20+ Giới thiệu một nhân vật có tấm lòng nhân hậu (hay, ngắn gọn)

Tổng hợp các Bài văn giới thiệu về một nhân vật có tấm lòng nhân hậu hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh lớp 6 có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Bài văn giới thiệu về một nhân vật có tấm lòng nhân hậu - mẫu 1

Trong các văn bản truyện đã học ở sách Ngữ văn 6 tập 2, nhân vật có tấm lòng nhân hậu mà em thích nhất chính là Thạch Sanh - nhân vật chính trong truyện cổ tích cùng tên. Đây là nhân vật mang theo nhiều điểm tốt đẹp, đáng quý và đáng trân trọng. 

Em thích nhân vật Thạch Sanh vì đây là nhân vật có phẩm chất tố đẹp: nhân hậu, vị tha, dũng cảm. Thạch Sanh luôn hết lòng giúp đỡ Lý Thông dù cho Lý Thông thì luôn năm lần bảy lượt hãm hại Thạch Sanh. Chàng giúp đỡ Lý Thông công việc, sẵn sàng đỡ đần cho người anh kết nghĩa khi anh gặp khó khăn: đi canh miếu, cứu công chúa. Thạch Sanh giúp đỡ người khác mà không tính toán. 

Không chỉ với Lý Thông, với Thái tử con vua Thủy Tề, Thạch Sanh cũng hết lòng giúp đỡ. Cứu Thái Tử khỏi hang, Thạch Sanh lại không nhận công lao về mình, không cần đến nhữn vàng bạc châu báu. Chàng có tấm lòng tốt và bao dung nên mới cứu người nguy khốn. Chàng không chỉ hiện lên với sự dũng cảm, với tinh thần nỗ lực hết mình giúp đỡ người khác. Quan trọng hơn, Thạch Sanh biết sống vì mọi người và luôn dùng sự tử tế, tốt đẹp dành cho người khác. 

Trong cư xử của chàng với Lí Thông sau này, tha chết cho mẹ con Lý Thông cũng như không tính toán với quân mười tám nước chư hầu sang xâm lược đều cho thấy phẩm cách tốt của con người. Thạch Sanh đã dùng tấm lòng tốt đẹp của mình để đối đãi với mọi người xung quanh. Như vậy, bằng lòng nhân hậu, chàng đã đối xử với mọi người bằng tấm lòng chân thành. Chàng đề cao hòa bình, hạnh phúc. Với chàng, quyền lực, của cải không bằng hòa bình, hạnh phúc. Trong Thạch Sanh là ước mơ, là khao khát giúp người, cứu đời để từ đó tạo dựng giá trị sống tốt đẹp và đáng trân quý. 

Tóm lại, nhân vật Thạch Sanh chính là nhân vật đẹp trong truyện cổ tích. Em rất thích tấm lòng nhân hậu của nhân vật này. Qua hình tượng nhân vật Thạch Sanh, cha ông ta gửi gắm ước mơ về người anh hùng với phẩm chất quý. 

Bài văn giới thiệu về một nhân vật có tấm lòng nhân hậu - mẫu 2

 Trong sách văn 6 tập 2, nói về nhân hậu, em nghĩ tới nhiều nhân vật như ông lã đánh cá trong “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, cậu bé Nghi trong “Điều không tính trước”, nhân vật Dế Vần trong “Chích bông ơi”. Đặc biệt, hình ảnh em gái Kiều Phương để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với em.

Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” được viết theo ngôi kể thứ nhất, với lời kể của nhân vật người anh. Có thể nói chạy dọc theo câu chuyện là diễn biến tâm lí nhân vật người anh, từ trạng thái cảm xúc này đến trạng thái cảm xúc khác. Tuy nhiên trong dòng cảm xúc đó, người đọc nhận ra có một nhân vật là điểm sáng tạo nên sự hài hòa và tạo vẻ đẹp tuyệt vời cho truyện ngắn. Đó chính là cô em gái Kiều Phương hồn nhiên, bình dị, chân thành mà sâu sắc. Một vẻ đẹp tiềm ẩn trong những bức tranh do cô vẽ ra.

