Bắc sợi bánh phở to hơn hơn ở miền Nam.

-Thịt để làm phở

+Chủ yếu là thịt bò và thịt gà.

+Nếu là phở bò thì thịt bò xắt lát thật mỏng. Khi ăn, người ta nhúng nước sôi cho chín hoặc cho tái (tùy theo ý thích của người ăn), xếp thịt vào tô phở xong, rắc một số rau thơm đã cắt nhỏ sẵn và rắc các gia vị cần thiết. Xong múc nước dùng đổ vào tô, ta được tô phở thơm ngon,…

+Nêu làm phở gà, người ta luộc sẵn gà, treo trong tủ kính dùng để bán phở. Khi ăn, người ta xé thịt gà ra xếp lên bánh phở đã bỏ sẵn trong tô, bỏ các loại rau thơm và gia vị cần thiết, múc nước dùng đồ vào tô là xong.

-Các loại rau thơm và gia vị

+Chủ yếu là rau mùi (ngò gai), rau mùi tàu, hành.

+Tiêu bắc, bột ngọt.

III. Kết bài

+Phở là món ăn ngon, dễ làm, giá thành rẻ, có thể ăn vào các thời điểm sáng, trưa, chiều, tối trong ngày.

+Ngày nay, theo bước chân của người Việt Nam, phở có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

+Phở Việt Nam càng được bạn bè trên thế giới công nhận là món ăn ngon.

Thuyết minh về phở - mẫu 2

Nam Định từ lâu đã nổi tiếng với “ngón” phở bò gia truyền và trở nên quen thuộc với mọi người không chỉ trên quê hương Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Phở Nam Định có nguồn gốc, xuất xứ và đặc trưng riêng không thể lẫn với phở của vùng khác.

Vào những năm 1955-1956, người dân ở làng Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực (cách TP Nam Định 14km) đã có phở gánh hay phở xe tới những phố phường của Hà Nội và chiếm được lòng tin của khách hàng. Phở bò Nam Định có nguồn gốc từ mảnh đất họ Cồ, làng Giao Cù với kinh nghiệm làm bánh phở lâu năm.

Phở bò Nam Định cũng giống vùng khác gồm bánh phở, thịt bò, nước phở và một số gia vị nhưng đặc biệt ở chỗ bánh phở Cồ sợi nhỏ ngon, mềm không khô cứng và nồng như ở nơi khác. Bánh phở Giao Cù được làm từ gạo chiêm của vụ trước để hết nhựa mới đem nghiền bằng cối xay đá rồi tráng mỏng trên nồi nước quạt than củi nên trắng, dai và thơm nục. Thịt bò được thái mỏng đập dập, nhúng và vớt ra ngay ăn mềm vẫn giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng của thịt. Có người nói “nước trong, bánh dẻo, thịt mềm… ắt là phở ngon”.

Công đoạn pha chế nước dùng của phở Nam Định là quan trọng nhất, đó là bí quyết gia truyền của những người thợ làm phở. Nước phở được ninh từ xương ống của bò cùng một số gia vị như thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế, hành khô, tôm nõn, sá sùng…Xương rửa sạch, cạo hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh.

Nước đầu tiên đổ đi để khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò vào nước dùng, nước lần sau mới làm nước dùng cho thêm gừng và hành củ nướng vào. Để lửa lớn cho nước sôi sau đó giảm bớt lửa vớt bọt cho thêm ít nước lạnh đun sôi rồi vớt bọt cho đến khi nào nước trong và không còn bọt nữa, cho ít gia vị và điều chỉnh lửa để nước sôi lăn tăn không bị đục và có vị ngọt của xương. Nước dùng ngon là do các loại gia vị theo bí quyết “gia truyền” của dòng họ Cồ.

Trong lòng bát men sứ trắng tinh những sợi phở trắng mềm như lụa cùng vài miếng thịt bò thái mỏng, nhúng thêm cọng hành lá và ít rau thơm thái nhỏ, vài cánh mùi xanh mướt mỏng manh chan chút nước dùng trong vắt là du khách có thể thưởng thức ngay món phở “gia truyền” mà chỉ ở Thành Nam mới có hương vị ngon ngọt của xương ấy.

Thuyết minh về phở - mẫu 3

Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư ở nhiều vùng miền khác nhau vì vậy nên nơi đây là hội tụ của rất nhiều những nét đẹp văn hóa. Nhắc đến Hà Nội, người ta không thể không nhắc đến món Phở – mang hương vị đặc trưng của đất Hà Thành.

Phở là một món ăn rất tinh tế đã có từ rất lâu đời và mang rất nhiều những hương vị khác nhau tùy tay người nấu. Tuy nhiên, thành phần chính của phở bao gồm bánh phở, nước dùng có mùi thơm từ gừng, quế, hồi và thảo quả nướng kết hợp với vị ngọt từ xương lợn được ninh nhừ, thịt bò được thái mỏng và trần vào bát phở cùng với các loại rau thơm. Khi ăn phở, ta thường ăn kèm với quẩy nóng và các loại gia vị như dấm ớt, chanh tươi vắt vào nước dùng để có vị chua thanh thanh.

Phở có mùi thơm kỳ lạ rất cuốn hút người ăn. Không có gì tuyệt vời hơn, một buổi sáng mùa đông lạnh, được thưởng thức một bát phở nóng rồi tiếp tục đi làm. Phở là món ăn rất dễ ăn, mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể ăn được mà không sợ béo hoặc bị ngấy. Chúng ta có thể thưởng thức phở Hà Nội ở các nhà hàng sang trọng, các quán ven đường,.. Ngoài phở bò, ta có thể thưởng thức các món phở khác như phở gà cũng rất ngon và hấp dẫn.

Điều quan trọng nhất làm nên vị ngon của món phở đó là nước dùng. Nước dùng phải có ngọt từ xương chứ không phải vị ngọt từ đường hoặc mì chính. Nước dùng phải có màu trong và có mùi thơm nhẹ. Để có được phần nước dùng ngon người nấu cũng cần rất cẩn thận và tỉ mỉ. Bí quyết nấu nước dùng phụ thuộc vào kinh nghiệm ẩm thực của từng người.

Ta có thể thưởng thức rất nhiều các món được làm từ phở: phở nước, phở xào, phở chiên phồng,..tuy nhiên món phở nước luôn là món ăn hấp dẫn nhất. Đối với người Việt Nam và cả khách du lịch nước ngoài thì phở nước được coi là một món ăn tinh tế. Phở phải được đựng trong chiếc bát sứ thì mới thấy hết được tính ẩm thực và tính thẩm mỹ của nó.

Bát phở thật hấp dẫn với rất nhiều gia vị đi kèm và các màu sắc đẹp mắt. Chỉ cần ngửi mùi thơm của nước dùng cũng đủ để ta cảm thấy ngất ngây. Các hương vị của thịt, xương, rau thơm quyện vào nhau tạo nên mùi thơm đặc biệt đi vào lòng người. Khi ăn phở, ta nên ăn chậm để cảm nhận được vị ngon của nó. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm, và mùi thơm nồng của hành lá. Tất cả hòa quyện một cảnh ngọt ngào, tạo nên vị thơm ngon đặc trưng của món phở.

Phở là món ăn tinh tế và trở thành đặc trưng mang hương vị Hà Thành. Dù đi đâu hay làm gì, thì người dân Hà Nội cũng luôn mong trở về Hà Nội để được thưởng thức món ăn quen thuộc. Món phở Hà Nội đã làm xao xuyến bao tâm hồn nhà văn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân,..và đã dần đi vào lịch sử như một nét đẹp văn hóa.

Không có từ ngữ nào có thể diễn tả một cách đầy đủ sự tinh tế và cảm giác tuyệt vời khi thưởng thức món phở Hà Nội. Chỉ biết rằng, đó là một món quà đặc biệt không lẫn với bất cứ món nào khác. Cuộc sống càng hiện đại, con người luôn sáng tạo để chế biến những món ăn ngon, hợp với văn hóa ẩm thực trong nước và thế giới, nhưng món phở Hà Nội chắc chắn sẽ luôn là sự lựa chọn tin cậy đối với những người dân Hà thành và các du khách khi đặt chân đến Hà Nội

Thuyết minh về phở - mẫu 4

Dừng chân tại Gia Lai, hỏi bất kỳ người người dân phố núi về đặc sản nổi tiếng ở đây, không ai là không biết món phở ‘hai tô’.

