16+ Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc (siêu hay)
Thuyết minh về một sản phẩm (một trò chơi) mang bản sắc dân tộc hay nhất, ngắn gọn gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 8.
- Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 1
- Dàn ý Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc
- Sơ đồ Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc
- Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 2
- Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 3
- Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 4
- Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 5
- Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 6
- Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 7
- Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc (mẫu khác)
Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 1
Việt Nam là một vùng quê của những truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa. Trong suốt quá trình phát triển của một nghìn năm lịch sử, trong đời sống sinh hoạt lâu đời của người dân, không chỉ những phong tục tập quán, những bản sắc văn hóa mang dấu ấn của Việt Nam được hình thành mà những trò chơi dân gian cũng vô cùng phong phú và độc đáo, những trò chơi này cũng góp phần thể hiện được những nét đẹp về văn hóa cũng như những nét đẹp về tinh thần, tâm hồn của con người Việt Nam. Một trong những trò chơi dân gian tiêu biểu mà ta có thể kể đến, đó chính là trò chơi thả diều.
Thả diều là một trò chơi dân gian độc đáo của con người Việt Nam, trò chơi này được hình thành trong quá trình sinh hoạt và lao động của người Việt Nam. Xuất hiện từ rất sớm và trò chơi độc đáo này vẫn được duy trì và phát triển cho đến tận ngày hôm nay. Khi xưa, cùng với nhịp độ của cuộc sống sinh hoạt thường ngày, ông cha ta không chỉ lo lao động, làm ăn sinh sống mà còn rất chú trọng đến đời sống tinh thần của mình, mà cụ thể nhất có thể kể đến, đó chính là sự sáng tạo các trò chơi dân gian, một trong số đó là thả diều. Đây là cách thức giải trí độc đáo của ông cha ta sau mỗi giờ lao động đầy mệt mỏi, là cách lấy lại sức lực sau những lo toan của cuộc sống, của áp lực cơm – áo – gạo – tiền.
Thả diều là trò chơi mà trong đó người chơi sẽ dựa vào sức gió của tự nhiên, đưa những cánh diều bay lên cao, sự kết nối của người chơi đối với con diều là thông qua một sợi dây dù đủ dài để đưa con diều bay lên tận trời xanh. Sợi dây sẽ giúp con người điều khiển con diều của mình bay đến độ cao nào hay bay đến nơi nào mình mong muốn. Khi thu diều lại thì người chơi cũng cuộn từ từ sợi dây dù này lại, con diều sẽ gần mặt đất hơn, và cuối cùng sẽ hạ cánh để được người chơi xếp lại, mang về nhà. Nguyên lí sử dụng của các con diều này là dựa vào sức gió. Vì vậy mà hôm nào trời không có gió thì không thể chơi thả diều.
Nhưng nếu trời có gió nhưng người chơi không có kĩ năng thả, không biết cách đưa con diều bay ngược chiều gió để lên không trung thì con diều cũng không bay được như mong muốn của chúng ta. Về cấu tạo của chiếc diều thì bao gồm phần khung diều, thường thì những phần khung diều này sẽ được làm bằng tre hoặc bằng gỗ, đây là phần chống đỡ cho con diều, giúp con diều có những hình dáng nhất định và có thể bay lên. Những chiếc tre hay gỗ dùng để làm khung diều này phải thật mảnh, dẻo dai bởi nếu quá nặng, to thì sẽ làm cho con diều trở nên nặng nề, từ đó khó có thể bay lên, hoặc bay được nhưng cũng không cao. Còn nếu như phần khung này có mềm, không có độ dẻo dai thì khi có gió lớn thì con diều sẽ bị gió thổi làm cho gãy khung.
Bộ phận thứ hai của diều đó là phần nguyên liệu phụ để trang trí cho con diều cũng là bộ phận giúp con diều có thể đón được gió và bay lên cao. Thông thường, phần áo diều này thường được làm bằng giấy báo, vải mỏng hoặc có thể bằng ni lông. Ngày nay, sự phát triển của đời sống tinh thần đã đòi hỏi tính thẩm mỹ cao hơn, do đó mà những con diều được trang trí với những màu sắc vô cùng bắt mắt, hình dáng con thuyền cũng được chế tạo thành nhiều kiểu khác nhau, có thể là diều hình con chim, con bươm bướm, chim phượng hoàng... Bộ phận không thể thiếu đó chính là dây dù. Dây dù buộc vào con diều để những người chơi có thể điều khiển con diều, nâng lên hay hạ xuống theo ý thích của mình, dây dù có thể làm bằng những sợi dây gai mỏng nhưng có độ bền cao, độ dài của dây này cũng từ tám đến mười mét.
Những con diều thường được mang đi thả vào những buổi chiều có gió, nhưng gió này chỉ vừa đủ để diều bay lên, không quá lớn, bởi nếu vậy con diều sẽ bị gió thổi cuốn đi mất. Thời điểm người ta đi thả diều đông nhất, đó chính là tầm chiều tà, vì lúc này thời tiết sẽ rất mát mẻ, lại có gió. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, cứ buổi chiều đến là mọi người sẽ tụ tập nhau lại đến một khu đất trống, hút gió để cùng nhau thả diều. Hình ảnh những cậu bé chăn trâu thổi sáo, thả diều có lẽ đã quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Sự sáng tạo của con người là không có giới hạn, cùng là con diều dùng để thả nhưng người ta có thể tạo cho nó rất nhiều màu sắc, hình dáng, thậm chí những con diều này còn phát ra những âm thanh du dương, êm ái. Con diều này được người ta gọi là diều sáo, theo đó thì những chiếc sáo nhỏ được thiết kế đặc biệt sẽ gắn lên thân của mỗi con diều. Để khi diều bay lên cao, có gió thì những con diều này sẽ tự động phát ra tiếng sáo.
Trò chơi thả diều là một trò chơi dân gian đã có từ rất lâu đời, người ta có thể chơi thả diều vào những lúc rảnh rỗi, giúp giải tỏa những căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Đặc biệt, ngày nay diều vẫn thu hút đông đảo sự yêu thích của rất nhiều người, hàng năm vẫn có rất nhiều các hội thi thả diều lớn được tổ chức, được rất nhiều người lựa chọn, tham gia.
Dàn ý Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc
I. Mở bài
- Dẫn dắt và giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: trò chơi dân gian( gọi tên trò chơi mà bạn muốn thuyết minh)
II. Thân bài
- Nguồn gốc của sản phẩm, trò chơi là gì? (vd: từ xa xưa)
- Đặc điểm sản phẩm, trò chơi ( kéo co, trốn tìm,…)
- Cách thức và luật chơi
- Đối tượng tham gia trò chơi: Tất cả mọi người có nhu cầu giải trí bằng hình thức của trò chơi đó
- Ý nghĩa của trò chơi dân gian:
+ Giải trí, tạo niềm vui cho con người
+ Nét văn hóa truyền thống của dân tộc
III. Kết bài
- Khẳng định lại ý nghĩa của trò chơi dân gian trong đời sống tinh thần của con người.
Sơ đồ Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc
Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 2
Việt Nam là một nước đang phát triển và có đời sống vật chất cũng ngày càng tiến bộ. Nhưng không thể phủ nhận đời sống tinh thần dân ta quả thật phong phú và đa dạng từ xa xưa dần dần theo dòng chảy thời gian nó trở thành một nét văn hóa , trong đó có trờ chơi kéo co.
Trò chơi kéo co theo như lời kể thì nó đã có từ rất lâu rồi, từ thời cổ đại ở Ai Cập. Vào những năm 2500 trước công nguyên, trên những ngôi mộ cổ ở Ai Cập có những hình vẽ về một cuộc thi kéo co. Dần dần nó trở thành một trò chơi được ưa chuộng, lan sang Trung Quốc, Hy Lạp,.. Ở Tây u, lịch sử kéo co bắt đầu từ năm 1000 sau Công Nguyên. Các chiến binh Viking thường chơi một trò chơi có tên gọi là "kéo da", trong đó người ta dùng da động vật như da trâu, bò, dê,... thay cho dây thừng để chơi kéo co.
Trò chơi kéo co là một môn thể thao và là một trò chơi dân gian phổ biến trong đời sống. Trò chơi này là một trò chơi mang tính đồng đội cao và nó trọng sức mạnh. Và đặc biệt luật chơi cũng cực kì đơn giản, dễ hiểu đối với tất cả mọi người và ai có đủ sức khỏe cũng có thể tham gia. Khi chơi, ta cần chuẩn bị một chiếc dây thừng to, chắc chắn, độ dài vào khoảng 10 mét hoặc có thể hơn. Cùng với đó là một chiếc khăn được buộc giữa chiếc dây, chiếc dây chính là dấu hiệu chiến thắng trong cuộc đọ sức. Kéo co được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau tù vào tập tục văn hóa của mỗi vùng nhưng về cơ bản, số người tham dự không giới hạn và chia làm hai phe sao cho số lượng người tham gia ở mỗi phe là bằng nhau. Người chơi dùng hết sức lực của mình kéo sợi dây thừng sao cho chiếc khăn buộc giữa dây nghiêng về phía mình và vượt qua vạch giới hạn của mình trước thì bên đó thắng. Trong một cuộc thi đầu kéo co, người ta cử ra một trọng tài, trọng tài sẽ là người phân định thắng thua giữa hai đội chơi. Trong quá trình chơi , đòi hỏi người tham gia phải kéo hết sức lực, tinh thần đoàn kết cao,và khi kéo có thể bị đau rát tay do ma sát với sợi dây thừng,.. nhưng bỏ qua những mệt mỏi, khi ta chiến thắng sẽ rất vui vẻ.
