Phân tích Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất (điểm cao)



Đề bài: Phân tích một số câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất.

Phân tích Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất (điểm cao)

Bài giảng: Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất - Cô Trương San (Giáo viên VietJack)

   Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ chiếm một ví trí quan trọng và có một số lượng khá lớn. Nó được ví là kho báu kinh nghiệm và trí tuện dân gian. Nếu ca dao là những lời ca thể hiện tình cảm của con người thì tục ngữ lại mang tính lí trí, trí tuệ, triết lí. Tục ngữ Việt Nam nói về hầu hết các vấn đề của cuộc sống nhưng phong phú và đặc sắc nhất vẫn là những câu tục ngữ nói về thiên nhiên và lao động sản xuất. Có thể kể đến những câu tục ngữ tiêu biểu sau:

   1. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối

   2. Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa

   3. Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ

   4. Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt

   5. Tấc đất tấc vàng

   6. Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền

   7. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống

   8. Nhất thì, nhì thục.

   Đọc qua tám câu tục ngữ trên chúng ta có thể nhận diện được hình thức của những câu tục ngữ. Đó là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh để thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt đời sống như tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội, được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Nếu ca dao là những vẫn thơ lục bát mềm mại thì tục ngữ lại là những câu nói súc tích, gãy gọn. Tuy nhiên, nó không hề khô cứng mà bằng sự giàu có của tiếng Việt, tục ngữ vẫn là những câu nói đặc sắc về ngôn ngữ, vừa mang tính triết lí nhưng vẫn có sự dí dỏm mang đậm dấu ấn của cha ông ta thời xưa.

   Tám câu tục ngữ trên có thể được chia thành hai nhóm. Bốn câu đầu nói về thiên nhiên và bốn câu sau bàn về những kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Ông cha ta đã có những quan sát rất tỉ mỉ và phải dùng nhiều thời gian nhưng nó đều là những quy luật của tạo hóa, những phát hiện đó cũng đã đặt nền móng và trở thành đề tài cho sự nghiên cứu khoa học sau này.

   Câu tục ngữ thứ nhất là kinh nghiệm về thời tiết của nước ta.

   “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

   Ngày tháng mười chưa cười đã tối”

   Là một nước ở bán cầu Bắc và gần đường xích đạo, mùa hè nước ta kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 còn mùa đông từ tháng 9 đến tháng 12. Vào mùa hè tháng năm thì ngày dài đêm ngắn còn ngày mùa đông thì ngày ngắn đêm dài. Cách nói cường điệu có tác dụng nhấn mạnh đặc điểm ấy: “chưa nằm đã sáng, chưa cười đã tối”. Phép đối xứng giữa hai vế câu làm nổi bật sự trái ngược trong tính chất của đêm mùa hạ và ngày mùa đông. Câu tục ngữ ngắn gọn, dễ nhớ giúp chúng ta có thể sắp xếp thời gian một cách hợp lí để làm việc và bảo vệ sức khỏe.

   Câu tục ngữ thứ hai nói về kinh nghiệm dự đoán thời tiết.

   “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”

   Ngày xưa khi công nghệ dự báo thời tiết chưa xuất hiện, ông bà ta có thể dự đoán được thời tiết ngày hôm sau bằng cách quan sát bầu trời buổi tối. Mau sao là những hôm trời nhiều sao còn vắng sao tức là ít sao vào ban đêm. Vào những hôm trời mau sao thì ngày hôm sau thường sẽ nắng to, còn những hôm nào bầu trời không nhìn thấy được vì sao nào thì ngày mai có thể trời sẽ mưa. Điều này có thể giải thích bằng khoa học một cách dễ hiểu là những hôm nào quang mây, nhìn thấy được bầu trời trong vắt thì sẽ nắng còn nếu có nhiều mây thường là trời sắp mưa. Kinh nghiệm này cho đến ngày hôm nay vẫn thường xuyên được các ông bà sử dụng. Nếu hôm nay bạn chưa xem chương trình dự báo thời tiết thì có thể dùng cách này để biết được thời tiết ngày mai thế nào để chủ động trong công việc. Tuy nhiên vì chỉ dựa trên phán đoán và kinh nghiệm nên điều này đôi khi chưa hẳn đã đúng.