Kiều Phương là cô bé hồn nhiên, nhí nhảnh và đam mê hội họa. Niềm đam mê này được tác giả diễn tả một cách cụ thể qua cách cô vẽ hằng ngày, cách cọ nhọ nồi để làm màu vẽ… Mặc dù anh trai gọi là “Mèo” vì cái tội lục lọi đồ linh tinh nhưng Kiều Phương vẫn “vui vẻ chấp nhận” và hồn nhiên khoe với bạn bè. Cách trò chuyện của Kiều Phương với anh trai cũng chứng tỏ Kiều Phương là cô bé nhí nhảnh, trong sáng và vô cùng đáng yêu: “Nó vênh mặt, Mèo mà lại, em không phá là được”. Dù cho người anh trai khó chịu đến cỡ nào thì cô bé này vẫn không bao giờ tức giận, luôn giữ được sự hài hòa và tinh nghịch như thế. Tạ Duy Anh đã khéo léo khắc họa nên hình ảnh nhân vật đáng yêu, gây được thiện cảm tốt đối với người đọc.

Không chỉ vậy, cô bé còn có tài năng hội họa.Chú Tiến Lê - bạn của bố vô tình phát hiện ra niềm đam mê này thì Kiều Phương càng tỏ rõ sự quyết tâm và phấn đấu mơ ước thành họa sĩ. Điều này khiến cho bố mẹ vui mừng: “Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn. Mẹ cũng không kìm được xúc động”. Người anh trai ghen ghét với tài năng của em nên càng ngày càng lạnh lùng và hay quát mắng em. Dù vậy nhưng tình cảm và thái độ của em gái dành cho anh vẫn không thay đổi, tin yêu và trân trọng hết mực.

Đặc biệt hơn hết là tình cảm, tấm lòng của Kiều Phương dành cho anh trai trong bức tranh đoạt giải. Cô bé chưa bao giờ ghét anh, mặc dù anh rất ghét cô, ghen tị với cô. Trên bức tranh là hình ảnh cậu con trai có đôi mắt rất sáng, nhìn ra ngoài cửa sổ, toát lên một vẻ đẹp tuyệt vời. Có thể nói đây là chi tiết khiến người đọc xúc động về tình cảm anh em trong gia đình. Chính bức tranh này của Kiều Phương đã “thức tỉnh” được trái tim người anh, có cách nhìn khác về em, vừa hối hận vừa xấu hổ vừa biết ơn.

Kiều Phương không những là cô gái đáng yêu, hồn nhiên, tài năng mà còn có tấm lòng nhân hậu, bao dung khiến người khác phải khâm phục và ngưỡng mộ. Tạ Duy Anh là một người am hiểu thế giới trẻ thơ, hiểu được tâm lý cũng như tình cảm của trẻ thơ nên đã gửi gắm được những điều tốt đẹp vào nhân vật Kiều Phương.

Với cách kể chuyện nhẹ nhàng, tâm tình mà sâu lắng tác giả đã để lại tình cảm tốt đối với bạn đọc về nhân vật Kiều Phương. Qua đó cũng ngợi ca tình anh em chân thành mà thắm thiết.

Bài văn giới thiệu về một nhân vật có tấm lòng nhân hậu - mẫu 3

Là một trong những nhà văn của thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh đã đem đến cho chúng ta những cảm xúc hết sức giản dị, chân thành qua câu chuyện "Điều không tính trước". Tác phẩm được kể dưới điểm nhìn của nhân vật "tôi' xoay quanh câu chuyện giữa ba cậu bé: "tôi", Phước và Nghi. Bên cạnh nhân vật trung tâm là "tôi", Nghi cũng được coi là nhân vật chính, tiêu biểu trong truyện.

