10+ Vai trò của một xu hướng nghệ thuật trong việc làm thay đổi cách sống và thị hiếu của tầng lớp thanh niên
Vai trò của một xu hướng hay trường phái nghệ thuật trong việc làm thay đổi cách sống và thị hiếu của tầng lớp thanh niên hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Top 30 Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội
- 5+ Hành động của giới trẻ trong phong trào tái chế vật liệu đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường
- 5+ Vai trò của những người có ảnh hưởng rộng trên mạng xã hội đối với cuộc sống của thanh niên hiện nay
- 5+ Tác động của những khám phá mang tính chất bước ngoặt trong công nghệ đến xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh cuối cấp THPT
- 5+ Sự lan tỏa của chủ nghĩa tối giản trong phong cách sống của một số thành phần dân cư
- 5+ Những xu hướng hay hiện tượng âm nhạc đang được học sinh quan tâm và tán thưởng
Vai trò của một xu hướng nghệ thuật trong việc làm thay đổi cách sống và thị hiếu của tầng lớp thanh niên - mẫu 1
Hai thuật ngữ phong cách (style) và xu hướng (tendency/ ism (trường phái)…) luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm từ những người yêu thích nghệ thuật.
1. Phong cách và xu hướng trong nghệ thuật
Những người làm nghề thiết kế hầu như ai cũng từng không ít lần băn khoăn về hai khái niệm “Phong cách – style” và “Xu hướng – tendency/ ism (trường phái). Nỗi băn khoăn này có những lý do như: 1) Cố gắng hiểu cho rõ bản chất và cách thức biểu hiện trong phong cách của các tác giả cũng như các trường phái đã và đang nổi tiếng là gì; 2) Cố gắng hình thành cho bản thân một phong cách thiết kế đặc sắc nhất có thể. Để giải quyết câu hỏi thứ nhất có thể chỉ cần cố gắng tìm hiểu từ các bài viết, sách báo, trang mạng… Nhưng với câu hỏi thứ hai thì đòi hỏi nhiều thời gian và điều kiện hơn. Vì để đạt được sự thành công và công nhận rộng rãi của công luận là điều không hề dễ dàng.
Đã có rất nhiều phong cách nghệ thuật của các tác giả nổi tiếng lôi cuốn không ít sự hưởng ứng của giới thiết kế toàn cầu, và hiệu ứng này đã tạo nên những xu hướng/ trường phái nghệ thuật khác nhau. Sau sự hưởng ứng ban đầu ấy, chỉ còn lại những tên tuổi quan trọng nhất được kể đến là vì họ đã hưởng ứng các xu hướng/ trường phái ấy bằng việc trình diễn một phong cách thiết kế mới mẻ và khác biệt. Ví dụ: Các KTS thuộc trường phái Biểu hiện Mới (Neo- Expressionism) với ba KTS danh tiếng là: Jorn Utzon với Opera Sydney, Eaero Saarinen với TWA Airport và Oscar Niemeyer với các toà nhà Chính phủ ở thủ đô mới Brasilia.