   Câu thứ ba là kinh nghiệm về hiện tượng thời tiết trước khi có bão:

   “Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ”

   Ráng là màu vàng của mây do mặt trời chiếu vào, nó ngả thành màu vàng giống như màu mỡ gà. Ráng mỡ gà thường xuất hiện ở phía chân trời trước khi trời có bão. Nhìn vào đấy người ta có thể biết mà lo chống giữ nhà cửa, sửa soạn để hạn chế thấp nhất hậu quả do bão gây ra. Cấu trúc hai vế nhưng rất ngắn gọn của câu tục ngữ khiến ai nghe qua cũng có thể nhớ ngay được.

   Ngày nay, khoa học công nghệ đã phát triển, chúng ta có thể dự đoán được chính xác diễn biến của từng cơn bão. Tuy nhiên những kinh nghiệm dân gian vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay.

   Câu tục ngữ thứ tư trình bày những phán đoán trước khi có lụt:

   “Tháng bày kiến bò, chỉ lo lại lụt”

   Những loài vật sống dưới mặt đất như kiến thường rất nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết. Khi trời sắp mưa to kiến thường bò ra khỏi tổ để kiếm thức ăn dự trữ. Tuy nhiên với những năm có lũ lớn, đàn kiến thường bò hết ra khỏi tổ và mang theo cả trứng, di chuyển chỗ ở lên cao để tránh bị ngập nước và bảo toàn nòi giống. Ông cha ta đã dựa vào tập tính đó để phán đoán xem năm nay có lũ hay không, nhất là vào những dịp tháng Bảy âm lịch ở nước ta là mùa mưa.

   Thông qua câu tục ngữ này ta có thể thấy con người ngày xưa đã có những quan sát rất tỉ mỉ và kì công với bất kì hiện tượng nào ngoài thiên nhiên. Ngày nay dựa vào việc quan sát sinh hoạt của loài kiến và một số loài vật sống dưới mặt đất khác người ta cũng có thể dự đoán khá chính xác về tình hình thời tiết để có những phương án dự phòng phù hợp.

   Bốn câu tục ngữ đầu tiên là những triết lí về các hiện tượng thiên nhiên trong đời sống. Để sinh tồn và phát triển, ông cha ta đã phải tự thân quan sát mọi hiện tượng xung quanh từ những điều nhỏ nhất. Dù chỉ bằng những cách thô sơ nhất nhưng kết quả của những quan sát trên lại có giá trị lâu dài cho đến ngày hôm nay.

   Bên cạnh tìm hiểu về các hiện tượng thiên nhiên, với đặc điểm là một nước thuần ông, các thế hệ trước cũng đã đúc rút những bài học để có được vụ mùa bội thu để truyền lại cho con cháu đời sau. Nó được thể hiện qua các câu tục ngữ từ câu 5 đến câu 8 trong phần ngữ liệu trên.

   Câu 5 là lời răn dạy về giá trị của đất đai:

   “Tấc đất, tấc vàng”

   Tấc là đơn vị đo lường của người thời xưa, một tấc đất chỉ bằng 1/10 thước, tức chỉ là một khoảng đất nhỏ còn tấc vàng thì lại là một lượng vàng rất lớn và có giá trị. Câu tục ngữ là một phép so sánh được tối giản hóa chỉ còn hai vế so sánh. Người xưa đã ví tấc đất với tấc vàng, một vật có giá trị rất nhỏ với một vật có giá trị rất lớn nhằm khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của đất đai đối với người nông dân. Họ đã khẳng định rằng dù chỉ là một mảnh đất rất nhỏ thôi nhưng còn quý hơn cả một lượng vàng lớn. Vàng bạc dẫu quý giá nhưng nếu cứ ăn mãi rồi cũng sẽ hết, chỉ có đất mới nuôi sống con người được lâu dài.

   Đối với những người nông dân, đất đai không chỉ là phương tiện sản xuất mà còn là một phần trong cuộc sống với sự gắn bó keo sơn. Người nông dân luôn ví đất là mẹ vì từ đất họ có thể làm ra những vật phẩm để nuôi sống bản thân và gia đình. Câu tục ngữ khuyên dạy ta cần phải sử dụng đất sao cho hợp lí, không sử dụng lãng phí và bảo vệ nguồn đất, phải nhận thức đúng giá trị của đất mẹ để có thể gắn bó và yêu quý đất đai.