Truyện "Điều không tính trước" bắt đầu với trận xích mích, bất đồng giữa nhân vật "tôi" với Nghi trong một lần đá bóng. Vì cay cú trước câu nói khích của Nghi, "tôi" nuôi ý định trả thù. Gặp thằng Phước, "tôi" rủ Phước đi đánh nhau cùng mình. Sau một hồi bàn bạc kĩ lưỡng, "tôi" và Phước nấp sẵn trong bụi cây ở ngã tư. Cuối cùng, sự bao dung của Nghi đã hóa giải mọi hiểu lầm. Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh ba nhân vật bá vai nhau đi dưới ánh chiều tà.

Ban đầu, qua con mắt của nhân vật "tôi" trong phần mở đầu, Nghi hiện lên không mấy thiện cảm khi nhe răng ra trêu "tôi" và nói nhắc nhở một cách đầy chế giễu "Lần sau đừng "ăn cắp trứng gà" nữa nghen!". Câu nói của Nghi đã thổi bùng cơn tức giận trong lòng nhân vật "tôi", khiến "tôi" nhen nhóm ý định trả thù. Thế nhưng, đúng như nhan đề văn bản, mọi chuyện diễn ra thật bất ngờ, đến ngay cả độc giả cũng không thể ngờ tới.

Sự xuất hiện của Nghi ở giữa truyện khác hoàn toàn với dáng vẻ ban đầu. Ở Nghi toát lên tình yêu thương, sự vị tha và tấm lòng bao dung, nhân hậu. Người đọc có thể thấy rõ điều này qua chi tiết Nghi đưa cho "tôi" một cuốn sách và nói rằng: "Đây là cuốn luật bóng đá của anh tao. Cho mày mượn đọc để mai mốt đá bóng mình khỏi phải cãi nhau nữa! Trong đó có ghi rõ luật việt vị đó!". Hóa ra, Nghi tìm đến "tôi" không phải để đánh nhau như "tôi" vẫn tưởng. Trong lúc "tôi" vẫn đang còn ngơ ngác chưa hiểu có chuyện gì xảy ra thì Nghi lại tiếp tục chìa ra ba chiếc vé xem phim mà chị đã cho mình.

Chính hành động cùng lời nói này của Nghi đã làm xoa dịu cơn bực tức, nóng nảy trong lòng "tôi". Hay nói cách khác, tình yêu thương cùng tấm lòng bao dung của Nghi khiến "tôi" nhận ra được sai lầm cùng sự nhỏ nhen, ích kỉ của mình. Có thể nói, Nghi là một con người quảng đại, không để bụng hay nuôi ý định xấu đối với người khác. Nghi đã lan tỏa sự chân thành, tích cực tới mọi người. Nhó đó mà cả ba người bạn trở nên thân thiết với nhau.

Tính cách của Nghi là điều khiến em đặc biệt yêu thích và ấn tượng. Qua nhân vật, em nhận ra được ý nghĩa, sức mạnh của tình yêu thương và tấm lòng bao dung trong cuộc sống. Tình yêu thương có thể hóa giải mọi hiểu lầm, làm con người trở nên gắn kết, chan hòa với nhau hơn.

Như vậy, bằng ngôi kể thứ nhất cùng điểm nhìn của nhân vật "tôi", tác giả đã khắc họa Nghi với những phẩm chất tốt đẹp. Từ đó, gửi gắm những bài học ý nghĩa về tình yêu thương trong cuộc sống.

Bài văn giới thiệu về một nhân vật có tấm lòng nhân hậu - mẫu 4

Viết về thiếu nhi, nhà văn Tạ Duy Anh đã có đem đến cho người đọc cảm nhận hết sức giản dị, thân thuộc qua tác phẩm "Bức tranh của em gái tôi". Nổi bật trong văn bản là nhân vật Kiều Phương với những đức tính, phẩm chất vô cùng tốt đẹp.

