(30+ mẫu) Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác (siêu hay)

Tổng hợp trên 30 bài Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Dàn ý Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác

- Mở bài: Giới thiệu, tóm tắt được tác phẩm thuyết trình.

- Thân bài:

+ Xác định và tóm tắt được nội dung về tác giả và một số ý kiến về tác phẩm.

+ Lắng nghe đánh giá và phản hồi

- Kết bài:

+ Tóm tắt được ý nghĩa nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 1

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp…. “Thương người như thể thương thân” - đạo lý đó luôn nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Vào sáng thứ bảy tuần trước, lớp em đã có buổi từ thiện đến trường tiểu học Hùng Sơn thuộc xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Khi nghe thầy cô phổ biến về điều kiện khó khăn trong học tập cũng như trong kinh tế của gia đình các em học sinh trường tiểu học Hùng Sơn. Lớp em đã có kế hoạch quyên góp các vật dụng sinh hoạt hằng ngày như quần áo, đồ dùng học tập như bút, thước, sách vở… Tuy là những món đồ cũ nhưng chúng em luôn hi vọng rằng sẽ giúp một phần nào đó cho cuộc sống của các bạn nơi vùng cao.

Đúng sáu giờ sáng có mặt và tập trung tại trường, chúng em với niềm hăm hở và háo hức hơn so với ngày thường khi ngồi trên xe đi đến một miền đất mới, được gặp các bạn mới. Ngồi ở trên xe, cả lớp hát những bài hát vui nhộn và quen thuộc như “Lớp chúng mình”, “Em là búp măng non” tạo nên không khí thật náo nhiệt và “độ nóng” cho chuyến đi. Sau gần hai tiếng ngồi trên xe, tuy có hơi mệt một chút vì đường gồ ghề và nhiều ổ gà nhưng nụ cười luôn nở trên môi các bạn. Được thông báo trước, các thầy cô và các bạn ở đây đã chuẩn bị rất chu đáo và đón tiếp đoàn chúng em rất nhiệt tình và niềm nở. Các bạn mặc bộ quần áo đẹp hơn. Sân trường, lớp học được quét dọn sạch sẽ, bảng đen được lau chùi kĩ càng, bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn.

Mọi thứ thật tươm tất và sẵn sàng để đón những vị khách từ xa đến. Ngoài kia, những vườn rau xanh tươi tốt của những lớp học bán trú được chăm sóc và làm cỏ sạch sẽ. Luống rau sạch sẽ mang lại những bữa ăn đạm bạc nhưng giàu tình đoàn kết và sự che chở lẫn nhau của các bạn ở vùng cao phải sống xa cha mẹ. Trước khi đến đây, chúng em được biết gia đình các bạn rất khó khăn, đồng thời điều kiện đi lại rất nguy hiểm. Những lúc trời mưa thì lũ quét, bùn lầy, trời nắng thì đất nứt nẻ, khô cằn. Và có thể, chính những điều đó đã tôi luyện cho các bạn học sinh nơi đây sự chăm chỉ, chịu khó.

Sau khi gửi lời chào và lời hỏi thăm tới các thầy cô và các bạn, đoàn chúng em mang những thùng mì tôm, những bao gạo, tập sách vở… từ trên ô tô xuống. Các thầy cô rất vui và xúc động, gửi lời cảm ơn sâu sắc. Các bạn học sinh thì rất hăm hở, cẩn thận nhận món quà từ chúng em. Khi phát quà xong, trời cũng đã trưa. Mọi người chia nhau đi hái rau và nấu cơm. Mọi người đều vui vẻ trò chuyện và sẻ chia công việc với nhau giúp chúng em cảm thấy rất thân thiết và gần gũi. Bữa cơm tuy rất đơn giản, nhưng mọi người ăn rất ngon miệng với tiếng cười rôm rả.

Những việc nhỏ nhoi mà bản thân có thể làm nhưng có thể đem đến niềm vui cho người khác làm bản thân mình cảm thấy có ích hơn đối với xã hội, với cuộc sống. Ở cuộc sống này có những con người đang cần lắm những tấm lòng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng”.

Khi đã thu dọn xong mọi thứ, chúng em chuẩn bị ra về cho buổi học ngày mai. Trước khi ra về, mọi người đều lưu luyến, bịn rịn chẳng muốn rời. Buổi từ thiện đã để lại cho em những kỉ niệm khó quên và có những người bạn mới thật thú vị. Hy vọng rằng sau này em có thể tham gia nhiều hoạt động từ thiện hơn nữa để làm những việc có ích.

Em rất thích những cuộc từ thiện ở quê hương, hay trường học của em, những buổi tình nguyện từ thiện giúp em rất nhiều trong cuộc sống. Đó là những bài ngoại khóa, hay những bài học thực tế để em có thể hiểu cuộc sống này nhiều hơn nữa.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 2

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp…. Các bạn thân mến, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nó đã để lại bao đau thương và mất mát về cả mặt tinh thần lẫn vật chất đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là những đứa trẻ mất đi gia đình, người thân của mình, lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Thật tình cờ khi em đọc được những bài báo liên quan đến thông tin đó, em đã đăng kí tham gia và may mắn trở thành viên của dự án “True love” gây quỹ ủng hộ trẻ em mồ côi, khó khăn do dịch Covid-19 tại Hồ Chí Minh.

