Top 50 Cảm nhận bài thơ Vội vàng (hay nhất)
Tổng hợp trên 50 bài văn Cảm nhận bài thơ Vội vàng hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Dàn ý Cảm nhận bài thơ Vội vàng
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 1
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 2
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 3
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 4
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 5
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 6
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 7
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 8
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 9
- Cảm nhận bài thơ Vội vàng (mẫu khác)
Đề bài: Cảm nhận bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu.
Bài giảng: Vội vàng - Cô Thúy Nhàn (Giáo viên VietJack)
Dàn ý Cảm nhận bài thơ Vội vàng
a) Mở bài:
- Giới thiệu đôi nét về tác giả Xuân Diệu và bài thơ Vội vàng.
b) Thân bài: Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu (hay, ngắn gọn)
* Tình yêu thiên nhiên tha thiết và niềm say mê của tác giả (11 câu đầu)
- Tác giả muốn ngự trị thiên nhiên, muốn tước đoạt quyền của tạo hóa để thiên nhiên và thời gian không thay đổi
- Niềm say mê, yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả
- Bức tranh thiên nhiên được hiện lên rất hữu tình, xinh đẹp và có đôi lứa
* Nỗi băn khoăn trước thời gian và cuộc đời (18 câu tiếp theo)
- Nhà thơ cảm nhận được thời gian trôi mau
- Nhịp thơ của tác giả cũng hối hả, những câu thơ đầy mỹ miều về thiên nhiên
- Xuân Diệu cảm nhận thiên nhiên một cách mất mát
- Lưu luyến tuổi trẻ, niềm say mê thiên nhiên đẹp đẽ
* Khát vọng sống, khát vọng cuồng nhiệt của tác giả (10 câu cuối):
- Giục giã thời gian để tận hưởng cuộc sống
- Mãnh liệt khát vọng yêu thương
- Tác giả cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan của mình
c) Kết bài:
- Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 1
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh viết: "Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này - Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sông cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình". Thơ Xuân Diệu bộc lộ hồn thơ trẻ trung, nồng nàn và tình yêu cuộc sống đến độ đam mê ấy thể hiện rất rõ trong bài thơ Vội vàng. Bài thơ cũng thể hiện quan niệm nhân sinh của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.
Về cấu tứ bài thơ: Bài thơ là một phép biện chứng tâm hồn: Xuân Diệu rất yêu cuộc sống nhất là tuổi trẻ nhưng nhà thơ cũng rất sợ mất nó, nghĩ đến điều đó không tránh khỏi tiếc nuối buồn bã, để không hoang phí cái đẹp một cách vô ích nên cuối cùng nhà thơ chạy đua với thời gian, vội vàng hưởng mọi vẻ đẹp mà đời đã ban cho. Đó là lý lẽ của thái độ sống "vội vàng" . Bài thơ thể hiện cái tôi trữ tình tràn đầy cảm xúc với những trạng thái phức tạp, yêu mãnh liệt nhưng sau đó lại dỗi hờn, buồn chán tuyệt vọng, rồi bừng dậy một tình yêu sôi nổi để tận hưởng hết vẻ đẹp của cuộc đời.
Bài thơ chủ yếu nói đến mối quan hệ giữa thời gian với cái đẹp của cuộc sống và đời người - nhất là tuổi trẻ. Vì thời gian mà dẫn đến một lối sống, thái độ sống.
Ý thức về sự chảy trôi của thời gian nên tác giả có khát vọng rất nghệ sĩ là muốn níu giữ thời gian
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió
Cho hương đừng bay đi.
Trong thơ Xuân Diệu, cơn gió và dòng nước trôi thường là biểu tượng của thời gian. Ở bài thơ này nắng và gió là hình ảnh cụ thể của thiên nhiên và là biểu tượng của thời gian. Hương và màu là hình ảnh cụ thể nhưng cũng là biểu tượng cho mùa xuân - cái đẹp.
Tác giả đã dùng những động từ mạnh: tắt (nắng), buộc (gió) để thể hiện ý muốn đoạt quyền của tạo hóa, muốn giữ lại màu và hương của mùa xuân. Muốn cưỡng lại quy luật của tự nhiên để giữ mãi cái đẹp của cuộc sống là một khát vọng rất nghệ sĩ - thể hiện tình yêu cuộc sống mãnh liệt, bất chấp mọi quy luật. Câu thơ ngắn, giọng thơ mạnh cũng góp phần thể hiện thái độ vội vã, tâm hồn trẻ trung, đầy sức sống của tác giả.
Tác giả muôn đoạt quyền tạo hóa để giữ lấy mãi mùa xuân vì mùa xuân đẹp quá
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Cách miêu tả mùa xuân của Xuân Diệu rất mới. Câu thơ thứ nhất và thứ tư có cú pháp mới, đảo trật tự thành phần câu nhằm tô đậm hương vị, âm thanh để thấy được trong mùa xuân: thời gian là mật ngọt, không gian là âm nhạc. Tác giả không chỉ chú ý đến cảnh sắc, âm thanh mà tập trung diễn tả mức độ, mật độ dày và đậm của hình ảnh, chi tiết. Nhà thơ còn cảm nhận bằng nhiều giác quan: tuần tháng mật, xanh rì, cành tơ, khúc tình si… để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp mùa xuân vừa tươi tốt, nồng nàn, tràn trề sinh lực vừa duyên dáng, hân hoan. Vẻ đẹp của mùa xuân còn được cảm nhận qua cảm giác thích thú:
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
Ánh nắng xuân tươi đã làm vui con mắt, làm thích cái nhìn. Lối so sánh mới lạ, táo bạo: tia nắng bình minh được xem như hàng mi mắt của người thiếu nữ, bình minh vừa thức dậy và vài cái chớp mắt là ánh sáng tinh khôi tràn về muôn nơi và đến gõ cửa mọi nhà! Ở bài thơ khác nhà thơ so sánh ngược lại:
Tà áo mới cũng say múi gió nước
Rặng mi dài xao động ánh dương vui.
(Xuân đầu)
Và chỉ đến Xuân Diệu, mùa xuân mới được cảm nhận tinh tế ở góc độ ánh sáng tươi vui.
Nói tóm lại, mùa xuân có vẻ đẹp hồng hào, tươi tắn, nồng nàn như đôi môi quyến rũ của người con gái mà tác giả khao khát muốn tận hưởng. Khác với thi pháp cổ điển và đưa ra quan điểm thẩm mĩ mới, Xuân Diệu cho rằng cái đẹp của con người mới tuyệt vời, chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp của tạo hóa.
Thủ pháp nghệ thuật nổi bật trong đoạn thơ là điệp ngữ: này đây dồn dập, nó liệt kê hàng loạt vẻ đẹp của mùa xuân và nói lên sự phong phú như bất tận của mùa xuân, thiên nhiên như dọn cỗ bàn đầy ắp với những thức ngon sẵn có cho con người. Tác giả đã nhận và muốn tận hưởng hết vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban cho, không nên để nó quá rồi lại nuối tiếc:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Đây chính là tư tưởng cốt yếu của bài thơ: tranh thủ thời gian, tận hưởng hết vẻ đẹp cuộc sống nên dẫn đến thái độ sống vội vàng. Nhạc điệu chung của đoạn thơ là sôi nổi, si mê.
Tác giả đã cảm thức được bước đi quyết liệt của thời gian
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Cách cảm nhận thời giạn tịnh tiến, thơ ca xưa nay đã nói nhiều: " Đông qua xuân đã tới liền / Hè về rực rỡ, êm đềm thu sang", nhưng (với tiết tấu thơ nhanh) chỉ có Xuân Diệu mới thấy được trong cái đẹp đã chớm vị tàn phài, cùng một lúc nhà thơ vừa được trong cái đẹp đã chớm vị tàn phai, cùng một lúc nhà thơ vừa thấy xuân đến mà cũng thấy xuân đi. Điệp ngữ nghĩa là như nhấn mạnh, rồi day đi day lại cái quy luật phũ phàng: Thời gian trôi đi quá nhanh, cái đẹp rồi sẽ không còn nữa, tuổi trẻ sẽ đi qua. Tác giả tiếc cho cái đẹp - cái hữu hạn của đời người nên giọng thơ trở nên hờn dỗi:
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
... Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Nỗi niềm luyến tiếc mùa xuân - tuổi trẻ, là tiếc sự sống. Đó là biểu hiện của lòng yêu đời ham sống, ý thức giá trị của sự sống. Tiếc mùa xuân ngay giữa mùa xuân, tiếc tuổi trẻ đang khi còn trẻ tuổi là sự trỗi dậy của ý thức về cái đẹp vô giá của cuộc sống nên cần phải tranh thủ thời gian, sống như thế nào cho có ý nghĩa, xứng đáng với đời người. Đó là một quan niệm nhân sinh. Thời gian vô tri, lạnh lùng đã âm thầm tàn phá không thương tiếc cái đẹp. Khi cái đẹp tàn phải thì tự nhiên đối kháng với con người: lòng tôi rộng nhưng trời chật, còn trời đất nhưng chẳng còn tôi và thiên nhiên cũng mất đi cái vui tự nhiên của nó:
Mùi tháng năm điều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Mùa xuân, tuổi trẻ đều chảy trôi theo thời gian, theo nhịp tuần hoàn của vũ trụ. Tác giả bất lực trước sự ra đi của cái đẹp, mùa xuân và thấy đời người hữu hạn nên câu thơ chùng xuống buồn não nuột:
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa.
Thế nhưng tác giả không buông xuôi theo sự sắp đặt của tạo hóa mà vùng lên tranh thủ chạy đua với thời gian, dẫn đến thái độ sống đặc biệt:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Cụm từ: Ta muốn ôm đứng riêng thành dòng thơ như để nhấn mạnh, khẳng định niềm khát khao mãnh liệt, vừa dựng lên hình ảnh một con người đang dang rộng đôi tay muốn ôm trọn mọi vẻ đẹp vào lòng để tận hưởng no nê. Nhờ tình yêu cuộc sống cuồng nhiệt, tác giả đã tranh thủ lấy được vẻ đẹp của mùa xuân khi thời gian chưa tàn phá. Cái đẹp vẫn còn sự tươi mới nồng nàn đầy sinh khí: sự sống... mơn mởn... Giọng thơ gấp gáp, sôi nổi, kết hợp với điệp ngữ Ta muốn diễn tả niềm khao khát ráo riết, cuống quýt, vội vàng, muốn được sống no nê, đủ đầy. Những động từ mạnh: ôm, riết, thâu, cắn diễn tả hoạt động nhanh, mạnh, thiên về cảm giác. Tác giả như muốn vồ vập, ngấu nghiến để tận hưởng no nê vẻ đẹp của cuộc sống, thể hiện tình yêu cuộc sống cuồng nhiệt tột cùng. Tác giả đã mở rộng mọi giác quan để tận hưởng và sống hết mình cho mùa xuân, tuổi trẻ:
Sống toàn tim toàn trí, sống toàn hồn
Sống toàn thân và thức mọi giác quan.
Bài thơ Vội vàng thể hiện ý thức về giá trị của cuộc sống. Nhất là mùa xuân — tuổi trẻ. Từ dó tác giả bộc lộ tình yêu đắm đuối, cuồng nhiệt, say mê cuộc sống và tuổi trẻ - một cái đẹp có thực nơi trần thế, không phải nơi hoang tưởng xa lạ nào trong các thuyết giáo. Bài thơ đem đến một nhân sinh quan tích cực phải biết sống đủ dầy, sống có ý nghĩa, biết tận hưởng những vẻ đẹp mà cuộc sống ban tặng, đừng để cuộc dời, nhất là tuổi trẻ trôi qua một cách hoang phí vô ích.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 2
Vội vàng là một thi phẩm xuất sắc tiêu biểu cho thơ của Xuân Diệu, tác phẩm thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc trong tình yêu, đồng thời bộc lộ những khát khao nồng nàn, mãnh liệt của tác giả. Qua đó, nhà thơ gửi gắm đến người đọc, người nghe những triết lý nhân sinh sâu sắc bằng một giọng thơ đầy phóng khoáng, tự do.
Khi nhận định về phong trào thơ mới, nhà phê bình Hoài Thanh đã có một nhận xét rất ưu ái khi cho rằng: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Thơ của Xuân Diệu có một sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố cổ điển và hiện đại trong tư tưởng và tình cảm thẩm mỹ, vừa mang một phong cách rất Tây rất nồng nàn, gợi mở nhưng sâu kín lại là tâm hồn dân tộc sâu sắc. Trong Vội vàng ta lại càng cảm nhận rõ điều đó.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Phép điệp cấu trúc ngay trong bốn dòng thơ đầu, kết hợp với điệp ngữ “Tôi muốn” và điệp từ “cho” đã nhấn mạnh khao khát của nhà thơ, cái khao khát giao hòa với thiên nhiên, bám riết lấy cuộc đời, để tận hưởng, lưu giữ lấy cái hương sắc cuộc đời tuyệt mỹ nhất thế gian, của màu nắng của hương gió, như Hàn Mặc Tử muốn đợi trăng, trăng về. Khao khát ấy có vẻ ngông cuồng, nhưng lại chính là đặc trưng của nền văn học lãng mạn, phát huy cao độ trí tưởng tượng để diễn tả những khát vọng, ước mơ. Quả thật, nắm bắt những khoảnh khắc tuyệt diệu của thiên nhiên, ôm vào lòng mà thưởng thức luôn là khao khát muôn đời của thi nhân, thật đẹp, thật đáng trân trọng biết bao. Nếu không yêu cuộc đời, không yêu mùa xuân và tuổi trẻ thì chẳng bao giờ nhà thơ có được những khao khát đẹp và những vần thơ ý vị sâu sắc đến vậy. Thể thơ ngũ ngôn, nhịp điệu vừa nhẹ nhàng lại nồng nàn, sâu sắc đã thể hiện được cái ước muốn mãnh liệt của nhà thơ, đó là một tâm hồn nồng nàn, sôi nổi, đắm say, yêu cuộc sống tha thiết.
Cảm xúc dâng trào của tác giả từ niềm ước muốn mãnh liệt, níu giữ màu nắng, hương gió, chuyển sang một bức tranh thiên nhiên, rực rỡ, sôi động, không kém phần lãng mạn, tươi trẻ.
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa”.
Ta thấy một hồn thơ Xuân Diệu đong đầy tình yêu với thiên nhiên, với cuộc sống, trong ánh mắt ấy, cuộc sống thật ngọt ngào với “tuần đầy tháng mật”, thấy hoa cỏ mơn mởn trong “đồng nội xanh rì”, thấy chồi non của “cành tơ phơ phất”, hòa vào bức tranh sinh động đó là giọng hót đầy si mê của nhà yến anh. Cuộc sống trong tầm mắt nhà thơ luôn tràn đầy niềm vui, khi “Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa”. Giọng thơ thật mượt mà, xuân sắc, bộc lộ cái hứng thú, nỗi niềm hân hoan trước một màu xuân trong trẻo, rộn ràng.
Đang thả hồn phơi phới, bay bổng cùng khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, bỗng tác giả như giật mình, giọng thơ trở nên nhanh và vội vã, như e sợ vụt mất điều gì đó quan trọng lắm.
“Xuân đang đến nghĩa là xuân sẽ qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
À thì ra, tác giả ngộ ra rằng, vạn vật đều có hữu hạn, xuân đến rồi xuân cũng đi, có “non” thì cũng phải có “già”, đời người cũng thế, chẳng thoát nổi bàn tay của tạo hóa “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. Xuân Diệu có ý thức rất sâu sắc về thời gian của tuổi trẻ, từng vần thơ đều lộ nỗi lo lắng, bất an của nhà thơ, ông lo mùa xuân sẽ hết mất, tuổi trẻ cũng mau qua. Trong khi đó ông vẫn chưa kịp tận hưởng trọn vẹn cuộc sống, trọn vẹn mùa xuân.
“Lòng tôi rộng mà lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian”
Tác giả bắt đầu có chút oán than, trách ông trời, lòng yêu cuộc sống, niềm khao khát yêu thương của tuổi trẻ đang còn mãnh liệt, nồng nàn ấy thế mà ông trời lại keo kiệt, chẳng “cho dài tuổi trẻ của nhân gian”. “Dài” là bao lâu? Thiết nghĩ rằng, với cái lòng “tham” tận hưởng và nỗi luyến tiếc sâu sắc của Xuân Diệu, thì cái “dài” ở đây dễ là vô hạn lắm. Để thấy được rằng, cái sự tiếc nuối tuổi trẻ, mùa xuân đã hiện hữu trong tâm hồn tác giả từ rất sớm, từ khi xuân chưa qua, đời còn trẻ, thật sâu sắc. Người đọc cũng dần nhận ra cái triết lý sâu sắc về thời gian mà Xuân Diệu đã gửi gắm vào từng câu thơ trong Vội vàng.
Nếu ai có bảo “xuân vẫn tuần hoàn”, thì Xuân Diệu sẽ đáp lại ngay “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Đúng vậy, xuân đi rồi xuân lại về, nhưng liệu cuộc đời có ai mà hai lần tuổi trẻ không? Nên điều mà Xuân Diệu băn khoăn và mãi tiếc nuối chính là thanh xuân của một đời người vốn hữu hạn, chẳng đủ cho ông yêu, ông tận hưởng hết niềm vui thú nhân gian, chẳng đủ để ông sống và yêu trong say đắm ngọt ngào. Chết là về với cát bụi “Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi”, Xuân Diệu sống trong “bâng khuâng, tôi tiếc cả đất trời”, cái niềm tiếc nuối của nhà thơ là vô tận, ông tiếc hết tất thảy, cả trời đất cũng đưa vào cái tâm hồn tiếc nuối rộng lớn của ông. Triết lý thời gian sâu sắc hiện hữu trong từng vần thơ, thông qua cơn gió với “nỗi hờn phải bay đi”, tiếng chim “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Xuân Diệu đang chứng minh rằng chẳng phải riêng ông mà cả đất trời đều sợ thời gian trôi qua mau, xuân chóng tàn.
