15+ Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu (điểm cao)

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ hay nhất, ngắn gọn gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 8.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - Cô Lê Minh Nguyệt (Giáo viên VietJack)

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu – mẫu 1

Ngô Tất Tố được coi là nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông đều tập trung khai thác cuộc sống nghèo khổ của người nông dân trước cách mạng qua đó bộc lộ được tâm lí và vẻ đẹp của người nông dân. Một trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông chính là tiểu thuyết “ Tắt đèn” đặc biệt là đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” đã làm sáng rõ hình ảnh chị Dậu- một người phụ nữ mạnh mẽ kiên cường.

Trước tiên chị Dậu hiện lên là một người phụ nữ có cuộc sống vô cùng khổ cực, bị đày đọa bởi sưu cao thuế nặng. Gia đình chị vì không nộp đủ thuế của người em chồng đã chết từ năm ngoái nên anh Dậu bị bắt đi và bị hành hạ đánh đập dã man. Người phụ nữ ấy đã phải bán hết mọi thứ trong gia đình, bán cả đàn chó mới sinh để lo tiền chạy cho anh Dậu. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ và chị Dậu phải nuốt nước mắt để bán đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra cho nhà phú ông. Hình ảnh chị Dậu là hiện thân cho những người phụ nữ trước cách mạng có cuộc sống khổ đau, bị xã hội đày đọa đến bước đường cùng. Chúng bắt người nông dân phải nộp thuế cao ngất ngưởng và đầy vô lí, nếu không nộp đủ sẽ bị lôi ra đình chịu trận. Đồng thời qua đây ta cũng thấy hình ảnh chị Dậu hiện lên là một người thương chồng thương con hết mực, người phụ nữ của gia đình với biết bao lo toan trong cuộc sống.

Đặc biệt, hình ảnh chị Dậu hiện lên trong đoạn trích là một người phụ nữ mạnh mẽ mang trong mình sức sống tiềm tàng sức phản kháng và tấm lòng dũng cảm chống lại cái ác. Đúng như nhan đề của đoạn trích “ Tức nước vỡ bờ”, khi con người bị đẩy đến bước đường cùng, không thể chịu đựng được nữa thì sẽ vùng lên đấu tranh quyết liệt. Nhà văn đã miêu tả rất tinh tế từng cử chỉ, lời nói, hành động của nhân vật chị Dậu khi phản kháng lại bọn cai lệ và lí trưởng. Khi thấy chồng chị bị chúng hành hạ, chị từ việc xưng hô “ ông- cháu” đã chuyển thành “ tôi” và cuối cùng là “ bà- mày” . Chỉ cách xưng hô đấy thôi cũng đã cho thấy chị đã có tinh thần phản kháng, không chịu nhu nhược để yên cho chúng bắt nạt. Rồi người phụ nữ mạnh mẽ ấy chỉ trong chốc lát đã đánh trả được hết bọn cai lệ khiến chúng sợ hãi và bỏ chạy…

Như vậy, hình ảnh chị Dậu hiện lên thật đẹp thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Mặc dù có cuộc sống nghèo khổ nhưng ở người phụ nữ này vẫn luôn toát lên tình thương yêu gia đình, sự nhẫn nhịn chịu đựng và đặc biệt là tinh thần phản kháng mãnh liệt chống lại thế lực bạo tàn. Chính những người nông dân như chị Dậu này sẽ làm tiền đề để cho cuộc cách mạng tháng Tám mở ra và thành công vang dội.

Dàn ý Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật cần phân tích: Ngô Tất Tố là nhà văn xuất sắc viết về đề tài người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám. Những tác phẩm của ông được giới phê bình đánh giá cao, vừa giàu giá trị nội dung và đặc sắc về nghệ thuật viết truyện. Trong đoạn trích " Tức nước vỡ bờ" trong tiểu thuyết " Tắt đèn", nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật chị Dậu.

II. Thân bài

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Tác phẩm "Tắt đèn" viết năm 1936, xã hội bấy giờ là thực dân nửa phong kiến, người nông dân phải chịu nhiều tầng áp bức. Đời sống nhân dân đói khổ, bần cùng, đất nước lầm than, nô lệ.

- Nhân vật chị Dậu đã góp một mảng màu chân thực vào hiện thực bấy giờ, đồng thời còn thể hiện chiều sâu tư tưởng và nhân đạo của nhà văn.

b. Phân tích nhân vật chị Dậu

* Số phận

- Có hoàn cảnh đáng thương.

- Là người nông dân nghèo, vì gánh nặng sưu thuế mà phải bán hết gánh khoai, ổ chó và đứa con gái là cái Tý cho ông Nghị Quế nhưng chỉ đủ nộp sưu cho chồng. Chú Hợi là anh ruột của anh Dậu chết từ năm ngoái nhưng cũng không tránh khỏi nộp sưu.

- Anh Dậu đang ốm nặng, bọn cường trói anh suốt ngày đêm sai tay chân vác anh về như cái xác chết rũ rượi. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai chị.

- Gánh nặng sưu thuế đã dồn người nông dân vào cuộc sống lầm than cơ cực. Đó là giai đoạn với bao nỗi kinh hoàng khi bọn thực dân phong kiến ra sức bóc lột nông dân với đủ mọi thứ thuế. Chị Dậu cũng như bao người nông dân bấy giờ là nạn nhân trong xã hội ấy.

* Phẩm chất

- Người vợ, người mẹ giàu tình yêu thương

+ Trong cơn nguy kịch, chị Dậu tìm đủ mọi cách để cứu chồng. Khi chồng ốm, trước hàng loạt những tiếng trống thúc thuế, chị vẫn khẩn khoản, thiết tha mời chồng: " Thầy em cố gắng ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột". Hành động ấy chứa đựng biết bao tình yêu thương vỗ về.

+ Dũng cảm chống lại bọn cường hào để bảo vệ chồng

+ Bán đi đứa con mình đứt ruột đẻ ra, lòng người mẹ nào không đau cho được. Lòng chị chắc hẳn luôn quặn thắt luôn nhói đau.

- Người phụ nữ đúng mực có cương có nhu.

+ Lúc đầu khi bọn cường hào tới chị hạ mình van xin, lúc thì run run xin khất, lúc thì thiết tha xin chúng xem lại

+ Tên cai lệ " Rút dây thừng trong tay anh hậu cần lý trưởng, hắn chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu để bắt trói điệu anh ra đình". Tức nước vỡ bờ, để bảo về chồng cũng như nhân phẩm chị đã kiên quyết chống cự: " Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem". Cách xưng hô thay đổi. Từ chỗ nhún mình chị đã vùng lên. Tên cai vệ bị chị Dậu túm cổ ấn dúi ra cửa, ngã chỏng queo trên mặt đất.Tên hậu cận lý trưởng bị chị túm túc lăng cho một cái, ngã nhào ra thềm. Chị nói " Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được. Con giun xéo mãi cũng quằn, bị dồn tới bước đường cùng người nông dân phải tự giải thoát cho mình.

* Đánh giá

- Với nghệ thuật xây dựng nhân vật, sử dụng vốn từ ngữ giàu có sinh động, Ngô Tất Tố đã xây dựng thành công nhân vật chị Dậu, qua đó thể hiện chiều sâu nhân đạo cũng như triết lý: Có áp bức thì sẽ có đấu tranh.

III. Kết bài

- Cảm nhận của em về nhân vật: Chị Dậu đã để lại trong ta những ấn tượng sâu sắc. Qua đó ta thêm hiểu hơn về cuộc sống của người nông dân trong xã hội cũ đồng thời ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của họ.

Sơ đồ Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu – mẫu 2

 “Tắt đèn” là một tác phẩm đặc sắc của nhà văn Ngô Tất Tố phản ánh về đời sống của nông dân Việt Nam trong những năm bị thực dân Pháp đay nghiến xâm lược. Tuy chịu nhiều khổ đau vì bị áp bức, bóc lột nhưng người nông dân dưới con mắt của Ngô Tất Tố vẫn sẵn sàng đứng lên để chống lại cường hào áp bác. Và điều đó được thể hiện rõ qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” mà tiêu biểu là với hình ảnh của nhân vật chị Dậu.

Nhân vật chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ” đã lột tả bộ mặt của xã hội lúc bấy giờ vô cùng tàn ác. Một mùa sưu cao thuế nặng, bóc lột tới tận xương tủy của người nông dân khiến họ không còn lối thoát phải vùng lên đấu tranh đòi sự sống cho mình. Bởi mọi sự nhẫn nhịn, chịu đựng lúc này đều là vô nghĩa, buộc lòng người dân phải vùng lên để phản kháng lại sự bóc lột của chế độ lúc bấy giờ. Mở đầu trích đoạn “Tức nước vỡ bờ”, chị Dậu đón anh Dậu chồng mình về nhà sau bao ngày bị giam cầm ngoài đình làng vì không có tiền nộp thuế thân. Người anh Dậu sau những trận đòn roi chỉ còn da bọc xương xanh xao vàng vọt. Giữa thời kỳ đói khổ nghèo khó đó người phụ nữ như chị Dậu phải biến thành người trụ cột cho gia đình vừa lo cho chồng, chăm sóc ba đứa con thơ. Chị Dậu chạy vạy khắp nơi để lo cho đủ xuất thuế thân của chồng mình, lo cho anh được về nhà thuốc thang.