Biết được chiến lược của ban Tổ chức đề ra, em đã vô cùng cảm thấy thích thú và hi vọng trải nghiệm quý báu này sẽ góp công sức nhỏ bé để giúp đỡ các em bé mồ côi, khó khăn thêm động lực, tiếp sức mạnh hướng về tương lại phía trước. Ngoài ra, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa các thông điệp tích cực; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, văn minh, nghĩa tình của người dân Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng nhằm giúp đỡ, chăm lo cho thanh thiếu nhi, người dân bị ảnh hưởng sau dịch Covid-19, các tấm gương kiên trì vượt qua khó khăn; đồng thời, tạo sân chơi giải trí lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, người hâm mộ thể thao, bóng đá trong nước và quốc tế. Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM dự kiến sẽ gây quỹ và hỗ trợ được ít nhất 1.500 trẻ em, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Theo Ban Tổ chức, Đội hình huyền thoại của CLB Borussia Dortmund sẽ tới Việt Nam thi đấu với Các ngôi sao Việt Nam (Vietnam All Stars). Trận đấu diễn ra trên Sân vận động Thống Nhất (TPHCM) vào 19 giờ 00 ngày 28/9. Sau khi kết thúc trận đấu, số tiền gây quỹ được sẽ trao đến địa phương nơi có những em bé mồ côi, gặp khó khăn. Và khi đó, những học sinh tham gia tự nguyện như chúng em sẽ theo các đoàn đến từng điểm nhà các em, động viên, hỏi thăm và trao các phần quà để ủng hộ tinh thần các bé.

Trong suốt quá trình chuyến đi thiện nguyện, em vẫn nhớ mãi hình ảnh em bé Trần Mai A với đôi mắt rưng rưng khi nhắc về khoảng thời gian khó khăn mất cả cha lẫn mẹ, em phải sống với bà nội già yếu, không còn khả năng làm ra kinh tế. Việc phải chăm lo cho bà, vừa phải đi nhặt đồng nát kiếm ăn, thật quá sức với một trẻ nhỏ mới 8 tuổi. Em bé có nói một câu mà khiến tim em như ngưng lại, nghèn ngào lúc ấy. Em nói “Em chỉ ước cha và mẹ sống lại”. Tham gia những hoạt động này, em mới thấm thía được nhiều bài học về những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đại dịch Covid diễn ra quá nặng nề và đau thương, cướp đi rất nhiều “bờ vai” vững chắc của các em nhỏ, mà không có gì có thể đánh đổi lại được. Cuộc sống của các em thật khắc nghiệt và khó khăn. Những nỗi đau mà các em phải trải qua chắc sẽ không bao giờ quên được.

Thông qua dự án này, em cũng hy vọng bản thân mình đã góp sức và lan tỏa được niềm hạnh phúc, động lực sống giúp cho những em bé được an ủi phần nào. Cũng nhờ việc làm đó mà em cảm thấy đáng sống và cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Mong rằng trong tương lai gần, em sẽ có cơ hội tham gia nhiều chuyến đi, nhiều dự án thiện nguyện hơn nữa để góp phần làm đẹp cho đời.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 3

Chào mọi người, tôi tên là… học sinh lớp…. Các bạn ạ, người Việt Nam có truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Vì vậy, nhiều sự kiện xã hội quan trọng được tổ chức hàng năm. Tôi cũng có cơ hội tham gia một số hoạt động này.

Miền Trung là vùng đất phải hứng chịu nhiều thiên tai. Mặc dù người dân đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa như gia cố nhà cửa, tích trữ lương thực ở nơi cao hay sơ tán khỏi tâm bão. Tuy nhiên, bão lũ vẫn tiếp tục gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như cuốn trôi nhà cửa, tài sản hoặc khiến nhiều người thiệt mạng, mất tích. Kết quả là nhiều sự kiện xã hội đã được tổ chức cho mảnh đất miền Trung thân yêu.

Một hoạt động vô cùng ý nghĩa dành cho “Miền Trung” cũng đã được bắt đầu ở trường tôi.Cuối tuần trước, hiệu trưởng đã gặp các giáo viên chủ nhiệm của các lớp. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm quay lại gặp các bạn trong lớp. Các thầy cô và học sinh của trường thấy hoạt động này có ý nghĩa nên đã hưởng ứng nhiệt tình. Chúng tôi có thể quyên góp thực phẩm, quần áo, sách hoặc tiền. Mỗi người góp một phần nhỏ để tạo nên một lực lượng lớn.

Khi nghe cô giáo chủ nhiệm kể lại chuyện đó, tôi rất xúc động. Về đến nhà, tôi kể lại chuyện đó cho bố mẹ. Sau khi lắng nghe, tất cả các bậc phụ huynh đều hưởng ứng về hoạt động đầy ý nghĩa này. Mẹ đưa tôi đến hiệu sách mua đồ dùng học tập. Cha tôi cũng cho tôi một số tiền nhỏ để ủng hộ. Tôi đã đóng gói quần áo mới và sách mới mà không dùng đến để mang đến trường ủng hộ.

