20+ Phân tích nhân vật Thạch Sanh (điểm cao)



Bài văn Phân tích nhân vật Thạch Sanh lớp 6 hay nhất, ngắn gọn được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước giúp bạn viết bài văn Phân tích nhân vật Thạch Sanh hay hơn.

20+ Phân tích nhân vật Thạch Sanh (điểm cao)

Bài giảng: Thạch Sanh - Cô Trương San (Giáo viên VietJack)

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 1

   Chàng dũng sĩ Thạch Sanh trong tác phẩm cùng tên là nhân vật cổ tích ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Truyện xoay quanh những biến cố, những thử thách mà Thạch Sanh phải trải qua để đạt được hạnh phúc. Nhân vật đã thể hiện một cách trọn vẹn và đầy đủ những quan niệm của nhân dân ta về cái thiện, cái ác, về lòng yêu chuộng hòa bình.

   Thạch Sanh vốn là con của Ngọc Hoàng, vì thương đôi vợ chồng nghèo đã lớn tuổi mà chưa có con nên Ngọc Hoàng sai Thạch Sanh xuống đầu thai làm con. Chàng được sinh ra hết sức đặc biệt, người mẹ mang thai vài năm mới hạ sinh Thạch Sanh và khi chàng vừa khôn lớn thì mẹ đã qua đời. Chàng sinh sống một mình dưới gốc đa, lấy nghề đốn củi để kiếm sống qua ngày. Thạch Sanh còn được các thiên thần xuống chỉ dạy võ nghệ và các phép thần thông. Ta có thể thấy rằng, sự ra đời và cuộc sống của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố bình thường với những yếu tố phi thường, kì lạ. Bình thường ở chỗ cha mẹ chàng là những người lao động nghèo, hiền lành, tốt bụng, thường giúp đỡ mọi người. Thạch Sanh sớm mồ côi cha mẹ - chàng là đại diện tiêu biểu cho những trẻ mô côi, một trong những lớp người khốn cùng nhất của xã hội. Để nuôi sống bản thân Thạch Sanh đã dùng tài sản duy nhất của cha để lại là chiếc rìu mang đi đốn củi, công việc của chàng hết sức bình dị, đời thường. Những nét đời thường đó khiến cho nhân vật gần gũi hơn với đời sống nhân dân. Nhưng ẩn đằng sau cái bình dị đó lại là sự xuất thân khác thường: chàng vốn là thái tử được sai xuống trần gian, người mẹ mang thai vài năm mới sinh ra Thạch Sanh, chàng được các thiên thần dạy võ nghệ và phép thuật. Những điểm khác thường đó chính lá dấu hiệu báo trước cho người đọc biết những việc làm phi thường của chàng sau này. Đồng thời mở ra hướng phát triển của câu chuyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.

   Để đạt đến hạnh phúc cuối cùng, Thạch Sanh đã phải trải qua rất nhiều thử thách. Bị mẹ con Lý Thông lừa đi canh miếu thờ chằn tinh. Lý Thông lừa cứu công chúa rồi chôn vùi chàng dưới hang sâu, ở đây chàng đã cứu được con trai vua Thủy Tề và được tặng một chiếc đàn thần. Tiêu diệt chằn tinh và đại bàng nên chàng còn bị hồn của chúng báo thù, bị vu oan và nhốt vào ngục tối. Nhờ đàn thần chàng đã tự giải cứu mình, không chỉ vậy còn lật tẩy bộ mặt xảo quyệt của mẹ con Lý Thông, giúp công chúa lấy lại được tiếng nói. Và cuối cùng chàng đã nên duyên với công chúa. Những thử thách mà chàng phải vượt qua ngày càng khó khăn hơn, nhưng đồng nghĩa với đó chiến công và phần thưởng chàng có được cũng một tăng dần. Những việc làm, hành động ấy cho thấy Thạch Sanh là con người thật thà, chất phác, sẵn sàng xả thân vì người khác, chàng chưa một lần suy tính cho lợi ích của bản thân. Không chỉ vậy, Thạch Sanh còn là một con người quả cảm, tài năng, đứng trước những kẻ thù hung hãn như chằn tinh, đại bàng chàng không hề nao núng, dùng sức khỏe và tài năng của mình để đánh bại chúng. Chi tiết chàng tha cho mẹ con Lý Thông về quê còn cho thấy tấm lòng nhân đạo, khoan dung của chàng với kẻ thù của mình. Thạch Sanh là hiện thân của vẻ đẹp toàn mĩ, lý tưởng, luôn đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, cứu người dân lương thiện. Mọi hành động chàng làm đều vì cuộc sống thanh bình, tốt đẹp của nhân dân. Kết thúc có hậu khi chàng lấy công chúa, mẹ con Lý Thông bị trừng phạt còn thể hiện ước mơ về công lý xã hội của nhân dân ta.

   Không chỉ là hiện thân của vẻ đẹp lý tưởng trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, Thạch Sanh còn là biểu tượng của tấm lòng nhân đạo, lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Trong thử thách cuối cùng, Thạch Sanh thu phục các nước chư hầu đã thể hiện rõ nét nhất điều này. Bằng tài năng, tấm lòng của mình chàng đã dùng tiếng đàn thần làm quân giặc “bủn rủn chân tay, không còn nghĩ được gì tới việc đánh nhau nữa”. Chàng lại dùng niêu cơm thần dọn một bữa cơm thiết đãi những kẻ thua trận. Chi tiết niêu cơm thần vừa phản ánh tấm lòng nhân đạo của Thạch Sanh vừa thể hiện mơ ước ấm no, hạnh phúc của dân tộc ta. Thạch Sanh là sự hội tụ những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân Việt Nam: hiền lành, chất phác, tốt bụng, anh dũng , kiên cường, khoan dung và yêu chuộng hòa bình.

   Xây dựng nhân vật Thạch Sanh các tác giả dân gian đã tạo nên cốt truyện hết sức hấp dẫn, kịch tính, tạo hai tuyến nhân vật đối lập mà Thạch Sanh là đại diện cho cái thiện. Bên cạnh đó nhân vật được xây dựng là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bình thường và phi thường khiến cho nhân vật vừa giản dị, gần gũi nhưng cũng hết sức cao quý. Đi kèm với nhân vật luôn có sự trợ giúp của các đồ vật thần kì (đàn, niêu cơm, cung tên) làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Kết thúc tác phẩm là kết thúc có hậu, đây là kiểu kết thúc phổ biến của truyện cổ tích. Trải qua những khó khăn, vất vả, Thạch Sanh đã dành được phần thưởng xứng đáng (lấy công chúa, lên ngôi vua), qua đó còn phản ánh mơ ước, khát vọng, quan niệm ở hiền gặp lành của nhân dân ta.

   Thạch Sanh là truyện cổ tích hấp dẫn, giàu kịch tính. Tác phẩm đã dựng lên chân dung của một vị anh hùng toàn tài, toàn mĩ cả về nhân cách lẫn tài năng. Qua nhân vật này, các tác giả dân gian thể hiện mơ ước, niềm tin về đạo đức, công lí và công bằng trong xã hội, đồng thời thể hiện tư tưởng nhân đạo và yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.

Dàn ý Phân tích nhân vật Thạch Sanh

1. Mở bài

Giới thiệu nhân vật Thạch Sanh: Thạch Sanh là nhân vật để lại nhiều ấn tượng khó quên với người đọc bởi những đức tính tốt đẹp.

2. Thân bài

- Xuất thân đặc biệt, là sự kết hợp của những điều bình thường và yếu tố phi thường.

- Là người chất phác, hiền lành, chăm chỉ, sẵn sàng xả thân vì người khác, khôn toan tính, vụ lợi.

- Là con người tài năng, quả cảm.

- Có tấm lòng nhân hậu, khoan dung.

- Yêu chuộng hòa bình.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo: xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập; kết hợp yếu tố bình thường và phi thường; sử dụng các chi tiết thần kì.

3. Kết bài

Cảm nghĩ về nhân vật Thạch Sanh: Thạch Sanh là một con người toàn mĩ cả về tài năng lẫn nhân cách. Thông qua nhân vật Thạch Sanh tác giả muốn gửi gắm niềm tin, ước mơ về chân lí cái thiện luôn luôn thắng cái ác.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 2

Truyện cổ tích “ Thạch Sanh” xoay quanh những biến cố, những thử thách trong cuộc đời mà Thạch Sanh phải đối mặt và vượt qua để tìm đến hạnh phúc. Nhân vật Thạch Sanh đã để lại những ấn tượng khó quên với người đọc bởi những đức tính tốt đẹp. Hình tượng chàng dũng sĩ Thạch Sanh đã thể hiện một cách thật trọn vẹn những quan niệm của nhân dân ta về việc cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác, ở hiền thì gặp lành.

Trước tiên, sự ra đời của Thạch Sanh rất kì lạ. Người mẹ mang thai vài năm nhưng mới sinh ra Thạch Sanh. Sau đó không bao lâu thì mẹ qua đời. Chàng sống một mình trong túp lều cũ dưới gốc đa, công việc hàng ngày là đốn củi kiếm sống. Sự ra đời của Thạch Sanh là sự kết hợp của những điều hết sức giản dị, bình thường với yếu tố kì lạ. Điều bình thường đó là chàng được sinh ra trong một gia đình với cha mẹ là những người là những người nông dân giống như bao người khác, hiền lành, chăm chỉ và tốt bụng.

Thạch Sanh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chàng là đại diện cho tầng lớp thấp bé, nghèo khổ trong xã hội. Chàng sống lủi thủi một mình, hàng ngày đi đốn củi kiếm sống – một công việc hết sức bình dị. Tất cả đã tạo nên một hình ảnh gần gũi với đời sống nhân dân. Nhưng đằng sau vẻ bình dị ấy là một xuất thân hết sức đặc biệt: vốn là một Thái tử xuống đầu thai trở thành người phàm. Mẹ chàng mang thai nhiều năm mới sinh ra chàng. Điều này như dự báo trước những việc phi thường mà Thạch Sanh sẽ làm được trong tương lai, đồng thời khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn thu hút người đọc hơn.

