100+ bài văn tả người lớp 5 (siêu hay, ngắn gọn)
Tổng hợp trên 100 bài văn tả người lớp 5 hay nhất, ngắn gọn được chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước giúp bạn viết bài văn tả người hay hơn.
100+ bài văn tả người lớp 5 (siêu hay, ngắn gọn)
Bài văn Tả mẹ
Dàn ý Tả mẹ của em
I. Mở bài: Giới thiệu về mẹ.
- Mẹ là người gần gũi với em nhất.
- Năm nay, mẹ đã ngoài bốn mươi tuổi.
II. Thân bài: Tả về mẹ.
a) Tả hình dáng:
- Dáng người tầm thước, thon gọn.
- Là giáo viên nên mẹ mặc áo dài đi làm; ở nhà mẹ mặc đồ bộ cho tiện làm việc nhà.
- Gương mặt đầy đặn; mái tóc dài đen mượt, khi làm bếp mẹ hay búi tóc lên.
- Đôi mắt đen sáng với ánh mắt dịu dàng, thân thiện.
b) Tả tính tình, hoạt động:
- Mẹ là người chu đáo, cẩn thận; đồ đạc trong nhà sắp xếp gọn gàng nhờ vậy nhà tuy nhỏ nhưng trông vẫn thông thoáng.
- Tính tình ôn hòa, nhã nhặn trong lời ăn tiếng nói, mẹ thường dạy em: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
- Bận thế nhưng mẹ luôn quan tâm đến việc học của em.
III. Kết bài:
- Mẹ luôn tận tụy, tảo tần, chăm sóc, dạy bảo em với mong ước duy nhất là em được nên người, trở thành người hữu ích cho xã hội.
- Em luôn cố gắng đạt thành tích tốt, đem lại niềm vui cho mẹ. Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm!
Bài văn tả mẹ - mẫu 1
“Ầu ơ … Con ơi, con ngủ cho ngoan…” Câu ca dao bà ru mẹ, mẹ ru con từ đời này qua đời khác mà sao nghe vẫn cứ ngậm ngùi và da diết đến thế! Mẹ thương con từ những câu hát ru đến lời thương, câu mắng và trong từng cái ôm dịu dàng…
Như bao người nông dân ở những vùng quê nghèo khác, mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân giản dị, chân chất. Mang vẻ đẹp của người phụ nữ Á Đông truyền thống, mẹ mang dáng người cân đối, gương mặt trái xoan ưa nhìn và nước da đã không còn mịn màng bởi dạn dày sương gió. Cái dịu dàng và nhẹ nhàng đã thấm vào mẹ tôi từ lời ăn tiếng nói, dáng đi và cách ứng xử của mẹ với mọi người và với cuộc sống.
Mẹ tôi vẫn luôn mang theo quan niệm của những người nông dân những vùng quê nghèo: mong ước con mình chỉ cần chăm ngoan học giỏi thì chịu bao nhiêu vất vả, đau khổ mẹ cũng chịu được. Những con người vì cuộc sống mưu sinh mà luôn dang dở ước mơ với những con chữ nên đã gửi cả ước mơ và hạnh phúc của mình vào những bước chân đến trường của con. Nhưng ngày ấy tôi không hiểu được điều đó…
Từ khi tôi biết đến những con chữ và việc học, mẹ luôn nhắc nhở tôi phải học, cố gắng học và học cho thật giỏi. Hoàn cảnh nhà không có điều kiện như bạn bè cùng trang lứa, nhưng mẹ không bao giờ để cho tôi làm những việc mưu sinh, nặng nhọc của mẹ. Và tôi chỉ có việc học, học và học. Nhưng nhìn thấy mẹ mình, ngày ngày vất vả ngược xuôi, đi gom nhặt ve chai từ sáng sớm đến tối muộn mới về, tôi không chịu được. Tôi thường giúp mẹ phân loại đống ve chai mà mẹ đã đem về. Mẹ không đồng ý, nhưng vì tôi hứa là mình đã làm xong bài tập cứ xông vào đống ve chai nên mẹ cũng đành hết cách.
Buổi tối hôm đó, tôi thấy mẹ về muộn hơn thường lệ. Chưa làm xong bài kiểm tra hôm đó, nhưng thấy mẹ về là tôi đã vội chạy ra đón. “Hôm nay công việc sẽ rất nhiều đây. Nhiều thế này sao có thể để mẹ làm một mình rồi”- tôi nghĩ thế và chắc chắn sẽ phải giúp mẹ. Tôi chắc chắn với mẹ là mình đã hoàn thành xong các bài tập, và cả học bài nữa. Vì vậy, mẹ có thể yên tâm để tôi giúp mẹ. Vậy mà, công việc đến gần đêm mới xong, không biết mẹ làm một mình thì đến bao giờ?
Thành tích của tôi luôn rất tốt, đứng trong top đầu của lớp. Nhưng tối hôm trước, tôi đã không làm bài. Vì thế, tôi nhận một con 0 đầu tiên trong bao nhiêu năm đi học của mình. “Làm sao bây giờ, mẹ mà biết thì, thì …”, tôi không dám tưởng tượng hậu quả đâu. Tôi không sợ mẹ mắng, mẹ đánh mà chỉ sợ mẹ buồn thôi. Nhưng về nhà, tôi thấy mẹ ở đó, không nói năng gì cả. Mẹ đã biết rồi. Tôi lo lắng, rồi sợ hãi. Mẹ không nói, mẹ chỉ khóc. Giọt nước mắt mẹ lăn dài xen với tiếng nức nở làm lòng tôi đau như cắt. Tôi không thể chịu nổi như thế nên đã quyết định nói gì đó, nhưng tất cả chỉ có ba chữ “Con xin lỗi” được thốt ra.
Mẹ khóc là vì mẹ mà việc học của con mới bị ảnh hưởng. Mẹ đã không làm tốt vai trò người mẹ. Mẹ …
Cuối cùng mẹ cũng chịu nói. Đúng, đó là lỗi của mẹ. Mẹ đã không cho tôi được thể hiện tình yêu của mình với mẹ, nên tôi mới phải nói dối để làm thế. Mẹ đã dành cả tình yêu cho tôi nhưng đã không đúng cách, mẹ đã không hiểu tôi. Vì thế, cả tôi, cả mẹ đều không đúng.
Và mẹ và tôi đã khóc. Những giọt nước mắt khởi đầu cho những niềm vui và tình yêu mới. Ngoài kia, những tia nắng vàng mới rực rỡ đến như vậy.
