Top 20 Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ nào ? Vì sao
Tổng hợp trên 15 đoạn văn Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ nào ? Vì sao hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết đoạn văn cảm xúc về bài thơ Mẹ hay hơn.
- Dàn ý Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ nào ? Vì sao
- Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Tiếng gà trưa (5 mẫu + dàn ý)
- Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Mẹ (4 mẫu + dàn ý)
- Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Ông đồ (3 mẫu + dàn ý)
Dàn ý Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ nào ? Vì sao
a) Chuẩn bị
-Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ Tiếng gà trưa.
-Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
b) Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:
+ Trong bài thơ, em thích hoặc ấn tượng với điều gì?
+ Điều đó đã được thể hiện ở yếu tố nào?
+ Vì sao em thích hoặc ấn tượng với điều đó?
- Lập dàn ý cho baì nói bằng cách sắp xếp, lựa chọn các ý theo bố cục ba phần:
+ Mở bài: Nêu điều em thích hoặc ấn tượng nhất ở bài thơ.
+ Thân bài: Nêu ý kiến cụ thể của em về các biện pháp tu từ đặc sắc đã xác định ở phần đầu.
+ Kết bài: Khẳng định lại ý kiến của bản thân
c) Nói và nghe
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Tiếng gà trưa (mẫu 1)
Trong bài thơ Tiếng gà trưa tác giả đã rất thành công khi sử dụng một số biện pháp tu từ đặc sắc. Ở khổ thơ “Nghe xao động nắng trưa/ Nghe bàn chân đỡ mỏi/ Nghe gọi về tuổi thơ”, nhà thơ đã dung biện pháp “ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, lấy thính giác thay cho thị giác và việc lặp lại ba lần ở đầu dòng thơ động từnghecó tác dụng đem lại ấn tượng như tiếng gà ngưng lại, làm xao động không gian và cũng làm xao động cả lòng người. Tiếng gà cũng làm kí ức ta quay lại với những kỉ niệm tuổi thơ. Các biện pháp tu từ đã mang lại cho bài thơ một vẻ đẹp rất đặc sắc về nghệ thuật ngôn từ.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Tiếng gà trưa (mẫu 2)
Trong các bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh. Bài thơ là những kỷ niệm và tình cảm đẹp giữa bà và cháu. Em rất ấn tượng với hình ảnh người bà nâng niu, chăm chút cho người cháu từng li từng tí. Bà chăm đàn gà nhỏ để dành dụm tiền mua cho cháu quần áo mới, thắp lên những ước mơ và hi vọng tuổi nhỏ. Tiếng gà đã trở nên thân quen và in sâu trong tiềm thức người cháu để mỗi khi nghe thấy âm thanh thân thuộc ấy, cháu lại nhớ về bà và những tình cảm trìu mến năm xưa. Bài thơ cũng khiến em nghĩ về bà, biết ơn những tháng ngày được quấn quít nghe bà kể chuyện, gãi lưng cho nằm ngủ. Những tình cảm trong bài Tiếng gà trưa nhắc nhở em về tình cảm gia đình thiêng liêng tốt đẹp, trân quý quãng thời gian được ở cùng người nhà.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Tiếng gà trưa (mẫu 3)
Kính thưa thầy/ cô giáo và các bạn! Trong những tiết học trước chúng ta đã được tìm hiểu các bài thơ “Mẹ” (Đỗ TrungLai), “Ông đồ” (Vũ Đình Liên), “Tiếng gà trưa” (Xuân Quỳnh). Trong các bài thơ đó em thích nhất khổ thơ cuối bài “Tiếng gà trưa”:
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ Quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”.
Đoạn thơ trên là lời tâm sự chân thành của đứa cháu chiến sĩ trên đường ra tiền tuyến gửi về người bà kính yêu ở hậu phương. Từ tình cảm cụ thể là tình bà cháu đến tình cảm lớn lao như lòng yêu Tổ quốc, yêu xóm làng thân thuộc đều được biểu hiện bằng hình thức nghệ thuật giản dị, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Mục đích chiến đấu của người cháu được thể hiện rõ nét thông qua biện pháp điệp từ “vì” và điệp cấu trúc “vì+ yêu Tổ Quốc”, “vì + xóm làng thân thuộc”, “vì+ bà”, “vì+ tiếng gà”. Mục đích chiến đấu trước hết là yêu nước sau là yêu quê hương rồi mới đến gia đình. Đó là mục đích chiến đấu cao cả, thiêng liêng. Những vần thơ giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày đó lại gây xúc động sâu sắc bởi nhà thơ đã nói giúp chúng ta những điều thiêng liêng nhất của tâm hồn.