Dừng chân tại phố núi Gia Lai, hỏi bất kỳ người bán hàng ven đường hay người dân địa phương về đặc sản nổi tiếng ở đây, không ai là không biết món phở “hai tô” (hay còn gọi là món phở khô) – món điểm tâm buổi sáng nổi tiếng của Gia Lai đã được Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận và xác lập kỷ lục theo bộ tiêu chí “giá trị ẩm thực Châu Á” cùng với 9 món ăn khác của Việt Nam vào năm 2012.

Phở khô Gia Lai độc đáo từ chính cách ăn “hai tô”. Không như các loại phở thông thường có phở và nước dùng cùng chung một tô, phở khô Gia Lai luôn được phục vụ với hai tô, một đựng phở, một là nước dùng. Người ăn sẽ thưởng thức phở riêng, rồi húp một ngụm nhỏ nước lèo, ăn kèm rau sống và một chút tương đen đặc biệt, đặc chế biến theo phương thức gia truyền của mỗi quán. Bởi vậy nên người dân ở đây đặt cho nó một cái tên dân dã khác là phở hai tô, phở “ăn hai tô mới đủ đô”.

Để có tô phở khô hấp dẫn, ngoài bánh phở nhuốm màu nắng của núi rừng Tây Nguyên đã được trụng kỹ thì phía trên được bày với một lớp thịt heo băm nhỏ kèm ít hành phi thơm cùng với ít rau xà lách, húng quế. Có thể thêm ít sa tế hoặc ớt tươi, chanh hay giá đỗ là tuỳ khẩu vị của mỗi người, nhưng nhất thiết không được thiếu tương bởi vị mằn mặn lẫn chút ngòn ngọt của đậu được lên men trong tương sẽ làm món ăn thêm đậm đà và tròn vị.

Yếu tố “ngon” của phở hai tô còn đặt rất nhiều vào tô thứ hai, nghĩa là tô nước dùng. Nước dùng phở khô Gia Lai được ninh nấu khá cầu kì, cho thứ nước thanh trong, ngọt ngào mà không kém phần đậm đà. Trong tô nước lèo là các nguyên liệu còn lại để hoàn thiện món phở khô Gia Lai, đó có thể là một vài viên bò, đôi ba miếng bò tái thái lát mỏng hay thịt gà, điểm xuyết màu xanh của hành lá rau thơm hấp dẫn vô cùng.

Ăn phở khô không sốt ruột được, cũng không vì nhanh mà trộn chung cả hai tô với nhau sẽ làm mất đi vị ngon đặc trưng của phở khô. Khi ăn, bạn từ từ gắp một đũa bánh phở đã trộn đều với tương đậu cho vào miệng, cảm nhận vị béo của bánh, vị bùi bùi, mằn mặn của tương đậu, thêm một ít xà lách, húng quế để thấy cái vị the the tan nơi đầu lưỡi. Sì sụp húp một muỗng nước dùng nóng hổi, thơm phức và tận hưởng vị ngọt của miếng thịt bò non vừa chín tới thì quả không còn gì bằng.

Hàng chục năm nay, phở khô vẫn có sức sống lâu bền trong lòng người Gia Lai và khách du lịch, bởi sự độc đáo từ cách chế biến đến cách trình bày khi ăn. Ngày nay, dù món ăn đã được phổ biến rộng rãi và có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh thành nhưng chỉ có ở Gia Lai thì bạn mới được ăn tô phở khô vừa đúng hương vị, vừa hợp không gian nhất.

Thuyết minh về phở - mẫu 5

Đặc sản Hà Nội có nhiều, Hà Nội là địa điểm nổi tiếng với ẩm thực hấp dẫn, không chỉ đối với du khách nước ngoài mà còn lôi cuốn người Việt Nam. Nhưng nhắc đến món ăn Hà Nội là người ta nhắc đầu tiên đến phở. Phở như một thứ đại diện mang tính bản sắc, đặc thù của món ăn Hà Nội. Lý do thật đơn giản phở Hà Nội khác hẳn các nơi khác, nó không thể trộn lẫn với bất cứ một thứ phở nơi nào, cho dù ở đó người ta đã cố tình trương lên cái biển Phở Hà Nội.

Không biết, phở Hà Nội có tự bao giờ, chỉ biết rằng, phở đã đi vào trang viết của rất nhiều nhà văn như: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn hay Vũ Bằng,… Phở, dưới những ngòi bút ấy, gần như chẳng còn ai có thể tả hay hơn nữa, và cũng chẳng cần ai phải tốn công mà viết thêm về Phở nữa vì nó đã quá đủ đầy, đã quá nổi tiếng rồi. Và cũng không biết từ bao giờ phở đã trở thành món ngon nổi tiếng và khi thưởng thức phở ở Hà Nội người ta mới thấy được hương vị truyền thống. Phở Hà Nội là một món ăn đặc biệt của người Hà Nội đã có từ rất lâu.

Thạch Lam trong “Hà Nội ba 36 phố phường” viết: Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Phở ngon phải là phở “cổ điển”, nấu bằng thịt bò, “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”, “rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: “Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối….”

Nguyễn Tuân, nhà văn của “Vang bóng một thời” đã có một tùy bút xuất sắc về phở. Ông cho phở có một “tâm hồn”, phở là “một miếng ăn kỳ diệu của tất cả người Việt Nam chân chính”. Cố đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa lúc sinh thời kể rằng, có lần ông cùng Nguyễn Tuân đang ăn phở, một người yêu thích nhận ra nhà văn bước lại chào nhưng Nguyễn Tuân vẫn vục đầu vào ăn. Người kia chắc chắn mình không nhầm đã kiên trì chờ đợi. Hết tô phở Nguyễn Tuân mới ngẩng mặt lên bảo “Tôi đang thưởng thức nên không trả lời, anh thứ lỗi”. Nhà văn không dùng chữ ăn mà dùng chữ thưởng thức.

Phở luôn phải ăn nóng mới ngon, người Hà Nội còn ăn kèm với những miếng quẩy nhỏ. Tuy nhiên, để có được những bát phở ngon còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của nghề nấu phở. Trong món phở Hà Nội công đoạn chế biến nước dùng, còn gọi nước lèo, là công đoạn quan trọng nhất.

Nước dùng của phở truyền thống là phải được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị. Xương phải được rửa sạch, cạo sạch hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước luộc xương lần đầu phải đổ đi để nước dùng khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò, nước luộc lần sau mới dùng làm nước lèo. Gừng và củ hành đã nướng đồng thời cũng được cho vào.

Lửa đun được bật lớn để nước sôi lên, khi nước đã sôi thì phải giảm bớt lửa và bắt đầu vớt bọt. Khi đã vớt hết bọt, cho thêm một ít nước lạnh và lại đợi nước tiếp tục sôi tiếp để vớt bọt…Cứ làm như vậy liên tục cho đến khi nước trong và không còn cặn trong bọt nữa. Sau đó, cho một ít gia vị vào và điều chỉnh độ lửa sao cho nồi nước chỉ sôi lăn tăn để giữ cho nước khỏi bị đục và chất ngọt từ xương có đủ thời gian để tan vào nước lèo.

Có thể nói, phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ nhìn bát phở thôi cũng đủ thấy cái chất sành điệu, kỹ càng trong ăn uống của người Hà Nội. Một nhúm bánh phở đã trần qua nước nóng mềm mại dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt thái mỏng như lụa điểm mấy ngọn hành hoa xanh nõn, mấy cọng rau thơm xinh xắn, mấy nhát gừng màu vàng chanh thái mướt như tơ, lại thêm mấy lát ớt thái mỏng vừa đỏ sậm vừa màu hoa hiên.

Tất cả màu sắc đó như một bức họa lập thể hơi bạo màu nhưng đẹp mắt cứ dậy lên hương vị, quyện với hơi nước phở bỏng rẫy, bốc lên nghi ngút, đánh thức tất thảy khả năng vị giác, khứu giác của người ăn, khiến ta có cảm giác đang được hưởng cái tinh tế của đất trời và con người hợp lại. Chỉ húp một tý nước thôi đã thấy tỉnh người. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm, cái thơm của thịt bò tươi mềm. Tất cả cứ ngọt lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm nhẹ mà chân thật, tuyệt kỹ hài hòa.

