5+ Thuyết minh 1 kinh nghiệm học văn hoặc làm văn (điểm cao)
Thuyết minh một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn gồm dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu hay nhất, ngắn gọn được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 10.
Thuyết minh 1 kinh nghiệm học văn hoặc làm văn – mẫu 1
Văn học là một trong những môn học bắt buộc ở nhà trường các cấp. Văn học không chỉ mang đến cho chúng ta những lời hay ý đẹp mà quan trọng tiềm ẩn sâu trong đó là cách giáo dục những đạo lý làm người của cha ông suốt mấy ngàn năm qua. Thế nhưng bên cạnh những bạn học văn rất tốt, rất say mê môn học này cũng còn một số bạn vẫn còn tỏ ra lúng túng và khó tiếp thu cách học văn. Vậy phải làm sao để học văn có kết quả tốt? Có lẽ nó cũng cần có một số những kinh nghiệm, trau dồi nhất định.
Xưa kia tục ngữ đã có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim” hay “Cần cù bù thông minh”. Con người sinh ra không phải ai cũng ngẫu nhiên mang cho mình một bộ óc vĩ đại toàn năng có thể chứa bất cứ thứ gì trên đời. Não chúng ta cũng tiếp nhận mọi thứ một cách có chọn lọc. Đối với những thứ mình thích và cảm thấy hứng thú thì dù có tiếp xúc một, hai lần cũng có thể ghi nhớ trong một thời gian dài. Còn đối với những việc ta không thích thì dù có nghe đi nghe lại hàng ngày bạn cũng không thể có cách nào tiếp nhận nó được.
Tình trạng học văn hiện nay cũng vậy. Bên cạnh những bạn học rất tốt bộ môn này, thậm chí say mê thì cũng còn những bạn không thể học tốt được nó. Lí do để các bạn đưa ra là do văn dài, nhiều chữ khó thuộc khó vào….Vậy phải làm sao để học văn có hiệu quả? Học văn cũng cần phải có mẹo riêng, những kinh nghiệm riêng giống như bạn làm việc bất kì có kế hoạch sẽ thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Vậy kinh nghiệm để học văn là gì?
Đầu tiên là việc học trên lớp. Bạn cần phải tập trung cao độ cho những giờ học văn. Việc chuyên chú học tập sẽ khiến bạn tiếp thu bài giảng của giáo viên một cách tốt nhất. Bất cứ một môn học nào không kể là văn học thì việc bạn tập trung, lắng nghe sẽ mang lại nhiều kết quả tốt. Đặc biệt với những bạn không dành thời gian ở nhà cho môn học thì đây là cách học hiệu quả nhất.
Vì thế nên trong giờ học văn bạn không nên nói chuyện riêng hay làm việc riêng, hãy tập trung 100% tâm trí cho bài học của mình. Ngoài ra bạn cũng chú ý nên ghi chép đầy đủ. Nhiều bạn tự cho rằng chỉ cần lắng nghe bài truyền giảng của giáo viên là đủ và có thể ghi nhớ toàn bộ, tuy nhiên trí óc của con người không phải là một chiếc ổ cứng có thể lưu trữ bất cứ thứ gì vào đó. Sẽ có rất nhiều việc tác động khiến bạn phải để tâm vì thế thay vì chỉ biết lắng nghe bạn nên ghi chép thành một sơ đồ cây để học nhanh và hiệu quả hơn.
Ngoài việc tiếp thu các bài học trên lớp thì việc học thêm ở nhà cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Mỗi ngày về nhà bạn nên dành khoảng mười lăm phút cho việc ôn tập lại bài cũ, hệ thống tất cả các kiến thức đã học được ban ngày thành một sơ đồ tư duy có ý chính ý phụ để ghi nhớ lâu hơn.
Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức trên lớp, học thêm ở nhà thì việc học hỏi bạn bè cũng là điều vô cùng cần thiết. Các cụ ta xưa thường nói “học thầy không tày học bạn”. Nói như thế không có nghĩa là hạ thấp việc học trên lớp mà cho thấy việc học hỏi bổ sung kiến thức từ bạn bè cũng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Cách học này mang đến cho bạn hiệu quả rất cao.
Hiện nay, để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh có rất nhiều các loại sách văn học tham khảo ra đời có thể kể đến như: Văn mẫu các lớp, hướng dẫn soạn văn, giải bài tập văn…. Để các bạn có thể tham khảo hướng giải bài nhanh và hiệu quả hơn.
Học văn không phải là việc quá khó khăn thậm chí nó còn trở nên vô cùng dễ dàng nếu chúng ta tìm được những điểm thú vị của nó, cũng như có một phương pháp học đúng cách hiệu quả. Văn học không chỉ mang đến cho con người những kiến thức bổ ích mà còn giúp chúng ta trau dồi lời lẽ, cách lập luận và phản biến một vấn đề một cách cặn kẽ và sâu sắc nhất có thể. Vì thế học sinh chúng ta cần phải trang bị cho mình những kinh nghiệm học văn thật tốt.
Dàn ý Thuyết minh 1 kinh nghiệm học văn hoặc làm văn
I. MỞ BÀI
- Giới thiệu khái quát về kinh nghiệm học văn.
II. THÂN BÀI
1. Mô tả lại quá trình trải nghiệm của bản thân để có được kinh nghiệm đó
Gợi ý
- Trước đây, rất ghét môn văn do môn văn rất dài và nhiều kiến thức, học rất khó nhớ. Thường học hôm trước thì sáng hôm sau đã quên luôn rồi. Từ đó, kết quả học tập môn Văn rất thấp, làm ảnh hưởng đến kết quả chung trong học tập.
- Sau khi học được tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, cảm nhận được tình hiếu thảo của nàng Kiều và nhiều đức tính tốt đẹp khác của nàng, em thấy ngưỡng mộ tác giả vô cùng và dân trở nên yêu thích môn Văn. Từ đó, em quyết tâm tìm được phương pháp học môn này cho hiệu quả nhất.
- Sau nhiều thời gian nghiên cứu và áp dụng các phương pháp khác nhau đã giúp tôi lựa chọn được phương pháp phù hợp cho bản thân mình. Nhờ vậy, kết quả học tập môn Văn của tôi được cải thiện nhiều.
2. Phổ biến kinh nghiệm học văn
- Chủ động nắm kiến thức bằng cách tự nghiên cứu, tìm hiểu ở nhà trước. Với bước này sẽ giúp các bạn tiếp thu cơ bản phần kiến thức của bài, không bị động trước các kiến thức mà thầy cô giáo đưa ra. Việc nghiên cứu này có thể bằng nhiều nội dung đa dạng khác nhau như: tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm, bài học mà tác giả giử gắm,…
- Lên lớp cố gắng nghe giảng. Đây là quá trình củng cố lại phần kiến thức mà bạn đã tự chuẩn bị trước đó, xem bản thân đã đúng phần nào, sai phẩn nào để hoàn thiện nội dung bài học. Đây là giai đoạn rất quan trọng, bởi các kiến thức mà cô giáo đưa ra thường là kiến thức chuẩn, nền tảng để học sinh dựa vào đó mà phát triển bài học tốt nhất.
- Chủ động hỏi các phần kiến thức chưa hiểu. Những thắc mắc của bài mà ta chưa hiểu, chưa nắm vững, chúng ta nên hỏi các bạn xung quanh, hoặc hỏi trực tiếp thầy cô giáo. Tuyệt đối không được giấu dốt, bởi như thế cô giáo sẽ không biết chúng ta bị hổng phần kiến thức nào để tập trung, làm rõ các nội dung đó.