Đối tượng tham gia trò chơi thường là những thanh niên khỏe mạnh, có sự hiếu thắng, tham gia cuộc thi kéo co để đọ sức và khẳng định mình. Có thể là nam cũng có thể là nữ. Trò chơi kéo co đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền , được nhiều người dân đón nhận. Trò chơi kéo co còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại.
Hiện nay có một vấn đề nổi cộm đó là trò chơi dân gian này đang dần bị lãng quên bởi thế hệ trẻ. Những đứa trẻ say mê với những trò chơi điện tử, mải mê với những bộ phim 3D kịch tính mà quên đi trò chơi truyền thống của dân tộc, không màng đến trò chơi dân gian đã trở thành di sản phi vật thể, là đời sống tinh thần của ông cha ta khi trước. Bởi lẽ đó, chúng ta nên thức tỉnh, rời xa những trò chơi điện tử dù chỉ một ngày để tham gia chơi kéo co, lúc ấy ta mới nhận ra những niềm vui và sự thỏa mãn khi chiến thắng.
Kéo co - một di sản phi vật thể, một trò chơi gần gũi với con người Việt Nam. Trò chơi dân gian ấy luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần con người mà chúng ta phải luôn nhớ về và giữ gìn nó.
Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 3
Chiếc nón có từ bao giờ? Mỗi lần thấy bà, thấy mẹ đội nón, tôi cứ bâng khuâng về câu hỏi ấy.
Cái nón quê kiểng bình dị thật ưa nhìn. Xương nón làm bằng tre, nứa, được vót tròn óng chuốt, được kết thành những vòng tròn có đường kính khác nhau theo khuôn nón. Cái chóp nón lúc nào cũng hướng về trời cao. Lá lợp nón là sản phẩm của núi rừng. Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn, Tây Nguyên, u Minh... là nguồn vô tận về lá nón. Lá cọ, lá kè cũng để làm nón. Chiếc nón mới làm ra lại được quết một lớp mỏng dầu rái (thảo mộc), óng ánh, vừa bền vừa đẹp.
Dáng hình chiếc nón cũng nhiều vẻ. Nó ba tầm quai thao của các cô gái Kinh Bắc trong lễ hội mùa xuân: hội Lim, hội chùa Dâu, hát Quan Họ. Lại có chiếc nón của các bà, các cô đội lúc làm đồng, vừa chắc bền, vừa tiện lợi. Che nắng mưa, làm quạt,... Các cô thôn nữ làm duyên sau vành nón ấy. Chiếc nón thanh nhẹ còn che chở cho đôi má hồng, má lúm đồng tiền thêm xinh thêm đỏm.
Ai đã sáng tạo ra chiếc nón bài thơ xứ Huế? Lá nón trắng nõn nà; bài thơ mờ tỏ ẩn hiện. Chiếc quai nón bằng lụa thanh tao. Vành nón nghiêng nghiêng, dịu dàng, e lệ, thầm kín của cô gái miền núi Ngự sông Hương. Chả thế mà du khách, các cậu khóa ngẩn ngơ:
“ Học trò xứ Quảng ra thi,
Gặp cô gái Huế bước đi không dành”.
Còn có chiếc nón dấu anh lính thú đời xưa, mà khi xem phi ta mới biết:
“Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài”...
Mẹ em bảo nước ta nắng lắm mưa nhiều. Chiếc nón là vật dụng thân thiết của mọi người, nhất là nhà nông. Vừa rẻ, vừa tiện lợi. Nhẹ nhàng dễ mang theo. Có nhiều làng nghề thủ công làm nón nổi tiếng xưa nay từng được truyền tụng qua ca dao, dân ca:
“Muốn ăn cơm trắng, cá mè,
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông
hay:
“Hỡi cô đội nón ba tầm,
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang.
Phiên rằm chợ chính Yên Quang,
Yên Hoa anh đợi hoa nàng mới mua".
Chiếc nón làng Găng, chiếc nón bài thơ xứ Huế đã trở thành món quà lưu niệm của khách phương xa. Nghe nói trong phòng khách của nhà thơ Xi-mô-lốp (Nga) có chiếc điếu cày và chiếc nón bài thơ mà ông đã mang từ Việt Nam về. Và trong chúng ta, ai đã từng được xem điệu múa nón, hẳn đều tưởng như đàn bướm sặc sỡ đang rập rờn bay trong ngàn hoa. Hình ảnh cô nữ sinh Huế ngày xưa tưởng như gặp trong mộng:
“Những nàng thiếu nữ sông Hương,
Dạ thơm là phấn, má hường là son.
Tựu trường chân sút thon thon,
Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời”.
(Tựu trường - Nguyễn Bính)
Ngày nay, ở các đô thị, hầu như không thấy học sinh đội nón đến trường. Mà chỉ thấy những chiếc mũ vải đủ màu sắc xinh xinh. Nhưng trên đường làng, giữa các phiên chợ miền quê, chiếc nón lá màu trắng xinh xinh thanh nhẹ vẫn thấy nhiều và ưa nhìn, dễ mến. Các bà, các mẹ, các cô thôn nữ... làm sao rời được chiếc nón quê hương?
Trên con đường phát triển, công nghiệp hóa và hiện đại hoá đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày một phong phú hơn, sang trọng hơn. Những giậu cúc tần, luỹ tre xanh, đồng lúa chín, con trâu hiền lành, tiếng sáo diều,... và chiếc nón ba tầm, chiếc nón bài thơ sẽ còn mãi trong tâm hồn nhân dân ta. Những câu hát bài ca về chiếc nón bình dị, quê kiểng ấy vẫn là sợi nhớ sợi thương giăng mắc trong hồn người, man mác và bâng khuâng có bao giờ vơi...
Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 4
Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam, chắc chắn sẽ gắn bó với rất nhiều trò chơi dân gian được lưu truyền từ xưa đến nay. Tuổi thơ của họ gắn tràn ngập kỉ niệm về những ngày tháng êm đềm lớn lên bên nhau, cười giòn tan khi được ngắm cánh diều bay cao vút, reo hò ầm ĩ khi chơi trò trốn tìm...Đối với những đứa trẻ xóm chợ ở quê em, có lẽ trò chơi dân gian trốn tìm để lại trong nhau nhiều xúc cảm đáng nhớ nhất.
Từ khi chúng em sinh ra, trò chơi trốn tìm đã có, và cứ thế từ thế hệ này đến thế hệ khác xem đó như một trò chơi cần phải trải qua khi còn ấu thơ. Trò chơi mang đến nhiều tiếng cười reo rộn ràng nhất.
Trò chơi trốn tìm là trò chơi càng đông càng vui, trong đó sẽ có hai phe, một người đi tìm và một nhóm người sẽ đi trốn. Ai oẳn tù tỳ thua thì chắc chắn phải làm người đi tìm những người còn lại. Trốn tìm không phải trò chơi cần bất cứ dụng cụ gì hết, chỉ cần có người là có thể chơi được, ở bất cứ nơi đâu, trong nhà hay ngoài sân, trong những bụi rậm...Tuy nhiên mọi người thường chọn những nơi rộng rãi, có nhiều chỗ để trốn mới thú vị.
Người đi tìm phải bịt mắt, úp mặt vào tường và bắt đầu đếm từ một đến một trăm; đếm đến lúc nào không nghe tiếng ai trả lời nữa thì bắt đầu công cuộc đi tìm. Còn những người đi trốn thì cần phải khéo léo nhanh nhẹn tìm được nơi ẩn nấp an toàn, bí mật để người kia không tìm ra và mình thành người thắng cuộc. Cuộc chơi chỉ thực sự kết thúc khi người đi tìm tìm được hết số người đi trốn, còn nếu người đi tìm đầu hàng thì coi như đã thua và bắt đầu chơi lại từ đầu.
Thực ra trò chơi trốn tìm rất đơn giản, mang lại nhiều niềm vui, bất ngờ và hứng khởi cho mọi người. Một trò chơi dân gian bình dị, gần gũi và góp phần tạo nên "hồn" riêng của vùng quê nông thôn Việt Nam.
Giữa những đống rơm mẹ mới phơi hôm qua, còn thơm mùi rạ, trẻ con có thể chui rúc vào đó mà trốn đến nghẹt thở. Có những người thì lẻn vào góc nhà không có ánh điện, nín thở và lắng nghe tiếng bước chân của người tìm. Trò chơi đơn giản nhưng đầy hồi hộp và mong chờ, đầy bất ngờ.
Khi người đi tìm mệt mỏi, tìm mãi không ra đành bất lực tớ thua rồi, các bạn ra đi thì người trốn sẽ hét hò ầm ĩ "Tớ ở đây này, dễ thế cũng không tìm ra". Lúc đấy mắt của cái người đi tìm xị xuống y như bị ai lấy cắp đồ chơi.
Trò chơi trốn tìm như một nét văn hóa của nông thôn, những đứa trẻ lớn lên đều ít nhiều biết đến trò chơi thú vị, đơn giản này. Sẽ thật buồn nếu những đứa trẻ nông thôn nào không được trải qua những giây phút thoải mái, êm đềm, thư giãn và đầy hồi hộp như trò chơi này.