Thạch Sanh là một con người thật thà, chất phác, cần cù lao động và tinh thần dũng cảm. Để có được hạnh phúc, chàng đã phải trải qua bao gian truân, thử thách. Là một người mô côi cha mẹ từ nhỏ, thiếu thốn tình thân nên khi Lí Thông ngỏ lời kết tình huynh đệ, chàng chẳng mảy may suy nghĩ mà đồng ý luôn. Trên thực tế Lí Thông không có ý tốt gì, chỉ muốn lợi dụng chàng để thực hiện ý đồ của hắn, hắn là kẻ mưu mô, xảo quyệt. Hắn nhờ chàng đi canh miếu thờ nhưng thực chất là đẩy chàng đến cái chết. Vốn hiền lành lại tin người nên Thạch Sanh đồng ý giúp Lí Thông. Trong đêm ấy, Thạch Sanh không những không bị giết mà chàng còn đánh bại chằn tinh. Lí Thông lại lừa chàng về túp lều cũ để lĩnh thưởng. Không chỉ vậy, khi Thạch Sanh cứu công chúa, Lí Thông lại hãm hại khiến chàng bị chôn vùi dưới hang sâu. Tại đây, chàng được con trai của vua Thủy Tề tặng một cây đàn thần. Chằn tinh và đại bàng bị Thạch Sanh tiêu diệt, hồn của chúng quay về báo thù khiến chàng bị giam trong ngục tối. Nhờ có tiếng đàn thần chàng đã tự giải cứu được cho chính mình, lật tấy bộ mặt gian xảo, độc ác của mẹ con nhà Lí Thông và giúp công chúa lấy lại được tiếng nói. Những thử thách đến với chàng ngày một nhiều hơn và khó khăn hơn nhưng cũng đồng nghĩa với chiến công của chàng ngày một vĩ đại hơn. Tất cả những việc làm, những hành động ấy của Thạch Sanh đều cho thấy chàng là một con người hiền lành, chất phác, sẵn sàng xả thân vì người khác, không mưu toan, vụ lợi.

Không chỉ vậy, Thạch Sanh còn cho thấy mình là một con người hết sức tài năng và quả cảm. Trước những kẻ thù hung dữ như chằn tinh hay đại bàng, chàng chẳng hề nao núng, bình tĩnh dùng trí óc của mình để đánh bại chúng, giải cứu cho những người bị hại. Chàng cũng là người có tấm lòng nhân hậu, khoan dung. Dù biết mẹ con Lí Thông đã hãm hại mình rất nhiều lần, nhưng chàng vẫn tha thứ nhưng cuối cùng chúng cũng bị trời trừng phạt. Thạch Sanh chính là hiện thân của vẻ đẹp toàn mĩ, luôn đấu tranh chống lại cái ác để đem đến một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Kết thúc truyện, Thạch Sanh nên duyên với công chúa, mẹ con Lí Thông bị trừng phạt thể hiện ước mơ về công lí của nhân dân.

Nhân vật Thạch Sanh còn là biểu tượng của tấm lòng nhân hậu cao cả, lòng yêu chuộng hòa bình của mọi người dân đất Việt. Điều này thể hiện rõ nét khi Thạch Sanh thu phục các nước chư hầu. Với tiếng đàn kì diệu được tạo nên bằng tài năng và cả tấm lòng, chàng đã khiến cho quân giặc “ bủn rủn chân tay, không còn nghĩ gì tới việc đánh nhau nữa”. Sau đó, chàng lại dùng niêu cơm thần để thiết đãi những kẻ thua trận. Chi tiết này vừa cho thấy tấm lòng nhân hậu, vị tha của Thạch Sanh, vừa thể hiện ước mong về cuộc sống đầy đủ no ấm của nhân dân ta.Ở Thạch Sanh hội tụ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: hiền lành, thật thà, dũng cảm, kiên cường, tấm lòng nhân hậu và yêu chuộng hòa bình.

Nhân vật Thạch Sanh được xây dựng qua một cốt truyện hấp dẫn với hai tuyến nhân vật đối lập mà Thạch Sanh là đại diện cho cái thiện. Sự kết hợp giữa yếu tố bình thường và phi thường tạo cho nhân vật một sức hút lớn vừa giản dị nhưng cũng đầy bất ngờ. Cùng với đó là sự giúp sức của các chi tiết thần kì làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Kết thúc là cái kết có hậu, khi mà Thạch Sanh kết duyên với công chúa, qua đó thể hiện một chân lí muôn đời ở hiền gặp lành, thiện luôn luôn thắng ác.

Thạch Sanh là một con người toàn mĩ cả về nhân cách lẫn tài năng. Thông qua hình tượng nhân vật Thạch Sanh, các tác giả dân gian muốn gửi gắm niềm tin về đạo lí, công bằng trong xã hội, về chân lí bất di bất dịch ở hiền gặp lành, qua đó cũng thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 3

Thạch Sanh là một chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh, quanh năm mình trần đóng khố. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ, cuộc đời Thạch Sanh cũng lắm gian truân.

Thạch Sanh mồ côi cha từ lúc mới sinh. Năm lên bảy tuổi thì mất luôn cả mẹ. Chàng sống lầm lũi một mình bên gốc cây đa, dông tố cuộc đời đến với chàng từ đó. Tứ cố vô thân, gia tài chỉ có mỗi chiếc rìu của cha để lại. Qua thử thách, Thạch Sanh đã bộc lộ phẩm chất quý báu của mình. Đó là tính thật thà, chất phác, cần cù lao động và tinh thần dũng cảm. Lòng cả tin của chàng đã bị mẹ con Lí Thông mưu hại.

Đầu tiên là việc nhận lời kết nghĩa anh em với Lí Thông, bị Lí Thông bóc lột sức lao động. Thạch Sanh đã lấy sức của mình làm giàu cho mẹ con họ Lí. Rồi đến việc mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ để thế mạng. Bằng tài năng và lòng dũng cảm của mình, Thạch Sanh đã diệt được chằn tinh, trừ đi mối họa cho dân làng. Thế những cuộc đời của chàng lại gặp gian nan, trắc trở, Lí Thông cướp công, rồi đuổi đi. Thạch Sanh buồn tủi, nghĩ thân phận của mình thật hẩm hiu. Tuy hoàn cảnh như vậy nhưng Thạch Sanh vẫn giàu lòng vị tha, nhân ái. Chàng lại giúp Lí Thông đi tìm công chúa Quỳnh Nga dưới hang đại bàng. Cứu được công chúa, Thạch Sanh lại bị Lí Thông hãm hại, bị nhốt trong hang đá. Lòng dũng cảm và tài năng phi thường đã giúp Thạch Sanh vượt qua tất cả. Thạch Sanh chiến thắng đại bàng, cứu thái tử con vua Thủy Tề và được tặng cây đàn thần. Tuy nghèo khó nhưng Thạch Sanh không nhận vàng bạc của vua Thủy Tề ban tặng, chỉ nhận cây đàn rồi về bên gốc đa, tiếp tục vào rừng đốn củi, nuôi thân. Phẩm chất của Thạch Sanh thật đẹp đẽ, cao quý, không sợ hiểm nguy, bất chấp gian khổ để để cứu người mà không cần bổng lộc, sống cuộc sống bằng sức lao động của chính mình, mặc dù cuộc đời đang gặp lắm khổ ải, gian nan. Thạch Sanh là một con người bình thường nhưng cũng rất phi thường. Sức khỏe, tài năng và nghị lực đã giúp Thạch Sanh làm nên chiến công rạng rỡ. Chàng chiến thắng trở về với mảnh đất quê hương nhưng bọn tà gian đâu chịu để yên. Thạch Sanh lại gặp Lí Thông vì bị vu oan. Lí Thông đã làm ngơ trước oan khúc của Thạch Sanh, chẳng động lòng trắc ẩn mà còn đợi ngày đem Thạch Sanh xử tử. Bằng tiếng đàn, Thạch Sanh đã vạch tội Lí Thông ăn ở bất nhân, bất nghĩa. Tiếng đàn của Thạch Sanh là tiếng nói của người lương thiện đòi công lí. Tiếng nói ấy cũng đã thấu tai vua, Thạch Sanh được giải oan bởi tiếng nói chân chính của mình. Bộ mặt dối trá, lương tâm ác độc của Lí Thông cũng đã lộ ra trước công lí Thạch Sanh lại tha tội cho Lí Thông. Lòng vị tha của chàng đã đáp lại sự đố kị của Lí Thông. Mẹ con Lí Thông được Thạch Sanh tha tội cho về quê làm ăn nhưng tội ác của họ quá lớn, công lí chẳng dung tha, Lí Thông đã bị thần sét đánh chết, cho hóa kiếp làm bọ hung, đời đời sông trong dơ bẩn. Tính cách và hành động của Lí Thông luôn đối lập với Thạch Sanh.

Thạch Sanh đã chiến thắng Lí Thông rồi chiến thắng quân của mười tám nước chư hầu đem lại sự thịnh trị cho đất nước, hạnh phúc cho muôn nhà. Trong chiến thắng, Thạch Sanh lại thể hiện lòng nhân đạo với kẻ chiến bại, cho cấp mười tám học lương để quân giặc ăn trên đường về nước. Giặc chê ít, Thạch Sanh lại sai đem chiếc niêu của mình thổi về. Giặc ăn mãi không hết, một lần nữa chàng đã quy phục được quân thù.

