10+ Đoạn văn suy nghĩ của em về một tác phẩm đã học hoặc đã đọc (điểm cao)

Đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về một tác phẩm đã học hoặc đã đọc hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh lớp 6 có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về một tác phẩm đã học hoặc đã đọc - mẫu 1

Một trong những bài thơ rất cảm động viết về người mẹ chính là “Về thăm mẹ” của Đinh Nam Khương. Bài thơ là những dòng tâm sự của người con khi về thăm mẹ vào một chiều mùa đông lạnh giá, lại có mưa rơi. Đứng trước khung cảnh đó, nỗi nhớ dành cho người mẹ lại càng tha thiết hơn. Ở khổ thơ đầu, tác giả nói về hoàn cảnh người người con trở về thăm mẹ sau một thời gian xa nhà. Chiều mùa đông lạnh giá, lại có mưa rơi nhưng mẹ lại không có nhà. Hình ảnh đầu tiên mà người con nhìn thấy chính là khói bếp. Đó là hình ảnh gắn bó với người phụ nữ, cho thấy sự tần tảo của những người mẹ, người bà. Lần lượt từng sự vật quen thuộc trong căn nhà hiện lên, đều có hình bóng của người mẹ: chiếc nón mê, áo mưa hay chum tương, đàn gà, trái na. Những sự vật này rất đỗi gần gũi, giản dị nhưng lại chan chứa tình yêu thương của mẹ. Càng thấu hiểu nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ bao nhiêu, người con càng nghẹn ngào thương mẹ bấy nhiêu. Nhìn cảnh vật, người con cảm thấy xúc động đến bật khóc. Hai câu thơ cuối, người con đã bộc lộ trực tiếp tình cảm dành cho người mẹ thân yêu của mình. Đó là sự xúc động khi biết được nỗi nhọc nhằn, sự hy sinh của mẹ. Điều làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn” đó là những chuyện giản đơn thường ngày - ngôi nhà do mẹ một tay vun vén, sự hy sinh mẹ dành cho con. Bằng giọng thơ sâu lắng, bài thơ “Về thăm mẹ” đã thể hiện được tình mẫu tử thật đáng trân trọng. Đọc bài thơ, chắc hẳn mỗi người đều cảm thấy nghẹn ngào, xúc động trước tình cảm mẫu tử đẹp đẽ, ấm áp.

Đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về một tác phẩm đã học hoặc đã đọc - mẫu 2

Tác phẩm “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen đã đem đến cho em nhiều cảm nhận. Nhà văn đã xây dựng nhân vật chính của truyện - một cô bé có hoàn cảnh bất hạnh. Cô bé mồ côi mẹ, bà nội mới qua đời. Em sống cùng với người bố độc ác. Đêm giao thừa lạnh lẽo, mọi người thì ở trong nhà quây quần bên gia đình. Vậy mà, ngoài đường, cô bé vẫn phải đi bán diêm. Không có ai quan tâm đến cô bé. Xung quanh, cửa sổ của các nhà đều sáng rực, trong phố sực nức mùi ngỗng quay. Đôi bàn tay của cô bé đã cứng đờ ra vì lạnh giá. Nhưng sự nghèo khổ thiếu thốn của cô bé bán diêm ở đây không chỉ về vật chất mà còn là về tinh thần, thiếu đi tình yêu được bao bọc của những người thân trong gia đình. Vì quá đói và lạnh, em ngồi nép vào góc tường rồi đốt một que diêm để sửa ấm. Em đốt từng que diêm lên, mỗi que diêm gửi gắm một mong ước. Những mong ước hoàn toàn chính đáng, nhưng rồi trước sự vô cảm của mọi người xung quanh, em bé bán diêm đã chết. Câu chuyện được viết ra với một ý nghĩa nhân văn cao đẹp, và một bài học lớn lao về tình yêu thương con người.

Đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về một tác phẩm đã học hoặc đã đọc - mẫu 3

“Đêm nay Bác không ngủ” là một bài thơ thành công nhất về Bác Hồ. Tác phẩm đã thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc, rộng lớn của Bác đối với bộ đội và nhân dân. Đồng thời thể hiện tình cảm yêu kính, cảm phục của người chiến sĩ đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Hình tượng trung tâm của tác phẩm là Bác Hồ được miêu tả qua cái nhìn và tâm trạng của người chiến sĩ, qua những lời đối thoại giữa hai người. Mở đầu bài thơ, tác giả đã khắc họa hình ảnh anh đội viên tỉnh dậy và thấy Bác vẫn ngồi bên bếp lửa, anh ngạc nhiên vì trời đã khuya lắm rồi mà Bác vẫn ngồi trầm ngâm bên bếp lửa. Từng hành động của Bác giống như một người cha đang lo lắng, chăm sóc cho những đứa con của mình. Trời càng về khuya, nhưng Bác vẫn chưa ngủ khiến anh cảm thấy lo lắng hơn. Đến khi biết được lí do Bác vẫn chưa ngủ, anh lại càng cảm động, khâm phục. Bác vẫn còn thức vì lo cho bộ đội, dân công hay cũng chính là lo cho cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc nhằm giành lại chủ quyền độc lập, tự do. Ở khổ thơ cuối, tác giả đã khẳng định một chân lý đơn giản mà lớn lao. Bác không ngủ vì một lý do bình thường, dễ hiểu: “Bác là Hồ Chí Minh”. Nói đến Bác là nói đến tình thương và trách nhiệm rộng lớn, cao cả. Tóm lại, khi đọc “Đêm nay Bác không ngủ”, người đọc cảm thấy thật xúc động trước tình cảm của vị lãnh tụ với chiến sĩ và nhân dân.

Đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về một tác phẩm đã học hoặc đã đọc - mẫu 4

“Gió lạnh đầu mùa” là một truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam viết về trẻ em. Mở đầu tác phẩm, Thạch Lam đã khắc họa cho người đọc thấy được một khung cảnh buổi sáng mùa đông bằng những chi tiết rất tinh tế. Tiếp đến, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến khung cảnh sinh hoạt của gia đình Sơn. Khi Sơn thức dậy, mẹ Sơn bảo Lan bê thúng quần áo ra. Nhìn chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành, mẹ Sơn nói: “Đây là cái áo của cô Duyên đấy”. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nói, Sơn cũng “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Cái áo bông chính là kỉ vật gợi lên tình cảm mẫu tử thiêng liêng, tình anh em sâu đậm và tình thương của vú già nhân hậu. Trái ngược với cuộc sống sung túc của gia đình Sơn, những đứa trẻ trong xóm trọ lại có hoàn cảnh thật bất hạnh. Nào tằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc - chúng có hoàn cảnh nghèo khổ, vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Lan đã nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả hai chị em đều cảm thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn - đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Phần cuối truyện, mẹ Hiên đã đem cái áo bông đến trả mẹ của Sơn. Còn mẹ Sơn sau khi nghe rõ việc, đã cho mẹ Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Qua đây, truyện đã giúp người đọc cảm nhận được tình yêu thương, sự chia sẻ giữa những con người.

Đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về một tác phẩm đã học hoặc đã đọc - mẫu 5

Bài thơ “Những điều bố yêu” của Nguyễn Chí Thuật chính là lời tâm tình của người bố dành cho đứa con của mình. Vào ngày con sinh ra đời, người bố cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Từng đồ vật gắn liền với đứa con thơ đều khiến bố cảm thấy yêu thương: cái chỗ con nằm, mùi sữa với chiếu thâm, những hàng tã chéo giăng đầy nhà, mùi nước hoa dìu dìu khi con bị muỗi đốt được bà xoa, những góc bàn với đồ chơi của con. Trong hành trình trưởng thành của con, bố vẫn luôn ở bên cạnh. Bố đã lắng nghe tiếng gọi “Mẹ ơi”, dõi theo bước đi chập chững hay tiếng cười của con. Và rồi chỉ khi con vắng nhà một hôm, bố cảm thấy ngẩn ngơ, nhớ mong. Khắp mọi nơi trong nhà, bố đều có thể cảm nhận được hình bóng của đứa con. Có thể khẳng định, tình cảm của cha dành cho con là vô cùng chân thành, sâu sắc.

Xem thêm các bài văn hay Tập làm văn lớp 6 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 6 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 6 sách mới các môn học