Những tưởng thế là thoát tội nhưng than ôi bọn quan lại đó lại tới nhà đòi bắt anh Dậu đi vì suất thuế của người em trai chồng chết từ tháng giêng nhưng vẫn phải nộp thuế. Không chỉ bóc lột người sống bọn quan lại, đại diện của tầng lớp bóc lột mất tính người đó còn định ăn của cả người chết. Vì người chết mà người sống phải khốn đốn, cùng cực khốn khổ. Nhân vật chị Dậu cho chúng ta suy nghĩ là người phụ nữ vô cùng chịu thương chịu khó, chị thương chồng thương con, mong muốn tìm đủ mọi cách để cứu chồng. Trong gia đình có gì đáng giá chị đều bán đi để lo suất thuế thân cho anh Dậu những mong cứu anh qua cảnh khốn cùng này. Chị Dậu bán chó mẹ và một đàn chó con chỉ được hơn một đồng, rồi chị không còn cách nào khác chị Dậu buộc lòng bán đứa con gái đầu lòng của mình mới có 6-7 tuổi cho người ta làm giúp việc kiếm thêm tiền chuộc chồng khỏi cảnh tù tội, bị đánh đập mỗi ngày. Lòng người mẹ thật xót xa khi phải mang con mình đi bán cho người ta. Khi nghe những lời con bé van xin mình, chị chỉ biết khóc, bởi chị đã bị dồn tới đường cùng. Chị van xin con bé “Con có thương thầy thương u?” con bé chỉ mới 6-7 tuổi thôi nhưng nó dường như già trước tuổi. Nó biết mình không thể nào thoát cảnh bị bán nên chỉ cam phận đi theo mẹ sang nhà Nghị Quế.

Lo chạy vạy khắp nơi bán cả đàn chó, bán cả con mới đủ tiền cho chồng về nhà vậy mà giờ đây chị Dậu phải đối diện với việc anh Dậu lại bị trói bắt đi vì suất thuế của người em đã chết. Chị van xin chúng tha cho chồng chị, chị xưng ông- con với chúng nó, thể hiện một cái nhìn nhún nhường, xuống nước của một người dân thấp cổ bé họng trong xã hội. Nhưng chúng không có tính người cũng không có lòng thương, chúng vẫn nhăm nhe bắt anh Dậu đi. Chị Dậu không còn cách nào chị đã lên giọng xưng hô Tôi - Ông thể hiện sự ngang hàng của mình với chúng. Chị Dậu muốn đòi quyền làm người của mình “Chồng tôi đau ốm các người không có quyền” Nhân vật chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” đã thay đổi thái độ của mình, thể hiện sự vùng lên của người nông dân. Khi mà “con giun xéo mãi cũng quằn” chị càng van xin chúng càng lấn tới thì còn có cách chị phải vùng lên mà thôi. Vùng lên đòi quyền làm người, quyền sống cho mình và người thân trong gia đình.

Trước thái độ công kích đó của chị Dậu, bọn binh lính càng tức tiết chúng lao tới định trói tay anh Dậu mang đi. Chị Dậu xắn tay áo nói “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem” một thái độ đanh thép, xưng hô đã thay đổi rất nhiều giờ đây chị Dậu cho mình cái quyền được ở trên bọn binh lính, chị xưng bà với bọn chúng, thể hiện sự cương quyết trong việc bảo vệ chồng của mình. Cùng với lời nói chị Dậu đã sấn tới lôi cổ một tên lính đẩy ra ngoài cửa khiến cho tên lính ngã chỏng gọng chúng lồm cồm bò dậy rồi đi mất. Sự phản ứng mạnh mẽ của chị Dậu khiến cho bọn chúng sợ mà không dám bắt anh Dậu đi nhưng đây chỉ là sự phản ứng nhất thời mang tính bộc phát không phải là sự phản kháng có đường lối chủ đích. Nhưng nó cho thấy sự phản kháng của người nông dân khi bị xô đẩy tới đường cùng.

Như vậy, có thể nói, nhân vật chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ” tuy là người phụ nữ yếu đuối nhưng có tình yêu thương chồng con vô cùng mãnh liệt chính vì tình yêu đó mà chị không ngại vùng lên bảo vệ người thân của mình. Cho thấy rằng người dân dù nghèo khổ, nhút nhát nhưng khi tới đường cùng họ cũng có những sức mạnh vô cùng to lớn có thể phát huy. Chị Dậu trong trích đoạn “Tức nước vỡ bờ” là người phụ nữ tiêu biểu cho những người phụ nữ, người nông dân lao động nghèo khổ trong thời kỳ trước khi cách mạng tháng Tám diễn ra. Khi đọc tác phẩm ta hiểu hơn về hoàn cảnh sống và những khốn khổ mà người nông dân như chị Dậu phải đối mặt trong thời kỳ phong kiến thực dân cũ.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu – mẫu 3

Ngô Tất Tố là nhà văn xuất sắc trong dòng văn học hiện thực 1930-1945. Viết về nạn sưu thuế dã man đã bần cùng hóa nhân dân ta, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tiểu thuyết “Tắt đèn" của Ngô Tất Tố là một thành công đặc sắc. Nhân vật chị Dậu đã được khắc họa thành một nhân vật điển hình về người phụ nữ nông dân trong xã hội cũ.

Bình luận về tác phẩm “Tắt đèn”, nhà văn Nguyễn Tuân có nhận xét về nhân vật chị Dậu như sau: “Trên cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày xưa, hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu”.

Nhận xét của Nguyễn Tuân rất sắc sảo. Ông chỉ ra giá trị hiện thực của “Tắt đèn” một tác phẩm đã phản ánh sự đen tối lầm than của nông thôn Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, đồng thời khẳng định thành công của Ngô Tất Tố khắc hoạ nhân vật chị Dậu “một chân dung lạc quan ”hiện lên giữa “cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa " ấy. Chị Dậu có bao phẩm chất tốt đẹp: nghèo khổ mà phẩm giá trong sạch, thương chồng thương con, đảm đang tháo vát, dũng cảm chống lại bọn cường hào.. “Bản chất của nhân vật chị Dậu rất khóe, cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra..”.

“Cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa được nói đến trong “Tắt đèn” là làng Đông Xá giữa mùa sưu thuế. Tiếng trống ngũ liên, tiếng tù và, tiếng mõ đốc sưu nổi lên suốt đêm ngày nghe rất rùng rợn, cổng làng bị bọn cường hào đóng chặt để tróc sưu. Bọn cai lệ, bọn tay chân lí trưởng với roi song, tay thước, dây thừng, nghênh ngang đi lại ngoài đường thét bắt trói kẻ thiếu sưu. Lí trưởng làng Đông Xá ra lệnh cho lũ tay chân: "Tha hồ đánh! Tha hồ trói! Thằng nào bướng bỉnh đánh chết vô tội vạ! Anh Dậu vì tội thiếu sưu mà bị bọn cường hào “bắt trói như trói chó để giết thịt!”“. Em trai anh Dậu chết từ năm ngoái nhưng anh Dậu vẫn phải nộp thay vì “Chết cũng không trốn được sưu Nhà nước!”. Có biết bao gia đình nông dân nghèo khổ bị điêu đứng, bị bắt đánh trói dã man! Chị Dậu phải bán khoai, bán ổ chó, bán đứa con gái đầu lòng lên 7 tuổi cho Nghị Quế. Chị phải đi ở vú... để kiếm đủ số tiền trang trải hai suất sưu cho chồng và đứa em chồng đã chết! Có thể nói “Tắt đèn” là bức tranh chân thực về xã hội nông thôn đen tối trước cách mạng, đồng thời là bản án đanh thép đối với cái xã hội ấy. Đọc “Tắt đèn”, ta rùng mình cảm thấy“cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa ” như Tố Hữu đã viết:

“Nửa đêm thuế thúc trống dồn,

Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy... ”

(30 năm đời ta có Đảng)

Giữa cái xã hội đen tối, hãi hùng ấy đã “Hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu”. Ngô Tất Tố không chỉ thấu hiểu đời sxống nông thôn mà còn có tình cảm gắn bó với những người dân cày lam lũ, nghèo khổ. Ông đã dành cho nhân vật chị Dậu sự đồng cảm, xót thương và quý trọng. Ông đã viết nên những lời tốt đẹp nhất về cái chân dung lạc quan của chị Dậu. Chị Dậu cần cù chịu khó làm ăn "đầu tắt mặt tối” thế mà "cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”. Tai họa dồn dập: hai cái tang mẹ chồng và em chồng, rồi anh Dậu bị ốm nặng kéo dài mấy tháng trời, gia đình chị trở thành “cùng đinh”. Thiếu sưu, chồng bị bắt, bị đánh trói dã man. Một nách ba đứa con thơ, trong nhà không còn một hột gạo, chị Dậu tất tả ngược xuôi tìm mọi cách để cứu chồng. Chị đã phải bán gánh khoai, bán ổ chó, đứt ruột bán cái Tí lên 7 tuổi cho mụ Nghị, mới trả đủ một suất sưu cho chồng! Chị còn phải đi ở vú để trang trải “món nợ Nhà nước” cho đứa em chồng đã chết. Trước mọi tai họa, chị đã vững vàng chống đỡ.

Trong cảnh “Tức nước vỡ bờ”, “cái chân dung lạc quan của chị Dậu” đã tỏa sáng. Chị nấu cháo, lấy quạt quạt cho cháo chóng nguội, ân cần mời chồng, an ủi chồng đang ốm “rề rề” ăn cháo. Trước sự chửi mắng và thái độ hách dịch côn đồ của tên cai lệ, chị đã nhún mình van xin “tha cho chồng”... Nhưng khi bị tên cai lệ “ bịch vào ngực”, “tát đánh bốp vào mặt”, anh Dậu sắp bị trói, chị Dậu đã “nghiến hai hàm răng” thách thức: "Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Với quyết tâm bảo vệ chồng, với sức mạnh và lòng dũng cảm, chị Dậu đã đánh ngã nhào hai tên côn đồ độc ác, những kẻ "hút nhiều xái cũ”. Chị căm giận phủ định mọi thế lực tàn ác của chính quyền thực dân. Chị nói với chồng sau khi đã trừng trị lũ đầu trâu mặt ngựa: “Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được... ”. Cái chân dung chị Dậu "lạc quan” lắm chứ! Đẹp lắm chứ!

Đói cho sạch, rách cho thơm. Đọc “Tắt đèn ”, ta khâm phục trước phẩm cách trong sạch của chị Dậu. Chị Dậu đã “vứt toẹt nắm bạc” vào mặt tên Tri phủ Tư Ân khi hắn giở trò chó má! Chị cũng đã đẩy cụ cố Thượng ra, khi lão già ôm lấy chị... Bạo lực, tù đày, chị không sợ. Tiền bạc không mua chuộc được người đàn bà nhà quê này! Trong đêm tối như mực, ta thấy “hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu ”.