Xét về nguồn gốc thì Thạch Sanh không phải là người thường. Chàng là thái tử con của Ngọc Hoàng xuống trần gian đầu thai để cứu giúp người trần. Bởi vậy, ở Thạch Sanh có sức người kết hợp với sức thần một cách hài hòa. Đây cũng là ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta.

Hình tượng Thạch Sanh là đại diện cho lớp người lao động cần cù, lương thiện, dũng cảm đấu tranh chống lại kẻ ác và chống quân xâm lược. Chúng ta cần học tập phẩm chất cao đẹp của Thạch Sanh, người dũng sĩ phi thường và giàu lòng nhân ái.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 4

Truyện Thạch Sanh thể hiện cho vẻ đẹp của trí tuệ, tài năng và tâm hồn của con người Việt Nam. Qua câu chuyện, cha ông muốn nhắc lại một chân lí đúng đắn rằng, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, người tốt bao giờ cũng đánh bại kẻ xấu.


Thạch Sanh là truyện kể về người dũng sĩ thật thà mộc mạc, có sức mạnh phi thường có thể chém chằn tinh, diệt đại bàng, cứu người bị hại. Ngoài sức mạnh phi thường ấy, tiếng đàn của chàng có thể vạch mặt kẻ vong ơn bội nghĩa và làm nhụt khí quân xâm lược.

Thông qua các nhân vật trong truyện câu truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân nghĩa, yêu hòa bình của nhân dân ta. Trong truyện có nhiều chi tiết độc đáo và giàu ý nghĩa (như sự ra đời kì lạ của Thạch Sanh, cung tên vàng, cây đàn thần, niêu cơm thần...). Có thể nói, trong những nhân vật chính diện mà truyện cổ tích Việt Nam đã xây dựng nên thì Thạch Sanh là nhân vật đẹp nhất và tiêu biểu nhất.

Nhân dân đã tưởng tưởng ra cái nguồn gốc xuất thân của chàng Thạch Sach thật kì lạ. Xét về nguồn gốc thì Thạch Sanh không phải người thường. Theo truyện kể thì vợ chồng nhà họ Thạch (ở Cao Bằng), tuổi đã già mà chưa có con. Thấy họ tốt bụng, Ngọc Hoàng sai thái tử xuống trần gian đầu thai làm con. Bà mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh. Lớn lên, chàng lại được các vị thần dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông. Như vậy Thạch Sanh là "người trời".

Những chi tiết về sự ra đời và lớn lên khác thường của Thạch Sanh có ý nghĩa tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ cho nhân vật lí tưởng làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Nhân dân quan niệm rằng, nhân vật ra đời và lớn lên kì lạ như vậy tất sẽ có khả năng, phẩm chất phi thường và sẽ lập được nhiều chiến công lừng lẫy.

Thạch Sanh là người trời nhưng khi làm con trong gia đình nông dân chàng đã thành người cõi trần, có cha mẹ, họ tên, quê quán, nghề nghiệp, cụ thể, rõ rãng. Cuộc đời và số phận Thạch Sanh rất gần gũi với nhân dân.

Thạch Sanh mồ côi cha từ khi còn ở trong bụng mẹ, rồi vừa mới lớn mất luôn cả mẹ. Chàng sống một thân một mình từ bé. Đó là đặc tính phổ biến của các nhân vật chính diện trong truyện cổ tích thần kì. Ngoài đặc điểm ấy, nhân vật Thạch Sanh còn có tính chất của nhân vật thần thoại và nhân vật anh hùng trong truyền thuyết.

Thạch Sanh sống trong túp lều cũ ở dưới gốc đa. Cả gia tài chỉ có một lưỡi rìu mà cha để lại. Thân cô, thế cô, chàng phải chịu bao khó khăn thử thách của cuộc đời. Chàng kết thân với Lí Thông và coi mẹ con Lí Thông như gia đình của mình. Thế nhưng chàng bị mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ để thế mạng. Bằng tài năng của mình, Thạch Sanh đã diệt được chằn tinh.

Sau đó là câu chuyện công chúa bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Thạch Sanh đã xuống hang tiêu diệt đại bàng, cứu được công chúa. Chàng bị Lí Thông cố tình hãm hại, lấp mất cửa hang. Trong khi tìm lối thoát, chàng lại cứu được con vua Thủy Tề và được tặng cây đàn thần. Trở về gốc đa, bị hồn của chằn tinh và đại bàng báo thù, bọn chúng bị Thạch Sanh hạ ngục. Nỗi oan của chàng được giải. Mẹ con Lí Thông độc ác bị trừng trị, biến thành bọ hung. Thạch Sanh được kết hôn với công chúa. Hoàng tử mười tám nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn nay lấy làm tức giận, họp nhau kéo quân sang đánh. Thạch Sanh lấy đàn thần ra gảy, quân sĩ mười tám nước rút lui. Thạch Sanh và công chúa từ đó sống hạnh phúc bên nhau.

Những khó khăn, trắc trở với chàng Thạch Sanh cứ tăng dần, thử thách sau bao giờ cũng gay go hơn thử thách trước. Thạch Sanh đã vượt qua tất cả bằng tài năng, phẩm chất và sự giúp đỡ của các phương tiện thần kì. Điều đó thể hiện một lời khẳng định rằng, cái ác dù có mưu mô xảo quyệt đến đâu cũng không thể thắng được cái thiện cái đúng đắn.

Thạch Sanh được xây dựng lên là một chàng trai tuy nghèo nhưng có đủ ba điều quý giá ban đầu: sức khỏe, nghị lực và tài năng; có công cụ và mảnh đất quê hương để từ đó làm nên tất cả.Ở nhân vật Thạch Sanh, yếu tố bình thường gắn liền với yếu tố phi thường, sức người kết hợp với sức thần một cách chặt chẽ, hài hòa.Những lần bị Lí Thông và yêu quái hãm hại, Thạch Sanh không được Tiên, Bụt hiện lên giúp đỡ nhưng chàng lại có trong tay những phương tiện kì diệu cung vàng, đàn thần. Điều này thể hiện ý tưởng sâu xa của nhân dân, tài năng của chàng là tài năng của con người kết hợp với sức mạnh của thần thánh.

Tiếng đàn thần vô cùng kì diệu đã giải oan cho Thạch Sanh, vạch tội Lí Thông, làm cho công chúa hết câm, khiến cho đội quân xâm lược của mười tám nước phải mềm lòng nhụt chí, buông giáo xin hàng. Đó là tiếng nói nhân nghĩa và công lí, đại diện cho cái thiện, cho tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân. Với cây đàn thần trong tay, Thạch Sanh được miêu tả như một nghệ sĩ tài hoa, một anh hùng trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ cuộc sống yên vui cho mọi người.

Giặc chấp nhận lui binh, được Thạch Sanh dọn một bữa cơm thết đãi. Niêu cơm thần kì của Thạch Sanh cứ vơi lại đầy, làm cho quân sĩ mười tám nước lúc đầu coi thường và chế giễu, sau đó phải ngạc nhiên khâm phục. Niêu cơm thần kì ấy tượng trưng cho sức mạnh tiềm tàng và tấm lòng nhân đạo cao cả, rộng lớn của nhân dân ta.

Cái kết có hậu của câu chuyện đã đáp lại cái ao ước đổi đời cho những con người nghèo khổ nhưng có tấm lòng lương thiện của nhân dân ta. Đó là thành quả đáng được hưởng sau những khó khăn thử thách mà con người đã trải qua. Câu chuyện một lần nữa khẳng định triết lí sống ngàn đời của cha ông ta, cái thiện luôn thắng cái ác, ở hiền gặp lành.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 5

“Đàn kêu: Ai chém chằn tinh

Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang

Đàn kêu: Ai chém xà vương

Đem nàng công chúa triều đường về đây?”

Những câu thơ Nôm ấy khiến người đọc nhớ ngay tới câu chuyện cổ tích xưa với hình ảnh chàng dũng sĩ Thạch Sanh. Nhân vật ấy đã để lại trong lòng độc giả ấn tượng sâu sắc.Thạch Sanh cũng như bao nhân vật ổ tích khác được xây dựng bằng bút pháp dân gian, đơn giản và không có đời sống tâm lí. Nhưng bằng sự tài hoa của mình các tác giả xưa vẫn tạo ra được những dấu ấn riêng cho các nhân vật. Nói đến Thạch Sanh người đọc nhớ ngay tới chàng dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và chống quân xâm lược với những phẩm chất, tài năng đáng quý.

Dũng sĩ Thạch Sanh sinh ra không bình thường như những đứa trẻ khác. Chàng là con trai của Ngọc Hoàng được cử xuống trần gian đầu thai nên mang trong mình nhiều yếu tố thần kì. Nhưng Thạch Sanh cũng có một số phận hẩm hiu và chịu nhiều gian khổ. Vừa mới lớn khôn, chàng đã mồ côi cả cha lần mẹ. Từ đó, chàng phải sống đơn côi một mình với cả gia tài chỉ là lưỡi búa do cha để lại. Đến lúc có mái ấm gia đình với mẹ con Lí Thông thì chàng lại bị lừa đến nỗi phải trốn đi.

Số phận đưa Thạch Sanh gặp lại tên Lí Thông gian ác ấy khi giải cứu công chúa. Hắn không những cướp công của chàng mà còn lập mưu hại Thạch Sanh nhằm bắt chàng ở dưới hang sâu mãi mãi. Hết lần này đến lần khác, Thạch Sanh gặp nạn. vẫn chưa hết, sau khi về ở lại gốc đa, chàng bị hồn chăn tinh và đại bàng hãm hại. Thế là Thạch Sanh bị bắt giải vào ngục tối. Cuộc đời Thạch Sanh thật chông gai và có nhiều bất hạnh như bao nhân vật cổ tích khác. Một mình chàng phải đương đầu với tất cả sóng gió. Nhưng qua mỗi lần như thế ta càng cảm phục hơn bởi sức mạnh kiên cường bên trong của chàng.