Trong bài thơ có đoạn “Chẳng bao giờ! Ôi! Chẳng bao giờ nữa…/Mau đi thôi!Mùa chưa ngả chiều hôm,”. Vực dậy trong nỗi niềm tiếc nuối, Xuân Diệu dường như lập tức xốc lại tinh thần, tác giả nhận ra rằng không thể mãi sống như vậy được, nếu tuổi trẻ đã “chẳng hai lần thắm lại”, vậy thì cớ gì ta không yêu, không tận hưởng cuộc sống vốn đang còn tươi đẹp, trước khi ta già cỗi, mắt mờ, tai yếu?
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”.
Giọng thơ của tác giả mang lại cảm giác vồ vập, gấp gáp, sợ rằng tuổi trẻ, mùa xuân sẽ vụt mất. Cảm tưởng như Xuân Diệu muốn ôm hết tất cả vào lòng mà tận hưởng cho thỏa. Ông say “chếch choáng” trong mùi thơm hoa cỏ, đong đầy tâm hồn bằng “ánh sáng” của mặt trời mùa xuân, hưởng thụ “cho no nê thanh sắc của thời tươi”. Đỉnh điểm của khát khao cháy bỏng ấy là ước muốn “cắn” vào “xuân hồng”, hoang dại và đầy quyến rũ. Ước muốn không đơn thuần là được tận hưởng, mà chuyển sang mong muốn chiếm giữ, biến mùa xuân thành của riêng mình, để từ từ thưởng thức cho trọn vẹn.
Với giọng thơ táo bạo, đầy đắm say, lãng mạn,Vội vàng là thông điệp đầy giục giã, thôi thúc mà Xuân Diệu muốn gửi cho những người đang sống, bất luận trẻ hay già, nam hay nữ. Chúng ta chỉ được sinh ra và sống một lần duy nhất, đừng lãng phí thời gian và tuổi trẻ vào những điểu vô ích, đừng chỉ lo quanh quẩn với một cuộc sống tẻ nhạt. Hãy tích cực mở rộng tấm lòng để sống, cho và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất. Bài thơ là sự kết hợp đặc sắc, đầy hấp dẫn giữa mạch cảm xúc dâng trào, lý luận sáng tạo, ngôn từ và hình ảnh đa dạng phong phú, tất cả đã tạo nên một Vội vàng thật đẹp, thật tươi trẻ, đầy say mê.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 3
Xuân Diệu là nhà thơ lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Ông để lại hàng chục tập thơ với trên dưới 1000 bài thơ thấm thía tình yêu cuộc sống nồng nàn. Một trong số những bài thơ tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu là bài Vội vàng in trong tập Thơ thơ-tập thơ được sáng tác trong những năm mười tám đôi mươi của của nhà thơ. Vội vàng là bài thơ thể hiện tình yêu nồng nàn của Xuân Diệu đối với cuộc sống tươi đẹp mà nhà thơ tự thấy phải gấp gáp nhận lấy.
Bài thơ Vội vàng được mở đầu bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn, mạnh mẽ như lời tuyên bố về khát vọng của mình:
Tôi muốn tắt nắng đi,
Cho màu đừng nhạt mất.
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.
Tắt nắng, buộc gió là những điều con người không thể làm được, đó là những khát khao phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí với trái tim của nhà thơ, bởi đó là trái tim đầy khao khát mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ “sống”, muốn giữ mãi cho mình những hương, những sắc của của cuộc đời. Mà cuộc đời trong cảm nhận của nhà thơ lại đẹp đẽ biết chừng nào, quý giá biết bao nhiêu. Nhà thơ thấy rằng trong cuộc sống, mọi thứ đều kì diệu, mỗi sự vật dù nhỏ bé đến đâu cũng đều dâng hiến cho đời những vẻ đẹp tinh tuý nhất của mình:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất,
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Bướm ong thì có tuần tháng mật đầy ngọt ngào, cuốn hút, đồng nội thì có vẻ đẹp của màu xanh mơn mởn và muôn hoa rực rỡ , cành tơ non thì có muôn lá rung rinh, ánh sáng bình minh như cái chớp mi của người đẹp…Những câu thơ có nhịp điệu thật nhanh, thật gấp gáp, sử dụng phép liệt kê, điệp ngữ, rất nhiều tính từ, cách liên tưởng táo bạo, đa tình. Cuộc sống trần gian hiện lên qua đó thật sống động, tươi tốt, đáng yêu, đáng sống, tràn ngập âm thanh, màu sắc tươi sáng, khai mở ra một thiên dường tồn tại chính trên cõi trần này.
Với Xuân Diệu, cuộc đời lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, mỗi ngày mới đến là niềm vui cũng gõ cửa ùa vào theo:
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Niềm vui như một vị thần độ lượng, ban phát hạnh phúc cho từng người. Phải nói rằng trong thơ Việt Nam, chưa ai có cách cảm nhận cuộc sống, mùa xuân như cách cảm nhận của Xuân Diệu:
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
Xuân Diệu chẳng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp khi so sánh với con người như thơ cổ mà lại lấy con người làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu Nguyễn Du so vẻ đẹp của Thuý Vân-Thuý Kiều “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” thì Xuân Diệu lại liên tưởng “ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Một cách so sánh rất riêng, rất táo bào, đầy tình yêu đời nồng nhiệt rất Xuân Diệu. Ông thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động của nó giống như cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang kề gần. Cách so sánh này chứa đựng bao rung động tận đáy lòng, vừa có sự khao khát, thèm muốn, háo hức rất thiêng liêng mà cũng rất trần tục. Nhà thơ yêu cuộc sống đến si mê, cháy bỏng!
Có một cuộc sống đẹp như thế để sống, có bao hương sắc tuyệt diệu như thế để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao. Nhưng, tựa như một cung nhạc đang vút cao, đến đây bỗng chùng xuống:
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.
Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui sướng không được trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Xưa nay, người ta chỉ tiếc những kỉ niệm khi nó đã trở thành quá khứ, tiếc xuân khi nó đã không còn. Ở đây, Xuân Diệu với sự nhạy cảm lạ lùng của nhà thơ yêu cuộc sống đến đắm say, ông tiếc mùa xuân ngày khi mùa xuân vẫn còn đang phơi phới. Vì nhà thơ biết rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh, mà với những gì quý giá, với những vẻ đẹp, thời gian còn tàn nhẫn trôi nhanh hơn gấp bội, nhanh đến khủng khiếp, phũ phàng. Cái non trẻ, thắm tươi rồi sẽ chẳng mấy mà già nua, héo úa. Điều ấy lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đến Xuân Diệu:
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Câu thơ đầy cảm giác buồn bã. Nhà thơ phát hiện ra một điều bi thảm cho mình: mùa xuân trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Mà khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Bởi quý giá nhất của cuộc đời, đất trời là mùa xuân, quý giá nhất của con người là tuổi trẻ.
Con người khao khát vẻ đẹp tồn tại vĩnh cửu, nhưng cuộc đời lại có những quy luật vô cùng chặt chẽ và nghiệt ngã:
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Thời gian thì vô hồi vô hạn, nhưng đời người thì hữu hạn. Con người trong cái hữu hạn ấy trở nên thật nhỏ bé, tội nghiệp và mong manh. Bao người lí luận rằng xuân đi xuân đến, nhưng với Xuân Diệu, ông chẳng thể tự an ủi mình mà trái lại, càng xót xa hơn:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
Mùa xuân của đất trời đẹp lắm, quý giá lắm, nhưng mùa xuân chỉ quý giá, chỉ đẹp khi con người biết hưởng, được hưởng vẻ đẹp của nó. Khi con người chẳng còn trẻ mà tận hưởng mùa xuân thì xuân cũng mất hết ý nghĩa. Những câu thơ của Xuân Diệu vì thế mà chuyển sang giọng điệu buồn bã:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa
Tất cả đều buồn bã, đều mất hết ý vị, chỉ còn “rớm vị chia phôi”, chỉ biết “than thầm tiễn biệt”, chỉ còn “hờn dỗi phải bay đi”, chỉ “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trong thơ Việt Nam, ít ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống thiết tha dường ấy. Cũng vẫn gió lá hoa như đoạn đầu nhưng đoạn trên rạo rực náo nức, đoạn này lại buồn thương ngậm ngùi, xót xa biết bao nhiêu. Nhà thơ kêu lên một cách tuyệt vọng:
Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!
Nỗi đau đớn của Xuân Diệu phải sâu sắc lắm, cắt cứa lắm, thấm thía lắm thì mới bộc phát thành tiếng than kêu thống thiết dường ấy. Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi. Con người chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ ưúy giá của đời sống, của tuổi trẻ, mùa xuân. Xuân Diệu giục giã:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đàu mơn mởn,
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.
Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Những tiếng “ta muốn” láy đi láy lại mãi như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu. Một loạt điệp từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của khao khát: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu – muốn cắn thể hiện tam trạng si mê đến cuồng nhiệt. Trong một câu thơ mà có đến ba hư từ “và” chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc dang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tận cùng của niềm hạnh phúc được sống.
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc. Tận hưởng cuộc đời chính là có dược cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi
Câu thơ là đỉnh cao của những khao khát sống, của tình yêu sống rạo rực trong con tim nồng cháy của Xuân Diệu.
Bài thơ Vội vàng thể hiện tam trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt. Bài thơ còn thể hiện một quan niệm sống sống gấp gáp vội vàng tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời. Bài thơ là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ trung tươi mới của “nhà thơ của tình yêu”, bài thơ rất tự do, hình ảnh giàu sức gợi, giàu nhạc điệu và cách liên tưởng rất hiện đại. Tâm trạng yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt trong tác phẩm khẳng định tư tưởng nhân văn của nhà thơ. Cho đến nay, nội dung thúc giục mọi người sống có nghĩa trong cuộc sống thực tại của bài thơ vẫn còn bao ý nghĩa với thế hệ trẻ.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 4
Thời đại thơ Mới là một nhánh rẽ đầy ngoạn mục, táo bạo của nền thơ ca Việt Nam. Khi ấy, thơ văn khoác lên cho mình một chiếc áo được cách tân đầy mới mẻ, là mảnh đất vô cùng màu mỡ đã vun trồng biết bao hồn thơ độc đáo như: Tản Đà, Thế Lữ, Hàn Mạc Tử hay Xuân Diệu. Nếu Tản Đà được biết đến là người “đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc dạo chơi tân kì đương sắp sửa” thì Xuân Diệu lại là người đã đưa những khúc nhạc ấy đến một vị trí xứng tầm trong lòng độc giả. Bài thơ “Vội vàng” – một thi phẩm tiêu biểu cho một phong cách thơ được cách tân rất mới mẻ về cả nội dung và hình thức của Xuân Diệu, bài thơ thể hiện quan niệm sống, niềm ham sống, khao khát sống và tận hưởng đến vô biên của thi nhân:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợp tắt
Còn hơn buồn lẻ loi suốt trăm năm”
Mở đầu bài thơ là bốn câu thơ có lẽ mang nét độc đáo nhất trong bài, thể hiện mãnh liệt và táo bạo của thi nhân:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Chỉ riêng bốn câu thơ ấy mang thể ngũ ngôn, đây là thể thơ phù hợp cho việc diễn tả cảm xúc đặc biệt của Xuân Diệu. Câu thơ ngắn kết hợp với nhịp điệu gấp gáp, dồn dập tựa như những cơn sóng đang trào dâng dữ dội trong lòng nhà thơ. Điệp ngữ “Tôi muốn” được nhắc lại hai lần, đều đứng ở đầu câu qua đó thể hiện khát vọng cháy bỏng của thi sĩ cùng với sự chủ động, kiêu hãnh về khát vọng của mình. Sau điệp từ là những động từ có tính mệnh lệnh cùng những hình ảnh thuộc về tự nhiên và biểu tượng cho cái đẹp: “tắt nắng”, “buộc gió”. Ta đều biết rằng nắng và gió luôn tuân theo quy luật của tự nhiên khiến con người không thế chế ngữ được. Vậy mà ở đây, Xuân Diệu có khát vọng hướng tới cái không thể, khát vọng chiếm đoạt quyền của tạo hóa để níu giữ vẻ đẹp đất trời. Ông sợ gió cuốn đi hương thơm ngào ngạt, sợ nắng làm nhạt mất màu xuân sắc. Ước muốn níu giữ thời gian, chặn vòng quy luật của vũ trụ, đảo ngược quy luật thiên nhiên là một điều phi lý bởi ngay nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn luôn tin vào quy luật của tạo hóa:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Nhưng đối với Xuân Diệu, ông muốn chiếm đoạt quyền năng của tạo hóa để giữ cho vẻ đẹp trần gian mãi mãi mang sắc xuân. Dù có là ước muốn viển vông và phi lí đi chăng nữa thì nó vẫn có cái đáng yêu của một tâm hồn lãng mạn, luôn thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống. Dường như với ông, cuộc sống là cả một hạnh phúc lớn lao, kì diệu, sống là để tận hưởng và tận hiến.
Với tâm hồn cao cả của một thi sĩ, Xuân Diệu đã khám phá ra vẻ đẹp phơi phới đầy tình tứ ở những cảnh vật thiên nhiên nhiên quen thuộc quanh ta:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa quả của động nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Nhà thơ Thế Lữ đã từng nói: “Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chất đầy trong tim mấy trời thanh sắc” cũng bởi vậy mà ông đã cảm nhận về mùa xuân bằng tất cả sự tinh tế nhất của tâm hồn. Thiên đường trên mặt đất vừa như một mảnh vườn tình ái vạn vật đang lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với thực đơn quyến rũ. Nếu như những nhà thơ lãng mạn chỉ muốn sống một cuộc sống nơi thoát khỏi nơi trần thế, trốn khỏi cõi hư vô hão huyền, bồng lai tiên cảnh như Chế Lan Viên hay Thế Lữ từng viết:
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!”
(Những sợi tơ lòng – Chế Lan Viên)
“Trời cao xanh ngắt. Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai”
(Tiếng sáo Thiên Thai – Thế Lữ)
thì Xuân Diệu đã “Đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới”. Lầu thơ của ông được xây dựng trên mặt đất bằng một tấm lòng trần gian. Bức tranh hội tụ đầy đủ hương thơm, ánh sáng, màu sắc, âm thanh. Cảnh vật hiện lên đều có đôi, có cặp: “ong bướm” – “tuần trăng mật”, “hoa” – “đồng nội xanh rì”, “lá”– “cành tơ phơ phất”, “yến anh” – “khúc tình si”. Xuân Diệu đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên với những vẻ đẹp rất cụ thể, chúng được liệt kê bằng hàng loạt tình tứ đậm nhạt khác nhau cùng cách ngắt nhịp đầy linh hoạt, biến hóa. Nếu các thi nhân xưa thường chỉ sử dụng thị giác để cảm nhận vẻ đẹp của ngoại giới thì các nhà thơ mới trong đó có Xuân Diệu lại huy động tất cả những giác quan để cảm nhận cảnh vật đất trời lúc sang xuân. Có lẽ do ảnh hưởng từ thơ ca Phương Tây, Xuân Diệu đã sáng tạo ra những hình ảnh mới lạ in đậm phong cách nhà thơ. Trong cảnh ấy có hình ảnh “tuần tháng mật” của loài ong bướm, chúng say mê trong mùa hoa tựa như con người đang chìm đắm trong niềm hạnh phúc ban đầu. Ở đấy có hình ảnh “hoa của đồng nội”, “lá của cành tơ” gợi sức sống mới trẻ trung, phơi phới, hứa hẹn một mùa trái chín. Nếu như thi ca Trung Đại xưa luôn lấy thiên nhiên làm tiêu chuẩn cho vẻ đẹp con người thì nay lầu son gác tía của thi pháp Trung Đại đã bị phá vỡ, chao đảo nói như nhà thơ Lưu Trọng Lư: “Các cụ ta ưa cái màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt…cái cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao nao vì tiếng gà đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta tì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh mướt. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi… cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…” Và Xuân Diệu là một trong những nhà thơ đã phá vỡ tính quy phạm ấy qua hình ảnh “ánh sáng chớp hàng mi”. Những tia nắng xuân bừng sáng tựa như cặp mắt của thiếu nữ đang chớp dưới hàng mi dày thật quyến rũ. Chính ánh sáng ấy đã tưới lên cảnh vật nguồn nhựa sống mang đến cho bức tranh thiên nhiên năng lượng tràn trề, thế mới hiểu những khao khát của Xuân Diệu hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt, qua điệp từ “này đây” được nhắc lại đến 5 lần khiến những câu thơ giống như một chuỗi tiếng reo vui của tác giả khi phát hiện ra thiên đường trên mặt đất. Giống như Pautopxki từng nói: “Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp”, Xuân Diệu cũng vậy, với sự say mê và thích thú, ông đã biến thành một hướng dẫn viên du lịch đắm chìm trong những lời giới thiệu để chào mời mọi người đến tận hưởng nơi đây. Bằng giọng thơ mượt mà, êm dịu như một cánh hồng nhung, thiên đường trên mặt đất của Xuân Diệu không phải là thế giới xa xăm, lạ lẫm mà là những điều thân quen ở quanh ta khi mùa xuân đến. Vẻ đẹp ấy được nhìn qua cặp mắt “non xanh, biếc rờn” và được sàng lọc qua tình yêu của người nghệ sĩ mang tình yêu thiên nhiên, cuộc sống đến cháy bỏng. Được xem là: “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh) nên Xuân Diệu đã kết lại bức tranh mùa xuân bằng hai câu thơ đầy gợi cảm:
“Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Thiên đường trên mặt đất thắm sắc, ngát hương và tràn đầy ánh sáng nay được Xuân Diệu khép lại bằng lối văn vô cùng độc đáo và gợi cảm. Tháng giêng thanh tân, diễm lệ, tràn đầy ánh sáng, màu sắc, hương thơm đã trở thành “cặp môi gần” của người tình. Chỉ với một chữ “ngon” chuyển đổi cảm giác cho ta thấy tình yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng si của thi sĩ. Ông bị ảnh hưởng rất rõ rệt trường phái thơ tượng trưng Pháp, trong một bài thơ khác ông cũng đã vẫn dụng sự tương giao của các giác quan:
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”
Tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện rất rõ qua hai câu thơ:
“Tôi sung sướng. Nhưng tôi vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Dấu chấm giữa câu thơ “Tôi sung sướng. Nhưng tôi vội vàng một nửa” như ngắt làm đôi và cũng như phân tách nhà thơ thành hai nửa: nửa sung sướng và nửa vội vàng. Tâm trạng sung sướng là niềm hạnh phúc, lạc quan, tươi vui đón nhận cuộc sống bằng tình cảm trìu mến, thiết tha, gắn bó. Còn vội vàng là tâm trạng tiếc nuối, buồn đau bởi nhà thơ sợ tuổi trẻ qua đi. Xuân Diệu luôn là con người như thế đấy! Trong lúc vui ngất ngây thì tình yêu thi sĩ đã phải thổn thức bởi những điều tiếc nuối. Cũng bởi vì vậy, mặc dù đang sống trong mùa xuân nhưng thi nhân đã cảm thấy tiếc nuối mùa xuân: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Đây là tâm trạng hoài cổ mà ta thường bắt gặp trong thơ của các thi nhân xưa. Nhưng ở đây, sự hoài cổ của Xuân Diệu thật lạ và ám ảnh, nhà thơ không chỉ tiếc nuối những cái dĩ vãng đã qua mà còn tiếc nuối ngay cả những cái đang hiện hữu. Mùa xuân chưa qua mà Xuân Diệu đã cảm thấy tiếc nhớ, đây quả là một trái tim quá nhạy cảm với những chuyển biến của thời gian cũng là một tâm hồm đa sầu, đa cảm. Bằng ngôn ngữ rất đỗi Phương Tây nhưng cũng chẳng kém phần gần gũi, thân thuộc, Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc một giọng thơ lạ, một cách cảm nhận về mùa xuân thật nồng nàn, tha thiết.