Bài văn tả mẹ - mẫu 2
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Mỗi khi nghe thấy đâu đó vọng lên câu ca dao ấy, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về người mẹ thân yêu của mình. Mẹ tôi đã chịu bao nhiêu đớn đau, khổ cực để sinh ra tôi. Và mẹ cũng đã dành cả cuộc đời để săn sóc, dõi theo tôi từng bước trưởng thành. Với tôi, hình ảnh mẹ mãi là hình ảnh đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất.
Năm nay, mẹ tôi đã bước qua tuổi 40. Tuy vậy, trông mẹ vẫn còn rất tươi trẻ. Trong mỗi khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời, dù buồn dù vui, tôi đều nhớ đến bóng dáng của mẹ. Dáng người mẹ thanh mảnh, làn da trắng đã điểm những nếp nhăn. Mẹ là một người phụ nữ trẻ trung, năng động, nhiệt huyết nhưng đằng sau vẻ tươi tắn đó là sự hi sinh to lớn để nuôi nấng tôi. Cũng chính vị vậy mà đôi bàn tay mẹ chai sạn, gầy gầy, xương xương. Nhưng không hiểu sao tôi lại muốn được ôm ấp, vỗ về trong đôi bàn tay ấm áp đó. Có lẽ, vì đôi bàn tay đó đã chịu bao nhiêu sự vất vả vì tôi chăng? Sự vất vả của mẹ còn thể hiện rất rõ qua những nếp nhăn, vết chân chim trên gương mặt mẹ. Khuôn mặt trái xoan cùng vầng trán cao và đôi lông mày ngang tạo nên nét thanh thoát riêng biệt của mẹ. Mẹ tôi có đôi mắt bồ câu đen láy, ánh lên sự hiền dịu, trìu mến. Nhưng khi tôi chưa vânglời, đôi mắt ấy lại đượm buồn khó tả. Chiếc mũi mẹ cao dọc dừa, trông hài hòa với những nét vốn có của mẹ. Hình ảnh trên gương mặt mẹ để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất chính là nụ cười. Nụ cười của mẹ rạng rỡ chính nhờ khóe miệng nhỏ nhắn, đôi môi trái tim và hàm răng trắng đều tăm tắp. Nụ cười ấy như ánh mặt trời ban mai, ấm áp, thân thiện, chan hòa và đầy tình thương yêu. Khi nào buồn, chỉ cần nhìn vào nụ cười động viên của mẹ, tôi lại có thêm động lực. Đôi lúc, nụ cười ấy lại tan biến, thay vào đó là những giọt nước mắt. Lúc đó, trông mẹ như một bông hoa đang úa dần, buồn đến lạ…! Nên tôi luôn thầm nhủ phải học thật chăm, thật giỏi để giữ mãi nụ cười trên đôi môi mẹ.
Là một người phụ nữ của gia đình nên tính cách mẹ tôi vừa hiền hậu vừa rất nghiêm khắc. Mẹ thức khuya, dậy sớm để chăm lo cho gia đình từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi sớm thức dậy, tôi luôn cảm thấy thật hạnh phúc khi được ăn những món ăn mẹ nấu. Mẹ nhanh tay đảo thức ăn trong chảo. Mẹ nêm, nếm cẩn thận rồi múc ra bát, ra đĩa cho tôi. Ngày trước, tôi thường biếng ăn. Mẹ luôn bắt tôi ăn hết. Giờ thì tôi hiểu, mẹ cũng chỉ muốn tôi có sức khỏe tốt mà thôi. Mẹ thường dặn dò, hướng dẫn tôi trong việc học tập.
Có lẽ, ai trong chúng ta cũng yêu thương nhất người mẹ của mình. Người đã dành một đời để hi sinh vì con cái. Chính vì vậy, dù xưa hay nay, người ta vẫn luôn ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng. Tôi cũng rất yêu, rất thương mẹ và rất tự hào vì là con của mẹ.
Bài văn tả mẹ - mẫu 3
Đối với mỗi người, tĩnh mẫu tử luôn đáng trân trọng, với tôi cũng vậy. Mẹ chính là người mà tôi yêu thương nhất trong cuộc đời này.
Mẹ tôi năm nay đã bốn mươi tuổi. Dấu vết của thời gian đã in hằn lên khuôn mặt của mẹ. Mái tóc ngắn của mẹ giờ đã điểm một vài sợi tóc trắng. Nước da không còn trắng hồng như trước đây mà đã có những vết tàn nhang.
Mẹ tôi là một công nhân của một xưởng may nhỏ nằm trong thành phố. Công việc thường ngày của mẹ vô cùng bận rộn. Nhưng mẹ vẫn dành thời gian về nhà để nấu cơm cho cả gia đình. Đối với mẹ, bữa tối chính là lúc cả gia đình sum họp sau một ngày làm việc hay học tập vất vả. Nhưng lúc ấy, có lẽ là khoảng thời gian vui vẻ nhất khi cả nhà được quây quần bên nhau, ăn bữa cơm ngon lành do mẹ nấu và trò chuyện.
Tôi còn nhớ một kỉ niệm sâu sắc về mẹ trong tuổi thơ của mình. Hồi ấy, dù là con gái nhưng tôi lại rất nghịch ngợm. Năm lớp năm, tôi thường tham gia cùng các bạn con trai vào những trò nghịch phá. Một lần, bị cô giáo bắt gặp. Cô đã kiểm điểm nhóm chúng tôi trước cả lớp và nói rằng sẽ trao đổi với phu huynh. Khi đó, vì còn nhỏ nên tôi chỉ cảm thấy sợ hãi. Nhưng trong lòng thì chẳng cảm thấy có lỗi. Sau khi cô giáo đến nhà và trao đổi xong, mẹ đã gọi tôi đến và nhắc nhở. Chính vào lúc đó, tôi đã có những thái độ và lời nói không lễ phép với mẹ. Đến khi nhận được lá thư của bố viết cho tôi. Bố đã nghiêm khắc phê bình thái độ đó của tôi. Và kể lại những kỉ niệm khi tôi còn thơ ấu, mẹ đã phải thức suốt đêm để chăm sóc cho tôi ở bệnh viện khi tôi bị ốm. Bức thư của bố khiến tôi vô cùng xúc động và cảm thấy có lỗi. Chiều hôm ấy, khi mẹ đi làm về, tôi ngập ngừng chạy đến ôm lấy mẹ, xin lỗi mẹ. Nước mắt tôi cứ thế rơi lúc nào chẳng hay. Mẹ cũng khóc và an ủi tôi.
