Sơ đồ tư duy Qua đèo ngang (dễ nhớ, hay nhất)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 7, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy Qua đèo ngang dễ nhớ, hay nhất với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Qua đèo ngang sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài Qua đèo ngang.

A. Sơ đồ tư duy Qua đèo ngang

B. Tìm hiểu bài Qua đèo ngang

I. Tác giả

- Bà Huyện Thanh Quan (? - ?) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỉ XIX.

- Quê quán: làng Nghi Tàm, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.

- Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan (thuộc Thái Ninh), tỉnh Thái Bình, do đó mà có tên gọi Bà Huyện Thanh Quan.

- Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa, hiện còn để lại sáu bài thơ Đường luật.

- Thơ bà thể hiện lòng yêu mến cảnh quan thiên nhiên, đất nước và tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay. Tác phẩm nào của bà cũng buồn thương da diết, trang nhã và rất điêu luyện.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Thơ thất ngôn bát cú Đường luật

2. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được sáng tác khi bà từ trên đường từ Bắc Hà vào Huế nhận chức “Cung Trung giáo tập”.

3. Bố cục: 4 phần 

- Phần 1: (2 câu đề): Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang.

- Phần 2: (2 câu thực): Cuộc sống của con người ở Đèo Ngang.

- Phần 3: (2 câu luận): Tâm trạng của tác giả.

- Phần 4: (2 câu kết): Nỗi cô đơn đến tột cùng của tác giả.

4. Giá trị nội dung

Bài thơ “Qua Đèo Ngang” cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn hoang sơ; đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà, nỗi buồn thầm lặng, cô đơn của tác giả.

5. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.

- Sử dụng từ láy gợi hình gợi cảm và nghệ thuật đối lập, đảo ngữ.

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang

- Thời gian: xế chiều – thời điểm dễ gợi nên nỗi buồn cô đơn, sự trống vắng.

- Không gian: Đèo Ngang – một con đèo hùng vĩ, phân chia hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, là ranh giới phân chia Đàng trong và Đàng Ngoài ngày xưa.

- Cảnh vật:

+ Các sự vật: cỏ cây, lá, đá, hoa.

+ Động từ: chen – lẫn vào nhau, không ra hàng ra lối, động từ “chen” chen vào giữa hai câu thơ gợi cảnh tượng rậm rạp, hoang sơ, hắt hiu.

2. Cuộc sống con người ở Đèo Ngang

- Nghệ thuật đảo ngữ:

+ Lom khom dưới núi tiều vài chú

+ Lác đác bên sông chợ mấy nhà

⇒ Nhấn mạnh sự ít ỏi, nhỏ nhoi của sự sống ở giữa cảnh vật thiên nhiên rộng lớn, hoang sơ.

⇒ Hình ảnh con người hiện lên thưa thớt, ít ỏi làm cho cảnh vật thêm hoang vắng, tiêu điều. Qua đó, gợi cảm giác buồn hiu, vắng lặng của tác giả.

3. Tâm trạng của tác giả

- Âm thanh của chim quốc quốc, gia gia cũng chính là tiếng lòng của tác giả thiết tha, da diết nhớ nhà, nhớ quá khứ của đất nước.

- Câu thơ như một tiếng thở dài của tác giả.

⇒ Tâm trạng nhớ nước, nhớ nhà, nhớ quê hương của tác giả. Đó cũng chính là tâm trạng hoài cổ của nữ sĩ.

4. Nỗi cô đơn tột cùng của tác giả

- Con người nhỏ bé, lẻ loi, cô đơn, một mình đối diện với cả vũ trụ bao la, rộng lớn.

- “Một mảnh tình riêng, ta với ta”: một nỗi buồn, một nỗi cô đơn không có ai để sẻ chia, san sẻ.

⇒ Tâm trạng cô đơn, trống vắng, lẻ loi một mình đối diện với chính mình giữa vũ trụ bao la, rộng lớn.

III. Bài phân tích

Bà Huyện Thanh Quan một trong những nữ văn sĩ nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam. Thơ văn bà để lại cho hậu thế không còn nhiều, trong đó nổi tiếng nhất là phải kể đến bài Qua Đèo Ngang. Đây là bài thơ tả cảnh ngụ tình, bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng của bà khi trên đường vào kinh đô Huế nhận chức.