   Câu tục ngữ thứ 6 là những lời nhận xét và kinh nghiệm về thứ tự hiệu quả mà các mô hình kinh tế đem lại.

   “Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền”

   Câu tục ngữ trên sử dụng từ Hán-Việt, giải nghĩa ra có nghĩa là thứ nhất là đào ao nuôi cá, thứ hai là làm vườn, thứ ba là làm ruộng. Nội dung của câu tục ngữ này có nghĩa là trong các hoạt động canh tác của nhà nông, đem lại hiệu quả kinh tế nhanh và nhiều nhất lần lượt là chăn nuôi thủy hải sản sau đó đến làm vườn và cuối cùng là trồng hoa màu ở đồng ruộng. Có thể sắp xếp như vậy bởi nuôi trồng thủy hải sản ít tốn thời gian và công chăm sóc, thu hoạch nhanh hơn và đạt giá trị kinh tế cao hơn. Làm vườn trồng cây ăn quả và trồng hoa màu đòi hỏi thời gian và công sức dài hơn, rủi ro do mất mùa cũng cao hơn.

   Câu tục ngữ trên cũng là một gợi ý cho người nông dân cân nhắc khi bắt tay vào xây dựng kinh tế. Tuy nhiên nếu muốn áp dụng càn phả xem xét được đặc điểm tình hình tự nhiên và các nguồn tài nguyên của địa phương thì mới có thể thành công.

   Người nông dân cho đến ngày hôm nay vẫn rất quen thuộc với câu nói

   “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

   Phép liệt kê vừa có tác dụng nêu rõ thứ tự, vừa nhấn mạnh vai trò của từng yếu tố. Câu tục ngữ này cũng sử dụng các yếu tố Hán-Việt, đó là các số đếm Nhất, nhì, tam tứ có nghĩa là thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư. Nghĩa của câu này là khi trồng lúa, quan trọng nhất là phải có nguồn nước đầy đủ, thứ hai là phải bón phân, thứ ba là sự cần cù chăm chỉ của con người và thứ tư là phải có giống tốt. Bốn yếu tố trên kết hợp lại với nhau sẽ cho một vụ mùa bội thu.

   Câu tục ngữ trên đã giúp ta thấy được vai trò của từng yếu tố để có một vụ mùa thắng lợi. Cho đến ngày hôm nay, câu nói trên vẫn được bà con nông dân áp dụng trong quá trình canh tác của mình.

   Ngoài việc trồng lúa, khi trồng các loại cây khác ông cha ta cũng đúc rút được những lời khuyên cho thế hệ sau. Một trong số đó là câu:

   “Nhất thì, nhì thục”

   Nghĩa tiếng Vệt của câu này là thứ nhất là đúng thời gian, thứ hai là đất đai được làm thuần thục, nhuần nhuyễn. Câu tục ngữ đã khẳng định rằng trong trồng trọt quan trọng nhất là trồng đúng thời gian, mùa vụ và thứ hai là đất đai được chuẩn bị kĩ càng. Kinh nghiệm này đã đi sâu vào thực tế, dù trồng bất kì loại cây nào nếu đúng mùa và chuẩn bị tốt sẽ cho ra sản phẩm đạt chất lượng.

   Thông qua các câu tục ngữ trên, ta có thể nhận thấy hình thức của chúng là rất ngắn gọn bởi đặc thù truyền miệng của văn học dân gian, tuy nhiên ý nghĩa lại rất cô đọng, hàm súc và đầy đủ. Hình ảnh, từ ngữ được sử dụng mang tính biểu đạt cao, các câu tục ngữ luôn có sự dí dỏm như bản tính vốn có của người nông dân Việt Nam.

   Từ những kinh nghiệm được truyền lại thông qua những câu tục ngữ trên ta có thể thấy rằng dù trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng thế hệ cha ông ta ngày trước đã không ngừng quan sát và học hỏi, tạo nên những bài học quý giá cho thế hệ con cháu sau này. Ngày nay dù khoa học phát triển nhưng những kinh nghiệm thực tế đó chưa bao giờ bị lãng quên. Sự kết hợp hài hóa của hai yếu tố trên đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Việt Nam.

Xem thêm các bài Văn mẫu tự sự, nghị luận, cảm nghĩ, cảm nhận lớp 7 khác:

Lời giải bài tập lớp 7 sách mới:




Giải bài tập lớp 7 sách mới các môn học