Có người cho rằng chị Dậu manh động! Lại có ý kiến cho rằng cái kết của Tắt đèn nhuốm màu bi quan? Nhà văn Nguyễn Tuân đã phát hiện ra "Bản chất của chị Dậu rất khoẻ, cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra ". Đó là một ý rất hay, rất đặc sắc.

Ngày nay, nông thôn Việt Nam đã có nhiều đổi mới. Xóm làng đã "ngói hoá”. Ánh điện đã tỏa sáng nhiều xóm thôn. Những cái Tí đã được cắp sách đến trường. Đọc “Tắt đèn” là một dịp để mọi người “ôn cũ biết mới”. Ta càng thấy cái tâm và cái tài của Ngô Tất Tố khi ông miêu tả bức chân dung lạc quan của chị Dậu.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu – mẫu 4

Trong nền văn học hiện thực phê phán thời kì 1930-1945 không thể không nhắc tới những cái tên các tác gia nổi bật như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố,… Và có lẽ chúng ta không thể nào quên được hình ảnh chị Dậu - điển hình của người phụ nữ thời kì đó. Đó là hình ảnh một người phụ nữ luôn hết lòng vì chồng con, mang nặng đức hi sinh nhưng không còn sự yếu đuối nhu nhược của người phụ nữ thời kì phong kiến mà đã có sự phản kháng mạnh mẽ chống lại những thế lực luôn chèn ép, bắt buộc những người nông dân thời kì bấy giờ, do đó có lẽ đoạn văn “Tức nước vỡ bờ” là một trong những đoạn văn đắt giá nhất trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc để lại trong lòng người đọc cho tới tận hôm nay.

Bối cảnh trong tác phẩm là hình ảnh của làng Đông Xá trong những ngày đang bị bọn lí chủ, cường hào đi thúc giục sưu thuế cho bọn chúng. Mà nhà chị Dậu lại là một trong những gia đình khó khăn nhất trong làng. Vì không thể trả nổi mức thuế cao vô lí mà anh Dậu đã bị bọn chúng bắt trói lại, đánh đập dã man. Cực chẳng đã, chị Dậu đã phải bán đi đàn chó mẹ, chó con cùng đứa con gái lớn nhất cho nhà Nghị Quế với mứa giá rẻ mạt để có tiền cứu chồng ra khỏi tay của bọn cường hào. Qua đây, chúng ta có thể thấy được hình ảnh của một người phụ nữ nông dân tuy thất học nhưng luôn hết lòng vì chồng, phải cáng đáng công việc mà đáng lẽ ra dành cho người đàn ông trong gia đình.

Mở đầu đoạn trích là hình ảnh anh Dậu bị trói trên cây cột giữa sân đình, đang thoi thóp, kiệt quệ, không thể chống đỡ được sự đau đớn, mỏi mệt cả về thể xác và tinh thần. Khó khăn lắm, chị Dậu mới có được chút tiền bạc để nộp sưu. Ấy vậy mà bọn cường hào, tay sai của “ông Lý” lại lôi anh Dậu ra vứt ở ngoài sân, trao trả lại cho chị và đòi chị phải nộp thêm thuế đinh của người em trai chồng đã mất từ năm ngoái. Đó là một điều đòi hỏi vô lí, thế nhưng chị vẫn phải nhẫn nhục. Đau khổ là thế, lo lắng là thế nhưng chị vẫn cố dặn lòng, cố gắng đưa cho chồng bát cháo loãng, dù chính mình còn chưa có gì ăn, Chị chỉ nhẹ nhàng bảo với chồng : “Thầy em cố gắng dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột” . Lời của người đàn bà nhà quê tuy mộc mạc nhưng lại mang biết bao tâm tư, tình cảm mà ít ai sánh được. Thậm chí, chị còn bế cái Tửu ngồi cạnh chồng để nhìn xem anh ăn có được hay không, có ngon miệng không . Tình cảm của chị phải son sắt, giàu đức hi sinh như thế nào mới có thể được như vậy trong lúc hoàn cảnh khó khăn, đầy ngang trái như vậy. và có lẽ chính tình yêu thương bao la ấy đã tạo cho chị sức mạnh phi thường chống lại bọn tay sai khi chúng tiến vào, định cưỡng ép tới bước đường cùng hoàn cảnh của anh chị.

Đám tay sai khi tiến vào cùng roi da, gậy gộc, điều làm đầu tiên của chị là nghĩ tới người chồng đáng thương của mình. Chị lo lắng anh không thể chịu nổi bất cứ trận đánh nào nữa. anh đã hoàn toàn kiệt sức sau đêm qua. Chị chỉ có thể cầu xin bằng giọng nói run run, đầy hèn mọn, nài nỉ:” hai ông làm phúc nói với ông Lý xin cho cháu khất”. chị cư xử như vậy là bởi vì chị biết hoàn cảnh của mình bấy giờ, vì chị chỉ là một người phụ nữ nông dân như bao con người khác mà thôi. Lúc này chị không còn nghĩ được gì ngoài ý chí sôi sục phải bảo vệ gia đình của mình, bảo vệ người chồng đau ốm cũng những đứa con thơ dại. thế nhưng, những tên tay sai ấy đâu còn chút tình người nào. Chúng bỏ ngoài tai lời van xin của chị, chúng gạt chị ra, định tiếp tục trói anh Dậu dẫn đi, lúc này đây, chị đã phải quỳ xuống cầu xin :” cháu xin ông, nhà cháu mới tình được một lúc”. Nhưng hắn lại tát chị và một mực đòi xông về phía anh Dậu vừa mới tỉnh lại trong chốc lát. Tới đây, chị đã không thể nín nhịn được nữa. Sự phản kháng của chị đi theo mức độ tăng dần lên. Đầu tiên, chị ngăn bọn chúng lại và nói “ chồng tôi đau ốm, các ông không được phép hành hạ”. chỉ một câu nói thôi nhưng đã như một lời cảnh cáo của chị về hành động của bọn chúng. Thế nhưng càng nhẫn nhịn thì bọn chúng lại càng lấn tới. Hắn “ bịch luôn vào ngực chị mấy bịch” rồi “ tát vào mặt chị một cái đánh bốp” rồi vẫn xông về phía anh Dậu. đến lúc này, chị Dậu đã không còn giữ được bình tĩnh nữa, chị lao về phía chồng, gạt bọn tay sai ra, hai tay chống nạnh nói “ mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem”. Đúng như câu nói “Tức nước vỡ bờ”, chị Dậu từ cách xưng hô đầy nhỏ bé, hèn kem, xưng cháu gọi ông, sau đó chị xưng là “tôi”, và cuối cùng là “bà - mày”. Có thể có người cho rằng chị Dậu là một người phụ nữ đanh đá thế nhưng có thể nói rằng, ít ai có thể hành động được như chị. Chị lao vào những tên muốn bắt chồng chị rồi đánh nhau với chúng. Sức mạnh thật sự của người phụ nữ trỗi dậy khi họ bắt buộc phải bảo về những người thân yêu xung quanh mình,, và cũng có lẽ do chị đã không thể nín nhịn được thêm nữa, chị đã bị buộc vào bức đường cùng. Thậm chí dù chồng chị có khuyên, chị cũng vẫn đanh thép làm theo bản năng của chị, chị thà ngồi tù chứ quyết không để bị chèn ép, bị ép buộc. cũng như nhà Nguyễn Tuân đã từng nói: “Trên cái tối trời, tối đất của xã hội ngày xưa, hiện lên một chân dung lạc quan của chị Dậu. Bản chất của chị Dậu rất khỏe, cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra…”

Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” đã miêu tả lại sâu sắc hình ảnh đầy màu sắc hiện thực của xã hội việt nam thời kì trước cách mạng. Cùng với nó, hình ảnh chị Dậu cũng được khắc họa một cách rõ nét, dung hòa hai tính cách khác nhau, đối với những người thân yêu bên cạnh, chị luôn dịu dàng, sẵn sàng hi sinh bất cứ điều gì, thế nhưng với những kẻ xấu, chị bất chấp tất cả để chiến đấu cùng chúng. Đó cũng có lẽ là một sự thay đổi lớn trong hình ảnh của người phụ nữ cả về khí chất và tính cách.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu – mẫu 5

 “Tắt đèn” là bản tố khổ chân thật, sâu sắc, chan hòa nước mắt và lòng căm phẫn của người nông dân nghèo bị bóc lột, đàn áp. Có lẽ chính nhà văn Ngô Tất Tố cũng không cầm được nước mắt. Cái đáng quý ở nhà văn này là thái độ phẫn nộ với giai cấp bóc lột và lòng thương người mênh mông!

“Tức nước vỡ bờ” vốn là câu tục ngữ mang tính quy luật tự nhiên (nước đã dâng lên cao thì bờ ngoài vỡ nhưng cũng có ý nghĩa xã hội sâu sắc..., Người ta đã vận dụng câu tục ngữ này làm tiêu đề, tên gọi của một đoạn trích hết sức điển hình trong tiểu thuyết Tắt đèn.

Tình huống dẫn đến cảnh “Tức nước vỡ bờ” có ngay ở giữa nhà Lí trưởng, chị Dậu, nạn nhân trực tiếp của cái thuế thân quái gở kia đã uất nghẹn kêu lên:

“Ối trời ơi! Tôi bán cả con lẫn chó và hai gánh khoai mới được hai đồng bảy bạc. Tưởng rằng đủ tiền nộp sưu cho chồng, thì chồng khỏi bị hành hạ đêm nay. Ai ngờ lại còn suất sưu của người chết nữa! Khốn nạn thân tôi! Trời ơi! Em tôi chết rồi còn phải đóng sưu hở trời?...”

Như thế là hoàn cảnh đưa đến cảnh “tức nước” là do những trận bão tố từ cái chính sách thuế thân quái gở của bọn thực dân Pháp và những thủ đoạn bóc lột trắng trợn của gia đình Nghị Quế, và hành động đánh trói dã man của bọn lính tráng, tuần đinh, người nhà tên Lí trưởng dội xuống đầu chị Dậu!

