5+ Dàn ý Giải thích Cày đồng đang buổi ban trưa (siêu hay)



Đề bài: Lập dàn ý giải thích ý nghĩa bài ca dao:

   "Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày;

   Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần."

Dàn ý Giải thích Cày đồng đang buổi ban trưa

A. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề: Việt Nam là một nước có truyền thống nông nghiệp lúa nước lâu năm.

- Nêu vấn đề, khái quát ý nghĩa bài ca dao: bài ca dao: “…” đã nhắc nhở chúng ta về công lao của người nông dân và lòng biết ơn đói với những con người “chân lấm tay bùn”.

B. Thân bài

Luận điểm 1: Hai câu đầu: Cảnh người nông dân làm việc ngoài đồng

- Thời gian làm việc: buổi ban trưa - khoảng thời gian nắng gay gắt nhất, khắc nghiệt nhất, và thường là thời gian để ăn cơm, nghỉ ngơi.

⇒ Điều kiện làm việc vất vả, khắc nghiệt.

- Hình ảnh người nông dân:

   + “thánh thót”: vừa là từ tượng thanh, vừa là từ tượng hình: gợi ra tiếng mồ hôi rơi và hình ảnh từng giọt mồ hôi liên tiếp rơi xuống mặt bùn ⇒ Người nông dân làm việc hăng hái, chăm chỉ, liên tục không ngừng nghỉ dù cho mồ hôi có chảy ròng ròng đi chăng nữa.

   + phép so sánh: “như mưa ruộng cày”: vừa nhấn mạnh mồ hôi rơi nhiều, vừa mang ý nghĩa: mưa nuôi dưỡng cây mạ lớn, cũng như mồ hôi của người nông dân đổ xuống khi làm việc quần quật cả ngày chỉ mong có được một mùa màng bội thu.

⇒ Hai câu đầu khắc họa hình ảnh người nông dân làm việc chăm chỉ, cần mẫn, vất vả ngoài đồng.

Luận điểm 2: Hai câu sau: Lời răn dạy của ông cha ta: phải luôn biết ơn công lao của người nông dân.

- “Ai ơi”: tiếng gọi thân thương, trìu mến

-“bát cơm đầy”: thành quả lao động mệt nhọc, kết quả của những giọt mồ hôi, công sức, tâm huyết của người nông dân để làm ra lúa gạo.

- Hai hình ảnh song song trong một câu: “dẻo thơm một hạt” và “đắng cay muôn phần”: nhắc nhở mỗi chúng ta rằng để có được dù chỉ một hạt cơm dẻo ngon này, người nông dân đã phải đổi lấy rất nhiều đắng cay, cơ cực, đó là những ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, là những ngày “dẫm mưa dãi nắng” ngoài đồng xa,…

Luận điểm 3: Ý nghĩa bài ca dao

- Nước ta là nước có truyền thống nông nghiệp lúa nước, trải qua hàng ngàn năm lịch sử và văn hiến, hình ảnh cây lúa vẫn luôn là niềm tự hào của toàn dân tộc.

- Khi có chiến tranh, vai trò của người nông dân lại càng trở nên quan trọng, họ ngày ngày tăng gia sản xuất để có thể làm hậu phương vững chắc, cung cấp lương thực cho mặt trận chiến tranh gay go ác liệt.

- Khi đã hòa bình, người nông dân vẫn cần mẫn, chăm chỉ lao động để đưa ngành nông nghiệp của nước ta ra thị trường thế giới và trở thành đất nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.

- Bài ca dao ca ngợi công lao của người nông dân và nhắc nhở chúng ta phải luôn biết ơn công lao của những dân lao động.

Luận điểm 4: Mở rộng vấn đề

- Ngày nay, trình độ khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, những máy móc tiên tiến đang dần được đưa vào sản xuất nông nghiệp, giúp cho người nông dân bớt mệt nhọc hơn rất nhiều.

- Cùng với đó, cần lên án một bộ phận người có thái độ khinh thường người nông dân “chân lấm tay bùn”…

C. Kết bài:

- Khẳng định lại ý nghĩa bài ca dao: Bài ca dao là bài học quý giá cho mỗi chúng ta về công lao của người nông dân.