Sáng hôm sau tôi vui vẻ mang các đồ dùng đã chuẩn bị đến trường. Điều tương tự cũng xảy ra với các bạn cùng lớp của bạn. Nhiều đồ dùng học tập và quần áo mới đã được mang đến. Hoạt động diễn ra trong tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm thu thập số liệu thống kê và gửi cho giáo viên phụ trách. Cuối tuần này chuyến xe từ thiện rời trường mang quà đến cho người dân ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các em học sinh. Tôi tin rằng người dân vùng miền Trung sẽ rất vui và ấm áp khi nhận được những món quà này.

Tôi rất hạnh phúc khi làm được một việc tốt. Tôi cũng hy vọng rằng nhiều hoạt động như thế này sẽ được tổ chức để chia sẻ và hỗ trợ những người khó khăn.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 4

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng hiếm hoi “nhà thơ nữ viết về phụ nữ”, người manh nha cho việc đòi nữ quyền. Vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến được phản ánh qua thơ Hồ Xuân Hương, tiêu biểu phải kể đến bài thơ “Bánh trôi nước”.

Hồ Xuân Hương sinh ra vào khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, hiện nay lai lịch của bà vẫn còn là một điều bí ẩn. Nức tiếng là người có tài, thông minh, xinh đẹp lại giỏi thơ Nôm. Thế nhưng cuộc đời của Hồ Xuân Hương năm lần bảy lượt đều gắn với phận “làm lẽ” nhưng không được hưởng hạnh phúc. Bà được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”, sáng tác bao gồm cả chữ Nôm và chữ Hán. “Bánh trôi nước” là bài thơ tiêu biểu viết về vẻ đẹp và số phận bi thương của người phụ nữ trong xã hội xưa khi không được quyết định cuộc sống của chính bản thân mình đồng thời là tiếng nói đòi bình đẳng cho người phụ nữ.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

“Bánh trôi nước” được viết bằng chữ Nôm, theo thể thất ngôn tứ tuyệt, tức là bài thơ gồm bốn câu, mỗi câu bảy chữ. Thể thơ này có nguồn gốc từ thơ Đường ở Trung Quốc, tuân theo những niêm luật chặt chẽ. Thể thất ngôn tứ tuyệt súc tích, ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, mang nhiều tầng ý nghĩa đã làm nên giá trị quý báu của “Bánh trôi nước” về cả mặt nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa: tả thực chiếc bánh trôi nước, ẩn dụ hình ảnh người phụ nữ. Câu đầu miêu tả chiếc bánh trôi với hình dáng thật đẹp “vừa trắng lại vừa tròn”, qua đó ca ngợi vẻ đẹp trong trắng, dịu dàng, điềm đạm của người phụ nữ. Nhưng “bảy nổi ba chìm” cũng là số phận lênh đênh, lận đận.Câu thơ thứ ba, hình dáng của chiếc bánh đẹp hay xấu, tròn hay méo đều phụ thuộc vào bàn tay người nhào nặn. Mượn hình ảnh ấy, Hồ Xuân Hương thể hiện niềm thương cảm cho số phận vô định của nữ nhi thời bấy giờ : phải phó mặc cuộc đời mình vào tay người đàn ông, hạnh phúc hay khổ đau đều do người chồng quyết định. Qua đó, bà khẳng định vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất truyền thống cao quý của phụ nữ Việt Nam.

Về giá trị hiện thực, “Bánh trôi nước” đã thành công phản ánh, đả kích chế độ phụ quyền và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã đối xử bất công với người phụ nữ. Về mặt nghệ thuật, Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh chiếc bánh trôi gần gũi với đời thường để ẩn dụ hình ảnh người phụ nữ, nhận thấy qua các từ ngữ đặc tả chiếc bánh (“trắng”, “tròn”, “bảy nổi ba chìm”, “rắn nát”, “lòng son”), thành ngữ “bảy nổi ba chìm” để thể hiện số phận long đong của người con gái, điệp từ “vừa” để nhấn mạnh vẻ đẹp của họ. Ngôn ngữ trong bài thơ giản dị, đậm chất dân gian (“mặc dầu”), mở đầu bằng hai từ “Thân em” giống với cách mở đầu quen thuộc của ca dao than thân. Giọng thơ nhịp nhàng cũng là yếu tố làm nên giá trị của “Bánh trôi nước”.

Qua đó, “Bánh trôi nước” thể hiện tài quan sát, liên tưởng, tưởng tượng của bà. Bên cạnh đó, điểm mới của bài thơ này so với các sáng tác đương thời là lời bênh vực, tiếng nói đấu tranh của chính một nhà thơ nữ như Hồ Xuân Hương, đại diện cho phụ nữ - những con người thấp cổ bé họng, không được tôn trọng trong chế độ phong kiến.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 5

Tình mẫu tử, từ xưa đến nay vẫn luôn là điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Bởi đó là một tình cảm nuôi lớn chúng ta từng ngày, đem đến cho chúng ta những cái ôm ấm áp mỗi đêm, những làn gió mát rượi giữa buổi trưa hè nóng nực từ cái quạt của mẹ và tiếng hát ru du dương vang lên mỗi đêm khuya tĩnh lặng. Có lẽ vì vậy mà tình mẫu tử vẫn luôn luôn là đề tài xuyên suốt trong văn học, được các nhà thơ khai thác và thể hiện rất thành công, bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương chính là một minh chứng xuất sắc cho điều đó.