Chúng dồn chị đến con đường cùng, khi anh Dậu bị ném ở đình về nằm khóc con, khóc em, khóc số phận mình. Nhưng chị Dậu đã khuyên giải “Thịt người tanh không ai ăn được, thầy em cứ yên tâm nằm nghỉ không phải lo lắng gì cả”.

Như vậy là mức nước đã dâng lên rất cao, cái thời điểm “vỡ bờ” chỉ còn chờ đợi từng giây phút. Người đàn bà ấy đã phải chịu nỗi đau đứt ruột vì phải bán đàn chó và bán con đi mà vẫn không giải quyết được nạn sưu thế. Nhất là khi bọn chúng vất anh Dậu về nhà chỉ còn như cái xác chết, người hàng xóm cho bát gạo, chị nấu cháo vội để “cứu chồng” (bát cháo lúc này vừa là bát cơm vừa là chén thuốc). Nỗi lo của chị như vừa lắng dịu xuống một chút, vì anh Dậu vừa tỉnh lại, run rẩy cất bát cháo vào miệng định ăn thì chúng sầm sập tiến vào nhà, trong tay là roi song, dây thừng, hình ảnh chúng như bọn quỷ dữ từ âm phủ hiện về chúng hét “Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau!”.

Thế là cái giọng khàn khàn chỉ hút xác thuốc phiện đã dập tắt ngay sự yên ổn của chị Dậu và hơi tàn của anh Dậu! Anh “lăn đùng ra đó, không nói được câu gì”. Trước tình cảnh ấy, chúng chẳng có chút gì mủi lòng mà còn quát mắng, chửi bới, đe dọa chị Dậu. Chúng gọi chị là “mày” xưng “cha” rồi xưng “ông” với chị. Chúng dọa “dỡ nhà” và “trói cổ anh Dậu điệu ra đình”! Cuối cùng tên cai lệ giật phắt cái dây thừng trong tay người nhà Lí trưởng sầm sập chạy đến chỗ anh Dậu. Đểu cáng và tàn ác hơn nữa, hắn “bịch vào ngực chị mây bịch” và tát vào mặt chị. Thái độ của chị Dậu đã căm giận lắm, nhưng để bảo vệ chồng, chị van xin, ngăn cản, đỡ đòn cho chồng. Mỗi lần chị lùi lại van xin, tên cai lệ càng hung hăng thêm. Vừa đánh, vừa chửi hắn nhảy đến cạnh anh Dậu. Hành động và cử chỉ của tên tay sai mạt hạng chính là ngọn gió gây nên cảnh “tức nước vỡ bờ”. Bão táp đã đến độ con bờ phải “vỡ”. Sau cái tát vào mặt chị và thêm những lời nói thô lỗ, khốn nạn của hắn như: “mày định nói cha mày nghe đấy à”, “trói cổ thằng chồng lại”. Chị không chịu được nữa bèn túm lấy cổ hắn dúi ra cửa, hắn “ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng lảm nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu”!

Như vậy, chị Dậu là biểu tượng cho những đợt sóng cồn, nước cả có sức mạnh công phá con bờ. Và bọn lính tráng, tay sai chỉ cậy sức mạnh ở cường quyền, bạo lực, còn bản chất của chúng thì hèn yếu, từ cái dáng hình bề ngoài đến lòng dạ bên trong!

Tình huống xảy ra như không thể ngờ chị Dậu lại chống cự mạnh mẽ đến như thế! Lúc đó chị đang tập trung nói ý nghĩ và cử chỉ là an ủi chồng. “Thầy em cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột” thì bọn cai lệ dẫn xác vào. Mặc cho chúng quát tháo chị vẫn dịu dàng van xin chúng bằng những lời có tình, có lí: “Nhà cháu đã túng lại phải đóng cả suất sưu cho chú nó nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bê tiền sưu của nhà nước đâu”... Nếu những con người có lương tri nhìn cái gia cảnh ấy, con người ấy ai nỡ đầy đọa đến bước đường cùng? Nhưng bọn này là tay sai, ở chúng không có khái niệm “tình thương người” nên chúng chỉ biết ăn nói thô tục, quát tháo ầm ĩ, đánh người bừa bãi, chúng có biết đâu rằng có giết vợ chồng chị đi thì cũng không còn đồng xu nào nộp suất sưu vô lí nữa. Chị gọi chúng là “ông” và tự xưng là “cháu” và đã hai lần chị xin chúng: “Hai ông làm phúc cho nhà cháu khất”... “Nhà cháu đã không có, xin ông xem lại... “ Như vậy một bên là cố gắng kìm nén, một bên cứ cậy thế chính quyền, luật pháp mà mắng chửi, xô người đến con đường cùng.

Cho nên tình huống đã trở nên không thể nào khác là “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Sau khi bị tên cai lệ đánh và hắn đe dọa không tha anh Dậu, chị Dậu vùng lên trở thành người đàn bà đanh đá, quyết liệt chống lại bọn chúng: từ chỗ xưng “cháu” với “ông” chị gọi chúng là “mày” và xưng “bà” nói những câu áp đảo lại chúng: “Ông không được phép”, “Mày trói ngay chồng bà đi bà cho mày xem”. Nói là làm, chị đã đánh ngã cả hai thằng cả hai tên “đại diện” cho sự thống trị khốn nát nhất.

Khi nghe chồng than thở và can ngăn chị đã nói một câu chứng tỏ lòng căm thù của những người bị áp bức bóc lột đã lên đến tột đỉnh: “Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình, làm tội mãi, không chịu được”. Câu nói là sự thách thức tất cả, không còn sợ gì nữa!

Qua đoạn trích trên đây ta thấy nhà văn đã cắt nghĩa bằng hành động của chị Dậu một quy luật xã hội “ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh”. Vì vậy như trên đã nói, câu tục ngữ “tức nước vỡ bờ” có ý nghĩa về mặt quy luật tự nhiên, và cũng có ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội.

Vì thế nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận xét: “Cách viết lách như thế, cách dựng truyện như thế, không phải là phát động quần chúng nông dân chống quan Tây, chống vua ta còn là cái gì nữa?”. Quả thực trong chương này, chị Dậu đã nổi loạn chống lại bọn tay sai là bọn cường hào, nanh vuốt của bọn thống trị thực dân, phong kiến. Viết đoạn này Ngô Tất Tố tuy chưa hoàn tất nhân vật chị Dậu, nhưng nhà văn đã tô điểm thêm cho nhân vật của mình ngoài cái đẹp về hình thức, tâm hồn, tính cách, còn có vẻ đẹp cứng cỏi trong đấu tranh, một vẻ đẹp đáng quý biết bao.

Nét sắc sảo trong đoạn trích là nhà văn đã dựng được những tình huống để các nhân vật phát triển hết tính cách của mình, các nhân vật chính diện cũng như nhân vật phản diện. Nhân vật chị Dậu là nhân vật điển hình là người phụ nữ đẹp đẽ, mạnh khoẻ, để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - mẫu 6

Tức nước vỡ bờ thuộc một phần nhỏ trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Tác phẩm cho thấy bộ mặt tàn ác của lũ thực dân nửa phong kiến ra sức đàn áp, bóc lột nhân dân. Nhưng trên hết vẫn là sự ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của người nông dân mà đại diện chính là chị Dậu.

Hoàn cảnh gia đình chị Dậu hết sức nghèo khó, khốn khổ, gia đình chị là hạng cùng đinh trong làng. Những ngày đóng sưu là những ngày khốn đốn, cực khổ nhất của gia đình chị. Chị phải bán cả chó, cả con mà vẫn không đủ tiền sưu cho chồng và người em đã mất.

Đằng sau nỗi thống khổ ấy lại hiện lên một người phụ nữ vô cùng đẹp đẽ về nhân cách. Trước hết chị là người yêu chồng, thương con tha thiết. Anh Dậu vừa được thả về, chị Dậu được bà cụ hàng xóm cho ít gạo, chị nấu cháo cho cả nhà ăn. Cháo nguội chị mang đến một bát lớn đến chỗ chồng, dùng những lời lẽ thật dịu dàng động viên anh Dậu: “Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột” rồi cố nán lại xem chồng ăn có ngon miệng hay không.

Chị quả thật là một người phụ nữ đảm đang, chu đáo và hết sức quan tâm đến chồng.Anh Dậu vừa thoát chết sau trận đòn ngoài đình, chưa kịp ăn bát cháo thì bọn cai lệ đã ập tới. Vấn đề quan trọng nhất với chị lúc này là làm sao giữa được tính mạng cho chồng. Đặt chị Dậu vào tình huống nguy cấp, gay cấn như vậy một lần nữa giúp bộc lộ tình yêu thương chồng sâu nặng của chị.

Bọn cai lệ vô cùng hung hãn, chúng xông vào định bắt trói anh Dậu lôi ra ngoài đình. Trước tình thế đó, ngay lập tức chị Dậu đã van xin tên cai lệ và nhưng mọi lời van xin đều bị cự tuyệt, chị còn bị tên cai lệ đánh, cuối cùng chị đứng lên đánh lại tên cai lệ và người nhà lí trưởng, quyết tâm bảo vệ chồng đến cùng. Trước cường quyền, chị không hề tỏ ra nao núng sợ hãi, mối quan tâm duy nhất của chị là phải bảo vệ được người chồng đang đau ốm của mình.

Không chỉ là một người phụ nữ yêu thương chồng con chị còn là một người có sức phản kháng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Sự phản kháng của chị được thể hiện qua các chặng hết sức logic với nhau. Lúc đầu chị tha thiết van xin, hi vọng rằng chúng thương tình mà tha cho chồng chị: “Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc ông tha cho”.

Tiếp đến là chị cự lại bằng lí lẽ: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Cách xưng hô của chị đã có sự chuyển biến từ “ông-con” chuyển sang “ông-tôi” cho thấy chị không còn kẻ dưới mà là kẻ ngang hàng. Đỉnh cao của tinh thần phản kháng là màn đấu lực: “Chị Dậu nghiến hai hàm răng: "Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Cách xưng hô cho thấy chị Dậu đã ở trong tư thế khác, tư thế của kẻ bề trên. Nói đoạn chị liền túm lấy cổ tên cai lệ ấn dúi ra cửa, kết quả của màn đấu lực phần thắng đã thuộc về chị Dậu.