Ta có thể thưởng thức nhiều hương vị phở tại Hà Nội. Có ba món phở chính: Phở nước, Phở xào, Phở áp chảo. Trong ba loại phở trên thì phở nước là phổ biến hơn cả. Phở nước gồm có: Phở Bò, phở Gà, phở Tim gan. Tuy nhiên, người sành điệu chỉ ăn phở chuộng nhất phở Bò, thứ đến là phở gà và không chấp nhận những loại phở khác.

Đối với du khách nước ngoài thì phở được coi là món ngon hấp dẫn và lạ miệng bởi sự tinh túy. Để thưởng thức phở ngon thì cần phải để phở trong bát sứ chứ không phải là bát thủy tinh hay bát nhựa. Bát đựng phở không được quá to hay quá nhỏ. Nếu bát quá nhỏ, nước dùng sẽ chóng nguội và không có đủ chỗ để thịt, rau thơm và gia vị. Nếu bát to quá thì chưa ăn hết một bát bạn đã thấy chán vì phở chỉ là một món ăn nhẹ hoặc món ăn thêm.

Khi ăn phở, một tay cầm đũa còn tay kia cầm thìa. Dùng đũa tre là thích hợp nhất vì nó giản dị và không bị trơn khi gắp bánh phở. Bàn ăn phở cần hơi thấp so với bình thường để nước dùng không vương vào quần áo bạn khi cúi xuống gắp sợi bánh phở lên ăn. Trông bạn sẽ rất kỳ cục nếu bạn uống bia hoặc trà đá khi ăn phở. Tuy nhiên, bạn nhấm nháp một chén cuốc lủi để bát phở thêm ngon thì có thể chấp nhận được. Nhưng thường thì không dùng đồ uống hoặc các đồ ăn khác khi ăn phở, ăn như vậy mới càng thấy phở ngon.

Nếu có cơ hội đến với Hà Nội thì bạn nên thưởng thức hương vị phở đặc trưng này nhé! Phở Hà Nội là như thế, đó là cái ngon của tất thảy những chất liệu đời thường Việt Nam nhưng đã được bàn tay tài hoa của người Hà Nội làm thành tác phẩm!

Thuyết minh về phở - mẫu 6

Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, cũng có thể xem là một trong những món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam.

Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng cùng với thịt bò hoặc gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt,… Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng. Phở thông thường dùng làm món ăn điểm tâm, hoặc ăn tối. Phở thường là phở bò, nhưng cũng có phở gà.

Nước dùng nói chung được làm bằng việc hầm xương bò, thịt dùng cho món phở là thịt bò hoặc gà và gia vị bao gồm quế, hồi, gừng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi,… “Bánh phở”, theo truyền thống, được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Có lẽ không ngoa khi ví Hà Nội chính là không gian văn hóa của món ăn Việt hiện đã được biết đến trên toàn cầu: Phở! phở có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng, nơi mà thực khách có thể thưởng thức hương vị phở một cách tinh tế nhất, chỉ có thể là Hà Nội…

Không ai biết chắc chắn phở Hà Nội xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng, những bậc cao niên nhất của Hà Nội, từ khi lớn lên đều đã biết đến món ẩm thực này trong đời sống và cả trong văn thơ. Và, cũng có lẽ, chưa từng có thứ đồ ăn nào được các văn nhân dành nhiều sự ưu ái đến thế trong các tác phẩm của mình.

Phở không chỉ là món ăn tuyệt ngon với đầy đủ dinh dưỡng mà còn chứa đựng trong đó cả sự tinh tế trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.

Thuyết minh về phở - mẫu 7

Ẩm thực Việt luôn là đề tài không bao giờ có điểm dừng. Chúng ta tự hào là người con của một quốc gia có nền ẩm thực độc đáo, không chỉ thu hút người dân trong nước mà cả du khách nước ngoài. Với nền văn hóa ẩm thực đa dạng từng vùng miền khác nhau, ẩm thực luôn là thứ thu hút khách du lịch nhất. Trong nhiều cuộc bình chọn của tờ báo trong nước và quốc tế, thì “phở” là món ăn được nhiều người ưa thích nhất, cả người Việt và bạn bè quốc tế.

Phở nổi tiếng nhất vẫn là phở Hà Nội. Không biết tự bao giờ, phở đã trở thành món ăn vô cùng hấp dẫn mỗi khi đến Hà Nội. Với hương vị độc đáo không có một nơi nào có được, phở Hà Nội đã in sâu vào tiềm thức con người, mặc định nó là món ăn ngon nhất. Muốn ăn phở phải đến Hà Nội. Vào những năm 1940. phở đã rất nổi tiếng ở Hà Nội.

Phở là một món ăn có thể ăn vào bất cứ khoảng thời gian nào mà bạn muốn: sáng, trưa, chiều, tối đều được cả. Điểm đặc biệt, món phở không ăn kèm, uống kèm bất cứ thứ gì khác. Một bát phở bao gồm: nước dùng, bánh phở, gia vị ăn kèm như tiêu, hành lá, lát chanh, ớt… Nước dùng của phở có thể được chế biến từ xương bò: xương cục, xương ống và xương vè. Bánh phở phải dai, mềm. Hành lá, ớt, tiêu tăng thêm mùi vị của bát phở. Tùy thuộc vào bí quyết nấu mà mỗi nơi lại có mùi vị của phở khác nhau.

Chế biến món phở, khâu quan trọng nhất là khâu nấu nước dùng. Nước dùng là linh hồn của bát phở nên nước dùng không ngon bát phở cũng không giữ được hương vị của nó. Nước dùng truyền thống được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị trong nhiều giờ. Khâu chọn xương cũng rất kỹ lưỡng. Đầu bếp chọn xương phải không còn thịt bám vào, xương phải được rửa sạch, sau đó được cho vào nồi đun với nước. Sôi lầm đầu, người nấu sẽ đổ hết phần nước đi. Làm như vậy là để nước dùng không bị nhiễm mùi hôi của xương bò.

Sau đó, họ lại cho nước vào nồi ninh tiếp. Đến lúc này, nước ninh mới được dùng làm nước dùng cho bát phở. Lúc này, để làm nước dùng có hương vị ngon, đầu bếp sẽ cho gừng và củ hành đã được nướng chín vào nồi. Nồi nước dùng được đun trên lửa lớn đến khi sôi. Khi nước bắt đầu sôi, người nấu vặn nhỏ lửa hơn, bắt đầu vớt bọt trong nồi. Người nấu vớt bọt để nước dùng trong, không bị đục. Sau đó họ lại cho thêm nước, để lửa lớn đến khi sôi, giảm lửa và tiếp tục vớt bọt. Họ cứ làm liên tục như vậy đến khi nước dùng trong, không xuất hiện bọt nữa.

Lúc này, người nấu cho một số gia vị và đun ở lửa nhỏ sao cho nồi nước sôi lăn tăn. Làm như vậy để nồi nước trong, vị ngọt từ xương có thời gian tan ra hòa vào nước dùng và giữ được nhiệt độ nóng. Thường ở các quán phở, họ thường để nồi nước trên lửa nhỏ cả ngày, đến khi không còn khách cũng như không bán nữa thì thôi.

Món phở Hà Nội hấp dẫn là bởi nước dùng của nó có hương vị ngọt chân chất của xương ống, cùng với đó là những bánh phở dai mềm, thịt bò vừa chín tới được nêm nếm vừa miệng. Màu nước dùng trong, bánh phở mỏng trắng hòa quyện cùng hương vị của hành lá, ớt, ngò, chanh. Tất cả hòa vào nhau thành một thể thống nhất, không thể tách rời, thiếu đi một thứ, bát phở không thể hoàn hảo.

Có ba món phở chính là: phở nước, phở xào và phở áp chảo. Trong ba loại trên, phở nước là phổ biến nhất. Phở nước được ăn nóng. Bát phở nóng hổi nghi ngút rất thích hợp cho những ngày đông lạnh ở Hà Nội. Phở nước gồm phở bò, phở gà, phở tim gan. Có các loại phở khác nhau là do nước dùng cùng thịt ăn kèm khác nhau. Nhưng những người sành ăn vẫn lựa chọn phở bò cho thực đơn của mình. Món phở hấp dẫn bởi hương vị tinh túy cũng như ngọt ngào mà nước dùng đem lại.