Những thử thách tác giả dân gian đưa ra đã thể hiện được tài năng cũng như phẩm chất cao đẹp của Thạch Sanh. Đầu tiên ta thấy Thạch Sanh là chàng trai khỏe mạnh, hiền lành và tự lập. Nhờ có sức khỏe nên khi về ở với Lí Thông, chàng đã giúp hắn làm giàu lên nhanh chóng. Cũng nhờ có sức khỏe Thạch Sanh đánh thắng được chằn tinh, đại bàng cứu giúp nhân dân và công chúa.Thạch Sanh còn là chàng trai thật thà, tốt bụng, vốn tính hiền lành nên khi nghe Lí Thông lân la gợi chuyện, chàng đồng ý về ở cùng hai mẹ con hắn. Chàng chăm chỉ làm việc giúp hai mẹ con Lí Thông, coi như hai người thân yêu của mình.

Nhưng ngược lại, mẹ con Lí Thông chỉ lợi dụng chàng, xem chàng như công cụ giúp chúng làm giàu. Cũng vì thật thà, Thạch Sanh bị hắn lừa đi trông miếu để thế mạng. Khi chàng giết được chằn tinh, Lí Thông lại lừa chàng để cướp công, về sau, trong lúc giải cứu công chúa, do tính vốn tin người Thạch Sanh một lần nữa lại bị Lí Thông lừa. Hết lần này qua lần khác, chàng bị người ta phản bội nhưng không vì thế mà có ý định trả thù. Khi được nhà vua cho quyền xử tội mẹ con Lí Thông, Thạch Sanh không những không giết mà còn tha cho về quê làm ăn. Tấm lòng của Thạch Sanh càng khiến lòng người cảm phục. Những phẩm chất cao đẹp ấy đã giúp chàng vượt qua mọi gian nan.

Thạch Sanh vốn là con Trời được phái xuống nên mang trong mình nhiều tài năng cùng với tố chất thông minh làm cho chàng càng có thêm sức mạnh. Vừa mới lớn lên, Thạch Sanh đã được Ngọc Hoàng sai thiên thần xuống dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông. Tài năng kì diệu ấy chàng luôn đem ra cứu giúp dân lành không bao giờ tư lợi. Chàng vô cùng thông minh, khéo léo khi vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa Lí Thông. Ngồi trong ngục tối, chàng lấy đàn ra gẩy “Đàn kêu tích tịch tìm tang. Ai đem công chúa dưới hang trở về...” Tiếng đàn thiết tha, vang đến tai công chúa Quỳnh Nga. Bao oan ức của chàng được sáng tỏ, kẻ xấu Lí Thông bị lộ chân tướng.

Sự thông minh của chàng được thể hiện rõ nhất qua việc dẹp loạn chư hầu. Vốn yêu chuộng hòa bình, có tầm nhìn xa trông rộng, Thạch Sanh không vội vàng động binh. Muốn dùng nhân nghĩa để xoay chuyển lòng người, làm cho đối phương tâm phục khẩu phục, Thạch Sanh dũng cảm một mình cầm cây đàn thần ra trước quân giặc. Tiếng đàn của chàng vừa cất lên thì quân sĩ mười tám nước bủn rủn chân tay, không nghĩ tới chuyện đánh nhau nữa. Thế là chúng phải giơ tay xin hàng. Quân ta chiến thắng vẻ vang, không tôn một hòn tên mũi đạn cũng không mất một binh sĩ nào.

Để an ủi lòng quân sĩ đối phương, Thạch Sanh sai dọn một bữa Cơm thết đãi. Nhưng lạ thay chỉ có một niêu cơm tí xíu, ai nhìn cũng bĩu môi, không muốn ăn. Chi tiết niêu cơm thần ấy đã đưa Thạch Sanh lên tầm một vị thánh cứu tinh của đất nước. Niêu cơm nhỏ mà kì diệu thay, tướng sĩ mười tám nước ăn mãi không hết, cứ vơi lại đầy. Cuối cùng chúng phải cúi đầu lạy tạ và kéo nhau về nước trong sự kính nể, tôn sùng Thạch Sanh. Như vậy, với tài năng, trí tuệ và tấm lòng nhân ái của mình, không cần dùng sức Thạch Sanh đã đương đầu và chiến thắng kẻ thù, chiến thăng vẻ vang, ngạo nghễ.

Thạch Sanh tuy là nhân vật cổ tích nhưng được gửi gắm trong đó nhiều ước mơ của nhân dân ta thời xưa: ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình. Mãi mãi, chàng dũng sĩ Thạch Sanh sẽ tồn tại trong đời sống tinh thần dân tộc.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 6

Cuộc sống vốn dĩ không bao giờ bằng phẳng, trên con đường tìm đến hạnh phúc luôn chứa đầy những khó khăn, thử thách đòi hỏi ta phải dũng cảm, kiên trì vượt qua. Truyện cổ tích Thạch Sanh là minh chứng cho điều đó, để tìm đến được hạnh phúc chàng đã phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, có những khi tưởng chừng như gục ngã. Thạch Sanh được xây dựng trên trí tưởng tượng của dân gian là một con người hoàn mỹ về nhân cách và tài năng, mang theo đó là niềm tin bất diệt của con người vào sự công bằng trong xã hội.

Thạch Sanh hiện lên là một chàng trai nghèo nhưng lại có gốc gác đầy ly kỳ, bởi chàng là thái tử của Ngọc hoàng đại đế, được phái xuống trần làm con trai của cặp vợ chồng nghèo khó sống lương thiện nhưng mãi chẳng có nổi một mụn con. Sự hiền lành, nhân hậu của họ đã khiến trời đất động lòng thương xót ban cho một đứa con khi tuổi đã xế chiều, và đứa trẻ ấy lại chẳng phải người thường. Mẹ chàng đã lớn tuổi lại phải mang thai ròng rã mấy năm trời, mà Thạch Sanh vẫn chưa chịu ra đời.

Vì cha mẹ tuổi cao sức yếu nên sớm qua đời, chàng phải chịu cảnh mồ côi, sống côi cút, lẻ loi trong một túp lều tranh dưới gốc cây đa, cả gia tài chỉ có chiếc búa người cha để lại, hằng ngày chàng lên rừng đốn củi kiếm sống. Có thể nói nhân vật Thạch sanh có xuất thân giản dị, có cha mẹ là những người nông dân hiền lành, tốt bụng, chăm chỉ như bao người khác, nhưng đằng sau đó xen lẫn cả yếu tố kỳ bí, huyền diệu, chi tiết này đã làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, gây cảm xúc hứng thú cho người đọc. Cũng là điềm báo cho một tương lai đầy sóng gió nhưng không kém phần oanh liệt của chàng trai tên Thạch Sanh này.

Thạch Sanh mang thân phận người nông dân lam lũ, vất vả, là tầng lớp dưới đáy của xã hội, vốn phải chịu nhiều khổ cực và chèn ép. Tuy lớn lên không có đủ tình yêu thương dạy dỗ của cha mẹ nhưng chàng vẫn mang nhiều phẩm chất tốt đẹp, là một người thật thà, chất phác và tốt bụng. Thạch Sanh mất cha mẹ từ nhỏ, sâu trong nội tâm của nhân vật là nỗi khao khát tình thân, mong mỏi có một mái ấm gia đình, mọi người cùng đùm bọc nhau để sống qua ngày.

Chính điều ấy đã tạo cơ hội cho một kẻ đầy gian xảo như Lý Thông được dịp lợi dụng, dưới danh nghĩa là kết thân nhưng thực tế là hòng mang Thạch Sanh về đỡ đần những công việc nặng nhọc cho hắn mà thôi. Thạch Sanh vốn xưa nay cô độc, lại thấy có người để tâm chiếu cố đến mình, thì hẳn lòng rất vui, chẳng có chút nghi ngờ mà nhận lời Lý Thông ngay lập tức. Có thể thấy Thạch Sanh vì quá vui mừng, xúc động mà khi có người đến hỏi han săn sóc mình chàng đã tin tưởng và nghĩ đấy thực sự là chân tình anh em. Từ khi Thạch Sanh khôn lớn, Ngọc Hoàng đã phái người xuống dạy võ thuật và những phép thần thông, Thạch Sanh mang trong mình lòng dũng cảm, gan dạ và tài năng trời phú.

Khi mẹ con nhà Lý Thông lừa chàng đi nộp mạng cho chằn tinh, với bản tính vốn hiền lành lại dễ tin người chàng liền nhận lời ngay. Vậy mà khi đối mặt với con chằn tinh hiểm ác Thạch Sanh không một phút nao núng, chàng vung lưỡi búa sử dụng các phép thần để đánh bại nó. Trong đêm ấy Thạch Sanh trở về với đầu con chằn tinh và bộ cung tên vàng. Tên họ Lý gian manh lại bày mưu lừa chàng trở về lại túp lều tranh để hắn một mình đi lãnh thưởng. Cứ ngỡ đến đây cuộc sống chàng trai hiền lành sẽ bước sang một trang mới tươi sáng hơn, ngờ đâu kẻ gian cứ luôn dùng gian kế hiểm độc của mình để hại chàng.

Thạch Sanh quay lại cuộc sống tiều phu quanh năm mòn mỏi bên gốc cây đa. Có một lần đang ngồi dưới gốc đa, chàng tình cờ thấy đại bàng bay qua, chân có quắp một người, sẵn bộ cung tên vàng chàng bắn một phát. Mũi tên trúng cánh đại bàng. Thạch Sanh lần theo vết máu, tìm được chỗ ở của đại bàng và cứu được công chúa. Một lần nữa chàng bị tên Lý Thông dồn vào thế nguy hiểm nhưng vốn chẳng phải người thường chàng dễ dàng giết chết con đại bàng và giải cứu con trai vua Thuỷ Tề. Thạch Sanh quay lại bên túp lều tranh với cây đàn, chàng quả là một người trượng nghĩa và có tấm lòng cao cả sẵn sàng xả thân vì người khác, chẳng ngại nguy khó, không tham danh lợi, phù hoa.

