20+ Truyền thống Tôn sư trọng đạo được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay (siêu hay, ngắn)

Bài văn Truyền thống Tôn sư trọng đạo được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay gồm dàn ý phân tích chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn phân tích mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 10. Hi vọng với 4 bài Truyền thống Tôn sư trọng đạo được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay này các bạn sẽ yêu thích và viết văn hay hơn.

Truyền thống Tôn sư trọng đạo được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay – mẫu 1

Dân tộc ta vốn được biết đến là một đất nước hiếu học với truyền thống tôn sư trọng đạo sâu sắc. Trong kho tàng ca dao tục ngữ đã có rất nhiều những câu ca nói về tình cảm thầy trò như “Một chữ cũng là thầy/ Nửa chữ cũng là thầy” hay “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Và trong hoàn cảnh hiện tại truyền thống đó vẫn được kế thừa và phát huy sâu rộng.

Để hiểu hết ý nghĩa trọn vẹn của câu ca dao này thì chúng ta cần phải đi cắt nghĩa đầy đủ về tôn sưtrọng đạo. Tôn sư là thái độ tôn trọng người thầy. Còn trọng đạo tức là coi trọng mối quan hệ giữa thầy và trò. Qua đây ông cha ta muốn gửi gắm một ý nghĩa sâu sắc đó chính là phải biết tôn trọng thầy cô giáo, những người đã cho ta kiến thức đồng thời phải trân trọng tình thầy trò. Nó trở thành một truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp được lưu truyền từ ngàn năm trước. Khi mà đất nước ta còn là đất nước phong kiến. Việc học đã được đề cao và vai trò của những người làm thầy mà cụ thể là thầy đồ đã được chú ý. Hình ảnh những người thầy đồ ngày đêm tận tụy mài mực đọc sách đã trở thành những nguồn cảm hứng dạt dào của biết bao tác phẩm văn học. Chắc hẳn chúng ta ai cũng biết đến vị thánh hiền người đã đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam là thầy Chu Văn An. Một người thầy lỗi lạc đã đào tạo nên biết bao nhiêu bậc hiền triết cho đất nước. Tấm gương học trò Phạm Sư Mạnh là một trong những minh chứng điển hình cho truyền thống tôn sư trọng đạo mà chúng ta phải noi theo. Sau khi đỗ đạt làm quan to, những dịp lễ tết Phạm Sư Mạnh vẫn thường ghé qua thăm thầy của mình. Thế nhưng dù đứng trên cả vạn người, đức cao vọng trọng nhưng chưa bao giờ người trò đó dám ngồi ngang hàng với thầy mình. Đến nhà thầy vẫn khoanh tay chào từ ngoài cửa, một hai giữ thái độ kính trọng với người thầy của mình. Thế mới thấy truyền thống ấy đã ăn sâu và trở thành gốc rễ vững chắc cho biết bao nhiêu thế hệ người dân Việt Nam.

Các cụ ta thường có câu rằng “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” để thấy được tầm quan trọng của truyền thống đó trong chiều dài lịch sử dân tộc. Đến ngày nay, khi mà đất nước ngày càng phát triển thì giá trị của câu nói đó vẫn còn nguyên vẹn. Hơn ai hết, Đảng và Nhà nước ta hiểu rằng để phát triển đất nước thì việc nâng cao giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng. Và để tạo ra những thế hệ học trò xuất sắc thì quan tâm đến đời sống của đội ngũ nhà giáo là điều cốt lõi. Chính vì thế có thể tự hào khẳng định rằng Việt Nam là đất nước duy nhất có ngày hiến chương nhà giáo 20 – 11 ngày mà toàn thể thế hệ con người hiến chương thầy cô giáo của mình. Hàng năm có rất nhiều các cuộc thi viết về thầy cô, và có rất nhiều những bài văn vô cùng xúc động về tình cảm thầy trò được trao giải. Mỗi dịp 20 – 11, hay kỉ niệm thành lập trường rất nhiều các thế hệ học sinh dù làm gì hay ở bất cứ đâu vẫn tụ họp đầy đủ về trường cũ để tri ân và bày tỏ sự kính trọng với thầy cô....