Những dẫn chứng trên cho thấy các phong cách và xu hướng thiết kế là những đóng góp vô cùng quan trọng trong tiến trình nghệ thuật của nhân loại. Nhưng vị thế đó là dành cho những tác phẩm và kỳ tích to lớn của nhân loại, chúng không thể lẫn lộn với rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật còn lại, tuy cũng rất xuất sắc, nhưng ít gây được tiếng vang và sự chú ý của công luận. Đó là vì sự chi phối của quy luật cạnh tranh: Vị trí thời danh chỉ giành cho những người đi hàng đầu, tới đích trước. Nếu Eaero Saarinen không tự mình thoát ra khỏi cái “bóng khổng lồ” của ông thầy Mies van der Rohe thì chắc gì đã đạt được một trong những vị trí hàng đầu thế giới. Tương tự là sự “vượt thoát” khỏi Le Corbusier của Oscar Niemeyer để trở thành kẻ “độc cô cầu bại” ở tầm hành tinh…
2. Nghệ thuật của sự diễn giải
Thời kỳ trước những năm 1960, truyền thông về nghệ thuật luôn công bố về các phong cách và xu hướng thời thượng nhất trong thiết kế khiến cho một làn sóng “cuồng” các “ism” diễn ra một cách chóng mặt. Công chúng chưa kịp hiểu tường tận bản chất, đặc thù bên trong những xu hướng và phong cách thời thượng nhất thì đã lại phải dành sự chú ý cho những gì được trình diễn sau đó. Chính sự truyền bá nghệ thuật như vậy đã gây ra không ít ngộ nhận một thời: Công việc quan trọng bậc nhất, sứ mệnh cao cả bậc nhất của giới thiết kế là tạo ra phong cách hoặc là xu hướng. Một cách khái quát nhất, các sáng tạo nghệ thuật trong giai đoạn này thường hướng đến việc tạo nên những phương thức để “thực hiện” tác phẩm theo văn hóa đại diện, đã được các triết gia Hy Lạp cổ đại khẳng định trong ba phạm trù: “Chân – Thiện – Mỹ”. Nghĩa là, các bộ óc thông thái sẽ đại diện nhân loại để khám phá chân lý và tạo nên cái gọi là văn hóa đại diện (representative culture). Điều này đã dẫn công chúng – người thưởng lãm đến thói quen cảm thụ nghệ thuật thông qua sự diễn giải về cái có ích, cái có nghĩa và cái đẹp.
Đáng chú ý là, vì nhà thiết kế – “nguồn phát” – đã nhân danh một ngành chuyên môn hẹp, cung cấp sẵn mọi điều cho người thụ hưởng. Với tư cách là một nhà chuyên môn, họ sắp đặt và diễn giải một cách rõ ràng, cụ thể về công năng, ý nghĩa, thẩm mỹ… trong những sản phẩm của mình. Trong cách thức nêu trên, sự tương tác giữa công chúng – người thưởng lãm và tác phẩm gần như không thể diễn ra. Công chúng – người thưởng lãm khi đó chỉ đóng vai trò là một “nguồn thu”, họ cần phải cố gắng lĩnh hội những sự diễn giải và ý đồ được phát đi từ phía “nguồn phát” – nhà thiết kế. Trong trường hợp này thì phong cách và xu hướng nghệ thuật chắc chắn sẽ đạt được vị thế hết sức quan trọng. Khi công chúng của nghệ thuật trở thành vế thụ động, dĩ nhiên các nhà chuyên môn sẽ mặc sức công bố các tuyên ngôn nghệ thuật sau những phút “thăng hoa” đầy ngẫu hứng của cá nhân.
3. Phong cách của người đi trước
Dù sao thì danh xưng phong cách và xu hướng cũng có sức hấp dẫn rất là mãnh liệt. Vì vậy mà nhà thiết kế tài năng của các thế hệ sau vẫn tiếp tục “trình làng” những sáng tạo “hút hồn” để khẳng định vị trí “độc đáo” của mình trong “làng thiết kế”. Và kỳ lạ thay, dường như tất cả những bậc thầy ấy lại không mảy may quan tâm đến cái danh xưng phong cách/ xu hướng. Vấn đề họ đặt ra một cách nghiêm túc là: Làm thế nào để không là cái bóng của người khác?.
Isamu Noguchi, điêu khắc gia người Mỹ gốc Nhật Bản từng nói: “Việc giới hạn bản thân với một phong cách nhất định nào đó có thể khiến bạn trở thành chuyên gia về quan điểm hoặc trường phái cụ thể ấy, nhưng tôi không mong bản thân mình thuộc về bất cứ trường phái nào. Tôi luôn học hỏi và luôn khám phá”. Ông tin tưởng: Sự học hỏi và luôn khám phá mới là trọng tâm trong công việc thiết kế của bản thân. Khi chiêm ngưỡng các điêu khắc của Noguchi, dường như ta đang đọc một câu đố hơn là một lời giải. Và, rất có thể, chính ông cũng không dự định đưa ra một lời giải nào.