- Liên hệ bản thân: Mỗi nghề là mỗi hoa, chúng ta cần biết quý trọng những con người lao động bởi chính họ sẽ làm nên đất nước tươi đẹp, phát triển.

Giải thích Cày đồng đang buổi ban trưa - mẫu 1

Ca dao là khúc hát tâm tình của người dân quê Việt Nam lưu truyền qua năm tháng thời gian, lan tỏa theo hương lúa đồng nội quê hương. Những vần thơ dân dã ngọt ngào ấy đã thấm sâu vào tâm hồn thơ bé mỗi chúng ta qua điệu ru của mẹ, tiếng hát của bà. Chúng ta yêu vô cùng những bài ca dao nói về công việc nhà nông “hai sương một nắng”, ca ngợi đức tính cần cù, lòng kiên nhẫn của người dân cày quê ta. Hình ảnh người nông dân sao mà đáng yêu thế:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi, bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Hai câu đầu miêu tả cảnh cày đồng. Câu ca dao gợi lên trước mắt chúng ta hình ảnh người nông dân đang lội bùn, tay cầm cày, theo sau con trâu, dưới ánh nắng “ban trưa” chang chang của mùa hạ. Người và con trâu phải làm việc vô cùng vất vả. Mồ hôi tuôn ra như mưa. Từ tượng thanh “thánh thót” gợi tả mồ hôi rơi xuống từng giọt… từng giọt liên tiếp, gieo vào không gian âm thanh “thánh thót”. “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” là hình ảnh so sánh thậm xưng gợi tả công việc cày đồng vất vả, cực nhọc không thể nói hết. “Mưa” làm cho lúa xanh tươi, cũng như “mồ hôi” đổ xuống luông cày làm cho đất đai thêm màu mỡ. Nghệ thuật so sánh “mồ hôi” với “mưa” thật là sáng tạo, làm cho người đọc, người nghe thấm thía, cảm thông với bao cực nhọc của nhà nông. Thật vậy, bà con nông dân đã đổ biết bao mồ hôi, công sức vào luống cày, sá bừa, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, để làm ra bông lúa, củ khoai nuôi sống xã hội. Câu ca dao đã vẽ lên một hình ảnh tuyệt đẹp về người nông dân trên cánh đồng quê hương. Đó là những con người khỏe mạnh dẻo dai, cần mẫn và chịu khó:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Hai tiếng cảm thán “ai ơi!” vang lên một cách tha thiết, tạo nên âm điệu êm ái, ngọt ngào. Nhà thơ dân gian nhắn gửi mọi người gần xa một ý nghĩ với bao tình cảm đẹp. Mỗi khi “bưng” bát cơm đầy chúng ta ghi nhớ công ơn khó nhọc của người nông dân đã cuốc bẫm cày sâu, sản xuất ra lúa gạo cho nhân dân no ấm. Câu ca sâu lắng, thấm thía:

Ai ơi, bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Câu cuối bài ca dao được tạo nên bằng nghệ thuật tương phản đặc sắc. Câu tám chữ chia làm hai vế đối nhau: “Dẻo thơm một hạt // đắng cay muôn phần”. Tính từ “dẻo thơm” đối lập với tính từ “đắng cay”, “một hạt” đối lập với “muôn phần”, làm nổi bật sức lao động sáng tạo của nhà nông. Câu ca dao đã nâng nhận thức và cảm xúc cho mọi người về giá trị của bông lúa, hạt gạo, bát cơm dẻo thơm mà ta được hưởng thụ hàng ngày thật đáng quý vô ngần. Cho nên, nhân dân ta mới gọi hạt gạo là “hạt vàng”, “hạt ngọc” với tất cả lòng tự hào, trân trọng. “Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no” (Nguyễn Duy).

Cũng như phần lớn ca dao, dân ca, bài “Cày đồng đang buổi ban trưa..” được viết bằng thể thơ lục bát quen thuộc. Giọng thơ nhẹ nhàng thấm thía. Ngôn từ chọn lựa tinh tế, vừa giàu tính gợi hình, vừa đậm đà sắc thái biểu cảm: thánh thót, dẻo thơm, đắng cay, bát cơm đầy,… Các biện pháp tu từ: ví von so sánh, tương phản đối lập được vận dụng sáng tạo để viết nên những vần thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu.