Đến với bài thơ Trong lời mẹ hát, một bài thơ tuy không quá dài nhưng lại chứa rất nhiều hàm ý sâu sắc khiến mỗi bản thân chúng ta phải suy ngẫm lại bản thân mình:

“Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến xôn xao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.”

Thật vậy, thời gian vô tình lắm, cứ thế trôi qua mà không bao giờ ngoái lại nhìn dù chỉ một lần. Thời gian đã làm cho những mái tóc của mẹ trở nên bạc trắng, những lo âu và vất vả khiến cho người mẹ yếu đi khiến phận làm con trông mà xót lòng.

Có thể thấy rằng, mẹ vẫn yêu thương con bằng cả trái tim của mình, không quản ngại bao khó khăn, gian nan, vất vả chỉ để cho con có một cuộc sống đầy đủ nhất. Sự hi sinh cao cả đó, quả thực chúng ta không thể nói hết bằng lời. Phép nhân hóa và nghệ thuật dùng từ láy điêu luyện của tác giả đã đưa hồn vào hai câu đầu của bài thơ thật khéo léo và cẩn thận tới từng chi tiết, làm rung động trái tim bao đứa con xa mẹ mà nhớ mà thương, ...

Đứa con cứ như ngọn trúc xanh của mùa xuân vụt lên phơi phới còn tấm lưng của mẹ thì ngày một không còn được thẳng nữa. Con đâu có biết là có quá nhiều khó khăn đè nặng trĩu trên tấm lưng gầy yếu ấy. Nghệ thuật đối lập trong 2 câu thơ “còng – cao” đã làm nổi bật rõ hơn về hình ảnh người mẹ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để tương lai con có thể trưởng thành cả về mặt nhận thức lẫn đạo đức, thực sự là một người có ích cho xã hội. Nhưng dù ngoài kia có biến động như thế nào, thì tình yêu của con dành cho mẹ vẫn là bất tận, những tình yêu mẹ ấp ủ, xây dựng, bồi đắp thêm mà bao thời gian qua đã trao cho con một cách âu yếm, nhẹ nhàng mà thầm kín.

Một người con chỉ biết để ý đến công việc và tìm kiếm nửa kia cho bản thân mình, mà quên đi mất ở quê hương vẫn còn một bóng dáng gầy còm ngày ngày tựa cửa trông con về thăm. Còn chi nữa, ngoài tình yêu ấy mẹ dành cho con? Còn chi nữa, ngoài đôi mắt nheo đuôi của mẹ dành cho con? Tất cả những thứ gọi là tình cảm mà ta đa đang tìm kiếm chân thật nhất chỉ có trong lòng mẹ, tình yêu luôn được cất giấu trong trái tim và lòng vị tha cao cả của mẹ.

Đứa con khi đang mải mê với những nơi xa lạ, thì cũng đã chợt quên đi tình mẹ cha ấm êm ở quê nhà. Khi chợt tỉnh giấc mộng nồng say, thì đứa con đó mới chợt nhớ ra tình yêu vĩnh hằng, bất biến từ thuở còn non. Quả là một tình cảm thực sự rất thiêng liêng và cao quý. Lời thơ của tác giả như lắng xuống trong những câu thơ cuối, trong hình ảnh “Thời gian chạy qua tóc mẹ/ Một màu trắng đến nôn nao/ Lưng mẹ cứ còng dần xuống/ Cho con ngày một thêm cao”. Hình ảnh mái tóc bạc trắng cùng tấm lưng ngày một còng đi đã khiến biết bao quý bạn đọc xót xa, ngậm ngùi, đánh thức tình cảm và ý thức trách nhiệm của con với đấng sinh thành:

“Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa ...”

Khổ thơ cuối trên đã bộc lộ rõ tình cảm của con dành cho mẹ. Trong những lời hát ru tràn đầy yêu thương của mẹ, pha trong những giấc mơ là cả một cuộc đời trước mắt. Phép nhân hóa chính là biện pháp nghệ thuật hết sức đặc sắc khi cho rằng lời ru đã “chắp con đôi cánh”. Đó chính là đôi cánh của sự động viên, một sự khích lệ to lớn như để khích lệ tinh thần con chiến đấu với dòng đời tràn đầy những khó khăn, luôn đứng sau hỗ trợ khi con có vấp ngã trên đường đời. Nó như một câu nói nhẹ nhàng của mẹ bên con: “Đi đi con, hãy mang theo đôi cánh này cùng với những ước mơ to lớn nhất mà con từng mơ thấy những đêm say giấc, hãy sử dụng nó làm cho con trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn”. Khi có được đôi cánh ấy, con có thể bay xa tới những nơi tuyệt nhất của cuộc đời để xây nên một cơ nghiệp thật to lớn. Và hãy đừng quên, lời ru của mẹ năm xưa đã giúp cho đạt được ước mơ ấy. Thật cảm ơn biết bao những câu hát mẹ tặng cho con.