Trò chơi trốn tìm cứ thế ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều đứa trẻ nông thôn, theo chúng lớn lên, theo chúng đến những mảnh đất xa xôi. Mỗi người đều có một ký ức, những dòng chảy thời gian về tuổi thơ cứ thế neo đọng lại mãi trong kí ức. Khi tìm về tuổi thơ, bất chợt thấy mình trưởng thành, trò chơi ấy đang dần dần mất đi. Bất giác giật mình và buồn rười rượi.
Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 5
Nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều hình thức, một trong những hình thức đó là các trò chơi dân gian. Từ xưa đến nay, chúng ta được biết đến với rất nhiều những trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Bịt mắt bắt dê được xem là một trong các trò chơi có từ lâu đời và vô cùng độc đáo.
Bịt mắt bắt dê là trò chơi đã xuất hiện từ rất lâu. Ngay từ trong những bức tranh cổ, chúng ta còn lưu lại những hình ảnh về một miền kí ức xưa kia với những cô bé, cậu bé chơi trò chơi hay những người lớn cùng nhau đứng trong một vòng tròn, bịt mắt để bắt dê. Như chính cái tên của trò chơi này, đây là trò chơi nhiều người cùng tham gia, bịt mắt để bắt được dê. Chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao là "bắt dê" chứ không phải bắt một con vật nào khác. Điều này được lí giải bởi loài dê là loài có tính hiền lành, nhút nhát, linh hoạt và rất thích vận động. Chính vì thế, người bắt được nó đòi hỏi phải có sự tinh ý, nhanh nhẹn, thậm chí là cả chiến thuật nhất định. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, đây được coi là trò chơi khá khó khăn nhưng lại vô cùng thú vị, hấp dẫn.
Thông thường, theo cách chơi trước kia, đúng nguyên bản của trò chơi, đây là trò chơi thường được tổ chức trong các lễ hội. Với sự tham gia của những người lớn là chủ yếu, đặc biệt là những bạn nam thanh nữ tú tham gia lễ hội. Có hai người chơi chính, họ được bịt mắt để tìm bắt dê. Con dê sẽ được đeo một vật để phát ra được tiếng động giúp cho người tìm dễ nhận biết được. Những người xung quanh không tham gia chơi sẽ đóng vai trò làm khán giả, hò reo cổ vũ người chơi. Tất cả tạo nên một không khí sôi nổi, sinh động và thú vị của lễ hội. Sau một quãng thời gian nhất định, người chơi phải tìm ra được con dê. Nếu cả hai không tìm được, trò chơi kết thúc và nhường lượt chơi cho những người tiếp theo.
Sau này, trò chơi bịt mắt bắt dê có rất nhiều những biến thể khác nhau. Có khi là hai hay nhiều người cùng chơi, họ vẫn bịt mắt nhưng điều khác biệt là không có con dê nào được bắt cả. Một người chơi chính sẽ bắt những người còn lại, những người còn lại hóa thân thành những chú dê, có thể phát ra những tiếng động để người chơi chính dễ tìm thấy. Vì thế, với biến thể này, nhiều đối tượng có thể tham gia chơi, ngay cả trẻ em cũng có thể chơi trò chơi này để rèn luyện tính phán đoán, sự nhanh nhạy và linh hoạt, rèn luyện các giác quan khác nhau. Cũng chính vì tính phổ biến của trò chơi, bịt mắt bắt dê được tổ chức ở rất nhiều địa điểm, những dịp khác nhau. Trong nhà trường, các hội thi, các lễ hội đều có thể tổ chức trò chơi này.
Ngày nay, khi xã hội hiện đại phát triển, khi nhu cầu giải trí, đời sống tinh thần của con người ngày một cao, có rất nhiều những trò chơi hiện đại, tiên tiến ra đời. Vậy nhưng, những trò chơi dân gian, trong đó có trò chơi bịt mắt bắt dê luôn là một phần kí ức của tuổi thơ, luôn là một mảnh kí ức đẹp trong tâm hồn người Việt. Cũng chính vì nét đẹp văn hóa này, chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của trò chơi này trong các tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh hay thơ ca.
Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 6
Việt Nam ngoài những phong tục tập quán đa dạng, phong phú, nền văn hiến ngàn năm tuổi thì còn có một hệ thống đồ sộ những trò chơi dân gian, đó là những trò chơi được ông cha ta sáng tạo ra trong quá trình sinh hoạt tập thể. Đó là những trò chơi mang tính giải trí, tính cộng đồng cao bởi nó không phải là trò chơi cá nhân mà đòi hỏi mọi người tập trung lại mới có thể chơi. Vì vậy mà Việt Nam luôn nổi tiếng với bạn bè thế giới bởi tính cố kết cộng đồng vô cùng cao. Tính đoàn kết thể hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống nhưng chỉ cần nhìn qua những khía cạnh nhỏ hơn, thông thường hơn của cuộc sống là có thể thấy rõ được điều này. Một trong những trò chơi dân gian khá phổ biến ở Việt Nam, chính là trò chơi nhảy dây.
Nhảy dây là một trò chơi dân gian vô cùng quen thuộc, đặc biệt là ở những vùng quê, vùng nông thôn ở Việt Nam, giống như trò chơi chi chi chành chành hay chơi xóc hòn thì trò nhảy dây cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần một sợi dây là mọi người có thể tham gia. Một trong những đặc trưng riêng biệt của các trò chơi dân gian đó chính là tính cộng đồng cao. Bởi vậy mà bất kể trò chơi dân gian nào cũng đòi hỏi sự tham gia của cả tập thể, nó giúp gắn kết quan hệ giữa người với người trong một cộng đồng. Mang tính giải trí cao bởi thời gian lễ hội diễn ra các trò chơi dân gian thường là vào khoảng thời gian nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp, vào cuối những mùa vụ, khi những người nông dân đã hoàn thành công tác mùa vụ, đang trong thời gian chờ bước vào mùa vụ mới.
Trò chơi dân gian nhảy dây cũng có rất nhiều phiên bản và nhiều hình thức chơi, bởi ở những nơi khác nhau thì con người lại có xu hướng chơi những hình thức mà mình cho là thú vị nhất, phù hợp nhất với mình. Trước hết, nói đến trò nhảy dây truyền thống, đây chính là trò chơi đòi hỏi sự nhạy bén, tinh tế và sự khéo léo của đôi chân. Theo đó, sợ dây sẽ dùng trong trò chơi dân gian này chính là dây thừng, dây chão, đây đều là những thứ rất dễ tìm trong cuộc sống xưa, bởi nó là thứ dùng để trói, buộc đồ đạc của người nông dân.
Người chơi sẽ bao gồm từ năm đến mười người, chia ra làm hai nhóm, một nhóm sẽ đảm nhận nhiệm vụ quất dây, nhiệm vụ này cần có hai người, mỗi người đứng ở một đầu của sợi dây, cùng ăn ý cùng quất sợi dây theo hướng xuôi kim đồng hồ. Nghe có vẻ dễ dàng nhưng nhiệm vụ này đòi hỏi sự nhịp nhàng của bàn tay, sự ăn ý của đồng đội, bởi nếu một người quất nhanh, một người quất chậm thì sợi dây thừng sẽ bị rối, người chơi sẽ không thể nhảy vào sợi dây được. Sợi dây thừng được quất lên sẽ tạo thành một vòng cung, có bán kính cao hơn đầu một người, bởi chỉ có như vậy người chơi mới có thể nhảy vào sợi dây, tương tác cùng với nó.
Nhóm còn lại sẽ là nhóm người chơi, nhóm này thì có thể có trên hai người, càng đông càng vui. Nhưng ngược lại, càng đông thì trò chơi càng trở nên khó khăn hơn, bởi đông người sẽ khó trong việc tương tác, nhịp nhàng nhảy. Người chơi sẽ nghe theo nhịp đếm một, hai, ba của người quất dây mà nhảy vào sợi dây, khi sợi dây chạm xuống mặt đất thì người chơi sẽ phải nhảy lên cao, sao cho đôi bàn chân của mình không làm vướng dây, người nhảy được càng nhiều thì sẽ là người chiến thắng. Trò chơi thú vị hơn ở chỗ, đó chính là không phải từng người nhảy một mà sẽ gồm bốn người nhảy một lượt, hai người bên này, hai người bên kia.
Khi có hiệu lệnh để nhảy thì sẽ cùng nhau nhảy vào sợi dây làm sao cho đồng đều nhất, khi có nhiều người cùng nhảy thì sẽ khó có thể điều khiển đôi chân của mình hơn, nhưng nếu hiểu ý của đồng đội, nhịp nhàng nhảy lên được thì sẽ vô cùng đều đặn, đẹp mắt. Đây cũng là mục đích quan trọng của trò chơi, gắn kết mọi người lại với nhau, sau trò chơi mọi người sẽ hiểu nhau hơn, sẽ hiểu hơn quá trình hợp tác để hoàn thành một nhiệm vụ. Thế mới nói, trò chơi dân gian tuy đơn giản, dễ chơi nhưng bao giờ nó cũng ẩn chứa trong đó những ý nghĩa nhân văn cao cả của ông cha ta.