Trên đây là bài trình bày của tôi về một điều mà tôi ấn tượng nhất khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Tiếng gà trưa (mẫu 4)
Bài thơ mà em thích nhất đó là Tiếng gà trưa khiến em nhớ đến người bà đáng kính của mình. Tình cảm bà cháu là tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng và vô cùng sâu nặng. Tình cảm đó đã hằn sâu trong kí ức tuổi thơ của người chiến sĩ. Do vậy, trên đường hành quân xa, chỉ một tiếng gà cục tác đã gợi dậy những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, đáng nhớ về bà. Đó là sự chắt chiu, tần tảo với bao nỗi lo, bao niềm mong ước của bà với tình thương bao la dành cho cháu. Những kỉ niệm đó thật bình dị mà thiêng liêng! Nó nhắc nhở, lay động bao tình cảm đẹp dâng lên trong lòng người chiến sĩ trên đường hành quân ra mặt trận chiến đấu. Tình cảm tốt đẹp đó sẽ mãi là hành trang theo bước chân của người chiến sĩ, tiếp thêm sức mạnh cho anh trong cuộc chiến đấu hôm nay. Đọc bài thơ này khiến em nghĩ đến về bà của mình đã già, tóc bạc phơ, dành cả một đời của mình vì chồng vì con vì cháu. Bà quả là một người vĩ đại trong tâm trí em.
Dàn ý Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Tiếng gà trưa
1. Dàn ý
a. Mở đầu:
- Giới thiệu bài thơ em yêu thích nhất: "Tiếng gà trưa" của nhà thơ Xuân Quỳnh.
b. Nội dung chính: lý do em yêu thích:
- Đặc sắc về nội dung bài thơ: khắc họa tình cảm bà cháu thiêng liêng:
+ Bà là người nuôi dưỡng, dạy bảo cháu trong suốt thời thơ ấu.
+ Tình yêu cháu dành cho bà hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước.
- Hình thức nghệ thuật độc đáo:
+ Ngôn từ giản dị, giàu cảm xúc.
+ Hình ảnh thơ gần gũi.
+ Các biện pháp tu từ: điệp ngữ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
c. Kết thúc:
- Nêu cảm xúc của em về bài thơ.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Tiếng gà trưa (mẫu 5)
Em chào cô và các bạn. Em tên là Trâm Anh. Hôm nay, em xin trình bày những suy nghĩ, cảm xúc của mình về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ trong Ngữ văn 7 - Cánh Diều. Trong ba bài thơ đã học là "Mẹ" (Đỗ Trung Quân), "Ông đồ" (Vũ Đình Liên), "Tiếng gà trưa" (Xuân Quỳnh), em thấy nhất ấn tượng nhất với "Tiếng gà trưa".
Trước hết, mở đầu bài thơ, ta thấy được chi tiết khơi nguồn cảm xúc trong lòng người cháu "Tiếng gà ai nhảy ổ". Trên bước đường hành quân, người cháu dừng chân nghỉ ngơi bên đường rồi nghe thấy âm thanh quen thuộc "Cục... cục tác cục ta". m thanh ấy như phá tan không khí yên bình của ban trưa, xoa dịu đôi chân mệt mỏi sau những chặng đường dài "Nghe xao động nắng trưa/ Nghe bàn chân đỡ mỏi". Và trên hết, tiếng gà cục tác còn làm cháu thấy bồi hồi nhớ về kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà. Lúc này, trong tâm tưởng, cháu nghĩ tới những hình ảnh gần gũi, thân thuộc của làng quê Việt Nam "Ổ rơm hồng những trứng/ Này con gà mái mơ...". Cứ như vậy, theo dòng cảm xúc, cháu nhớ về người bà đảm đang, tần tảo chắt chiu từng quả trứng hồng. Bà chăm sóc đàn gà nhỏ, mong sao chúng lớn lên khỏe mạnh "Để cuối năm bán gà/ Cháu được quần áo mới". Bà luôn dành dụm và mang những điều tốt đẹp nhất cho người cháu của mình. Cảm nhận được tình yêu bao la ấy, cháu tự dặn lòng phải vững lòng chiến đấu cho đất nước. Từ đây, tình yêu dành cho bà hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, trở thành điểm tựa để cháu tiến bước trên con đường tương lai.