Sau kỷ niệm lần đó, tôi dường như trưởng thành hơn. Tôi đã biết giúp đỡ mẹ những công việc vặt trong gia đình. Cũng trở nên ngoan ngoãn hơn, chịu khó học tập hơn. Tôi cũng hiểu được rằng, cho dù có thế nào. Mẹ cũng luôn bao dung và yêu thương tôi vô điều kiện. Lỗi lầm dù có to lớn đến đâu, thì đối với mẹ cũng có thể tha thứ.
Giờ đây tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của câu hát: “Tình mẹ bao la như biển thái bình…” - người mẹ đối với chúng ta vô cùng quan trọng. Mẹ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc. Mỗi người hãy biết yêu thương và trân trọng khoảng thời gian được ở mẹ, ở bên gia đình.
Bài văn tả bố
Dàn ý Tả bố của em
I. Mở bài: Giới thiệu bố của em.
II. Thân bài:
1. Tả ngoại hình bố của em.
- Bố em năm nay đã năm mươi tuổi.
- Bố em có dáng người cao, gầy.
- Khuôn mặt bố rất góc cạnh, trông rất ốm.
- Mái tóc bố có vài sợi bạc.
2. Tả tính tình của bố.
- Bố rất yêu thương cả nhà.
- Bố rất hiền nhưng đôi khi cũng rất nghiêm khắc.
- Bố đối xử với mọi người rất thân thiện và hiền hòa.
- Bố luôn giúp đỡ mọi người trong bất kì công việc gì.
- Điều em yêu nhất ở ba là ba luôn yêu thương mọi người.
3. Tả hoạt động của bố.
- Ở nhà bố rất thích trồng cây và chăm sóc cây.
- Công việc chính của bố là làm công nhân ở nhà máy.
- Bố đã chịu nhiều cực khổ để chúng em được như ngày hôm nay.
III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về bố:
- Em yêu bố như thế nào?
- Em hứa với bố sẽ trở thành người như thế nào để không phụ tình yêu thương của ba.
Tả bố của em (mẫu 1)
Gia đình em có bốn người: mẹ, bố, anh hai và em. Mẹ em lúc nào cũng dễ tính và hay nuông chiều con cái, còn bố em thì ngược lại, rất nghiêm túc. Thế nhưng em vẫn kính yêu bố em vô cùng.
Nhìn bố, ít ai nghĩ rằng ba đang ở vào độ tuổi bốn mươi lăm. Vì tóc bố vẫn còn đen, chỉ có vài sợi tóc trắng. Người bố hơi cao, không mập lắm, nên có vẻ khỏe khoắn. Sở dĩ được như vậy là do bố em năng tập thể dục vào mỗi buổi sáng. Nghe bà nội em kể rằng, thuở nhỏ bố em rất thích chơi thể thao; bóng chuyền, bóng bàn môn nào bố cũng giỏi. Gương mặt bố hao hao hình chữ điền, trông đầy nét cương nghị.
Hàng ngày, sau giờ làm việc ở cơ quan về, bố em còn cuốc đất vun gốc cho mấy cây trồng xung quanh nhà. Cho nên, tuy vườn không phải là rộng lắm nhưng có nhiều thứ hoa quả. Cây nào cây nấy thẳng lối ngay hàng, đẹp chẳng khác chi một công viên nho nhỏ.
Đêm đêm, bố em hay thức tới khuya để làm thêm một số công việc tăng thu nhập cho gia đình. Em biết rõ điều đó lắm. Vì chúng em mà bố em phải chịu nhiều vất vả. Nhưng bố nào có quản khó nhọc gì đâu. Bố thường nói với mẹ em rằng, dù cực khổ mấy cũng chịu được, miễn là nhìn thấy chúng em ngoan ngoãn, siêng năng học hành là ba đã vui rồi. Bây giờ em mới hiểu câu “Công cha như núi Thái Sơn” thật là cao cả biết dường nào.
Những lúc rảnh rỗi, bố em thường dắt chúng em đi dạo quanh làng. Vừa đi, bố vừa kể chuyện hay giảng giải những điều thắc mắc chúng em thường gặp. À, mà sao cái gì bố cũng biết, biết nhiều thứ lắm. Anh Hai và em cứ nhờ bố giảng cho bài văn, hướng dẫn cho bài toán. Bố đúng là ông thầy thứ hai, ở nhà.
Em rất kính yêu bố em. Nhờ có bố mà cả gia đình sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. Cho nên, lúc nào, em cũng cố gắng học thật giỏi để ba em được vui lòng.
Tả bố của em (mẫu 2)
Tôi rất thích câu thơ của một nhà thơ khuyết danh về tình thương yêu và sự hi sinh của cha mẹ “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Nếu mẹ là người yêu thương ta vô bờ bến, thì cha là người âm thầm hi sinh, gánh bao nhọc nhằn, khổ cực cuộc đời để nuôi nấng ta thành người. Tôi thích câu thơ ấy, bởi mỗi khi nghe nó, tôi lại nghĩ về người ba thân yêu của mình.
Ba tôi năm nay gần bốn mươi tuổi, độ tuổi mà con người ta cường tráng nhất, oai phong nhất. Dáng người ba cân đối với vẻ cao ráo cùng làn da nâu toát lên vẻ khỏe khoắn. Khuôn mặt góc cạnh tạo nên nét cương nghị, nghiêm khắc của một người đàn ông trưởng thành. Khuôn mặt ấy đã in hằn những dấu vết lam lũ của cuộc đời như một vài vết sẹo hay vệt nám nơi gò má. Đôi mắt sâu hoằm nhưng vô cùng linh hoạt. Ánh mắt của ba lúc thì nghiêm nghị, lúc thì đầy ắp thương yêu. Chiếc mũi cao giúp khuôn mặt ba trở nên điển trai, phong độ. Chiếc mũi rất hợp với nụ cười bừng sáng.