Ở những dị bản khác thì trò chơi nhảy dây không phải dùng dây thừng, dây chão để chơi mà dùng một loại dây khác có độ đàn hồi, co giãn cao hơn, như dây chun, dây nịt… và cùng với đó thì hình thức của trò chơi cũng hoàn toàn khác biệt. Thay vì sợi dây được quất cao lên để người chơi có thể nhảy vào thì trò chơi nhảy dây này sẽ do hai người đứng hai bên, để sợi dây vào chân của mình, người chơi phải nhảy vào khoảng trống của hai sợi dây, theo nhịp độ là: nhảy vào, xoạng ra, bắt chéo, nhảy vào và nhảy ra. Quan trọng là hoạt động nhảy vào nhảy ra phải diễn ra thật nhanh, không được gián đoạn. Hoàn thành xong một phần thì sẽ có phần thi khó khăn hơn, mà người ta gọi là các bàn, thấp nhất là bàn gối, sau đó đến bàn đùi, bàn hông, bàn nách và cao nhất chính là bàn cổ. Cùng với đó là độ cao ngày càng được nâng lên.
Trò chơi dân gian nhảy dây tuy có nhiều phiên bản, ở mỗi phiên bản thì hình thức chơi có sự khác biệt, nhưng điểm chung chính là sự thú vị ở trò chơi, bởi nó đề cao tính cộng đồng, tính gắn kết giữa con người với nhau chứ không đơn giản là một trò chơi nhằm mục đích giải trí.
Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 7
Ô ăn quan đã có ở Việt Nam từ rất lâu đời, có thể nó được lấy cảm hứng từ những cánh đồng lúa nước ở nơi đây. Những câu chuyện lưu truyền về Mạc Hiển Tích (chưa rõ năm sinh, năm mất), đỗ Trạng nguyên năm 1086 nói rằng ông đã có một tác phẩm bàn về các phép tính trong trò chơi Ô ăn quan và đề cập đến số ẩn (số âm) của ô trống xuất hiện trong khi chơi[1]. Ô ăn quan đã từng phổ biến ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt nam nhưng những năm gần đây chỉ còn được rất ít trẻ em chơi. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có trưng bày, giới thiệu và hướng dẫn trò chơi này.
Theo các nhà nghiên cứu, ô ăn quan thuộc họ trò chơi mancala, tiếng Ả Rập là mangala hoặc minala (khi phát âm, trọng âm rơi vào âm tiết đầu ở Syria và âm tiết thứ hai ở Ai Cập) có nguồn gốc từ động từ naqala có nghĩa là di chuyển. Bàn chơi mancala đã hiện diện ở Ai Cập từ thời kỳ Đế chế (khoảng 1580 – 1150 TCN). Tuy nhiên còn một khoảng trống giữa lần xuất hiện này với sự tồn tại của mancala ở Ceylon (Srilanka) những năm đầu Công nguyên và ở Ả Rập trước thời Muhammad. Tuy nhiên có những dấu hiệu để nhận định rằng một số dạng mancala lan truyền từ phía Nam Ả Rập hoặc vùng cực Nam của biển Đỏ qua eo biển Bab El Mandeb sang bờ đối diện thuộc châu Phi rồi từ đó xâm nhập lục địa này. Trong những giai đoạn sau, các tín đồ Hồi giáo đã phổ biến mancala sang những miền đất khác cùng với sự mở rộng của tôn giáo và văn hoá.
Bàn chơi: bàn chơi Ô ăn quan kẻ trên một mặt bằng tương đối phẳng có kích thước linh hoạt miễn là có thể chia ra đủ số ô cần thiết để chứa quân đồng thời không quá lớn để thuận tiện cho việc di chuyển quân, vì thế có thể được tạo ra trên nền đất, vỉa hè, trên miếng gỗ phẳng…. Bàn chơi được kẻ thành một hình chữ nhật rồi chia hình chữ nhật đó thành mười ô vuông, mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai cạnh ngắn hơn của hình chữ nhật, kẻ hai ô hình bán nguyệt hoặc hình vòng cung hướng ra phía ngoài. Các ô hình vuông gọi là ô dân còn hai ô hình bán nguyệt hoặc vòng cung gọi là ô quan.
Quân chơi: gồm hai loại quan và dân, được làm hoặc thu thập từ nhiều chất liệu có hình thể ổn định, kích thước vừa phải để người chơi có thể cầm, nắm nhiều quân bằng một bàn tay khi chơi và trọng lượng hợp lý để khỏi bị ảnh hưởng của gió. Quan có kích thước lớn hơn dân đáng kể cho dễ phân biệt với nhau. Quân chơi có thể là những viên sỏi, gạch, đá, hạt của một số loại quả hoặc được sản xuất công nghiệp từ vật liệu cứng mà phổ biến là nhựa. Số lượng quan luôn là 2 còn dân có số lượng tùy theo luật chơi nhưng phổ biến nhất là 50.
Bố trí quân chơi: quan được đặt trong hai ô hình bán nguyệt hoặc cánh cung, mỗi ô một quân, dân được bố trí vào các ô vuông với số quân đều nhau, mỗi ô 5 dân. Trường hợp không muốn hoặc không thể tìm kiếm được quan phù hợp thì có thể thay quan bằng cách đặt số lượng dân quy đổi vào ô quan.
Người chơi: thường gồm hai người chơi, mỗi người ngồi ở phía ngoài cạnh dài hơn của hình chữ nhật và những ô vuông bên nào thuộc quyền kiểm soát của người chơi ngồi bên đó.
Mục tiêu cần đạt được để giành chiến thắng: người thắng cuộc trong trò chơi này là người mà khi cuộc chơi kết thúc có tổng số dân quy đổi nhiều hơn. Tùy theo luật chơi từng địa phương hoặc thỏa thuận giữa hai người chơi nhưng phổ biến là 1 quan được quy đổi bằng 10 dân hoặc 5 dân.
Di chuyển quân: từng người chơi khi đến lượt của mình sẽ di chuyển dân theo phương án để có thể ăn được càng nhiều dân và quan hơn đối phương càng tốt. Người thực hiện lượt đi đầu tiên thường được xác định bằng cách oẳn tù tì hay thỏa thuận. Khi đến lượt, người chơi sẽ dùng tất cả số quân trong một ô có quân bất kỳ do người đó chọn trong số 5 ô vuông thuộc quyền kiểm soát của mình để lần lượt rải vào các ô, mỗi ô 1 quân, bắt đầu từ ô gần nhất và có thể rải ngược hay xuôi chiều kim đồng hồ tùy ý. Khi rải hết quân cuối cùng, tùy tình huống mà người chơi sẽ phải xử lý tiếp như sau:
Nếu liền sau đó là một ô vuông có chứa quân thì tiếp tục dùng tất cả số quân đó để rải tiếp theo chiều đã chọn.
Nếu liền sau đó là một ô trống (không phân biệt ô quan hay ô dân) rồi đến một ô có chứa quân thì người chơi sẽ được ăn tất cả số quân trong ô đó. Số quân bị ăn sẽ được loại ra khỏi bàn chơi để người chơi tính điểm khi kết thúc. Nếu liền sau ô có quân đã bị ăn lại là một ô trống rồi đến một ô có quân nữa thì người chơi có quyền ăn tiếp cả quân ở ô này … Do đó trong cuộc chơi có thể có phương án rải quân làm cho người chơi ăn hết toàn bộ số quân trên bàn chơi chỉ trong một lượt đi của mình. Trường hợp liền sau ô đã bị ăn lại là một ô vuông chứa quân thì người chơi lại tiếp tục được dùng số quân đó để rải. Một ô có nhiều dân thường được trẻ em gọi là ô nhà giàu, rất nhiều dân thì gọi là giàu sụ. Người chơi có thể bằng kinh nghiệm hoặc tính toán phương án nhằm nuôi ô nhà giàu rồi mới ăn để được nhiều điểm và có cảm giác thích thú.
Nếu liền sau đó là ô quan có chứa quân hoặc 2 ô trống trở lên thì người chơi bị mất lượt và quyền đi tiếp thuộc về đối phương.
Trường hợp đến lượt đi nhưng cả 5 ô vuông thuộc quyền kiểm soát của người chơi đều không có dân thì người đó sẽ phải dùng 5 dân đã ăn được của mình để đặt vào mỗi ô 1 dân để có thể thực hiện việc di chuyển quân. Nếu người chơi không đủ 5 dân thì phải vay của đối phương và trả lại khi tính điểm.
Cuộc chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ dân và quan ở hai ô quan đã bị ăn hết. Trường hợp hai ô quan đã bị ăn hết nhưng vẫn còn dân thì quân trong những hình vuông phía bên nào coi như thuộc về người chơi bên ấy; tình huống này được gọi là hết quan, tàn dân, thu quân, kéo về hay hết quan, tàn dân, thu quân, bán ruộng. Ô quan có ít dân (có số dân nhỏ hơn 5 phổ biến được coi là ít) gọi là quan non và để cuộc chơi không bị kết thúc sớm cho tăng phần thú vị, luật chơi có thể quy định không được ăn quan non, nếu rơi vào tình huống đó sẽ bị mất lượt.
Ô ăn quan thú vị, dễ chơi đã từng là trò chơi hàng ngày của trẻ em Việt Nam. Chỉ với một khoảng sân nho nhỏ và những viên sỏi, gạch, đá là các em nhỏ đã có thể vui chơi. Có thể thấy dấu ấn của Ô ăn quan trong đời sống và văn học, nghệ thuật:
Thành ngữ: Một đập ăn quan – hàm ý chỉ những hành động đơn giản nhưng tức thì đạt kết quả to lớn.
Trích bài thơ “Chơi Ô ăn quan” của Lữ Huy Nguyên:
Bên rìa hầm trú ẩn
Em chơi ô ăn quan
Sỏi màu đua nhau chạy
Trên vòng ô con con.