Du khách bị hấp dẫn bởi món phở vì sự lạ lẫm cũng như hương vị độc đáo của nó. Một bát phở ngon luôn được trình bày trong bát sứ với độ lớn vừa phải. Khi ăn phở, một tay sẽ cầm đũa, tay còn lại sẽ cầm thìa. Đũa được sử dụng phổ biến nhất để ăn phở là đũa tre vì sự tiện lợi cũng như không trơn làm rơi miếng bánh phở xuống. Phở ăn nóng và không ăn kèm thêm bất cứ món ăn, đồ uống nào khác.

Phở là món ăn tinh tế, đặc trưng của đất Hà Thành. Món phở đã làm xao xuyến biết bao thế hệ nhà văn để rồi có được những tác phẩm văn học tuyệt vời. Như Thạch Lam trong “Hà Nội băm sáu phố phường” đã có viết: “phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ Hà Nội mới ngon”. Còn rất nhiều nhà văn nhà thơ khác viết về phở Hà Nội như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng…

Thuyết minh về phở - mẫu 8

Món phở nước thông thường của Hà Nội không chỉ khiến du khách trong và ngoài nước “trăm nhớ ngàn thương” mà nơi đây còn nổi tiếng với món phở khô, gọi là phở cuốn, ăn tới đâu “đã đời” đến đó, nhất là giảm ngán dịp Tết.

Khi xuân về, nhìn mâm cỗ luôn bội thực món ăn, những bát phở hay bún nóng hổi quen quen không còn hấp dẫn nữa, thay vào đó là các món cuốn nhẹ nhàng, thanh mát với đủ thứ rau xanh tươi ngon như phở cuốn. Giống như một nét chấm phá cho ẩm thực Hà Nội, phở cuốn đã tô điểm cho bức tranh ẩm thực của mảnh đất nghìn năm văn hiến ngày càng hấp dẫn bao thực khách mỗi lần đặt chân đến.

Phở cuốn xuất hiện ở Hà Nội chỉ khoảng 20 năm. Sự ra đời của món ăn này cũng hết sức bất ngờ, thú vị và gây tranh cãi. Làm phở cuốn rất đơn giản. Miếng bánh phở thay vì cắt sợi như thông thường thì được để khô một chút rồi cắt thành những hình vuông ngay ngắn, đôi khi là hình chữ nhật. Rau sống rửa sạch, vẩy thật ráo, cẩn thận xếp từ lá xà lách tới chút rau thơm, rau mùi, thậm chí là kinh giới và tía tô, để tạo độ giòn mát từ cây cỏ.

Thịt bò thăn thái mỏng, xào với tỏi phi thơm, được để nguội rồi mới đặt lên rau để tránh sức nóng có thể làm nát lá. Ở nhiều hàng, chủ quán còn giã ít lạc rang bỏ vỏ và rắc vào phở cuốn, giúp món ăn có thêm chút bùi bùi, rồi nhẹ nhàng cuốn miếng bánh phở sao cho gọn ghẽ và chặt tay.

Đặc biệt món phở cuốn ngũ sắc có nhiều màu, mỗi màu là một vị, mỗi vị lại có một điểm đặc biệt riêng. Bánh phở màu sắc được làm đảm bảo, trông rất long lanh đẹp mắt. Màu vàng – bí ngô, màu đỏ – gấc, màu tím – củ dền, xanh – rau cải. Nhân bên trong được sáng tạo thêm bằng nhiều vị như: gà nấm, bắp bò chua ngọt, tai heo chua ngọt, gà xông khói và cá chiên xù.

Nếu phở quan trọng ở nước dùng thì nước chấm là “linh hồn” của món phở cuốn. Bát nước chấm phải là sự hòa quyện một cách trọn vẹn của vị mặn từ nước mắm, độ ngọt từ đường cùng chút chua của giấm, thêm ít tỏi băm nhỏ cho thơm. Ăn phở cuốn cũng đơn giản, chẳng cầu kỳ đũa thìa gì. Cứ cầm tay, chấm thẳng vào nước chấm rồi nhanh chóng đưa vào miệng. Thứ nước chua ngọt đi tới đâu là thấm vào đó, khiến thực khách trở nên “nghiện” với cái hương vị đậm đà và hài hòa ấy.

Cũng với những nguyên liệu như thịt bò, bánh phở, rau thơm… nhưng bánh phở không phải chan với nước dùng mà được cắt thành từng miếng vuông và cuốn lại như nem. Đây là một trong những biến tấu của món phở truyền thống một cách độc đáo và thú vị.

Thuyết minh về phở - mẫu 9

Người Việt Nam, có lẽ, nhắc đến món phở thì ai ai cũng biết. Khó có thể thống kê được có bao nhiêu “biến tấu” từ phở, nhưng riêng với phở khô Gia Lai thì có lẽ, sẽ không lẫn vào đâu được, vì rất nhiều lý do.

Có nhiều quan điểm khác nhau nói về sự ra đời của phở, nhưng nổi bật và được chấp nhận nhất cho đến nay vẫn là quan điểm, phở là món ăn được biến tấu từ một món tương tự của người Pháp, xuất hiện vào khoảng những năm thập kỷ 20 của thế kỷ trước, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam. Nơi xuất hiện phở đầu tiên là ở Nam Định, sau đó, người Hà Nội đã làm cho món ăn này trở nên nổi tiếng và phổ biến.

Riêng với phở khô Gia Lai, tuy chưa có một điều tra chính thức, song đa số người dân cho rằng, món phở khô ấy là “đứa con tinh thần” của ông Nguyễn Thành Mỹ- chủ tiệm quán ăn Đại Hưng tại số 41 Hoàng Diệu, nay là đường Hùng Vương- TP Pleiku. Hiện nay, ông Mỹ đã 93 tuổi và có cô con gái Nguyễn Thị Bích Hồng- là chủ của cửa hàng phở Hồng nổi tiếng lâu nay.

Nhắc đến phở, người ta có thể điểm qua những cái tên quen thuộc như: phở Hà Nội, Nam Định, Sài Gòn, phở Huế… thế nhưng, chỉ duy nhất ở một tỉnh lẻ như Gia Lai lại sở hữu riêng cho mình một món phở được nhiều nơi biết đến. Không giống tất cả các loại phở thường thấy khác, phở khô Gia Lai… “không giống ai” khi được để trong 2 chiếc tô, một đựng phở, một chứa nước súp. Thế nhưng, đó không thể là điều khiến người ta ăn rồi có thể nhớ mãi. Chính hương vị đặc trưng của phở khô mới là chất níu giữ hồn người, mới là cái làm nên một dấu ấn khác biệt và ấn tượng giữa hàng ngàn, hàng vạn các món ăn khác.

Lý giải về lý do ra đời của món phở lạ lùng này, chị Hồng cho rằng, đơn giản đó là một cái duyên trong nghiệp mưu sinh mà cha cô đã may mắn có được. Điểm yếu của phở nước thông thường là nếu ăn không nhanh, sợi phở thấm nước, nở ra sẽ mất ngon. Phở khô đơn giản là sự biến tấu để khắc phục yếu điểm đó.

Phở khô Gia Lai chinh phục lòng thực khách bởi chính chất riêng, không lẫn vào đâu được. Thứ món ăn ấy dân dã và phổ biến, không phải hàng cao lương mỹ vị, xa vời mà bất cứ ai, dù cho kẻ giàu, người nghèo cũng đều có thể được thưởng thức. Cũng vì thế, mà phở khô được người ta biết đến nhiều hơn, gắn quyện nhiều hơn với cuộc sống người dân phố núi.

Cùng một món phở nhưng mỗi cửa hàng lại có những bí quyết chế biến riêng để món phở ấy mang những hương vị thơm ngon, đặc biệt nhất. Tuy nhiên, yếu tố quyết định chất lượng của món phở khô chính là việc lựa chọn nguyên liệu để chế biến. Từ xương hầm, gạo làm bánh phở cho đến gia vị, tất cả đều phải tươi, ngon thì món phở mới ngọt, đậm đà. Muốn có được bánh phở ngon, dai và dẻo nhất thiết phải chọn được loại gạo thích hợp. Nước súp phải được hầm kỹ, vớt bọt thường xuyên để giữ độ trong, việc căn chỉnh lửa sao cho phù hợp cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng làm nên hương vị đậm đà cho món nước dùng.