Mở đầu bài thơ là bức tranh phong cảnh thấm đẫm nỗi buồn hiu quạnh:

Bước đến đèo Ngang bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Hai câu thơ mở ra không gian, thời gian nghệ thuật quen thuộc trong thơ trung đại, đây đồng thời cũng là nét đặc trưng phong cách của Bà Huyện Thanh Quan: chiều tà và bóng hoàng hôn. Thời gian là buổi chiều - thời điểm chuyển giao giữa chiều và tối, ánh nắng chỉ còn nhạt nhòa và sắp lặn. Không gian mênh mông, rộng lớn, với cả trời, non, nước nhưng tất cả đều im ắng, vắng lặng đến rợn ngợp. Trong không gian đó, hình ảnh cây cối, hoa cỏ hiện lên có phần hoang dại, chúng chen chúc nhau mọc lên. Từ “chen” gợi sức sống mãnh liệt của muôn loài trước cái cằn cỗi của đất đai, cái khắc nghiệt của thời tiết. Đồng thời từ này còn gợi lên thiên nhiên có phần hoang dã, vô trật tự. Không gian và thiên nhiên cây cỏ hòa quyện vào nhau càng làm sâu đậm thêm ấn tượng về mảnh đất hoang vu.

Nữ sĩ sử dụng phép đối và đảo ngữ trong miêu tả đầy ấn tượng. Âm điệu thơ trầm bổng du dương, đọc lên nghe rất thú vị:

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Điểm nhìn đã thay đổi: đứng cao nhìn xuống dưới và nhìn xa. Thế giới con người là tiều phu, nhưng chỉ có “tiều vài chú”. Hoạt động là “lom khom” vất vả đang gánh củi xuống núi. Một nét vẽ ước lệ trong thơ cổ (ngư, tiều, canh, mục) nhưng rất tinh tế trong cảm nhận. Mấy nhà chợ bên sông thưa thớt, lác đác, chỉ mấy cái lều chợ miền núi, sở dĩ nữ sĩ gọi “chợ mấy nhà” để gieo vần: “tà” – “hoa” – “nhà”. Nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh vào dáng “lom khom” của những chú tiều, cái “lác đác” của mấy ngôi nhà ven sông kết hợp các từ chỉ số lượng ít ỏi “vài”, “mấy” khiến cho hình bóng con người đã nhỏ lại càng nhỏ hơn, cuộc sống đã hiu quạnh lại càng hiu quạnh hơn. Bức tranh về một thế giới cô liêu hiện lên rõ hơn bao giờ hết. Nhìn lại cả hai câu thơ ta thấy chúng có đầy đủ các yếu tố của một bức tranh sơn thủy hữu tình: núi, sông, tiều phu, chợ. Thế nhưng những yếu tố ấy khi hợp lại với nhau lại gợi lên một miền sơn cước hiu quạnh, heo hút.

Bao trùm lên cảnh vật là một nỗi buồn tê tái và nỗi buồn ấy thấm sâu vào lòng người:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Giữa không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đôi ấy bỗng vẳng lên tiếng chim quốc khắc khoải, tiếng chim đa đa não nuột. Đó là những âm thanh có thật mà cũng có thể là tiếng vọng từ tâm trạng chất chứa nỗi buồn thời cuộc của nhà thơ. Mượn bút pháp ước lệ và nghệ thuật chơi chữ (từ đồng âm khác nghĩa) để nói lên lòng mình trước cảnh, đó là tài hoa của nữ sĩ. Tiếng chim kêu không làm cho cảnh vui lên thêm chút nào mà lại làm tăng phần quạnh quẽ, cô liêu. Phải chăng tiếng chim chính là tiếng lòng của kẻ đang mang nặng tâm trạng u buồn, hoài vọng, nhớ nước thương nhà?! Lữ khách là một nữ sĩ nên nỗi “nhớ nước”, nhớ kinh kỳ Thăng Long, nhớ nhà, nhớ chồng con, nhớ làng Nghi Tàm thân thuộc không thể nào kể xiết!

Hồn cảnh, hồn người như có nét tương đồng, cho dù về hình thức hoàn toàn tương phản. Cái bao la, vô tận của non nước tô đậm cái cô đơn, chơ vơ của con người và ngược lại. Vì vậy nên nỗi buồn càng lắng đọng:

Dừng chân đứng lại trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Bốn chữ “dừng chân đứng lại” thể hiện một nỗi niềm xúc động đến bồn chồn. Một cái nhìn mênh mang: “Trời non nước”; nhìn xa, nhìn gần, nhìn cao, nhìn sâu, nhìn bốn phía… rồi nữ sĩ thấy vô cùng buồn đau, như tan nát cả tâm hồn, chỉ còn lại “một mảnh tình riêng”. Lấy cái bao la, mênh mông, vô hạn của vũ trụ, của “trời non nước” tương phản với cái nhỏ bé của “mảnh tình riêng”, của “ta” với “ta” đã cực tả nỗi buồn cô đơn xa vắng của người lữ khách khi đứng trên cảnh Đèo Ngang lúc ngày tàn. Câu thơ cuối như là một lời khẳng định trực tiếp nỗi cô đơn đó “một mảnh tình” “ta với ta”. Đại từ “ta” không còn mang ý nghĩa chỉ chung, cộng đồng mà là cá nhân, chỉ một mình tác giả. Trong hai câu kết, tất cả là một sự giãn cách, là một thế giới riêng, cô đơn đến tuyệt đối chỉ có ta hiểu lòng ta mà thôi! Vì thế nên sự cô đơn càng tăng lên gấp bội.