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn rất nhiều những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song nó cũng chỉ là một số ít tồn tại nho nhỏ mà thôi. Điều quan trọng đó là cả dân tộc ta vẫn kế thừa và phát huy truyền thống này một sâu rộng.

Truyền thống tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc. Dù đến ngàn năm sau đi chăng nữa nó cũng sẽ mãi mãi trường tồn cùng dòng chảy của lịch sử. Trở thành một trong những thước đo sự văn minh của xã hội.

A/ Dàn ý chi tiết

I. MỞ BÀI

- Giới thiệu về truyển thống Tôn sư trọng đạo, sự tiếp nối của truyền thống đó ngày nay.

II. THÂN BÀI

1. Giải thích vấn đề

- Giải thích các khái niệm: tôn sư? trọng đạo

- Giải thích ý nghĩa của truyền thống tôn sư trọng đạo. Tôn sư trọng đạo hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc.

- Tôn sư trọng đạo gắn bó mật thiết với sự nghiệp trồng người để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. bồi dưỡng nhân lưc...

2. Phân tích và chứng minh: Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

- Tôn sư trọng đạo là kính trọng và đề cao vai trò của người thầy.

- Coi trọng việc học hành, mở rộng kiến thức và tầm hiểu biết.

- Coi trọng đạo lí làm người, đề cao nhân nghĩa.

3. Truyền thống "Tôn sư trọng đạo” được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay:

- Trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng...

- Toàn xã hội đều tận tình, giúp đỡ và hỗ trợ tốt nhất giúp thầy cô giáo có nhiều điều kiện tốt để giảng dạy, truyền đạt kiến thức...

- Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng.

- Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, và ngày 20 – 11 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân để tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý.

4. Cần phải làm thế nào để phát huy truyền thống Tôn sư trọng đạo trong một thời đại mới?

- Tập trung giáo dục về đạo đức, tư tưởng cho thế hệ học sinh.

- Ban hành chính sách hỗ trợ tích cực cho đội ngũ “trồng người” đề họ có thể cống hiến hết mình...

- Tuyên truyền những tấm gương “Người tốt việc tốt” trong đội ngũ giáo viên, để các em học sinh có tình cảm tốt đẹp với những người thầy.

III. KẾT BÀI

- Nêu cảm nghĩ của em truyển thống tốt đẹp này.

Truyền thống Tôn sư trọng đạo được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay – mẫu 2

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Ngay từ xa xưa, tình cảm thầy trò được coi là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng của con người. Bởi người thầy như cha mẹ ta, nuôi dưỡng ta nên người, giáo dục cho ta những điều hay lẽ phải. Người thầy có vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.

Câu nói ấy đã nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Người thầy chính là những người đã đưa ta đến với tri thức của nhân loại, không có người thầy chúng ta không thể có kiến thức. Người thầy chính là những người chèo lái đưa chúng ta đến bến bờ của cuộc sống, của niềm vui và hạnh phúc. Vì vậy để có được ngày hôm nay chúng ta nên nhớ đến công ơn của những người thầy. Nhờ có những người thầy dạy dỗ mà chúng ta có ngày hôm nay.

Hiện nay vấn đề về tôn sư trọng đạo đã có nhiều thay đổi. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn trót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Có không ít trường hợp đã nhẫn tâm tước đi mạng sống của những người thầy của mình, hay có những kẻ dùng lời lẽ để xúc phạm tới người thầy của mình. Thậm chí có những kẻ đã hãm hại thầy cô của mình để đạt mục đích cá nhân. Đó là những việc làm đáng lên án, trái với đạo lí làm người, chúng ta cần phải tố cáo để loại bỏ những hành động đó.

Thầy cô giáo chính là những người đã chèo lái con thuyền để đưa bao thế hệ học trò sang bến đỗ. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế "tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.