Phở khô nhất thiết phải được ăn kèm với tương nâu – một trong những món tương cũng không kém phần độc đáo. Đây là loại tương được ủ từ đậu nành và đường vàng. Ngoài ra, nhất thiết phải có tóp mỡ, hành khô thái lát mỏng, phi với dầu cho ruộm vàng. Rau ăn kèm thường là giá trụng, rau húng quế, ngò gai, ớt… Thưởng thức món phở khô, người ăn có thể cảm nhận thấy cái ngọt đậm đà của nước dùng nóng hôi hổi, từng sợi phở vừa dẻo, dai lại béo ngậy của mỡ quyện với tương nâu thoang thoảng trong hương thơm của ngò gai, húng quế và chút cay nồng của ớt.

Sẽ là thiếu sót, là lãng phí nếu ai đó đã đến Gia Lai lại chưa thưởng thức món ẩm thực độc đáo này. Pleiku chưa xa đã nhớ là thế đấy! Tạo hóa đã ưu ái ban cho phố núi Pleiku những cái “vốn” nho nhỏ làm nên duyên níu giữ hồn người- mà trong những cái duyên ấy, phở khô xứng đáng được ví như nụ cười tươi trên gương mặt thiếu nữ “má đỏ, môi hồng” làm đắm lòng thực khách muôn phương.

Thuyết minh về phở - mẫu 10

    Việt Nam là một quốc gia có nền ẩm thực độc đáo đa dạng. Mỗi vùng quê trên đất nước đều có đặc sản của quê mình. Nếu như Huế nổi tiếng với mè xửng, cơm hến, Quảng Nam nổi tiếng với mì Quảng, Nghệ An có cháo Lươn thì Hà Nội có phở,…Phở từ lâu đã được biết đến như một món ăn thân thuộc, gần gũi và phổ biến nhất của người dân đất Bắc.

    Phở có từ bao giờ và ai là người đầu tiên làm ra phở, cho đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp. Có giả thiết cho rằng, phở có nguồn gốc từ một món ăn của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Có giả thiết lại cho rằng, phở có nguồn gốc từ Nam Định. Một số ý kiến khác thì khẳng định phở có nguồn gốc từ miền Bắc nước ta, vào khoảng những năm 1950. Cho đến nay, phở đã trở thành một món ăn ngon đặc trưng ở Hà Nội nói riêng và của đất nước ta nói chung.

    Phở thường được đựng trong tô hoặc bát lớn, gồm bánh phở đã trần và thịt bên trên. Khi ăn thì trút nước dùng nóng và rắc ít hành ngò khiến bát phở thơm một mùi thơm đặc trưng, hấp dẫn khứu giác của con người. Bát phở cho thực khách bao giờ cũng có một số gia vị đi kèm như vài miếng chanh tươi, dăm cọng rau thơm, chút tương ớt, bột tiêu, dấm chua… Khách nêm ớt, chanh, hạt tiêu và những gia vị đó rồi dùng đũa trộn đều rồi thưởng thức. Bát phở hấp dẫn là bởi nước dùng của nó có vị từ xương ống cùng với đó là bánh phở dai, mềm, thịt vừa chín tới.

    Để chế biến được một món phở ngon, giai đoạn quan trọng nhất chính là chế biến nước dùng. Nước dùng của món phở truyền thống được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị. Lúc đầu cho lửa thật to, khi nước sôi bùng lên thì giảm nhỏ lửa, vớt hết bọt ra. Cứ làm như vậy cho đến khi nước trong. Để khử hết mùi của xương bò, vừa làm nước có mùi thơm dễ chịu, người ta vào nồi nước dùng một ít gừng và hành tím nướng. Bánh phở được làm từ bột gạo tẻ, cán mỏng và cắt thành sợi. Thịt để làm phở chủ yếu là thịt bò và thịt gà. Nếu là phở bò thì thịt bò cắt lát thật mỏng. Khi ăn, người ta nhúng nước sôi cho chín hoặc cho tái tùy theo ý thích. Nếu làm phở gà, người ta luộc sẵn gà, treo trong tủ kính dùng để bán phở. Khi ăn, người ta xé thịt gà ra xếp lên bánh phở đã bỏ sẵn trong tô, bỏ các loại rau thơm và gia vị cần thiết, múc nước dùng đồ vào tô là xong. Có ba món phở chính là phở nước, phở xào và phở áp chảo. Trong đó phở nước vẫn là món phổ biến nhất và thích hợp ăn vào buổi sáng hay những ngày đông lạnh.

    Phở không chỉ đơn giản là một món ăn ngon hấp dẫn mà nó còn là một món ăn truyền thống đặc trưng của Việt nam. Phở còn trở thành nguồn cảm hứng của biết bao nhà văn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Duy…Thế mới biết, phở không chỉ có giá trị trong ẩm thực và còn cả trong nghệ thuật văn chương nữa.

    Như vậy, phở có thể xem là một trong những món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt. Ngày nay, theo bước chân của người Việt đi muôn nơi, phở có mặt ở nhiều nước trên thế giới, được nhiều bạn bè quốc tế tiếp nhận là món ăn ngon, hấp dẫn.

Thuyết minh về phở - mẫu 11

Trong danh mục các món ăn nổi tiếng của Việt Nam, món Phở luôn là món ăn được nhiều du khách nước ngoài biết đến nhiều nhất, bởi nó có mùi vị vô cùng hấp dẫn, thu khẩu vị ngon lạ thường.

Phở Hà Nội không biết có từ khi nào những nó trở thành món ăn vô cùng quen thuộc với người Hà Nội và với nhiều người dân Việt Nam. Phở có hương vị vô cùng thơm ngon, độc đáo với từng loại vị của nước dùng khác biệt: Phở Gà, Phở Bò…

Khi làm phở, để có thể ngon thu hút người khác thì khâu làm nước dùng của phở vô cùng quan trọng. Có thể nói nước dùng chính tâm hồn của bát phở. Nước dùng ngon thì sẽ làm vị của bát phở vô cùng thu hút người ăn cả về vị giác lẫn khứu giác.

Nước dùng truyền thống được ninh từ xương, chủ yếu người ta thường dùng xương ống của bò hoặc lợn. Nếu làm phở bò thì dùng xương bò, còn các loại phở gà hay phở khác thì dùng xương lợn để không bị mùi của bò át đi hương vị món ăn khác.

Xương sau khi được chọn lọc rửa kỹ bằng nước sạch rồi cho vào nồi lớn ninh bỏ nước ban đầu. Sau đó cho nước mới vào ninh thật kỹ cho những vị ngon ngọt từ xương ra hết trong nước. Sau khi nước được người ta bắt đầu nêm nếm các loại gia vị, mùi vị của nước dùng. Tùy theo từng loại phở mà người nấu sẽ cho những gia vị phù hợp với món phở của mình.

Bánh phở thường được làm từ bột gạo tẻ. Gạo tẻ khi ngâm lên rồi xay thành bột tráng thành bánh rồi lấy kéo cắt thành những mảnh nhỏ tạo thành bánh phở. Ngoài ra, trong bát phở còn có thêm các loại thịt như thịt bò, thịt gà, hành, tiêu, rau mùi, dấm ớt, chanh…để ăn kèm cùng bát phở thơm ngon nóng hổi.

Phở Hà Nội có ba loại phở nước, phở xào, và phở áp chảo. Tuy nhiên, phổ thông và nổi tiếng nhất là loại phở nước. Phở được chan với nước dùng, thịt nhúng, rau sống, hành…. Khi ăn phở cần ăn nóng, thì cảm giác sẽ vô cùng thơm ngon. Đặc biệt trong những ngày đông giá lạnh ăn một bát phở nóng hổi vừa thổi vừa ăn thì sẽ vô cùng ấm người.

Tác giả Thạch Lam trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường” của mình có viết những câu nói về món phở Hà Nội như sau “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ Hà Nội mới ngon...”