Sỏi nằm là giặc Mỹ
Sỏi tiến là quân mình
Đã hẹn cùng nhau thế
Tán bàng nghiêng bóng xanh
Trích bài thơ “Thời gian trắng” của Xuân Quỳnh:
Những ô ăn quan, que chuyền, bài hát
Những đầu trần, chân đất, tóc râu ngô
Quá khứ em đâu chỉ ngày xưa
Mà ngay cả hôm nay thành quá khứ
Thuyết minh về 1 sản phẩm (trò chơi) mang bản sắc dân tộc - mẫu 8
Cùng với chiếc áo bà ba, chiếc "nón lá" đã theo chân người phụ nữ miệt vườn, cùng với chiếc xuồng ba lá bồng bềnh theo con nước lớn, nước ròng, dầm mưa dãi nắng sớm chiều... Từ lâu chiếc nón lá đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong trang phục của người phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nữ chung.
Ngày nay chiếc nón lá là hình ảnh quen thuộc và gần gũi với mọi người, nhưng có ai biết đâu để có chiếc nón lá đội đầu che mưa, che nắng và để làm duyên, ngày xưa tổ tiên chúng ta đã đổ bao tâm sức đề nghĩ ra và làm nên chiếc nón lá này. Nón lá có dạng hình chóp. Nón lá có nhiều loại khác nhau. Nón Gò Găng (sản xuất ở Bình Định làm bằng lá dứa, thường dùng khi đội đầu cưỡi ngựa), nón quai thao (người miền Bắc Việt Nam thường dùng khi lễ hội), nón bài thơ (ở Huế là thứ nón lá trắng và mỏng có lộng hình hoặc một vài bài thơ), nón dấu (nón có chóp nhọn của chú lính thời xưa)... Nón làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như lá cọ, lá dừa, lá buông,... nhưng chủ yếu làm bằng lá nón. Lá nón nguyên liệu được sử dụng là lá không quá non cũng không quá già - lá thường đang còn búp vừa đủ một tháng tuổi và phát triển hết chiều dài, chiều ngang, chưa chuyển sang màu xanh đậm, các bẹ lá ôm khít với nhau, chưa bung ra, có độ mềm với chiều dài khoảng 40 - 50 cm.
Để làm ra được một chiếc nón lá vừa đẹp, vừa bền là cả một nghệ thuật và công phu của những nghệ nhân, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn của quy trình sản xuất.
Trong khâu kỹ thuật, thợ làm nón lá có kinh nghiệm chọn lá dù cô cũng còn giữ được màu xanh nhẹ, 16 vành nức thường mảnh được vuốt tròn trĩnh, tỉ mỉ và công phu. Lá được ủi nhiều lần, cẩn thận cho thật phẳng và láng. Hình dáng của chiếc nón lá phụ thuộc rất nhiều vào khung chằm. Khung chằm ( còn được gọi là khuôn nón ) phải được đặt riêng với yêu cầu cụ thể để dáng của chiếc nón lá sau này cân đối, đẹp mắt, vừa ý. Người thợ làm khung nón giữ kỹ thuật tạo dáng, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành... như một thứ gia bảo cha truyền con nối, theo một thẩm mỹ dân gian "hay mắt" mà thật ra là cả một tỷ lệ thích hợp đã được nhiều đời và nhiều vùng kiểm nghiệm "thuận mắt ta ra mắt người".
Khi xây và lợp lá phải thật khéo, nhất là khâu sử dụng lá chêm, tránh việc chồng nhau nhiều lớp để sao cho nón thanh và mỏng, mũi chỉ chằm phải để kẽ lá ôm khích lấy nhau.
Khi nói chằm hoàn tất người thợ đính cái xoài bằng chỉ màu rất đẹp vào chóp nón sau đó mới phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để thành nón bóng láng và giữ được bền.
Từ khi có mặt với chức năng là "cái nón", thì chiếc nón đã theo chân người nông dân ra đồng, theo người phụ nữ đi sớm về trưa, được và dùng để quạt cho cháu vào giấc ngủ, được các bà mẹ vỗ về đội vào đầu và nắm tay dìu con đến trường. Nón cũng được các bà mẹ sụt sùi nước mắt đặt nhẹ lên đầu người con gái thương yêu trước khi lên xe hoa về nhà chồng. Chiếc nón lá còn có mặt trong sách vở, thi ca, qua câu hò tiếng hát của người bình dân để ca ngợi tình yêu trai gái... và chiếc nón thực sự trở thành một phần trong cuộc sống vô cùng đẹp và lãng mạn của đời mình.
Từ lâu chúng ta đã biết đến chiếc nón lá như một đồ vật rất quen thuộc bởi nó đã gắn bó và trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Nón lá gần với đời sống tạo nhiều nét bình dị, duyên dáng và thực tiễn trong đời sống nông dân "một nắng hai sương" trên cánh đồng, bờ tre làng. Cùng với chiếc áo dài thì chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng, một hình ảnh truyền thống của văn hóa Việt Nam.
Chiếc nón lá đã tự nhiên đi vào huyền thoại là một nét đẹp văn hóa, mang cái tâm hồn dân tộc gợi cảm ứng cho thơ ca. Chiếc nón lá chỉ từ 45 - 50 nghìn đồng mà nó tô lên nét đẹp, vẻ duyên dáng của người Việt Nam.
Do hiện đại có rất nhiều công ty sản xuất ra biết bao nhiêu là ô, mũ,... xinh xắn và lộng lẫy, nhưng trên khắp các nẻo đường nông thôn đến thành thị, hình ảnh chiếc nón lá vẫn xuất hiện chứng tỏ sự tồn tại của nó cùng thời gian cả về giá trị sử dụng lẫn nét đẹp văn hóa thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Những đồ dùng muốn bền và đẹp thì cần bảo quản tốt, chiếc nón lá cũng vậy, sau khi đã sử dụng, người phụ nữ Việt Nam đều mắc lên và bao lại cẩn thận. Cũng vì thế mà sử dụng sẽ lâu hơn.
Dẫu chiếc nón lá làm ra không dành riêng cho phái nữ, nhưng nói đến cái nón lá xưa nay người mình có thói quen liên tưởng đến người phụ nữ "nón nghiêng che" đầy ấn tượng!
So với chiếc nón lá các vùng miền khác thì nón Huế đi vào thơ ca, nhạc họa nhiều nhất. Hình ảnh cô gái Huế với chiếc nón lá bài thơ, khi che trên đầu, khi cầm trên tay, khi nghiêng nghiêng e thẹn đã tạo nên một vẻ đẹp rất Huế. Đã từ lâu rồi, khi nhắc đến nón bài thơ, người ta đều nghĩ ngay đến Huế.
Chiếc nón lá Việt Nam là một vật dụng không thể thiếu và là người bạn thân thiết đối với con người. Tuy nó mang giá trị vật chất không cao nhưng về giá trị tinh thần thì không chiếc nón nào so sánh được.
Thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - mẫu 9
Trong trái tim mỗi người thì "quê hương" luôn có một vị trí đặc biệt dù có đi xa bất cứ nơi nào. Mỗi một miền quê, một mảnh đất đều khoác lên nó một màu sắc khiến con dân tự hào và Việt Nam ta cũng vậy. Ta tự hào biết bao về một quê hương có bản sắc văn hóa với bao nhiêu là sản phẩm dân tộc từ trang phục, thực phẩm, trò chơi..... và có lẽ áo dài là một nét dân tộc mà mỗi người dân Việt Nam không thể quên.
Lịch sử ra đời chiếc áo dài cũng được các nhà sử học nghiên cứu rất kĩ và khá phức tạp. Chiếc áo dài đầu tiên xuất hiện vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Do sự di cư, rời quê của hàng vạn người Minh Hương mà Chúa cho thiết kế ra chiếc áo dài để tạo nét riêng cho người Việt. Chiếc áo cứ thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau với nhiều kiểu dáng khác nhau. Chiếc áo dài đầu tiên là chiếc áo giao lãnh, là loại áo giống như áo tứ thân nhưng mặc thì hai tà trước không buộc lại, mặc cùng váy thâm đen. Do việc đồng áng chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành áo tứ thân với hai tà trước được cột lại cho gọn gàng, mặc cùng váy để tiện cho hoạt động lao động. Đó là chiếc áo tứ thân dành cho phụ nữ lao động bình dân. Còn áo tứ thân của phụ nữ tầng lớp quý tộc thì khác: ngoài cùng là chiếc áo the thâm màu nâu nọn, chiếc áo thứ hai màu mỡ gà, chiếc áo thứ ba màu cánh sen. Khi mặc không cài kín cổ, để lộ ba màu áo. Bên trong mặc chiếc yếm đỏ thắm. Thắt lưng lụa màu hồng đào hoặc màu thiên lý. Mặc với váy đen, đầu đội nón quai thao trông rất duyên dáng.
Khi Pháp xâm lược, chiếc áo dài thay đổi một lần nữa. Chiếc áo tứ thân được thay bằng chiếc áo dài. Chiếc áo dài do một họa sĩ Cát Tường sáng tạo và được gọi là áo dài Lemur mang nhiều nét phương Tây không phù hợp văn hóa Việt Nam nên không được mọi người ủng hộ. Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét cứng cỏi của áo Lemur, đồng thời đưa các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân thành kiểu áo dài cổ kính, ôm sát thân, hai vạt trước thả tự do tung bay. Chiếc áo dài này hài hòa giữa cũ và mới phù hợp văn hóa Á Đông nên rất được ưa chuộng. Vì vậy chiếc áo dài ngày nay dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay.