- Có niềm yêu thích với các tác phẩm. Đây là nội dung quan trọng, Bởi nếu bạn không có tình cảm với tác phẩm, lượng kiến thức sẽ không lưu trữ trong trí nhớ của chúng ta được lâu. Để có niềm yêu thích tác phẩm, chúng ta cần nắm vững tư tưởng, nội dung chính của tác phẩm. Bởi tất cả các tác phẩm được đưa vào trong quá trình học đều là các kiến thức bổ ích và có ý nghĩa sâu sắc trong việc hoàn thiện nhân cách mỗi người.
3. Đánh giá, vận dụng phương pháp
- Thúc đẩy quá trình tự học, tự lĩnh hội kiến thức và làm chủ kiến thức với chiếc chìa khóa hữu hiệu trong tay, giúp ta phát huy được tính tích cực, chủ động của mình trong việc học.
- Vận dụng kinh nghiệm đó sẽ giúp mỗi học sinh chúng ta nắm được tác phẩm một cách dễ dàng và đặc biệt khi làm văn không lung túng, lạc đề.
III. KẾT BÀI
- Nêu cảm nghĩ của em về kinh nghiệm học văn.
Thuyết minh 1 kinh nghiệm học văn hoặc làm văn – mẫu 2
Để học tập một cách hiệu quả chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể. Mỗi người sẽ có những kinh nghiệm học tập khác nhau của riêng mình. Và việc học hỏi kinh nghiệm từ những người khác sẽ giúp chúng ta bổ sung thêm kinh nghiệm cho mình, từ đó học tập một cách tốt hơn. Dưới đây là kinh nghiệm học văn và làm văn cho những ai đang muốn tiến bộ hơn trong môn học này.
Yếu tố quan trọng của việc học văn đó chính là tự học. Cũng như nhiều môn học khác, tự học bao giờ cũng giúp chúng ta hiểu bài và tiếp thu bài học một cách nhanh hơn khi ở trên lớp. Với 45 phút thì thật khó để thầy cô giáo có thể truyền đạt được hết kiến thức của mình. Vì thế mà thầy cô chỉ có thể truyền đạt được những kiến thức cơ bản nhất và hướng dẫn chúng ta cách mở rộng kiến thức của mình. Nếu không tự học, chúng ta sẽ không thể nào tiếp nhận được những kiến thức đó. Bạn biết không, có rất nhiều nhà khoa học, các tỉ phú trên thế giới thành công và giàu có là nhờ học tự học. Chẳng hạn như Bill Gates, ông không hề học đại học nhưng với tinh thần tự học của mình ông đã mở ra tập đoàn Microsoft.
Nói tự học nghe có vẻ khó khăn bởi nhiều người sẽ cho rằng tự học thì làm sao mà giỏi. Nhưng trên thực tế việc tự học lại đơn giản hơn nhiều. Đặc biệt là tự học môn Văn. Trước hết muốn tự học môn Văn thật tốt, bạn nên xác định chúng học môn học này để làm gì. Có người học Văn vì điểm số, có người học Văn vì cảm thấy thích thú. Nếu bạn học chỉ vì điểm số, bạn sẽ không bao giờ thấy môn Văn thú vị cả. Trong khi đó, văn học giúp nuôi dưỡng tâm hồn của chúng ta. Nếu bạn gắn bó với môn Văn, bạn sẽ thấy tâm hồn mình trở nên trong trẻo hơn và tươi sáng hơn.
Đầu tiên để tự học tốt văn, bạn nên chia thời gian cụ thể. Môn Văn có hai dạng một là kiến thức thuần túy, một dạng là kĩ năng viết văn. Muốn học Văn tốt thì phải có kiến thức, muốn viết văn hay thì phải có kỹ năng. Hai yếu tố này kết hợp với nhau và bổ sung cho nhau.
