5+ Dàn ý Giải thích Lá lành đùm lá rách (siêu hay)



Đề bài: Lập dàn ý giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách.

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Dàn ý Giải thích Lá lành đùm lá rách - mẫu 1

A. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề: Ca dao, tục ngữ là kho tàng quý báu mà ông cha ta để lại cho thế hệ sau.Mỗi câu ca dao, tục ngữ đều là kinh nghiệm, lời khuyên từ các thế hệ đi trước cho con cháu sau này.

- Nêu vấn đề: Trong số đó, câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” là bài học quý giá về tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa người với người trong xã hội.

B. Thân bài:

Luận điểm 1: Giải thích

- Nghĩa đen: Lá lành che chở, bao bọc lá rách khỏi những tác động xấu từ môi trường

- Nghĩa bóng:

   + Lá lành: Chỉ những người có cuộc sống đầy đủ, khỏe mạnh trong xã hội

   + Lá rách: Chỉ những người có cuộc sống thiếu thốn, khiếm khuyến về cả vật chất, tinh thần, sức khỏe…

   + đùm: bao bọc, giúp đỡ, cưu mang, chia sẻ…

⇒ Nghĩa bóng: Những người có cuộc sống đầy đủ cần biết đùm bọc, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong cuộc sống, con người phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Luận điểm 2: Tại sao lại phải sống đùm bọc, yêu thương lẫn nhau

- Câu tục ngữ là lời khuyên dạy của ông cha ta về lối sống yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Đây cũng là một trong những phẩm chất quý báu của người dân Việt Nam.

- Trong cuộc sống, mỗi người không sống cô lập một mình mà sống trong một tập thể, một cộng đồng, vì vậy, sự sẻ chia, đoàn kết là vô cùng cần thiết để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

- Khi một người gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn (vật chất, tinh thần, sức khỏe) thì những người xung quanh cần có sự đồng cảm, giúp đỡ, đùm bọc để họ có thể cố gắng vượt qua hoàn cảnh, nỗi đau. Có như vậy, xã hội mới trở nên văn minh và ngày càng phát triển.

- “Cho đi là nhận lại”, nếu chúng ta biết đùm bọc, giúp đỡ những người gặp khó khăn thì không chỉ tự ta thấy thoải mái trong lòng mà còn được những người xung quanh cũng sẽ tin tưởng, quý mến, và tôn trọng. Và chắc chắn trên con đường đời, nếu không may ta gặp khó khăn thì cũng sẽ có những bàn tay đưa ra giúp đỡ ta vượt qua tất cả.

(Lấy dẫn chứng khi đồng bào miền Trung gặp bão lũ…)

- Ngược lại, nếu trước những sự khó khăn, thiếu thốn của người khác mà ta dửng dưng, vô cảm, ích kỉ thì chắc chắn sẽ bị nhận lại những “quả báo” khôn lường.

Luận điểm 3: Làm thế nào để rèn luyện lối sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau

- Rèn luyện đạo đức, phẩm chất, lối sống cao đẹp.

- Luôn sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn bằng các hành động cụ thể, nghĩa cử cao đẹp.

- Kêu gọi giúp đỡ những cảnh ngộ khó khăn ở địa phương và trên khắp mọi miền đất nước.

Luận điểm 4: Mở rộng vấn đề

- Phê phán những người có lối sống ích kỉ, chỉ biết lo cho bản thân mình, vô cảm, dửng dưng trước những khó khăn, bất hạnh của người khác.

- Phê phán những người lợi dụng tình thương của mọi người để ỷ lại, lười biếng, chỉ muốn nhận sự giúp đỡ của người khác mà không biết cố gắng vươn lên.

C. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị của câu tục ngữ: Câu tục ngữ còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, trở thành truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc ta.

- Bài học rút ra và liên hệ bản thân: Chúng ta cần phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp này.