Về cấu tạo bao gồm: cổ áo, thân áo, tay áo... Cổ áo cổ điển cao khoảng 4-5cm, khoét hình chữ V trước cổ. Kiểu cổ áo nà càng làm tôn nên vẻ đẹp chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần thanh tú của người phụ nữ. Ngày nay, kiểu cổ áo dài được biến tấu khá đa dạng như kiểu cổ trái tim, cổ tròn... Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Thân áo dài được may vừa vặn ôm sát thân của người mặc, phần eo được chiết lại (hai bên ở thân sau và hai bên ở thân trước) làm nổi bật chiếc eo thon của người phụ nữ. Cúc áo dài thường được làm cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm làm hai tà, vị trí xẻ tà là ở hai bên hông. Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau và bắt buộc dài qua đầu gối. Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay. Chiếc áo dài được mặc với quần tây cho chiếc váy đen ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Thường được may với vải mềm, rũ. Màu sắc thông dụng nhất là trắng. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần được chọn màu đi tông với màu áo. Chất liệu vải và màu sắc của chiếc áo dài: chọn vải để may áo dài ta nên chọn vải mềm và có độ rũ cao. Chất liệu vải để may áo rất đa dạng: nhung, voan, the, lụa.... màu sắc cũng rất phong phú. Chọn màu sắc để may áo tùy thuộc vào tuổi tác và sở thích từng người.
Chiếc áo dài ngày nay tuy không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà chiếc áo dài đã trở thành trang phục công sở như các ngành nghề: tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, học sinh... Ngoài ra ta có thể diện áo dài để dự tiệc, dạo phố vừa kín đáo, duyên dáng nhưng không kém phần thời trang, thanh lịch.
Do chất liệu vải mềm mại nên áo đòi hỏi phải được bảo quản cẩn thận. Mặc xong nên giặt ngay để tránh ẩm mốc, giặt bằng tay, treo bằng móc áo, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng tránh gây bạc màu. Sau đó ủi nhiệt độ vừa phải, treo bằng mắc áo và cất vào tủ. Bảo quản thật tốt thì áo dài sẽ bền, giữ được dáng áo và mình vải đẹp. Chiếc áo dài may đẹp thường là chỉ phải sắc sảo, ôm sát, vừa vặn với người mặc. ở Nam bộ, chiếc áo dài được cách điệu thành áo bà ba mặc với quần đen ống rộng cũng rất đẹp. Chiếc áo dài khi mặc thương đực đi kèm với chiếc nón lá đội đầu càng tôn vẻ đẹp dịu dàng duyên dáng nữ tính phụ nữ Việt Nam.
Hình ảnh về chiếc áo dài dân tộc vẫn còn đó, vẫn in đậm trong tâm trí mỗi con dân đất Việt, lấy đó như là tín hiệu, một nét bản sắc đáng tự hào và không lẫn vào đâu được.
Thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - mẫu 10
Với đời sống văn hóa của con người Việt nam từ bao đời nay là vô cùng phong phú và đa dạng. Trước khi có sự xuất hiện của Internet, các hình thức giải trí game online, những trò chơi dân gian luôn dành được sự yêu thích của rất nhiều người. Một trong những nét đẹp văn hóa ấy là trò chơi kéo co..
Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biến, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta. Đây là một trò chơi mang tính đồng đội, tập thể, phù hợp với mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ gái trai. Trò chơi ấy không chỉ phổ biến ở vùng đồng quê, nông thôn mà người dân thành phố cũng có thể tham gia. Đặc biệt trong các dịp lễ hội, thi đua, team building đều không thể có sự vắng mặt của trò chơi kéo co.
Để tổ chức chơi kéo co, người chơi cần chuẩn bị một chiếc dây thừng dài, chắc chắn. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài của dây cho phù hợp. Phần giữa của sợi dây được buộc dấu bằng vải màu. Cách vạch trung tâm về hai phía khoảng một mét là vạch xuất phát của hai đội. Thông thường, mỗi đội chơi thường có 10-15 người ngang sức ngang tài.
Sẽ có một người được cử ra làm trọng tài, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Bên nào kéo phần vải đã được đánh dấu trên dây về nhiều hơn thì sẽ dành chiến thắng. Khi kéo, cũng có rất nhiều luật lệ được đặt ra cho người chơi, như không được phép nằm, đè lên dây, không được phép gian lận. Thông thường, các đội sẽ có những cách bố trí chiến thuật chơi khác nhau, người đội trưởng thường đứng đầu làm chỗ dựa cho các thành viên. Những tiếng hô vang 1, 2 được vang lên dõng dạc như một biện pháp khích lệ tinh thần cho các thành viên.
Để phân chia thắng bại công minh, trò chơi thường được chia làm 3 vòng thi đấu. Mỗi vòng thi kéo dài có thể chỉ vài giây cho đến vài phút. Trò chơi đòi hỏi sức bền rất lớn, tinh thần đoàn kết của đồng đội. Trong quá trình chơi, tay có thể dễ bị phồng rộp, đau rát do lực ma sát của dây thừng. Thế nhưng, bỏ qua những mệt mỏi mà cảm giác dành được chiến thắng cũng rất vui vẻ. Trò chơi tuy đơn giản nhưng luôn nhận được sự ủng hộ, hô hào của cả người chơi và các cổ động viên. Mọi người khi tham gia cổ vũ đều hò hét, khua chiêng đánh trống vang dội để tiếp sức mạnh tinh thần cho người chơi.
Trò chơi kéo co được sử dụng qua rất nhiều các dịp lễ hội, trại hè. Như các ngày lễ tại trường học, nhà trường cũng thường tổ chức chơi kéo co cho các bạn học sinh, nhằm rèn luyện sức khỏe và tăng tính đồng đội, hợp tác cho các bạn học sinh.
Hiện nay, có rất nhiều trò chơi dân gian đã bị thay thế bởi những trò chơi game hiện đại, cuốn hút. Thế nhưng, trò chơi kéo co chắc chắn vẫn luôn được yêu mến, giữ gìn bởi những thế hệ về sau.
Thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - mẫu 11
Ngày nay, khi hỏi mỗi đứa trẻ về những trò chơi dân gian như ô ăn quan hay rồng rắn lên mây, có thể chúng ta chỉ nhận được ít ỏi những câu trả lời “Em có biết”, nhưng ngược dòng lịch sử quay trở về với trẻ em thời trước thì ô ăn quan là một trong số các trò chơi dân gian lành mạnh và được ưa thích nhiều nhất.
Ô ăn quan là một trò chơi dân gian của trẻ em miền Bắc Việt Nam. Nguồn gốc hình thành của trò chơi này chưa được tìm hiểu chính xác, chỉ biết rằng ô ăn quan có ở Việt Nam từ rất lâu đời. Theo những câu chuyện lưu truyền lại thì ô ăn quan có dấu tích ngay từ trong một tác phẩm bàn luận về phép tính của Mạc Diên Tích, một Trạng Nguyên năm 1086.
Đây là một trò chơi thiên về tính toán nên đòi hỏi ở người chơi khả năng trí tuệ cao hơn, thay vì sức lực như những trò chơi khác. Trò chơi gồm một bàn kẻ trên một mặt phẳng tương đối. Bàn chơi thông thường có hình chữ nhật với 10 ô vuông đối xứng nhau (được gọi là ô dân), hai đầu hình chữ nhật sẽ có hai vòng cung lớn được gọi là ô quan. Quân chơi thường sẽ là những viên sỏi hay đã có kích thước nhỏ đối với ô dân và có kích thước lớn đối với ô quan. Ở mỗi ô dân sẽ đặt 5 quân, tổng cộng cho cả trò chơi là 50 quân. Còn đối với những ô hình bán nguyệt thì có có hai quân lớn.
Trò chơi này sẽ gồm hai người chơi, hai người này sẽ lần lượt cầm quân tại một ô quân bên mình và đi rải lần lượt vào các ô quân khác theo chiều tự chọn, qua mỗi một ô vuông sẽ để lại một quân. Nếu như hết quá trình rải mà quân cuối cùng rơi vào ô quân mà ô ngay đằng sau ô đó trống thì người chơi sẽ ăn được toàn bộ quân tại ô đằng sau nữa. Người chơi sẽ cố gắng di chuyển quân sao cho ăn được càng nhiều dân và nhiều quan càng tốt. Và nếu như ăn được quan thì số điểm mà mỗi người chơi có là 10 điểm ( mối dân chỉ có 1 điểm). Sau khi cho kết thúc, nếu điểm của người nào cao hơn thì người đó sẽ là người chiến thắng
Mặc dù nói đây là một trò chơi dân gian thường dành cho trẻ em nhưng tất cả những người có mong muốn và yêu thích trò chơi này đều có thể chơi. Số lượng thông thường của trò chơi này là hai. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp số lượng người chơi sẽ lên đến ba hoặc bốn.