Không chỉ dừng lại ở việc thể hiện tình yêu tha thiết của mình đối với cuộc sống nơi thiên đường hạ giới mà thi nhân còn thể hiện nỗi băn khoăn về sự ngắn ngủi của kiếp người và sự qua nhanh của thời gian qua 17 câu tiếp theo. Trước tiên đó là quan niệm hết sức độc đáo:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
Từ trước đến nay thời gian luôn vận động theo đúng quy luật của tạo hóa và cũng có nhiều cách quan niệm về nó như: “thời gian thấm thoát thoi đưa”’ “thời gian như bóng câu vút qua cửa sổ”, “thời gian như nước chảy qua cầu”’… ngay cả Xuân Diệu cũng vậy, ông đã sử dụng nghệ thuật điệp từ, từ nhiều nghĩa và từ mang sắc thái tương phản để diễn tả sự trôi qua của thời gian, sự tàn phai của tạo vật. Người ta mừng vì mùa xuân tới thì Xuân Diệu trong niềm vui chào đón mùa xuân thoáng qua có một chút xót xa vì nó tới cũng là lúc tuổi xuân dần trôi qua mau. Xuân Diệu đã đối lập mùa xuân của đất trời với tuổi xuân của con người. Nếu như mùa xuân của đất trời qua đi rồi lại trở về theo đúng vòng tuần hoàn của nó. Còn tuổi xuân của con người thì một đi không trở lại. Ngỡ như Xuân Diệu đưa ra điều phi lí nhưng thực ra hoàn toàn biện chứng và trong cái biện chứng ấy lại chứa đầy cảm xúc. Xuân Diệu từng viết: “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt” để rồi đến bài thơ “Vội vàng” thì triết lí nhân sinh gắn liền với cảm thức về thời gian một lần nữa được nhấn mạnh.
Chính vì cảm nhận được tuổi xuân của con người một đi không trở lại nên thi nhân thấy tiếc nuối, buồn đau:
“Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian”
Vẫn là những từ ngữ mang màu sắc tương phản, Xuân Diệu đã đi từ mùa xuân của thiên nhiên để mở ra mùa xuân của con người. Với giọng điệu như hờn giận, u hoài, Xuân Diệu đã đối lập cái vô hạn của đất trời với cái hữu hạn của đời người. Đất trời thì còn mãi nhưng tuổi xuân con người thì không, dường như thiên nhiên đã trở thành lực lượng đối kháng với con người.
Và rồi Xuân Diệu còn say sưa tranh luận với quan niệm cũ về thời gian:
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Xuân Diệu đã tạo nên thế đối lập giữa cá nhân nhỏ bé với sức mạnh vô thường của tạo hóa, thi nhân như nhận ra sự bất lực của mình khi muốn chiến thắng thời gian. Bởi vì dẫu vũ trụ là vĩnh viễn, dẫu thời gian có thể tuần hoàn nhưng tuổi trẻ của con người “chẳng hai lần thắm lại”. Nhận ra cái yếu hạn trong sức mạnh của con người, Xuân Diệu như thở dài ở những câu thơ chất chứa nỗi buồn về sự bất lực trước quy luật tự nhiên, ý thức được điều đó, nhà thơ lại càng trân trọng tuổi xuân hơn và đây cũng là tiếng nói tiêu biểu của một tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống.
Nguyễn Du từng viết:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Xuân Diệu ý thức được đời người quá ngắn ngủi nên ông đã nhìn bức tranh thiên nhiên mất vẻ tươi vui:
“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”
Trời đất là vĩnh hằng, đời người là hữu hạn, hình dung về một thế giới chẳng còn tôi khiến thi nhân đau đớn, tiếc nuối khiến ông cảm thấy “Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi”. Ở đây, cuộc chia phôi như làm rớm máu cả thời gian, nó không diễn ra ở một không gian cụ thể hay nhỏ bé mà diễn ra ở không gian rộng lớn “Khắp sông núi”. Dường như chỗ nào cũng ủ ê những tiếng nỉ non, than vãn. Một ngọn gió mùa xuân nhỏ bé, duyên dáng đang vương vít với những cành cây chẳng muốn rời xa. Gió và cây đang thì thào lời tiễn biệt và gió như giận hờn vì sớm phải chia tay. Tiếng chim đang hót rộn ràng bỗng đứt giữa chừng bởi lo sợ độ phai tàn của cuộc thi sắp đến. Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với những câu hỏi tu từ liên tiếp như khẳng định thêm nỗi buồn của cảnh vật thiên nhiên khi xuân tàn và đó cũng là tâm trạng bâng khuâng, tiếc nuối đến ngẩn ngơ của thi sĩ Xuân Diệu. Cách cảm nhận thời gian của thi nhân là cách cảm nhận đầy tính mất mát, có được điều đó là do tác giả ý thức được cái tôi cá nhân một cách sâu sắc, ý thức về sự có ý nghĩa của mỗi cá nhân trên đời và cũng do ông luôn nâng niu, trân trọng từ giây phút của cuộc đời nhất là những năm tháng tuổi trẻ:
“Chẳng bao giờ, ôi! chẳng bao giờ nữa
Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”
Với nhịp thơ dồn dập, gấp gáp, cách ngắt nhịp biến hóa, ý thơ như hóa lời giục giã với mọi người: hãy mau lên, vội vàng lên để tận hưởng những giây phút tuổi xuân, để sống có ý nghĩa khi chưa mãn chiều xế bóng. Nỗi lo âu của nhà thơ về vòng quay của tạo hóa chợt bừng lên thành tiếng thôi thúc, gấp gáp: “mau đi thôi”. Tiếng gọi mãnh liệt ấy từ lâu đã vang vọng suốt những trang thơ của Xuân Diệu:
“Mau với chứ vội vàng lên với chứ
Em em ơi tình non sắp già rồi”
hay:
“Gấp đi em anh rất sợ ngày mai
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn”
Xưa kia nhà thơ Nguyễn Trãi từng viết trong chùm thơ “Tiếc cánh”:
“Xuân xanh chưa dễ hai lần lại
Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên”
Những vần thơ ấy càng giúp người đọc thấy được ý thức về thời gian và tuổi xuân của thi sĩ Xuân Diệu.
Nhận ra rằng chẳng thể sống mãi với thời gian vậy cớ gì ta không ngại, không tận hưởng cuộc sống bằng cả trái tim nồng cháy trước khi ta già nua cơ chứ?
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
……
……
-Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!
Ba từ “Ta muốn ôm” được tách riêng biệt làm nổi bật hình ảnh nhân vật trữ tình đầy kiêu hãnh. Ông như muốn đứng trên cao, dang rộng vòng tay để cảm nhận, để ôm trọn trái đất này. Ta bỗng nhớ tới cái tôi “ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ:
“Vũ trụ nội mạc phi phận sự”
(Với mọi việc trong trời đất này không việc gì không phải của ta)
Còn với Xuân Diệu, cái tôi của ông cũng thật kiêu hãnh, nếu đoạn mở đầu là điệp ngữ “tôi muốn” thì đến đây đã trở thành “ta muốn” nghe thật tự tin làm sao! Bởi vậy mà Viên Mai từng nói rằng: “Làm người thì không có cái tôi… nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Trong thơ của mình, Xuân Diệu luôn khẳng định cái tôi cá nhân, có lúc ông bộc bạch một cách chân thành:
“Tôi chỉ muốn là một cây kim bé nhỏ”
Mà vạn vật là muôn đá nam châm”
có lúc ông khẳng định mình là người đứng đầu duy nhất:
“Ta là một là riêng là thứ nhất”
Như vậy trong thơ Xuân Diệu luôn thể hiện được cái tôi cá nhân tự tin và đầy kiêu hãnh. Ba từ “Tôi muốn ôm” như một nốt nhấn để rồi từ đó âm thanh của khát vọng tuôn trào, dào dạt tràn qua cả ngôn từ. Giữa những câu thơ dài đột ngột xen vào một câu thơ ngắn như thắt ngang giữa bài làm ta liên tưởng đến vòng tay đang níu giữ, quấn quít “cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”. “Mơn mởn” là từ láy gợi cảm và giàu ý nghĩa gợi cảm giác cây cối, sự vật đang ở độ non mướt, tươi tốt, đầy sức sống. Lần theo bước chân vội vàng ta bước vào một thế giới đầy ắp những hình ảnh sinh động, đẹp đẽ:
“Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hồn nhiều”
Phép điệp cấu trúc “Ta muốn” đã khiến đoạn thơ trở nên dồn dập, gấp gáp tựa như những cơn sóng ào ạt nối tiếp nhau, như hơi thở gấp gáp của thi nhân đã diễn tả khát khao đến hàm hở cuồng nhiệt. Sau mỗi lần điệp lại đi liền với một động từ mạnh được sắp xếp theo trật tự tăng tiến: “riết”, “say”, “thâu”; cùng với đó là những hình ảnh nồng nàn, khỏe khoắn: “mây đưa và gió lượn”, “cánh buồm với tình yêu”. Thiên nhiên rực rỡ sắc màu say nồng và đầy quyến rũ lại tràn ngập trong hồn thơ Xuân Diệu. Những hình ảnh ấy làm đoạn thơ đầy sinh khí và làm sống lại không khí tươi vui của toàn bài thơ. Trời xuân thì non tơ, tình xuân thì nồng nàn khiến nhà thơ trở nên “tham lam”, dường như lúc nào cũng muốn khát khao thêm:
“Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
Sự kết hợp giữa những từ “no nê”, “đã đầy” và điệp từ “và” đã thể hiện cảm xúc ham muốn đến tột cùng trong tâm hồn thi sĩ. Ở đây không chỉ là sự tận hưởng tinh thần mà còn là tận hưởng theo kiểu vật chất không có điểm dừng. Với ông, cuộc sống trần thế như bày ra cả một bàn tiệc đầy những hình ảnh non tơ và đầy hương sắc vì vậy Xuân Diệu đã khát khao đến tột cùng đúng như phong cách Xuân Diệu – một cái tôi không bao giờ chấp nhận sự lưng chừng, lỡ cỡ. Với những khát khao ấy, nhà thơ đã nhìn mùa xuân giống như con người và thốt lên một tiếng kêu thể hiện niềm yêu đời, khát khao chưa từng có trong thơ ca Việt Nam:
“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
“Hỡi” là tiếng gọi tha thiết vang lên cuối bài làm mạch cảm xúc của nhà thơ như vang lên không dứt. Ông khát khao tận hưởng mùa xuân, một mùa “xuân hồng” chứ không phải là “xuân xanh” như trong thơ Nguyễn Bính:
“Mùa xuân là cả một mùa xanh”
Xuân hồng là đôi má nồng nàn của thiếu nữ. Với Xuân Diệu con người mới là chuẩn mực của cái đẹp nên mùa xuân cũng giống như người thiếu nữ căng tràn sự sống. Nhà thơ muốn cắn vào nó cho thỏa mãn đam mê. Với cách sử dụng từ ngữ táo bạn, Xuân Diệu đã thể hiện một ham muốn không có giới hạn. Đứng trước sự hấp dẫn của mùa xuân dường như thi sĩ không nén nổi lòng yêu thiên nhiên đã đi đến một cử chỉ táo bạo nhưng cũng thật đáng yêu. Ta nhớ tới những câu thơ của Anh Thơ trong bài “Hôn con”:
“Mặt trăng của mẹ
Mẹ nâng trên tay
Mặt trăng tươi thế
Mẹ cắn vào đây”
Còn Xuân Diệu, ông từng định nghĩa mình là: “kẻ đưa răng bấu mặt trời”, một thi sĩ từng “ngoạm sự sống làm êm đói khát” đã thể hiện tình yêu cuồng nhiệt, si mê cuộc sống đúng như Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Xuân Diệu là nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này, khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết”
Nếu như Huy Cận, Chế Lan Viên hay Hàn Mạc Tử đều cùng nhau thoát li hiện thực, tìm về một cõi xa xăm nào đấy để ôm ấp những nỗi sầu u oải, mơ hồ thì “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy… Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết”. (Hoài Thanh) Cũng là nỗi buồn nhưng nỗi buồn ấy, ngọt ngào, hồ hởi và háo hức, đó là sự tiếc nuối trước dòng chảy không ngừng của thời gian, là sự cô đơn giữa dòng đời của cái Tôi nhỏ bé đã tạo nên một hồn “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
“Chưa bao người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng lớn như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,… và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (Thi nhân Việt Nam). Chẳng lẽ tự nhiên mà Hoài Thanh lại ưu ái Xuân Diệu đến vậy, chỉ có thể là do những cống hiến to lớn của ông dành cho thi đàn văn học Việt Nam đặc biệt là qua thi phẩm “Vội vàng”. Bài thơ là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây từng phút của cuộc đời mình nhất là những năm tháng tuổi trẻ. Tư tưởng ấy được thể hiện qua bàn tay nghệ thuật điêu luyện, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc và mạch lí luận, giọng điệu say mê, sôi nổi nhưng sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh. Cũng bởi lẽ thế “Vội vàng” dù đã được sáng tác những năm 30 của thế kỉ trước nhưng vẫn vang vọng, đọng lại trong lòng hậu thế những vần thơ tựa như mật ngọt đầy tinh túy khiến ta phải ghi nhớ mãi cái tên Xuân Diệu-ông hoàng thơ tình trong làng thi ca Việt!
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 5
"Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thư rộng lớn như Thế Lữ. mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy Thông, trong sáng như Nquyền Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên.... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu" (Thi nhân Việt Nam).
Khi đọc những câu văn này ta sẽ không hiểu tại sao Xuân Diệu lại được ưu ái như vậy. Giờ thì đã rõ! Đơn giản chỉ vì ông là nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới''. Xuân Diệu đã thể hiện đầy đủ nhất ý thức cá nhân của cái tôi mới và cũng mang đậm bản sắc riêng. Trong số những bài thơ của ông, chúng ta không thể không nhắc đến Vội Vàng. Bài thơ tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của cái tôi Xuân Diệu, in dấu khá đậm cho hồn thơ yêu đời, ham sống, "thiết tha, rạo rực, băn khoăn". Và quan trọng hơn thế nữa, qua Vội vàng chúng ta nhận ra một quan niệm sống rất mới mẻ – bức thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc.
Vội vàng? Cái tên đã rất Xuân Diệu! Đây là một triết lí sống và cũng là tâm thế sống của nhà thơ: sống nhanh chóng, khẩn trương, mở rộng lòng mình đế ôm ghì, thâu tóm tất cả. Đã hơn một lần ta bắt gặp Xuân Diệu hối hả, cuống quýt, giục giã:
Mau với chứ, vội vàng lên chứ
Em, em ơi, tình non sắp già rồi!
Thời gian, mùa xuân, tình yêu tuổi trẻ luôn thường trực, trở đi trở lại trong nhiều trang thơ của Xuân Diệu. Ở Vội vàng ông đã nhận ra một thiên đường ngay trên mặt đất, nhà thơ yêu cuộc sống trần thế xung quanh và tìm thấy trong cuộc sống đó biết bao điều hấp dẫn, đáng sống và biết tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng. Đây là một quan niệm sống rất người, mang ý nghĩa tích cực và có giá trị nhân văn sâu sắc. Nhà thơ muốn nhắn nhủ đến người đọc hãy sống hết mình khi đang còn trẻ tuổi, đừng để thời gian trôi đi phí hoài. Hãy sống gấp gáp để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Hãy luôn giữ cho mình mùa xuân tình yêu của tuổi trẻ.
Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Bức thông điệp mà Xuân Diệu gửi đến cho người đọc được triển khai qua từng phần của bài thơ, theo mạch cảm xúc trong tâm hồn thi sĩ. Ngay từ đầu chúng ta đã bắt gặp một thái độ sống rất ngông, rất lạ:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Ý tưởng tắt nắng, buộc gió quả thật táo bạo, độc đáo mà chỉ Xuân Diệu mới nghĩ ra, xuất phát từ lòng yêu cuộc sống, thèm sống. Xuân Diệu muốn tắt, buộc nắng và gió cũng là để giữ lại cái đẹp, cái tươi thắm của sự vật, của màu, của hương. Xuân Diệu muốn thời gian là tĩnh tại mặc dù ông không nhìn đời với con mắt tĩnh. Cái vô lí đó chính là sự khao khát đến vô biên và tột cùng. Nhà thơ muốn níu giữ thời gian, cuộc sống ấy cho riêng mình.