Dàn ý Giải thích Lá lành đùm lá rách - mẫu 2

a. Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ Lá lành đùm là rách

Mẫu: Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn tự hào gìn giữ truyền thống quý báu tương thân tương ái. Chính vì thế, rất nhiều các câu ca dao, tục ngữ nhằm ca ngợi, truyền dạy về truyền thống ấy đã được sáng tác. Trong đó, không thể không nhắc đến câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách.

b. Thân bài:

- Giải thích:

+Lá lành: người có sức khỏe, điều kiện đầy đủ

+Lá rách: người kém may mắn, thiếu thốn về vật chất, sức khỏe

→ Những người có điều kiện đầy đủ, khỏe mạnh nên giúp đỡ, đùm bọc, chở che cho những người kèm may mắn hơn

- Bàn luận:

+Nên giúp đỡ người khác vì đây là một hành động đẹp, thể hiện phẩm chất tốt, tinh thần thương người của nhân dân ta

+Giúp những người không may gặp khó khăn vượt qua được và vươn lên trong cuộc sống

+Giúp mọi người tiến lại gần nhau hơn, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng

- Biểu hiện (dẫn chứng):

+Người dân cả nước quyên góp thức ăn, tiền bạc, sức người, xe vận chuyển để cứu trợ đồng bào miền Trung trong cơn lũ lịch sử

+Những đợt từ thiện tặng áo quần, sách vở, tiền, thức ăn… cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn

+Các làng trẻ em SOS, viện dưỡng lão cho người già không nơi nương tựa do mọi người cùng quyên góp, chung tay xây dựng

- Biện pháp (giải pháp:

+Tuyên truyền về truyền thống Lá lành đùm lá rách qua các bài hát, bộ phim, câu chuyện, bài báo…

+Giáo dục về tình yêu thương, giúp đỡ đồng bào cho học sinh, trẻ em từ khi còn nhỏ

+Phê phán, lên án những người sống ích kỉ thiếu tình yêu thương…

c. Kết bài: Suy nghĩ, đánh giá của em về câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Dàn ý Giải thích Lá lành đùm lá rách - mẫu 3

a. Mở bài: Giới thiệu về câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách.

b. Thân bài:

- Giải thích:

+Lá lành: những chiếc lá nguyên vẹn → Chỉ những người có cơ thể đầy đủ, có hoàn cảnh sống đủ đầy, không gặp thiếu thốn hay bất hạnh

+Lá rách: những chiếc lá đã bị tổn thương, không còn nguyên vẹn → Chỉ những người có cuộc sống khó khăn, bất hạnh, gặp phải nguy nan

→ Câu tục ngữ khuyên nhủ chúng ta nên biết quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp điều không may trong cuộc sống

- Vì sao cần phải quan tâm giúp đỡ người khác?

+Vì có những người khi sinh ra đã kém may mắn hơn người khác, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, thể xác… cần được giúp đỡ, chia sẻ

+Có những người trong cuộc sống không may gặp điều xui xẻo, cũng rất cần được hỗ trợ, sẻ chia

+Có những người đôi khi chỉ là có những lúc buồn bã, cảm thấy trống vắng, thiếu thốn và chênh vênh cần được tâm sự, giãi bày

→ Ai cũng có lúc yếu lòng, khó khăn cần được giúp đỡ, nên hãy chia sẻ với người khác khi họ cần đến chúng ta

- Ý nghĩa của việc quan tâm, giúp đỡ người khác:

+Giúp những người đang gặp khó khăn, mệt mỏi được giúp đỡ vượt qua giờ phút nguy khốn

+Giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi đã làm được việc tốt

+Giúp chúng ta trở thành người được mọi người yêu quý, kính trọng

+Giúp cộng đồng trở nên đoàn kết và hạnh phúc hơn

- Mở rộng vấn đề:

+Phê phán những người sống vô cảm, không biết quan tâm, giúp đỡ người khác

+Phê phán những người lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi cho bản thân

- Liên hệ bản thân:

+Em đã từng được ai giúp đỡ khi gặp khó khăn? Cảm xúc của em khi đó?

+Em đã từng giúp đỡ ai chưa? Vì sao em lại làm như vậy?

+Em đã từng khuyên nhủ, nhắn nhủ bài học Lá lành đùm lá rách cho ai quanh mình chưa?

c. Kết bài: Suy nghĩ, đánh giá của em về tính đúng đắn của câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách - mẫu 1

Những ngày lễ Tết, hội hè ở nước ta, bao nhiêu phụ nữ khéo tay đã gói ghém, làm ra những chiếc bánh ngon, đẹp. Trong vườn, bên ao, họ truyền cho nhau một kinh nghiệm giản dị: Lá lành đùm lá rách. Ta hãy cùng giải thích câu tục ngữ này nhé.