Là một kĩ sư, bố tôi có đôi tay chai sạn. Những ngón tay bây giờ như to hơn, chẳng còn vẻ thon dài của bàn tay chàng thư sinh ngày trước. Lòng bàn tay thô ráp, nhưng chẳng hiểu sao, tôi rất thích nắm đôi bàn tay ấy. Dường như khi đặt bàn tay nhỏ bé của mình trong đó, tôi cảm nhận được bao vất vả mà ba đã trải qua. Mẹ tôi kể, những ngày đầu tôi chập chững bước những bước đầu tiên, ba chính là người dìu dắt tôi. Không may, tôi bị ngã, ba chạy vội sang ôm tôi vào lòng. Ngày đó còn bé, chỉ biết òa khóc kêu mấy tiếng “ba…ba…”. Khi lớn hơn, có lần tôi bị ngã xe, ba không còn vỗ về tôi như ngày đó. Ba nhìn tôi nghiêm khắc và mắng. Tôi vẫn òa khóc, khóc bởi giận dỗi. Sau đó, tôi hiểu, ba vì lo lắng quá cho tôi, muốn tôi chững chạc trong những bước đi trên đường đời dài phía trước.
Ba là người mà tôi kính trọng nhất. Dù đi hết cuộc đời, hình ảnh người ba quanh năm mệt nhọc vì gia đình sẽ luôn ghi dấu trong trái tim tôi. Tôi nguyện cầu cho người cha của cuộc đời sẽ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và an yên.
Tả bố của em (mẫu 3)
Trong gia đình tôi, bố là người yêu thương tôi nhất. Bố luôn luôn lắng nghe mọi người nói và đặc biệt là tôi.
Bố có một thân hình to, cao, khoẻ mạnh. Bố rất khoẻ và luôn giúp đỡ mọi người trong gia đình. Bố có một đôi tay nổi cơ bắp, bàn tay bố có nhiều vết chai cứng như đá vì phải làm việc nhiều. Mặt bố tròn, mũi cao, mồm rộng, để râu và bố có đôi mắt màu nâu tuyệt đẹp.
Hôm nào tôi đi học, bố và mẹ cũng ra tiễn tôi. Bố dặn dò tôi rất kỹ, nào là “đi học hôm nay phải…”, rồi thì “phải nghe lời cô giáo…”, nhưng câu cuối cùng vẫn là “con đi đường cẩn thận nhé”. Khi đi học về, đang dắt xe vào nhà thì tiếng nói của bố từ trong nhà vọng ra “Con đã về rồi à?”. Nhưng bố cũng rất nghiêm khắc, những hôm nào tôi mắc khuyết điểm, hay bị điểm kém thì bố lại bắt tôi làm bản kiểm điểm. Tuy vậy, nhưng tôi vẫn yêu bố.
Bố tôi! Một người trụ cột trong gia đình. Đối với tôi, bố cho việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thì cho qua. Bố tôi là một tấm gương sáng cho gia đình. Tục ngữ có câu “con không cha như nhà không có nóc” quả đúng là như vậy. Bố con như người cha trong câu tục ngữ ấy, là một con người mẫu mực, một trụ cột không thể thiếu trong gia đình tôi. Là một người siêng năng, kiên trì, thông minh khác hẳn những người khác và đã có ý định làm gì thì phải làm cho bằng được nên bố được rất nhiều người kính trọng.
Tôi rất tự hào khi là con trai của bố, con sẽ luôn ghi nhớ những điều bố dạy bảo và sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ công ơn của bố.
Bài văn tả bà
Dàn ý Bài văn tả ông, bà
I. Mở bài: Giới thiệu ông hoặc bà mà em đang muốn tả.
II. Thân bài: Tả ông, bà của em.
1. Tả bao quát về người ông (bà).
- Tuổi tác, dáng người, cách ăn mặc, khuôn mặt, mái tóc...
2. Tả tính tình.
- Tính tình ôn hòa, hiền hậu.
- Luôn yêu thương và chăm sóc con, cháu chu đáo...
– Luôn chỉ bảo mọi người trong nhà những điều hay lẽ phải, đưa ra những lời khuyên với con cháu.
- Yêu thương mọi người
- Gần gũi với bà con làng xóm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
- Chăm lao động, chăm việc nhà, tích cực tham gia các công việc xã hội của địa phương...
III. Kết bài:
- Em rất yêu quý và kính trọng ông, bà của mình.
- Em luôn mong ông (bà) của em mạnh khỏe để sum vầy bên con cháu.
- Ông (bà) sẽ luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả nhà.
Bài văn tả bà ngoại
“Bà ơi bà cháu yêu bà lắm!
Tóc bà trắng, màu trắng như mây…”
Có lẽ tuổi thơ của ai cũng từng nghe những giai điệu trong câu hát trên. Bà ngoại em cũng có mái tóc bạc trắng như mái tóc bà của bạn nhỏ đó.
Năm nay, bà ngoại em đã ngoài sáu mươi. Bà có thân hình mập mạp. Trên khuôn mặt chữ điền, phúc hậu đã điểm những nếp nhăn rõ rệt. Nếp nhăn xô lại trên làn da hơi sạm mỗi khi bà cười. Nhưng nụ cười của bà còn tươi tắn lắm. Chiếc mũi nhỏ cùng khóe miệng móm mém của bà lúc nào cũng rạng ngời. Mái tóc của bà ngắn ngang vai. Mái tóc óng mượt ấy đã điểm những sợi tóc bạc trắng. Có lẽ, những sợi tóc bạc ấy chính là nỗi lo âu, sự chăm sóc và tình yêu thương bao năm tháng bà dành cho em. Sự chăm sóc còn thể hiện qua đôi tay nhăn nheo, đôi tay đã bồng bế em từ khi còn trong nôi.
Bà là một người hiền hậu, ấm áp và tràn ngập tình thương yêu. Em còn nhớ, ngày em mới 5 tuổi, em đến nhà bà chơi. Em nhìn thấy các anh chị đi xe đạp thật thích làm sao! Em đã đòi bà cho em tập đạp xe. Do bất cẩn, em đã bị ngã xe. Chiếc xe đè lên bàn chân em, bàn chân thâm tím và sưng lên. Bà rất lo lắng, bà đưa em vào nhà và lấy đá chườm vào chỗ xưng. Em bị đau, cứ òa khóc nức nở. Lúc đó, mắt bà đỏ hoe. Em hiểu bà thương em lắm. Bà vừa là một người bà đáng kính, lại vừa là một người bạn thân thiết của em. Có những lúc, em gặp chuyện khó khăn, bà luôn là người động viên em và cho em những lời khuyên thật bổ ích. Ngày chị em em còn bé, bà thường hát ru chúng em bằng những câu hát dân ca “à ơi” ngọt ngào. Dường như, lời ca thuở ấy cho đến bây giờ vẫn vang mãi trong tâm hồn em. Những câu chuyện cổ tích bà kể thật lí thú biết bao! Nhờ bà, em đã biết đến cô Tấm dịu hiền, anh chàng Thạch Sanh tốt bụng và tài giỏi, Chử Đồng Tử hiếu thảo,….