Nước ta là một nước nông nghiệp, trên 80% dân số sống bằng nghề nông. Người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác, hiền lành, dũng cảm và giàu lòng yêu nước.

Với đức tính cần mẫn, dẻo dai và sáng tạo, người nông dân đã làm nên những mùa vàng bát ngát, đem đến sự ấm no cho xã hội. Mọi gia đình có bát cơm dẻo thơm, đất nước có nhiều lương thực xuất khẩu là nhờ vào công sức người nông dân. Thời điểm chiến tranh, hạt gạo mang nặng tình hậu phương, ai mà quên được: “Hạt gạo làng ta – Gửi ra tiền tuyến – Gửi về phương xa – Em vui em hát – Hạt vàng làng ta” (Trần Đăng Khoa). Yêu kính và biết ơn, mỗi chúng ta khắc vào tâm hồn lởi nhắn gọi thiết tha:

Ai ơi, bưng bát cơm đầy

Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng!

Giải thích Cày đồng đang buổi ban trưa - mẫu 2

Trong kho tàng văn học Việt Nam, ca dao tục ngữ chiếm một vị trí không hề nhỏ, nó là một thể loại rất đặc trưng của dân tộc, xuất hiện lâu đời nên là một phần trong đời sống dân ta xưa, mang nội dung phản ánh chân thực, thơ bay bổng , không gò bó trong quy tắc. Có những bài ca dao đã trở nên bất hủ, nó là cái nôi nuôi nấng cho ta những ngày thơ bé từ giọng đầm ấm của người bà, người mẹ, nó thấm vào mỗi chúng ta đến khi trưởng thành, và dù có đi đâu về đâu vẫn nhớ mãi về mảnh đất này. Trong đó hẳn chẳng ai quên được những câu ca dao sau :

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Bài ca dao tương đối ngắn gọn, xúc tích chỉ có vỏn vẹn bốn dòng. Đây là những nỗi vất vả của người dân nước ta, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, một nắng hai sương để làm ra hạt gạo. Vì vậy, bài ca dao này cũng giúp ta nhận thức luôn phải biết quý trọng, biết ơn, người lao động vất vả.

Trong hai câu đầu tiên, miêu tả bức tranh chân thực sự cần cù lao động, sự cực nhọc của người dân trên những thửa ruộng dài xa tít tắp, rộng là đặc trưng điển hình của một nước có nền nông nghiệp lúa nước phát triển lâu đời:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Thấy được những thứ mang tính giúp sức cho người nông dân đỡ cực nhọc khi phải làm việc trên đất ruộng khó khăn, nhưng tác giả khéo léo tô đậm lên hình ảnh con người giữa không gian bao la, và trên từng thửa ruộng khô cằn, mở ra trước mắt ta là con trâu lầm lùi bước từng bước nặng nề, những vết chân in hằn rõ trên mặt đất, người nông dân đi sau tay bám chắc cày, gò lưng vất vả, kết hợp nhịp nhàng với vật để ghi sâu lưỡi cày xuống đất, tạo ra những rãnh đất rõ ràng. Họ đều đặn với công việc của mình từ sáng sớm tinh mơ gà mới gáy, đến trưa nắng lên đỉnh đầu mới dắt trâu lững thững về. Còn đối với những ngày vào mùa, họ còn phải làm bao nhiêu công việc như làm đất, gieo mạ … đến quên cả giờ giấc, lao động thay nhau quần quật trên đồng đến tối muộn.

Thiên nhiên nước ta tuy đẹp nhưng thời tiết nước ta vốn khắc nghiệt biểu hiện theo các ngày, các tháng, các năm vừa qua lúc mưa dầm, lũ ngập, lúc nắng gắt vậy nên người lao động làm công việc ngoài trời đã khổ, người nông dân làm việc trên đồng còn khổ hơn gấp nhiều lần. Rất nhiều câu thơ, câu văn trong nhiều tác phẩm điển hình đã cùng cảm thông với vất vả cho người dân lao động:

Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy có mưa tháng ba

Giọt mồ hôi sa những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy…”

(Hạt gạo làng ta - Trần Đăng Khoa)