Khi biết mình được giải thưởng Pritzker danh giá, Toyo Ito nói: “Kiến trúc được ràng buộc bởi các vấn đề xã hội. Tôi thiết kế kiến trúc với tâm trí thường trực rằng chúng ta có thể phát hiện ra các không gian tiện nghi hơn nếu chúng ta được giải thoát khỏi các hạn chế cho dù chỉ một chút thôi. Tuy nhiên, khi một công trình hoàn thành, tôi đau đớn nhận ra sự không hoàn thiện của bản thân tôi và nó biến thành động lực cho tôi ở những dự án tiếp theo. Có lẽ quá trình này tiếp tục lặp đi lặp lại trong tương lai”. Và ông kết luận: “Chính vì vậy tôi không bao giờ theo đuổi một phong cách kiến trúc và không bao giờ hài lòng với các tác phẩm của mình”. Qua đó thấy rằng: Quan niệm thiết kế của ông chẳng liên quan gì đến phong cách.
Khi nhận được câu hỏi: “Làm thế nào để có những thiết kế độc đáo?” – Chi Wing Lo, nhà thiết kế Italy gốc Hồng Kông trả lời ngắn gọn: “Hãy bỏ qua từ “phong cách” và để cho rõ ràng hơn, ông giải thích: “Đó là phong cách của người khác, không phải của bạn. Khi bạn nói đến phong cách, tức là bạn đang tạo ra cho mình một giới hạn trong thiết kế. Hãy bỏ qua nó và thiết kế theo ý của bạn, cảm hứng riêng của bạn. Chỉ như vậy, bạn mới tạo ra được những thiết kế độc đáo, và lúc đó mọi người mới nói về nó như là phong cách của riêng bạn”
Từ phát biểu của ba nhà thiết kế tài năng không quan tâm đến phong cách trên đây, cho thấy một triết lý rõ ràng: Muốn khẳng định được phong cách và thiết kế độc đáo thì chỉ có thể dựa vào nội lực sáng tạo của chính bản thân mình.
Trong nghề thiết kế, sinh viên không được cổ súy việc sao chép tác phẩm và phong cách của một tác giả nổi tiếng, dù dưới danh nghĩa của nhu cầu học hỏi và rèn luyện. Việc có ích nhất trong mục tiêu nắm bắt các thủ pháp của các bậc thầy (cũng có nghĩa là học hỏi phong cách) là thông qua sự phân tích tác phẩm.
Luật Bản quyền nghiêm cấm việc sao chép tác phẩm của bất kỳ ai. Việc cố tình bắt chước phong cách của một tác giả nổi tiếng cũng là điều luôn bị chê trách, vì không bày tỏ được tinh thần sáng tạo, không vượt qua được cái “bóng dáng khổng lồ” của người khác. Công chúng nghệ thuật chỉ có thể được thuyết phục trước hết bởi việc mỗi tác giả đều phải tự trình bày cho được quan điểm thiết kế của riêng mình, trong những hoàn cảnh thiết kế có tính riêng biệt nhất. Thực vậy, không có một tình thế thiết kế nào là hoàn toàn giống nhau, trừ những công trình có nhu cầu thiết kế điển hình.