Em rất yêu quý bà ngoại của em. Bà như một bà Tiên hiền hậu, mang đến cho em những phép nhiệm mầu bằng tình yêu thương và sự chở che. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để mai sau khôn lớn và trưởng thành, để luôn là cháu ngoan của bà.
Bài văn tả bà nội
Bà nội, đó là hai tiếng gọi thân thương mà tôi được gọi, có biết bao nhiêu người không còn bà để mà gọi và tôi thấy tôi thật hạnh phúc khi được có bà nội trên đời này. Bà không chỉ đơn giản là một người bà nội mà bà còn là tri âm tri kỉ của tôi. Mọi chuyện tôi đều nói với bà, tâm sự với bà và cho tôi những lời khuyên bổ ích. Bà như cơn mưa mùa hạ tưới mát tuổi thơ tôi.
Bà nội tôi trải qua một cuộc đời lam lũ vất vả người phụ nữ sinh ra trong bom đạn vì thế bà càng thêm sức dẻo dai chịu đựng. Bà tôi có khuôn mặt mà tôi thấy người ta khen là phúc hậu. Cuộc đời trải qua biết bao khó nhọc những lúc chạy giặc bà phải ngụp trong nước giấu mình trong bèo kể cả những đoạn mương sông bẩn thỉu nhất. Sau đó khi về nhà chồng, bà tôi một tay nuôi dưỡng bố và các bác của tôi trong khi đó ông nội còn đang bận công tác ngoài thủ đô. Một mình chăm sóc bảy người con tôi thấy bà nội tôi thật khỏe khoắn. Thật không may, về già bà nội tôi lại bị tai biến mạch máu não.
Mặc dù đã tám mốt tuổi thế nhưng trông bà tôi vẫn trẻ như hồi còn sáu mươi. Ai vào cũng phải khen nước da hồng hào trắng khỏe, khuôn mặt bà giờ không còn được trẻ trung đẹp đẽ như thuở xưa nữa mà thay vào đó là những nếp nhăn chằng chịt. Nghe bố tôi nói rằng bà tôi ngày xưa xinh lắm, đẹp lắm và cho đến bây giờ cái tuổi xế bóng chiều tôi vẫn thấy bà tôi rất đẹp. Đó là vì nước da trắng vốn có của bà nội, là mái tóc tuy đã ở cái tuổi tám mốt nhưng lại chỉ điểm vài sợi trắng trên đầu. Khi gội đầu thì không còn nhìn thấy những sợi trắng đó nữa. Mái tóc dài ngày xưa của bà được cắt ngắn đi cho gọn gàng và dễ gội. Khuôn mặt ấy vẫn phúc hậu như ngày nào nhưng lại thật là đáng thương khi khuôn mặt ngày càng béo ra, không phải vì béo tốt mà là do bệnh. Nói đúng hơn là bị phù mặt, những vết nám chấm to như những mụn ruồi xuất hiện trên mặt của bà. Mắt của bà híp lại, đôi lông mày rụng hết phần dưới đi, mi mắt cũng rụng còn lại những sợi mi ngắn cũn. Điều đó không làm bà xấu đi mà làm bà đẹp hơn vì sau căn bệnh ấy bà vẫn đẹp, vẫn trẻ như vẫn còn sáu mươi.
Dáng hình của bà nội tôi giờ đây vì bệnh mà béo lên, nhưng khổ nỗi bà chỉ béo mỗi phần bụng còn chân tay thì lại gầy gò. Không kể đến cánh tay bên phải bị liệt, bà không thể tự xúc cơm được nữa mà phải có người xúc cho. Còn gì khổ hơn khi mất đi một cánh tay, tôi thương bà tôi nhiều lắm cả cuộc đời tu nhân tích đức mà đến cuối đời lại không thể sống một cuộc sống an lành. Nhiều khi bà nội tôi khóc như trẻ con, những nếp nhăn xô lại và những giọt nước mắt ào ra trên hai gò má. Cái miệng mếu xệch đi trông mà không kìm được nước mắt, gặp người thân đi xa về bà càng khóc nhiều hơn. Mỗi đêm bà dậy đi vệ sinh tôi tỉnh giấc nghe thấy những hơi thở khó khăn của bà mà chạnh lòng nghĩ bản thân chưa làm được gì cho bà. Cứ mỗi lần đứng lên ngồi xuống là cả một sự khó nhọc của bà ngay cả khi lật mình khi ngủ nữa.
Bà tôi cơ cực vậy đấy và giờ đây tôi yêu thương bà hơn bất cứ điều gì, cả cuộc đời ấy tôi sẽ cố gắng giúp cho bà vui mỗi ngày. Mai này lớn lên tôi sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho những người bà thoát khỏi căn bệnh quái ác kia.
Bài văn tả ông
Bài văn tả ông nội
Tuổi thơ của chúng ta luôn gắn liền với tiếng hát ru của mẹ, vòng tay ấm áp của cha và những câu chuyện cổ tích của bà. Nhưng trong kí ức của em không chỉ có bố, có mẹ, có bà mà còn có cả hình ảnh của ông nội - người mà em yêu quý nhất.
Ông nội em năm nay cũng đã ngoài sáu mươi tuổi. Mái tóc của ông đã không còn đen như thời trai tráng mà đã chuyển sang một màu hoa râm. Gương mặt ông cũng xuất hiện những nếp nhăn tựa như dấu ấn mà thời gian để lại. Đôi mắt của ông cũng không còn tinh tường như trước, nên dù phải đeo kính lão nhưng khi ông nhìn em, ánh mắt ấy vẫn hiện lên sự ấm áp, tràn đầy tình yêu thương. Trên gò má ông đã xuất hiện những vết đồi mồi, chân chim nhưng trong mắt em, chúng không hề xấu xí mà lại mang một nét hiền hậu đến lạ kì. Tuy đôi bàn tay của ông đã yếu dần, đen sạm vì nắng gió cuộc đời, nổi những gân nhưng ông vẫn thường xuyên làm những công việc nhỏ trong nhà như chăm sóc cây cảnh, cho những chú chó,chú mèo hay chim ăn.