Cái mà bạn cần nắm đó chính là nội dung tác phẩm. Trước mỗi một tác phẩm, bạn nên đọc đi đọc lại nội dung của tác phẩm đó, tóm gọn được ý chính mà tác giả muốn nói đến trong bài. Bật mí với bạn là nếu tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác thì chúng ta sẽ hiểu hơn về nội dung của tác phẩm đó đấy. Giờ đây mạng internet đã rất phổ biến rồi, bạn cũng có thể tìm kiếm trên mạng để đọc được nhiều thông tin hơn về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Sau đó, bạn hãy trả lời các câu hỏi ở cuối mỗi tác phẩm. Nếu bạn trả lời được hết thì có nghĩa là bạn đã hiểu được phần nhiều về tác phẩm đó rồi. Ngày hôm sau đến lớp kết hợp với bài giảng của cô giáo nữa là bạn sẽ hiểu được toàn bộ tác phẩm, cảm được toàn bộ tác phẩm. Không chỉ dừng lại ở một tác phẩm, bạn nên tìm kiếm những tác phẩm có nội dung tương tự hoặc tìm những tác phẩm có chung tư tưởng. Điều này có ích cho bạn trong quá trình làm văn có thể đưa ra nhiều dẫn chứng so sánh giúp bài văn trở nên sinh động hơn.
Một khi đã nắm vững kiến thức văn học, bạn có thể vận dụng kiến thức của mình vào trong các bài tập làm văn. Muốn làm văn hay thì trước tiên chúng ta phải hiểu đề. Bao giờ cũng vậy, chúng ta phải phân tích xem đề văn muốn hướng đến vấn đề gì. Chẳng hạn như đề thuyết minh thì khác với đề miêu tả cũng khác với phân tích. Làm văn không đơn thuần là viết lại những kiến thức đã học. Lúc này, bạn phải vận dụng toàn bộ những ngôn từ mà mình có, sắp xếp chúng để làm sao tạo ra được những câu văn hay nhất. Để tránh bị thiếu ý, sót ý thì trước khi vào bài bạn nên dành khoảng 10 phút để lập dàn ý. Nhiều người cho rằng lập dàn ý làm mất thời gian nhưng trên thực tế dựa vào dàn ý bạn sẽ viết văn được nhanh hơn bởi các ý đã được liệt kê ra sẵn rồi. Bạn chỉ cần phát triển nó để tạo nên những đoạn văn hoàn chỉnh mà thôi.
Để viết được bài văn hay, bạn cũng nên đọc nhiều văn mẫu. Cách này rất hiệu quả bởi đọc văn mẫu giúp bạn mở rộng thêm vốn từ vựng của mình. Bài văn của bạn nhờ vậy sẽ hay hơn. Hãy nhớ, chúng ta đọc văn mẫu để tham khảo chứ không phải để sao chép.
Tiếp đó là hãy viết thật nhiều. Bạn càng viết nhiều thì khả năng viết của bạn sẽ càng tốt hơn. Đọc lại những bài văn mình viết, bạn sẽ thấy mình còn thiếu sót ở chỗ nào, câu văn nào còn diễn đạt chưa hay.
Thuyết minh 1 kinh nghiệm học văn hoặc làm văn – mẫu 3
Ngữ văn – tên gọi hiện hành của môn văn trong nhà trường phổ thông hiện nay, là bộ môn đang gặp phải sự lo ngại trước tình trạng đa phần học sinh chán nản, không yêu thích. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Phải chăng việc học văn không hứng thú là do chương trình quá nặng, phương pháp của thầy cô chưa đáp ứng được hay bởi sự phát triển quá nhanh chóng của xã hội khiến học văn không còn cần thiết? Dù là lý do gì thì trước hết vẫn xuất phát từ người học. Người học chưa tự yêu thích hoặc chưa coi học văn có ý nghĩa giá trị quan trọng không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài cuộc sống. Bởi vậy, phương pháp học văn sẽ là khâu trọng yếu giúp học tốt môn này. Và phương pháp học văn theo lối tư duy sau đây sẽ gợi ý giúp các bạn.
