Sơ đồ tư duy Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình (dễ nhớ, hay nhất)
Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 7, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình dễ nhớ, hay nhất với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình.
A. Sơ đồ tư duy Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình
B. Tìm hiểu bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình
I. Tìm hiểu chung
1. Thể loại: Ca dao, dân ca
- Ca dao, dân ca chỉ thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc diễn tả đời sống nội tâm của con người.
- Để phân biệt ca dao và dân ca, hiện nay, người ta đưa ra hai khái niệm như sau:
+ Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức là những câu hát dân gian trong diễn xướng.
+ Ca dao là lời thơ của dân ca. Ca dao còn bao gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao.
- Thể thơ: Lục bát
2. Bố cục: 4 phần
- Phần 1: (Bài ca dao số 1): Công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
- Phần 2: ( Bài ca dao số 2): Nỗi nhớ mẹ của người con gái lấy chồng xa quê.
- Phần 3: (Bài ca dao số 3): Nỗi nhớ và sự kính yêu đối với ông bà.
- Phần 4: (Bài ca dao số 4): Tình cảm anh em.
3. Giá trị nội dung
- Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca. Những câu hát thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời của cha mẹ, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bà. Những câu hát này thường dùng để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử, tình cảm anh em ruột thịt.
- Giáo dục con người về lòng biết ơn và tình cảm yêu thương trong gia đình.
4. Giá trị nghệ thuật
- Thể thơ lục bát giàu nhạc điệu.
- Hình ảnh so sánh quen thuộc, dễ liên tưởng.
- Lối độc thoại đặc sắc như lời tâm tình, nhắn nhủ.
II. Dàn ý phân tích tác phẩm
1. (Bài ca dao số 1): Công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ
- Tình cảm mà bài ca dao số 1 muốn diễn tả là tình cảm của cha mẹ đối với con cái, nhắc nhở công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ:
+ Ví công cha với núi ngất trời: khẳng định sự lớn lao.
+ Ví mẹ là nước ở ngoài biển Đông thể hiện chiều sâu, chiều rộng.
⟹ Hình ảnh mẹ không lớn lao như người cha nhưng vẫn luôn gần gũi, rộng mở.
- Sử dụng phép so sánh “công cha – núi ngất trời”, “nghĩa mẹ - nước ở biển Đông” ⟹ Công sinh thành của cha mẹ là rất to lớn.
- Hình ảnh: “cù lao chín chữ” là cụ thể hóa về công cha, nghĩa mẹ, tình cảm biết ơn của con cái.
- Ngôn ngữ: sử dụng từ láy “mênh mông”.
- Âm điệu: gần gũi, tâm tình.
2. (Bài ca dao số 2): Nỗi nhớ mẹ của người con gái lấy chồng xa quê
- Không gian: “ngõ sau” là nơi vắng vẻ, heo hút gợi hoàn cảnh cô đơn của người phụ nữ.
- Thời gian: “chiều chiều” sự lặp lại thời gian chiều. Trong ca dao chiều là khoảng thời gian gợi sự u buồn, hoang vắng.
+ Chiều cũng là thời điểm trở về, đoàn tụ nên người con gái lấy chồng vẫn bơ vơ nơi đất khách
- Tâm trạng: đau đớn nhiều bề - ruột đau chín chiều
→ Không gian và thời gian gợi nỗi buồn, cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi của cô gái lấy chồng xa.
3. (Bài ca dao số 3): Nỗi nhớ và sự kính yêu đối với ông bà
- Diễn đạt thông qua lối so sánh làm nổi bật tình cảm trong bài - đây là kiểu so sánh phổ biến trong ca dao.
- Những sự vật bình thường, thân thuộc đều có thể gợi hồn thơ, thi liệu cho người sáng tác ca dao.
- Cách diễn đạt tình cảm:
+ “Ngó lên” trong văn cảnh bài ca thể hiện sự trân trọng, tôn kính.
+ Hình ảnh so sánh: “nuộc lạt mái nhà” gợi sự kết nối bền chặt, không tách rời của sự vật cũng như tình cảm huyết thống và công lao to lớn của ông bà trong việc xây dựng gia đình.
+ Mức độ so sánh: bao nhiêu… bấy nhiêu
+ Âm điệu thể thơ lục bát phù hợp, hỗ trợ cho sự diễn tả tình cảm trong bài ca.