Các chặng phát triển trên cho thấy Ngô Tất Tố đã miêu tả chính xác cảnh “tức nước vỡ bờ” của người nông dân. Mặc dù hành động phản kháng của chị Dậu là bột phát nhưng cũng cho thấy sức sống tiềm tàng của người nông dân. Chị Dậu là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp và truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Để xây dựng bức chân dung đẹp đẽ về nhân cách chị Dậu tác giả đã vận dụng linh hoạt các yếu tố nghệ thuật khác nhau. Trước hết là xây dựng tình huống truyện giàu kịch tính, căng thẳng, phát triển theo tầng bậc từ đó bộc lộ tính cách tốt đẹp của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật được thể hiện chủ yếu qua ngôn ngữ và hành động của nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, đặc biệt tác giả sử dụng lớp ngôn từ giàu tính khẩu ngữ, góp phần thể hiện tâm hồn, tính cách của đối tượng.

Bằng ngòi bút đậm chất hiện thực, Ngô Tất Tố không chỉ vạch trần bộ mặt bất nhân của giai cấp cầm quyền mà còn cho thấy vẻ đẹp của người nông dân. Nhân vật chị Dậu là đại diện tiêu biểu cho người phụ nữ nông dân Việt Nam: giàu tình yêu thương và có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Đằng sau trang văn còn thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca với những người phụ nữ Việt Nam.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - mẫu 7

Những người nông dân gặp nhiều đau khổ, bất hạnh nhưng vẫn vươn lên trong cuộc sống, giữ trọn những phẩm chất tốt đẹp, là hình ảnh ta dễ dàng nhận thấy trong những tác phẩm văn học giai đoạn trước cách mạng tháng Tám. Và khi đọc những tác phẩm ấy, người đọc chắc chắn không thể nào quên hình ảnh người phụ nữ nghèo khổ, sống trong cảnh khốn cùng nhưng vẫn hết lòng yêu thương chồng con và có một sức mạnh tiềm tàng mạnh mẽ. Người phụ nữ đó chính là chị Dậu trong Tắt đèn, hay rõ nét hơn ở tính cách của chị là trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ.

Nhân vật chị Dậu có hoàn cảnh rất đáng thương. Nhà nghèo, lại nợ tiền sưu thuế, chị phải bán gánh khoai, ổ chó mới sinh và cả đứa con gái mới lên bảy tuổi cho vợ chồng Nghị Quế để có tiền nộp sưu thuế cho chồng. Vậy mà vẫn không xong, anh Dậu chồng chị vẫn bị bắt trói, đánh đập ở ngoài sân đình, vì còn thiếu suất sưu của chú em chồng đã mất từ năm ngoái.

Đã chết cũng không được trốn sưu nhà nước nên vợ chồng chị Dậu vẫn phải nộp suất sưu ấy. Anh Dậu đã sẵn bệnh tật ốm đau, lại thêm bị trói cả ngày đêm ở sân đình nên người lả đi tưởng chết. Bọn tay chân cường hào thấy vậy, liền vác anh trở về nhà trả cho chị Dậu.

Chị Dậu là một người vợ, người mẹ giàu tình yêu thương. Nhìn chồng như vậy, chị Dậu đau đớn không kìm được nước mắt. Chị tìm mọi cách để cứu chồng qua cơn nguy kịch. Chị thiết tha xin chồng húp tạm hớp cháo cho đỡ xót ruột. Bát cháo như chứa đựng biết bao tình yêu thương của chị dành cho chồng.

Chị bế cái Tỉu ngồi cạnh chồng, nhìn xem chồng có ăn ngon miệng không, khiến cho ta thấy rõ được tình yêu, sự chăm sóc hết mực của chị khi chồng đang đau ốm, đứng trước cơn nguy kịch đến tính mạng. Không chỉ thế, chị còn là một người cứng cỏi, dũng cảm, dám đứng lên chống lại bọn cường hào để bảo vệ cho người chồng mà chị thương yêu.

Bọn cai lệ, tay chân của lý trưởng sầm sập xông đến, tay roi tay thước thét trói đánh anh Dậu. Anh Dậu chưa kịp húp nổi miếng cháo, đã bị tiếng thét của chúng làm cho sợ ngã lăn đùng ra phản. Chúng chửi bới anh Dậu không ra gì, rồi trợn ngược mắt quát chị Dậu. Chị Dậu van xin hắn, xin khất nợ, xin chúng xem xét lại…

Nhưng không, hắn lại càng lồng lộn lên, chạy đến chỗ anh Dậu để bắt trói ra đình. Thấy chị Dậu van xin, hắn bịch luôn vào ngực chị, rồi tát đánh bốp vào mặt chị. Hắn lao đến cạnh anh Dậu, định bắt trói anh. Đến lúc này chị không thể chịu được nữa, điều gì cũng có giới hạn. Để bảo vệ cho chồng, chị đã dũng cảm chống cự lại. Chị nghiến hai hàm răng thách thức chúng:

– Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!

Chị Dậu đã thay đổi thái độ một cách không thể ngờ. Đang hạ mình van xin, sợ sệt chúng, giờ chị đã vỗ ngực tự tin đe dọa lại chúng. Thậm chí, chị còn thẳng tay trừng trị hai tên cai lệ định xông tới trói chồng chị. Những kẻ hút nhiều xái cũ làm sao có đủ sức mạnh để chống lại người đàn bà lực điền quanh năm lam lũ. Chúng bị chị túm cổ, ấn dúi ra cửa, một tên bị chị túm tóc lẳng cho một cái ngã nhào ra ngoài thềm.

Chị chẳng còn gì để mà sợ nữa, thà ngồi tù, còn hơn để chúng làm tình làm tội. Chị đã cố gắng nhịn nhục, nhưng vì chúng càng được đà lấn tới, áp bức, bóc lột dã man, đe dọa tính mạng của chồng chị, nên chị đã dũng cảm vùng lên để chống trả lại chúng. Đúng như câu “Con giun xéo mãi cũng quằn”, trong hoàn cảnh áp bức, con người sẽ phải vùng lên để đấu tranh.

Thật vậy, chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ" được Nguyễn Tuân miêu tả rất sống động và chân thực. Người phụ nữ giàu tình yêu thương dành cho gia đình, chồng con, giàu đức hy sinh. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị cũng sẵn sàng đứng lên đấu tranh vì gia đình, vì người thân yêu của chị. Chị là một điển hình của tấm gương những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - mẫu 8

Chị Dậu là một người yêu thương chồng con tha thiết, đảm đang, hiền dịu và tháo vát nhưng có sức sống mạnh mẽ, có tinh thần phản kháng tiềm tàng. Sau khi a Dậu bị trói và cùm kẹp ở ngoài đình làng, bị bọn người nhà Hào Lí khiêng về. Chị đã nấu cháo, quạt cho nguội cháo rồi đi rón rén, ngồi xem chồng ăn có ngon miệng không.

Qua đó, thể hiện chị Dậu là người phụ nữ đảm đang, dịu dàng và tận tụy hết lòng yêu thương chăm sóc chồng. Anh Dậu vừa được cứu, chưa tỉnh lại, bưng bát cháo được đưa lên miệng chưa kịp húp thì bọn cai lệ và người nhà lý trưởng từ ngoài sầm sập xông vào. Lúc đầu chị đã hết sức lễ phép, nhã nhặn vì chị biết chúng là “người nhà nước” còn chồng chị là kẻ cung đinh có tội. Chị “run run” xin khất rồi vẫn tha thiết van nài.

Đến lúc cai lệ sầm sập đến chỗ anh Dậu định trói, chị xám mặt chạy đến đỡ tay hắn và năn nỉ “cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc ông tha cho”, nhưng đến khi chính mình bị đánh, chị Dậu tức quá không thể chịu được, liều mạng cự lại bằng lí xưng hô ngang hàng, chị đứng lên và nói: “chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Cai lệ tát vào mặt chị rồi hắn cứ nhảy vào chói anh Dậu, chị nghiền hai hàm răng: “mày trói ngay chồng bà đi, mà cho mày xem”. chị đã đứng lên với niềm căm phẫn ngùn ngụt tư thế đứng trên đầu kẻ thù đè bẹp đối phương đấu lực với chúng, bằng tất cả sức mạnh của lòng căm thù tức giận ấy, chị Dậu đã túm lấy cổ tên cai lệ ấn dúi ra cửa, lần lượt, người đàn bà lực điền này đã quật ngã tên cai lệ và người nhà lý trưởng.

Trước những hành động hung bạo, độc ác, đểu cáng của bọn hào lý tham lam hống hách chị Dậu đã vùng dậy đứng lên đấu tranh để bảo vệ mạng sống cho chồng. Chị Dậu mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, tiêu biểu cho tầng lớp phụ nữ nông dân giàu sức sống dưới ách áp bức của chế độ nửa thực dân nửa phong kiến khi chưa bắt gặp ánh sáng Đảng.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - mẫu 9

Trào lưu hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn học nước nhà. Chúng ta khó có thể quên các tên tuổi lớn như Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… và đặc biệt là Ngô Tất Tố – tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Tắt đèn. Lần đầu tiên, ông đã đưa vào văn học hình ảnh một người phụ nữ nông dân Việt Nam với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp. Đoạn văn Tức nước vỡ bờ thể hiện chân thực và sinh động vẻ đẹp của nhân vật chị Dậu, một phụ nữ yêu chồng, thương con, giàu đức hi sinh và có tinh thần phản kháng mãnh liệt.