Trước hết, Kiều Phương là một cô bé hồn nhiên, trong sáng. Mặc dù bị anh trai gọi là Mèo vì mặt suốt ngày lấm lem nhưng Kiều Phương vẫn luôn vui vẻ "chấp nhận cái tên tôi tặng cho và hơn thế, còn dùng để xưng hô với bạn bè". Đáp lại câu hỏi của anh, Kiều Phương hồn nhiên, "vênh mặt" lên trả lời: "Mèo mà lại! Em không phá là được.". Đặc biệt, khi được bố mẹ phân công việc nhà, Mèo sẵn sàng hoàn thành, "vừa làm vừa hát". Đó là biểu hiện của một cô bé vô tư, ngây thơ.

Không chỉ vậy, Kiều Phương còn có năng khiếu hội họa và được mọi người yêu mến. Trước khi tài năng được phát hiện, Kiều Phương luôn có thói quen lục lọi các đồ vật để chế thuốc vẽ, bởi vậy đít xoong, chảo trong nhà đều trắng trơn. Vào một lần nọ, chú Tiến Lê - họa sĩ, bạn thân của bố đến nhà chơi và phát hiện ra khả năng thiên bẩm ở Kiều Phương. Dưới con mắt của một người làm lâu năm trong nghề, bức tranh do Kiều Phương vẽ được chú đánh giá rất cao: "Anh chị có phúc lớn rồi. Anh có biết con gái anh là một thiên tài hội họa không?". Kể từ đó, Kiều Phương được chú Lê tạo điều kiện phát triển năng khiếu. Cuối cùng, tài năng ấy được ghi nhận bằng giải nhất trại thi vẽ quốc tế.

Đặc biệt nhất, trước thái độ dửng dưng, lạnh nhạt của anh, tình cảm mà cô bé dành cho người anh vẫn không thay đổi. Kiều Phương gửi gắm tình cảm ấy vào trong bức tranh đầy tâm huyết mang tên "Anh trai tôi" và đem nó đi dự thi. Thậm chí, lúc nghe tin mình đạt giải, trở về nhà, Kiều Phương "lao vào ôm cổ tôi". Thấy anh đẩy ra, Kiều Phương vẫn thì thầm và mong muốn anh đến nhận giải cùng mình. Hành động ấy đã khiến anh trai hối hận, nhận ra lỗi lầm của bản thân và cảm thấy xấu hổ nghĩ rằng: "Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!".

Có thể nói, nhân vật Kiều Phương đã để lại cho em những ấn tượng đặc biệt và sâu sắc. Nhân vật giúp em nhận ra ý nghĩa, vai trò của tình yêu thương và sự bao dung trong cuộc sống. Tình yêu thương có thể xoa dịu, hóa giải mọi hiểu lầm cũng như thúc đẩy mối quan hệ trở nên tốt đẹp, gắn bó hơn.

Như vậy, tác phẩm là một câu chuyện đẹp về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Nhân vật Kiều Phương đã ghi dấu trong lòng người đọc bởi tính cách cùng những phẩm chất tốt đẹp.

Bài văn giới thiệu về một nhân vật có tấm lòng nhân hậu - mẫu 5

Trong chương trình Ngữ văn 6, tập 2, em đã được học truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi và nhân vật Kiều Phương cô em gái – với lòng nhân hậu đã toả sáng trong tâm trí em.

Truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi được viết theo ngôi kể thứ nhất tạo nên nét đặc trưng cho tác phẩm. Có thể nói chạy dọc theo câu chuyện là diễn biến tâm lí nhân vật người anh, từ trạng thái cảm xúc này đến trạng thái cảm xúc khác. Tuy nhiên trong dòng cảm xúc đó, người đọc nhận ra có một nhân vật là điểm sang tạo nên sự hài hòa và tạo vẻ đẹp tuyệt vời cho truyện ngắn. Đó chính là cô em gái Kiều Phương hồn nhiên, bình dị, chân thành mà sâu sắc. Một vẻ đẹp tiềm ẩn trong những bức tranh do cô vẽ ra.