Số phận Thạch Sanh thật lắm trái ngang, khó khăn cứ chồng chất khó khăn, hiểm nguy cứ theo chân nhau tìm đến. Chàng bị linh hồn bọn chằn tinh, đại bàng vu oan cho tội trộm cắp. Bị giam trong ngục tối vì quá đau khổ, buồn bực cho cuộc đời lắm nghịch cảnh mình chàng gẩy những tiếng đàn như ai oán, trách than tiếng đàn vang vọng trong hoàng cung đến tai công chúa, người con gái ấy bỗng nhiên cười nói lại được và một mực gặp người gảy đàn. Cuộc đời bế tắc của Thạch Sanh đến đây như được tươi sáng trở lại, chàng được minh oan trả lại sự công bằng cho bản thân.

Thạch Sanh mang trong mình một tấm lòng nhân hậu, cùng vị tha sâu sắc, biết bao phen bị mẹ con Lý Thông bày kế hãm hại, có lần tưởng đi vào cõi chết, nhưng Thạch Sanh vẫn rộng lòng tha thứ, chàng muốn cho mẹ con họ một đường lui, một lối thoát, bởi khi xưa ít ra cũng có một thời gian ngắn ngủi họ thực sự là một gia đình, cũng đã cho chàng hưởng cảm giác ấm áp tình thân, chàng muốn họ sống và ăn năn về những lỗi lầm mình gây ra chứ chết cũng có ích gì.

Tuy nhiên, với những kẻ thủ ác như mẹ con nhà Lý Thông thì tuyệt nhiên không thể dung thứ, trời cao có mắt đã phái Thiên Lôi đánh chết và biến chúng thành bọ hung, ngày ngày sống trong dơ bẩn, chịu đủ nhục nhã để chuộc lại những tội ác mà chúng đã gây ra cho Thạch Sanh. Qủa đúng với câu “Ác giả ác báo”, “Gieo nhân nào gặp quả nấy”. Còn Thạch Sanh, qua bao khó khăn vất vả chàng xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, an nhàn bên nàng công chúa xinh đẹp, hơn thế đức tính tốt đẹp của chàng xứng đáng làm người thừa kế ngai vàng, cai trị một đất nước thái bình, thịnh trị.

Tấm lòng nhân hậu, khoan dung của Thạch Sanh còn mở ra một khía cạnh khác sâu sắc hơn, thể hiện được toàn bộ vẻ đẹp tâm hồn chàng, đó một tấm lòng nhân nghĩa, là lòng yêu hòa bình sâu sắc, mong muốn nhân dân được an cư lạc nghiệp, xóa bỏ mọi hận thù chiến tranh phi nghĩa, đổ máu vô ích. Chàng thu phục các nước chư hầu bằng bằng tấm lòng cao cả của mình, khi tiếng đàn cất lên mang theo những ước muốn, khát khao hòa bình đã cảm động đến từng binh sĩ, khiến quân các nước tự nhiên không còn ý chí chiến đấu nữa chỉ muốn quay về với gia đình. Thạch Sanh còn thiết đãi binh sĩ các nước những niêu cơm thần của mình, niêu cơm nhỏ bé ấy, nhưng ăn mãi chẳng vơi, ẩn sâu trong đó là mong ước nhân dân có một cuộc sống sung túc đủ đầy, chẳng phải lo đến cơm ăn áo mặc, được an cư lạc nghiệp, cũng thể hiện sức mạnh nhân nghĩa cường đại của một vị minh quân lấy nhân đức để trị thiên hạ.

Thạch Sanh một câu chuyện cổ tích thật hấp dẫn và chứa đựng đầy tình tiết gay cấn, kịch tính. Có lúc người tốt tưởng chừng như đi vào bế tắc thế nhưng rồi cũng tìm được hạnh phúc mà họ xứng đáng được nhận. Câu chuyện để lại cho chúng ta bài học về triết lý nhân sinh sâu sắc “Gieo nhân nào gặp quả ấy”, “Ở hiền gặp lành”, đồng thời nói lên tư tưởng nhân đạo và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, hướng con người đến những giá trị đạo đức tốt đẹp mà trong đó chữ “Thiện” lấy làm đầu.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 7

Dân tộc Việt Nam ta có kho tàng truyện cổ tích đồ sộ và đầy phong phú. Nhưng có một nhân vật đặc biệt ắt hẳn đã lưu dấu khó quên trong tâm trí người đọc. Đó chính là nhân vật Thạch Sanh trong tác phẩm cùng tên. Trong câu chuyện, tác giả dân gian lấy nhân vật chính – Thạch Sanh – làm trung tâm và kể về những sự việc, sự vật xoay quanh chàng. Những sự vật, sự việc ấy bao gồm những thăng trầm Thạch Sanh đã phải trải qua để vươn tới vạch đích cuối cùng mang tên “hạnh phúc”.

Thạch Sanh đã thể hiện được đầy đủ các đức tính tốt đẹp theo tiêu chuẩn của nhân dân ta và đồng thời cũng giúp người đọc nhận ra được cái tốt cái xấu và lòng ưa chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nhau phân tích hình ảnh nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích “Thạch Sanh”

Thạch Sanh là con của một đôi vợ chồng già, nghèo và hiếm muộn. Vốn Thạch Sanh là con của Ngọc Hoàng nhưng vì Ngọc Hoàng rủ lòng thương với đôi vợ chồng ấy mà đã phái Thạch Sanh đầu thai xuống làm con của họ. Cách chàng được có mặt trên đời cũng không hề bình thường như những đứa trẻ khác, người mẹ đã phải mất vài năm mang thai rồi mới sinh ra được Thạch Sanh. Nhưng cậu bé Thạch Sanh chỉ mới kịp khôn lớn thì mẹ cậu đã qua đời. Không còn người thân, chàng phải sống cô đơn dưới gốc đa và hành nghề đốn củi để kiếm cái mưu sinh.

Tuy vậy, Thạch Sanh lại được các thiên thần xuống dạy bảo cho võ nghệ và cả những phép thần thông. Ngay từ ban đầu câu chuyện, người đọc có thể thấy rằng, cách Thạch Sanh được sinh ra và sống là bản hòa ca giữa sự bình thường và phi thường. Cha mẹ Thạch Sanh chỉ là những con người lao động nghèo, hiền lành, tử tế và có lòng tốt với mọi người – đấy chính là điều bình thường – điều mà vô cùng sát và giống với nhân dân Việt Nam thời xưa.

Còn điều phi thường nằm đằng sau những thứ bình dị kia chính là ở cái xuất thân khác thường của chàng – thái tử được phát xuống nhân gian, ở chỗ cách chàng được sinh ra sau khi ở trong bụng mẹ vài năm mới chào đời và còn đặc biệt ở chỗ là chàng được dạy bảo võ nghệ và phép thuật bởi các thiên thần. Những điều phi thường này đã báo hiệu cho những chuỗi hành động kỳ diệu chàng thực hiện về sau. Hơn nữa cũng chính là những tín hiệu mở ra nội dung chính của câu chuyện, tăng tính thu hút của câu chuyện hơn.

Vốn con đường đến vạch đích hạnh phúc không hề dễ dàng, Thạch Sanh cũng phải vượt qua vô vàn thử thách để đến được vạch đích ấy. Đầu tiên, chàng bị mẹ con Lý Thông xúi dại đi canh miếu thờ chằn tinh. Không chỉ có thế, chàng lại còn bị tên Lý Thông bịp cứu công chúa. Kết quả, chàng bị chôn vùi dưới hang sâu. Nhưng không vì thế mà Thạch Sanh bỏ cuộc.

Trong lúc đang ở tận cùng của thế giới, chàng đã cứu được thái tử của vua Thủy Tề và rồi được ban thưởng một chiếc đàn thần. Tưởng chừng kết liễu được chằn tinh và đại bang là xong, ai ngờ chàng con bị hồn của chúng báo thù khiến chàng bị oan ức phải vào ngục tối. Nhưng rồi chàng đã lấy món quà mà từ vua Thủy Tề của mình – chiếc đàn thần – để giải cứu bản thân và còn đảo lên rõ bộ mặt thật đầy xấu xa của 2 mẹ con nhà Lý Thông đồng thời giúp công chúa có lại được giọng nói.

Sau cùng, chàng cũng đã kết duyên được với công chúa. Mặc dù độ khó những thử thách mà Thạch Sanh phải trải qua đều tăng dần nhưng thành tích và thành quả nhận được không hề tỉ lệ nghịch mà còn tăng theo. Ta có thể dễ dàng thấy được con người của Thạch Sanh – là một chàng trai lương thiện, trung thực và luôn đặt sinh mạng, cuộc sống của người khác lên trên bản thân mình.

Ta còn thấy được sự bao dung độ lượng của Thạch Sanh qua cách chàng hành xử với mẹ con Lý Thông. Chàng không hề phạt hay giam cầm họ hay đối xử tệ bạc với họ mà còn tha cho họ về quê. Thạch Sanh thật sự là một con người hoàn hảo, mang đầy đủ mọi đức tính, lý tưởng tốt đẹp, luôn chiến đấu cho cái thiện, dẹp cái ác.Chưa dừng lại ở đó, Thạch Sanh đã hoàn thành trọn vẹn vai trò trở thành biểu tượng của sự hòa bình và tấm lòng nhân đạo. Điều đó được hiện rõ nhất ở trong thử thách cuối cùng của Thạch Sanh. Chàng không cần phải dùng đến bạo lực hay vũ lực. Chỉ với lòng chân thành và năng lực của mình, chàng cất lên tiếng đàn thần khiến quân địch “ “bủn rủn chân tay, không còn nghĩ được gì tới việc đánh nhau nữa”. Không dừng lại ở đó, Thạch Sanh còn đem cơm từ niêu thần ra đãi những kẻ địch bại trận.