Trước hết, đây là một câu nói rất gợi hình. Lá lành là những chiếc lá còn tươi tốt, nguyên vẹn, chưa bị gió lay hay giập rách. Ngược lại, lá rách là những chiếc lá tả tơi vì gió hoặc các vật cứng va chạm vào. Lá lành đùm lá rách gợi ta liên tưởng đến hành động gói bánh. Trong lúc thiếu lá, nhân dân ta thường đặt lá rách, lá nhỏ vào giữa, trong cùng. Còn bên ngoài chiếc bánh là những chiếc lá tươi xanh, nguyên vẹn.

Câu "Lá lành đùm lá rách" còn gợi ý nghĩa sâu xa hơn. Lá lành tượng trưng cho hình ảnh những người có cuộc sống yên lành: có tiền của, no ấm hoặc mạnh khỏe. Ngược lại, lá rách ví với những người nghèo khổ, đói rét, đau ốm hoặc hoạn nạn. Như vậy, cả câu "Lá lành đùm lá rách" là một lời khuyên nhủ của người xưa với chúng ta: những người may mắn, mạnh khỏe, no ấm hãy biết cưu mang, giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn, thiếu thốn...

Xã hội hôm nay đã phát triển. Nhưng đâu phải bây giờ đã hết kẻ đói nghèo, khốn khổ, hoạn nạn, do vậy, rất cần sự tương thân, tương ái. Đây là đạo lí làm người và lòng nhân ái cao cả đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Trong xã hội, không ai có thể sống tách biệt một mình mà tồn tại được. Dẫu một người có đầy đủ sức khỏe, tiền bạc nhưng cũng có khi gặp hoạn nạn, sống giữa thiên nhiên lại càng rủi ro hơn vì những thiên tai nghiệt ngã. Dù giàu hay nghèo, lành hay rách, trước một quả bom của giặc ngoại xâm hay một trận thiên tai, thì máu nào cũng đỏ, xương nào cũng trắng. Không ai có thể làm ngơ trước những vết thương và tiếng khóc. Lòng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn chính là cơ sở tạo tình đoàn kết, thân ái, ràng buộc chặt chẽ các thành viên trong xã hội. Đó là sức mạnh vô song giúp con người sống qua những ngáy ác liệt nhất trong đời:

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững vàng bà dặn cháu đinh ninh
Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày chớ viết thư kể này, kề nọ...

                                            (Bếp lửa - Bằng Việt)

Suy rộng hơn nữa, câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" không chỉ là lời khuyên "hãy giúp người" mà thực ra, giúp người chính là giúp mình. Vì sao vậy? Nếu muốn toàn xã hội như một cái bánh thơm ngon thì một chiếc lá lành không làm được gì cả. Chiếc lá lành phải đùm lá rách mới làm cho chiếc bánh chắc và thơm ngon. Vậy khi chiếc lá rách an toàn thì chiếc lá lành cũng bình yên. Hơn nữa, khi ta đem lại hạnh phúc, niềm vui cho người khác cũng chính là lúc lòng ta dâng lên một niềm hạnh phúc như câu danh ngôn nổi tiếng: "Niềm hạnh phúc của một người là đem lại niềm vui cho nhiều người". Thật vậy, qua những lần bão lụt ở miền Trung hoặc lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền của để cứu trợ đồng bào gặp nạn. Họ xem đó là niềm vui vì được chia sẻ nỗi đau cùng đồng bào. Tinh thần tự nguyện ấy thật đáng quý.

Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" giản dị mà sâu xa, đơn sơ mà có giá trị lâu bền. Đó là một trong những nền tảng đạo đức của dân tộc Việt Nam, chứa đựng tinh thần nhân ái, nhân bản cao cả. Em sẽ luôn luôn ghi nhớ câu tục ngữ này và thực hiện thật tốt trong mọi hoàn cảnh.

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách - mẫu 2

Từ xa xưa đến nay, dân tộc ta vẫn giữ vẹn nguyên truyền thống tương thân tương ái. Truyền thống tốt đẹp ấy, đi vào từng thế hệ, từng lớp người thông qua câu tục ngữ ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa lớn lao: Lá lành đùm lá rách.