4. Diễn giải thị cảm và diễn giải tương tác
Sáng tạo nghệ thuật đương đại đã cho thấy những tác phẩm ưu tú nhất của thời đại không phải là những “lời giải tối ưu”, “không thể tranh cãi” về nghệ thuật cho một hoàn cảnh thiết kế cụ thể mà dường như là ngược lại. Các sáng tạo nghệ thuật ngày nay tạo nên phương thức được xem là những gợi ý, gợi mở để cho công chúng – người thưởng lãm tự “đọc và hiểu” tác phẩm, họ được quyền tự tìm ra những ý nghĩa không hề được ấn định trước. Không bị chi phối bởi văn hóa đại diện, các cách hiểu về một tác phẩm nghệ thuật giữa họ có thể sẽ rất khác nhau. Khi đó, hoạt động “tương tác” sẽ đóng vai trò chủ yếu trong quan hệ giữa công chúng – người thưởng lãm và tác phẩm, còn nhà thiết kế thì dường như chẳng còn vai trò gì – họ đã tạm thời lùi vào đằng sau “sân khấu”. Lúc này, vị thế của các phong cách và xu hướng nghệ thuật hoàn toàn trở thành thứ yếu. Trọng tâm của một tác phẩm nghệ thuật đã được “dịch chuyển” ra xa khỏi những vướng bận về phong cách và xu hướng và thật sự sẽ chỉ còn là hàng loạt các “câu hỏi và tình huống” để công chúng – người thưởng lãm tự mình tìm tới một lối “giải thích” khả dĩ trước những “gợi ý” của nhà thiết kế thay vì đồng tình với những “diễn giải” đại diện của họ. Hàng loạt các tác phẩm kiệt xuất trong những thập niên gần đây của các nhà thiết kế tài – danh như: Bernard Tschumi, Daniel Libeskind, Tadao Ando, Toyo Ito, Peter Eisenman, Anish Kapoor… đã là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển hướng rõ rệt của cách tiếp cận này. Công việc của các nhà sáng tạo chuyển từ diễn giải thị cảm sang diễn giải tương tác.
5. Thị trường, thị hiếu và sáng tạo
Xét cho cùng thì văn hóa là một sự lựa chọn. Việc lựa chọn, mô phỏng, sao chép mô hình của một nền văn hóa cụ thể nào đó cần được xem là công việc hết sức riêng tư của cả chủ đầu tư và người thiết kế. Nó thuộc về thị trường, thị hiếu. Một chủ nhân ưa thích phong cách cổ điển phương Tây hay phong cách Đông Dương thời kỳ thuộc Pháp… thì đó là một việc hoàn toàn riêng tư. Công việc của người thiết kế là thực hiện “đơn hàng” đó bằng tất cả “vốn liếng” chuyên môn của mình, nhưng cái vốn liếng ấy mà chỉ thuần túy những “motif” của phong cách ấy thôi thì chắc chắn là chưa đủ. Kinh tế thị trường cho phép mọi người được xây dựng những gì họ muốn nếu không trái với những qui định chung của nhà nước, không gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, những thị hiếu đại loại như vậy chưa khi nào được đánh giá cao trên các diễn đàn chính thống với hai lý do: Đó chỉ là sự sao chép quá khứ (vintage: Cổ điển, đặc trưng của một thời kỳ trong quá khứ – Từ điển Anh-Việt) và nhìn chung không phải là những sáng tạo nghệ thuật. Ở đây cần có sự phân biệt rõ ràng giữa thị trường, thị hiếu và sáng tạo; cần phân biệt rõ ràng giữa một diễn đàn chính thống (các cơ quan truyền thông, phát ngôn của các Hội nghề nghiệp và nhà nước…) với các tạp chí thương mại, quảng cáo…
Chủ đề của Tạp chí Kiến trúc trong số báo này cũng cho thấy việc xem phong cách và xu hướng thiết kế như là mục tiêu phải hướng đến, kết quả phải đạt được đã không còn hợp thời nữa. Mục tiêu này đang cho thấy: Quyền lợi của người sử dụng, thụ hưởng kiến trúc và nội thất phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi sáng tạo nghệ thuật. Dưới đây là một vài ví dụ từ hoạt động thực tiễn của thiết kế kiến trúc và nội thất ở Việt Nam cho thấy phong cách và xu hướng đã được hình thành hoàn toàn tự nhiên và độc lập với những gì đã có từ trước.
- Đảm bảo sự tiện dụng: Là yêu cầu hiển nhiên của kiến trúc và nội thất, yêu cầu này hoàn toàn không nhằm tạo ra một thứ Chủ nghĩa Công năng Mới (Neo- Functionism) nào;
- Tạo dựng môi trường xanh tươi, thoáng mát, tiết giảm việc tiêu hao năng lượng vốn là những yêu cầu có tính nguyên tắc trong thiết kế kiến trúc và nội thất;
- Tận dụng nguồn vật liệu, kỹ thuật và nhân công địa phương… để giảm nhẹ các chi phí xây dựng, tăng hiệu quả kinh tế…;
- Có thể lấy nghệ thuật truyền thống (của tất cả các nền văn hóa) làm cảm hứng thiết kế, vì điều ấy tạo nên mối liên hệ tự nhiên với văn hóa và lịch sử trong các không gian kiến trúc và nội thất đương đại. Trên thực tế, việc viện dẫn, khai thác nghệ thuật truyền thống là vũ khí lợi hại nhất cho việc chống lại Toàn cầu hóa (Globolization) hiện nay. Đây mới chính là điều thiết thực cần thực thi.
