5+ Dàn ý Giải thích Thương người như thể thương thân (siêu hay)



Đề bài: Lập dàn ý giải thích câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân

Dàn ý - mẫu 1

A. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề: Tình yêu thương con người la một tình cảm cao đẹp, thiêng liêng và là yếu tố quan trọng giúp xây dựng một xã hội đoàn kết, văn minh.

- Nêu vấn đề và khái quát ý nghĩa câu tục ngữ: Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã khuyên nhủ chúng ta về lối sống yêu thương lẫn nhau giữa người với người.

B. Thân bài:

Luận điểm 1: Giải thích

- Thương người như thể thương thân: Yêu thương những người xung quanh như thương chính bản thân mình.

- Câu tục ngữ khuyên chúng ta cần phải có lòng thương người, yêu thương đồng loại như yêu thương chính bản thân mình và người thân của mình.

Luận điểm 2: Tại sao lại nói như vậy

- Trong cuộc sống, mỗi người không sống cô lập một mình mà sống trong một tập thể, một cộng đồng, vì vậy, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là một điều vô cùng cần thiết cho sự phát triển chung của xã hội.

- Những người trong gia đình là những người có chung dòng máu, chung gốc gác, tổ tiên, cha mẹ, vì vậy yêu thương nhau là một lẽ đương nhiên bởi “máu chảy ruột mềm”.

- Đến những người bạn bè, hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” là những người tuy không cùng máu mủ, huyết thống, nhưng lại là những người vui cùng ta lúc ta vui, đồng cảm, giúp đỡ ta khi ta gặp khó khăn, đôi khi tình cảm giữa những người tưởng chừng như xa lạ đó lại cũng vô cùng sâu nặng, thân thiết.

- Xa hơn, đến những con người không biết mặt, biết tên, khác miền khác dân tộc, nhưng tất cả lại cùng chung dòng máu Lạc Việt, cùng là con cháu Rồng Tiên, cũng được gọi với 2 tiếng thân thương: “đồng bào”. (Lấy ví dụ cả nước chung tay hướng về giúp đỡ đồng bào miền Trung khỏi thiên tai bão lũ)

- Lòng thương người không chỉ là yêu thương người thân ruột thịt, bạn bè làng xóm, đồng bào quê hương, mà rộng ra là yêu thương toàn nhân loại trên thế giới.

- Lòng thương người, tương thân tương ai chính là gốc rễ của tình thân ái, của lòng nhân nghĩa – truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Luận điểm 3: Bài học rút ra

- Tình thân ái, lòng yêu thương con người chính là sợi dây bền chặt kết nối những con người xa lạ lại với nhau, kể cả những người con xa quê, lưu lạc nơi đất khách quê người, cũng luôn hướng về đồng bào tổ quốc. Điều này tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, tạo ra sức mạnh dân tộc to lớn, giúp ta đánh thắng mọi kẻ thù tàn bạo để có được hòa bình độc lập ngày hôm nay.

- Lòng nhân ái, thương người được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng hành động cụ thể, bằng những nghĩa cử cao đẹp:

   + Sẵn sàng giúp đỡ, đồng cảm với những người gặp khó khăn, thiếu thốn.

   + Dù ở nơi nào vẫn luôn hướng về tổ quốc, chung tay bảo vệ đồng bào, kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ những người gặp khó khăn…

Luận điểm 4: Mở rộng vấn đề

- Vẫn còn những trường hợp vô tâm, ích kỉ, “khác máu tanh lòng”, bán nước hại dân,…

- Những người lợi dụng lòng thương của mọi người để trục lợi…

C. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị câu tục ngữ: Tình yêu thương con người chính là bài học quý giá mà ông cha ta răn dạy con cháu đời sau.

- Liên hệ bản thân: Chúng ta cần xây dựng và phát huy tình cảm tốt đẹp này bởi nó chính là kim chỉ nam quan trọng giúp hình thành những tình cảm, lối sống cao đẹp khác.

Dàn ý - mẫu 2

1. Mở bài: Dẫn dắt để giới thiệu nội dung vấn đề và trích dẫn câu tục ngữ.

2. Thân bài

- Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ.