Bằng hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc, ngôn từ giản dị kết hợp cùng điệp ngữ "tiếng gà trưa" và biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "Tiếng gà ai nhảy ổ/ Cục... cục tác cục ta/ Nghe xao động nắng trưa..." đã mang đến cho người đọc những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ, đồng thời khắc họa tình bà cháu thiêng liêng, cao cả.
Qua bài thơ, em càng thêm trân trọng những kỉ niệm ấm áp bên gia đình. Từ đây, mỗi người chúng ta hãy biết quý trọng tình cảm gia đình tuy đơn sơ nhưng cao cả, ý nghĩa.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Mẹ (mẫu 1)
Trong ba bài thơ trên, em thích nhất bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai. Bài thơ kể về cảm xúc của người con trước sự ngày càng già đi của mẹ mình. Qua việc so sánh, đối chiếu hình ảnh mẹ và hình ảnh cây cau càng làm nổi bật sự già đi, yếu đi của mẹ trong sự xót xa, tiếc nuối vì không làm được gì của người con. Người mẹ đã dành cả cuộc đời làm lụng, vất vả, đảm bảo cho con có cuộc sống vui vẻ, đầy đủ, ấm no và hạnh phúc. Vì vậy, trước sự già đi của mẹ, người con cảm thấy xót xa, buồn bã vì mình chưa làm được nhiều điều cho mẹ, chưa báo hiếu cho mẹ được trọn vẹn. Vậy mà mẹ ngày càng già yếu đi, mọi biểu hiện đều in hằn trên vóc dáng, ngoại hình của mẹ. Sự bất lực của người con như thốt ra thành lời, hỏi trời, hỏi mình nhưng đáp án là không thể thỏa mãn. Qua cách diễn đạt ấy, ta có thể cảm nhận được tình cảm của người con dành cho mẹ của mình đó là tình yêu thương, trân trọng, nâng niu và mong muốn mẹ có thể sống thật lâu, thật hạnh phúc. Bài thơ cho ta thấy tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp, thắm thiết thể hiện qua sự xót xa, tiếc nuối của người con.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Mẹ (mẫu 2)
Trong ba bài thơ trên, em thích nhất là bài thơ Mẹ đã gợi cho em rất nhiều cảm xúc. Mẹ là đề tài muôn thuở trong thi ca. Dưới ngòi bút của tác giả Đỗ Trung Lai thể hiện thành công nỗi lòng đau đớn xót xa của người con khi thấy hình ảnh mẹ ngày càng hao mòn, lưng còng đi, thấp dần đi và mái đầu bạc mà bất lực. Đọc bài thơ khiến chúng ta hiểu được sự vất vả, tần tảo của người mẹ. Đó là vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Mẹ (mẫu 3)
Trong các bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ Mẹ của tác giả Đỗ Trung Lai. Bài thơ Mẹ là lời của người con, bộc lộ cảm xúc xót xa thương cảm khi thấy mẹ ngày một già đi, tuổi cao sức yếu, không còn khỏe mạnh minh mẫn như ngày xưa. Bao nỗi đắng cay, buồn vui cuộc đời của mẹ đều được miếng trầu cau chứng kiến. Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã chọn hình ảnh cây cau để ví von so sánh với mẹ là một phát hiện khá tinh tế, nhiều biểu cảm, không chỉ về hình thể bên ngoài mà cả sự sâu lắng bấm đốt thời gian thân phận của một đời người. Mẹ thì bao mong mỏi nhưng rồi thời gian khắc nghiệt như một quy luật luân hồi muôn đời: “Lưng mẹ còng rồi - Cau thì vẫn thẳng” và “Cau - ngọn xanh rờn, Mẹ - đầu bạc trắng”. Hai sắc màu trái ngược nhau, hai hình dáng tương phản nhau tạo ra một ám ảnh cho tiếng thơ tiếng lòng quặn bao nỗi thắt khi “Cau gần với trời - Mẹ thì gần đất”. Chỉ qua hình ảnh miếng cau: “Một miếng cau khô - Khô gầy như mẹ” cũng đủ bao cảm thông héo hắt khi “Con nâng trên tay - Không cầm được lệ”. Hai chữ “nâng” và “cầm” đều chỉ động thái của tình cảm. Nếu “nâng” trang trọng kính trọng biết bao thì “cầm” lại nén bao đắng cay bấy nhiêu. Từng cặp biểu cảm được song hành tạo ra bao chất chứa, lời ít mà vọng xa. Chính đây cũng là sự vận động cảm xúc của bài thơ “Mẹ” dồn nén để buột ra câu cảm thán mang âm hưởng điệu hành trong thơ văn cổ: “Ngẩng trời hỏi vậy - Sao mẹ ta già”. Câu hỏi tự vấn đất trời cũng chính là tự vấn lòng mình. Thơ đã chạm được đến nỗi người, cõi người vừa đăm đăm vừa trống trải. Một sự cô đơn ngỡ như vô vọng: “Không một lời đáo - Mây bay về xa”. Như vậy, bài thơ là nỗi xót xa thưởng cảm của người con trước hình ảnh gầy guộc già nua của mẹ theo năm tháng.
Dàn ý Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Mẹ
1. Dàn ý
a. Mở đầu:
- Giới thiệu bài thơ em yêu thích nhất: "Mẹ" của nhà thơ Đỗ Trung Lai.
b. Nội dung chính: lí do em yêu thích:
- Đặc sắc về nội dung bài thơ: khắc họa tình cảm người con dành cho mẹ:
+ Hình ảnh người mẹ ngày một già yếu.
+ Tâm trạng thảng thốt, đau xót của người con -> tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ dành cho mẹ.
- Hình thức nghệ thuật độc đáo:
+ Thể thơ bốn chữ ngắn gọn.
+ Hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi.
+ Các biện pháp tu từ: phép đối, so sánh.
c. Kết thúc:
- Nêu cảm xúc của em về bài thơ.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Mẹ (mẫu 4)
Xin chào cô và các bạn lớp 7A. Em tên là Tuấn Minh. Trong tiết Nói và nghe ngày hôm nay, em xin trình bày những suy nghĩ của mình về tác phẩm "Mẹ" của nhà thơ Đỗ Trung Lai. Đây là bài thơ mà em ấn tượng nhất trong số ba bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ mà chúng ta được học ở Ngữ văn 7 - Cánh Diều.
Không biết có bạn nào cũng thích bài thơ này giống mình hay không? Các bạn thích bài thơ ở điểm nào? Còn mình, mình ấn tượng với "Mẹ" bởi những nét đặc sắc trong nội dung và hình thức nghệ thuật.
Chứng kiến mẹ ngày một già yếu, người con không khỏi đau xót, thảng thốt. Theo quy luật tự nhiên, tấm lưng gầy yếu, nhỏ bé của mẹ dần còng đi "Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng". Thời gian có thể làm cây cau sinh trưởng xanh tươi nhưng cũng lấy đi sức sống ở mẹ "Cau gần với trời/ Mẹ thì gần đất!". Con càng thêm bàng hoàng, đau đớn khi thấy mẹ móm mém "Giờ cau bổ tám/ Mẹ còn ngại to". Phải chăng, từng ngày con lớn lên và trưởng thành cũng là lúc mẹ thêm già đi? Hình ảnh so sánh "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ" giúp em thêm cảm nhận nỗi quặn thắt, xót xa in sâu trong lòng người con. Câu hỏi tu từ ở cuối bài thơ "Sao mẹ ta già?" đâu chỉ hỏi trời cao đất rộng mà còn là câu hỏi tự vấn của chính con.