Ông em rất giản dị và hiền lành nên người trong xóm ai ai cũng kính trọng ông. Ông đối xử rất ôn hòa với mọi người, thường xuất hiện để giảng hòa những cuộc cãi vã. Với con cháu trong nhà, ông hết mực quan tâm yêu thương nhưng cũng rất nghiêm khắc mỗi khi có ai đó mắc lỗi. Mỗi buổi tối chúng em thường ngồi quây quần bên ông, nghe ông kể chuyện kháng chiến,đánh giặc và cuộc sống ngày xưa. Điều này khiến những đứa trẻ có cuộc sống yên bình như chúng em cảm thấy rất thích thú và tò mò.
Em rất yêu quý và kính trọng ông. Em mong ông luôn khỏe mạnh và sống thật vui vẻ để có thể ở bên gia đình thật lâu.
Bài văn tả ông ngoại
Gia đình luôn là nơi mà ta nhận được tình yêu thương vô bờ bến. Em cũng vậy, trong gia đình, em luôn nhận biết bao tình yêu thương từ mọi người nhưng người em yêu quý nhất đó chính là ông ngoại của em.
Ông em năm nay đã gần tám mươi tuổi nhưng ông vẫn còn khỏe lắm. Ông có dáng người hơi gầy do tuổi đã cao với một làn da hơi ngăm của một người con xuất thân từ miền biển đầy nắng, gió. Mái tóc ông giờ đã thưa, không còn dày như khi còn trẻ, điểm những khoảng tóc trắng như cước. Khuôn mặt hiền từ, phúc hậu như ông tiên trong truyện cổ tích, khuôn mặt ấy hơi gầy gò, nhăn nheo những nếp nhăn xô lại vào nhau cùng những chấm đồi mồi do dấu hiệu của tuổi tác. Tuy vậy, đôi mắt ông vẫn sáng trong như vì sao trên bầu trời, nhìn rõ được mọi vật xung quanh. Hai gò má ông cao, cùng vầng trán nhẵn nhụi tựa như hình ảnh của Bác Hồ kính yêu cũng hiền hậu như vậy. Đôi bàn tay của ông tuy đã yếu, những đường gân tay nổi hẳn lên nhưng hằng ngày ông vẫn làm những việc nhỏ trong gia đình như chăm sóc cây cối, cho chim ăn.
Ông thường mặc trang phục rất giản dị. Ở nhà ông chỉ mặc áo sơ mi, áo phông cùng chiếc quần dài ống rộng, khi đi ra ngoài hay đến những dịp lễ quan trọng, ông lại khoác lên mình khi thì bộ quần áo ka-ki đậm màu, khi thì bộ com-lê trung tuổi. Ông em rất thích đọc sách, ngày ngày, ông đều đeo chiếc kính lão nhỏ, ngồi trước ban công đọc những cuốn sách về mọi lĩnh vực, vậy nên ông là một kho kiến thức sâu rộng. Ông thường kể cho em nghe những câu chuyện về ngày xưa, về chiến tranh, về cuộc sống con người, những tập tục truyền thống, những lúc như vậy, em lại đắm chìm trong giọng nói ấm áp mà cũng có phần dõng dạc của ông.
Ông rất yêu thương em, ông luôn dạy dỗ, chỉ bảo em từng li từng tí, ông dạy em những bài học làm người sâu sắc, dạy em cách trở thành một con người tự lập. Những lúc rảnh rỗi, ông lại đưa em đi chơi, mua những thứ đồ ăn em thích, kể chuyện cho em nghe và lúc nào trên môi ông cũng nở nụ cười đầy hiền từ, ấm áp như ánh nắng mặt trời vậy.
Em rất yêu quý ông ngoại của em. Cả cuộc đời ông đã luôn hy sinh hết mình để con cháu có được ngày hôm nay. Ông luôn là một người ông với những đức tính tốt đẹp để em noi theo. Em mong ông sẽ luôn khỏe mạnh để mãi ở bên cạnh em.
Bài văn tả cô giáo
Dàn ý tả cô giáo
I. MỞ BÀI.
- Giới thiệu cô giáo (thầy giáo mà em sẽ tả).
- Cô (thầy) tên gì? Dạy em hồi lớp mấy?
II. THÂN BÀI.
+ Tả hình dáng:
- Bao quát: Tuổi tác, khuôn mặt, màu da, dáng vẻ.
- Chi tiết: Tóc, mắt, quần áo.
+ Tả tính tình:
- Qua tả thái độ cư xử, việc làm cụ thể của cô (thầy) đối với học sinh.
- Nghiêm khắc, tận tình lo cho học sinh.
- Hiền lành, dễ tha thứ, ân cần thương yêu học sinh.
III. KẾT LUẬN.
Cảm nghĩ của em: Kính thầy như cha (Kính cô như mẹ).
Bài văn tả cô giáo (mẫu 1)
“Khi thầy viết bảng
Bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào
Rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào
Vương trên tóc thầy…”
Không phải ngẫu nhiên mà người ta dành rất nhiều lời ca, tiếng hát cho những người thầy, người cô đến như vậy. Bởi thầy cô chính là những người dạy bảo, dìu dắt chúng ta thành người. Trong suốt mấy năm học qua, tôi được học rất nhiều thầy cô, nhưng người cô mà em yêu quý nhất chính là cô Giang – cô giáo chủ nhiệm năm lớp bốn.
Cô Giang còn rất trẻ, cô mới gần ba mươi tuổi. Dáng người cô thanh mảnh cân đối nên khi khoác trên mình tà áo dài truyền thống, trông cô vô cùng xinh đẹp và duyên dáng. Bộ áo dài của cô lại rất hợp với làn da trắng hồng và mái tóc đen dài suôn mượt, óng ả. Gương mặt tròn tròn của cô được điểm một chiếc má lúm dễ thương. Dưới vầng trán đầy đặn là đôi mắt bồ câu long lanh như hai hạt huyền, lúc nào cũng ánh lên sự trìu mến. Nhưng khi chúng em chưa vâng lời, đôi mắt cô lại đượm buồn khó tả. Cô có chiếc mũi cao cùng khóe miệng nhỏ nhắn. Đôi môi cô hồng hào, chúm chím như một nụ hoa bé nhỏ luôn rạng rỡ. Khi “nụ hoa” này hé nở sẽ để lộ ra hàm rang trắng ngần, đều tăm tắp.