Các tác giả dân gian đã tạo xây được nhân vật Thạch Sanh với cốt truyện hết sức mới lạ đầy thu hút với hai bên đối lập mà Thạch Sanh là đại diện cho cái tốt, cái thiện. Tác phẩm được kết thúc với kết cục thường thấy ở các truyện cổ tích – một kết thúc có hậu. Đó là, một kết thúc đầy viên mãn với nhân vật hướng về cái thiện là Thạch Sanh. Điều ấy hoàn toàn phản ánh đúng ước mơ, mong muốn của nhân dân về quan niệm ác giả ác báo, ở hiền gặp lành.

Truyện cổ tích Thạch Sanh vừa thu hút người đọc lại vừa mang đến những tình tiết bất ngờ, khác lạ. Trong tác phẩm, Thạch Sanh đã được tạo hình thành một người hùng lý tưởng về mọi mặt, từ nhân phẩm cho đến năng lực. Các tác giả đã gửi gắm qua chàng những giấc mộng, lòng tin về đạo đức, sự công bằng và bình đẳng ở xã hội và hơn nữa là gửi gắm qua câu chuyện đức tin về sự nhân đạo và lòng ưa chuộng sự yên bình, hòa bình của dân tộc ta.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 8

“Ầu ơi! Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”

Lời ru êm ái, nhẹ nhàng đã gợi nhắc trong lòng chúng ta về tuổi thơ ngọt ngào bên chiếc võng, nhưng mỗi một con người lớn lên không chỉ bằng lời ru dịu ngọt của bà, của mẹ mà còn bằng cái nôi từ những câu chuyện cổ tích. Đó là thế giới của công bằng, của chân lí chất chứa biết bao bài học làm người quý giá mà bà và mẹ đã truyền dạy cho chúng ta như những bài học đầu đời. Truyện cổ tích “Thạch Sanh” là một trong số những câu chuyện rất đỗi quen thuộc và thể hiện rõ điều đó thông qua việc kể về người dũng sĩ Thạch Sanh vượt qua nhiều thử thách để cứu người, đồng thời vạch mặt kẻ xấu và chống quân xâm lược.

“Thạch Sanh” là chuyện cổ tích kể về cuộc đời của kiểu nhân vật dũng sĩ và có tài năng lạ kì. Ngay từ phần mở đầu, tác phẩm đã thể hiện rõ điều đó. Sự ra đời của Thạch Sanh đã được tác giả dân gian thần kì hóa để dự báo về tài năng, phẩm chất phi thường của chàng về sau. Chàng vốn là thái tử, con trai của Ngọc Hoàng đầu thai xuống trần gian và người mẹ mang thai qua mấy năm, khi người bố mất thì chàng mới được sinh ra. Chẳng bao lâu, người mẹ qua đời và sau đó, chàng được thiên thần truyền dạy võ công và phép thần thông. Như vậy, Thạch Sanh hiện lên là một người có sự hài hòa giữa những điều bình thường và phi thường, trong đó cái phi thường là yếu tố nổi trội hơn.

“Thạch Sanh” là bài ca ngợi ca về sự chiến thắng của cái thiện trước cái xấu, cái ác. Chàng dũng sĩ đã phải vượt qua rất nhiều thử thách như giết chằn tinh, giết đạt bàng, bị Lí Thông hãm hại và bị bắt giam trước âm mưu của linh hồn chằn tinh và đại bàng. Ở mỗi một thử thách, con người chàng lại thể hiện những phẩm chất đáng quý. Đầu tiên, chàng là người thật thà, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi kết nghĩa huynh đệ với Lí Thông và cả tin đi canh miếu thờ. Và với sự gan dạ, dũng cảm, chàng đã giết chết chằn tinh, đem lại sự bình yên cho dân làng, sau đó chàng cũng là người bắn trọng thương và tình nguyện xuống hang sâu giết đại bàng, cứu công chúa, cứu con trai vua Thủy Tề. Chàng làm việc này không xuất phát từ việc được trọng thưởng mà từ tấm lòng nghĩa hiệp, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác. Sau khi giải được nỗi oan ngục thất và kết hôn cùng công chúa, Thạch Sanh đã dùng tiếng đàn của mình đánh lui mười tám nước chư hầu mà không hề gây ra bất cứ sự thương vong chết chóc nào giúp chúng ta thấy được chàng là người trượng nghĩa, yêu chuộng sự hòa bình.

Để làm nổi bật phẩm chất của Thạch Sanh, tác giả dân gian đã xây dựng nên hình tượng nhân vật phản diện là Lí Thông. Hắn ta hiện lên với bản chất của một con buôn gian xảo, tham loan, luôn toan tính để lợi dụng người khác. Tàn nhẫn hơn, để đạt được mục đích của mình, hắn không ngần ngại đẩy người anh em kết nghĩa của mình vào bước đường cùng, vào chỗ chết. Vì thế, dù được Thạch Sanh tha mạng, nhưng mẹ con hắn vẫn không thoát khỏi sự trừng phạt. “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát” nên cuối cùng, hắn bị sắt đánh chết và hóa thành bọ hung, thể hiện quan điểm rất rõ ràng của nhân dân ta về cái thiện, cái ác. Đó là chân lí “ở hiền gặp lành” và “ác giả ác báo”.

Khi đặt chân vào thế giới cổ tích vô cùng bao la rộng lớn, chúng ta luôn được khám phá vô vàn điều kì thú, đặc biệt là bắt gặp rất nhiều chi tiết tưởng tượng thần kì và giàu ý nghĩa. Trong câu chuyện “Thạch Sanh” cũng thế. Sự ra đời của khác thường của Thạch Sanh đã được thần kì hóa để dự báo những điều phi thường. Những đồ vật như cây đàn, niêu cơm cũng được nhân dân lao động thần kì hóa để thể hiện khát vọng về công lí, về hòa bình.

Như vậy, thông qua hình tượng người anh hùng lí tưởng là chàng Thạch Sanh, nhân dân ta đã gửi gắm mơ ước về một xã hội lí tưởng của sự công bằng, về niềm tin đạo đức ở những phẩm chất tốt đẹp của con người cùng lí tưởng nhân đạo, lòng yêu hòa bình của nhân dân ta. Trong kho tàng cổ tích Việt Nam, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều những tác phẩm có mô típ về người dũng sĩ và phản ảnh ước mơ, khát vọng của nhân dân lao động.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 9

Thạch Sanh là một truyện cổ tích kì diệu nhất trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. Hình ảnh chàng dũng sĩ chém Trăn tinh, bắn Đại bàng; cây đàn thần, niêu cơm thần của chàng dũng sĩ đã đem đến cho thế giới tuổi thơ bao kỳ thú, bao giấc mơ đẹp.

Thạch Sanh là con Trời. Vợ chồng Lục ông hiền lành, tốt bụng, gần xa ai ai cũng quý mến. Ngọc Hoàng đã thương tình cho thái tử xuống trần đầu thai. Khác với người trần, Thạch Sanh nằm trong bụng mẹ (Lục bà) nhiều năm mới cất tiếng chào đời. Yếu tố hoang đường ấy tạo nên chất kỳ diệu của truyện ca ngợi tính phi thường của Thạch Sanh. Vợ chồng Lục ông đã được Ngọc Hoàng thương cho đứa con trai khôi ngô tuấn tú nối dõi tông đường. Đó là niềm tin của dân gian: ở hiền gặp lành.

Mọi thứ hạnh phúc đều có giá và phải trả giá. Con đường của Thạch Sanh cũng đầy gian truân. Phải chăng Ngọc Hoàng thử thách Thái tử? Mồ côi cả bố lẫn mẹ. Nhà nghèo, một túp lều ở gốc đa. Chỉ một chiếc búa cùn, chỉ có một nghề kiếm củi độ thân. Tuổi thơ chàng bơ vơ, thật đáng thương! Thiên thần đã đến với đứa con mồ côi: dạy võ nghệ, các phép thần thông biến hoá, và trao cho chiếc búa thần. Qua các chi tiết hoang đường ấy, nhân dân gửi gắm bao ước mơ: phải có sức mạnh vô địch để sống, để tồn tại, để chiến thắng!

Cuộc đời Thạch Sanh là những năm tháng đầy gian truân thử thách, chiến công nối tiếp chiến công. Thạch Sanh đến miếu thần là để thế mạng cho Lý Thông. Nhưng chàng đâu có biết? Trăn tinh là một yêu quái khổng lồ, có nanh sắc, có nọc độc, có sức mạnh ghê gớm, lại biết tàng hình, lắm phép lạ, người đời khiếp sợ, vua quan chịu bó tay. Trăn tinh xuất hiện bất ngờ khi Thạch Sanh đang lim dim mắt nằm ngủ... Trong thế bị động, nhưng Thạch Sanh cực kỳ dũng cảm, tài trí đã dùng phép lạ và búa thần giáng trả quái vật. Trăn tinh bị Thạch Sanh chém giết, bị cắt đầu, bị bổ xác. Chàng thu được một bộ cung tên vàng. Thạch Sanh đã diệt trừ quái vật, trừ hậu hoạ cho nhân dân. Chàng dũng sĩ có thêm vũ khí mới: cung tên thần. Thạch Sanh đã có búa thần đế đánh gần, đánh ở tầm thấp, giờ đâý lại có thêm cung tên thần, đế đánh ở tầm cao, tầm xa. Thử hỏi, kẻ thù nào địch nổi chàng dũng sĩ?.