Lá lành ở đây dùng để chỉ những con người, những hoàn cảnh có điều kiện, cuộc sống đầy đủ, khỏe mạnh. Ngược lại, những số phận kém may mắn hơn, gặp khó khăn, bất hạnh, thiếu thốn chính là những chiếc lá rách. Như vậy, qua hai hình ảnh ẩn dụ đó, ông cha muốn gửi gắm tới chúng ta rằng, hãy yêu thương, đùm bọc, chia sẻ với những số phận, cuộc đời kém may mắn hơn mình. Giống như những chiếc lá lành đùm lại bên ngoài cho những chiếc lá rách.

Vậy, vì sao trong cuộc sống, ta lại cần phải giúp đỡ, sẻ chia với người khác? Điều đấy tưởng như khó hiểu, nhưng lại thật dễ hiểu. Bởi, mỗi chúng ta, đều sống với tình yêu thương và nhân ái. Ngay từ khi sinh ra đến khi lớn lên, ta được sống trong tình người, được dạy phải quan tâm đến người khác. Điều đó tạo thành nét truyền thống, tạo thành thói quen, lối sống. Hành động đùm bọc, san sẻ cho nhau trong cộng đồng dần trở nên bình thường như một lẽ tất yếu. Sâu xa hơn nữa, sự giúp đỡ, san sẻ lại diễn ra thường xuyên và quan trọng đến thế, chính bởi vì chúng ta là con người. Nghĩa là chúng ta không phải là thần thánh, nên sẽ có lúc gặp khó khăn, thiếu thốn, sai lầm và yếu đuối. Ai rồi cũng sẽ có lúc cần được sẻ chia, được giúp đỡ. Như một chàng trai khỏe mạnh, cũng sẽ có lúc bị ốm, cần người chăm sóc. Như một tiến sĩ tài ba, cũng có lúc gặp khó khăn với một vấn đề cần nhiều người cùng chung sức. Hay như một cậu bé, có ngoan cường, mạnh mẽ đến đâu cũng cần cha mẹ, người thân thương yêu, chăm sóc.

Sự đùm bọc, sẻ chia ấy giúp cho mỗi người trong chúng ta bình tâm hơn, yên lòng hơn trong từng giây phút. Khi ta biết được rằng, nếu gặp khó khăn, đau buồn, thất bại, thì vẫn sẽ có một chỗ dựa nào đấy, vẫn sẽ có một bờ vai nào đó cho ta dựa vào, che chở cho ta. Thật ấm áp và hạnh phúc biết bao. Khi cả cộng đồng này luôn sẵn lòng chở che và giúp đỡ nhau.

Tuy ý nghĩa của sự đùm bọc vô cùng to lớn, nhưng để làm nên nó thì lại chẳng khó khăn chút nào. Thật sai lầm khi cho rằng chỉ có những người giàu có, thành công, mới có thể đùm bọc, chở che cho số phận khác. Vì chỉ cần là một cánh tay đưa ra đã là sự giúp đỡ rồi. Đơn cử, chính là những ngày tháng mười vừa qua, khi khúc ruột miền Trung oằn mình trong mưa lũ. Hàng trăm con người thoi thóp cầu cứu. Cả nước ta đã cùng nhau chung sức giúp đồng bào ra khỏi khổ ải. Ai có gì giúp nấy. Người có sức giúp sức, người có của giúp của, người có thời gian giúp thời gian. Điều đó thể hiện rõ qua những chuyến xe vận chuyển đồ tiếp tế không lấy tiền. Những người ngư dân đem thuyền của mình ra làm phương tiện di chuyển vùng ngập lụt. Những người dân ngày đêm nấu cơm tiếp tế cho người dân và người cứu hộ. Những bài báo, những bài đăng kêu gọi toàn dân hướng về miền Trung yêu dấu. Và cả những người dân ra sức ủng hộ tiền, đồ vật, cùng cả những suất cơm nóng hổi tự mình nấu. Không chỉ lá lành đùm lá rách. Trong những ngày ấy, dân ta còn sống theo tôn chỉ lá rách ít đùm lá rách nhiều. Những ngôi nhà hai tầng, cao hơn, khang trang hơn thì sẵn sàng là nơi nương tựa của những hộ gia đình ở nơi thấp trũng, cùng nhau san sẻ khó khăn. Thật ấm áp xiết bao.