Nhắc tới học tập theo phương pháp tư duy, nhiều người nghĩ nó phù hợp với lối học của các môn tự nhiên hơn. Nhưng không phải, đây là kinh nghiệm học tập phù hợp với tất cả các bộ môn khoa học. Riêng với môn văn hiện nay, là một môn rất quan trọng, nhiều bạn học sinh quan tâm vì đó là môn sẽ có mặt trong tất cả các kỳ thi. Bởi vậy việc học, làm văn theo lối tư duy rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu cho cả đối tượng học sinh yêu thích môn văn và học sinh chỉ học văn theo đáp ứng bộ môn.
Vậy học văn, làm văn theo lối tư duy là như thế nào? Là cách học theo hệ thống logic rõ ràng, mạch lạc vừa giúp ghi nhớ kiến thức vừa giúp suy luận. Môn văn là bộ môn khoa học xã hội, khối lượng kiến thức khá nhiều, việc học theo lối tư duy vô cùng phù hợp, giúp người học văn không cần phải “học thuộc lòng” như nhiều người vẫn nghĩ mà vẫn ghi nhớ và đảm bảo được kiến thức của bộ môn này.
Đầu tiên, sử dụng tư duy để xây dựng hệ thống kiến thức cho nội dung bài học. Hiện nay kiến thức môn văn chia làm hai phần là đọc hiểu và tạo lập văn bản. Kiến thức của phần đọc hiểu bao gồm kiến thức tiếng Việt và làm văn. Hầu hết là các khái niệm, các tính chất, đặc điểm đã có sẵn. Vậy chỉ cần phân loại, hệ thống. Ví dụ như phần Tiếng Việt có thể chia thành các đơn vị kiến thức về phong cách ngôn ngữ chức năng, các biện pháp tu từ. Còn Làm văn, có các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt.
Đối với tạo lập văn bản, chủ yếu kiến thức là ở các tác phẩm văn học. Ở nội dung này chú ý đến hai phần là kiến thức chung về tác giả, tác phẩm và kiến thức trọng tâm trong tác phẩm. Chẳng hạn như muốn hệ thống kiến thức về tác giả, để tạo nên cái nhìn tổng quát, so sánh, chúng ta chỉ cần tổng hợp trên hai phương diện là vị trí và đặc điểm sáng tác của tác giả đó. Ví dụ về tác giả Phạm Ngũ Lão (ở bài thơ Tỏ lòng), vị trí của ông là một vị danh tướng tài giỏi của nhà Trần, cũng là một nhà thơ của dân tộc; đặc điểm nổi bật trong sáng tác của ông là lòng yêu nước, mang âm hưởng hào hùng, đậm chất hào khí Đông A. Tương tự các tác giả khác cũng làm như vậy. Còn đối với kiến thức trọng tâm ở mỗi tác phẩm, cần hệ thống theo ý. Việc tạo ý sẽ giúp chúng ta nhìn thấy bao quát toàn bộ nội dung vừa là căn cứ để ghi nhớ và suy luận. Chẳng hạn ở bài Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi, có hai nội dung lớn là vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên cuộc sống và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi. Trong vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên có thể hệ thống ba ý là: Bút pháp nghệ thuật: miêu tả, cảm nhận qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh, trạng thái, vị trí; Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên: sống động, rực rỡ, căng tràn, bao quát và rất gần gũi, đậm chất làng quê; Vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ: tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên. Cách hệ thống đơn giản mà vẫn giúp học sinh móc nối, liên kết các kiến thức.
