5+ Dàn ý Giải thích Một cây làm chẳng nên non (siêu hay)



Đề bài: Lập dàn ý giải thích ý nghĩa câu ca dao:

   Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Dàn ý Ý nghĩa câu tục ngữ Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Dàn ý Giải thích Một cây làm chẳng nên non - mẫu 1

A. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề: Ca dao, tục ngữ là những bài học, lời khuyên, kinh nghiệm quý báu mà ông cha ta để lại cho thế hệ sau.

- Nêu vấn đề, khái quát giá trị của câu tục ngữ: Câu tục ngữ “Một cây...” khuyên nhủ chúng ta về sức mạnh của sự đoàn kết.

B. Thân bài

Luận điểm 1: Giải thích

- Nghĩa đen: Một cây đơn lẻ không thể tạo nên ngọn núi mà phải có thật nhiều cây cao mới tạo thành một rừng cây.

- Nghĩa bóng:

   + Một cây: Chỉ một người đơn lẻ

   + Ba cây: Chỉ một cộng đồng, một tập thể người

   + chụm lại: chỉ sự đoàn kết

   + núi cao: ẩn dụ cho sự thành công

⇒ Nghĩa cả câu: Một người đơn độc không thể làm nên việc lớn mà cần phải có sự đoàn kết của nhiều người thì mới có thể đạt được thành công.

- Câu tục ngữ khuyên con người về tầm quan trọng của sự đoàn kết trong cuộc sống và trong công việc

Luận điểm 2: Chứng minh

- Trong bất kì một lĩnh vực nào, sự đoàn kết luôn tạo ra sức mạnh to lớn và là yếu tố quan trọng làm nên thành công lớn.

- Trong chiến tranh: Khi đất nước bị xâm lăng, sự đoàn kết dân tộc là yếu tố không thể thiếu để giành được thắng lợi.

   + Đất nước ta đã trải qua hàng nghìn năm bị đô hộ, hàng nghìn trận chiến lớn nhỏ khác nhau, ở bất cứ trận chiến nào, ta cũng đều thấy được sự đoàn kết to lớn của toàn dân tộc.(lấy dẫn chứng)

   + Tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc: Yêu nước – nhân nghĩa – đoàn kết là nguồn mạch cốt lõi của mọi thắng lợi.

   + Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đoàn kết dân tộc vẫn luôn được đề cao, thể hiện ở việc tất cả người dân trong cả nước, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo, tuổi tác… đều cùng nhau chung tay làm việc và cống hiến không ngừng.

- Trong cuộc sống, lao động, đoàn kết có giá trị vô cùng to lớn, là yếu tố quyết định đến sự thành bại.

- Nếu một tập thể không có sự đoàn kết, các cá nhân làm việc riêng rẽ, ích kỉ, thì chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại.

Luận điểm 3: Làm thế nào để phát huy sự đoàn kết trong một tập thể, xã hội

- Đoàn kết bắt nguồn từ sự đồng cảm, chia sẻ và tinh thần làm việc nghiêm túc, hòa đồng, biết lắng nghe.

- Kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ, đùm bọc, chung tay bảo vệ và xây dựng đất nước, tránh xa lối sống ích kỉ, cô lập, vụ lợi…

Luận điểm 4: Mở rộng vấn đề

- Phê phán lối sống tư lợi, ích kỉ, tự cô lập mình với xã hội,…

- Đoàn kết không có nghĩa là kết bề kéo cánh, làm những việc xấu gây ảnh hưởng đến xã hội.

C. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị câu tục ngữ: Câu tục ngữ còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đoàn kết chính là truyền thống đạo đức, là một lối sống đẹp của người dân Việt Nam.

- Bài học rút ra và liên hệ bản thân: Chúng ta - những thế hệ đi sau cần biết giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu này.

Dàn ý Giải thích Một cây làm chẳng nên non - mẫu 2

I. Mở bài

- Giới thiệu về câu tục ngữ:

"Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

- Khái quát ý nghĩa: Câu tục ngữ ca ngợi truyền thống đoàn kết của dân tộc ta.