Mọi chuyện đều có nguyên do của nó! Xuân Diệu thiết tha với cuộc sống như thế bởi ông đã tìm ra một thiên đường trên mặt đất. Cuộc sống đẹp nhất của cuộc sống trần thế. Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về hạ giới (Thi nhân Việt Nam). Cuộc sống xung quanh ta đẹp nhất, vậy thì dại gì mà không hưởng. Nhà thơ nhìn mùa xuân với tất cả sự say mê, cuồng nhiệt vồ vập:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây là cửa cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si.
Vày đây... Này đây...Này đây... Tất cả như đang phơi bày ra trước mắt nhà thơ Bức tranh thiên nhiên đang độ viên mãn, tràn đầy, chứa chan xuân tình, vừa gần gũi thân quen lại vừa mượt mà đầy sức sống. Xuân Diệu như vồ vập. Ngấu nghiến, thâu tóm tất cả. Nhà thơ như con ong hút mật lạc vào vườn hoa đầy hương sắc. Với ông cái gì cũng hấp dẫn mới lạ. Và bằng cặp mắt xanh non của cái tôi cá nhân Xuân Diệu còn phát hiện ra thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất vẫn là vì có con người. Con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Nhà thơ lấy con người làm thước đo của cái đẹp. Cuộc sống trần thế đẹp nhất vào lúc xuân. Và con người chỉ tận hưởng được lúc đang còn trẻ. Song tuổi trẻ thì tàn phai theo thời gian, vì thế mà ông phải sống vội vàng, gấp gáp.
Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Nhà thơ tận hưởng cuộc sống một cách gấp gáp, vồ vập bởi một phút giây ra đi vĩnh viễn không trở lại. Mất mát sẽ đến nếu ta không chớp thời cơ. Có lẽ thế mà Xuân Diệu không chờ mùa hạ đến mới nhớ xuân mà ôm riết mùa xuân lúc tràn đầy, tươi non.
Ham sống, khát sống, Xuân Diệu càng băn khoăn hơn trước cuộc đời, thời gian. Ông đã nhận ra quy luật tuyến tính của thời gian, chống lại quy luật tuần hoàn của các cụ ngày xưa. Mỗi phút giây qua đi sẽ không bao giờ trở lại, tuổi trẻ cũng chỉ đến một lần. Nhà thơ mở lòng ra để yêu đời, yêu cuộc sống nhưng không được đời bù đắp, vì thế mà ông băn khoăn buồn chán cho thân phận của mình. Cảnh vật thiên nhiên giờ đây cũng mang đầy tâm trạng buồn bã, băn khoăn, lo sợ..
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng sợ đổ tàn phai sắp sửa?
Nhận thức ra quy luật của thời gian, khát khao sống đến mãnh liệt. Xuân Diệu đã ôm ghì lấy cuộc sống, tận hưởng cuộc sống để không phí hoài đi thời gian, tuổi trẻ. Tình yêu cuộc sống lại bùng lên cuồng nhiệt hối hả.
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn biết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.
Lòng yêu đời tràn lên như một cao trào tình cảm. Hình ảnh thơ tươi mới, sức sống. Và có lẽ tình yêu cuộc sống của nhà thơ tăng dần theo từng từ muốn ôm đến riết là đã ghì chặt hơn. Và đã say – sự ngây ngất đến bất tỉnh vẫn chưa thỏa lòng – còn muốn thâu nghĩa là muốn thu hết tất cả để có sự hòa nhập một. Và cuối cùng là tiếng kêu của sự cuồng nhiệt chưa bao giờ có trong thơ:
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.
Hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu của đoạn thơ đã bộc lộ rõ lòng yêu đời cuồng nhiệt khiến nhà thơ phải hối hả, vội vàng đến với cuộc sống.
Bài thơ là một quan niệm sống mới mẻ và táo bạo mà trước đó chưa từng có . Lối sống ở đây biết hưởng thụ một cách chính đáng, biết khẩn trương sống cho ra sống. Tuy nhiên ở Vội vàng, tác giả chỉ đề cập đến lối sống thiên về hưởng thụ chạy theo thời gian. Ông kêu gọi mọi người hãy biết yêu và tận hưởng những thứ cuộc sống ban tặng, hãy tranh thủ thời gian, tuổi trẻ để sống đủ đầy nhất. Ông đã quên đi nghĩa vụ kêu mọi người phải cống hiến cho cuộc đời. Và trong cuộc đời nhà ông, ông vội vàng cống hiến chứ không phải vội vàng hưởng thụ.
Đọc thơ Xuân Diệu, đặc biệt là qua bài thơ Vội vàng, ta càng thêm yêu cuộc sống hôm nay và càng góp phần làm cho cuộc sống đó thêm tươi đẹp, không chỉ vì cuộc sống hôm nay đã đổi mới, đã đẹp hơn nhiều lần so với cuộc sông ngày xưa của Xuân Diệu mà chủ yếu là không còn những bi kịch để thành những băn khoăn trước cuộc đời. Bức thông điệp nhà thơ gửi đến người đọc vẫn còn nguyên giá trị, được bồi đắp thêm qua thời gian và trường tồn vĩnh cửu.
Hãy sống hết mình, cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc nhân dân, đừng phí hoài thời gian, hãy mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả những vang động của cuộc đời. Đó là những gì mà Xuân Diệu còn giữ lại, nhắn gửi đến với người đọc của mình bức thông điệp xuyên qua thời gian, không gian, ngự trị muôn đời trong tâm hồn con người Việt Nam.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 6
Cuộc sống cứ nhẹ trôi như một bản nhạc không lời, có lúc cao trào, có lúc lại trầm bổng, du dương làm tâm hồn ta miên man trong những dòng suy nghĩ. Liệu thời gian của đời người có tuần hoàn như thời gian của vạn vật hay chỉ là tuyến tính, một khi đã đi qua sẽ không bao giờ trở lại nữa?
Cứ bâng khuâng trong dòng xúc cảm của câu hỏi ấy, chúng ta lại chợt nhớ tới thi phẩm "Vội vàng" của tác giả Xuân Diệu. Cùng lạc vào "xứ sở cái đẹp" và chạm ngõ những vần thơ đâm sắc màu của chàng thi sĩ "say men sống" ấy, ta sẽ có câu trả lời đúng đắn. Nhà thơ Thế Lữ đã từng nhân xét về Xuân Diệu: "Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hiền hâu và say đắm, tóc như mây vướng trên đài trán thơ ngây, mắt như bao luyến mọi người và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn sàng ân ái. Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới bước chân mình, những hương sắc nẩy ra bởi ánh sáng của lòng chàng".
Có lẽ, ai đã từng một lần lật mở ngưỡng cửa văn chương của Xuân Diệu đều trót yêu cái " hồn thơ luôn rộng mở, chẳng bao giờ để lòng mình khép kín- một hồn thơ tha thiết, rạo rực, băn khoăn". Phải chăng, chính sự giao thoa của miền đất Hà Tĩnh hiếu học với quê mẹ Quy Nhơn( Bình Định)- nơi có những bãi biển trải dài vô tân đã tôi luyện nên một Xuân Diệu với phong cách rất riêng, rất độc đáo. Ông là một cây bút có sức sáng tạo mãnh liệt, dồi dào và bền bỉ. Vì thế ông xứng đáng với danh hiệu "một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn". Thi sĩ đã sáng tác bài "Vội vàng" năm 1938, được in trong tập "Thơ Thơ"- tập thơ đầu tay tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám. Mở đầu bài thơ, tác giả đã bộc lộ tình yêu trần thế tha thiết:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Với điệp ngữ "tôi muốn", kết hợp với các động từ "tắt nắng", "buộc gió", thể hiện ước muốn ngông cuồng nhưng có lẽ sẽ không thực hiện được vì đi ngược lại quy luật của tự nhiên. Tuy vây, qua cái ước mong đoạt quyền tạo hóa để "màu đừng nhạt", "hương đừng bay", ta thấy được khát vọng muốn lưu giữ sắc màu, hương vị ngọt ngào, đẹp đẽ của vạn vật thiên nhiên. Chỉ với bốn câu thơ ngũ ngôn ngắn gọn- "những câu thơ ít lời mà nhiều ý, súc tích nhưng đọng lại bao nhiêu tinh hoa. Xuân Diệu là một tay thơ biết làm cho ta ngạc nhiên vì nghệ thuật dẻo dai và cần mẫn". Chàng thi sĩ này quá cuồng nhiệt khiến ta liên tưởng tới hình ảnh Đônkihôtê trong "Đánh nhau với cối xay gió". Dù không thể hoàn thành được ước muốn xa vời ấy nhưng vẫn làm, vẫn khát khao. Xuân Diệu cũng khác hẳn với các nhà thơ mới.
Nếu Xuân Diệu muốn níu giữ những gì tuyệt vời nhất của thiên nhiên thì Chế Lan Viên lại muốn lấy mọi cái buồn của mùa thu chặn mùa đông, không muốn nhìn vào sự sống:
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo xuân sang
Có sự khác biệt ấy phải chăng là do thơ Xuân Diệu bao giờ cũng "say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, quấn quýt". Thơ ông không có khái niệm sống châm chạp, chỉ biết u hoài mà phải sống gấp gáp, vội vã như có sự thúc giục từ một ai đó. Đây là một khát vọng không tưởng, với quan niệm chạy đua cùng thời gian, sống hết mình, sống mãnh liệt cho từng phút, từng giây của sự sống.
Biết cách trân trọng từng khoảnh khắc ấy. Quan niệm sống của Xuân Diệu đầy mới mẻ, dung hòa giữa tân hiến và tân hưởng để cuộc sống thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, lối sống vội vàng này không có nghĩa là sống gấp, sống ẩu như một số bộ phân thanh niên hiện nay. Với Xuân Diệu, thế giới này đầy tươi đẹp, hương sắc. Thể hiện qua sự tuôn trào mãnh liệt của tâm trạng với những câu thơ kéo dài hơn:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Trước mắt ta bây giờ, bức tranh thiên nhiên giống như một thiên đường trên mặt đất. "Của ong bướm", "Của yến anh"- một cách nói rất độc đáo khiến cho câu thơ được Tây hóa, đầy sáng tạo, mới mẻ. Biện pháp điệp ngữ "này đây" đã một lần nữa nhấn mạnh, giúp người đọc cảm nhân và hình dung thái độ trầm trồ, thán phục, thích thú của thi nhân khi mỗi bước đi đều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp say đắm của thiên nhiên, vạn vật. Bức họa ấy được thêu dệt từ những nét vẽ hết sức điêu luyện. Hình ảnh "ong bướm", "yến anh" – những cặp đôi gắn kết, không thể tách rời lại được gắn với thời gian " tuần tháng mật"- câu thơ này đã khiến bao người băn khoăn, suy ngẫm. Tôi tự nhủ, liệu đây có phải là tuần mà ong bướm đi tìm hoa kiếm mật, hay đây là thời gian đẹp đẽ, ngọt ngào nhất của cuộc đời con người?- Dù hiểu theo cách nào thì đây vẫn là khoảng thời gian tươi đẹp, hạnh phúc nhất của tình yêu say đắm. Thoáng hiện lên trong bức họa còn có chiếc "lá của cành tơ phơ phất", cho ta thấy được cái non tơ, mãnh liệt, mơn mởn. Tất cả thiên nhiên, vạn vật đầy sức sống, gợi cảm, nồng nàn, quyến rũ như đang chào mời, vẫy gọi. Thì ra nhà thơ đã nhìn mọi vật bằng cặp mắt xanh non biếc rờn, bằng lăng kính của tình yêu nên cảnh sắc thiên nhiên được gợi tả, hình dung trong mối quan hệ với người đang yêu như tình yêu của lứa đôi tươi trẻ, đắm say, si mê. Quả thực, "thơ Xuân Diệu đã nói lên bao nỗi niềm riêng của thanh niên".
Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian và dường như ông đang "tính sổ với cuộc đời mình từng giây, từng phút". Sự bồng bột ấy của ông hoàng thơ Mới làm "từng câu chữ phải chơi vơi, ý văn phải xô đẩy, khuôn khổ thơ bị lung lay". Tất cả mọi cảnh vật hiện lên trong mắt ông đều rất đẹp, rất quyến rũ:
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sáng thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Ánh sáng của buổi bình minh thanh tân đẹp rực rỡ qua cái "chớp mi" của người thiếu nữ. Và nếu thơ ca Trung đại lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp:
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua tham liễu hờn kém xanh
Thì với Xuân Diệu thiên nhiên ấy vẫn đẹp nhưng phải nhường chỗ gì vẻ đẹp của con người giữa tuổi trẻ và tình yêu- đây mới là thước đo, đỉnh cao cho cái đẹp của thế giới. Nhà thơ lại một lần nữa xuất hiện trong sự táo bạo, mới lạ qua từ "ngon" đầy cảm giác nhục thể, hình ảnh so sánh đầy sức gợi, tháng giêng được đặt trong sự tương xứng với "cặp môi gần" của người thiếu nữ đầy gợi cảm, quyến rũ. Cách ví von hấp dẫn, đem đơn vị thời gian trừu tượng với vẻ đẹp của con người kết hợp với chuyển đổi cảm giác để diễn tả sự căng tràn sức sống, tươi mới của thiên nhiên vạn vật xung quanh.
Đọc Xuân Diệu có lẽ không ai cần đặt câu hỏi vẻ đẹp cuộc sống ở đâu, mà chỉ cần lật nhẹ từng trang thơ đã tìm thấy câu trả lời thỏa đáng. Nhưng thơ của chàng thi sĩ này không bao giờ bình yên vì luôn vấp phải nỗi đau. Mạch thơ đang dào dạt bỗng vấp phải một dấu chấm cắt giữa câu:
"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa",
Khiến trái tim ta như có chút vấn vương, bồi hồi, luyến tiếc, buồn thương thay cho tâm trạng của thi nhân. Quả đúng như ai đó đã từng nói: "Thơ là tiếng nói của tình cảm" hay "Thơ là tiếng nói của trái tim đến trái tim". Vì thế ta tìm thấy đâu đây sự đồng điệu của tâm hồn ta với Xuân Diệu, làm ngân lên bao khát khao, hoài bão, biết sống "toàn tâm, toàn ý, sống toàn hồn".
Sự nhận thức về thời gian- đời người là vô cùng quan trọng:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Thời gian của đời người là hữu hạn, đặc biệt của tuổi trẻ thì rất ngắn ngủi. Có lẽ vì thế mà trong cái nhìn của nhà thơ, mới gặp gỡ đã có mầm li biệt, trong nở rộ đã có dấu hiệu của sự tàn phai. Chính điều ấy đã tạo nên hơi thở gấp gáp rất riêng trong thơ Xuân Diệu:
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa
Nỗi đau dường như thấm vào cả cơn gió, tiếng chim nhưng đau nhất là tuổi trẻ đang khát sống mà không thể thực hiện được. Cái hơi thở ấy vẫn mạnh mẽ mà bên trong đầy hụt hẫng, bất lực. Từng vần thơ nối nhau, đan xen trong ta trường cảm xúc thật lạ! – cảm xúc mà chỉ khi nếm trải thơ Xuân Diệu ta mới nhìn nhân được- một hồn thơ kết tinh của hai nen văn học Đông và Tây thực sự khiến bao người lĩnh hội rung động, nghẹn ngào.
Nếu "Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa thì Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới". Vâng! Xuân Diệu " xua ai nấy về hạ giới" để gửi gắm quan niệm sống cao đô, sống hết mình cho từng phút, từng giây. Lúc này, giọng thơ bỗng trở nên sôi nổi, bồng bột, ta như nghe được tiếng đập gấp gáp của trái tim Xuân Diệu, những đợt sóng tình cảm như vồ chụp lấy người đọc, rủ rê người đọc cùng hành động. Điều ấy được khắc họa rõ nét qua sự thay đổi về đại từ nhân xưng:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều…
Một loại các động từ mạnh như "ôm, riết, thâu, say", chỉ cảm xúc tuôn trào mãnh liệt, vượt qua cả khung cấu tứ thông thường kết hợp với điệp từ "và" tưởng như là thừa chữ nhưng lại chứa đựng dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Đến đây tôi lại chợt nhớ tới những vần thơ cũng dạt dào cảm xúc như thế:
Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ
Phải nói yêu trăm bân mấy nghìn lan
Phải mặn nồng cho mãi mãi đêm xuân
Cung bậc cảm xúc dâng trào là thế nhưng lên tới đỉnh điểm phải kể đến những vần thơ cuối trong "Vội vàng":
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh săc của thời tươi
-Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Các tính từ "đã đầy", "chếnh choáng", "no nê" thể hiện cảm xúc đắm say khi thưởng thức vẻ đẹp thanh xuân quyến rũ của vạn vật thiên nhiên. Động từ "cắn" là một từ đắc địa, làm toát lên toàn bộ sức sống của bài thơ, đây là một hình ảnh vừa mang tính cụ thể nhưng cũng có trừu tượng cùng cách diễn đạt mới mẻ tạo ấn tượng sâu đâm trong tâm trí độc giả.
Dường như trái tim yêu của Xuân Diệu như muốn căng ra chứa hết vũ trụ để thỏa mãn tình yêu vạn vật, cuộc sống và làm nên "thương hiệu" riêng trong phong cách thơ của mình. Ngưỡng cửa văn chương của Xuân Diệu khép lại nhưng mở ra bao tình đời, tình người sâu sắc và ý vị: Hãy sống mãnh liệt, sống hết mình cho từng phút, từng giây của sự sống. Có lẽ những trang thơ mang đâm ý vị cuộc sống được dệt nên từ sự thăng hoa của cảm xúc ấy sẽ mãi không bao giờ phai trong tâm trí ta. Bởi nó không chỉ hay ở ngôn từ mới lạ mà còn ở sức nặng ngữ nghĩa của từng câu chữ. Bên cạnh đó, còn có sự điêu luyện trong việc sử dụng nghệ thuật để dệt nên những vần thơ thực sự có giá trị.