Tuy nhiên, cùng với đó, vẫn có những con người sống mà thiếu đi tình thương, thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Họ sống lạnh lùng và vô cảm. Như những người nhìn thấy tai nạn, có người bị thương vẫn dửng dưng bỏ đi. Hay có người từ chối mọi lời nhờ giúp đỡ của người khác dù nó chẳng là gì với bản thân mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phê phán những người luôn cho rằng sự giúp đỡ, đùm bọc của người khác là hiển nhiên, là tất yếu, mà không biết cảm ơn và tự phấn đấu về sau. Luôn chực chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài mà chẳng chịu nỗ lực vươn lên. Đó là những trường hợp thật đáng chê trách và cần thay đổi ngay.

Là một học sinh, từ nhỏ, em đã được bố mẹ, thầy cô và người thân nhắn nhủ về tình yêu thương, đùm bọc những số phận khác. Tuy tuổi nhỏ, nhưng em đã luôn nỗ lực hết mình. Em giúp bạn cùng lớp chép bài khi bạn ấy bị ốm, em chở em nhỏ hàng xóm đi học khi mẹ em ấy bận, em giúp cụ già xách đồ… Và bản thân em, cũng đã nhiều lần nhận được sự giúp đỡ của người khác. Như những phần quà ý nghĩa vào đầu năm học, những lần được cô chú hàng xóm đón về nhà, những lần bị ốm được mọi người chăm sóc, yêu thương… Thật là ấm áp và hạnh phúc.

Em mong rằng, dù thế giới có nhiều đổi thay, xoay vần, thì người dân ta vẫn sẽ mãi cùng nhau chung sống trong bầu yêu thương, san sẻ và đùm bọc lẫn nhau như thế này. Giống như là ông cha ta đã dạy:

Lá lành đùm lá rách
Lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách - mẫu 3

Từ bao đời nay, nhân dân ta luôn yêu thương, đùm bọc, quan tâm nhau, là một khối đại đoàn kết. Đúng như những gì cha ông ta đã dặn dò “Lá lành đùm lá rách”.

Khi một chiếc lá bị rách, bị hở thì dùng một chiếc lá lành lặn hơn để che lại giúp chiếc lá rách. Điều này thật vô cùng quen thuộc đến hiển nhiên trong cách sống và sinh hoạt của mọi người. Đó cũng là hình ảnh dùng để ẩn dụ trong câu tục ngữ của cha ông. Qua hình ảnh chiếc lá lành và chiếc lá rách, cha ông muốn nhắn nhủ đến chúng ta về sự đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Rằng, người có cuộc sống đủ đầy, thì san sẻ cho người thiếu thốn. Người có cuộc sống thoải mái, thì giúp đỡ người đang gặp khó khăn, bất hạnh. Đó chính là tình người.

Trong cuộc sống, có muôn ngàn con người, muôn ngàn số phận, muôn ngàn mảnh đời. Mỗi mảnh ghép ấy lại có những trải nghiệm khác nhau. Có người sinh ra đủ đầy về vật chất nhưng thiếu thốn về tình cảm; có người đủ đầy về tình cảm thì lại thiếu thốn về vật chất. Có người sinh ra toàn vẹn, có người khuyết thiếu một số bộ phận. Và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, thật chẳng hiếm gì những khó khăn, trắc trở. Vậy nên, sự giúp đỡ, san sẻ từ người khác thực sự rất quý trọng và cần thiết. Khi nhìn thấy người khác gặp khó khăn, nếu có thể giúp thì chúng ta hãy giúp, đừng băn khoăn hay tiếc nuối một điều gì cả. Bởi giúp người khác cũng chính là đang giúp chính mình. Đôi khi chỉ một hành động nhỏ của chúng ta cũng có thể đem đến những điều tốt đẹp cho người khác.

Khi mọi người biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, thì ai cũng sẽ được hạnh phúc. Cơ hội vượt qua những khó khăn thiếu thốn sẽ nhiều hơn cho các mảnh đời bất hạnh. Giống như khi bạn vấp ngã, được một người đỡ dậy và nhặt giúp những món đồ bị rơi vỡ. Hay như vào giờ kiểm tra, bút của bạn hết mực và được một bạn khác cho mượn bút viết để kịp hoàn thành bài thi. Lớn lao hơn nữa, là những hành động quyên góp giúp đồng bào vùng lũ khắc phục các hậu quả nặng nề. Hay như các chương trình quyên góp ủng hộ hội khuyến học, hội chữ thập đỏ giúp các em nhỏ được đến trường. Tất cả những việc làm ấy đều xuất phát từ tình yêu thương chân thành, từ truyền thống lá lành đùm lá rách.