Kiều Phương là cô bé hồn nhiên, nhí nhảnh và đam mê hội họa. Niềm đam mê này được tác giả diễn tả một cách cụ thể qua cách cô vẽ hằng ngày, cách cọ nhọ nồi để làm màu vẽ...Và khi bạn của bố phát hiện ra niềm đam mê này thì Kiều Phương càng tỏ rõ sự quyết tâm và phấn đấu mơ ước thành họa sĩ.

Mặc dù anh trai gọi là "mèo" vì cái tội lục lọi đồ linh tinh nhưng Kiều Phương vẫn "vui vẻ chấp nhận" và hồn nhiên khoe với bạn bè. Cách trò chuyện của Kiều Phương với anh trai cũng chưng tỏ Kiều Phương là cô bé nhí nhảnh, trong sang và vô cùng đáng yêu "Nó vênh mặt, mèo mà lại, em không phá là được". Dù cho người anh trai khó chịu đến cỡ nào thì cô bé này vẫn không bao giờ tức giận, luôn giữ được sự hài hòa và tinh nghịch như thế. Tạ Duy Anh đã khéo léo khắc họa nên hình ảnh nhân vật đáng yêu, gây được thiện cảm tốt đối với người đọc.

Khâm phục hơn hết là tài năng hội họa của Kiều Phương. Điều này khiến cho bố mẹ vui mừng "Ôi con đã cho bố một bất ngờ quá lớn. Mẹ cũng không kìm được xúc động". Người anh trai ghen ghét với tài năng của em nên càng ngày càng lạnh lùng và hay quát mắng em. Dù vậy nhưng tình cảm và thái độ của em gái dành cho anh vẫn không thay đổi, tin yêu và trân trọng hết mực.

Đặc biệt hơn hết là tình cảm, tấm lòng của Kiều Phương dành cho anh trai trong bức tranh đoạt giải. Cô bé chưa bao giờ ghét anh, mặc dù anh rất ghét cô, ghen tỵ với cô. Bức tranh là hình ảnh cậu con trai có đôi mắt rất sang, nhìn ra ngoài cửa sổ, toát lên một vẻ đẹp tuyệt vời. Có thể nói đây là chi tiết khiến người đọc xúc động về tình cảm an hem trong gia đình. Chính bức tranh này của Kiều Phương đã "thức tỉnh" được trái tim người anh, có cách nhìn khác về em, vừa hối hận vừa xấu hổ vừa biết ơn. Kiều Phương không những là cô gái đáng yêu, hồn nhiên, tài năng mà còn có tấm lòng nhân hậu, bao dung khiến người khác phải khâm phục và ngưỡng mộ.

Bức tranh của em gái tôi không được vẽ bằng chất liệu hội hoạ. Nó được vẽ bằng quá trình diễn biến tâm trạng của người anh, thông qua lời kể vô cùng xúc động của nhân vật. Đó là "Mèo con" có tấm lòng nhân hậu. Đấy cũng là vẻ đẹp của một em bé gái trong cuộc sống đời thường mà ta có thể gặp bất cứ ở đâu trên đất nước mình. Tác giả Tạ Duy anh đã hóa tâm hồn mình thành trẻ thơ để có thể thấu cảm và khắc họa tính cách trẻ thơ sâu sắc chân thực tới như vậy.

Bài văn giới thiệu về một nhân vật có tấm lòng nhân hậu - mẫu 6

Trong các văn bản truyện đã được học, tôi thích nhất là nhân vật Kiều Phương trong Bức tranh của em gái tôi của nhà văn Tạ Duy Anh. Kiều Phương là một cô bé vừa tài năng lại vừa có tấm lòng nhân hậu.