Cảm ơn Xuân Diệu đã mở ra trong ta bao điều thú vị về cuộc đời, để từ đó có cái nhìn tinh tế, sâu sắc và toàn diện hơn về chặng đường mà mình sẽ trải nghiệm tiếp. Làm cho hành trình cuộc sống của mỗi người thêm tha thiết, dạt dào, đầy ý nghĩa. "Thơ hay là cùng một lúc phải đạt được cả ba phẩm chất: giản dị, xúc động và ám ảnh". "Vội vàng" xứng đáng là một bài thơ hay như thế. Dù gấp trang sách lại, trong ta vẫn hiện hữu bao dòng cảm xúc nóng hổi như đang chạy đua với thời gian cùng Xuân Diệu. Những vần thơ ấy sẽ mãi lay động tâm trí ta và để lại bao dư âm, dư ba không bao giờ ngớt.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 7
Cái động thái bộc lộ đầy đủ nhất thần thái Xuân Diệu có lẽ là vội vàng. Ngay từ hồi viết Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã thấy "Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt". Cho nên, đặt cho bài thơ rất đặc trưng của mình cái tên Vội vàng, hẳn đó phải là một cách tự hạch, tự hoạ của Xuân Diệu. Nó cho thấy thi sĩ rất hiểu mình.
Thực ra, cái điệu sống vội vàng, cuống quýt của Xuân Diệu bắt nguồn sâu xa từ ý thức về thời gian, về sự ngắn ngủi của kiếp người, về cái chết như là kết cục không thể tránh khỏi mai hậu. Sống là cả một hạnh phúc lớn lao, kì diệu. Mà sống là phải tận hưởng và tận hiến ! Đời người là ngắn ngủi, cần tranh thủ sống. Sống hết mình, sống đã đầy. Thế nên phải chớp lấy từng khoảnh khắc, phải chạy đua với thời gian. Ý thức ấy luôn giục giã, gấp gáp. Bài thơ này được viết ra từ cảm niệm triết học ấy.
Thông thường, yếu tố chính luận đi cùng thơ rất khó nhuần nhuyễn. Nhất là lối thơ nghiêng về cảm xúc rất "ngại" cặp kè với chính luận. Thế nhưng, nhu cầu phô bày tư tưởng, nhu cầu lập thuyết lại không thể không dùng đến chính luận. Thơ Xuân Diệu hiển nhiên thuộc loại thơ cảm xúc. Nhưng đọc kĩ sẽ thấy thơ Xuân Diệu cũng rất giàu chính luận. Nếu như cảm xúc làm nên cái nội dung hình ảnh, hình tượng sống động như mây trôi nước chảy trên bề mặt của văn bản thơ, thì dường như yếu tố chính luận lại ẩn mình, lặn xuống bề sâu, làm nên cấu tứ của thi phẩm. Cho nên mạch thơ luôn có được vẻ tự nhiên, nhuần nhị. Vội vàng cũng thế. Nó là một dòng cảm xúc dào dạt, bồng bột có lúc đã thực sự là một cơn lũ cảm xúc, cuốn theo bao nhiêu hình ảnh thi ca như gấm như thêu của cảnh sắc trần gian. Nhưng nó cũng là một bản tuyên ngôn bằng thơ, trình bày cả một quan niệm nhân sinh về lẽ sống vội vàng. Có lẽ không phải thơ đang minh hoạ cho triết học, mà đó chính là cảm niệm triết học của một hồn thơ.
Mục đích lập thuyết, dạng thức tuyên ngôn đã quyết định đến bố cục của Vội vàng. Thi phẩm khá dài, nhưng tự nó đã hình thành hai phần khá rõ rệt. Cái cột mốc ranh giới giữa hai phần đặt vào ba chữ "Ta muốn ôm”. Phần trên nghiêng về luận giải cái lí do vì sao cần sống vội vàng. Phần dưới là bộc lộ trực tiếp cái hành động vội vàng ấy. Nói một cách vui vẻ : trên là lí thuyết, dưới là thực hành ! Điều dễ thấy là thi sĩ có dụng ý chọn cách xưng hô cho từng phần. Trên, xưng "tôi"- lập thuyết, đối thoại với đồng loại. Dưới, xưng "ta"- đối diện với sự sống. Trình tự luận lí có xu hướng cắt xẻ bài thơ. Nhưng hơi thơ bồng bột, giọng thơ ào ạt, sôi nổi như thác cuốn đã xoá mọi cách ngăn, khiến thi phẩm vẫn luôn là một chính thể sống động, tươi tắn và truyền cảm.
Mở đầu bài thơ là một khổ ngũ ngôn thể hiện một ước muốn kì lạ của thi sĩ. Ấy là ước muốn quay ngược quy luật tự nhiên - một ước muốn không thể :
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất ;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Muốn "tắt nắng”, muốn "buộc gió” thật là những ham muốn kì dị, chỉ có ở thi sĩ. Nhưng làm sao cưỡng được quy luật, làm sao có thể vĩnh viễn hoá được những thứ vốn ngắn ngủi, mong manh ấy ? Cái ham muốn lạ lùng kia đã hé mở cho chúng ta một lòng yêu bồng bột vô bờ với cái thế giới thắm sắc đượm hương này.
Thế giới này được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách riêng. Nó bày ra như một thiên đường trên mặt đất, như một bữa tiệc lớn của trần gian. Được cảm nhận bằng cả sự tinh vi nhất của một hồn yêu đầy ham muốn, nên sự sống cũng hiện ra như một thế giới đầy xuân tình. Cái thiên đường đầy sắc hương đó hiện diện trong Vội vàng vừa như một mảnh vườn tình ái, vạn vật đang lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với một thực đơn quyến rũ, lại vừa như một người tình đầy khêu gợi. Xuân Diệu cũng hưởng thụ theo một cách riêng. Ấy là hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình. Yên thiên nhiên mà thực chất là tình tự với thiên nhiên.
Hãy xem cách diễn tả vồ vập về một thiên nhiên ở thì xuân sắc, một thiên nhiên rạo rực xuân tình:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật ;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì ;
Này đây lá của cành tơ phơ phất ;
Của yến anh này đây khúc tình si ;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa ;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần ;
Có lẽ trước Xuân Diệu, trong thơ Việt Nam chưa có cảm giác "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Nó là cảm giác của ái ân tình tự. Cảm giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giông mơn mởn tơ non đầy một sức sống thanh tân kia sao mà quyến rũ - tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể cưỡng được của một người tình rạo rực, trinh nguyên.
Hai mảng thơ đầu kế tiếp nhau đã được liên kết bằng cái lô gích luận lí ngầm của nó. Thi sĩ muốn "tắt nắng", muốn "buộc gió" chính vì muốn giữ mãi hương sắc cho một trần thế như thế này đây. Hương sắc là cái sinh khí của nó, là vẻ đẹp, là cái nhan sắc của nó. Tất cả chi rực rỡ trong độ xuân thì. Mà xuân lại vô cùng ngắn ngủi. Và thế là mảng thơ thứ ba của phần luận giải đã hình thành để nói về cái ngắn ngủi đến tàn nhẫn của xuân thì trong sự sống và cái xuân thì của con người. Phải, cái thế giới này lộng lẫy nhất, "ngon" nhất là ở độ xuân ; còn con người cũng chỉ hưởng thụ được cái "ngon" kia khi còn trẻ thôi. Trong khi đó, cả hai đều vô cùng ngắn ngủi, thời gian sẽ cướp đi hết thảy. Có lẽ cũng lần đầu tiên, thơ ca Việt Nam có được cái quan niệm này :
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Con người thời trung đại lấy sinh mệnh vũ trụ để đo đếm thời gian. Nên hình như họ yên trí với quan niệm thời - gian - tuần - hoàn, với cái chu kì bốn mùa, cũng như cái chu kì ba vạn sáu ngàn ngày của kiếp người. Hết một vòng, thời gian lại quay về điểm xuất phát ban đầu. Con người hiện đại lấy sinh mệnh cá thể làm thước đo thời gian. Nên họ sống với quan niệm thời - gian - tuyến - tính. Thời gian như một dòng chảy vô thuỷ vô chung mà mỗi một khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn. Cho nên Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định :
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !
Không chỉ dùng sinh mệnh cá thể, Xuân Diệu còn đo đếm thời gian bằng cái quãng ngắn ngủi nhất của sinh mệnh cá thể: tuổi trẻ. Tuổi trẻ đã một đi không trở lại thi làm chi có sự tuần hoàn.
Trong cái mênh mông của đất trời, cái vô tận của thời gian, sự có mặt của con người quá là ngắn ngủi, hữu hạn. Nghĩ về tính hạn chế của kiếp người, Xuân Diệu đã đem đến một nỗi ngậm ngùi thật mới mẻ :
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời ;
Không chỉ quan niệm, mà ngay cả cảm giác cũng hết sức mới lạ. Xuân Diệu đã đem đến một cảm nhận đầy tính "lạ hoá" về thời gian và không gian:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...
Là người đã tiếp thu ở mức nhuần nhuyễn phép "tương giao" correspondance) của lối thơ tượng trưng, Xuân Diệu đã phát huy triệt để sự tương giao về cảm giác để cảm nhận và mô tả thế giới, trước hết là thời gian và không gian. Có những câu thơ mà cảm giác được liên tục chuyển qua các kênh khác nhau. Thời gian được cảm nhận bằng khứu giác : "Mùi tháng năm" - thời gian của Xuân Diệu được làm bằng hương - chẳng thế mà thi sĩ cứ muốn "buộc gió lại" ư - hương bay đi là thời gian trôi mất, là phai lạt, phôi pha ! Một chữ "sớm" cho thấy khứu giác đã chuyển thành thị giác. Nó nhắc ta nhớ đến hình ảnh giọt lệ. Chữ "vị" liền đó, lại cho thấy cảm giác thơ đã chuyển qua vị giác. Và đây là một thứ vị hoàn toàn phi vật chất : "vị chia phôi" ! Thì ra chữ "rớm" và chữ "vị" đều từ một hình ảnh ẩn hiện trong cả câu thơ là giọt lệ chia phôi đó. Giọt lệ thường long lanh trên khoé mắt người trong giờ phút chia phôi. Giọt lệ thành hiện thân, biểu tượng của chia phôi. Vì sao thời gian lại mang hương vị - hình thể của chia phôi ? Ấy là những cảm giác chân thực hay chỉ là trò diễn của ngôn ngữ theo kịch bản của phép "tương giao" ? Thực ra cái tinh tế của Xuân Diệu là ở chỗ này đây. Thi sĩ cảm thấy thật hiển hiện mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ thật sự là một cuộc ra đi vĩnh viễn. Trên mỗi thời khắc đều đang có một cuộc ra đi như thế, thời gian đang chia tay với con người, chia tay với không gian và với cả chính thời gian. Tựa như một phần đời của mỗi cá thể đang vĩnh viễn ra đi. Từng phần đời đang chia lìa với cá thể. Cho nên thi sĩ nghe thấy một lời than luôn âm vang khắp núi sông này, một lời than triền miên bất tận : "than thầm tiễn biệt". Không gian đang tiễn biệt thời gian ! Và thời gian trôi đi sẽ khiến cho cái nhan sắc thiên nhiên diệu kì này bước vào độ tàn phai. Một sự tàn phai không thể nào tránh khỏi !
Và, một điều rất đáng nói đã bộc lộ đây đó trong thi phẩm này là : do dùng tuổi trẻ để đo đếm thời gian, nên ở Xuân Diệu đã xuất hiện một ý niệm thời gian khá đặc biệt, đó là thì sắc. Thời gian được nhìn ở phía nhan sắc, gắn với nhan sắc của sự vật. Vì thế mà với hồn thơ này, thời gian, về thực chất không có ba thì phân lập rành rẽ với quá khứ - hiện tại - tương lai, mà chỉ có hai thì luôn tranh chấp và chuyển hoá thôi, đó là thời tươi và thời phai. Nó không phải là hai mùa. Không phải Xuân Diệu lược quy bốn mùa vào hai mùa. Mà là hai thì của mỗi một tạo vật thiên nhiên. Thời tươi : vạn vật thắm sắc, thời phai : vạn vật phôi pha, phai lạt. Vật nào trong trần thế này cũng trải qua hai thì ấy. Tất cả những ý niệm thời gian khác như năm tháng, mùa vụ, phút giây,... dường như đều tan trong cái ý niệm "thì - sắc" tổng quát đó. Mà ta thấy ở đây, nó hiện diện trong sự đối lập của "độ phai tàn"(thời phai) và "thời tươi":
- Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
- Cho no nê thanh sắc của thời tươi ;
Có thể nói ý niệm thì - sắc này đã chi phối toàn bộ nhỡn quan Xuân Diệu đối với việc cảm nhận vẻ đẹp của thế giới trong sự trôi chảy vô thuỷ vô chung của nó.
Thế đấy, không thể buộc gió, không thể tắt nắng, không thể cầm giữ được thời gian, thì chỉ có một cách thực tế nhất, khả thi nhất là chạy đua với thời gian, là tranh thủ sống :
Chẳng bao giờ, ôi ! Chẳng bao giờ nữa...
Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm.
Đến đây, phần luận giải của tuyên ngôn vội vàng đã đủ đầy luận lí !
Phần cuối của bài thơ là lúc tuyên ngôn được hiện ra thành hành động, ấy là vội vàng trong hình thái sống của cái tôi cá nhân cá thể này. Bài thơ được kết thúc bằng những cảm xúc mãnh liệt, bằng những ham muốn mỗi lúc mỗi cuồng nhiệt, vồ vập. Đó là cả một cuộc tình tự với thiên nhiên, ái ân cùng sự sống. Chỉ có thể diễn tả như thế, Xuân Diệu mới phô diễn được cái lòng ham sống, khát sống trào cuốn của mình :
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn ;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi ;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
Nếu chọn một đoạn thơ trong đó cái giọng sôi nổi, bồng bột của Xuân Diệu thể hiện đầy đủ nhất, thì đó phải là đoạn thơ này. Ta có thể nghe thấy giọng nói, nghe thấy cả nhịp đập của con tim Xuân Diệu trong đoạn thơ ấy. Nó hiện ra trong những làn sóng ngôn từ đan chéo nhau, giao thoa, song song, thành những đợt sóng vỗ mãi vào tâm hồn người đọc. Câu thơ "Ta muốn ôm" chỉ có ba chữ, lại được đặt ở vị trí đặc biệt : chính giữa dòng thơ, là hoàn toàn có dụng ý. Xuân Diệu muốn tạo ra hình ảnh một cái tôi đầy ham hố, đang đứng giữa trần gian, dang rộng vòng tay, nới rộng tầm tay để ôm cho hết, cho khắp, gom cho nhiều nữa, nhiều nữa, mọi cảnh sắc mơn mởn trinh nguyên của trần thế này vào lòng ham muốn vô biên của nó. Cái điệp ngữ "Ta muốn" được lặp đi lặp lại với mật độ thật dày và cũng thật đích đáng. Nhất là mỗi lần điệp lại đi liền với một động thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, mãnh liệt, nồng nàn : ôm - riết - say - thâu - cắn. Có thể nói, câu thơ " Và non nước, và cây, và cỏ rụng" là không thể có đối với thi pháp trung đại vốn coi trọng những chữ đúc. Thậm chí, đối với người xưa, đó sẽ là câu thơ vụng. Tại sao lại thừa thãi liên từ "và" đến thế ? Vậy mà, đó lại là sáng tạo của nhà thơ hiện đại Xuân Diệu. Những chữ "và" hiện diện cần cho sự thể hiện nguyên trạng cái giọng nói, cái khẩu khí của thi sĩ. Nó thể hiện đậm nét sắc thái riêng của cái tôi Xuân Diệu. Nghĩa là thể hiện một cách trực tiếp, tươi sống cái cảm xúc ham hố, tham lam đang trào lên mãnh liệt trong lồng ngực yêu đời của thi sĩ !
Câu thơ :
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê hương sắc của thời tươi ;
cũng tràn đầy những làn sóng ngôn từ như vậy. Từ "cho" điệp lại với nhịp độ tăng tiến, nhấn mạnh các động thái hưởng thụ thỏa thuê : chểnh choáng - đã đầy - no nê. Sóng cứ càng lúc càng trào dâng, cao hơn, vỗ mạnh hơn, đẩy cảm xúc lên tột đỉnh :
- Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
Ta thấy Xuân Diệu như một con ong hút nhuỵ đã no nê đang lảo đảo bay đi. Lại thấy thi sĩ như một tình lang trong một cuộc tình chếnh choáng men say.
Sống là hạnh phúc. Muốn đạt tới hạnh phúc, phải sống vội vàng. Thế là, Vội vàng chính là cách duy nhất để đến với hạnh phúc, là chính hạnh phúc và dường như cũng là cái giá trả cho hạnh phúc vậy ! Xuân Diệu quả đã mang trong mình nguồn sống trẻ. Xuân Diệu là thi sĩ của nguồn sống trẻ. Ta hiểu vì sao, khi Xuân Diệu xuất hiện, lập tức thi sĩ đã thuộc về tuổi trẻ !
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 8
Người ta vẫn thường hay nói tuổi xuân giống như một cơn mưa rào. Cho dù bạn bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa. Thông thường khi đã đi qua tuổi thanh xuân rồi, người ta mới cảm thấy nuối tiếc. Đúng là như vậy! Chỉ những khi mọi thứ trôi đi ta nhìn lại mới thấy nó đẹp và đáng yêu đến nhường nào. Thời gian là một thứ luôn luôn dịch chuyển, chẳng đứng lại chờ ai bao giờ. Chính vì thế nếu được sống ta hãy sống cho trọn vẹn từng khoảnh khắc, từng phút giây của một đời người. Xuân Diệu đã thể hiện đầy đủ nhất ý thức cá nhân của cái tôi mới và cũng mang đậm bản sắc riêng. Trong số những bài thơ của ông, chúng ta không thể không nhắc đến Vội Vàng. Bài thơ tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của cái tôi Xuân Diệu, in dấu khá đậm cho hồn thơ yêu đời, ham sống, “thiết tha, rạo rực, băn khoăn”. Và quan trọng hơn thế nữa, qua Vội vàng chúng ta nhận ra một quan niệm sống rất mới mẻ - bức thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc.