Với sự thay đổi cách dạy và cách học hiện nay, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Người thầy vẫn là trung tâm, vẫn là người quan trọng để đưa tri thức đến với chúng ta.

Tôn sư trọng đạo mãi mãi sẽ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tuy vậy một số học sinh đã thiếu tôn trọng đối với thầy cô, có những hành động và lời nói không phù hợp, xúc phạm đối với thầy cô. Đó là một hành động đáng lên án, đáng bị chê trách kỉ luật. Xã hội cần có biện pháp để giảm những hiện tượng này trong xã hội.

Truyền thống Tôn sư trọng đạo được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay – mẫu 3

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Câu ca dao qua lời mẹ ru ấy không biết từ lúc nào đã đi sâu vào trí nhớ của những người dân Việt Nam. Ngay từ thuở còn bé, chúng ta đã được dạy về truyền thống tôn sư trọng đạo đã có từ lâu đời của dân tộc. Quả thật, vai trò của người làm thầy trong bất cứ thời kì nào cũng đáng được trân trọng. Nhất là hiện nay, các thế hệ học sinh vẫn tiếp thu truyền thống tôn sư trọng đạo của cha ông đi trước và phát triển nó ngày càng rực rỡ hơn nữa.

Trước hết, ta cần hiểu “tôn sư trọng đạo” có nghĩa là gì? Tôn sư nghĩa là kính trọng, biết ơn và đề cao vai trò của người thầy trong học tập cũng như cuộc sống. Còn trọng đạo là coi trọng đạo lí, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người. Thầy cô giáo là người đã truyền cho ta biết bao kiến thức, dạy dỗ chúng ta nên người, họ cũng là những người lái đò thầm lặng, hi sinh tất cả để đưa ta đến bến bờ thành công. Vì vậy, tôn trọng, biết ơn thầy cô giáo không chỉ là vấn đề truyền thống mà đã trở thành một phạm trù đạo đức, phản ánh nhân cách, văn hóa của mỗi con người.

Dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào, vai trò của người thầy cũng được xã hội tôn trọng, bởi lẽ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tôn sư trọng đạo không chỉ là sự kính trọng, biết ơn đối với những người làm nhiệm vụ truyền dạy kiến thức mà còn thể hiện lòng ham học hỏi, say mê đối với học tập. Truyền thống tốt đẹp ấy đã được dân tộc ta ca ngợi từ lâu đời, những nhà giáo có phẩm chất cao quý, nhân cách chính trực được lưu danh muôn đời. Chu Văn An là một thầy giáo nổi tiếng thời Trần. Những học trò được ông chỉ dạy sau này đều trở thành người có ích cho đất nước. Hàng năm, vào ngày sinh nhật ông, những người học trò cũ dù có là quyền cao chức trọng vẫn không quên về thăm và bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy. Ngày nay, xã hội hiện đại, việc học càng đóng vai trò quan trọng hơn. Người thầy không chỉ là người truyền dạy tri thức mà còn là người chỉ dẫn, người lắng nghe, khơi nguồn ước mơ, đam mê cho học sinh. Nghề giáo vẫn là một nghề cao quý và được nhiều người ngưỡng mộ: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Mối quan hệ thầy – trò dù có gần gũi, thân thiết đến mấy cũng không thể thiếu đi sự tôn trọng.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, vẫn có một số học sinh, dù là vô tình hay cố ý đang đi ngược lại với truyền thống của dân tộc. Họ không làm tròn bổn phận học sinh, làm cho thầy cô giáo phiền lòng, giẫm đạp lên tình cảm thầy trò cao quý. Những học sinh ấy đáng bị lên án và phê phán gay gắt.

Học sinh chúng ta ngày nay cần tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Không chỉ dừng lại ở việc biết ơn, kính trọng thầy cô, chúng ta còn cần biến sự biết ơn đó thành hành động. Mỗi người học sinh cần có ý thức ham tìm tòi, hiểu biết, say mê đối với việc học, cố gắng, nỗ lực hết mình để trở thành người có ích trong xã hội và góp phần dựng xây quê hương, đất nước.