Có thể khẳng định rằng, tình mẫu tử chính là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, không một điều gì khác có thể sánh bằng mà bất cứ một con người nào cũng không thể thiếu đi được. Và bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương như một dòng suối nguồn trong trẻo về tình mẫu tử thiêng liêng, và tin chắc rằng vẫn sẽ tiếp tục chảy mãi trong lòng người đọc cho đến tận mai sau.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 6

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp…Mỗi lĩnh vực trong đời sống đều mang đến cho con người nguồn cảm hứng và những cảm xúc khác nhau. Văn học cũng vậy, nó là lĩnh vực mà khi tiếp cận, con người có thể sống cùng, vui cùng, khóc cùng nhân vật, cảm thụ được những tư tưởng đạo lý mà người nghệ sĩ gửi gắm. Với tôi, có lẽ trong suốt hành trình văn học mà tôi đã trải qua, tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Thành Long, ông là một cây bút chuyên viết về tiểu thuyết và truyện ngắn từ thời kháng chiến chống Pháp. Từng trang văn của Nguyễn Thành Long đều đậm đà chất thơ, giàu ý vị nhẹ nhàng, tình cảm, khiến người đọc như bước vào một thế giới tinh mơ, thanh thảo, bên cạnh đó cũng giàu chất triết lý sâu xa trong từng câu từ. Và truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” cũng là một trong số đó.

Tác phẩm là kết quả của chuyến đi Lào Cai thực tế của tác giả vào năm 1970, nó được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972). Với tác phẩm này, nhà văn đã làm nổi bật lên đề tài về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Từ đó, ca ngợi những con người sống và làm việc thầm lặng, cống hiến cho đất nước cho cuộc sống.

Truyện mở đầu bằng hoàn cảnh của chuyến xe khách từ Hà Nội lên Lào Cai với ông họa sĩ già, bác lái xe, cô kĩ sư trẻ. Ông họa sĩ và cô kĩ sư đã được bác lái xe đã giới thiệu về anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Cuộc gặp gỡ tuy chóng vánh, anh thanh niên đã để lại biết bao ấn tượng cho mọi người. Anh tặng hoa cho cô kĩ sư, pha trà và trò chuyện với họ về cuộc sống và công việc của mình, như sở thích nuôi gà, trồng hoa, làm bạn với công việc. Đặc biệt, khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh thanh niên, anh đã từ chối và giới thiệu với ông những người khác mà anh cho là xứng đáng hơn. Khi chia tay, ông họa sĩ hứa sẽ quay trở lại còn cô kĩ sư thì thấy xúc động. Người thanh niên đã làm rung động trái tim của những vị khách mới quen.

Truyện được chia làm ba đoạn, với ba sự kiện: Đoạn 1 là việc bác lái xe giới thiệu về anh thanh niên qua lời kể của mình, đoạn 2 là cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư, và đoạn 3 là cuộc chia tay đầy ấn tượng. Song sóng với đó, người đọc có thể cảm nhận được nét vẽ chấm phá rõ nét về cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa và vẻ đẹp con người Sa Pa.

Thiên nhiên Sa Pa đẹp dịu dàng, giàu chất thơ ấm áp với nắng, con đèo, cây hoa tử kinh, rừng, ấy bị nắng xua, các vòm lá ướt sương, “rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.”

Chỉ với một vài nét vẽ cơ bản, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp thơ mộng, thanh thảo, bằng ngôn ngữ trong sáng, đường nét như “mạ bạc”, “nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”, “cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương”. Bức tranh ấy như gợi mở phần nào về con người nơi đây.

Vẻ đẹp con người nơi núi rừng Sa Pa không phải là những vị thần trong truyền thuyết, cũng không phải những người anh hùng lẫy lừng vang danh sử sách muôn đời, họ là những con người âm thầm làm việc, ngày qua ngày. Đó là anh thanh niên mà qua lời kể của bác lái xe là người “cô độc nhất thế gian”, rất “thèm người”, làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm làm bạn với mây mù và cây cỏ, trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Trong ấn tượng của bác hoạ sĩ, đó là người mà “Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”. Người thanh niên ấy có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc cao, tự tìm thấy niềm vui trong công việc của mình; có sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách đáng quý khi tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe, vui sướng khi có khách đến chơi nhà. Và ở anh là sự khiêm tốn và một nếp sống ngăn nắp gọn gàng mà anh tự tạo ra với những thói quen đọc sách, trồng hoa, nuôi gà, ... Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của truyện, và chỉ bằng những nét vẽ đơn giản, nhà văn đã khắc hoạ lên một con người giàu ý chí, tinh thần cống hiến, yêu đời, yêu cuộc sống.

Ngoài ra còn có những nhân vật như ông hoạ sĩ, cô kỹ sư, bác lái xe, ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Họ là những nhân vật đã góp phần đem đến những gam màu sắc đa dạng cho câu chuyện.

Truyện đã khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng trong cuộc sống, Cốt truyện đơn giản, nhân vật được xây dựng qua điểm nhìn của nhân vật khác là một yếu tố đặc sắc của tác phẩm. Qua truyện này, bài học về tinh thần hi sinh, cống hiến cho cuộc sống, cho cuộc đời đã được nhà văn gửi gắm đến người đọc.

“Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn hay và giàu cảm xúc. Nó xứng đáng là một tác phẩm mà mỗi chúng ta nên đọc và cảm nhận một lần trong cuộc sống.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 7

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp… Nguyễn Trãi là một tác gia lớn của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Nhưng dường văn chương của ông dường như cũng chịu chung số phận như con người – phải trải qua bao phen thăng trầm chìm nổi. Trong đó, “Bình Ngô đại cáo” - viết sau đại thắng năm 1427, là bản tổng kết xuất sắc quá trình kháng chiến mười năm, không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước bảo vệ độc lập, truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, còn đặc biệt nêu cao “chí nhân, đại nghĩa” như một giá trị văn hóa ngời sáng của dân tộc Đại Việt. Với bút lực hào hùng và lời văn truyền cảm mạnh mẽ, tác phẩm đã trở thành một áng “thiên cổ hùng văn”.

Bình Ngô đại cáo là thông báo bằng văn bản và được viết theo bằng văn biền ngẫu, theo thể cáo – thường dùng để thông báo sự kiện quan trọng của quốc gia, dân tộc. Nguyên tác được viết bằng chữ Hán, và được các học giả như Ngô Tất Tố, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim dịch sang tiếng Việt ngày nay. Tác phẩm có giữ một vị trí quan trọng về phương diện lịch sử lẫn phương diện văn học. Ức Trai đã thừa lệnh Lê Lợi viết tác phẩm vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải kí hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập, hòa bình.

Nhan đề cho thấy đây là bài cáo trọng đại tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô -một tên gọi hàm ý khinh bỉ căm thù giặc Minh xâm lược. Bài cáo có bố cục chặt chẽ mạch lạc, khắc họa, lên án, tố cáo tội ác của giặc và khẳng định chủ quyền dân tộc. Chính vì vậy, bài cáo xoay quanh các cảm hứng chính sau đây: cảm hứng về chính nghĩa (nhận thức sâu sắc về nguyên lí chính nghĩa và thái độ khẳng định sức mạnh của nguyên lí đó); cảm hứng căm thù giặc xâm lược; cảm hứng về cuộc khời nghĩa Lam Sơn, về tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân Đại Việt; cảm hứng độc lập dân tộc và tương lai đất nước. Với bốn cảm hứng đó, bài cáo thường được chia thành bốn phần tương đương. Phần 1 là nêu luận đề chính nghĩa (Từ đầu đến “chứng cớ còn ghi”). Phần 2 là lên tiếng tố cáo tội ác, vạch trần âm mưu xâm lược Đại Việt với cớ phù Trần diệt Hồ của giặc (tiếp theo phần 1 cho đến “Ai bảo thần dân chịu được”). Phần 3 là quá trình kháng chiến và sự thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn (tiếp theo phần 2 đến “cũng là chưa thấy xưa nay”). Phần còn lại - phần 4 là phần nêu ra bài học lịch sử và sự khẳng định chính nghĩa sẽ thắng thế lực phi nghĩa, bất nhân.

Mở đầu Bình Ngô đại cáo, tác giả Nguyễn Trãi đã nêu nguyên lí chính nghĩa làm chỗ dựa, làm nền tảng xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. Tiếp thu từ tinh thần Nho giáo cùng với sự phát triển nội dung nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã nêu ra một luận đề có tính dân tộc:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điểu phạt trước lo trừ bạo”

Với Nguyễn Trãi, việc trước hết là “trừ bạo” để nhân dân có được một cuộc sống yên ổn, ấm no, hạnh phúc. Ông cho rằng nếu muốn trị vì thiên hạ thì việc phải nghĩ đến đầu tiên chính là “nhân nghĩa”. Dân tộc ta chiến đấu chống xâm lược là nhân nghĩa, là phù hợp với nguyên lí chính nghĩa. Sau đó, tác giả nêu lên chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập của nước Đại Việt, sự tồn tại đó như có cơ sở chắc chắn từ tháng ngày lịch sử:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác”

Ở phần 2 – cảm hứng căm thù giặc xâm lược, Nguyễn Trãi đã thể hiện lòng uất hận sục sôi, viết nên một bản cáo trạng đanh thép với một trình tự tư duy logic: vạch trần âm mưu xâm lược, lên án chủ trương cai trị thâm độc, tố cáo mạnh mẽ những hành động tội ác. Qua việc phân tích luận điệu bịp bợm “phù Trần diệt Hồ”, tác giả đi sâu những việc làm phi nhân, diệt chủng:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”

Tội ác của chúng được ghi lại bằng cái vô cùng, vô hạn:

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa hết mùi”

Ở phần 3, với nguồn cảm hứng dồi dào, phong phú, Nguyễn Trãi đã khắc họa lại quá trình gian nan, vất vả của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chính những gian khổ ngày đầu đã dẫn đến thắng lợi vẻ vang về sau. Cảm hứng anh hùng ca bao trùm toàn bộ đoạn trích. Những chiến công thần tích được miêu tả một cách dồn dập. Nhạc điệt trong câu sảng khoái, hào hùng như sóng triều dâng:

“Gươm mài đá, đá núi cũng mòn

Voi uống nước, nước sông cũng phải cạn.