+Thương thân: Yêu thương, chăm sóc, giữ gìn, quí trọng… bản thân mình.

+Thương người: Yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ…những người xung quanh.

→ Lời nhắn nhủ: Yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương, trân trọng chính bản thân mình.

- Phải “Thương người như thể thương thân” bởi:

+Không ai có thể sống đơn độc, lẻ loi mà cần phải có sự hòa nhập cộng đồng.

+Nhiều người có hoàn cảnh đáng thương cần sự chung tay giúp đỡ của người khác, của cộng đồng để có thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.

+Mọi người cùng tiến bộ, phát triển thì xã hội, đất nước cũng sẽ phát triển tốt đẹp hơn.

+Giúp đỡ người khác là niềm hạnh phúc, nó sẽ khiến ta thấy thanh thản hơn.

+Đây là nét đẹp truyền thống đạo đức của dân tộc ta.

- Tinh thần “thương người như thể thương thân” được thể hiện:

+Xem việc quan tâm giúp đỡ người khác là lẽ sống và phải xuất phát từ tình cảm chân thành, tự nguyện, tự giác.

+Giúp đỡ người khác bằng những việc làm thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

+Cần lên án, phê phán những người có lối sống ích kỉ, hẹp hòi…

+(Nêu dẫn chứng về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta trong chiến tranh; phong trào từ thiện hiện nay, đặc biệt là phong trào từ thiện của học sinh… để làm sáng tỏ những điều đã giải thích).

+Những việc đã, đang và sẽ làm của bản thân.

3. Kết bài

+Câu tục ngữ thể hiện một đạo lí đúng đắn.

+Lời khuyên.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân - mẫu 1

Lòng nhân ái và lối sống vị tha là những chuẩn mực đạo đức được dùng để đánh giá phẩm chất của con người. Từ ngàn năm nay ông cha ta vẫn luôn dạy dỗ con cháu những bài học làm người mà tới hiện tại vẫn còn lưu truyền dưới dạng là ca dao tục ngữ. Đó là cả kho tàng lớn lao chứa đựng nhiều bài học quí hơn vàng. Trong đó có câu “Thương người như thể thương thân” nói về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân ta.

Đầu tiên “thương thân” là ta tự biết cách yêu thương, chăm sóc, quan tâm bản thân mình. Tự quý trọng và gìn giữ thân thể và tinh thần. Biết rèn giũa bản thân ngày càng tốt hơn và hoàn thiện về nhiều mặt. Còn “thương người” chính là yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh chúng ta. Đó là sự thấu hiểu, sẻ chia. Hai cụm từ có sự liên kết do so sánh ngang bằng “như thể”. Chúng ta thường tự biết yêu thương bản thân, tự động viên, an ủi khi chán nản thất vọng. Vậy nên, cũng cần biết yêu thương, quan tâm tới người khác như chính với bản thân mình. Cũng chính vì vậy trong kho tàng ca dao tục ngữ không ít câu về lòng bác ái, tương trợ lẫn nhau như “Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống như chung một giàn”, “Anh em như thể chân tay”... Và còn ti tỉ hàng nghìn câu nói khác. Nhưng đều cùng là mục đích là yêu thương, chăm sóc thông cảm, sẻ chia, quan tâm buồn vui với người khác như đối với chính bản thân mình.

Không ai có thể sống cô độc, lẻ loi, tự cung tự cấp cho bản thân mình mà không hợp thành một tập thể hay một cộng đồng. Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương. Có thể lớn lao như cách mà Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, các anh hùng đã từng hy sinh vì chiến đấu bảo vệ dân tộc tổ quốc hay sự hỗ trợ của đồng bào đối với nhân dân miền Trung gặp lũ lụt. Nhưng cũng lại thật đơn giản như cách mà ta giúp đỡ cha mẹ, trò chuyện cùng ông bà, quan tâm chia sẻ buồn vui cùng bạn bè. Đôi khi sự yêu thương ấy chỉ gói gọn trong vài từ ngữ, hành động nhỏ.