Nếu như mọi người tìm kiếm một trò chơi nhằm rèn luyện sức khỏe thì ô ăn quan không phải là một trò chơi lí tưởng. Tuy nhiên, nếu như mọi người mong muốn một trò chơi để rèn trí tuệ và khả năng điềm tĩnh thì chắc chắn đây là một trò chơi phù hợp. Ô ăn quan rất hữu ích, nó giúp mỗi con người giải trí, xua tan đi những mệt mỏi căng thẳng trong cuộc sống. Không chỉ vậy, trò chơi này còn gắn với tuổi thơ của mỗi đứa trẻ. Cũng từ trò chơi này mà nhiều thành ngữ hay những bài thơ đã ra đời, ô ăn quan còn đi vào trong những bức tranh của nhiều họa sĩ …
Ô ăn quan thực sự là một trò chơi vô cùng thú vị, tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển kéo theo sự du nhập của nhiều trò chơi hiện đại khác đã dần khiến cho trò chơi dân gian không còn được quan tâm là tìm đến một cách phổ biến như trước nữa. Thiết nghĩ, chúng ta nên nhìn nhận lại để phát huy những trò chơi mang tính dân tộc này.
Ô ăn quan cùng với những giá trị văn hóa tốt đẹp của nó sẽ mãi còn trong lòng những người dân Việt chân chính và cũng sẽ còn như là một biểu tượng cho cho đời sống trẻ em làng quê một thời Việt Nam.
Thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - mẫu 12
Con người Việt Nam ta nổi tiếng với những món ăn truyền thống đẹp mắt và ngon miệng. Một trong số đó chúng ta phải kể đến chính là món thịt kho tàu ngày tết.
Nguyên liệu để làm món thịt kho tàu rất đơn giản và dễ tìm: Chỉ gồm có thịt ba rọi, trứng vịt, hành, tỏi và nước dừa xiêm cùng với các gia vị thông dụng (mắm, muối, bột ngọt, hạt nêm,…). Muốn nấu món thịt kho tàu ngon thì nên lựa thịt ba rọi có 3 phần mỡ, 7 phần nạc và chọn thịt nạc thăng. Theo quan niệm, trứng trong món thịt kho tàu phải tròn, hông bị nứt nẻ thì công việc làm ăn mới thuận lợi, gặp nhiều may mắn. Đầu tiên, thịt sau khi mua về thì cạo rửa sạch, để ráo nước. Sau đó cắt khúc, vuông khoảng 4-5cm, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi để hai giờ cho thịt thấm đều. Sau đó, Phi hành, tỏi rồi xào thịt cho săn lại. Trứng vịt đem đi luộc chín, bóc vỏ, lấy tăm đâm vào trứng rồi đem đi chiên qua dầu để có màu vàng đẹp, thoát hơi tốt. Ngoài ra, ta còn có thể thay thế trứng vịt bằng trứng cút. Thịt sau khi xào thăn, cho 1/2 thìa cà phê nước màu, 1/2 chén nước mắm. Nấu cho đến khi sôi lên thì đổ nước dừa xiêm vào ngang mặt thịt. Cuối cùng cho trứng vịt đã chiên vàng vào khi nước sôi và nấu cho sôi 2-3 lần. Tùy vào khẩu vị từng người mà chúng ta có thể hầm thịt chín nhừ hay chín tới. Thịt thành phẩm đạt tiêu chuẩn có màu vàng cánh gián vô cùng đẹp mắt và mùi thơm vô cùng đặc trưng.
Thịt kho Tàu là món ăn thân quen đối với người miền Nam ta, ngày nay là cả miền Bắc, miền Trung đặc biệt là dịp Tết, gắn bó với các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, khiến mọi người dễ dàng cảm nhận không khí hòa thuận, sum vầy. Đó cũng là dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, thành công. Món thịt kho tàu từ lâu đã trở thành một món ăn truyền thống, một nét đẹp văn hóa của dân tộc và đóng góp vào kho tàng ẩm thực phong phú của Việt Nam.
Với cách làm đơn giản, nguyên liệu dễ tìm chúng ta có thể chế biến một món ăn ngon, đẹp mắt. Món ăn này không chỉ giúp chúng ta có bữa cơm vui vẻ mà nó còn đại diện cho nền ẩm thực, văn hóa Việt Nam. Chúng ta hãy biết trân trọng những điều nhỏ bé này để thấy cuộc sống đẹp đẽ hơn.
Thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - mẫu 13
Mỗi đất nước đều có trang phục truyền thống biểu trưng cho văn hóa của quốc gia mình. Nếu Nhật Bản nổi tiếng với Kimono, Hàn Quốc được biết đến với Hanbok thì Việt Nam lại tự hào với Áo dài. Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.
Ngược dòng thời gian để tìm về với nguồn cội, chiếc áo dài đầu tiên với hai tà áo thướt tha bay lượn đã xuất hiện từ trên ba ngàn năm trước. Đồng hành cùng bước đi của lịch sử, áo dài đã trải qua nhiều kiểu dáng khác nhau. Kiểu sơ khai là áo giao lành, được mặc phủ ngoài yếm đào, váy lụa đen, thắt lưng buông thả. Nhưng để tiện cho việc làm ăn, việc đồng áng, áo giao lành được thu gọn thành áo tứ thân. Rồi từ áo tứ thân lại chuyển thành áo dài cổ kính, ôm sát thân, hai vạt trước được tự do tung bay hài hòa giữa cũ và mới. Trải qua bao năm tháng, áo dài dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay.
Áo dài có hình dáng thanh lịch, thướt tha. Cổ áo cổ điển là cổ Tàu, cao khoảng 4 đến 5 cm, khoét hình chữ V nhỏ trước cổ, tôn lên vẻ đẹp của chiếc cổ cao thanh tú của người phụ nữ. Ngay nay, kiểu cổ áo dài được sáng tạo đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,… Thân áo kéo dài từ dưới cổ xuống eo, được may vừa vặn ôm sát lấy người mặc. Cúc áo dài thường là cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Sau này, người ta còn thiết kế ra loại ít cúc hơn, hoặc khóa kéo sau lưng áo. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà là tà trước và tà sau. Áo dài truyền thống có tà dài đến gót chân, áo dài cách tân thì chỉ qua gối. Tay áo may ôm sát cánh tay.
Áo dài thường được mặc với quần thụng thay cho váy đen ngày xưa. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Áo dài được may với nhiều chất liệu khác nhau như: nhung, voan, lụa, gấm... với nhiều màu sắc phong phú. Họa tiết trên áo có thể là hoa, con vật như chim phụng hoàng, bướm... và nhiều hoa văn mang đạm bản sắc dân tộc. Với sự sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế, áo dài có thể mang nhiều hình dáng khác nhau.
Chất liệu làm ra một chiếc áo dài đòi hỏi người mặc cần biết cách bảo quản. Khi gặt áo, chỉ giặt bằng tay, giũ cho áo ráo nước và phơi ngoài nắng nhẹ, tránh nắng gắt vì áo dễ bạc màu. Dùng bàn ủi ủi với nhiệt độ thích hợp tránh quá nóng làm cháy áo. Mặc xong nên giặt áo ngay, treo lên bằng móc áo, nếu gấp phải gấp cẩn thận tránh làm gãy cổ áo.
Trong cuộc sống hiện đại, áo dài không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà còn trở thành trang phục công sở cho nhiều ngành nghề như tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng,… Áo dài trắng là biểu tượng tinh khôi của nữ sinh Việt Nam. Áo dài đỏ cung vui trong ngày lễ ăn hỏi, thành hôn của cặp trai tài gái sắc. Mỗi dịp xuân về, nhiều gia đình nô nức chuẩn bị áo dài cho tất cả các thành viên để cùng đón một cái Tết sum vầy, ý nghĩa. Không chỉ như vậy, ở các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế, các thí sinh đều tự chọn cho mình một chiếc áo dài để dự thi. Bạn bè thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam gắn liền với chiếc áo dài thướt tha, thanh lịch.
Năm tháng qua đi, nhiều trang phục hiện đại dần phổ biến hơn. Nhưng áo dài vẫn lưu giữ trọn vẹn vẻ đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam. Áo dài cùng nón lá chính là nét duyên dáng Việt. Nhìn thấy hình ảnh áo dài, bao trái tim xa quê hương vẫn thổn thức nghĩ về Việt Nam yêu thương xa nhớ.
Thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - mẫu 14
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thướt tha, đắm thắm, và hiền dịu trong tà áo dài luôn là điểm sáng đặc biệt, tạo dấu ấn văn hóa đậm đà đối với bạn bè quốc tế. Chiếc áo dài, với lịch sử dài lâu và sự tiến hóa qua các thời kỳ khác nhau, trở thành biểu tượng đẹp đẽ và truyền thống vô cùng quý báu của Việt Nam.
Chưa rõ chiếc áo dài xuất hiện từ khi nào, nhưng qua các giai đoạn lịch sử, nó đã trải qua nhiều biến đổi. Áo dài của những người phụ nữ xưa thường là áo tứ thân hoặc áo năm thân. Áo tứ thân kết từ bốn mảnh vải, hai mảnh trước và hai mảnh sau. Áo năm thân thường ghép vạt áo trái phía trước thành hai mảnh, tạo sự rộng lớn hơn phần vạt áo phía phải. Các bà lớn tuổi thường mặc áo tứ thân màu nâu hoặc đà bằng vải hay lụa tơ tằm khi đến chùa vào ngày mồng một hoặc ngày rằm. Còn con gái ở Kinh Bắc thường mặc áo dài tứ thân màu thẫm khi tham gia hội chùa Dâu hoặc hát Quan họ.