Đánh một trận, sạch không kình ngạc

Đánh hai trận, tan tác chim muông”

Và ở phần 4 – phần kết thúc, Nguyễn Trãi đã không giấu được niềm vui chung của dân tộc, thay lời Lê Lợi trịnh trọng tuyên bố nền độc lập lâu dài:

“Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới

Kiền khôn bĩ rồi lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh”

Từ đó, ta thấy được viễn cảnh huy hoàng, tươi sáng của non sông xã tắc. Hiện thực hôm nay chính là nhờ những ngày tháng đau thương của quá khứ “Muôn thuở thái bình vững chắc”. Lời kết thúc “Xa gần bá cáo/ Ai nấy đều hay” đã sẻ chia sự vui mừng, niềm tự hào và niềm tin về ngày mai, về tương lai đất nước.

Bài cáo đã thể hiện thành công những đặc sắc về thể loại. Bên cạnh đó, giọng điệu thay đổi linh hoạt trong mỗi phần, khi cao tràn uất hận, khi hào hùng dữ dội, khi cuồn cuộn như sóng triều dâng trên đề tài lịch sử - văn học đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Sự am hiểu hơn người của Nguyễn Trãi về lịch sử, về điển cố, điển tích đã mang lại tính thuyết phục, hấp dẫn hơn cho tác phẩm.

“Bình Ngô đại cáo” từ khi ra đời đã được xem làm một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, vừa tố cáo tội ác của giặc Minh vừa khẳng định được độc lập chủ quyền dân tộc. Đã qua bao thăng trầm biến đổi nhưng giá trị của “Bình Ngô đại cáo” vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay và Nguyễn Trãi – nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lỗi thời, nhà thơ, nhà văn xuất sắc sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lòng mỗi người con nước Việt.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 8

Cho đi mà không cần nhận lại

11h trưa, trước cổng nhà số 26 Hàng Trống, chị Nguyễn Phương Bảo Ngọc (32 tuổi) lựa từng xuất thực phẩm gồm gạo, mì gói trao cho chú công an và bạn trẻ mặc áo xanh thanh niên.

Nhiều năm gắn bó với hoạt động từ thiện, nhưng chưa lần nào chị thấy cuộc sống bà con lao động nghèo lại khốn khó như lúc này. Suốt 2 năm trời chiến đấu với dịch bệnh, cuộc sống của họ càng kiệt quệ hơn

Để đảm bảo giãn cách, các phường đều chủ động đến tận địa chỉ các nhà hảo tâm để nhận lương thực thực phẩm và chuyển đến tận tay cho bà con tại địa phương mình

Chị mua khoảng 2 - 3 tấn gạo, dự định phát 1.500 suất ở Hàng Trống, chỉ trong 2 ngày đã phát sạch trơn. Trên mạng xã hội chia sẻ, người nọ truyền tai người kia, người kéo đến xin nhận quà ngày một đông.

Lo sợ không đảm bảo giãn cách, chị Ngọc quyết định chuyển đổi cách thức, kết hợp với chính quyền địa phương để phát nhu yếu phẩm đến cho bà con nghèo tại địa phương đó. Mỗi ngày điện thoại, Facebook có rất nhiều trường hợp lao động tự do gọi đến xin giúp đỡ, với các trường hợp này chị Ngọc cho biết có thể phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương đó xác minh hoàn cảnh cụ thể.

"Kho lương" của chị chứa được hơn 45 tấn gạo, hàng ngàn thùng mì. Chị cho biết các phường sẽ chủ động đưa xe đến nhận gạo, mì tại Hàng Trống và trao tận tay cho bà con để vừa đảm bảo giãn cách, vừa đúng người đúng đối tượng.

Bản thân chị và những người tham gia hỗ trợ phân chia lương thực thực phẩm cứ cách 2 - 3 ngày đi xét nghiệm COVID-19 một lần để đảm bảo an toàn cho mình cũng như những người xung quanh.

"Mong muốn những hoàn cảnh khó khăn vượt qua được đại dịch, đó là niềm vui nhất. Cho đi mà không cần nhận lại, chỉ muốn san sẻ giúp đỡ mọi người, chỉ mong bà con biết rằng trong khó khăn vẫn có người sẵn sàng đưa tay ra", chị Ngọc tâm niệm.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 9

Em xin chào thầy cô và các bạn. Em là Ngọc Anh, sau đây em xin trình bày bản tóm tắt của mình về bài thuyết trình "Thực hiện chiến dịch Công viên xanh sạch đẹp trong tuần lễ hành động vì môi trường".

- Công viên là nơi có rất nhiều người đến để vui chơi, giải trí nhưng ý thức của một số người rất kém, thường xuyên vứt rác bừa bãi khiến cho thảm cỏ, mặt hồ bị ô nhiễm.

- Chiến dịch được diễn ra ở nhiều nơi nhưng bạn đã đăng kí tham gia dọn dẹp ở công viên Tuổi trẻ gần nhà.

- Bảy rưỡi sáng chủ nhật bạn có mặt ở công viên. Người tham gia rất đông, hơn nửa là học sinh cấp 2, cấp 3. Ai cũng hào hứng nhận nhiệm vụ.

- Mọi người được chia thành ba nhóm:

+ Nhóm một phụ trách dọn dẹp phía Đông công viên.

+ Nhóm hai phụ trách dọn dẹp phía Tây công viên.