Do đâu mà ông bà ta mong muốn tinh thần yêu thương, đoàn kết được phát huy? Chính là trong xã hội này đủ loại người. Không khó để thấy rằng một số người ích kỷ chỉ biết đến bản thân của họ. Họ đặt bản thân lên hàng đầu, là sự ưu tiên. Điều đó đúng không hề sai nhưng cách suy nghĩ và cách làm của học đã sai hoàn toàn. Họ yêu bản thân tới mức ích kỷ một cách ngu ngốc và tàn nhẫn. Chăm chăm vào quyền lợi cá nhân mà vô tình làm bao nhiêu người khốn khổ lao đao. Những kẻ ích kỷ vụ lợi chỉ có thể sống cô độc một mình, và không bao giờ có được sự đồng cảm từ người khác. Do đó “Thương người như thể thương thân” là một hồi chuông cảnh tỉnh bản ngã sai lầm, thức tỉnh lương tri của con người.

Trong quá khứ chúng ta đã rất nhiều lần đoàn kết để chống giặc. Cũng như tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Phải kể đến đó chính là nạn đói năm 1945 vị chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “một nắm khi đói bằng một gói khi no” và được nhân dân hưởng ứng một cách nhanh chóng và nhiệt liệt bằng cách gửi các hũ gạo đến các vùng có “giặc đói”. Đến tận ngày nay tinh thần đó vẫn được phát huy theo nhiều qui mô đa dạng nhất là trên các chương trình truyền hình hay các nhà hảo tâm tự phát. Và việc mà được chứng kiến rõ nhất là trong năm vừa rồi đạn dịch Covid 19 bùng phát mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết ấy càng thêm phát huy. Dù là người trong nước hay xuất ngoại đều mang một tinh thần tương thân tương ái. Và những y bác sĩ người đã xông lên tuyến đầu chống dịch, họ không ngại khó khăn gian khổ, nguy cơ nhiễm bệnh... Đó chính là “thương người như thể thương thân”.

Tình yêu thương là tình cảm thiêng liêng tốt đẹp nhất của con người. Nó mang đậm chất nhân văn và truyền thống của những con người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong mảnh đất hình chữ S. Cùng một dòng máu đỏ da vàng đã mang chúng ta trở nên gắn bó và yêu thương lẫn nhau. Giúp người cũng chính là cách để bản thân mình sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn bởi ở trong tâm hồn của mỗi người đều cảm thấy thanh thản và hạnh phúc khi làm việc tốt.

Tình yêu thương, sự chia sẻ giúp đỡ người khác phải xuất phát từ tấm lòng bác ái, chân thành, vị tha và tự nguyện. Cho đi nhưng không phải bố thí, hàm ơn hay đòi hỏi được nhận lại. Của cho không bằng cách cho. "Thương người" đúng cách và đúng như ý nghĩa ban đầu của nó đừng biến nó thành một cái danh nghĩa. Đừng để sự cho đi của bản thân trở thành một vụ lợi đầy toan tính. Không chỉ thế, hãy yêu thương theo cách của bản thân mình đừng biến nó thành một bảng xếp hạng "các nhà hảo tâm". Dựa trên khả năng của bản thân để thể hiện lòng nhân ái cũng không vì người khác mà ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân.

Như vậy “Thương người như thể thương thân” đã đúc kết ra một bài học đúng đắn về lối sống của mỗi con người chúng ta. Tinh thần đoàn kết và tấm lòng nhân ái vẫn còn giá trị to lớn trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Câu tục ngữ đã giúp chúng ta phát triển nhân cách và tâm hồn. Không chỉ vậy mà nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta cần được phát huy, gìn giữ và lưu truyền.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân - mẫu 2

Việt Nam vốn có những truyền thống tốt đẹp. Một trong số đó là tương thân tương ái được ông cha ta răn dạy qua câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.

Đầu tiên, “thương người” là sự yêu thương, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” chính là tự yêu thương lấy chính bản thân mình. Cách nói so sánh của câu tục ngữ giống như một lời khuyên nhủ dành cho con người, cần phải biết đồng cảm, chia sẻ, kính trọng và yêu quý những người xung quanh như yêu chính mình vậy.