Mở đầu đoạn trích là cảnh chị Dậu chăm sóc người chồng ốm yếu vừa bị bọn cường hào đánh đập thừa chết thiếu sống chỉ vì chưa có tiền nộp sưu. Chị Dậu đã cố sức xoay xỏa để cứu chồng ra khỏi cảnh bị cùm trói và hành hạ dã man. Chị tất tả chạy ngược chạy xuôi, vay được nắm gạo nấu nồi cháo loãng. Cảm động thay là cảnh chị Dậu múc cháo ra mấy cái bát cũ kĩ, sứt mẻ và quạt lia quạt lịa cho cháo mau nguội rồi ân cần mời mọc: Thầy em cố dậy húp tí cháo cho đỡ xót ruột. Trong ánh mắt người vợ nghèo khổ ấy toát lên một tình thương yêu chồng tha thiết.

Trong cơn quẫn bách của mùa sưu thuế, chị Dậu đã trở thành trụ cột của cái gia đình khốn khổ. Chồng bị bắt, bị gông cùm, đánh đập, một tay chị chèo chống, chạy vạy, phải bán tất cả những gì có thể bán được, kể cả đứa con gái đầu lòng ngoan ngoãn, hiếu thảo mà chị thương đứt ruột để lấy tiền nộp sưu, cứu chồng khỏi vòng tù tội. Chị đã phải đổ bao mồ hôi nước mắt để anh Dậu được trả tự do trong tình trạng tưởng như chỉ còn là một cái xác không hồn. Chính tình yêu thương, lo lắng cho chồng đã dẫn chị đến hành động chống trả quyết liệt lũ tay sai tàn ác khi chúng nhẫn tâm bắt trói anh Dậu một lần nữa.

Hành động của chị Dậu không phải diễn ra một cách bất ngờ mà cái mầm mống phản kháng đã ẩn chứa từ lâu dưới vẻ ngoài cam chịu, nhẫn nhục. Sự chịu đựng kéo dài và sự áp bức tột độ đã khiến nó bùng lên dữ dội.

Lúc bọn đầu trâu mặt ngựa ập vào định lôi anh Dậu đi nhưng chưa hành hung mà chỉ chửi bới, mỉa mai thì chị Dậu tuy giận nhưng vẫn nhẫn nhục van xin tên cai lệ độc ác: Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho! Cách xưng hô của chị là cách xưng hô của kẻ dưới với người trên, biểu hiện sự nhún mình. Lúc bọn chúng sầm sập chạy đến chỗ anh Dậu, định trói anh một lần nữa, chị Dậu đã xám mặt nhưng vẫn cố chịu đựng, níu tay tên cai lệ, năn nỉ: Cháu xin ông. Những lời nói và hành động ấy của chị chỉ nhằm mục đích bảo vệ chồng.

Đến khi giới hạn của sự chịu đựng bị phá vỡ thì tính cách, phẩm chất của chị Dậu mới bộc lộ đầy đủ. Tên cai lệ không thèm nghe chị. Hắn đấm vào ngực chị và cứ sấn đến trói anh Dậu. Chị Dậu đã chống cự lại. Sự bùng nổ tính cách của chị Dậu là kết quả tất yếu của cả một quá trình chịu đựng lâu dài trước áp lực của sự tàn ác, bất công. Nó đúng với quy luật: Có áp bức, có đấu tranh. Người đọc xót thương một chị Dậu phải hạ mình van xin bao nhiêu thì càng đồng tình, nể phục một chị Dậu đáo để, quyết liệt bấy nhiêu. Từ vị thế của kẻ dưới: Cháu van ông…, chị Dậu thoắt nâng mình lên ngang hàng với kẻ xưa nay vẫn đè đầu cười cổ mình: Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ. Câu nói cứng rắn mà vẫn có đủ tình, đủ lí. Nhưng cái ác thường không biết chùn tay. Tên cai lệ cứ sấn tới đánh chị và nhảy vào định lôi anh Dậu. Tức thì, sau lời cảnh cáo đanh thép của kẻ trên đối với kẻ dưới: Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem! là hành động phản kháng dữ dội: Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng queo trên mặt đất… Còn tên người nhà lí trưởng kết cục cũng bị chị Dậu túm tóc, lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.

Tình yêu chồng, thương con cộng với tinh thần phản kháng âm ỉ bấy lâu đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù trong lòng chị Dậu – người đàn bà hiền lương, chất phác. Nỗi sợ cố hữu của kẻ bị áp bức phút chốc tiêu tan, chỉ còn lại nhân cách cứng cỏi của một con người chân chính: Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được.

Tuy vậy, hành động phản kháng của chị Dậu hoàn toàn mang tính manh động, tự phát. Đó mới chỉ là cái thế tức nước vỡ bờ của một cá nhân mà chưa phải là cái thế của một giai cấp, một dân tộc vùng lên phá tan xiềng xích áp bức bất công. Có áp bức, có đấu tranh, áp bức càng nhiều thì đấu tranh càng quyết liệt và hành động của chị Dậu đã chứng minh cho chân lí ấy.

Đoạn trích Tức nước vỡ bờ là một trong những đoạn hay của tác phẩm Tắt đèn. Nhà văn Ngô Tất Tố đã dành cho nhân vật chính là chị Dậu tình cảm yêu thương, thông cảm và trân trọng. Những tình tiết sinh động và đầy kịch tính trong đoạn trích đã góp phần hoàn thiện tính cách người phụ nữ nông dân đẹp người, đẹp nết.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - mẫu 10

Ngô Tất Tố là nhà văn hiện thực nổi tiếng trong nền văn xuôi Việt Nam. Ông có rất nhiều các tác phẩm hay, đặc sắc, trong đó tác phẩm nổi trội hơn cả, đó là tác phẩm “tắt đèn”. Tác phẩm như một lời tố cáo nặng nề đến giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến xưa. Chị Dậu là người phụ nữ sống trong xã hội đầy bất công ấy, một người phụ nữ bị áp bức, bóc lột quá nhiều

vừa hiền lành nhịn nhục nhưng khi bị đẩy vào bước đường cùng họ lại vùng dậy đấu tranh đòi lại quyền được sống.

Chị Dậu là người phụ nữ hết lòng yêu thương chồng con và vô cùng đảm đang. Khi gia đình chưa có tiền nộp sưu, bọn quân lính đã bắt anh Dậu ra đình để chịu những đòn roi, đánh đập dã man của chúng. Đón chồng trở nhà sau bao ngày bị bọn quan sai lôi đi đánh đập, hành hạ, chị Dậu thậm chí còn không có nổi một hạt gạo để nấu cho chồng bát cháo. Chị tất tả chạy đi vay hàng xóm được nắm gạo để nấu nồi cháo loãng cho chồng. Trong lúc khó khăn, túng quẫn như vậy, chồng không muốn ăn, chị nhẹ nhàng giỗ dành, đút từng thìa cháo nhỏ cho anh ăn. Chị thấy chồng như vậy, chị đau cả bản thân mình nữa.

Trong lúc khốn khó, túng quẫn chị Dậu một mình xoay sở chống đỡ, chị trở thành trụ cột trong gia đình, mọi gánh nặng từ cuộc sống đè nặng lên vai chị. Khi chồng bị bắt đi, một mình chị thân gái phải chạy vạy khắp nơi để vay mà không đủ tiền để “chuộc” chồng ra. Chị phải mang cả đàn chó mới đẻ chưa mở mắt để gom đủ tiền. Và người mẹ đó phải mang đứa con của mình đi bán, có nỗi đau nào hơn nỗi đau này, khi con chị xin van chị ở lại mà chị phải dứt lòng bán con đi. Nỗi đau ấy ai thấu hiểu được đây.

Chị Dậu là con người vô cùng nhẫn nhục. Khi bọn cai lệ xông đến bắt anh Dậu, thúc ép nộp sưu, chị Dậu đã van xin, lời lẽ vô cùng kính trọng, chị nhỏ nhẹ xưng “ông” với “con”. Lúc đầu, chị nhẫn nhục van xin tên cai lệ để hắn tha cho anh Dậu. Khi bọn chúng sầm sập chạy đến định bắt trói anh Dậu, chị xám mặt tức giận nhưng vẫn cố gắng chịu đựng, níu tay tên cai lệ, van xin. Chị tỏ thái độ cúi nhường để bảo vệ chồng mình khỏi nguy hiểm. Vì ngoài cách đấy ra chị không biết mình có thể làm được gì nữa. Một người vợ chỉ có thể cố gắng như vậy thôi. Nhưng khi cái danh dự của chị bị chúng nó coi thường lời van xin ấy, khi tên cai lệ ấn vào ngực chị cái bịch và sấn đến chỗ anh Dậu thì chị chuyển thái độ lớn tiếng cảnh báo hắn.

Từ vị thế của kẻ dưới, chị Dậu đã nâng mình lên vị trí của người trên để mắng chửi chúng cho hả giận. Từ “ông- con” sang “bà- mày” thì chứng tỏ cơn giận đã lên đến đỉnh điểm. Chị Dậu không còn nhún nhường sợ hãi bọn cường hào gian ác nữa. Khi bị đặt vào tình thế như chị Dậu, thì không ai là không thể tức giận, ép quá thì núi lửa cũng phải phun trào chống lại. Chị cũng chỉ vì muốn bảo vệ cái gia đình nhỏ của chị. Một người phụ nữ phải chịu quá nhiều điều gò bó từ cuộc sống, bị chèn ép, bị bóc lột, bị làm cho khổ quá rồi thì người ta sẽ không chịu được nữa.

Sau lời cảnh báo, chị nhảy vào đánh lại bọn tay sai tàn ác: “Rồi chị túm lấy cổ, ấn dúi ra cửa làm tên cai lệ ngã chỏng quèo trên mặt đất, đến lượt tên người nhà lí trưởng thì chị xông vào giằng co đu đẩy”. Chị ức quá rồi, chị bán sống, bán chết, không sợ gì nữa, có nhẫn nhục thì cuối cùng cũng sẽ chết thôi. Người phụ nữ khốn khổ ấy không còn yếu đuối, sợ hãi như ngày xưa, mà thay vào đó giới hạn của sự chịu đựng đã làm chị trở nên mạnh mẽ, không còn một tên tay sai nào có thể đánh lại, chúng phải bỏ đi. Chị không bảo vệ gia đình của mình thì sẽ không một ai bảo vệ cả. Tất cả những hành động đều là bộc phát từ trái tim của chị chứ chưa được giác ngộ bởi cách mạng.

Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” là đoạn thể hiện được sự đấu tranh quyết liệt hết sức ngoan cường của người phụ nữ trong xã hội xưa. Chị là hình tượng đẹp cho những phẩm chất đáng quý hiền dịu, thiết tha, tình yêu thương chồng, gia đình và đặc biệt là đức tính vùng lên đấu tranh mãnh liệt.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - mẫu 11

Văn học hiện thực Việt Nam những năm 1930-1945 có xu hướng phản ánh những mâu thuẫn cơ bản trong lòng xã hội Việt Nam, đó là mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn giữa nhân dân ta và thực dân Pháp. Viết về hiện thực ấy, bên cạnh những cây bút như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, … thì Ngô Tất Tố cũng đóng góp một phần không nhỏ cho nền văn xuôi lúc bấy giờ. Nhắc đến Ngô Tất Tố thì không thể không nhắc đến hình ảnh chị Dậu trong tiểu thuyết ‘Tắt Đèn’. Một trong những đoạn trích tiêu biểu thể hiện rõ nhất con người chị là đoạn trích ‘Tức Nước Vỡ Bờ’.

Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Tất Tố đã mở ra khung cảnh chị Dậu chăm sóc anh Dậu. Vì nạn sưu cao thuế nặng ghì trên đôi vai, gia đình chị không đủ tiền đóng thuế nên anh Dậu đã phải trải qua những ngày bị bọn cường hào đánh đập. Trước cảnh túng quẫn và chồng chị thì đang phải chịu sự hành hạ, chị phải rứt ruột đem bán đi đàn chó con và phải đem bán cả đứa con đầu lòng của mình. Đó là nỗi đau đớn tủi nhục đến nhường nào khi người mẹ phải đứt từng khúc ruột mà đem bán đi đứa con mà mình yêu thương hết mực. Nhưng chẳng còn cách nào khác, với chị lúc này quan trọng hơn là phải cứu được người chồng vốn đau ốm của mình, nay anh lại phải chịu sự hành hạ đau đớn nữa thì quả là lành ít dữ nhiều. Vậy nên, chị phải chạy vạy ngược xuôi đủ đường, tất cả cũng chỉ vì chị muốn nộp đủ thuế thân để anh Dậu được quay trở về nhà. Đến lúc anh Dậu đã trở về nhà rồi thì gia đình cũng không còn gì nữa, chị phải đi vay chút gạo của hàng xóm để nấu cho anh Dậu một nồi cháo loãng. Hình ảnh chị rón rén bưng bát cháo vào, chị quạt cháo cho chóng nguội, chị nhẹ nhàng gọi anh Dậu dậy để ăn cháo: ‘Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột’, chị ngồi chờ xem chồng có ăn ngon miệng hay không, tất cả chi tiết ấy đã phản ánh những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, dù hoàn cảnh có éo le, có khốn khó đến nhường nào thì ở chị vẫn ngời lên tình yêu thương chồng tha thiết. Thế nhưng, mọi sự đâu có dừng lại ở đó. Không những phải chịu gánh nặng thuế thân của chồng mình, chị còn phải chịu một thứ thuế vô lí và ngược đời hơn bao giờ hết, đó là thuế thân của người em chồng đã chết từ năm ngoái. Cũng vì cớ ấy mà bọn tay sai lại đến nhà chị thúc thuế, chèn ép gia đình chị đến đường cùng.

Khi bọn chúng vừa đến, chị ý thức được thân phận nhỏ bé của mình nên dù có bất bình chị vẫn phải tỏ thái độ thiết tha, van nài. Người nông dân trong cái cảnh xã hội Việt Nam những năm 1930-1945 chỉ như cây rơm cọng cỏ, là những người thấp cổ bé họng, không có tiếng nói. Bởi vậy, chị đã ‘run run’, ‘tha thiết’, chị vẫn giữ thái độ van nài, thành khẩn: ‘Chứ cháu có dám bỏ bễ tiền sưu của nhà nước đâu’, ‘ xin ông trông lại’, ‘cháu van ông’, ‘ông tha cho’. Nhưng dù chị có thiết tha, có da diết cầu khẩn đến thế nào thì bè lũ tay sai vẫn chỉ giữ một thái độ dửng dưng, vô tình, thậm chí là chúng còn cất cái giọng hầm hè, đe dọa. Tên cai lệ còn cầm cái thừng chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu, mặc cho chị Dậu có nài nỉ xin tha thì hắn vẫn quyết không động một chút lòng thương nào. Vì can ngăn mà chị Dậu đã bị tên cai lệ bịch cho mấy cái vào ngực. Lúc này, hình như tức quá không chịu được nữa, chị Dậu liều mình cự lại, chị đã nâng mình lên ngang hàng với bọn tay sai:’Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ’. Nhưng tên cai lệ hình như đã coi thường lời nói ấy, hắn tát bốp vào mặt chị và cứ nhảy đến chỗ anh Dậu. Quả thật là con giun xéo lắm cũng quằn, cây muốn lặng mà gió không yên, lúc này, chị Dậu đã ‘tức nước’ mà ‘vỡ bờ’. Chị nghiến răng, cất lên những lời nói đanh thép, đe dọa: ‘Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày biết tay’. ‘Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức khoẻo lẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp kịp với sức xô của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng hai kẻ thiếu sưu’. Rõ ràng, ở chị đã có sự chuyển biến tâm lí, từ sự nhún nhường, khúm núm, chị đã trở nên ngang hàng với bọn tay sai và thậm chí sự phản kháng ấy không chỉ còn trong suy nghĩ, lời nói mà nó đã chuyển hóa thành hành động phản kháng mãnh liệt. Điều đó thể hiện rất rõ cho câu nói ‘có áp bức ắt có đấu tranh’, cái kết của đoạn trích thể hiện rõ tâm thế, cái ý chí phản kháng ngùn ngụt của người phụ nữ nông dân. Tuy nhiên, đó chỉ là hành động bộc phát của cá nhân và nó chưa được đặt trong sự định hướng đấu tranh của đoàn thể, tập thể. Và rồi sau ngày hôm ấy, cuộc đời của người phụ nữ ấy lại trở về bế tắc, lại chịu sự đè ép bóc lột của giai cấp và cuối cùng chị vẫn phải lao vụt đi trong bóng tối, tối tăm như chính cái tiền đồ của chị.

Có thể thấy, đoạn trích ‘Tức Nước Vỡ Bờ’ đã thể hiện thật sâu sắc vẻ đẹp của người phụ nữ nông dân nơi làng quê Việt Nam những năm 1930-1945. Dù cho hoàn cảnh có đẩy họ vào đường cùng thì ở họ vẫn ngời lên những phẩm chất tốt đẹp.

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - mẫu 12

“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

Số phận của người nông dân trong thời kì thực dân nửa phong kiến, có lẽ cũng chính là hình ảnh con cò trong câu ca dao ấy. Nhưng trong họ, vẫn lóe lên ánh sáng của tình yêu thương, của sức phản kháng kì diệu. Và ta tìm được những điều ấy trong hình ảnh chị Dậu của Ngô Tất Tố.

Ngô Tất Tố (1893-1954), là một cây bút hiện thực sâu sắc trong dòng chảy của văn học 1930-1945. Ông thường viết về những người nông dân của làng quê Việt Nam, sống trong cảnh một cổ hai tròng mà mang nỗi uất ức. Những tác phẩm tiêu biểu của ông như “Lều chõng”, “Việc làng”, “Tắt đèn” vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Trong đó, tiểu thuyết “Tắt đèn” có lẽ là bức tranh hiện thực sâu sắc, bộn bề nhất mà ông dựng nên về làng quê Việt Nam trong những năm tháng thực dân nửa phong kiến. Tác phẩm ra đời năm 1939, với những nhân vật như chị Dậu, anh Dậu, Nghị Quế, cái Tí,... đủ những tầng lớp giai cấp để làm nên xã hội thời bấy giờ. Trong đó, hình ảnh chị Dậu là nổi bật hơn cả, với nỗi khổ và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Trước hết, có thể thấy, chị Dậu phải sống trong cảnh tủi nhục đến khôn cùng. Nhà chị thuộc “hạng cùng đinh”, một mình chị gồng gánh lo cho một chồng và ba con. Người phụ nữ nông dân ấy phải lo tiền sưu thuế cho chồng, lại lo cho cả người em chồng đã mất năm ngoái.

Bọn cường hào lý trưởng nào có để chị yên. Không đến phá đám dọa nạt, lại bắt anh Dậu mà hành hạ cho đến chết đi sống lại. Để có tiền lo sưu thuế cho chồng, chị bán đi từng thứ trong nhà. Gánh khoai bán được chị đã bán, giờ phải bán đàn chó con còn chưa mở mắt, và rồi đến cả cái Tí- đứa con gái đầu còn chưa bảy tuổi cho nhà Nghị Quế. Có nỗi đau nào đau hơn lòng người mẹ ấy?

Đến thế mà vẫn chưa đủ tiền nộp sưu cho chồng, chị bị bọn nhà Lý trưởng đến hành hạ, lăng nhục, bị tát, bị đánh không bằng con vật. Qua nỗi khổ của nhân vật chị Dậu ấy, ta nhận ra giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm. Là hiện thực chân thật đến trần trụi về bộ mặt của xã hội thực dân, chèn ép người nông dân cho đến tận cùng cực. Chúng dùng cái lí do sưu thuế để mà bóc lột, tra tấn họ. Đến cả người chết cũng phải nộp thuế, đến cả người đàn bà chúng cũng hành hạ, thử hỏi xã hội ấy thối nát đến mức nào?

Nhưng đó không phải là lí do để chị Dậu bị kéo xuống bùn đen của ô nhục. Ở chị, vẫn ngời lên những phẩm chất đẹp đẽ mà Ngô Tất Tố nhìn thấy ở người nông dân.