Với hình ảnh thơ quen thuộc, thể thơ bốn chữ ngắn gọn cùng các biện pháp tu từ như: phép đối "Cau ngày càng cao/ Mẹ ngày một thấp", so sánh "Khô gầy như mẹ" đã góp phần làm nổi bật chủ đề của bài thơ. Qua đó, ta cũng cảm nhận được tình yêu thương, kính trọng của người con dành cho mẹ già.
Mong rằng, sau khi đọc xong tác phẩm này, chúng ta sẽ luôn kính yêu, quan tâm tới đấng sinh thành. Hãy siêng năng học tập và rèn luyện đạo đức để trở thành người con ngoan của gia đình, bạn nhé!
Trên đây là bài thuyết trình của em cho đề tài "Trong các bài thơ "Mẹ" (Đỗ Trung Lai), "Ông đồ" (Vũ Đình Liên), "Tiếng gà trưa" (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ nào? Vì sao? Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Ông đồ (mẫu 1)
Trong các bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên. Không hiểu sao, đến với bài thơ ông đồ của Vũ Đình Liên em lại bị cảm thấy thật buồn. Trong khung cảnh mùa xuân tươi mới, màu sắc sống động thì tác giả lại xây dựng lên hình ảnh ông Đồ u buồn, tiều tụy. Ông ngồi cùng bút nghiên buồn tênh, nhớ về những tấp nập xưa kia: bao nhiêu người thuê viết, khen ngợi tài, thảo những nét như phượng múa rồng bay. Những tài năng, tinh hoa văn hóa trước kia được trân trọng giờ bỗng bị phai mờ. Không ai có thể nói trước được rằng liệu năm sau ông Đồ còn ngồi đó để cho chữ nữa hay không? Sự tiếc nuối, hoài niệm của tác giả thật điển hình cho sự chuyển mình của thời đại bấy giờ. Một câu chuyện kể, vừa nhẹ nhàng vừa muốn gửi gắm những thông điệp cho thế hệ trẻ về việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị cốt lõi về văn hóa của đất nước ta.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Ông đồ (mẫu 2)
Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên là một trong ba bài thơ em thích nhất. Trong khung cảnh mùa xuân tươi mới, màu sắc sống động thì tác giả lại xây dựng lên hình ảnh ông Đồ u buồn, tiều tụy. Ông ngồi cùng bút nghiên buồn tênh, nhớ về những tấp nập xưa kia: bao nhiêu người thuê viết, khen ngợi tài, thảo những nét như phượng múa rồng bay. Những tài năng, tinh hoa văn hóa trước kia được trân trọng giờ bỗng bị phai mờ. Không ai có thể nói trước được rằng liệu năm sau ông Đồ còn ngồi đó để cho chữ nữa hay không? Sự tiếc nuối, hoài niệm của tác giả thật điển hình cho sự chuyển mình của thời đại bấy giờ. Một câu chuyện kể, vừa nhẹ nhàng vừa muốn gửi gắm những thông điệp cho thế hệ trẻ về việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị cốt lõi về văn hóa của đất nước ta.
Dàn ý Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Ông đồ
1. Dàn Ý
a. Mở đầu:
- Giới thiệu bài thơ em yêu thích nhất: "Ông đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên.
b. Nội dung chính: lí do em yêu thích:
- Đặc sắc về nội dung bài thơ: hình ảnh ông đồ già:
+ Ông đồ được mọi người ngưỡng mộ bởi nét chữ "như phượng múa, rồng bay".
+ Khi Nho học suy vi, ông đồ bị mọi người lãng quên -> tình cảnh cô đơn, quạnh quẽ của ông đồ già.
-> Niềm tiếc thương chân thành của tác giả trước thế hệ tài hoa và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Hình thức nghệ thuật độc đáo:
+ Ngôn từ giản dị.
+ Thể thơ năm chữ ngắn gọn.
+ Các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa.
c. Kết thúc:
- Nêu cảm xúc của em về bài thơ.