+ Nhóm ba nhận nhiệm vụ làm sạch hồ nước.

- Các bạn đã vớt rác thải lên bằng xô, vớt luôn cả đám rong rêu, bèo ở hồ và cho vào bao tải mang đi. Chỉ khoảng gần hai tiếng, nhóm ba đã hoàn thành xong nhiệm vụ và chia ra hỗ trợ hai nhóm còn lại.

- Chỉ sau một buổi sáng, công viên đã tươi xanh, trong lành trở lại. Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa.

Bản tóm tắt bài thuyết trình của bạn xin phép được kết thúc. Em rất mong nhận được lời đóng góp ý kiến từ cô và cả lớp.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 10

Xin chào cô và các bạn. Sau khi nghe bài thuyết trình về hoạt động "Cuộc thi viết bài giới thiệu, quảng bá cho khu di tích Địa đạo Củ Chi", em xin phép được tóm tắt bài của bạn bằng một vài ý chính sau đây:

- Sau khi đi tham quan địa đạo Củ Chi, bạn thấy đây là điểm đến hấp dẫn, thu hút, giúp mọi người hiểu hơn về cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc. Ban quyết định tham gia cuộc thi viết bài giới thiệu, quảng bá cho khu di tích Địa đạo Củ Chi.

- Bạn, chị gái và anh trai cùng tham gia cuộc thi này cùng nhau.

- Ba người dự định sẽ làm bài dự thi dựa trên hình thức một quyển tạp chí có hai phần:

+ Phần cuộc sống: viết về cách sinh hoạt, ăn uống,... trong địa đạo.

+ Phần chiến đấu: viết về những vị trí đặt bãi mìn, hố đinh; kho vũ khí đạn dược của ta và những lần chiến đấu, phòng thủ ở hầm.

- Ba chị em quyết định đi thăm địa đạo Củ Chi thêm một lần nữa để chụp ảnh, lấy thêm tư liệu.

- Sau đó, mất gần hai tuần để ba người làm ra sản phẩm viết. Đó là một cuốn tạp chí được thiết kế bắt mắt, sống động, có nhiều hình ảnh chân thực, bài viết truyền đạt đầy đủ thông tin nhưng vẫn ngắn gọn, súc tích.

- Vì mất nhiều thời gian chỉnh sửa, biên tập nên phải đến ngày cuối cùng bài viết mới được gửi đến cuộc thi.

- Ba chị em hồi hộp chờ đợi trong hai tuần. Mọi người cùng thống nhất rằng cuộc thi này mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, có giải thưởng hay không không quá quan trọng.

- Cuối cùng, ba người nhận được thông báo giải nhì, chị em bạn rất vui mừng, hạnh phúc vì những lần thức đêm sửa bài viết.

- Đây là hoạt động rất có ý nghĩa.

+ Với người tham gia: Giúp họ có thêm tình yêu với quê hương, đất nước, biết thêm nhiều điều thú vị về khu di tích lịch sử. Tăng khả năng làm việc đội nhóm, khả năng sáng tạo.

+ Với những người khác: Quảng bá, phát triển hình ảnh khu di tích địa đạo Củ Chi, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước đến mọi người.

Em đã trình bày xong bản tóm tắt bài thuyết trình của bạn. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của cô và các bạn cho phần làm bài của em. Em xin cảm ơn.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác - mẫu 11

Em xin chào thầy cô và các bạn. Em rất ấn tượng về dự án YUME Art Project - một hoạt động quảng bá cho nền âm nhạc cải lương. Vậy nên em xin phép được tóm tắt lại nội dung dự án này:

- YUME Art Project nằm trong khuôn khổ dự án "Di sản kết nối" do Hội đồng Anh thực hiện.

- Dự án gồm hai phần:

+ YUME kể chuyện cải lương: Là chuỗi podcast mời các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà nghiên cứu cải lương chia sẻ về những câu chuyện trong nghề và niềm đam mê với cải lương.

+ Chiến dịch Cộng đồng kể chuyện cải lương: Là cuộc thi kêu gọi khán giả đóng góp những câu chuyện, kí ức hay những bài học về bộ môn cải lương thông qua nhiều hình thức như viết bài, video tiktok, video youtube, podcast, tranh ảnh,...

- Dự án có sự tham gia của NSND Bạch Tuyết - "Cải lương chi bảo" của nền nghệ thuật Việt Nam.

- Thậm chí, tên của những giải thưởng trong dự án này cũng được lấy theo tên của các vở cải lương nổi tiếng như "Đôi mắt người xưa", " Gió giao mùa", "Tiếng hò sông Hậu" và "Tấm lòng của biển".

- Dự án này đã giúp cho các bạn trẻ hiểu hơn về cái hay, cái đẹp của nghệ thuật cải lương, lan tỏa tình yêu bộ môn nghệ thuật này tới mọi người.

Sau khi nghe bạn trình bày, em thấy đây là dự án rất hay, ý nghĩa, cần được biết đến nhiều hơn. Trên đây là toàn bộ bản tóm tắt bài thuyết trình của bạn. Rất cảm ơn mọi người đã lắng nghe.

Xem thêm các bài văn mẫu 8 Chân trời sáng tạo hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:


Giải bài tập lớp 8 Chân trời sáng tạo khác