Đôi tay cô thon nhỏ, mềm mại đưa những nét phấn ngay ngắn, tròn trịa trên chiếc bảng đen. Cô đã giảng cho chúng em nghe biết bao điều lí thú và hữu ích. Giọng cô vang mà êm dịu, ấm áp. Cô là một người vừa nghiêm khắc, vừa hiền hậu. Khi giảng bài, cô cẩn thận giảng giải để cho chúng em hiểu thật kĩ bài học đó. Cô luôn theo sát tình hình học tập của từng bạn để chúng em học tập hiệu quả nhất. Có lần, thi kiểm tra giữa học kì, bài văn em viết rất kém. Em rất buồn về kết quả đó, cô đã giảng giải, hướng dẫn em viết lại một bài hoàn chỉnh hơn. Từ đó, em rất thích học tập làm văn và cũng đã biết cách viết một bài văn hay.
Thầm cảm ơn cô Giang – người cô đã đồng hành cùng chúng em suốt năm học lớp bốn. Sau này, dù năm tháng qua đi, chúng em sẽ xa mái trường, xa thầy cô, bè bạn nhưng hình ảnh cô Giang xinh đẹp, dịu hiền sẽ mãi khắc ghi trong trái tim em.
Bài văn tả cô giáo (mẫu 2)
Đã mấy năm qua rồi cho đến bây giờ em vẫn còn thương mến cô giáo Nga, người đã dạy dỗ em trong những năm học đầu tiên ở ngưỡng cửa Tiểu học.
Cô giáo Nga có dáng người thon thả, không mập cũng không gầy. Tuổi cô độ gần bốn mươi nhưng trông cô còn rất trẻ. Em rất thích những chiếc áo dài cô mặc đến lớp, thường là những chiếc áo lụa mỏng, đủ màu sắc tươi đẹp, rất phù hợp với thân hình và làn da trắng hồng của cô. Mái tóc cô được uốn gọn gàng ôm lấy gương mặt đầy đặn, lúc nào cũng trang điểm một cách hài hoà. Đôi mắt cô to, đen láy, chiếc mũi tuy hơi cao nhưng trông cân xứng với gương mặt. Cô cười rất tươi, giòn giã, để lộ hai hàm răng trắng đều như hạt bắp. Tất cả đều tạo ra một nét đẹp thân tình, cởi mở, nhưng không vì thế mà kém phần cương nghị. Giọng cô giảng bài lúc trầm ấm, lúc ngân vang.
Cô rất thương yêu học sinh. Em còn nhớ những buổi đầu đi học, chúng em đều là những đứa trẻ vừa rời khỏi tay ba mẹ, ngơ ngác, rụt rè và thậm chí có bạn còn oà lên khóc khi ba mẹ ra về. Cô như người mẹ hiền, hết dỗ bạn này quay qua dỗ bạn khác khiến lòng em và các bạn yên tâm không còn sợ hãi nữa. Thế nhưng cô rất nghiêm khắc khi giảng bài, bạn nào không chú ý theo dõi, cô nhắc nhở ngay và luôn tuyên dương những bạn cố gắng học tập. Những buổi học đầu tiên biết bao khó nhọc, cô cầm tay từng bạn uốn nắn, chỉ cho từng bạn cách phát âm các vần. Những giờ ra chơi cô nán lại gạch hàng trong tập vở, cho chúng em viết ngay hàng thẳng lối, hoặc chỉ vẽ thêm cho các bạn còn yếu không theo kịp. Giờ rảnh cô thường kể chuyện cho chúng em nghe. Cả lớp cười vang khi cô kể chuyện vui, lúc đó em cảm thấy bầu không khí trong cả lớp ấm áp tình mẹ con làm sao! Ngoài việc dạy dỗ chăm sóc chúng em, cô còn quan tâm tìm hiểu gia đình các bạn nghèo, tạo điều kiện giúp đỡ các bạn.
Tuy không học cô nữa nhưng trong lòng em luôn kính trọng và biết ơn cô. Em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt để khỏi phụ lòng yêu thương, chăm sóc của cô đối với em và xứng đáng là con ngoan trò giỏi.
Tả một ca sĩ đang biểu diễn
Dàn ý Tả một ca sĩ đang biểu diễn
I. Mở bài: Giới thiệu ca sĩ mà em luôn yêu thích.
II. Thân bài:
– Vài nét về người ca sĩ em thích.
– Tại sao em yêu thích người nghệ sĩ đó (tính cách, ngoại hình, buổi biểu diễn mà em xem hoặc đã từng đi xem).
– Nêu vài kỉ niệm với người ca sĩ em yêu thích ví dụ như các chương trình ca sĩ đó gắn bó.
- Kể lại một buổi biểu diễn của ca sĩ đó.
– Ca sĩ đó ảnh hưởng đến em như thế nào (ước mơ sau này có thể làm ca sĩ chẳng hạn, sự nỗ lực của ca sĩ đó thúc đẩy em trong học tập cần cố gắng hơn).
III. Kết bài: Hãy nêu tình cảm riêng của bản thân đối với người ca sĩ.
Tả một ca sĩ đang biểu diễn - tả ca sĩ Sơn Tùng MTP
“Em của ngày hôm qua”, “Chúng ta không thuộc về nhau”, “Lạc trôi”,… Đó là những cái tên quen thuộc với nền âm nhạc Việt Nam. Và chắc hẳn rất ít ai lại không biết đến chủ nhân của những ca khúc đó – ca sĩ Sơn Tùng MTP. Em rất thích bài hát “Nơi này có anh” của Sơn Tùng và vô cùng ấn tượng với màn trình diễn cuồng nhiệt của anh trong một chương trình truyền hình trực tiếp trên tivi.