II. Thân bài

1. Giải thích

- Nghĩa đen: Nếu chỉ có một cái cây nhỏ bé thì sẽ không làm nên khu rừng rộng lớn.

- Nghĩa bóng:

+“Một cây”: chỉ sự tồn tại riêng lẻ, đơn độc

+“Ba cây”: chỉ một tập thể to lớn

+“chụm lại”: sự đoàn kết, hợp nhất một lòng

+“núi cao”: đích đến, thành công hay thắng lợi

=> Như vậy, câu tục ngữ trên đề cao vai trò của sự đoàn kết trong cuộc sống.

2. Bình luận và chứng minh

- Chỉ có đoàn kết mới đem lại sức mạnh to lớn để hoàn thành những việc lớn lao, trọng đại:

+Trong quá khứ lịch sử: Nhân dân ta đoàn kết lại đánh bại kẻ thù xâm lược.

+Hiện tại: Nhân dân đoàn kết chống lại dịch bệnh.

- Đoạn kết không chỉ là ở phạm vi một quốc gia mà phải ở mọi đơn vị tập thể từ bé đến lớn.

- Bên cạnh đó, vẫn còn một số người luôn gây rắc rối, phá hoại và chia rẽ đoàn kết.

3. Bài học

Con người cần thấy được vai trò của sự đoạn kết.

Từ đó, chúng ta cũng cần ý thức trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng.

III. Kết bài

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta cần được giữ gìn và phát huy.

Giải thích Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao - mẫu 1

Có ai đã từng nói rằng: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình. Muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Câu nói gợi cho người đọc suy nghĩ về vai trò của sự đoàn kết trong cuộc sống. Điều đó cũng được ông cha ta nhắn nhủ qua câu:

“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Câu nói đã sử dụng hình ảnh giàu tính biểu tượng. Theo nghĩa đen, chúng ta hiểu đơn giản rằng một cây không thể làm nên núi rừng rộng lớn, mà một khu rừng phải được tạo thành bởi nhiều cây cối. Còn theo nghĩa bóng, “một cây” chỉ số ít, thể hiện cho cá nhân. “Ba cây” chỉ số nhiều, thể hiện cho một tập thể. “Chụm lại” là hành động thể hiện của sự đoàn kết, đồng lòng. Và “nên hòn núi cao” có nghĩa là làm nên thành công. Câu tục ngữ đã khuyên nhủ con người cần biết đoàn kết.

Mỗi người đều có thể hoàn tự thành tốt công việc của bản thân. Nhưng trong một số trường hợp, chúng ta cần nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh, hay biết đoàn kết với tập thể để có thể vượt qua khó khăn, thực hiện mọi việc một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đoàn kết tạo nên sự gắn bó giữa các cá nhân, từ đó tạo thành một tập thể có sức mạnh to lớn. Nhìn vào lịch sử của dân tộc Việt Nam trải qua nhiều năm chiến đấu để bảo vệ đất nước. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân ta cùng đồng lòng chống lại kẻ thù, giành lại độc lập tự do. Ở hiện tại, chúng ta có thể kể đến tinh thần đoàn kết qua những việc làm ý nghĩa: chung tay bảo vệ môi trường, chống nạn phân biệt chủng tộc, giúp đỡ nhau vượt qua thiên tai hay dịch bệnh…

Hiện nay, rất nhiều người có lối sống ích kỉ, chỉ biết chạy theo lợi ích cá nhân mà sẵn sàng bán đứng lợi ích của tập thể. Nhiều người còn tìm cách chia rẽ, chống phá sự đoàn kết của quốc gia. Đó quả là những hành vi đáng lên án và xử lí nghiêm minh.

Có thể thấy rằng, bài học giá trị về sự đoàn kết vẫn còn mãi trong câu tục ngữ trên. Mỗi người cần hiểu được ý nghĩa lớn lao của tinh thần đoàn kết trong cuộc sống.