Từng bước, chiếc áo dài trải qua sự đổi mới và cải tiến để trở thành biểu tượng thời trang ngày nay. Áo tứ thân được thiết kế với ống tay thon hơn, cổ áo đa dạng hơn, và thêm nhiều chi tiết cúc bấm chạy chéo trên hai mảnh vải phía trước. Lưng áo được may thắt để tôn vẻ đẹp trẻ trung và quyến rũ của người phụ nữ. Tà áo xẻ dài từ hông tạo nét thướt tha và quyến rũ đặc trưng của người phụ nữ Việt. Áo dài hiện đại được làm từ lụa đa dạng màu sắc, từ trắng tinh khôi, hồng ngọt ngào, xanh lơ tươi mát đến tím thanh lịch. Họa tiết hoa và các hình vẽ tượng trưng trên áo dài tạo nên vẻ lộng lẫy và rực rỡ, tôn thêm vẻ đẹp của trang phục này.
Khi mặc chiếc áo dài, nó thường được kết hợp với chiếc nón lá đội đầu, làm cho người phụ nữ Việt trở nên dịu dàng và nữ tính hơn bao giờ hết. Áo dài đã trở thành một nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ và nhạc sĩ, thể hiện qua những bài thơ và ca khúc tươi đẹp như bài thơ sau:
"Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng"
Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Ngày nay, chiếc áo dài đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành nghề công sở như tiếp viên hàng không, giáo viên, nhân viên ngân hàng, và cả học sinh. Nó cũng được chọn để dự tiệc hoặc dạo phố, mang lại sự kín đáo, duyên dáng, thời trang và thanh lịch.
Mặc dù có nhiều trang phục thời trang đẹp và hiện đại, nhưng không có trang phục nào có thể thay thế chiếc áo dài - biểu tượng truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài vẫn giữ được vẻ đẹp dịu dàng và quý phái, thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống và thời trang hiện đại.
Thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - mẫu 15
Hiện nay, xã hội đang tiến về thời đại 4.0, một thời đại đi kèm với sự bùng nổ của máy móc điện tử và các trò chơi trực tuyến. Các trò chơi này dường như đã chiếm lĩnh và thay thế những trò chơi thông thường mà chúng ta từng biết. Tuy nhiên, có lẽ đến lúc chúng ta nên quay về và tìm kiếm những trò chơi dân gian, để tận hưởng tuổi thơ và khám phá những giá trị văn hóa truyền thống. Một trong những trò chơi dân gian phổ biến nhất chắc chắn là trò chơi kéo co.
Kéo co không phải một trò chơi mới mẻ, mà đã tồn tại từ rất lâu, và nguồn gốc của nó thì không ai biết chính xác. Trò chơi này thường xuất hiện trong các lễ hội truyền thống của các dân tộc, hoặc đơn giản chỉ là một trò chơi mà trẻ em thường chơi trong cuộc sống hàng ngày. Đặc điểm quan trọng của trò chơi này là tinh thần đoàn kết và sức khỏe, bởi người chơi cần phải cùng nhau kéo một dây thừng dài khoảng 10 mét hoặc hơn, với một chiếc khăn buộc giữa dây làm dấu hiệu chiến thắng. Người chơi được chia thành hai đội với số lượng người bằng nhau hoặc không giới hạn, và mục tiêu là kéo sợi dây thừng vượt qua biên giới của đối phương. Trong một cuộc thi kéo co, một trọng tài sẽ là người quyết định đội nào thắng cuộc. Trò chơi yêu cầu người chơi tập trung hết sức mình, thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác, và có thể gây đau tay do sự ma sát với sợi dây, vì vậy cần phải cẩn thận.
Kéo co đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam, mang lại niềm vui cho mọi người và thể hiện tinh thần đoàn kết và sự phối hợp giữa người chơi. Trò chơi này thường được tổ chức trong các hội hè và lễ hội truyền thống, tạo ra không gian náo nhiệt và vui vẻ cho cộng đồng. Đặc biệt, từ năm 2013, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định đề cử "Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống" để đề nghị UNESCO công nhận nó là Di sản phi vật thể của nhân loại.
Kéo co không chỉ là một trò chơi, mà nó còn là một biểu tượng của sự đoàn kết và tình thần của người Việt Nam. Đáng tiếc rằng, trong thời đại của trò chơi điện tử và công nghệ, những trò chơi dân gian này đang dần bị lãng quên. Vì vậy, việc tuyên truyền và giáo dục trẻ em về những trò chơi truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng. Chúng ta cần bảo vệ, duy trì và thúc đẩy giá trị văn hóa này, để thế hệ tương lai có cơ hội tận hưởng những trải nghiệm thú vị từ những trò chơi này.
Thuyết minh một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam - mẫu 16
Thả diều không chỉ là thú vui của trẻ con mà của nhiều người thuộc các lứa tuổi khác nhau. Một mảng trời mùa hạ sẽ là không gian rộng lớn cho những cánh diều mặc sức vút lên cao. Chỉ mười đến mười lăm nghìn là ta sẽ có một chiếc diều khá đẹp. Nhưng bay bổng lên trời cao bằng chính sự khéo léo của đôi tay mới thật sự là thú vui của người chơi thả diều.
Muốn có một chiếc diều tốt do chính tay mình làm, ta cần có: Tre, phải là tre tươi, dẻo, cứng; Giấy: Tùy thuộc vào kích cỡ diều ta định làm, nhưng cứ chuẩn bị càng nhiều càng tiện; Dây: Nếu là diều to phải có dây to, nếu không sẽ bị đứt dây nửa chừng lúc đang thả diều, dây cũng phải hai ba cuộn mới đủ cho một chiếc diều cỡ thường; Hồ dán; Sáo (chỉ cần khi làm sáo diều to).
Diều có rất nhiều loại: Hình hộp, hình vuông, hình rồng, hình chim, hình người… Nhưng để bay cao và vững chắc là diều quạ. Vì thế ta hãy tự làm cho mình một chiếc diều hình quạ là tốt nhất.
Đầu tiên ta phải làm khung cánh bằng tre nứa. Có lẽ ta nên chuẩn bị hai thanh tre dài 90 cm thì vừa. Ta phải buộc vào thanh tre ở trên, đầu kia là thanh ở dưới sao cho thật thang bằng hai bên cánh. Thanh tre này ta nên để dài khoảng 22, 23cm thì đẹp. Nhưng như thế là chưa đủ, ta phải làm cho hai bên cánh cong lên bằng cách buộc hai đầu vào thanh trục ở giữa (buộc vào trung điểm của thanh trục). Nhưng đững có uốn cong quá kẻo gãy. Thường thì hai cánh sẽ không cong đều như đường tròn và cong tụ lại ở một chỗ, như thế cũng không sao. Thế là ta đã có được đôi cánh của con quạ giấy rồi.
Tiếp theo là phần đầu và đuôi rất đơn giản:
Đầu: Ta chuẩn bị hai thanh tre nhỏ, ngắn khoảng 9-10cm, buộc vào sát cái trục rồi buộc tiếp vào đầu kia thành mũi nhọn.
Đuôi: Cũng là hai thanh tre nhưng dài hơn, khoảng từ 20-30cm, buộc thành hình tam giác. Nhưng một đầu nhọn của tam giác là gắn chặt với thanh trục (ở khoảng 1/3 trục), góc nhọn khoảng 70 độ thì vừa.
Khi đã có khung cả rồi thì ta mới dán giấy. Nếu giấy nhỏ thì ta phải dán từng đoạn của cánh và phải kín. Giấy được phủ lên cánh diều, vuốt một nếp theo đường dây, kéo cho phẳng rồi dán mép giấy vào xung quanh thanh tre. Đầu và đuôi cũng tương tự.
Cuối cùng là phần buộc dây (lèo). Ta phải đục hai lỗ nhỏ trên giấy sát thanh tre ở trên của cánh (hai lỗ nhỏ cân giữa trục, từ trục đến một lỗ khoảng 10-15cm), buộc hai đầu của sợi dây khoảng 3cm vào hai lỗ ta được một phần của lèo. Tiếp theo lấy một đoạn dây khoảng 30cm buộc vào trung điểm của đoạn dây trước, đầu kia buộc vào đuôi của trục. Và đoạn dây nối với cuộn dây của ta sẽ buộc vào đoạn thứ hai ấy, buộc thật chắc nhưng vẫn di chuyển được trên dây thứ hai để chỉnh. Phần chính này khoảng từ 3-5cm (trên đoạn dây thứ hai tính từ phần buộc với dây thứ nhất). Như thế là ta đã có một con quạ giấy rồi.
Trò chơi thả diều sẽ mãi mãi là thú vui của nhiều người trong những ngày hè oi ả. Những ngày gió to, ta đem diều ra ngoài đồng hoặc nơi không bị vướng nhà cửa, dây điện mà đưa diều lên trời cao. Đảm bảo sẽ có những giây phút bình yên cùng một cánh chim và một mảng trời xanh biêng biếc.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 8 hay, ngắn nhất khác:
- Giải Tiếng Anh 8 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Friends plus
- Lớp 8 - Kết nối tri thức
- Soạn văn 8 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 8 (ngắn nhất) KNTT
- Giải sgk Toán 8 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 8 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 8 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 8 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 - KNTT
- Giải sgk Tin học 8 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 8 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 8 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 8 - KNTT
- Lớp 8 - Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 8 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 8 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 8 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 8 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 8 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 8 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 - CTST
- Giải sgk Tin học 8 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 8 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 8 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 8 - CTST
- Lớp 8 - Cánh diều
- Soạn văn 8 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 8 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 8 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 8 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 8 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 8 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 8 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 8 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 8 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 8 - Cánh diều