Phở Hà Nội là một món ăn truyền thống vô cùng nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà ở cả thế giới, khi đi tới đâu nếu có món phở người ta sẽ biết ngay đó là người Việt Nam. Bởi phở đã trở thành món ăn truyền thống gắn liền với người dân trên đất nước hình chữ S thân yêu này.

Thuyết minh về phở - mẫu 12

Nhắc đến đất nước hình chữ S có biết bao nhiêu món ăn đặc sản dân tộc, mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau. Đến Hà Nội du khách phải thử một lần món phở, món ăn đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Món phở ra đời vào đầu thế kỷ 20, nơi xuất hiện đầu tiên vẫn còn tranh cãi, người thì nói Nam Định nhưng cũng có người cho rằng Hà Nội là nơi biến món ăn trở nên nổi tiếng đại diện cho nền ẩm thực nước ta.

Món phở theo thời gian có nhiều biến chuyển, trước kia chỉ là phở bò chín nhưng dần dần xuất hiện phở tái, phở gà, phở cuốn, phở xào, phở rán…rất nhiều những loại phở khác nhau làm đa dạng thêm những món ăn của nền ẩm thực Việt.

Phở có đặc điểm rất riêng biệt khi chỉ ăn một mình không dùng kèm với các món ăn khác, người Hà Nội thường ăn phở chủ yếu vào buổi sáng, còn du khách đến với Hà Nội có thể ăn vào bất kì thời gian nào trong ngày đều được, các quán xá mở suốt ngày sẵn sàng phục vụ. Phở dùng nguyên liệu chính là bánh phở màu trắng thành phần chính từ gạo. Nước dùng hay còn gọi là nước lèo chính là tinh túy của món phở, nước dùng ninh bằng các loại xương và hương liệu khác như gừng, quế, hoa hồi, đinh hương, thảo quả…mỗi người lại có bí quyết riêng để nấu nước dùng giúp thực khách ngon miệng. Mỗi bát phở sẽ ăn kèm với một số rau gia vị ví dụ hành tây, rau húng, vài miếng chanh, rau thơm,tương ớt…ăn kèm với loại rau nào cũng tùy theo vùng miền.

Khi đến một quán phở Hà Nội, chủ quán sẽ mang đến cho bạn menu chọn loại phở ví dụ như phở bò, phở gà. Khi khách hàng gọi 5 phút sẽ có một bát phở nóng hổi, thơm lừng đặt trước mặt, thực khách thêm vào ớt, chanh và hạt tiêu. Trộn đều lên với nhau, cầm bát lên ngang mặt và thưởng thức sự tinh túy bên trong.

Nhắc đến phở nhiều nhà văn đã đưa vào thơ ca ví dụ như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng (Miếng ngon Hà Nội), Thạch Lam (Hà Nội 36 phố phường),…theo thời gian phở truyền thống cũng chuyển sang phở công nghiệp theo dạng đóng gói như phở chay, phở ăn liền giúp người ăn tiện lợi nhanh chóng thưởng thức mà không cần phải ra quán xá. Chính điều này đã giúp món ăn này trở nên rất phổ biến len lỏi vào từng gia đình.

Nền ẩm thực nước ta đa dạng, phong phú, trong đó phở là biểu tượng ẩm thực Việt. Món ăn bổ dưỡng nay đã được phổ biến trên toàn thế giới, người Việt xa xứ có thể đến quán ăn có món phở thưởng thức bất kì lúc nào khi nhớ về quê nhà. Còn gì tuyệt vời khi mỗi buổi sáng được ăn một bát phở nóng hổi, thơm ngon và giàu dinh dưỡng.

Thuyết minh về phở - mẫu 13

Mỗi quốc gia, mỗi đất nước trên thế giới đều có những món ăn với nét độc đáo, hấp dẫn riêng và mỗi món ăn ấy luôn mang trên mình những đặc trưng riêng về đất nước của nó. Nếu nhắc đến Hàn Quốc người ta nhớ tới kim chi, tới Nhật Bản mọi người nhớ tới sushi, nhắc tới cà ri người ta sẽ nhớ ngay tới đất nước Ấn Độ thì mỗi khi nhớ về ẩm thực Việt Nam, chắc hẳn sẽ không thể không nhắc tới món ăn truyền thống, đó chính là phở Hà Nội.

Như chúng ta đã biết, phở là một trong số những món ăn truyền thống, phổ biến nhất ở Việt Nam từ xưa đến nay song có lẽ không ai biết chính xác nó ra đời vào khoảng thời gian nào. Tuy nhiên, đi sâu khám phá về nguồn gốc và sự ra đời của món ăn đặc biệt này, chúng ta có thể tìm thấy nhiều nguồn tài liệu cho thấy rằng phở Hà Nội ở nước ta hiện nay có nguồn gốc từ một món ăn của Trung Quốc có tên gọi theo âm Hán Việt là ngưu nhục phấn.

Phở Hà Nội là món ăn quen thuộc ở Việt Nam, bởi vậy, những nguyên liệu cần thiết để nấu phở cũng rất dễ tìm kiếm. Nhắc đến phở, người ta sẽ nhớ ngay tới bánh phở và nước dùng. Để có một món phở Hà Nội ngon điều quan trọng trước hết là phải có được bánh phở ngon, điều đó có nghĩa là bánh phở phải vừa mềm vừa dai để khi ăn không có cảm giác bị bục hay quá nhão. Người ta thường là bánh phở từ loại gạo tẻ trắng, thơm, điều đó góp phần gợi nên nét dân dã mà không kém phần hấp dẫn của món ăn này. Thêm vào đó, nước dùng chính là phần quan trọng không thể thiếu để tạo nên một món phở ngon. Nước dùng thường được hầm từ nhiều loại xương khác nhau như xương bò, xương lợn, gà,… tùy vào món phở mà người đầu bếp muốn chế biến. Để có một nồi nước dùng ngon, người nấu phở phải hầm xương từ tám đến mười giờ sau đó lọc qua rây để nước phở trong hơn. Sau khi đã lọc xong, người ta cho các gia bị như nước mắm, bột ngọt, tiêu,… cùng các loại lộc như hành lá, mùi tàu,… để tăng thêm độ hấp dẫn cho món ăn. Khi nước dùng đã hoàn thành chúng ta chỉ cần cho nước dùng vào bánh phở là đã có thể có một tô phở thơm ngon, hấp dẫn để thưởng thức.
Đặc biệt, cách thưởng thức phở Hà Nội cũng rất quan trọng và có lẽ bởi vậy có nhiều người gọi đó là “nghệ thuật thưởng thức phở". Nhắc đến “nghệ thuật thưởng thức phở” ông cha ta từ ngàn đời xưa đã có câu:

Ăn phở phải có: giá, chanh
Ăn cơm phải có: rau xanh, thịt sườn
Quả đúng như câu ca trên, để tăng thêm hương vị, sự hấp dẫn, đậm đà cho món ăn, khi ăn phở người ta thường cho thêm chanh hoặc quất hay một ít dấm. Đồng thời, người ta vẫn thường ăn kèm phở với giá đỗ, rau sống và tỏi ngâm. Tất cả những hương vị ấy sẽ góp phần làm cho món phở thêm thơm ngon, hấp dẫn. Nếu chúng ta thiếu đi bất cứ nguyên liệu nào thì rất khó để có thể cảm nhận hết được hương vị của món ăn này. Thêm vào đó, tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi vùng miền và sở thích ăn uống của mỗi người mà chúng ta có thể thêm vào một số gia vị để phù hợp hơn.
Phở Hà Nội là món ăn bình dị, phổ biến và quen thuộc với tất cả chúng ta nói chung và con người Hà Nội nói riêng, song nó lại có vai trò, ý nghĩa to lớn trong đời sống của những người con đất Việt. Trước hết, phở Hà Nội là món ăn tổng hòa từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau nên chúng cung cấp cho con người nhiều chất dinh dưỡng như canxi, các loại khoáng chất, các loại vitamin,… Thêm vào đó, phở cũng mang lại giá trị kinh tế lớn cho con người bởi lẽ mỗi tô phở có giá thành giao động từ 20.000 đến 25.000 đồng thậm chí có nhiều nơi là 50.000, 60.000 hay 100.000 đồng. Đồng thời, phở là món ăn ở vị trí “linh hồn” của ẩm thực Việt Nam, là một trong số những món ăn hấp dẫn trên thế giới. Và chắc có lẽ bởi vậy, du khách nước ngoài khi về thăm đất nước Việt Nam bao giờ cũng thường thức món ăn đặc biệt này.