Đại bàng là một kẻ thù rất nguy hiểm vì nó ở trên trời, lại có hang sâu bí mật. Thái tử con vua Thuỷ tề còn bị Đại bàng bắt sống, giam giữ trong cũi sắt! Công chúa con vua còn bị Đại bàng quắp đi giữa thanh thiên bạch nhật trong lễ hội kén phò mã trước mắt bá quan văn võ và đông đủ anh tài trong thiên hạ! Thạch Sanh chỉ bắn một mũi tên vàng đã làm cho Đại bàng bị trọng thương. Lần theo vết máu, dũng sĩ tìm đến hang ổ ác điểu. Đại bàng có mỏ sắc, vuốt nhọn, có sức mạnh ghê gớm lao tới mổ, cắn xé Thạch Sanh. Vung búa thần giáng trả, dùng cung tên thần bắn mù hai mắt quái vật. Đại bàng bị giết, bị phanh xác.

Một kẻ thù nguy hiểm nữa của nhân dân đã bị chàng dũng sĩ tiêu diệt! Chiến công diệt Đại bàng là một kì tích vì Thạch Sanh đã cứu được nàng công chúa và Thái tử con vua Thuỷ tề. Chiến công chấn động cõi đời mà còn vang động tới vương quốc Thuỷ tề. Từ thuỷ phủ trở về, Thạch Sanh chỉ cầm trong tay một cây đàn thần làm kỉ niệm một chuyến viễn du thú vị. Chàng lại trở về gốc đa, chốn cũ yêu thương. Với chàng dũng sĩ thì vàng bạc châu báu cũng như dinh thự nguy nga, của ngon vật lạ đều trở nên xa lạ. Túp lều gốc đa là nơi chàng đã sinh ra, lớn lên, với bao kỷ niệm buồn vui. Thạch Sanh trở về gốc đa, một tình tiết, phải chăng nói lên quan niệm nhân sinh tốt đẹp của nhân dân thời xưa: Một túp lều tranh, một trái tim vàng?

Với Thạch Sanh, cây đàn thần không phải là một nhạc cụ để mua vui mà là một vũ khí vô cùng linh nghiệm. Nơi chàng đánh đành, gảy đàn là trong ngục. Tiếng đàn để giãi bày. Tiếng đàn như một thứ "thần dược" làm cho công chúa đang bị câm nghe tiếng đàn mà nói lên được! Nhờ tiếng đàn mà chàng dũng sĩ đưọc gặp lại người đẹp, rồi được minh oanh, để vạch trần bộ mặt thật của Lý Thông, tên bán rượu xảo quyệt, cướp công, độc ác, âm mưu hãm hại người... Thạch Sanh không dùng búa thần, cung tên thần để giao tranh với tướng sĩ 18 nước chư hầu, mà chỉ dùng đàn thần để lui giặc. Đó là tiếng đàn hoà bình. Niêu cơm Thạch Sanh là niêu cơm hàng vạn người ăn mãi không hết; niêu cơm ấm no, hạnh phúc. Đàn thần và niêu cơm thần đã góp phần tô đậm vẻ đẹp kì diệu truyện Thạch Sanh.

Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, kẻ đã cướp công và hãm hại mình. Hành động ấy thể hiện đức độ lượng, lòng nhân ái bao dung cao đẹp. Nhân vật Thạch Sanh thật đẹp. Với búa thần, cung tên vàng, đàn thần, với võ nghệ và phép thần thông biến hoá, chàng dũng sĩ đã chém Trăn tinh, giết Đại bàng, trừ diệt cái ác, tai hoạ cho nhân dân, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đem lại hoà bình. Thạch Sanh đã trải qua bao gian truân thử thách, lấp lánh bao chiến công hiển hách. Anh đã được kết duyên với công chúa, chàng đã thể hiện ước mơ của nhân dân, những ước mơ hồn nhiên, trong sáng và rất đẹp. Thật vậy, truyện Thạch Sanh là một truyện cổ tích thần kì, nói lên một giấc mơ đẹp của nhân dân ta bao đời nay.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 10

Truyện cổ tích cùng tên, nhân vật Thạch Sanh được khắc họa thành công với bức chân dung của người anh hùng, người dũng sĩ diệt chằn tinh bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, người anh hùng chống giặc ngoại xâm, có công lao to lớn trong việc đánh đuổi vó ngựa ngoại xâm ra khỏi lãnh thổ, bờ cõi.

Như chúng ta thường thấy các nhân vật trong truyện cổ tích nói chung, trong truyện Thạch Sanh nói riêng là sự hư cấu, tưởng tượng của các tác giả dân gian, và thông qua những hình tượng được xây dựng ấy thì các tác giả muốn truyền tải những thông điệp, những tư tưởng, quan điểm nhân sinh nhất định. Bởi vậy mà những câu chuyện cổ tích không chỉ có giá trị giải trí mà nó còn có giá trị giáo dục rất cao, nó đúc kết lại những bài học để khuyên nhủ, chỉ bảo cho con cháu thế hệ sau.

Trước hết, hình ảnh Thạch Sanh trong câu chuyện cổ tích này được các tác giả dân gian xây dựng là một con người có hoàn cảnh bất hạnh, vì chàng mồ côi cha mẹ từ rất sớm, một mình Thạch Sanh phải làm lụng vất vả mưu sinh qua ngày, sống đơn độc, lẻ loi trong một túp lều nhỏ dựng dưới gốc đa, cả gia tài chỉ có một lưỡi búa của cha để lại. Nhưng bù lại, Thạch Sanh lại được Ngọc Hoàng cử người xuống dạy nên chàng biết đủ thứ thần thông, chàng là một chàng trai khỏe mạnh lại mang trong mình những sức mạnh phi thường. Có lẽ xây dựng nhân vật Thạch Sanh với những đặc điểm này là cách để các tác giả dân gian lí giải vì sao Thạch Sanh lại bị Lí Thông lừa dối, phản bội như vậy.

Có lẽ Thạch Sanh là một con người đơn độc, lẻ loi nên khi có người muốn kết nghĩa huynh đệ với chàng thì chàng lập tức đồng ý, chàng là người thiếu thốn tình cảm nên đoạn tình cảm tình cờ có được với Lí Thông chàng vô cùng coi trọng, và mọi niềm tin chàng cũng đặt tuyệt đối ở người “anh kết nghĩa” này, không mảy may nghi ngờ về mục đích mà Lí Thông tiếp cận mình, hay cả khi bị Lí Thông lừa dối cũng không hề hay biết mà một mực tin tưởng. Sự vô tư, tình nghĩa của Thạch Sanh làm cho hình ảnh của chàng trở nên đẹp hơn, đáng trân trọng hơn. Nhưng cũng vì những vì phẩm chất tốt đẹp này mà chàng bị Lí Thông lừa gạt hết lần này đến lần khác.

Qua một số biến cố lớn, ta có thể thấy Thạch Sanh là một chàng trai khỏe mạnh, chính nghĩa thấy cái tà ác hoành hành thì không suy nghĩ nhiều, ra tay tiêu diệt, không cho nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sự yên bình của dân chúng. Đầu tiên là vụ giết chằn tinh, vì muốn Thạch Sanh thế thân cho mình mà Lí Thông đã đẩy Thạch Sanh vào con đường chết, đó là lừa Thạch Sanh nộp mạng cho chằn tinh thay mình. Chàng không hề hay biết về âm mưu thâm độc này, khi chằn tinh hiện lên muốn lấy mạng Thạch Sanh thì chàng vung rìu chống trả quyết liệt và dù chằn tinh đã dở đủ mọi trò biến hóa thì Thạch Sanh đều chống đỡ được. Chàng đã chẻ chằn tinh ra làm hai và ung dung về nhà.

Lần thứ hai Thạch Sanh ra tay chính nghĩa diệt trừ cái ác đó là lần giết đại bàng cứu công chúa từ dưới hang đại bàng trở về. Trong lần chiến đấu này còn thể hiện chàng là một con người không chỉ dũng cảm, ngoan cường mà còn rất mưu chí bởi chàng biết dựa vào vết máu mà đại bàng để lại để tìm đến động của nó, cứu thoát công chúa. Tuy lập được rất nhiều đại công nhưng do bản tính quá thật thà, tin người nên Thạch Sanh bị lại Lí Thông lừa, hắn muốn cướp công cứu công chúa nên dùng đá lấp cửa hang, đẩy Thạch Sanh vào con đường chết, còn một mình mình đi lĩnh thưởng.

Thạch Sanh là con người có sức sống mạnh mẽ, chàng không chịu đầu hàng trước số phận, khi biết Lí Thông hại mình thì chàng tìm mọi cách để thoát ra. Và cũng tại đây, bản tính chính nghĩa của chàng thể hiện, khi hoàn cảnh của mình nguy khốn nhất thì chàng vẫn đặt việc cứu người lên trên hết. Và cũng vì lòng tốt này của chàng mà chàng đã được báo đáp, bởi người chàng cứu không phải người thường mà là con trai của vua Thủy Tề. Để báo đáp công ơn của chàng vua Thủy Tề đã tặng chàng một cây đàn thần. Đã thoát ra ngoài, đất nước lại có giặc ngoại xâm, chàng đã đứng lên cầm quân đi đánh giặc, tiếng đàn của chàng đã làm cho quân giặc u mê, mất hết tinh thần chiến đấu. Không những vậy, Thạch Sanh còn thể hiện được tấm lòng nhân đạo của mình với chính kẻ thù, thể hiện rõ nét qua hình ảnh niêu cơm thần.