4. (Bài ca dao số 4): Tình cảm anh em
- Tiếng hát về tình cảm anh em thân thương, ruột thịt được thể hiện qua lời nhắn nhủ tâm tình, hình thức phong phú.
- Sử dụng cặp từ cùng chung - cùng thân: nhấn mạnh mối quan hệ ruột thịt, khăng khít.
- Biện pháp so sánh anh em – chân tay: cách ví von giàu hình tượng gợi sự liên tưởng về mối quan hệ mật thiết, biết nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống.
→ Bài ca dao nhắc nhở anh em trong cùng gia đình phải biết yêu thương lẫn nhau, nương tựa và cùng hỗ trợ lẫn nhau.
III. Bài phân tích
Trong nền văn học dân gian Việt Nam, các tác phẩm ca dao dân ca là một trong những thể loại độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Đã từ bao đời nay ca dao dân ca luôn gắn liền với đời sống thực tiễn của nhân dân lao động, thể hiện rõ nét những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần, đời sống lao động của nhân dân. Và đặc biệt hơn cả, dù chỉ là những câu hát, câu nói truyền miệng nhưng nó lại mang theo mình những giá trị nhân văn, đạo đức sâu sắc, góp phần giáo dục, răn dạy con người về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Đặc biệt khi là nói về tình cảm gia đình có rất nhiều bài ca dao hay, ví như một bài ca dao nói về ơn nghĩa cha mẹ:
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Với thể lục bát quen thuộc bài ca dao trên mang âm điệu nhẹ nhàng, trầm bổng tựa như lời ru của người mẹ trẻ, người mẹ thủ thỉ với đứa con những lời thật ngọt ngào, đó chính là câu ca dao xưa thật là xưa, là lời cha ông bao đời truyền lại. Mẹ nhẹ nhàng ru con vào giấc ngủ, cũng nâng bước chân con chập chững vào đời bằng những bài học đạo đức thật sâu sắc và ý nghĩa. Trong lời mẹ hát, con biết được rằng cha yêu thương con cũng chẳng kém gì mẹ, “Công cha như núi ngất trời”, mẹ sinh con ra, cha vất vả cực nhọc lao động để nuôi con khôn lớn, một đời dài như vậy cha dành phần nửa cho con, tình cảm ấy dẫu có là núi cao cũng chưa hẳn sánh bằng. Cũng như cha, mẹ mang nặng đẻ đau con chín tháng mười ngày, sinh con ra trong khó nhọc, chăm bẵm con từng ngày, có lẽ trên đời này chẳng còn một ai thương con hơn mẹ nữa. Sự hy sinh, tấm lòng cao cả của mẹ chắc phải lấy “nước ngoài biển Đông” mới có thể đong đếm hết được. “Cù lao chín chữ” tức là nói về công lao của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái thành người, vất vả khốn khổ nhiều bề. Người ta ví trồng người cũng như trồng cây vậy, nhưng nếu như trồng một cái cây chỉ cần chú ý Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, thì nuôi con còn vất vả cực nhọc hơn gấp bội, bởi đó là một quá trình dài đằng đẵng có khi là đi hết cả cuộc đời, lòng cha mẹ vẫn không thôi bận tâm về con cái. Nói tóm lại, phận làm cha mẹ, dường như đó là nỗi vất vả cả đời, nhưng cũng là hạnh phúc cả đời của bậc làm cha làm mẹ, đối với cha mẹ con cái là món quà, là điều tuyệt vời nhất thế gian, trong mắt họ con cái luôn bé bỏng, cần được chở che, chăm sóc. Thế nên tình cha, tình mẹ vốn bao la biển trời, phận là con cái, lớn lên dưới vòng tay yêu thương của cha mẹ, dẫu gia cảnh bần hàn hay sung túc thì mỗi một con người vẫn phải ghi lòng tạc dạ công ơn sinh dưỡng của cha mẹ. Phận làm con phải đặt chữ hiếu làm đầu, phải hết sức tôn kính, yêu thương cha mẹ của mình, đừng làm kẻ bất hiếu, đó là những gì mà bài ca dao muốn truyền đạt cho chúng ta.