Tuy nhiên, cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau khi học văn theo cách này. Đó là phải đảm bảo các kiến thức hệ thống phải chuẩn xác. Thứ hai, khi xác lập đơn vị kiến thức cần hệ thống, phải lựa chọn từ khóa, sao cho ngắn gọn, súc tích mà vẫn thể hiện được đầy đủ nội dung tinh thần của tác phẩm. Thứ ba, cách ghi chép, trình bày phải khoa học, dễ nhớ thì nội dung hệ thống mới phát huy tác dụng. Chúng ta có thể sử dụng bảng biểu, sơ đồ tư duy, các hình vẽ,… để thể hiện cách hệ thống. Chẳng hạn hệ thống về tất cả các tác giả văn học có thể dùng bảng biểu gồm: tên tác giả, tác phẩm, vị trí của tác giả, đặc điểm sáng tác. Sau đó sắp xếp theo thứ tự, chúng ta sẽ có một bảng hệ thống tất cả các tác giả, chỉ cần gạch chân những từ khóa đối với mỗi tác giả, sẽ rất dễ nhớ và thậm chí so sánh cũng không khó. Hay sơ đồ tư duy là một trong những cách trình bày hỗ trợ rất tích cực trong phương pháp học văn theo lối tư duy. Từ những kiến thức tác phẩm văn học đã được hệ thống theo cách trình bày thông thường, thay vào đó là sơ đồ tư duy với nhiều màu sắc và các cách kí hiệu sẽ dễ dàng giúp cho người học văn nhớ được kiến thức. Việc tự vẽ sơ đồ tư duy cũng sẽ tạo hứng thú cho việc học văn và ghi nhớ một cách không nhàm chán những kiến thức dài của môn học này.
Có thể thấy, việc học văn theo tư duy không hề phức tạp. Cách làm chỉ giúp người học nhận ra tính chất khoa học của bộ môn. Ngoài việc chiếm lĩnh được, kiến thức khi được trình bày theo hệ thống logic sẽ giúp người học tự khai thác khả năng suy luận. Thậm chí khi nhìn vào hệ thống đó, có thể tập học cách diễn giải mà không cần phải có đầy đủ, chi tiết. Việc hệ thống kiến thức theo tư duy cũng sẽ giúp người học văn hình thành cách viết văn theo lối tư duy. Khi có kiến thức trong tay, theo một hệ thống nhất định sẽ rèn cho người viết văn không còn ngẫu hứng, tùy tiện. Trước khi viết bài cũng cần phải có sự tính toán, sắp xếp và khai thác kiến thức sao cho phù hợp, đúng và trúng vấn đề nhất.
Lợi ích của việc học theo lối tư duy không chỉ phù hợp và có hiệu quả đối với môn văn. Nhưng với đặc thù là một môn xã hội, khối lượng kiến thức nhiều, đa dạng, phương pháp học này rất bổ ích và có lợi cho học sinh. Nếu bạn chỉ là học sinh trung bình khá, cách học này giúp bạn không bị hổng kiến thức, còn nếu bạn là học sinh giỏi sẽ là cơ hội để bạn phát huy năng lực cảm thụ, phân tích, suy luận trong văn chương. Trong khuôn khổ của một bài viết ngắn, việc trình bày, giới thiệu về phương pháp này vẫn còn rất sơ lược. Tuy nhiên sẽ phần nào giúp các bạn học tốt và yêu thích môn văn hơn.
Thuyết minh 1 kinh nghiệm học văn hoặc làm văn – mẫu 4
Hiện nay, hiện tượng sợ học văn ngày càng trở nên phổ biến ở các bạn học sinh. Nhưng thực tế học văn không đáng sợ như vậy. Khi tìm được phương pháp học văn đúng đắn, chắc chắn sẽ khiến bạn thích thú bộ môn này. Sau đây tôi xin chia sẻ cách học văn bằng sơ đồ tư duy.
Học bằng sơ đồ đang là phương pháp học tập phổ biến, hiện đại và được áp dụng ở rất nhiều môn học khác nhau. Đây là cách học nhanh chóng, dễ dàng nhưng đem lại hiệu quả cao. Môn Văn cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các bạn đừng nghĩ rằng môn văn hoa mĩ, lắm ý, nhiều lời thì không thể biến chúng thành các sơ đồ tư duy đơn giản dễ hiểu. Việc này hoàn toàn có thể làm được nếu các bạn có phương pháp học để tạo sơ đồ tư duy chính xác.