Bài thơ Qua Đèo Ngang tuy ra đời cách đây đã hơn một thế kỉ nhưng giá trị của nó vẫn nguyên vẹn trước thử thách của thời gian. Bao người yêu thơ thuộc lòng bài thơ này và ca ngợi tài năng của tác giả. Thể thơ Đường luật kiểu cách, sang trọng vào tay nữ sĩ đã trở thành gần gũi, dễ hiểu với người đọc bởi ngôn ngữ giản dị, trong sáng và những hình ảnh dân dã quen thuộc. Đọc bài thơ, chúng ta thêm yêu Tổ quốc với bao phong cảnh tuyệt vời và càng trân trọng những tấm lòng ưu ái non sông đất nước.

V. Một số lời bình về tác phẩm

1. Điển tích về chim quốc quốc

Đỗ Vũ, vua nước Thục (Trung Quốc) say đắm một thiếu phụ đẹp tuyệt trần, vợ của Biết Linh. Vua thường cho gọi nàng đến vườn ngự uyển, hoặc ngồi uống rượi dưới trăng. Vua mải mê sắc đẹp của nàng, chẳng hề giữ gìn. Biết Linh thấy vậy bèn bàn với vợ: “Vua Thục say mê nàng; nàng cố tìm mọi cách làm cho vua si mê rồi nhường ngôi cho ta. Lúc bấy giờ ta lên ngôi hoàng đế, nàng là hoàng hậu, còn hạnh phúc nào bằng”. Người thiếu phụ đẹp khẽ gật đầu ưng thuận. Và rồi dưới sự mê hoặc của nàng, vua sao nhãng việc triều chính, say sưa trong các cuộc vui cùng người đẹp... Cho đến một ngày, bỏ qua sự can ngăn của các trung thần, nhà vua quyết định xuống chiếu chỉ nhường ngôi cho Biết Linh - chồng người đẹp. Nghe lời nàng, vua cùng nàng sắm sanh một cỗ xe nhỏ, một tráp vàng bạc, ít quần áo dân thường rồi cùng vài thị nữ lên đường tìm hạnh phúc. Chiếc xe miệt mài đi mãi, đi mãi. Và khi đến một vùng đồng lầy nhiều cúc tần, nhiều bèo, nhiều bụi cỏ dại, xe dừng lại. Vua Thục mệt mỏi ngủ say trong xe. Trong khi ấy, người đẹp và các thị nữ xuống xe, rảo bước, đi ngược lại con đường vừa đi. Lúc vua tỉnh giấc, xe trống không, bốn bề im lặng, mặt trời gần lên đến đỉnh đầu; xung quanh, ao hồ ngập cỏ rậm rì...

Ở kinh đô, Biết Linh lên ngôi vua; vợ chàng – người đẹp đã trở về, là hoàng hậu yêu dấu của vị tân hoàng đế. Còn vua Thục nhớ nước, hoá thành con chim quốc, ngày đêm ra rả kêu “quốc quốc” như muốn đòi lại đất nước của mình.

Văn chương Việt Nam, trong một số bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến,... tiếng quốc kêu được thể hiện thật da diết, não nùng, là một môtíp nghệ thuật đầy kịch tính, đau lòng và chua xót. Con chim quốc, nhỏ như con gà con, cánh màu tro, bụng có sắc trắng, thường sống lủi nơi bờ ao, trong bụi bờ cỏ rậm (Trông gà hoá quốc, quốc kêu cuối xuân, đầu hè; Ai xui con quốc gọi vào hè). Thục Đế để mất nước tên là Đỗ Vũ: con quốc gọi là Đỗ Quyên hay Tử Quy.

Một số câu thơ nổi tiếng về tiếng quốc kêu:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

                                          (Bà Huyện Thanh Quan)

Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt,

Trăng mờ khắc khoải quốc kêu thâu

                                           (Chu Mạnh Trinh)

Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,

Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ

Năm canh máu chảy đêm hè vắng

Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ...

                                                                                     (Nguyễn Khuyến)


(Theo Mai Thục – Đỗ Đức Hiểu, Điển tích văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 1996)

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 7 hay, chi tiết khác:

Lời giải bài tập lớp 7 sách mới:


Giải bài tập lớp 7 sách mới các môn học