Cũng nói về tình cảm gia đình, một câu ca dao khác nói về tình yêu thương, nỗi nhớ của người con gái với mẹ già làm ta cảm động.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
Câu thơ thứ nhất vừa có tính thời gian (chiều chiều) vừa có tính không gian (ngõ sau, quê mẹ). Buổi chiều tà, lúc hoàng hôn buông xuống, ngày sắp tàn vũ trụ sắp đi vào cõi hư vô. Đây là những khoảng thời gian gợi nhớ, gợi sầu cho những kẻ tha hương. Nguyễn Du đã từng nhắc đến trong Truyện Kiều: Song xa vò võ phương trời - Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng hay Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Huy Cận). Trong bài ca dao trên cũng nói đến buổi chiều. Thời gian cứ lặp đi lặp lại ngõ sau chứ không phải là ngõ trước? Ngõ sau mới trông ra cánh đồng hắt hiu vắng vẻ. Sự lặp đi lặp lại âm thanh ấy cũng chính là sự lặp lại một hành động (ra đứng ngõ sau trông về quê mẹ) của một tâm trạng. Nghĩ về quê hương là nghĩ về mẹ, bóng hình mẹ đã tạc vào hình bóng quê hương. Nhân vật trữ tình trong câu ca dao không được giới thiệu chi tiết cụ thể. Nhưng ta vẫn thấy hiện lên hình ảnh cô gái xa quê, nhớ quê, nhớ gia đình.... Chắc là nhớ lắm, nhớ quá nên cứ chiều nào cũng vậy cô ra ngõ sau ngậm ngùi ngóng về quê mẹ:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Càng trông về quê mẹ càng lẻ loi, cô đơn nơi quê người, nỗi thương nhớ da diết không nguôi:
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
Quê mẹ sau luỹ tre xanh nơi cô gái sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, làng xóm. Biết bao kỉ niệm buồn vui cùng gia đình bè bạn. Nơi mà chiều chiều chăn trâu cắt cỏ, có dòng sông nhỏ uốn quanh, có cánh đồng cò bay thẳng cánh, có bà con chất phác hiền lành lam lũ sớm hôm. Nơi ấy mẹ cha tần tảo sớm khuya nuôi con khôn lớn. Tình thương, nỗi nhớ gắn liền với lòng biết ơn của người con gái đi xa đối với mẹ già. Giọng điệu tâm tình, sâu lắng, dàn trải ở hầu hết khắp các vần thơ, khơi dậy trong lòng người đọc bao liên tưởng về quê hương yêu dấu, về tuổi thơ.
Hay trong dân gian cũng lưu truyền rất nhiều câu ca dao thể hiện tình cảm với ông bà tổ tiên, trong đó đặc biệt phải kể đến bài ca dao:
Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuột lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.
Trong câu ca dao ta có thể cảm nhận ra rõ ràng sự tinh tế của người xưa khi đem so sánh tình cảm của mình đối với gia đình mà đặc biệt ở đây là “ông bà” với những chiếc lạt để làm mái nhà. Ngày xưa, người ta thường lấy lạt chẻ bằng tre để buộc những mái gianh và để hoàn thành được những mái nhà như vậy cần rất nhiều nuộc lạt, số nuộc lạt ấy nhiều đến không thể đếm được. Chính vì thế mà tác giả không sử dụng một con số cụ thể nào mà sử dụng từ phiếm chỉ “bao nhiêu”, “bấy nhiêu” để thể hiện tình cảm lớn lao không từ ngữ nào diễn tả được hay mang ra “cân đo đong đếm” được. Qua cách thể hiện tình cảm của con cái đối với ông bà, cha mẹ; câu ca dao cũng nói lên đạo nghĩa về chữ hiếu của dân tộc Việt Nam, đây là một truyền thống tốt đẹp đã được gìn giữ và phát huy qua bao nhiêu thế hệ. Ở đây, hành động “ngó lên” còn thể hiện sự thành kính, thành khẩn khi ngước lên, hướng về với lòng biết ơn đối với lớp người đi trước. Nhịp thơ chậm, âm điệu ngậm ngùi càng thể hiện rõ lòng thành kính ấy.
Ca dao Việt Nam thật vô vàn ý nghĩa, nó thể hiện kinh nghiệm của cha ông trong mọi mặt của đời sống mà còn thể hiện tình cảm giữa cha mẹ và con cái, giữa con cháu với cha ông, giữa vợ với chồng… mà còn dành nhiều lời thơ cho tình cảm anh em:
Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Rách làm đùm bọc dở hay đỡ đần.