Vội vàng? Cái tên đã rất Xuân Diệu! Đây là một triết lí sống và cũng là tâm thế sống của nhà thơ: sống nhanh chóng, khẩn trương, mở rộng lòng mình đế ôm ghì, thâu tóm tất cả. Đã hơn một lần ta bắt gặp Xuân Diệu hối hả, cuống quýt, giục giã:
Mau với chứ, vội vàng lên chứ
Em, em ơi, tình non sắp già rồi
Thời gian, mùa xuân, tình yêu tuổi trẻ luôn thường trực, trở đi trở lại trong nhiều trang thơ của Xuân Diệu. Ở Vội vàng ông đã nhận ra một thiên đường ngay trên mặt đất, nhà thơ yêu cuộc sống trần thế xung quanh và tìm thấy trong cuộc sống đó biết bao điều hấp dẫn, đáng sống và biết tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng. Đây là một quan niệm sống rất người, mang ý nghĩa tích cực và có giá trị nhân văn sâu sắc. Nhà thơ muốn nhắn nhủ đến người đọc hãy sống hết mình khi đang còn trẻ tuổi, đừng để thời gian trôi đi phí hoài. Hãy sống gấp gáp để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Hãy luôn giữ cho mình mùa xuân tình yêu của tuổi trẻ.
Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Mở đầu cho bài thơ về tình yêu cuộc sống là niềm khao khát giao cảm với đời. Nhà thơ đã bày tỏ ý muốn rất đặc biệt. Ngay từ đầu chúng ta đã bắt gặp một thái độ sống rất ngông, rất lạ:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Ý tưởng tắt nắng, buộc gió quả thật táo bạo, độc đáo mà chỉ Xuân Diệu mới nghĩ ra, xuất phát từ lòng yêu cuộc sống, thèm sống. Xuân Diệu muốn tắt nắng là để nắng đừng làm phai nhạt màu sắc cỏ cây hoa lá, muốn buộc gió để giữ cho hương đời đừng đổi thay. Xuân Diệu muốn thời gian là tĩnh tại mặc dù ông không nhìn đời với con mắt tĩnh. Cái vô lí đó chính là sự khao khát đến vô biên và tột cùng. Nhà thơ muốn níu giữ thời gian, cuộc sống ấy cho riêng mình. Đó là ao ước được can dự vào vào quy luật của tạo hóa thật táo bạo và khác thường. Khát vọng ấy không phải được bắt đầu từ sự nông nổi ngông cuồng của tuổi trẻ mà cháy lên từ một tâm hồn thi sĩ lạng mạn.
Mọi thứ bắt đầu đều mang một lí do đặc biệt. Xuân Diệu thiết tha với cuộc sống như thế bởi ông đã tìm ra một thiên đường trên mặt đất. Cuộc sống đẹp nhất của cuộc sống trần thế. Nhà thơ cảm nhận cuộc đời như một khu vườn mùa xuân căng đầy nhựa sống. Và khu vườn trong bài thơ cũng vội vàng dâng sắc, tỏa hương, trao mật ngọt. Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về hạ giới (Thi nhân Việt Nam). Cuộc sống xung quanh ta đẹp nhất, thơ mộng nhất vậy thì dại gì mà ta không hưởng. Nhà thơ nhìn mùa xuân với tất cả sự say mê, cuồng nhiệt vồ vập
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây là cửa cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si.
Ong bướm rộn ràng bởi những đóa hoa xuân khoe sắc thắm nổi bật giữa đồng nội xanh rì. Cành tơ phơ phất vươn dáng nõn nà trong bức tranh xuân. Ánh bình minh bừng hé đầy ngạc nhiên vì thế giới xung quanh mình còn yến anh hội hè rộn rã. Những điệp ngữ "này đây..." kết hợp với hình ảnh liệt kê mở ra trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên đang độ viên mãn, tràn đầy, chứa chan xuân tình, vừa gần gũi thân quen lại vừa mượt mà đầy sức sống. Xuân Diệu như vồ vập, ngấu nghiến, thâu tóm tất cả. Nhà thơ như con ong hút mật lạc vào vườn hoa đầy hương sắc. Với ông cái gì cũng hấp dẫn mới lạ. Và bằng cặp mắt xanh non của cái tôi cá nhân Xuân Diệu còn phát hiện ra thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất vẫn là vì có con người. Con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Nhà thơ lấy con người làm thước đo của cái đẹp. Cuộc sống trần thế đẹp nhất vào lúc xuân. Và con người chỉ tận hưởng được lúc đang còn trẻ. Song tuổi trẻ thì phai nhạt dần theo thời gian, vì thế mà ông phải sống vội vàng, gấp gáp:
Tôi sung sướng như vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Nhà thơ tận hưởng cuộc sống một cách gấp gáp, vồ vập bởi một phút giây ra đi vĩnh viễn không trở lại. Mất mát sẽ đến nếu ta không chớp thời cơ. Có lẽ thế mà Xuân Diệu không chờ mùa hạ đến mới nhớ xuân mà ôm riết mùa xuân lúc tràn đầy, tươi non.
Ham sống, khát sống, Xuân Diệu càng băn khoăn hơn trước cuộc đời, thời gian. Ông đã nhận ra quy luật tuyến tính của thời gian, chống lại quy luật tuần hoàn của các cụ ngày xưa. Mỗi phút giây qua đi sẽ không bao giờ trở lại, tuổi trẻ cũng chỉ đến một lần. Nhà thơ mở lòng ra để yêu đời, yêu cuộc sống nhưng không được đời bù đắp, vì thế mà ông băn khoăn buồn chán cho thân phận của mình. Cảnh thiên nhiên giờ đây cũng mang đầy tâm trạng buồn bã, băn khoăn, lo sợ..
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Cơn gió xinh thì thào trong lác biếc
Phải chăng sợ đổ tàn phai sắp sửa?
Nhận thức ra quy luật của thời gian, khát khao sống đến mãnh liệt. Xuân Diệu đã ôm ghì lấy cuộc sống, tận hưởng cuộc sống trọn vẹn để không phí hoài đi thời gian, tuổi trẻ. Tình yêu cuộc sống lại bùng lên cuồng nhiệt hối hả với trạng thái cảm xúc tăng tiến:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn biết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người.
Lòng yêu đời trong thi sĩ tràn lên như một cao trào tình cảm. Hình ảnh thơ tươi mới, đầy sức sống và có lẽ tình yêu cuộc sống của nhà thơ tăng dần theo từng từ muốn "ôm" đến "riết" là đã ghì chặt hơn. Và đã "say" - sự ngây ngất đến bất tỉnh vẫn chưa thỏa lòng - còn muốn "thâu" nghĩa là muốn thu hết tất cả để có sự hòa nhập một. Và cuối cùng là tiếng kêu của sự cuồng nhiệt chưa bao giờ có trong thơ.Đứng trước cái hấp dẫn của mùa xuân, cuộc sống, thi sĩ hình như không nén nỗi lòng yêu đã đi đến một cử chỉ thật đáng yêu: "cắn". Mỗi câu, mỗi chữ đều mang hơi thở nồng nàn, đắm say, ham sống của một nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới. Tất cả cộng hưởng với nhau đã tạo nên một làn sóng ngôn từ và cảm xúc càng lúc càng mảnh liệt dâng lên đến cao trào. Lời thơ luôn đi hối hả như một bản hành khúc của lòng ham sống. Các hình ảnh, nhịp điệu bộc lộ rõ lòng yêu đời cuồng nhiệt khiến nhà thơ phải hối hả, vội vàng đến với cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
"Vội vàng" là một quan niệm sống mới mẻ và táo bạo mà trước đó chưa hề có . Lối sống ở đây biết hưởng thụ một cách chính đáng, biết khẩn trương sống cho ra sống. Tuy nhiên ở bài thơ này, tác giả chỉ đề cập đến lối sống thiên về hưởng thụ chạy đua hối hả với thời gian. Ông kêu gọi mọi người hãy biết yêu và tận hưởng những thứ cuộc sống này ban tặng, hãy tranh thủ thời gian, tuổi trẻ để sống cho trọn vẹn, đủ đầy nhất. Ông đã quên đi nghĩa vụ kêu mọi người phải cống hiến cho cuộc đời. Và trong cuộc đời này, chúng ta sống để cống hiến chứ không phải sống chỉ để vội vàng hưởng thụ.
Đến với bài thơ này, mỗi người như được tiếp thêm một nguồn sống dồi dào, mãnh liệt, biết sống thế nào để cuộc đời ngắn ngủi của mỗi con người trên thế gian này không trôi đi mọt cách vô nghĩa. Qua đó, ta càng thêm yêu cuộc sống này hơn, càng góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp, không chỉ vì cuộc sống hôm nay đã đổi mới, đã đẹp hơn nhiều lần so với cuộc sống ngày xưa của Xuân Diệu mà chủ yếu là không còn những bi kịch để thành những băn khoăn trước cuộc đời. Bức thông điệp nhà thơ gửi đến người đọc vẫn còn nguyên giá trị, được bồi đắp thêm qua thời gian và trường tồn vĩnh cửu. "Vội vàng" là nơi cái "tôi" độc đáo, sáng tạo của thi sĩ được thể hiện rõ nét nhất và tiếng lòng Xuân Diệu được cất lên không trực tiếp nhưng để lại ấn tượng khó quên trong lòng độc giả.
Mỗi chúng ta ai cũng một lần sinh ra và được sống, hãy sống hết mình, cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc nhân dân, đừng sống hoài sống phí, hãy mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả những âm vang tuyệt vời của cuộc đời. Đó là những gì mà Xuân Diệu còn giữ lại, nhắn gửi đến với người đọc của mình bức thông điệp xuyên qua thời gian, không gian, ngự trị muôn đời trong tâm hồn con người Việt Nam.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 9
Trong nhóm tự lực văn đoàn ngoài những cái tên chủ chốt như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam thì cái tên Xuân Diệu cũng được nhiều người biết đến. Thậm chí cái tên Xuân Diệu còn nổi hơn cả tự lực văn đoàn. Với phong cách thơ tiếp thu những mặt tích cực của thơ Pháp và chủ đề mùa xuân tình yêu thơ Xuân Diệu đã chinh phục được biết bao nhiêu trái tim người đọc. Người ta nhìn thấy ở thơ ông sự nhiệt huyết yêu đời, cái tôi bản ngã, đôi mắt xanh non biếc rờn. Đặc biệt trong tất thảy những sáng tác của ông thì người ta nhớ đến nhiều nhất là tác phẩm Vội Vàng được trích trong tập Thơ Thơ (1938). Bài thơ như một minh chứng điển hình cho phong cách thơ cùng với quan điểm sống của thi sĩ.
Thơ Xuân Diệu là thơ rất hiện đại vì thế cho nên nhà thơ không bao giờ cố định hay gò bó mình vào hình thức thơ nhất định. Ngay trong bài Vội Vàng thể thơ thi sĩ chọn vẫn là sự tự do. Và có lẽ đây chính là sự lựa chọn sáng suốt trong việc thể hiện cảm xúc quan điểm sống với cuộc đời này của nhà thơ. Thi sĩ mở đầu bài thơ bằng bốn câu thơ năm chữ:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Nhìn chung ta thấy được ở đây một biện pháp nghệ thuật lặp cấu trúc câu. Đó là cấu trúc “Tôi muốn…” và “cho…”. Điều đó nhằm thể hiện được khát khao mãnh liệt của nhà thơ. Vậy thì khát khao đó là gì?. Nhà thơ không nói xa nói gần mà nói thẳng vào chủ đề và thể hiện cái tôi cá nhân của mình bằng cách xưng tôi. Xuân Diệu yêu đời, khát khao giao cảm với đời muốn tắt nắng đi để cho màu được giữ nguyên vẻ tươi tắn không bị bạc đi. Và nhà thơ muốn buộc cả gió lại để lưu giữ hương sắc đất trời. Hành động ấy mong muốn ấy thể hiện sự đoạt quyền tạo hóa để giữ lại màu sắc hương vị của cuộc đời. Nắng làm sao có thể tắt đi được, gió thì cũng làm sao có thể buộc lại được. Cái vô lý ấy cũng chỉ góp phần nhấn mạnh vào sự yêu đời và mong muốn lưu giữ lại những hương sắc đất trời của thi sĩ mà thôi.
Nếu như bốn câu thơ thể hiện mong muốn của nhà thơ thì bảy câu thơ tiếp theo như lời giải thích tại sao nhà thơ lại yêu cuộc sống này đến mức muốn đoạt quyển tạo hóa:
“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Và với những hình ảnh đẹp Xuân Diệu đã bày ra trước mắt ta một thiên đường trên mặt đất một bữa tiệc trần gian. Đầu tiên là hình ảnh tuần tháng mặt với ong bướm rập rìu. Nói ong bướm nhưng cũng chính là nói những người đang yêu nhau, đó là đôi vợ chồng mới cưới và cùng nhau hạnh phúc trong tuần trăng mặt hạnh phúc êm đềm. Nào là hoa của đồng nội xanh rì hay lá của cành tơ phơ phất. Điệp từ “này đây” như mời gọi tất cả mọi người hãy cùng thưởng thức bữa tiệc ấy còn từ “của” lại thể hiện sự sở hữu của thiên nhiên. Những hình ảnh ấy rất đỗi thân quen trong cuộc sống đời thường thế nhưng sao khi qua hệ thống ngôn từ mượt mà của Xuân Diệu lại trở nên tươi đẹp đáng yêu đến thế. Màu của bức tranh ấy là màu xanh bình yên, mộc mạc, màu của hạnh phúc lứa đôi. Không chỉ thế bức tranh thiên nhiên còn có âm thanh của những cặp yến anh với những khúc tình si ngọt ngào. Nói yến anh hay chính là khúc nhạc của tình yêu đôi lứa. Ánh sáng là một thứ không thể thiếu để tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoàn hảo xứng đáng là một thiên đường trên mặt đất. Đó là ánh sáng bình minh hiện lên cùng hình ảnh người thiếu nữ thức giấc sau một đêm mộng mị.
Bình minh đến trên rèm mi rợp mắt. Người con gái xinh đẹp thức dậy mang đầy ánh sáng bình minh trên ánh mắt của mình. Đặc biệt là hình ảnh “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” luôn là hình ảnh được nhiều người yêu thích và công nhận sự táo báo mới mẻ trong thơ Xuân Diệu. Nhà thơ có cái nhìn quả là xanh non biếc rờn. Tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân khi ấy đất trời đang đà chuyển đổi, sinh sôi nảy nở, những chồi non của cây cối được sinh ra, mùa của con người vui niềm vui sum họp. Nhà thơ không ví sự đẹp đẽ ấy với hình ảnh thiên nhiên như thơ cũ mà nhà thơ ví như đôi môi căng mộng của người con gái. Có lẽ tháng giêng giống như đẹp trong trĩnh căng mọng như bờ môi thiếu nữ vậy.
Câu thơ tiếp theo như thể hiện hết những cũng bậc cảm xúc của nhà thơ khi cảm nhận được những điều tuyệt vời của cuộc sống:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”
Về mặt hình thức chúng ta thấy có một dấu chấm ngắt câu giữa dòng thơ. Có thể nói nhà thơ không đặt dấu chấm vào đó cho vui tay cho lạ mà là cả một ý đồ nghệ thuật nhằm thể hiện cảm xúc của mình. Dấu chấm ấy đã tách riêng biệt hay cũng chính là thể hiện sự đối lập mâu thuấn trong tâm trạng của nhà thơ. Trước thiên đường trên mặt đất ấy nhà thơ sung sướng tận hưởng nhưng lại cảm thấy lo lắng và vội vàng. Đó cũng chính là sự đối lập tiêu biểu trong thơ của Xuân Diệu: yêu cuộc đời đến cuồng nhiệt nhưng lại hồ nghi và cô đơn. Đặc biệt vế “tôi sung sướng” là sự quy nạp cho cảm xúc về bức tranh thiên nhiên như bữa tiệc trần gian kia còn “Vội vàng một nửa” lại là luận điểm để cho những diễn dịch về sau sẽ giải thích tại sao nhà thơ lại vội vàng.
Những câu thơ tiếp theo nhà thơ lý giải cho việc vội vàng của mình. Nguyên nhân khiến cho trạng thái của thi si như thế là do sự đối lập giữa tình yêu, mùa xuân và tuổi trẻ:
“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”
Nhà thơ không thể chờ nắng hạ mới hồi xuân, lòng khát khao sống hòa nhập với cuộc đời khiến cho nhà thơ như vội vàng cuống quýt. Lý giải về sự vội vàng của mình Xuân Diệu đưa ra quy luật khác nghiệt của tự nhiên. Điệp từ “nghĩa là” giống như tác giả đang định nghĩa về thời gian màu xuân và tuổi trẻ, tình yêu. Bằng hàng loạt các từ đối lập nhau “đương tới”, “đương qua”; “non”, “già” nhà thơ đã thể hiện được quan niệm thời gian là tuyến tính một đi không trở lại. Ngày hôm nay xuân mới đến đấy nhưng ngày hôm sau xuân đã đi và có nghĩa là thời gian trôi thì con người sẽ già không còn tuổi trẻ và tình yêu nữa. Thời gian luôn là kẻ thù của tuổi trẻ và tình yêu. Thi sĩ Hồ Xuân Hương từng viết:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”
Lòng khao khát tuổi trẻ và tình yêu của Xuân Diệu thì vô cùng lớn còn lượng trời thì hẹp. Tuổi trẻ nhân gian chỉ có thời ròi cũng qua đi như những mùa xuân kia nhưng khác một chỗ là không thể trở lại thêm một lần nào nữa. Chính vì thế nhà thơ nhìn đâu cũng thấy sự phai tàn và chia phôi.
Từ nhận thức bước đi nghiệt ngã của thời gian ấy, Xuân Diệu không thể nào không vội vàng được. Nhìn mọi thứ như sắp phai tàn và chàng thi sĩ của chúng ta gấp gáp để tận hưởng những gì tốt đẹp của cuộc sống:
“Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Có thể nói cả bài Vội Vàng đều hay những đoạn thơ này càng làm nên sự hấp dẫn của thi phẩm này. Nhà thơ giục giã gấp gáp để bắt kịp dòng thời gian, nhà thơ như muốn đi trước cả thời gian để tận hưởng cho hết những thanh sắc cuộc đời này. Hàng loạt các động từ mạnh như “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn” cùng những hình ảnh đầy hấp dẫn như “mây đưa”, “gió lượn”, “cánh bướm với tình yêu”, “hôn nhiều” được nhà thơ sử dụng triệt để nhằm thể hiện rõ khao khát tận hưởng cuộc sống mến thương này. Không những thế các tính từ như “chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê” thể hiện được sự tận hưởng đến viên mãn tròn đầy. Động từ “cắn” một lần nữa khẳng định khát khao mãnh liệt ấy.