Trước hết, để tạo được sơ đồ tư duy các bạn cần phải nắm chắc kiến thức tác phẩm. Đây là khâu đầu tiên và quan trọng nhất để có thể hình thành được sơ đồ tư duy. Chúng ta hãy thử tưởng tượng khi bạn không nắm chắc kiến thức bắt tay vào lập sơ đồ sẽ lúng túng, không biết nên chia các phần ra sao, khi tạo xong sẽ thiếu phần này, phần kia. Vậy là sơ đồ tư duy đã thất bại ngay từ khâu đầu tiên. Nắm chắc kiến thức tác phẩm bằng cách mỗi văn bản các bạn nên đọc ba lần: lần một nắm được tinh thần chung của tác phẩm; lần hai nắm được nội dung, phân chia bố cục, ý chính; lần ba cảm nhận cái hay cái đẹp của văn bản. Các bạn nhớ nhé, chúng ta có thể tận dụng phần bài giảng của giáo viên trên lớp, kết hợp với việc đọc của bản thân để phân chia ý hợp lý.
Sau khi đã nắm được tinh thần bài học, nội dung chính của tác phẩm chúng ta hãy cùng bắt tay vào tạo sơ đồ duy. Bước đầu tiên xác định các từ khóa. Từ khóa là những từ chủ chốt, thâu tóm được nội dung chính. Vậy làm cách nào để chúng ta xác định đúng từ khóa trong nội dung văn bản. Các bạn hãy đọc kĩ văn bản, lọc từ ngữ chủ chốt, không thể thiếu trong đoạn văn, văn bản đó. Đây là bước vô cùng quan trọng, chỉ khi xác định đúng từ khóa thì các phần tiếp theo mới có thể triển khai hoàn hảo được. Chúng ta cần tự tạo lập thói quen tìm và ghi nhớ từ khóa của mỗi bài. Bởi từ khóa sẽ theo chúng ta trong suốt quá trình tạo lập sơ đồ tư duy.
Bước thứ hai, hãy lấy một tờ giấy lớn, bút màu, thật nhiều màu nhé, bởi sau khi chúng ta hoàn thành sơ đồ các bạn sẽ tạo ra một bức tranh vô cùng thú vị và đặc biệt đấy. Các bạn hãy vẽ chủ đề chính ở trung tâm tờ giấy trắng, bạn có thể lấy một chiếc bút màu nổi bật nhất mà bạn yêu thích để tô màu cho chủ đề trung tâm. Làm như vậy sẽ giúp các bạn dễ chú ý và nhìn nhận vấn đề nhanh chóng hơn. Các bạn lưu ý nên sử dụng giấy trắng không dòng kẻ và xoay ngang chúng ra nhé. Không có những dòng kẻ làm chúng ta phân tâm, cản trở tư duy, giấy ngang còn giúp các bạn thỏa sức sáng tạo nữa.
Xong bước thứ ba, bạn hãy tiếp tục dùng chiếc bút màu mực khác vẽ thêm các tiêu đề phụ cấp độ một. Các tiêu đề phụ này các bạn nên vẽ cách những khoảng trống bằng nhau, và kết nối với chủ đề trung tâm bằng một đường kẻ, để làm nổi bật các bạn cũng có thể ghi bằng các chữ in hoa nhé.
Sau khi đã xác định được các ý chính chúng ta sẽ triển khai các ý con của mỗi tiêu đề đó, mà thường vẫn được gọi là các nhánh cấp 2, cấp 3, hoặc nhiều hơn, phụ thuộc vào nội dung bài học ngắn hay dài của các bạn. Các bạn cũng cần lưu ý, ở các nhánh này cũng chỉ nên để các từ khóa, tránh làm sơ đồ trở nên rối rắm, khó hiểu. Màu sắc của nhánh cấp 2, cấp 3, nên để cùng màu với nhánh cấp 1, như vậy các bạn vừa tiện theo dõi, vừa khiến bức tranh không bị loạn bởi các màu sắc.