Mở đầu bài ca dao đã đưa ra nhận định: “Anh em nào phải người xa”, bài ca dao ngầm khẳng định: anh em với nhau là một mối quan hệ rất gần gũi, gắn bó. Điều này thể hiện tình cảm anh em không gì có thể thay thế được. Anh em là những người “Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân”- cùng một cha mẹ sinh ra, đã cùng chung sống “một nhà”, đã cùng chung buồn vui, sướng khổ. Chính bởi đã “cùng”, đã chung nhau những yếu tố thiêng liêng về quan hệ nguồn gốc, môi trường sống, tác giả dân gian đưa ra lời khuyên về cách sống, cách đối xử của anh em trong gia đình:
Yêu nhau như thể tay chân
Rách làm đùm bọc dở hay đỡ đần.
Bài ca dao như một lời khuyên, lời răn dạy của cha ông cho những người làm anh em cần phải biết yêu thương lẫn nhau, đùm bọc nhau những lúc dở hay bất thường. Quan hệ anh em còn được ví với hình ảnh chân – tay, đó là những bộ phận gắn bó khăng khít trên một cơ thể thống nhất, cùng được nuôi chung bởi một dòng máu huyết thống của gia đình. Hình ảnh đó nói lên tình nghĩa và sự gắn bó thiêng liêng của anh em.
Những câu ca dao chứa đựng những nội dung vô cùng sâu sắc về tình cảm gia đình, răn dạy mỗi con người cần phải ghi nhớ công ơn cha mẹ, đặt chữ hiếu lên hàng đầu, yêu thương anh em cùng dòng máu. Bài ca dao sử dụng thể lục bát truyền thống, âm điệu nhẹ nhàng như lời ru của mẹ, dùng các so sánh liên tưởng đặc sắc, có tầm vóc to lớn nhằm đề cao những tình nghĩa gia đình từ đó chúng ta biết sống tốt hơn, làm người có ích hơn.
IV. Một số lời bình về tác phẩm
1. Trong cái gọi là ruột đau chín chiều ấy, nỗi nhớ quê nhà hòa lẫn hoài niệm về thời thơ ấu vô tư trong vòng tay ôm ấp của mẹ, tình thương mẹ, nhớ quê chen lẫn cả niềm cay đắng, xót xa cho thân phận làm dâu hiện tại. Giữa cặp mắt đau đáu ngóng trông về quê mẹ ở vế đầu với sự cảm nhận về nỗi đau mọi bề ở vế còn lại (câu 8 tiếng) có mối liên hệ ngầm thật sâu sắc, tinh tế.
(Theo Lê Trường Phát, Ca dao, dân ca đẹp và hay, NXB Trẻ, 2003)
2. Một số bài ca dao, dân ca nội dung tương tự:
2.1
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
2.2
Biển Đông còn lúc đầy vơi
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.
2.3
Đói lòng ăn hột chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
2.4
Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
2.5
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày thức cả năm canh.
2.6
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
2.7
Ơn cha nặng lắm ai ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.
Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 7 hay, chi tiết khác:
- Sơ đồ tư duy Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người
- Sơ đồ tư duy Những câu hát than thân
- Sơ đồ tư duy Những câu hát châm biếm
- Sơ đồ tư duy Sông núi nước Nam
- Sơ đồ tư duy Phò giá về kinh
Lời giải bài tập lớp 7 sách mới:
- Giải bài tập Lớp 7 Kết nối tri thức
- Giải bài tập Lớp 7 Chân trời sáng tạo
- Giải bài tập Lớp 7 Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 7 Global Success
- Giải Tiếng Anh 7 Friends plus
- Giải sgk Tiếng Anh 7 Smart World
- Giải Tiếng Anh 7 Explore English
- Lớp 7 - Kết nối tri thức
- Soạn văn 7 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 7 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 7 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 7 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 7 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 7 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 7 - KNTT
- Giải sgk Tin học 7 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 7 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 7 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 7 - KNTT
- Lớp 7 - Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 7 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 7 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 7 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 7 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 7 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 7 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 7 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 7 - CTST
- Giải sgk Tin học 7 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 7 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 7 - CTST
- Lớp 7 - Cánh diều
- Soạn văn 7 (hay nhất) - Cánh diều
- Soạn văn 7 (ngắn nhất) - Cánh diều
- Giải sgk Toán 7 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 7 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 7 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 7 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 7 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 7 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 7 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 7 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 7 - Cánh diều