Tóm lại, phở Hà Nội là một món ăn truyền thống và có giá trị đặc biệt trong ẩm thực của Việt Nam và ngày càng định hình được vị trí của nó trong nền ẩm thực của thế giới bởi nó mang trong mình cái nét đẹp của hồn quê Việt trong những sợi phở mềm dai và cái ngọt ngào, đằm thắm của nước dùng.

Thuyết minh về phở - mẫu 14

Hà Nội, mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, người ta đã tìm thấy ở nó biết bao những vẻ đẹp tuyệt vời và kỳ bí, một Hà Nội với lịch sử vẻ vang anh hùng chưa từng thất thủ trong bất kỳ cuộc chiến nào, một Hà Nội đế kinh muôn đời, hay một Hà Nội cổ kính rêu phong, lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt bao đời. Hà Nội mang trong mình nhiều sự xưa tích cũ, cũng là nơi dừng chân tuyệt vời đối với nhiều du khách cả trong và ngoài nước, và dĩ nhiên rằng níu kéo được con người Hà Nội không chỉ mặn mà với những vẻ đẹp lịch sử hay sự phát triển mạnh mẽ thời hiện đại mà quan trọng rằng thủ đô của ta có một nền ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng. Thạch Lam đã khen rằng "Quà Hà Nội xưa nay vẫn nổi tiếng ngon lành và lịch sự", 36 phố phường mỗi nơi lại có riêng cho mình những bí truyền ẩm thực, lấy làm cái lợi thế riêng để tồn tại hàng trăm năm. Người ta thường nhắc đến Hà Nội với món cốm xanh của các cô gái làng Vòng, nhưng càng nhắc nhiều hơn đến món phở Hà Nội một món ăn đã trở thành "linh hồn", tinh hoa trong làng ẩm thực Việt.

Trong những bài viết về những thức quà vặt ngon nghẻ của Hà Nội, không phải ngẫu nhiên mà Thạch Lam viết một lần, rồi lại bổ sung thêm một lần nữa về món phở cổ truyền, chỉ bởi đơn giản rằng ông nghĩ đã là món thú vị bậc nhất đất kinh đô, thì nào có thể nói trong vài ba trang chữ. Trong số ấy tôi quả thực ấn tượng nhất với một nhận định của ông rằng "Phở là thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ ở riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Quả thực chẳng có gì để mà không tin tưởng lời Thạch Lam, bởi vốn dĩ tôi chưa đi nhiều nơi, chưa ăn qua nhiều thức quà, thế nhưng cũng không ít lần nếm được món phở, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, hoặc các tỉnh Tây Nguyên và may mắn nhất tôi đã được nếm cả phở Hà Nội. Và phải công nhận rằng phở ở những nơi khác dù có mang danh người Hà Nội làm thì cũng vĩnh viễn không có được cái ngon ngọt chính tông như ở đất kinh đô, có lẽ là do thủy thổ, hoặc do người bán phở đã xa quê hương quá lâu nên tay nghề cũng mất đôi chút, hoặc là họ ẩu, nghĩ rằng dân xứ khác ít sành như người Hà Nội chăng? Phở là món ăn truyền thống và lâu đời của dân tộc và cũng chẳng ai biết chính xác nó có từ bao giờ do ai kỳ công chế tạo nên hay chỉ đơn giản là một sự kết hợp tình cờ khi người ta định nấu bún mà vô tình làm ra phở thì tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết rằng cái món phở thân yêu ấy đã theo từng gánh hàng rong và tỏa hương khắp phố phường Hà Nội vào cái thế kỷ 18, 19 và trở thành kế sinh nhai chính của một cơ số những con người biết nấu và nấu giỏi. Đồng thời cũng trở thành thức quà ưa thích của tất cả các hạng người trong thành phố từ các anh công chức, thợ thuyền, đến các bà các mẹ hay đi chợ, các cô các cậu đi học, trở thành món ăn chính đáng không thể thiếu của nhiều người. Điều đó chứng tỏ phở là một món bình dân và ngon tuyệt nên người ta mới yêu chiều như thế. Cách đây một thế kỷ, phở bán gánh là một đặc sản một nét văn hóa của người Hà Nội, nhưng dần dà khách đông hơn, đặc biệt là qua hai cuộc chiến những người hay gánh phở đi bán cũng biệt tăm biệt tích, đến khi hòa bình, đất nước lập lại, thì phở không còn được gánh trên vai những anh, những chị mà trở thành món được bán hẳn trong hàng trong quán. Thực khách quên đi cái cảnh ngồi xổm xì xụp húp miếng nước lèo nóng và nay được ngồi trên ghế trên bàn biết bao thoải mái để tận tình thưởng thức. Tuy nhiên phở gánh và phở tiệm ít nhiều cũng có những cái thú, cái vị khác biệt, mà khác ở đâu thì chỉ những con người đã từng trải qua cả hai kiểu ấy mới hiểu, ví như Thạch Lam hay Tô Hoài, những con người rành rọt về băm sáu phố phường Hà Nội chẳng hạn.

Một bát phở ngon cũng như một vị chuyên gia vậy, chính là mang trong mình nó lắm yêu cầu khắt khe. Nước dùng hay còn gọi là nước lèo giống như linh hồn của bát phở phải thực trong và ngọt, cái ngọt ấy phải được chiết ra từ xương ống của heo của bò chứ không phải từ thứ gia vị mà ngày nay người ta vẫn thường quảng cáo "ngon từ thịt ngọt từ xương". Những bát phở mà ngọt kiểu ấy ăn được dăm miếng thì đã thấy vị mì chính lên tận óc, chẳng lấy gì làm ngon, và tiệm ấy chắc cũng sớm mất khách, nếu ở Hà Nội. Thêm nữa là bánh phở, tức là cái sợi trông như sợi mì Quảng (ai ăn mì Quảng thì có lẽ không lạ lẫm gì), phải trắng, dẻo mềm và không bị nát, tóp mỡ phải giòn thơm chứ không dai cứng. Đồng thời những thứ gia vị như vài giọt chanh gắt, ớt cay, hành tây và chút rau thơm tươi thì không bao giờ được thiếu. Ngoài ra còn có chỗ người ta thêm một chút hồ tiêu Bắc, vài giọt cà cuống để phở được đậm vị và dậy mùi hơn. Phở truyền thống thì ắt phải có thịt bò, người ta có nhiều cát ăn, người thích tái, kẻ thích nạm, kẻ thích ăn xương thịt, có người lại ưng nửa nạc nửa mỡ, người ưng ăn ba chỉ,... Nói chung tùy khẩu vị mà người bán phở đáp ứng cho thực khách. Và trong quá trình phát triển cả hàng thế kỷ của mình, phở ta cũng không phải không có chút biến đổi, thứ mà ta hay gọi là phở "cải lương", ví như người ta làm phở gà, phở tôm, phở heo,... hoặc có người rụt rè hơn tí thì chỉ thêm một vài vị rau thơm mà xưa nay không có ví như thêm hành lá, húng lìu, húng chó, rau giá, ... hoặc mạnh dạn thêm tí gia vị vào nước dùng tỉ như dầu vừng, hoặc một món ăn kèm thêm no như đậu phụ trắng. Nhưng thường những cái "cải lương" nó kém được hoan nghênh hơn, người Hà Nội sành ăn và ưa truyền thống, cũng như bản thân chúng ta giờ thấy áo dài "cách tân" thì đâm ra ngứa mắt vậy. Nhưng có lẽ những món phở mới mẻ ấy lại có chỗ phát triển nếu đi ngược vào phương Nam.