Vậy là chúng ta đã gần hoàn thành bức tranh sơ đồ tư duy. Bước cuối cùng để làm bức tranh đó thêm phần sinh động, hãy vận dụng sự khéo léo, tài năng hội họa của mình vẽ những hình thù đáng yêu khác nhau vào bức tranh đó. Những hình ảnh đó giúp bạn tiếp thu bài nhanh hơn, bởi cơ chế hoạt động của não bao giờ cũng hướng đến tiếp thu nhanh các hình ảnh.
Tạo lập sơ đồ tư duy không hề khó. Nếu lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ, chỉ cần làm hai ba lần là các bạn đã thuần thục trong các thao tác để tạo lập sơ đồ. Trung bình mất khoảng bốn lăm phút cho mỗi sơ đồ tư duy cho mỗi bài học, thời gian có thể dài, ngắn khác nhau tùy thuộc vào độ dài và độ khó của bài học. Mặc dù phải bỏ thời gian và công sức nhưng cách học này lại hiệu quả hơn rất nhiều. Kiến thức được tiếp thu dễ dàng, giúp các bạn rèn luyện tư duy, đồng thời trong quá trình tạo sơ đồ các bạn còn được thể hiện tài năng hội họa của mình, đó cũng là một cách giải trí hữu hiệu.
Không có gì khó, chỉ là bạn dành bao nhiêu thời gian, công sức cho nó mà thôi. Khi bạn có quyết tâm và ý thức học tập thì không chỉ môn Văn mà bất cứ môn học nào khác cũng sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Học văn bằng sơ đồ tư duy là một trong rất nhiều phương pháp học tập hiện đại. Hãy áp dụng để thấy được những kết quả ngoài mong đợi nhé.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 10 được (siêu hay, ngắn) chọn lọc hay khác:
Thuyết minh Một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương
Thuyết minh Một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống
Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:
- Giải bài tập Lớp 10 Kết nối tri thức
- Giải bài tập Lớp 10 Chân trời sáng tạo
- Giải bài tập Lớp 10 Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 10 Global Success
- Giải Tiếng Anh 10 Friends Global
- Giải sgk Tiếng Anh 10 iLearn Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 10 Explore New Worlds
- Lớp 10 - Kết nối tri thức
- Soạn văn 10 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - KNTT
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - KNTT
- Giải sgk Toán 10 - KNTT
- Giải sgk Vật lí 10 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 10 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 10 - KNTT
- Giải sgk Địa lí 10 - KNTT
- Giải sgk Lịch sử 10 - KNTT
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - KNTT
- Giải sgk Tin học 10 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 10 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 10 - KNTT
- Lớp 10 - Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 10 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - CTST
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - CTST
- Giải Toán 10 - CTST
- Giải sgk Vật lí 10 - CTST
- Giải sgk Hóa học 10 - CTST
- Giải sgk Sinh học 10 - CTST
- Giải sgk Địa lí 10 - CTST
- Giải sgk Lịch sử 10 - CTST
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - CTST
- Lớp 10 - Cánh diều
- Soạn văn 10 (hay nhất) - Cánh diều
- Soạn văn 10 (ngắn nhất) - Cánh diều
- Soạn văn 10 (siêu ngắn) - Cánh diều
- Giải sgk Toán 10 - Cánh diều
- Giải sgk Vật lí 10 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 10 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 10 - Cánh diều
- Giải sgk Địa lí 10 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch sử 10 - Cánh diều
- Giải sgk Kinh tế và Pháp luật 10 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 10 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 10 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 10 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 10 - Cánh diều