Với các phương thức nêu trên, sẽ là những gợi ý để việc thiết kế kiến trúc và nội thất được tiến hành một cách hoàn toàn tự chủ. Người thiết kế đương đại không cần phải quan tâm quá mức đến sự xếp loại, đánh giá các sản phẩm của bản thân có đáp ứng tiêu chí của một phong cách và xu hướng thịnh hành nào hay không.
6. Kết luận
Với bốn phương châm thiết kế nêu trên đều đã phản ánh chân thực bản chất của kiến trúc và nội thất là phục vụ cuộc sống của con người theo hướng phát triển bền vững mà không cần viện dẫn đến bất kỳ một phong cách và xu hướng thiết kế nào. Khi đó, các phong cách và xu hướng thiết kế có sẵn không còn là mục đích tự thân của các thiết kế mới, mà chính những ý tưởng thiết thực, cảm hứng và bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật theo con đường cách tân sẽ tạo nên những phong cách và xu hướng thiết kế ngày một mới – lạ.
Vai trò của một xu hướng nghệ thuật trong việc làm thay đổi cách sống và thị hiếu của tầng lớp thanh niên - mẫu 2
Giáo dục Nghệ thuật có vai trò quan trọng và cần thiết để góp phần trang bị một cách cơ bản và toàn diện cho con người, đặc biệt là thế hệ trẻ khi bước vào đời. Dưới góc nhìn của Tâm lý học Nghệ thuật, nghệ thuật lại càng có vai trò quan trọng hơn đối với đời sống con người.
1. Nghệ thuật làm lây lan cảm xúc.
Con người từ lúc lọt lòng đến khi khôn lớn, già cỗi đều trải qua một tiến trình tăng trưởng của sự rung động trong tâm tư. Chính sự rung động này đã làm nẩy sinh nghệ thuật bằng cách thôi thúc sáng tạo, ham thích thưởng thức trong mỗi người.
Với người nghệ sỹ, cảm xúc là một cấu tạo tâm lý xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống họ. Có thể nói rằng, khi tiếp nhận thế giới hiện thực, song song với quá trình nhận thức (tri giác) thì cảm xúc của người nghệ sỹ cũng được trải nghiệm. Chính vì có sự trải nghiệm này mà người nghệ sỹ luôn luôn có sự đam mê, có những khát vọng cháy bỏng tạo nên động lực bên trong, thôi thúc họ thể hiện vào trong tác phẩm của mình.
Nghệ thuật làm lây lan sang con người nhiều cảm xúc và nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở sự lây lan này. Tônxtôi nói: "Sự hoạt động của nghệ thuật chính là dựa trên cái khả năng những người này bị lây cảm xúc của những người khác...Những cảm xúc hết sức đa dạng, rất mạnh mẽ và yếu ớt, rất có ý nghĩa và rất nhỏ nhặt, rất xấu xa và rất tốt đẹp, chỉ cần chúng lây lan sang được độc giả, khán giả, thính giả sẽ làm nên đối tượng của nghệ thuật" (Tônxtôi L.N., Thư gửi N.N. Xtrakhốp ngày 23 tháng 4, 1876, Toàn tập tác phẩm, t62, M 1953)
Có thể nói, lây lan là quá trình chuyển toả trạng thái cảm xúc từ cá thể này sang cá thể khác ở cấp độ tâm sinh lý, xảy ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, nằm ngoài những tác động qua lại ở cấp ý thức – tư tưởng. Khi con người rung động, họ trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc. Các cung bậc cảm xúc ấy lại dễ lây lan từ người này sang người khác.Chính vì có sự lây lan cảm xúc thông qua nghệ thuật mà con người cảm thấy gần gũi nhau hơn. Điều đó được thể hiện rõ qua việc thưởng thức âm nhạc. Âm nhạc có thể đem đến cho mọi người những phản ứng tình cảm dễ chịu, thoải mái và bình tĩnh, hay kích thích sự sáng tạo và hứng khởi. Sức mạnh của âm nhạc còn giúp ta loại bớt cảm giác tiêu cực từ những việc đã qua, có thể lọc ra những thông điệp lành mạnh và tích cực nhất. Vì thế, âm nhạc là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong đời sống mỗi người. Có âm nhạc, con người cảm thấy yêu đời hơn, gần gũi nhau thêm và mang lại sự cân bằng về tâm - sinh lý.