Về cách làm, thú thực nếu không có một bí quyết gia truyền, một người thầy chỉ dạy tận tình thì có lẽ khó có ai có thể nấu ra được một bát phở ngon đúng nghĩa. Với vai trò chỉ là người thưởng thức và nghe lỏm được đôi câu chuyện nấu phở, thì tôi chỉ biết được rằng người ta đã phải nấu một nồi nước dùng vừa trong vừa ngọt như thế trong vòng 8-9 tiếng gì đó, với nguyên liệu chính là xương ống bò, được chế cùng với một loạt các loại gia vị như hồi, quế, thảo quả, gừng, sá sùng, hành tây, hành củ,... mà tôi nghe tên thì vị nào cũng là một vị thuốc cả. Với lại nước dùng phở nó kỳ công còn ở cả công đoạn sắp đặt gia vị, không phải người ta cứ thế đổ cả xương, cả nguyên phụ liệu vào mà nấu lên 10 tiếng, mà trước hết những thứ gia vị kia cũng phải được sơ chế bằng cách nướng lên nữa cơ. Tôi không hiểu nguyên do nhưng có lẽ là để cho gia vị được thơm hơn, đồng thời loại bỏ đi một số hương vị không cần thiết chẳng hạn hoặc sâu xa hơn nữa thì có lẽ là cách nướng ấy nó để cho mấy thứ dược liệu này có một công dụng nào đó hữu ích hơn trong bát phở chăng. Sau khi ninh đủ 10 tiếng, cốt ngọt từ xương đã đi vào nước dùng, người ta lại lọc lại một lần, để chắt được cái thứ nước trong và màu đẹp, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ thực khách. Còn về "bánh phở", thứ tôi vẫn gọi là sợi phở ấy, người ta làm cũng kỳ công, phải lựa chọn được thứ bột gạo trắng, nhào bột rồi ủ bột thật kỹ, sau đó cắt bánh phở thật khéo, để bánh phở không bị nát, khi gắp lên thấy sợ phở mượt, trắng ngần, ăn vào thì dai mềm đó mới đúng là tuyệt vời. Khi thực khách gọi món, người nấu nhanh chóng sắp bánh phở ngay ngắn vào một cái tô lớn, sạch sẽ, lại sắp hành tây, thịt thà lên trên, rồi múc lấy thứ nước đang sôi sùng sục trong nồi đổ vừa ngập bánh phở, rồi nhanh tay bốc lấy chút ngò gai bỏ lên trên mặt, sau đó bưng ra cho thực khách. Những thứ gia vị khác như chanh, ớt, tiêu, tương, cà cuống, rau thơm,... người nấu bây giờ cũng biết thông minh không cưỡng chế bỏ vào bát phở như xưa nữa mà để người ăn tự túc lựa chọn có bỏ vào hay không. Tôi thấy thế lại hay, thực khách sẽ không bao giờ phải nhăn mặt khó chịu vì không thích vị chua chanh hay một thứ gia vị nào vô tình được nhà hàng bỏ vào để bát phở được "tròn" vị.

Phở ngày nay đã đi khắp mọi miền đất nước, từ Bắc Trung Nam, đến đâu người ta cũng có thể ăn được phở, nhưng nếu muốn ăn phở Hà Nội thì chỉ có về Hà Nội, chọn đúng hàng quán thì mới có cơ hội được bát phở ngon lành, đậm đà. Có thể nói rằng phở đã mang đến cho nền ẩm thực đến từ lúa gạo của Việt Nam ta một điểm nhấn rất đặc sắc và riêng biệt, chẳng thế mà người ngoại quốc khi đến nước ta, họ không chỉ nhớ về bánh mì mà còn nhớ khôn nguôi một món có tên "phở". Phở Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước, đồng thời cũng là một món ăn phổ biến của dân tộc ta bao đời, trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, đáng nhớ, đáng thử nhất ở đất Hà Thành này.

Thuyết minh về phở - mẫu 15

Nguồn gốc của món Phở – Phở thường được cho là định hình vào đầu thế kỷ 20. Về nơi xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam, người ta có hai quan điểm khác nhau là: Nam Định và Hà Nội, đây cũng là nơi làm cho món ăn này trở nên nổi tiếng.

Về nguồn gốc món ăn, có quan điểm cho rằng phở bắt nguồn từ một món ăn Quảng Đông mang tên “ngầu yụk phẳn” (âm Hán Việt là “ngưu nhục phấn”). Cũng có ý kiến cho rằng phở vốn bắt nguồn từ món “xáo trâu” (dùng sợi bún) của Việt Nam, sau được biến tấu thành món “xáo bò” dùng bánh cuốn. Giả thuyết khác lại cho rằng, phở có nguồn gốc từ phương pháp chế biến món thịt bò hầm của Pháp pot-au-feu (đọc như “pô tô phơ”) kết hợp với các loại gia vị và rau thơm trong ẩm thực Việt Nam. Phở bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam, xâm nhập vào miền Trung và miền Nam giữa thập niên 1950, sau sự thất bại của Pháp ở Đông Dương và Việt Nam bị chia thành hai miền. Người Việt Nam ở phía bắc di cư vào miền Nam năm 1954 mang theo món phở và phở đã bắt đầu có những sự khác biệt.

Ngày nay, phở đã có những phương pháp chế biến và hương vị khác nhau. Tại Việt Nam, có những tên gọi để phân biệt chúng là: Phở Bắc (ở miền Bắc), phở Huế (ở miền Trung) và phở Sài Gòn (ở miền Nam). Thông thường thì phở miền Bắc đặc trưng bởi vị mặn còn miền Nam thì ngọt và nhiều rau. Bánh phở ở miền Nam nhỏ hơn ở miền Bắc. Trước đây, chỉ có phở bò chín với đầy đủ “chín-bắp-nạm-gầu”, về sau, thực khách chấp nhận cả phở tái, phở gà. Đi xa hơn, có nhà hàng thử nghiệm với cả thịt vịt, ngan nhưng không mấy thành công. Ngoài ra còn một số món ẩm thực từ nguyên liệu bánh phở truyền thống như phở cuốn, loại phở xuất hiện vào thập niên 1970 là phở xào, của thập niên 1980 là phở rán…

Nhà văn Thạch Lam viết trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Phở ngon phải là phở “cổ điển”, nấu bằng thịt bò, “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”, “rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: “Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối….”. Từ giữa những năm 1960 đến trước những năm 1990 của thế kỷ 20, vì nhiều lý do nhất là khâu quản lý hành chính bao cấp về lương thực, thực phẩm, tại Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc xuất hiện “phở không người lái” (phở không thịt) trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh.

Cũng từ thời bao cấp, ở Hà Nội, người ta thường có thói quen cho thêm nhiều mì chính vào nước dùng. Cùng với thời đổi mới từ thập niên 90, phở đã phong phú hơn và người Hà Nội thường ăn phở với những miếng quẩy nhỏ. Ở Hà Nội, phở là một món ăn đặc biệt của người Hà Nội không biết đã có từ bao giờ. Phở được dùng riêng như là một món quà sáng hoặc trưa và tối, không ăn cùng các món ăn khác. Nước dùng của phở được làm từ nước ninh của xương bò: xương cục, xương ống và xương vè. Thịt dùng cho món phở có thể là bò, hoặc gà. Bánh phở phải mỏng và dai mềm, gia vị của phở là hành lá, hạt tiêu, giấm ớt, lát chanh thái.

Hà Nội là nơi có mật độ hàng phở nhiều nhất cả nước. Hàng phở từ sang trọng đến tạm bợ xuất hiện trên hầu khắp các con phố, con ngõ hay cả trên những gánh hàng rong ở Hà Nội. Người Hà Nội có thể ăn phở cả ngày, cho cả những bữa ăn sáng-trưa-chiều-tối và cả cho bữa đêm. Họ có thể ăn phở nhiều lần trong tháng, trong năm và trong suốt bao nhiêu năm qua, chưa từng có người Hà Nội nào thốt lên rằng mình không còn muốn ăn phở nữa. Hoặc nếu có chán phở thì chỉ là chán trong chốc lát, trong một ngày, hai ngày… như những đôi uyên ương giận nhau chẳng rõ lí do và ngay sau đó lại quấn quít chẳng thể rời xa.

Phở là một món ăn dân dã, giản dị, nhưng rất đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, để mỗi khi chúng ta có dịp thưởng thức Phở sẽ ngấm đậm hồn Việt và thấy hết hương vị tinh ngon của Phở Việt, để rồi hồn Việt ấy bay cao bay xa ra thế giới, để rồi đi khắp phương trời vẫn nhớ về Đất Mẹ Việt Nam.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:




Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học