Lời răn dạy ấy tuy đã ra đời cách đây hàng nghìn năm nhưng nó vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa. Điều này là hoàn toàn đúng đắn bởi trước hết là đây là truyền thống quý báu tốt đẹp của cha ông ta đã lưu giữ hàng ngàn đời nay. Là thế hệ tiếp bước chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Không chỉ vậy, trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi những lúc khó khăn, vấp ngã cần sự giúp đỡ, tương trợ từ những người xung quanh. Bởi vậy, cho đi hôm nay chính là nhận lại cho mai sau. Nếu bạn biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh, tự bản thân sẽ cảm thấy hạnh phúc, tâm hồn sẽ trở nên thư thái, thanh thản.

Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu thương. Đó có thể những hành động vĩ đại thể hiện tấm lòng yêu thương rộng lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì tình yêu thương đồng bào, dân tộc mà đã không quản thân mình ra đi tìm đường cứu nước. Suốt ba mươi năm bôn ba người ngoài để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Đó cũng có thể là hành động của những người chiến sĩ dũng cảm ngã xuống giành lại tự do cho tổ quốc: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nhưng đôi khi tình yêu thương lại thật giản dị, nhỏ bé, là lời nói con yêu mẹ, con cảm ơn ông bà; là sự giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình; là giúp đỡ những người bị nạn, những đứa trẻ bị lạc đường…

Tình yêu thương có tầm quan trọng là vậy, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn bắt gặp không ít những kẻ sống vô cảm. Họ lặng lẽ đi qua những người bị thương nặng, họ dừng chân nhưng lại rút điện thoại để quay phim chụp hình, hoặc họ lượm nhặt đồ của người bị thương rồi bỏ đi trong lòng đầy đắc ý… Thậm chí có người còn còn thờ ơ với chính tương lai của mình, không trau dồi, không học tập, cứ vậy để mặc cho dòng đời xô đẩy. Những con người như vậy sẽ chỉ sống trong một thế giới lạnh lẽo không có hơi ấm tình người.

Đối với một học sinh, tấm lòng tương thân tương ái có thể xuất phát từ những điều vô cùng nhỏ bé. Những hành động như giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm và kính trọng ông bà cha mẹ thầy cô…

Mỗi người hãy ghi nhớ câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” giống như một bài học quý giá. Bởi “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” (Để gió cuốn đi, Trịnh Công Sơn).

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân - mẫu 3

Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tương thân tương ái. Ngay từ tấm bé, chúng ta đã được ông bà, bố mẹ khuyên dạy về bài học “Thương người như thể thương thân”.

“Thân” ở đây là từ chỉ bản thân chúng ta. Còn “người” là những người xung quanh ta mà ta gặp được. Tác giả đã dùng hình ảnh so sánh “như” - hình ảnh so sánh ngang hàng, tương xứng giữa người và ta, đã trực tiếp truyền đạt bài học mà cha ông muốn nhắn gửi: hãy yêu thương mọi người như ta yêu thương chính bản thân mình.

Tình yêu thương ấy là cách nói chung của tình cảm, suy nghĩ và cách hành xử của chúng ta đối với những người xung quanh. Điều gì ta cho là tốt đẹp, mong muốn được nhận từ người khác thì hẵng làm với những người xung quanh. Ngược lại, cái gì ta cho là xấu xa, muốn tránh khỏi thì đừng gây với người khác. Giống như em không thích bị người ta nói xấu về những khuyết điểm của mình, thì cũng không nên bàn tán về ngoại hình của bạn. Hay như em luôn muốn được bạn bè yêu quý, giúp đỡ khi gặp khó khăn thì hãy yêu thương và chủ động giúp đỡ bạn bè nếu có thể.

Việc luôn yêu thương và giúp đỡ mọi người là hành động của từng cá nhân. Nhưng nó lại có một sức mạnh vô cùng to lớn. Đầu tiên, nó giúp những cá nhân ấy được vượt qua cô đơn, khó khăn. Giúp chúng ta cảm thấy bình yên, hạnh phúc. Sau đó, tình yêu thương ấy được lan tỏa hơn, giúp truyền cảm hứng yêu thương đến mọi người. Từ đó, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, tạo nên một tập thể đoàn kết, biết yêu thương và quan tâm đến nhau.