Như vậy, nhân vật Thạch Sanh vừa được xây dựng với những vẻ đẹp lí tưởng của một người dũng sĩ diệt chằn tinh, đại bàng cứu giúp dân lành, vừa là một người anh hùng dũng mãnh đánh dẹp quân sĩ mười tám nước, mang lại cuộc sống thái bình cho người dân. Hơn thế nữa chàng còn là một con người nhân đạo khi không chỉ tha cho quân giặc con đường sống mà còn thiết đãi nồng hậu. Có lẽ đây cũng chính là nét đẹp của con người Việt Nam ta, nhân đạo, sống tình nghĩa và luôn dùng nhân tâm để thu phục lòng người mà truyện muốn truyền đạt lại đến các thế hệ sau này.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 11

Nhân vật Thạch Sanh xuất hiện trong truyện cổ tích Thạch Sanh là chàng trai khôi ngô tuấn tú, khỏe mạnh quanh năm, nhưng lại có hoàn cảnh vất vả, gặp nhiều sóng gió trong cuộc sống. Thạch Sanh mồ côi cha mẹ, cuộc đời lắm gian nan, sống một mình ở gốc đa trong rừng sâu.

Nhưng chính vì mồ côi cha mẹ sớm đã rèn luyện cho Thạch Sanh một đức tính vô cùng kiên cường, anh có thể tự sống một mình anh hùng và dũng cảm. Thạch Sanh là người có sức khỏe không sợ hùm cọp, yêu tinh, không gì có thể bắt nạt được anh.

Cuộc sống không người thân thích, tứ cố vô thân khiến cho Thạch Sanh bộc lộ những đức tính vô cùng tốt đẹp của một con người nông dân lao động, chân chất thật thà, dũng cảm, và biết thương yêu người khác. Nhưng vì đức tính thật thà này mà Thạch Sanh nhiều lần bị hai mẹ con Lý Thông lợi dụng hãm hại.

Khi Thạch Sanh gặp Lý Thông một người hoàn toàn xa lạ nhưng anh đã nhận lời kết nghĩa anh em với Lý Thông ngay lập tức mà không biết được rằng Lý Thông thấy Thạch Sanh thân cô thế cô muốn lợi dụng sức lao động của anh nên mới âm mưu kết nghĩa, mục đích là biến Thạch Sanh thành nô lệ không lương cho nhà mình.

Năm đó, tới lượt Lý Thông đi nạp mạng cho chằn tinh, anh ta âm mưu đưa Thạch Sanh đi thế mạng cho mình nên đã lừa gạt Thạch Sanh tới miếu chằn tinh cúng bái. Nhưng Thạch Sanh là người có sức khỏe có sức lớn mạng lớn nên chẳng những anh không bị chằn tinh ăn thịt mà còn giết được chằn tinh lập được công trạng lớn.

Thế nhưng Lý Thông vô cùng âm mưu xảo quyệt đã tìm cách lừa gạt Thạch Sanh rồi đuổi Thạch Sanh vào lại rừng sâu sống dưới gốc đa như trước kia chưa gặp gỡ Lý Thông. Còn hắn âm mưu mang đầu chằn tinh đi lập công với nhà vua được phong chức tước quận công nhà cao cửa đẹp, có người hầu kẻ hạ và còn được hứa gả công chúa làm vợ.

Tuy sống ở trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Thạch Sanh luôn toát lên vẻ vị tha nhân ái chàng không những có tấm lòng ngay thẳng, mà còn trượng nghĩa, sẵn sàng xả thân giúp người khác trong lúc người đó gặp khó khăn.

Công chúa Quỳnh Nga không may bị đại bàng tinh cắp đi, trong lúc bay đi ngang qua nhà của Thạch Sanh thấy vậy anh liền bắn mũi tên trúng đại bàng tinh khiến nó bị thương, rồi theo vết máu đi tìm tới hang sâu để cứu người con gái kia.

Chính sự dũng cảm thương người của mà Thạch Sanh cứu được công chúa nhưng anh lại bị Lý Thông cướp công và hãm hại lần nữa, lòng dũng cảm và tài năng vượt trội của Thạch Sanh đã giúp anh hóa nguy thành an.

Trong lúc anh bị Lý Thông nhốt dưới hang sau may mắn thay gặp con vua thủy tề và đã cứu được người này, con vua thủy tề để đền ơn Thạch Sanh đã mời chàng xuống thủy cung chơi, ở đây vua thủy tề có thể ban thưởng hậu hĩnh cho Thạch Sanh nhưng anh chỉ xin cây đàn thần mà thôi. Một cây đàn phát ra những âm thanh lay động lòng người.

Phẩm chất của nhân vật Thạch Sanh vô cùng cao quý anh không sợ nguy hiểm bất chấp gian nguy để cứu người khác mà không cần bổng lộc chức tước, cũng không màng tơi tiền tài danh lợi, dù cuộc sống của Thạch Sanh chẳng giàu có sung túc gì. Nhưng anh quen sống kham khổ thiếu thốn từ nhỏ cũng chẳng màng vinh hoa phú quý làm gì.

Tác giả dân gian xưa đã phác họa lên nhân vật Thạch Sanh là người vô cùng bình thường nhưng anh lại có những đức tính tốt đẹp tới mức phi thường, ngay thẳng chính trực, tốt bụng, anh hùng hiệp nghĩa.

Người tốt bao giờ cũng gặp may mắn và sống hạnh phúc cuối cùng thì Thạch Sanh gặp được công chúa, còn mọi âm mưu của mẹ con Lý Thông cũng bại lộ. Nhà vua vô cùng tức giận muốn chém cổ hai mẹ con Lý Thông nhưng Thạch Sanh tốt bụng đã xin cho họ và nhà vua cuối cùng tha chết cho hai mẹ con. Nhưng nhà vua có thể tha chết cho hai người độc ác này, còn ông trời thì không trên đường trở về quê nhà hai mẹ con Lý Thông gặp sét đánh trúng và chết tươi.

Cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, Thạch Sanh rồi cũng chiến thắng Lý Thông và lấy được công chúa sống hạnh phúc. Anh còn lập công lớn đánh đuổi giặc xâm lăng khiến cho nhân dân được ấm no hạnh phúc.

Nhân vật Thạch Sanh là một người dân lao động chăm chỉ,thật thà lương thiện dũng cảm, là người tốt luôn chống lại kẻ ác nên việc anh được hưởng hạnh phúc là mong muốn tất yếu của người xưa.

Phân tích nhân vật Thạch Sanh - mẫu 12

Trong những truyện cổ tích em đã được nghe, được học thì nhân vật để lại trong em nhiều ấn tượng tốt đẹp nhất là người dũng sĩ Thạch Sanh.

Thạch Sanh vốn là thái tử con nhà trời, chàng được Ngọc Hoàng cho xuống trần đầu thai vào gia đình người tiều phu lương thiện. Cha mẹ mất sớm, Thạch Sanh sống một mình ở căn lều nhỏ của cha, ngày ngày chăm chỉ lao động kiếm sống. Thạch Sanh là chàng khỏe mạnh với thân hình cường tráng, cao lớn. Chàng có nước da ngăm đen vì dầm mưa dãi nắng, tấm lưng trần chắc khỏe mạnh, chắc nịch cùng khuôn ngực nở nang, vạm vỡ.

Thạch Sanh có sức khỏe hơn người lại giỏi lao động, chàng có thể làm mọi việc từ bổ củi, gánh nước. Sớm mồ côi cha mẹ nên Thạch Sanh phải tự lập từ nhỏ, ngày ngày chàng đốn củi kiếm sống. Dù siêng năng làm việc nhưng vẫn không đủ ăn, nghèo vẫn hoàn nghèo.

Không chỉ khỏe mạnh, chăm chỉ mà Thạch Sanh còn là người thật thà, giàu tình cảm. Khi gặp Lí Thông, trước những lời ngon ngọt của hắn, chàng thật tâm đỗi đãi, chăm chỉ làm việc cho mẹ con Lí Thông mà không hề hay biết Lí Thông kết huynh đệ với chàng chỉ vì mục đích lợi dụng. Cả khi Lí Thông lừa chàng đi làm vật thế mạng cho Chằn tinh hay khi đã lập công giết chết chằn tinh, bắn đại bàng cứu công chú chàng vẫn hết lòng tin tưởng mà nghe theo lời dối gạt của hắn.

Nhờ võ nghệ cao cường lại giỏi các phép thần thông, Thạch Sanh vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác. Thạch Sanh đánh thắng Chằn tinh và đại bàng, trừ hại cho dân lành, cứu được công chúa và con trai vua Thủy Tề. Dù bị Lí Thông hãm hại, hồn Chằn tinh và đại bàng bày mưu trả thù nhưng bằng tấm lòng chân thật, ngay thẳng của mình cuối cùng chàng cũng được minh oan, hạnh phúc bên công chúa.

Thạch Sanh là người dũng sĩ lí tưởng, ở chàng hội tụ rất nhiều những vẻ đẹp đáng trân trọng, không chỉ khỏe mạnh, tài giỏi, ngay thẳng chính trực mà chàng còn là người có tấm lòng nhân ái, bao dung. Thử thách mười tám nước chư hầu cuối truyện đã thể hiện rất rõ tài năng và tấm lòng của chàng. Trước sự nổi dậy của quân chư hầu, chàng không dùng bạo lực, gươm đao để dẹp loạn mà dùng niêu cơm thần giúp cho quân giặc khâm phục khẩu phục mà rút quân về.

Người dũng sĩ Thạch Sanh trong cảm nhận của em và bao thế hệ bạn đọc là người anh hùng vừa có tài năng vừa có nhân cách. Hình tượng nhân vật Thạch Sanh mãi là tượng đài về người dũng sĩ tài giỏi, trừ gian diệt ác trong lòng em.

Xem thêm các bài Văn mẫu cảm nghĩ, kể chuyện, tả cảnh, tả người, miêu tả lớp 6 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 6 theo từng phần:




Giải bài tập lớp 6 sách mới các môn học