Trong các bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa, em thích nhất bài thơ Ông đồ (mẫu 3)
Em chào cô và các bạn. Em tên là Hà Anh. Trong buổi học ngày hôm nay, em xin trình bày những ấn tượng của mình về bài thơ "Ông đồ" của tác giả Vũ Đình Liên. Đây là tác phẩm em thích nhất trong số các bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ được học ở chương trình Ngữ văn 7 Cánh Diều. Mời cô cùng các bạn theo dõi, lắng nghe.
Mở đầu bài thơ, hình ảnh ông đồ ngồi bên "mực tàu, giấy đỏ" làm chúng ta nhớ về giá trị cổ xưa của dân tộc. Khi không khí Tết đến gần, người ta lại thấy hình bóng ông đồ ngồi viết câu đối "Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già". Những nét chữ "Như phượng múa, rồng bay" của ông làm người đi chơi xuân phải dừng bước ngắm nhìn và thưởng thức. Họ "tấm tắc ngợi khen" sự tài hoa, khéo léo ở ông đồ. Thế nhưng, theo dòng chảy của thời gian, Nho học suy vi, con người cũng lãng quên đi những giá trị tốt đẹp. Hình ảnh ông đồ già vẫn ngồi trên phố đông cùng giấy đỏ, nghiên mực mà không ai hay. Khung cảnh ảm đạm "Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài giời mưa bụi bay" như tô đậm tình cảnh lẻ loi, cô đơn của ông đồ. Câu hỏi tu từ ở cuối bài thơ "Hồn ở đâu bây giờ?" là lời tiếc thương, buồn tủi trước một thế hệ tài hoa nhưng lại lụi tàn vì thời thế thay đổi.
Bài thơ được Vũ Đình Liên viết theo thể thơ năm chữ ngắn gọn đã để lại trong lòng bạn đọc những cảm xúc sâu lắng. Ngoài ra, ngôn từ giản dị, mộc mạc kết hợp với biện pháp nhân hóa "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu", so sánh "Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay" cũng góp phần khắc họa hình ảnh ông đồ già trước và sau khi Nho học suy tàn.
Từ đây, tác giả bộc lộ niềm tiếc thương chân thành với những lớp người tài hoa cùng những giá trị truyền thống tốt đẹp. Mong rằng, mỗi chúng ta hãy luôn ý thức trong việc giữ gìn, phát triển và bảo lưu các phong tục, văn hóa mà cha ông dày công xây dựng.
Bài thuyết trình của em xin được dừng lại ở đây. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 7 hay khác:
- Viết một đoạn văn (khoảng 6 – 8 dòng) nêu cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Một mình trong mưa.
- Nhân vật nào trong văn bản Bạch tuộc để lại cho em nhiều ấn tượng nhất? Hãy miêu tả (khoảng 4 – 5 dòng) hoặc vẽ trên giấy chân dung nhân vật này.
- Từ câu chuyện "Bạch tuộc" (Trích Hai vạn dặm dưới đáy biển), em rút ra bài học gì khi gặp những tình huống khó khăn và thử thách nguy hiểm trong cuộc sống?
- Viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 dòng) nêu cảm nghĩ của em sau khi học văn bản Bạch tuộc (Véc-nơ), trong đó có sử dụng phó từ và số từ. Xác định nghĩa mà phó từ, số từ bổ sung cho danh từ trung tâm trong đoạn văn đó.
- Viết bài văn biểu cảm về một sự việc hoặc nhân vật mà em có ấn tượng hoặc yêu thích trong đoạn trích "Bạch tuộc" (Véc-nơ) đã học.
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 7 hay khác:
- Soạn văn 7 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 7 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải lớp 7 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 7 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 7 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Soạn văn 7 (hay nhất) - Cánh diều
- Soạn văn 7 (ngắn nhất) - Cánh diều
- Giải sgk Toán 7 - Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 7 Global Success
- Giải Tiếng Anh 7 Friends plus
- Giải sgk Tiếng Anh 7 Smart World
- Giải Tiếng Anh 7 Explore English
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 7 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 7 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 7 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 7 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 7 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 7 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 7 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 7 - Cánh diều