Như vậy Xuân Diệu đã phô bày trước mắt chúng ta những hình ảnh thân quen nhưng lại đầy hấp dẫn của cuộc sống này. Thi sĩ quả thật đúng với bao lời khen của biết bao người. Đọc thơ Xuân Diệu ta như được tưới thêm nguồn sống, thêm yêu đời và yêu cuộc sống này biết bao. Tuy nhiên khát khao sống hòa nhập với đời nhưng cũng không nên sống quá vội vàng vì cuộc sống nếu quá vội vàng sẽ xảy ra hậu quả không tốt.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 10
Nhắc đến ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, ta thường nhớ tới những vần thơ lãng mạn, dịu dàng xen lẫn sự đằm thắm, thiết tha. Tiếng thơ Xuân Diệu lúc nào cũng là một sự mới mẻ, viết những điều không mới nhưng cách diễn đạt vô cùng độc đáo, đi sâu vào lòng người. Bài thơ Vội vàng chính là một bài thơ như vậy. Tình cảm yêu mến, say mê của tác giả đối với cuộc đời được thể hiện qua 13 câu thơ đầu. Chỉ thông qua 13 câu thơ đầu ngắn ngủi cũng đủ để thấy cái tôi lãng mạn của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước.
Ngay từ những câu thơ mở đầu, Xuân Diệu đã thể hiện ước muốn cháy bỏng của mình:
"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi"
Nắng và gió là hai hiện tượng tự nhiên không thể nào kiểm soát được, ấy thế nhưng Xuân Diệu lại muốn "tắt nắng", muốn "buộc gió", thể hiện một khát khao như muốn đoạt quyền của tạo hóa. Các điệp từ "Tôi muốn", "cho" như nhấn mạnh niềm mong mỏi, ao ước của thi nhân. Sở dĩ Xuân Diệu lại có suy nghĩ như vậy là bởi thiên nhiên đất nước tươi đẹp quá, ông muốn níu giữ những hương sắc của cuộc đời, để tận hưởng nó một cách trọn vẹn nhất. Màu của nắng ơi, đừng phai nhạt đi vội, cũng như những hương gió được cảm nhận bằng xúc giác, sao nỡ lòng nào vội bỏ ta mà đi! Ta có thể thấy cách bày tỏ tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời của Xuân Diệu thực sự rất mới mẻ, như một lời ca cất lên tự đáy lòng của một tâm hồn đa cảm.
Bức tranh thiên nhiên ở những câu thơ tiếp theo hé lộ tại sao nhà thơ lại yêu nó đắm say đến như vậy:
"Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi"
Một loạt những hình ảnh đẹp đẽ của tự nhiên được tác giả nêu ra: "Ong bướm, hoa cỏ, yến anh...." cùng với điệp từ "Này đây" như khơi gợi ra trước mặt bạn đọc rằng: "Hãy nhìn kìa, bức tranh thiên nhiên mùa xuân thật tươi đẹp!" Xuân Diệu đã vẽ nên một bức tranh tràn đầy sức sống của sự vật, nào là sự tốt tươi của hoa lá, của cây cỏ, nào là sự nhộn nhịp của chim muông, sự ngọt ngào của ong bướm.... Đứng trước một cảnh vô cùng nên thơ, quyến rũ như vậy, làm sao con người ta không say mê cho được? Hai câu thơ tiếp theo là một sự so sánh mà chỉ Xuân Diệu mới có thể diễn tả hay đến như vậy:
"Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"
Hình ảnh "Thần vui" gợi liên tưởng đến vị thần mặt trời của Hy lạp hằng ngày mang ánh sáng đến khắp thế gian. Với Xuân Diệu, thần vui cũng mang ý nghĩa như vậy. Nhà thơ coi mỗi một ngày của cuộc sống là một ngày vui, được thỏa lòng chiêm ngưỡng vẻ đẹp khắp nhân gian, để vui đùa với trần thế. Nhà thơ cũng muốn đem những niềm vui ấy đến với mọi người, để cùng san sẻ những điều hạnh phúc trong cuộc sống. Hình ảnh so sánh "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần" là một sự hình dung vô cùng chân phương, kiều diễm và không kém phần tình tứ của nhà thơ. Cặp môi gần của người thiếu nữ vừa quyến rũ, vừa đằm thắm, lại rất trẻ trung, nó làm say mê không biết bao nhiêu người. Hình ảnh tháng giêng - tháng đầu tiên của mùa xuân cũng đẹp đẽ, quyến rũ như đôi môi của người con gái vậy. Rõ ràng, Xuân Diệu đã cảm nhận thiên nhiên bằng cả tấm lòng mình, từ thị giác, xúc giác cho đến thính giác....
Hai câu thơ cuối trong 13 câu thơ này như là một sự khẳng định chắc nịch của nhà thơ:
"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"
Đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nhà thơ nói với bạn đọc cái cảm xúc của chính mình, đó là sự sung sướng. Nhưng đan xen với niềm vui sướng, hạnh phúc ấy là một sự "vội vàng". Mùa xuân chưa qua đi nhưng tác giả đã cảm thấy tiếc nuối, tuổi trẻ chưa qua đi nhưng nhà thơ đã sợ nó sắp đi mất rồi. Phải chăng vì quá yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống nên Xuân Diệu mới vội vã đến như vậy? Ta hiểu được sâu sắc cái ước muốn "tắt nắng", "buộc gió" ban đầu của nhà thơ. Chốt lại 13 câu thơ đầu, Xuân Diệu khẳng định: "Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân". Nhà thơ không thể chờ đợi được nữa, ông cho rằng mỗi giây phút mình sống trên cuộc đời đều phải sống thật ý nghĩa. Con người là một sinh vật nhỏ bé giữa cuộc đời, làm sao so sánh được với sự to lớn, sự trôi chảy nhanh chóng của thời gian. Tuổi trẻ, tuổi xuân của con người cũng như vậy, cần sống và cống hiến hết mình để không phải nuối tiếc sau này. Ý thơ dễ hiểu, cách diễn đạt sâu sắc mà thấm thía như gieo vào lòng bạn đọc tình cảm yêu mến trước cuộc đời và lời nhắn nhủ phải sống tích cực, sống trọn vẹn từng phút giây là điều mà Xuân Diệu muốn truyền tải đến với mọi người. Ta cũng thêm cảm phục trước tài năng miêu tả tài tình của nhà thơ.
Mạch thơ gắn kết, cô đọng nhiều tầng ý nghĩa chỉ trong 13 câu thơ đầu, ta cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên mùa xuân vô cùng tươi đẹp, tràn trề sức sống cùng với tình yêu cuộc đời tha thiết của nhà thơ. Cách cảm nhận chỉ qua những sự vật quen thuộc, đơn giản nhưng lại thể hiện một sự mới mẻ trong từ ngữ khiến cho ta hiểu vì sao Xuân Diệu được coi là ông hoàng thơ tình của văn học Việt Nam hiện đại. Có lẽ cho đến mãi sau này cũng khó có ai có thể diễn đạt mạch cảm xúc trôi chảy, tự nhiên và nồng thắm như trong thơ của ông.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 11
“Vội vàng” là một tác phẩm đặc sắc của nhà thơ Xuân Diệu đã tạo nên một ấn tượng đặc biệt đối với bạn đọc bao thế hệ. Thi phẩm là minh chứng rõ ràng về hồn thơ của Xuân Diệu luôn có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại trong tư tưởng và tình cảm thẩm mỹ, vừa mang một phong cách rất Tây gợi mở và nồng nàn, nhưng sâu kín lại là tâm hồn dân tộc đầy sâu sắc. Tác phẩm đã nêu lên quan niệm sống độc đáo đầy mới mẻ. Bởi đã lí giải thật thuyết phục những nguyên nhân để con người có ý thức sống, biết yêu trần thế; biết trân trọng tuổi trẻ và tình yêu; biết sống chủ động trước sự vận động, biến chuyển không ngừng của thời gian và tạo vật trong vũ trụ.
Xuân Diệu (sinh năm 1916 – mất năm 1985), tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu. Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho ở Hà Tĩnh nhưng lớn lên ở quê mẹ là Quy Nhơn, Bình Định. Xuân Diệu có một khoảng thời gian đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (Tiền Giang) sau khi tốt nghiệp tú tài. Tuy nhiên sau đó, cuộc đời của ông lại rẽ hướng sang sự nghiệp viết văn ở Hà Nội. Từ đây, Xuân Diệu đã tìm đường được niềm mê đích thực và nguyên gắn bó cả cuộc đời mình với nền văn học dân tộc.
Niềm đam mê đã được bản thân Xuân Diệu xác định và được ông hết mực trau dồi khi ông tham gia hăng say vào các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở thời điểm ông là thành viên tích cực của mặt trận Việt Minh từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Xuân Diệu cũng là người giữ nhiều chức vụ cao trong những cơ quan hoạt động về mảng văn hóa, văn nghệ. Các chức vụ mà Xuân Diệu đã từng đảm nhiệm có thể kể đến là: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III.
Tên tuổi của ông không chỉ được bạn đọc trong nước biết đến mà còn gây được tiếng vang trên diễn đàn văn học quốc tế. Chính vì lẽ đó, năm 1983, Xuân Diệu được bầu là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức. Ông cũng là một trong những nhà thơ, nhà văn tiêu biểu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật trong đợt trao giải đầu tiên năm 1996.
Thành công mà Xuân Diệu gặt hái được là kết quả của một quá trình lao động cần cù, kiên nhẫn và sáng tạo với lòng quyết tâm và một niềm say mê to lớn. Bên cạnh đó, bản thân Xuân Diệu có xuất thân từ một gia đình nhà nho, bản thân ông lại là một trí thức Tây học được đào tạo chính quy nên trong các sáng tác của mình, Xuân Diệu thường thể hiện khả năng kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố là cổ điển và hiện đại.
Xuân Diệu thu được thành công ở nhiều lĩnh vực nhưng nổi bật hơn cả là trong thơ ca. Trong những sáng tác tuyệt vời mà Xuân Diệu để lại cho đời, những bài thơ tình của ông chính là những kiệt tác về một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý của con người, có lẽ vì lẽ đó mà ông được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình”. Và có một lời nhận xét dành cho Xuân Diệu rằng “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới” (Nhà phê bình văn học Hoài Thanh). Đó là lời nhận xét đầy thiện cảm và cũng có cơ sở rõ ràng khi chúng ta có thể tìm thấy sự mới mẻ đó của ông trên nhiều phương diện như: cảm xúc, quan niệm sống và sự cách tân nghệ thuật.
Vội vàng đã thể hiện một tâm hồn yêu đời và ham sống đến cuồng nhiệt của “cái tôi” hiện đại cùng với một quan niệm mới về thời gian, tuổi trẻ một đi không bao giờ trở lại của nhà thơ.
Sự sáng tạo độc đáo về nghệ thuật trong bài thơ của Xuân Diệu: đó là nghệ thuật dùng từ, sáng tạo trong việc đặt câu, cùng với hình ảnh thơ; là sự kết hợp giữa mạch cảm xúc say mê, cuồng nhiệt, dồi dào và mạch luân lí chặt chẽ trong một hình ảnh thơ mới mẻ đầy táo bạo.
Chỉ với bốn câu thơ nhưng Xuân Diệu đã thể hiện những mong muốn rất táo bạo của mình:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Đoạn thơ có sự hiện diện của điệp ngữ “tôi muốn” đã cho thấy những khát vọng tha thiết của nhà thơ, đó là “buộc gió lại” và “tắt nắng đi”. Thực tế, đó là những khát vọng khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, những động từ mạnh “tắt”, “buộc” cùng sự kết hợp với điệp ngữ “tôi muốn” trong một kết cấu ngũ ngôn vui tươi, giọng thơ vội vã, gấp gáp đã làm nổi bật “cái tôi” cá nhân với ước muốn ngông cuồng, táo bạo và đầy lãng mạn. Nhà thơ như muốn giữ lại tất cả những hương sắc đẹp nhất của cuộc đời, đặc biệt là giữ lại hương sắc ấy ở trạng thái nồng nàn nhất của nó chứ không hề mong muốn có một chút phai nhạt.
Vì sao tác giả lại có một khát khao mãnh liệt trong việc muốn chặn lại bước đi của thời gian, muốn chống lại quy luật của thiên nhiên, vạn vật? Khi Cảm nhận bài thơ Vội vàng, ta nhận thấy trong những câu thơ tiếp theo, tác giả đã gửi gắm câu trả lời của mình vào trong đó:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa.”
Những câu thơ đã giúp Xuân Diệu vẽ ra một bức tranh thiên nhiên và cuộc sống tươi đẹp. Đó là những ngày tháng hạnh phúc của ong bướm đương tuần tháng mật; là sự tươi tắn, tràn đầy sức sống của hoa đồng nội; là lúc non xanh của cành tơ phơ phất; là khúc hát rộn rã, say đắm của yến anh; là cái cái dịu dàng, trong sáng của buổi sớm bình minh như cái chớp mắt của người thiếu nữ. Đó chính là những khoảnh khắc tuyệt diệu nhất của tạo vật thiên nhiên.
Với những hình ảnh thơ gợi cảm, những động từ và phép liệt kê linh hoạt thông qua điệp ngữ “này đây”, thiên nhiên hiện lên vừa sinh động, gần gũi, thân quen, vui tươi lại vừa tình tứ, quyến luyến. Cảm nhận bài thơ Vội vàng, ta nhận thấy nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên rồi thổi hồn vào đó một tình yêu ngây ngất, đắm say. Thiên nhiên xuất hiện trong thơ Xuân Diệu tựa hồ như đang bày ra trước mắt một bữa tiệc thịnh soạn của trần gian để mời gọi, quyến rũ con người. Cũng thông qua đây, nhà thơ gửi gắm quan niệm mới mẻ về cuộc sống, về tuổi trẻ và hạnh phúc:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Theo quan niệm của nhà thơ thì thế giới này đẹp nhất là vì có tuổi trẻ con người và sự hiện hữu của tình yêu. Nếu như thời gian mở đầu cho một năm là tháng giêng với biết bao niềm tin, hi vọng về những gì đẹp đẽ, tươi mới thì thời gian quý nhất của đời người là tuổi trẻ và hạnh phúc quý nhất của tuổi trẻ là tình yêu.
Cũng với những câu thơ này, tác giả đã bộc bạch tâm trạng của một người thi sĩ: trân trọng thời gian nên mới có hình ảnh so sánh táo bạo kết hợp với sự chuyển đổi cảm giác độc đáo (“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”) và tự hạ quyết tâm là:“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Đó thật sự là một cảm xúc mới mẻ và là niềm khao khát đến cháy bỏng về tình yêu, hạnh phúc và tuổi xuân. Có những cảm xúc ấy, nhà thơ cũng đồng thời không thể giấu đi tâm trạng sung sướng nhưng cũng rất vội vàng khi đón nhận tất cả những gì đẹp nhất của cuộc sống với một nỗi sợ luôn thường trực: sợ mùa xuân, tình yêu rồi có lúc sẽ qua mất.
Theo cái nhìn của tác giả, trong sự vận động của vũ trụ, thời gian sẽ vẫn mãi chảy trôi mà cuộc đời con người một khi đã qua đi thì sẽ không bao trở lại, mỗi một phút giây trôi qua là nó đang mất đi vĩnh viễn:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già,
Và xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”
Cũng có một chân lí mà con người buộc phải thừa nhận mặc dù là sự thừa nhận trong tiếc nuối: “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Đối với nhà thơ, mỗi khoảnh khắc trôi qua là lại có một sự mất mát, chia lìa. Mọi sự vật trong vũ trụ đang từng phút, từng giây ngậm ngùi chia ly, tiễn biệt một phần đời của mình:
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?”
Các động từ “rớm”, “than”, “hờn” đã tập trung thể hiện sự ngậm ngùi xót xa, vừa là cảm xúc tiếc nhưng cũng vừa là cảm giác đau. Mọi sự cảm nhận về bước đi của thời gian đều có sự chuyển biến sang cảm giác và đã có lúc phải thốt lên đầy ngậm ngùi:
“Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”
Có lẽ, từ xuất phát điểm là sự thức tỉnh sâu sắc về “cái tôi” cá nhân trong sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi cá nhân trên cuộc đời. Cùng với đó là sự nâng niu, trân trọng từng phút giây được sống, nhất là những năm tháng của tuổi trẻ nên Xuân Diệu đã có những cảm nhận về thời gian và sợ thời gian trôi nhanh như thế.
Triết lý sống vội vàng, nồng nhiệt và hồ hởi
Càng sợ bao nhiêu, nhà thơ càng giục giã, vội vàng và cuống quýt tận hưởng cho kịp tình yêu và cuộc sống:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”
Cảm nhận bài thơ Vội vàng, ta nhận ra những câu thơ được viết với giọng điệu sôi nổi, điệp ngữ “tôi muốn” liên tiếp xuất hiện ở đầu câu cùng với hàng loạt động từ, tính từ gợi cảm theo chiều tăng tiến như “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn” “chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê”:
“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;”
Những tính từ, động từ đã góp phần diễn tả sâu sắc hơn tâm trạng cuồng nhiệt của một niềm khát khao, sôi nổi và cháy bỏng: muốn tận hưởng niềm hạnh phúc của tuổi xuân, của tình yêu và sự tinh túy của đời sống mà mỗi người được ban tặng. Điệp ngữ “tôi muốn” ở đoạn thơ đầu có sự chuyển biến thành “ta muốn” như một lời nhắn nhủ rằng tất cả mọi người hãy sống thật nồng nhiệt, thật hết mình với cuộc đời trần thế.