Nhân hậu là lòng thương người và ăn ở có tình nghĩa. Nhân hậu cũng hàm chứa trong đó cả sự bao dung những lỗi lầm của người khác. Điều này được thể hiện rất rõ ở nhân vật Kiều Phương. Kiều Phương là một cô bé tinh nghịch, có năng khiếu vẽ. Trước đây, cả nhà không ai biết điều này. Người anh của Kiều Phương cũng chỉ cho cô là đứa trẻ tinh nghịch, đáng yêu. Cho đến một ngày, khi chú Tiến Lê – một họa sĩ đến nhà Kiều Phương chơi và phát hiện ra những bức tranh của cô bé, cả nhà mới biết năng khiếu này và vun đắp nó. Người anh bắt đầu cảm thấy mình vô dụng, không giỏi bằng em gái mình. Từ đó nảy sinh ra lòng ghen ghét em, và hay cáu kỉnh. Vậy nhưng Kiều Phương cũng Không nói gì anh trai mình, mặt chỉ phụng phịu, vẫn luôn đáng yêu, tinh nghịch.

Đến ngày Kiều Phương đi thi vẽ quốc tế, cô bé đã cố gắng nhìn và nhớ gương mặt của người anh khiến người anh càng khó chịu, không hiểu được chuyện gì. Cho đến khi cô bé thì thầm với người anh: “Em muốn anh cùng đi nhận giải” thì người anh mới biết được bức tranh giải nhất của Kiều Phương là bản thân mình – người anh trai. Câu nói của Kiều Phương chính là để dành cho người anh một bất ngờ. Cô bé hẳn đã thấy những biểu hiện không vui của người anh, có thể mơ hồ đoán được, nhưng vẫn yêu thương anh, tặng anh một món quà đặc biệt. Đó thực là một sự nhân hậu đáng khen.

Khi nhìn vào bức tranh, người anh ngỡ ngàng vì không ngờ mình vẫn luôn mắng mỏ em gái mà vẫn được em gái vẽ. Người anh hãnh diện vì bức tranh vẽ mình đã đoạt giải nhất. Nhưng ngay sau đó, người anh lại cảm thấy xấu hổ vì tất cả những điều ấy. Xấu hổ vì đã hãnh diện. Xấu hổ vì không xứng đáng hãnh diện. Xấu hổ về sự hẹp hòi của mình, vì vẫn luôn cáu gắt với Kiều Phương. Trong khi đó, cô bé vẫn luôn yêu thương, nhân hậu với người anh. Trong văn bản truyện, nhà văn Tạ Duy Anh không miêu tả nội tâm của nhân vật Kiều Phương mà chủ yếu miêu tả nội tâm của người anh trai. Nhưng chúng ta có thể đoán rằng, Kiều Phương cũng sẽ cảm nhận được những cảm xúc của anh trai mình, hiểu cho anh trai và thể hiện tình cảm với anh.

Đó chính là sự nhân hậu của cô bé. Chính sự nhân hậu đó đã cảm hóa người anh, không những làm người anh cảm động, mà còn giúp người anh tự nhìn nhận khuyết điểm của bản thân, biết khiêm tốn và yêu thương em gái mình. Ở cuối truyện ngắn, người anh đã nói về bức tranh: “Không phải con đâu! Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!”. Câu nói cho thấy cảm xúc và suy nghĩ của người anh không còn là sự hãnh diện phút ban đầu, mà là sự hiểu chuyện, khiêm nhường. Câu nói ấy đã khẳng định “tâm hồn và lòng nhân hậu” của Kiều Phương.

Đã có người nói “văn học là nhân học”, văn học đề cao những giá trị tốt đẹp ở con người. Một trong những giá trị ấy chính là lòng nhân hậu. Nhân vật Kiều Phương trong Bức tranh của em gái tôi của Tạ Duy Anh chính là biểu hiện cho lòng nhân hậu đó. Lòng nhân hậu của Kiều Phương nhắc nhở chúng ta về cách nghĩ, cách ứng xử trong đời sống hàng ngày.

Xem thêm các bài văn hay Tập làm văn lớp 6 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 6 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 6 sách mới các môn học