Có thể thấy, chị Dậu dù trong hoàn cảnh nào vẫn là một người phụ nữ giàu tình yêu thương. Sâu sắc nhất là tình thương dành cho người chồng của mình. Vì thương chồng nên chị chạy vạy đi vay nợ, bán chác để có tiền trả sưu thuế cho chồng, để anh Dậu không bị hành hạ. Tình thương ấy thể hiện ngay trong chính lời nói và cử chỉ với chồng. Chị liên tục động viên: “Thầy em cố ăn hết bát cháo cho mau khỏe...”, “chị đón cái Tỉu và ngồi xuống như chờ xem chồng có ăn ngon miệng không”.

Đó dường như đã là phẩm chất ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam, ân cần, chu đáo và vị tha. Không một lời trách móc hay kêu ca, chị dành cho chồng sự chăm sóc tận tâm nhất. Đó có lẽ cũng là động lực phát sinh bên trong để chị vùng dậy đánh lại tên cai lệ, bảo vệ cho chồng. Phẩm chất ấy của chị thật đáng quý và đáng trân trọng biết nhường nào!

Nổi bật nhất trong nhân cách của chị Dậu, có lẽ chính là tinh thần phản kháng hết sức mạnh mẽ. Nhan đề có tên là “Tức nước vỡ bờ”, có nghĩa là, khi người nông dân bị đẩy vào hoàn cảnh éo le đến cùng cực, tự khắc họ sẽ phải trỗi dậy để chống lại áp bức ấy. Chị Dậu cũng vậy. Khi anh Dậu còn đang bệnh tật ốm yếu, bọn nhà Lý trưởng cùng tên cai lệ đã xông vào đòi chị nộp sưu, nếu không thì trói anh Dậu bắt đi.

Mặc dù chị đã hạ mình xuống để van xin khẩn thiết, chúng vẫn một mực không nghe, thậm chí còn xô ngã và đánh chị. Đây chính là lúc tức nước mà vỡ bờ! Sự phản kháng thể hiện ngay trong cách xưng hô. Lúc đầu, chị gọi bọn cai lệ là “ông”, xưng là “cháu”, còn thể hiện một sự nhún nhường, với thái độ van xin lễ phép. Nhưng lũ “đầu trâu mặt ngựa” ấy vẫn nhất quyết trói anh Dậu và thậm chị còn “bịch luôn vào ngực chị Dậu”.

Ngay sau lời đó, thái độ xưng hô đã chuyển thành “ông-tôi”, thể hiện sự ngang bằng, thách thức. Chị đã không còn đặt mình bên dưới tên cai lệ ấy nữa, tất cả trở về vị trí ngang nhau. Nhưng sau cái tát của tên cai lệ, chị đã gọi hắn là “mày” và xưng “bà”. Chị đã đặt mình lên trên cả bọn cường hào ấy, thể hiện một thái độ thách thức, không ngần ngại đấu tranh với hắn. Ngay từ cách xưng hô, ta đã thấy một thái độ phản kháng mãnh liệt trong tâm hồn người phụ nữ này.

Sức phản kháng của chị Dậu thể hiện rõ nét ở từng hành động của chị. Ban đầu, chị thiết tha, khẩn khoản van nài, “chạy đến đỡ tay hắn”. Nhưng kể từ khi bị tên cai lệ “bịch vào ngực” và “tát vào mặt cái bốp”, một sức mạnh tiềm tàng được bùng phát lên. “Chị túm lấy cổ áo hắn, ấn dúi ra cửa”.

Rõ ràng, đó không còn là khuất phục, mà chính là đứng lên để chiến đấu, để bảo vệ chính mình. Đây chính là điểm sáng trong cái nhìn của Ngô Tất Tố, khi ông nhìn được ở người nông dân sức mạnh tiềm tàng như thế. Đây chính là con đường để người nông dân tự giải thoát cho mình, dẫn họ đến tương lai. Ánh sáng của cách mạng chưa thể đến được nơi đây, nhưng nó đã nhen nhóm lên ngọn lửa để chờ ngày bùng phát.

Xây dựng nhân vật chị Dậu, Ngô Tất Tố tập trung khắc họa hành động, lời nói để làm nổi bật tính cách của chị. Ở “Tức nước vỡ bờ”, chị Dậu hiện lên trở thành tiêu biểu cho người nông dân trong thời kì bấy giờ, có áp bức và có đấu tranh. Ở đây, ta thấy được cái nhìn đầy nhân đạo của Ngô Tất Tố dành cho người nông dân, khi đồng cảm cho thân phận, nỗi khổ của họ, đồng thời cũng trân trọng vẻ đẹp tiềm tàng của những con người chân lấm tay bùn ấy. Có phải, những điều ấy làm nên sức sống muôn đời cho tác phẩm?

Dù hôm nay hay mai sau, “Tắt đèn”, “Tức nước vỡ bờ” và chị Dậu sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt, như ánh sáng của sức mạnh chị tạo ra trong chính cuộc đời của mình!

Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - mẫu 13

Chị Dậu có thể coi là hiện thân đầy đủ nhất những nét tính cách của người phụ nữ Việt Nam. Ngô Tất Tố là một nhà văn hiện thực xuất sắc chuyên viết về nông thôn trước Cách mạng, bằng sự am hiểu tâm lí người nông dân và những diễn biến tâm lí trong họ, ông đã xây dựng hình tượng nhân vật chị Dậu mang trong mình một sức sống tiềm tàng mãnh liệt và tình yêu thương gia đình vô bờ.

Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố. Đoạn trích "tức nước vỡ bờ" trích trong chương XVIII của tác phẩm. Bằng ngòi bút hiện thực sinh động, đoạn văn đã vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời; xã hội ấy đẩy người nông dân vào tình cảnh vô cùng cực khổ, khiến họ phải liều mạng chống lại và đoạn trích còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.

Nhân vật chị Dậu là trung tâm của đoạn trích, đoạn trích mở đầu bằng cảnh tiếng trống và tiếng tù và thúc thuế ngày càng đến gần, tiếng chó sủa vang và anh Dậu vừa được đưa từ đình về trong tình trạng hấp hối. Anh Dậu bị bắt bởi chưa nộp đủ suất sưu của người em chồng đã chết từ năm ngoái!

Thật cùng đường và vô lí hết sức. Người chết vẫn phải nộp sưu, cái xã hội thực dân phong kiến đeo vào cổ người dân nghèo hai tròng, bóc lột họ mọi đường. Anh Dậu bị hành hạ thành như một cái xác chết mới được khiêng trả về và giờ đây chị Dậu đang được bà hàng xóm cho chút gạo nấu bát cháo loãng cho anh Dậu ăn cho lại sức.

Chị Dậu ân cần chăm sóc anh Dậu, mong anh mau khỏe lại. Qua lời nói của chị “Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột”. Tình yêu thương của chị Dậu thể hiện cả ở chỗ ấy. Người phụ nữ Việt Nam xưa nay vẫn luôn thế, dù trong hoàn cảnh nào vẫn thủy chung yêu thương gia đình, yêu thương chồng. Tấm lòng già

Nhưng đúng với nhan đề “Tức nước vỡ bờ”, khi bọn cai lệ sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước cùng dây sừng. Chúng thể hiện rõ sự hung ác và bạo ngược của bọn thống trị khiến anh Dậu hoảng quá lăn đùng ra. Bọn chúng đến để bắt anh Dậu nếu chị Dậu không nộp đủ suất sưu còn lại của em chồng đã chết.

Chị dậu run sợ và thiết tha cầu xin chúng cho khất thêm vào ông “Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng đến thế thôi. Xin ông trông lại!” Chị hạ giọng, xưng cháu, gọi ông cho thấy chị rất hạ mình cầu xin nhưng bọn lí trưởng vẫn một mực không hề động lòng. Khi chúng sấm sầm chạy đến chỗ anh Dậu với cái dây thừng thì chị Dậu đã van nài chúng “Cháu van ông, nhà cháu mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!”.

Thế nhưng tên cai lệ hung dữ đẩy chị ra và bịch luôn vào ngực chị mấy bịch “Tha này, tha này!” rồi lại sấn đến trói anh Dậu. Lúc này bi kịch đã đến đỉnh điểm cao trào, từ xưng hô “cháu-ông” với bọn chúng, chị chuyển xưng hô ngang hàng, liều mạng cự lại “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!”.

Chị đã qua tức giận trước hành động ngang ngược của lũ cai lệ, nhưng một lần nữa cai lệ lại tát vào mặt chị đáp bốp. Cái tát này thực sự đã khiến “tức nước vỡ bờ”, ôi thôi cái gì cũng chỉ có giới hạn, khi này chị Dậu đã nghiến hai hàm răng “Mày trói chồng bà, bà cho mày xem!” Chị đã chống cự lại và đánh trả chúng khiến chúng được một phen hoảng sợ và bỏ chạy.

Sức sống trong chị Dậu vẫn luôn tiềm tàng, ẩn nhẫn chờ ngày bùng phát. Chị đấu tranh cho công lí, cho lẽ phải dù chị biết như vậy có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng mặc kệ, chị đã dõng dạc nói “Thà ngồi tù. Để chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được…”

Câu nói thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ của chị. Trải qua từng lần thay đổi xưng hô, cao trào của truyện lại lên một mức cao hơn chỉ chờ bộc phát. Giống như tức nước vỡ bờ! Sự vùng dậy phản kháng của chị Dậu cũng là dấu hiệu của sự vùng dậy của nông dân ta dưới sự áp bức của lũ cường hào ác bá ở xã hội thực dân phong kiến.

Hình tượng chị Dậu qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng mạnh mẽ và vô cùng sâu sắc về hình ảnh người phụ nữ mang trong mình một sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, sức phản kháng và tấm lòng dũng cảm chống lại cái ác, cùng với đó là tấm lòng giàu yêu thương của một người phụ nữ.

Ngô Tất Tố đã thành công xây diễn tả được cái khổ, cái khó đến cùng cực của người dân ở một nước thuộc địa. Thể hiện tiếng nói phản đối lại bất công, cường quyền. Tố cáo đanh thép xã hội phong kiến thực dân cướp đi quyền sống của con người.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 8 hay, ngắn nhất khác:


Giải bài tập lớp 8 sách mới các môn học