Đến cuối cùng, niềm khát khao vô bờ đã được đẩy lên tột đỉnh thành ước muốn “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”, sự nhân hóa thiên nhiên này đã trở thành một bệ phóng đẩy niềm khát khao về cuộc đời và tuổi trẻ được thăng hoa. Có thể thấy, khi Cảm nhận bài thơ Vội vàng đã giúp người đọc thấy được quan niệm sống đầy mới mẻ, đầy táo bạo cuồng nhiệt của thi nhân.
Qua “Vội vàng”, Xuân Diệu đã chuyển tải vào trong đó quan niệm thẩm mĩ mới mẻ và quan niệm nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn. Đây cũng là một đại diện tiêu biểu của “cái tôi” thơ mới và cũng mang những phong cách rất riêng của hồn thơ Xuân Diệu.
Nhà thơ đã cho thấy tài năng của mình ở một số phương diện: biến đổi linh hoạt câu chữ để thể hiện sự biến chuyển trong tâm trạng, cảm xúc; hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc nhưng cũng rất mới mẻ, sáng tạo; ngôn từ táo bạo chứa đựng cảm xúc dồi dào, mãnh liệt cùng với đó là sự kết hợp khéo léo giữa mạch cảm xúc và những triết lí sâu xa về cuộc sống.
Bài thơ “Vội vàng” đã thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc: lòng yêu đời, yêu màu xuân, yêu tuổi trẻ; sự thích sống và thèm sống đến mãnh liệt… Chính vì thế mà “lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng cái giọng yêu đời thấm thía”.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 12
Mùa xuân đến trong sự chào đón của đất trời và của cả lòng người. Đề tài mùa xuân có lẽ đã quá quen thuộc trong nền văn học từ xưa đến nay. Khi những cánh én chao nghiêng trên bầu trời, khi những cánh đào, cành mai khoe sắc thắm, khi cơn gió xuân ấm áp mơn man trên mái tóc, những vần thơ về mùa xuân lại được cất lên để ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, diễn tả niềm vui say, háo hức của con người khi mùa xuân đến. Xuân Diệu được coi là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Là một thi sĩ của tình yêu và tuổi trẻ, không lí gì ông lại không yêu mùa xuân. Bằng một hồn thơ trẻ trung, tươi mới, ông đã đưa người đọc đến một vườn xuân tràn ngập ánh sáng, rực rỡ hương thơm, ngỡ như một thiên đường trên mặt đất. Từ đó, ông bày tỏ quan niệm về lối sống vội vàng để tận hưởng hết mọi phút giây hạnh phúc trên trần giới. Dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn phân tích bài thơ “Vội vàng”- bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu.
Khi viết lời đề tựa cho tập Thơ Thơ của Xuân Diệu, Thế Lữ đã nồng nhiệt khẳng định: “Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người, lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần, ông đã không trốn trành mà còn quyến luyến cõi đời này”. Xuân Diệu xuất hiện trên văn đàn thơ lãng mạn Việt Nam 1930- 1945 như một ông hoàng thơ tình, một thi sĩ của tuổi trẻ và tình yêu. Đến với thơ của ông, chúng ta bắt gặp một hồn thơ trẻ trung, tươi mới, luôn khao khát giao cảm với đời đến mãnh liệt. “Vội vàng” là bài thơ thể hiện tập trung và rõ nét nhất phong cách thơ Xuân Diệu.
“Vội vàng” lấy đề tài quen thuộc là mùa xuân. Mùa xuân trong thơ cổ thường gắn với trạng thái nhàn nhã, vô tư của thi nhân xưa. Còn trong phong trào thơ mới, nếu như Chế Lan Viên thù ghét mùa xuân mà khắc khoải tìm về “ thu trước xa lăm lắm” bao nhiêu thì Xuân Diệu lại say đắm mùa xuân bấy nhiêu. Mở đầu bài thơ, thi sĩ đã bộc lộ cái tôi trữ tình ấy một cách đầy táo bạo:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Những câu thơ cho thấy một sự tân kì, mới lạ chưa từng có trong thơ ca truyền thống. “Tôi muốn” lặp lại hai lần diễn tả cái khao khát mãnh liệt muốn đảo ngược thiên nhiên, chặn vòng quay của vũ trụ và đoạt quyền tạo hóa để buộc lại dòng thời gian niên viễn không ngừng, để níu giữ mọi vẻ đẹp của trần thế đang thời tươi sắc. Có thể nói qua khao khát có phần ngông cuồng và phi lí ấy, Xuân Diệu đã thể hiện quan niệm sống trọn vẹn với mỗi phút giây hiện tại, xua tay chối từ quá khứ và cuộc đời phẳng lặng, nhạt nhẽo. Nếu khi xưa, các nhà thơ thường chỉ sử dụng thị giác và thính giác để cảm nhận vẻ đẹp của ngoại giới thì thi sĩ thời Thơ mới “ thức nhọn mọi giác quan” để thưởng thức trọn vẹn mọi vẻ đẹp và sự say đắm, quyến rũ hồn người của vạn vật lúc xuân sang:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si...
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Sự sống căng tràn, gợi cảm đang phơi bày trước mắt đầy mời gọi, hấp dẫn. Những vẻ đẹp được miêu tả với những tính từ giàu sức biểu cảm đã thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ của Xuân Diệu, cảnh vật trở nên ngập tràn màu sắc, cuộn trào sức sống. Mùa xuân qua cặp mắt xanh non, rờn biếc của thi sĩ là bức tranh rực rỡ sắc màu,chói lòa ánh sáng, nồng nàn hương thơm và rộn rã âm thanh. Đang chìm trong ngập tràn xuân sắc, giọng thơ đang sôi nổi bỗng trầm xuống trong nỗi lo âu sắc xuân sẽ qua đi, sẽ phai tàn:
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt...
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...”
Câu thơ định nghĩa rất mới, rất Tây, mạch cảm xúc gắn với mạch triết luận, thể hiện khát vọng muốn cắt nghĩa, truy nguyên cội nguồn sự chảy trôi của thời gian. Bằng những cặp từ đối lập tương phản, nhà thơ thể hiện một quan niệm vừa quen vừa lạ. Quen vì người xưa cũng từng thở than: xuân thì bất tái lai. Lạ là bởi vì đó là tiếng lòng của một cái tôi ham sống, coi mùa xuân và tuổi trẻ là tất cả của mình, cho nên thi sĩ thở dài tiếc nuối vì mùa xuân của đất trời thì tuần hoàn nhưng tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại, cho nên khó tránh khỏi cảm giác bâng khuâng, tiếc nuối. Đó là những cảm xúc chỉ có ở một tâm hồn ham sống, yêu cuộc đời, yêu tuổi trẻ. Xuân Diệu đã căng mở tất cả các giác quan, toàn tâm toàn ý để cảm nhận sự chảy trôi của thời gian. Hiểu được sự hữu hạn của đời người, sự ngắn ngủi của tuổi trẻ, ông đã đưa ra triết lí sống đẹp là phải sống vội để có thể tận hưởng hết mọi vẻ đẹp, niềm hạnh phúc trên trần thế này.
Đoạn cuối cùng, nhà thơ bỗng chuyển từ “tôi” sang “ta”, nhịp thơ nhanh, dồn dập, gấp gáp, giọng thơ sôi nổi say mê của một con người xanh tuổi trẻ lòng:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Xuân Diệu thể hiện khao khát mãnh liệt muốn dang rộng vòng tay, mở rộng tâm hồn để ôm cho khắp, thâu cho trọn, riết cho chặt cả cuộc sống đang thời tươi sắc. Cả đoạn thơ tràn ngập những động từ, từ láy diễn tả những hành động, trạng thái, đặc biệt là những cảm xúc nhục thể là sản phẩm của nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Chính những câu thơ ấy tạo cho ta cảm giác về một dòng sông cảm xúc đang dâng trào dữ dội, để rồi kết thúc bài thơ trong sự ấn tượng và bất ngờ. Trong thơ Xuân Diệu, mùa xuân đầy mời gọi, hấp dẫn trong cặp môi thắm, má hồng. Hình ảnh xuân hồng với từ “cắn” khiến người đọc xen chút giật mình vì tứ thơ độc đáo, thể hiện khao khát mãnh liệt: được sống để yêu.
Với “Vội vàng”, Xuân Diệu đã đem đến cho nền văn học Việt Nam một làn gió mới lạ, thật tân kì, thật trẻ trung, thật tươi mới. Qua bài thơ, ta còn bắt gặp hình ảnh một cái tôi trẻ tuổi trẻ lòng với cặp mắt xanh non và rờn biếc đang thức nhọn mọi giác quan để cảm nhận mọi vẻ đẹp của trần thế, cùng với quan niệm sống vội vàng, sống hết mình để hưởng thụ từng phút giây hiện tại của tuổi trẻ và hạnh phúc.
Cảm nhận bài thơ Vội vàng - mẫu 13
Nhà thơ Thế Lữ đã từng có nhận xét khá tinh tế về Xuân Diệu: “Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian”. Có thể nói, Xuân Diệu đã đem đến cho thơ ca Việt Nam một “bộ y phục tối tân”, táo bạo, một “cảm hứng dạt dào chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này”. Cứ mỗi độ xuân về, trái tim non của những thế hệ trẻ lại rung lên với cảm xúc yêu đời tha thiết, mãnh liệt trước lời ru yêu đời mà thấm thía của Xuân Diệu. Một trong những lời ru yêu đời thấm thía ấy được gửi gắm qua tác phẩm “Vội vàng”. Cả bài thơ là niềm yêu đời mãnh liệt, lòng ham sống đến bồng bột, cuồng nhiệt.
“Vội vàng” được trích trong tập “Thơ thơ”. Nhan đề này đã thể hiện rất rõ nét đầy đủ tâm thế, triết lý sống quen thuộc của nhà thơ XD trước cách mạng T8: sống là vội vàng, cuống quýt, gấp gáp. “Vội vàng” được coi là bài thơ tâm tình của mùa xuân của trái tim tuổi 20 căng tràn nhựa sống.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Câu thơ ngắn, nhịp thơ nhanh liên tiếp các điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, khổ thơ như khúc ca sôi nổi, say mê về những ước muốn khát khao cất lên từ trái tim của thi sĩ. Muốn tắt nắng, muốn buộc gió để màu đừng nhạt, hương đừng phai, nghĩa là Xuân Diệu muốn níu giữ mãi hương thơm sắc thắm, muốn bất tử hóa vẻ đẹp mùa xuân nơi trần thế. Nghĩa là Xuân Diệu muốn mãi mãi một mùa xuân tuyệt vời. Ham muốn, khát vọng của thi sĩ thật vô cùng lãng mạn. Phải là một hồn thơ yêu đời ham sống mãnh liệt đến vô bờ mới có những ham muốn bồng bột, táo bạo ấy.
Bằng một niềm yêu đời mãnh liệt, bằng cặp mắt xanh non biếc rờn, ngơ ngác và đầy vui sướng, Xuân Diệu đã phát hiện ra bao vẻ đẹp đáng yêu, đáng say đắm của thiên nhiên và cuộc sống con người nơi trần thế mà đẹp nhất, vui nhất, lộng lẫy nhất chính là mùa xuân và tuổi trẻ:
“Của ong bướm…hoài xuân”.
Mùa xuân hiện lên trong thơ Xuân Diệu với một vẻ đẹp mới lạ, diệu kì. Đã có biết bao thi sĩ đã từng viết những trang tuyệt bút về mùa xuân nhưng đứng trước mùa xuân của Xuân Diệu, người đọc cũng phải bàng hoàng, sững sờ trước vẻ đẹp tuyệt diệu của nó. Những câu thơ kéo dài, mở rộng như trải ra một bức tranh xuân đẹp đẽ. Nhịp thơ nhanh hơn, rộn ràng hơn. Điệp từ “này đây” lặp đi lặp lại vừa như phô bày vẻ đẹp muôn màu muôn sắc, vừa như mời gọi lòng người hãy quan sát, thưởng thức vẻ đẹp phong phú ấy. Những hình ảnh thơ đẹp đẽ, sống động lần lượt tuôn trào dưới ngòi bút thi nhân: “đồng nội xanh rì”, “cành tơ phơ phất”, tiếp đó là “ong bướm”, “hoa”, “lá”, “yến anh”… hiện lên trước mắt người đọc cả một thế giới tràn đầy xuân sắc. Mùa xuân là mùa ong bướm dập dìu say mật ngọt, hoa nở trên đồng nội, lá non tơ phơ phất trên cành, chim chóc hót những khúc ca hay nhất… Sự vật đang ở vào độ non tơ nhất, căng tràn nhựa sống nhất. Thiên nhiên như một kho báu giàu có sẵn sàng dâng hiến, ban tặng cho con người.
Đặc biệt hơn khi những cảnh vật ấy, cuộc sống ấy được nhà thơ gợi tả và hình dung trong tâm trạng của kẻ đang yêu. Cụm từ “tuần tháng mật” gợi nên những tháng ngày hạnh phúc tràn trề của lứa đôi. Hai chữ “yến anh” là hình ảnh chim yến và chim oanh – con trống con mái luôn quấn quýt bên nhau gợi sự thắm thiết trong tình cảm đôi lứa, tình cảm vợ chồng. Cách nói “khúc tình si” không chỉ nói về những khúc hót hay nhất của chim chóc mà còn gợi nên âm hưởng đắm say, si mê của tình yêu lứa đôi.
Nếu đặt bài thơ này vào giữa thời điểm sáng tác nó, người đọc sẽ nhận thấy rất rõ sự khác biệt. Trong phong trào Thơ mới lúc này hầu hết là những vần thơ mang âm hưởng trĩu buồn, bộc lộ tâm trạng của cái tôi cá nhân nhà thơ. Nhà thơ Thế Lữ đã từng có lúc muốn trốn vào tiên giới. Nhà thơ Chế Lan Viên thì muốn đêm lá vàng hoa rụng của mùa thu trước để chắn nẻo xuân sang:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”
Với bài thơ này, Xuân Diệu lại có một thái độ khác hẳn: nhà thơ thiết tha với cuộc đời, ràng buộc với cuộc đời bằng những sợi dây tình cảm mãnh liệt. Có một quan niệm sống tích cực đang ẩn giấu sau những lời miêu tả thiên nhiên sống động ấy.
Niềm vui sống hân hoan khiến Xuân Diệu nhìn cuộc đời thấy rất đẹp, rất vui:
“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Thật độc đáo và mới mẻ khi nhà thơ cảm nhận ánh sáng của buổi bình minh tỏa ra từ cặp mắt đẹp của người thiếu nữ khi nàng chớp chớp hàng mi diễm lệ, mỗi một ngày mới đến lại giống như có thần Vui gõ cửa ngôi nhà của chúng ta. Sự cảm nhận rất trẻ trung và yêu đời! Trong tập “Trường ca”, Xuân Diệu cũng đã từng có những cảm nhận như thế:
“Mi của ánh sáng thật dài, tia của ánh sáng thật đượm
Ánh sáng ở một chỗ mà ở khắp mọi nơi, con mắt điện quang thấu suốt muôn trùng”
Đặc sắc nhất là hình ảnh thơ: “Tháng giêng ngon như một gặp môi gần”. Hình ảnh thơ rất táo bạo, trẻ trung mang phong cách riêng của Xuân Diệu. Nhà thơ dùng hình ảnh cụ thể của con người – “cặp môi gần” để so sánh với đơn vị thời gian trừu tượng là tháng giêng, gợi sự liên tưởng kì diệu, mạnh mẽ về vẻ đẹp trẻ trung, sống động, đầy sức quyến rũ của mùa xuân. Hỗ trợ vào đó là nghệ thuật chuyển đổi cảm giác. Mùa xuân không chỉ đẹp mà nhà thơ còn cảm nhận được hương vị của nó qua từ “ngon”. Một câu thơ rất gợi cảm và độc đáo, khiến người đọc cảm nhận một cách toàn vẹn bằng mọi giác quan vẻ đẹp và sức hấp dẫn của mùa xuân. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong những câu thơ hay nhất, độc đáo và táo bạo nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng.
Mạch thơ đang háo hức mê say bỗng như lắng lại:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Câu thơ trên gãy đôi, nửa bên này tươi vui, nửa bên kia vội vàng, nuối tiếc. Nhà thơ không đợi mùa hạ tới mới nuối tiếc mùa xuân, mà nuối tiếc mùa xuân khi còn đang đắm mình trong nó. Bởi vì cuộc đời đẹp quá, hấp dẫn quá nhưng thời gian vẫn cứ trôi – tâm trạng nhạy cảm của thi nhân bỗng như cảm nhận mùa xuân sẽ qua đi, không trở lại.
Xuân Diệu đã khắc họa một thế giới cảnh sắc thật diệu kì của mùa xuân thông qua một hệ thống ngôn ngữ biểu cảm và giàu sức gợi, thông qua những biện pháp so sánh, ẩn dụ, chuyển đổi cảm giác thật đặc sắc. Vẫn là những điều bình dị quanh ta nhưng đôi mắt nhà thơ đã phát hiện ra biết bao điều đáng yêu, đáng ống. Với niềm xúc cảm mãnh liệt, giọng thơ dạt dào sôi nổi, thi sĩ tuyền đến cho người đọc nguyên vẹn tình yêu cuộc sống trần thế này chứ không phải nơi thần tiên nào khác.
- Giải Tiếng Anh 11 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Friends Global
- Lớp 11 - Kết nối tri thức
- Soạn văn 11 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 11 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 11 - KNTT
- Giải sgk Vật Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 11 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 11 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 11 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - KNTT
- Giải sgk Tin học 11 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 11 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 11 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 11 - KNTT
- Lớp 11 - Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 11 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 11 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 11 - CTST
- Giải sgk Vật Lí 11 - CTST
- Giải sgk Hóa học 11 - CTST
- Giải sgk Sinh học 11 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 11 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 11 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 11 - CTST
- Lớp 11 - Cánh diều
- Soạn văn 11 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 11 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 11 - Cánh diều
- Giải sgk Vật Lí 11 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 11 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 11 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 11 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 11 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 11 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 11 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 11 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 11 - Cánh diều