Khi người dẫn chương trình giới thiệu tên ca khúc và ca sĩ biểu diễn, khán giả đã gọi vang tên Sơn Tùng. Nhạc bắt đầu cất lên những nốt rộn ràng. Khán đài đang tối sầm bỗng nhiên lóe sáng bởi muôn tia chiếu từ đèn. Ca sĩ Sơn Tùng đã đứng ngay chính giữa sân khấu, cúi đầu chào khán giả. Anh khoác trên người một bộ vest trắng, bảnh bao, lịch lãm. Mái tóc bạch kim cùng đôi giày thể thao trắng giúp Sơn Tùng giống hệt một bạch mã hoàng tử. “Em là ai từ đâu bước đến nơi đây dịu dàng chân phương…” – Anh bắt đầu cất những lời ca đầu tiên. Nhạc vẫn rộn vang theo từng lời hát. Gương mặt điển trai của ca sĩ biểu cảm theo từng câu hát. Đôi môi hồng hào mấp máy hát. Một tay anh cầm micro, một tay vẫy vẫy theo giai điệu. Một lúc sau, một vũ đoàn tiến nhanh ra sân khấu. Họ nhún nhảy những động tác mềm mại. Ca sĩ di chuyển nhanh vào hàng rồi nhảy theo họ. Đôi chân nhanh nhẹn bước từng bước nhịp nhàng. Những tia chiếu màu sắc càng làm cho sân khấu trình diễn trở nên lung linh, sôi động. Phía khán đài, khán giả ngả nghiêng theo điệu nhạc. Đặc biệt, khi anh đọc rap, khán giả vỗ tay theo từng nhịp. Anh còn tiến lại gần khán giả, đưa tay lướt nhanh một vòng quanh sân khấu. Bài hát kết thúc, trên gương mặt anh đã bóng loáng, nhễ nhại mồ hôi. Anh nói lời cảm ơn và cúi chào khán giả lần nữa rồi bước vào sau khán đài. Khán giả đều hào hứng với màn biểu diễn vừa rồi của Sơn Tùng.
Dù chỉ xem qua truyền hình, em vẫn cảm nhận được không khí sôi động, náo nhiệt, vui nhộn mà màn trình diễn bài hát “Nơi này có anh” của Sơn Tùng mang lại. Em thật sự rất thích tiết mục biểu diễn đó. Nhờ sự nhiệt huyết của mình, ca sĩ đã đem lại những bài hát thật hay với khán giả, những ca từ mà ai ai cũng biết tới.
Tả một ca sĩ đang biểu diễn - tả ca sĩ Mỹ Tâm
Chương trình sinh nhật VTV3 tròn 10 tuổi được tổ chức tại trường quay S9. Sân khấu được trang hoàng thật đẹp. Ánh sáng lung linh vừa làm cho khung cảnh vừa kì ảo vừa lộng lẫy. Chương trình sinh nhật VTV3 có rất nhiều ca sĩ biểu diễn, nhưng em thích nhất là chị Mỹ Tâm và bài hát chị thể hiện.
Sau lời giới thiệu của chú Lại Văn Sâm, chị Mỹ Tâm tươi tắn bước ra sân khấu trong những tràng pháo tay giòn giã. Năm nay chị khoảng 25 tuổi. Dáng người chị cao dong dỏng. Chiếc váy màu hồng ôm lấy thân hình thon thả của chị. Ánh đèn sân khấu làm cho chị thêm xinh đẹp. Đến giữa sân khấu, chị cuối chào khán giả. Một tràng pháo tay nữa lại vang lên. Chị Mỹ Tâm khẽ nhún nhảy, đầu lắc lư theo điệu nhạc. Chị đưa tay lên vuốt mái tóc màu hạt dẻ. Mỹ Tâm cất tiếng hát. Giọng hát của chị vút cao. Cả trường quay chìm trong im lặng. Ánh đèn sân khấu hắt lên làm khuôn mặt chị rạng ngời. Hai má ửng hồng, chị mỉm cười với khán giả. Có lúc chị đưa tay lên, nháy mắt một cái rất điệu. Trông chị như một chú chim họa mi đáng yêu. Rồi chị xoay một vòng, mái tóc tung bay: “Họa mi, họa mi hót giữa bầu trời xanh…”. Giọng hát của chị vút lên hòa cùng điệu nhạc sôi động. Tiếng đàn, tiếng hát vừa ngừng, cả trường quay như muốn nổ tung bởi tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả.
Nhạc vừa dứt, chị Mỹ Tâm cúi chào khán giả rồi đi vào. Hình ảnh chị Mỹ tâm với bài hát Họa mi tóc nâu đã làm em nhớ mãi. Em mong sao sẽ được xem chị Mỹ Tâm biểu diễn nhiều tiết mục hay hơn nữa.
Để xem chi tiết các Bài văn tả người lớp 5 hay khác, mời bạn vào tên bài văn.
Tả hình dáng và tính tình cô giáo đã dạy em những năm học trước
Tả hoạt động đang giảng bài của cô giáo (thầy giáo) trong một tiết học
Hãy tưởng tượng và tả lại một nhân vật trong truyện em đã đọc
Tả thầy cô đã từng dạy em và để lại cho em nhiều tình cảm tốt đẹp
Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc
Xem thêm những bài văn mẫu lớp 5 hay khác:
- 100+ bài văn tả người
- 100+ bài văn tả cảnh
- 100+ bài văn tả cây cối
- 100+ bài văn kể chuyện
- 100+ bài văn tả con vật
- 100+ bài văn tả đồ vật
Xem thêm các bài Để học tốt môn Tiếng Việt 5 hay khác:
- Soạn Tiếng Việt lớp 5
- Soạn Tiếng Việt lớp 5 VNEN
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 5
- Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 5
- Top 20 Đề thi Tiếng Việt lớp 5 có đáp án
- Giải Tiếng Anh lớp 5 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 5 Smart Start
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 5 Family and Friends
- Lớp 5 Kết nối tri thức
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 5 - KNTT
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Toán lớp 5 - KNTT
- Giải Vở bài tập Toán lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Đạo đức lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Khoa học lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử và Địa Lí lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Tin học lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật lớp 5 - KNTT
- Lớp 5 Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 5 - CTST
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 5 - CTST
- Giải sgk Toán lớp 5 - CTST
- Giải Vở bài tập Toán lớp 5 - CTST
- Giải sgk Đạo đức lớp 5 - CTST
- Giải sgk Khoa học lớp 5 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử và Địa Lí lớp 5 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm lớp 5 - CTST
- Giải sgk Tin học lớp 5 - CTST
- Giải sgk Công nghệ lớp 5 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc lớp 5 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật lớp 5 - CTST
- Lớp 5 Cánh diều
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 5 - Cánh diều
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 5 - Cánh diều
- Giải sgk Toán lớp 5 - Cánh diều
- Giải Vở bài tập Toán lớp 5 - Cánh diều
- Giải sgk Đạo đức lớp 5 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học lớp 5 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử và Địa Lí lớp 5 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm lớp 5 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học lớp 5 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ lớp 5 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc lớp 5 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật lớp 5 - Cánh diều