Giải thích Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao - mẫu 2

Đoàn kết là mộ truyền thống đáng quý của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy mà ông ta đã gửi gắm lời khuyên để nhắc nhở thế hệ sau qua câu tục ngữ:

“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Câu tục ngữ đã sử dụng hình ảnh giàu tính biểu tượng. Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ muốn nói rằng một cây không thể làm nên núi rừng rộng lớn, mà một khu rừng phải được tạo thành bởi rất nhiều cây cối. Xét về nghĩa bóng, “một cây” chỉ sự tồn tại riêng lẻ, “ba cây” chỉ tập thể, hành động “chụm lại” nói đến sự đoàn kết, hợp nhất một lòng sẽ tạo thành “núi cao” có nghĩa là đích đến, là thành công. Như vậy, nhờ có sự chung sức, đồng lòng mà “làm nên hòn núi cao” đó là làm nên việc lớn. Qua đó, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ con người cần biết sống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Tinh thần đoàn kết có vai trò quan trọng. Trong cuộc sống, có những công việc, khi biết đoàn kết với mọi người xung quanh sẽ hoàn thành một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Lịch sử Việt Nam chính là một dẫn chứng thuyết về sự đoàn kết. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân ta đã cùng đoàn kết để chống lại kẻ thù. Không phân biệt già trẻ, nam nữ hay tầng lớp địa vị, hễ cứ là người Việt Nam thì đều muốn đóng góp vào công cuộc cứu nước. Cho đến ngày hôm nay, tinh thần đoàn kết vẫn tiếp tục được nhân dân ta phát huy. Chắc hẳn chúng ta sẽ không thể quên được những ngày tháng cả nước cùng nhau chống lại đại dịch Covid-19. Tinh thần đoàn kết được thể hiện qua sự đồng lòng của nhân dân với các biện pháp phòng chống dịch bệnh của nhà nước. Mỗi gia đình đã trở thành một pháo đài, còn mỗi người dân trở thành một chiến sĩ. Chúng ta cùng giúp đỡ nhau từ những điều nhỏ nhất với ý chí, quyết tâm đánh bại dịch bệnh, và một ngày kia đất nước sẽ chiến thắng, cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Có đôi khi, tinh thần đoàn kết được thể hiện ở những hành động rất đơn giản. Nhưng lại đem lại sức mạnh to lớn, giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được thành công. Giống như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Còn với một học sinh, đoàn kết được thể hiện khi biết giúp đỡ bạn bè xung quanh hoặc cùng nhau hoàn thành tốt công việc lao động.

Tóm lại, câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non” đã đem đến cho mỗi người Việt Nam một lời khuyên quý giá. Đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để giúp con người vượt qua mọi thử thách, tiến đến đích thành công.

Giải thích Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao - mẫu 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Cũng đồng quan điểm đó, ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên qua câu tục ngữ:

“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Đầu tiên, cần hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ trên. Nếu xét về nghĩa đen, một cây không thể làm nên núi rừng rộng lớn, mà một khu rừng được tạo thành bởi rất nhiều cây cối. Còn xét về nghĩa bóng, “một cây” chỉ sự tồn tại riêng lẻ, đơn độc, “ba cây” chỉ một tập thể to lớn, hành động “chụm lại” nói đến sự đoàn kết, hợp nhất một lòng sẽ tạo thành “núi cao” có nghĩa là đích đến, thành công hay thắng lợi. Câu tục ngữ đề cao vai trò của tinh thần đoàn kết trong cuộc sống của con người.