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Vai trò và vị trí của người làm thầy dù trong bất kì hoàn cảnh, xã hội nào cũng sẽ không thay đổi. Hiểu được sự nặng nhọc và vất vả của công việc ấy, chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa để sao cho xứng đáng với sự kì vọng và tin tưởng của các thầy cô giáo.

Truyền thống Tôn sư trọng đạo được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay – mẫu 4

Dân tộc ta có biết bao truyền thống tốt đẹp như nhân ái Thương người như thể thương thân, cần cù trong lao động, có lòng yêu nước nồng nàn,… Con người Việt Nam rất hiếu học. Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống cao đẹp ngày một phát huy rực rỡ.

Chỉ có bốn chữ Tôn sư trọng đạo nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa, bao tư tưởng tình cảm tốt đẹp. nghĩa là thầy, tôn sư nghĩa là tôn trọng, tôn kính ông thầy. Đạo có nghĩa là đạo học, cũng có nghĩa là đạo lý làm người còn trọng đạo là coi trọng, trân trọng, quý trọng đạo học, đạo làm người. Thật là giản dị, dễ hiểu: có biết trọng đạo học, đạo làm người thì mới biết tôn kính ông thầy; hay có biết tôn trọng ông thầy thì mới coi trọng đạo học, quý trọng đạo làm người.

Trong xã hội phong kiến, ông thầy là một trong ba giềng mối lớn: quân, sư, phụ. Cổ nhân đã dạy: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tục ngữ, ca dao có nhiều câu ca ca ngợi người thầy với tất cả lòng kính yêu, biết ơn sâu sắc:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy

Hay:

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao

Nếu đọc Quốc âm thi tập thì ta sẽ thấy tâm hồn Nguyễn Trãi không chỉ canh cánh vì ưu ái mà còn trằn trọc thao thức bởi “nợ cũ” đeo nặng hai vai:

Nợ cũ trước nào báo bổ

Ơn thầy, ơn chúa, liễn ơn cha

Ngày xưa, kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân ta còn nhiều thiếu thốn khó khăn, số người được nấu sử sôi kinh nơi của Khổng sân Trình rất ít ỏi. Thế mà truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã in sâu vào tâm hồn triệu triệu con người. Ông thầy và đạo học được tôn vinh, được bồi đắp ngày thêm tốt đẹp.

Sau Cách mạng tháng Tám, nạn mù chữ được thanh toán trong một thời gian ngắn. Việc học hành được mở mang và phát triển. Dân trí được nâng cao không ngừng. Phổ cập Tiểu học, phổ cập Trung học cơ sở là mục tiêu phấn đấu của nhiều địa phương. Các trường Đại học, trường Cao đẳng, trường Dạy nghề mở ra khắp mọi nơi. Cứ 3 người dân là có một người đi học. Thành tựu vĩ đại ấy, một phần to lớn là có sự đóng góp tâm hồn, trí tuệ, công sức của hàng triệu thầy giáo, cô giáo từ các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học, đến Cao đẳng, Đại học. Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý – thể hiện sự tôn vinh vị thế ông thầy trong cộng đồng, coi trọng giáo dục là quốc sách. Hàng vạn thầy cô giáo đã được phong tặng danh hiệu cao quý: “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”. Ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày “Nhà giáo Việt Nam”. Trò kính thầy, thầy mến trò. Phong trào “dạy tốt, học tốt” trong các trường học ngày một đơm hoa kết trái.

Ngày xưa, với truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” mà những tên tuổi bất tử như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm như những vì sao tỏa sáng. Ngày nay, truyền thống tôn sư trọng đạo đã và đang được nối tiếp và phát huy mạnh mẽ. Vai trò ông thầy càng trở nên quan trọng trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ trí thức để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 10 được (siêu hay, ngắn) chọn lọc hay khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học