Câu tục ngữ đã gián tiếp lên án, phê phán những kẻ ích kỉ, chỉ biết cho bản thân mình. Lúc nào cũng muốn nhận phần hơn, phần tốt đẹp về cho mình, còn cái xấu, cái khó khăn thì đùn đẩy cho người khác. Đó còn là những kẻ không có tình yêu thương, thấy người khác gặp khó khăn, hoạn nạn, dù có khả năng giúp đỡ nhưng vẫn bàn quan, mặc kệ. Thật đáng căm ghét và xấu hổ thay.

Hiện nay, xã hội đã có nhiều biến đổi, nhưng ý nghĩa của bài học về tình yêu thương giữa con người với con người trong câu tục ngữ Thương người như thể thương thân thì vẫn còn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân - mẫu 4

Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được lớn lên trong những bài học giản dị nhưng giàu giá trị nhân văn của ông bà, bố mẹ. Đó là những bài học được ẩn chứa trong các câu ca dao, tục ngữ. Trong đó, em nhớ nhất là bài học đầu tiên của mình “Thương người như thể thương thân”.

Câu tục ngữ xuất hiện hai lần từ “thương” trên tổng số sáu từ ít ỏi. Qua đó nhấn mạnh với người nghe, người đọc về cốt lõi của câu nói: tình yêu thương. Từ đó, câu tục ngữ nhắn nhủ với chúng ta rằng, hãy yêu thương những người xung quanh mình giống như đang yêu thương chính bản thân mình vậy.

Vì sao ư? Chính bởi vì trong cuộc sống này, ai cũng sẽ có lúc yếu lòng, sẽ có lúc gặp khó khăn, bất hạnh. Những trắc trở ấy không chỉ là bệnh tật, kinh tế, mà còn là những thiếu thốn về tình cảm, về hoài bão. Những lúc ấy, sự yêu thương, quan tâm, trợ giúp từ người khác thật vô cùng đáng quý. Đó có thể là những thứ vật chất to lớn, quý giá, nhưng đôi khi chỉ là một lời động viên, một cái ôm, một ánh mắt tin tưởng là đã tuyệt vời lắm rồi. Và đơn giản hơn nữa, thì chỉ cần chúng ta không làm hại ai, không làm gì xấu gây ảnh hưởng đến người khác thì cũng là một điều tốt rồi. Đôi khi, chúng ta không nên suy nghĩ quá phức tạp về cách thể hiện tình yêu thương với người khác. Mà chỉ cần nhìn vào chính mình thôi. Cái gì ta không muốn gặp phải, không muốn bị đổi xử như thế thì không làm với người khác và ngược lại.

Chính nhờ đó, mà những con người trong phút yếu đuối sẽ có thêm động lực, sẽ được tiếp thêm niềm tin để vượt qua khó khăn. Không chỉ như thế, tình yêu thương ấy, sự sẻ chia ấy còn gắn kết con người ta lại gần với nhau hơn. Để không ai phải lạc lõng, không ai bị bỏ lại phía sau. Từ đó, tạo nên một khối đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, dần xuất hiện một nhóm người sống thiếu đi tình thương, học sống độc ác và vô cảm. Họ mặc nhiên trước nỗi đâu khổ của đồng bào, bất chấp tất cả chỉ vì lợi lộc của cá nhân mình. Thậm chí còn lợi dụng nỗi đau ấy để trục lợi, làm giàu. Cùng với đó, là những người sống chỉ biết bo bo giữ lấy mình, thấy người gặp khó khăn, dù có thể giúp đỡ nhưng vẫn lạnh lùng bỏ đi. Thật đáng lên án thay.

Dù vậy, đo cũng chỉ là con số ít. Đồng bào ta vẫn sống tràn đầy tình yêu thương, vẫn luôn đoàn kết và trân trọng nhau. Đó chính là sức mạnh của bài học “Thương người như thể thương thân” mà cha ông ta vẫn luôn nhắn nhủ con cháu.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:


viet-bai-tap-lam-van-so-7.jsp


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học