Miêu tả những câu thơ này càng làm khắc sâu sự cố gắng, cực nhọc của người làm nông nghiệp. Thời điểm trưa có lẽ là lúc chân thực nhất để lột tả nỗi vất vả này. Tác giả sử dụng biện pháp so sánh trong câu thơ thứ hai, và từ tượng thanh “thánh thót” để chỉ sự rơi nhiều, nhanh như mưa vậy. Mồ hôi họ ra làm bạc hẳn cái màu áo nâu sần, rồi lặng lẽ lăn trên má thành từng dòng chảy xuống đất, giữa cái nắng mùa hè chói chang, yên ả giữa cánh đồng bao la ta nghe được tiếng giọt mồ hôi rơi. Nên đây có thể được nói đến như là việc khó khăn, nặng nhọc nhất của nhà nông. Qua câu thơ này có thể nhanh hiểu tác giả đã vận dụng biện pháp cường điệu nhưng cũng lại nhanh chóng hiểu ra đây là cách thông minh để nhằm gửi gắm vào đó sự xót xa, sự đồng cảm, trân trọng từ đáy lòng. Có lẽ để được bát gạo trắng trong kia đã phải đổi bằng vô số giọt mồ hôi.

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Đây là lời nhắc nhở trọn vẹn, tưởng chừng như dễ hiểu, đơn giản nhưng đầy ẩn ý sâu sắc. Và ta cũng hiểu Hiếm ai khi cầm chén cơm trên tay lại nhớ đến người làm ra nó vất vả, cực nhọc ra sao?. Rồi có khi trời thiên tai ập đến, người ta mang trong mình bao nhiêu nỗi lo, không chỉ lo về tính mạng con người, mà còn lo về cái miếng cơm manh áo của gia đình họ đang còn ở trên cánh đồng kia, họ gian lao, cần cù suốt cả năm trời, để đánh đổi lại là sự mất trắng, rồi cả khi mưa lớn, hạn hán mất mùa họ cũng chẳng quản hi sinh thân mình làm mọi biện pháp giúp cây lúa chống hạn, chống úng… ai thấu được nỗi khổ này?. Nên có thể nói được vụ mùa cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi bưng chén cơm thơm dẻo, đầy kia chính là lúc thích hợp để nói lên lời này. Để khắc sâu trong tâm khảm chúng ta về cái nỗi cực khổ của người nông dân làm ra hạt gạo khó vô cùng, có khi phải đánh đổi bằng hàng bao nhiêu mồ hôi, thậm chí nước mắt đắng cay.

Bài ca dao nó không xa rời với cuộc sống mà nó gắn bó ngay từ cái nhỏ nhất, mang trong mình đầy bài học được đúc kết cẩn thận. Bài ca dao này nhắc chúng ta phải biết sống có tình người, luôn sống cho trọn ân nghĩa. Biết cảm thông, trân trọng, yêu quý người lao động vất vả làm ra những thứ ý nghĩa cho xã hội. Được thành quả phải luôn biết nhớ người làm ra nó. Đừng sống như những kẻ vô ơn, không biết nhớ biết quý trọng họ.

Đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cũng được đề cập đến, nó luôn đúng, nó là cội nguồn đạo lý tuyệt vời của dân tộc. Dù ở đâu, làm gì lòng kính trọng, nhớ ơn cũng là sự cần thiết trong mỗi nhân cách của con người, làm xã hội đi lên.

Ngày nay, những câu chuyện về truyền thống uống nước nhớ nguồn vẫn đang và đã và sẽ được kể mãi trong cộng đồng, và đang có rất nhiều những tấm gương xung quanh ta, nó vẫn diễn ra hàng ngày, dễ tìm, dễ thấy. Những biểu hiện của nó là sự trân trọng và biết ơn sâu sắc, biết bảo vệ, phát huy giá trị cao quý của đạo lý này. Những hành động đi ngược lại với nó cần được lên án và phê phán, toàn xã hội chung tay nâng cao trách nhiệm giáo dục. Để cho nó mãi ngời sáng, luôn luôn là suối nguồn đạo đức chảy mãi đến thế hệ sau.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:


viet-bai-tap-lam-van-so-7.jsp


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học