Đôi khi, chúng ta không thể tự mình hoàn thành được mọi công việc trong cuộc sống. Chỉ có cùng nhau đoàn kết lại mới có thể hoàn thành được những việc lớn lao trong cuộc sống. Trong quá khứ, dưới sự lãnh đạo của những vị tướng lĩnh tài ba, nhân dân ta đã cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược. Từ cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, bà Triệu đến Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân. Rồi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng hay cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo vương - Trần Quốc Tuấn ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông… Còn trong cuộc sống hôm nay, tinh thần đoàn kết của mỗi công dân được thể hiện từ những hành động như: chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, giúp đỡ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của thiên tai, nói không với những thông tin chống phá lại nhà nước… Không chỉ là đoàn kết trong một nước, mà ngay cả nhân loại cũng phải đoàn kết trong những vấn đề có tính toàn cầu như bảo vệ môi trường, chống lại chiến tranh hạt nhân, nạn phân biệt chủng tộc… để xây dựng một thế giới văn minh hơn.

Với một học sinh, sự đoàn kết được thể hiện trong chính môi trường lớp học. Đó là sự giúp đỡ giữa các thành viên trong lớp, thực hiện tốt các nội quy của lớp, của trường, tích cực rèn luyện…

Tóm lại, câu tục ngữ chứa đựng bài học sâu sắc về cuộc sống. Bởi “Đoàn kết là sức mạnh vô địch” giống như lời khuyên của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giải thích Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao - mẫu 4

Đoàn kết vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nhằm răn dạy con người phải giữ gìn truyền thống đó, ông cha ta có câu:

“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Trước hết, “một cây” chỉ số ít, thể hiện cho con người đang ở vào thế riêng lẻ và đơn độc. Còn “ba cây” chỉ số nhiều, thể hiện cho một tập thể mạnh mẽ. “Chụm lại” là hành động thể hiện của sự đoàn kết, đồng lòng. Nhờ có sự chung sức, đồng lòng mà “làm nên hòn núi cao” đó là làm nên việc lớn. Câu tục ngữ khuyên nhủ mỗi người về tinh thần đoàn kết trong cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Bất kì công việc nào, nếu chỉ làm một mình sẽ mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành, thậm chí là không thể hoàn thành. Chỉ khi mỗi người biết hợp sức, đồng lòng lại cùng nhau mới có giải quyết được khó khăn, hoàn thành nhanh chóng hơn.

Từ trong quá khứ, dân tộc Việt Nam vẫn luôn đoàn kết để chống lại những kẻ thù xâm lược. Kế thừa lịch sử ở hiện tại, chúng ta đã phát huy được truyền thống đó. Các chương trình từ thiện, nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn vẫn luôn được duy trì và phát triển trong cộng đồng như chương trình “Trái tim cho em” dành cho các bệnh nhi bị tim bẩm sinh, chương trình “Lục lạc vàng” trao tặng bò cho những gia đình trong lao động sản xuất, chương trình “Cặp lá yêu thương” giúp đỡ những em nhỏ trong học tập… Ngay cả học sinh cũng được giáo dục tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách ngay từ khi còn trên ghế nhà trường qua các bài giảng cũng như những phong trào như “kế hoạch nhỏ ủng hộ các bạn học sinh nghèo vượt khó”...

Tinh thần đoàn kết không chỉ trong một quốc gia mà còn ở từng tập thể nhỏ khác. Và còn rộng lớn hơn là đối với toàn nhân loại. Con người cần phải chung tay để giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu như: ô nhiễm môi trường, phân biệt chủng tộc, thiên tai dịch bệnh, vũ khí hạt nhân… Đó là những vấn đề vô cùng cấp thiết có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của toàn nhân loại.

Nhưng thật đáng buồn khi có một phận vẫn tìm cách gây rối, chống phá và tìm cách chia rẽ đoàn kết dân tộc. Trong các cuộc chiến tranh có biết bao nhiêu người dân Việt Nam vì vinh quang phú quý hay bảo toàn mạng sống mà sẵn sàng bán đứng tổ quốc, làm tay sai cho kẻ thù xâm lược. Ở xã hội hiện tại có biết bao con người lan truyền những tin đồn thất thiết nhằm chống phá cách mạng, gây hoang mang lòng dân...

Tóm lại, câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” đã đề cập đến truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam - đoàn kết.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:


viet-bai-tap-lam-van-so-7.jsp


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học