Tuy nhiên hiện nay, xuất hiện một nhóm người có trái tim vô cảm. Họ chỉ biết giữ cho mình mà không biết chia sẻ hay giúp đỡ người khác. Thậm chí họ còn từ chối những lời nhờ giúp đỡ một cách dứt khoát dù có thể làm được. Thật là đáng buồn. Hay có một bộ phận thường xuyên giả vờ có khó khăn, để lợi dụng sự giúp đỡ của người khác. Những hiện tượng ấy tuy là thiểu số những vẫn khiến cho xã hội chúng ta có những mảnh tối. Để thay đổi được hiện trạng đáng buồn này, chúng ta cần phải có những chương trình tuyên truyền và giáo dục cụ thể. Đặc biệt là trong các chương trình học, để mọi người đều hiểu rằng hạnh phúc là cho đi. Để ai cũng thấm nhuần được bài học “lá lành đùm lá rách” mà cha ông ta đã để lại.

Là một học sinh, em luôn cố gắng học tập và rèn luyện tốt. Em luôn cố gắng quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh trong khả năng của mình. Em giúp bạn trực nhật khi bạn bị ốm, giúp cô giáo ôm chồng sách về phòng giáo vụ khi cô có quá nhiều đồ, giúp bác lao công quét lá ở trên sân sau giờ học… Điều đó không chỉ giúp đỡ được cho người khác mà còn khiến em cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc nữa.

Em mong rằng, rồi mọi người ai cũng sẽ thấm nhuần bài học Lá lành đùm lá rách mà cha ông vẫn gửi gắm, để ai cũng được giúp đỡ khi cần, hỗ trợ khi thiếu thốn. Như vậy, xã hội sẽ bình yên và hạnh phúc.

Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách - mẫu 4

Từ lâu, tinh thần tương thân tương ái đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy mà ông cha ta mới có câu “Lá lành đùm lá rách” như một lời khuyên nhắc nhở con cháu phải giữ gìn truyền thống này.

Câu tục ngữ đã sử dụng hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Chúng ta thường sử dụng lá để gói bánh hay các loại đồ ăn khác. Nhưng chúng khá mỏng nên thường phải dùng nhiều lớp lá để không bị rách, giữ cho đồ ăn ở bên trong còn nguyên vẹn. Nếu xét theo nghĩa bóng, “lá lành” chỉ người có cuộc sống khá giả, “lá rách” chỉ người có cuộc sống khó khăn. Với hình ảnh “Lá lành đùm lá rách”, ông cha ta muốn nhắn nhủ con người phải biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng. Có người sống sung sướng, hạnh phúc. Cũng có người phải chịu khó khăn, khổ cực. Và trong một xã hội, chúng ta cần phải biết sẻ chia với nhau. Bởi con người không thể sống một mình, mà cần có sự chia sẻ với những người xung quanh. Bởi vậy mà dân tộc Việt Nam vẫn luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái. Những chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam hay người khuyết tật vẫn luôn được thực hiện. Các chương trình ý nghĩa như “Trái tim cho em”, “Cặp lá yêu thương”... đã giúp đỡ được rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Nhưng đôi khi, tinh thần đó được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, từ những hành động rất nhỏ như sự chia về vật chất (cơm ăn, áo mặc, tiền bạc…) hay sẻ chia về tinh thân (những lời nói động viên, ánh mắt an ủi…).

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều người có lối sống vô cảm. Họ thờ ơ với cuộc sống khó khăn của người khác. Họ chỉ biết nghĩa đến lợi ích cá nhân của bản thân mình, thậm chí có những hành động gây hại đến cuộc sống của những người xung quanh. Những người như vậy sẽ chỉ sống trong sự cô đơn, không có được tình yêu thương của những người xung quanh. Chắc chắn khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ cũng sẽ không nhận được sự giúp đỡ của người khác.

Đối với một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, nhờ có sự dạy dỗ của cha mẹ và thầy cô mà tôi luôn giữ cho mình một trái tim biết sẻ chia, yêu thương. Trao đi yêu thương để lan tỏa yêu thương rộng hơn.

Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” chính là một lời khuyên quý giá cho mỗi người chúng ta. Thế giới sẽ ngày một tốt đẹp hơn nếu con người biết sẻ chia, yêu thương.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:


viet-bai-tap-lam-van-so-7.jsp


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học