2. Nghệ thuật giúp trút xả tinh thần.
Trong nghệ thuật, một mặt nào đó của tâm hồn chúng ta được trút xả, thể hiện kể cả những góc khuất, sâu kín.Vì lẽ đó, con người có thể bộc lộ cảm xúc, khống chế và giảm căng thẳng thông qua các hình thức nghệ thuật.
Âm nhạc có thể gây ảnh hưởng mạnh tới tâm trạng của chúng ta, giúp bồi dưỡng những trạng thái tích cực như sự hăng hái, phấn khởi và lạc quan yêu đời. Đồng thời âm nhạc cũng giúp con người giảm những trạng thái tiêu cực như lo âu, buồn rầu, chán nản, căng thẳng, tức giận…
Sự căng thẳng là nguyên nhân phá hoại hệ thống miễn dịch của chúng ta. Âm nhạc có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa những âm thanh và cảm xúc gây căng thẳng. Nhạc nhẹ là thể loại êm dịu giúp chúng ta có cảm giác an toàn, tin tưởng và tạo sự hưng phấn cao.
Nghệ thuật giúp thư giãn tâm hồn và các cơ bắp ở người đang có căng thẳng, lo âu. Âm nhạc, hội họa giúp tâm hồn ta cởi mở và giải thoát những cảm xúc tiêu cực. Khi bị bệnh, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng lo âu, sợ hãi, cảm thấy đau đớn, buồn rầu, đôi khi kém tự tin. Âm nhạc, hội họa có thể giúp họ khuây khỏa, giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực, khiến họ vui hơn, tự tin hơn, có nhiều phấn khởi hơn trong đời sống.
Đối với con người thế kỷ 17, hình ảnh núi non hùng vĩ gợi cho họ nhiều điều khó chịu, mệt mỏi. Nhưng những con người thời đại văn minh, núi non lại gợi cho họ khả năng xả hơi, thoát khỏi những cảnh hè nóng nực, bàn giấy cứng nhắc….Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật mang lại.
3. Nghệ thuật giải quyết và cải biến nhu cầu của con người
Nghệ thuật tạo ra nhu cầu rất lớn, thôi thúc con người hành động. Nó mở đường và dọn đường cho những sức mạnh sâu lắng nhất của chúng ta. Nó tác động chẳng khác nào một cuộc động đất, làm lộ ra những vỉa đất mới. Vì thế, theo Biukher, Âm nhạc có cội nguồn xuất phát từ công việc tay chân nặng nề, và chúng có nhiệm vụ giải quyết sự căng thẳng nặng nề của lao động:
+ Theo gót tiến trình lao động, chúng ra hiệu để cho mọi người cùng một lúc dồn hết sức vào làm việc.
+ Chúng cố gắng kích thích mọi người vào làm việc.
+ Chúng tổ chức lao động tập thể và đưa lại cách tháo thoát cho sự căng thẳng của cơ thể.
Dường như chính tự nhiên đã tặng âm nhạc cho chúng ta để gánh vác lao động được nhẹ nhàng hơn. Ví dụ: bài hát kích thích người chèo thuyền hăng say đưa nhịp mái chèo; Nó có ích không chỉ trong những công việc đòi hỏi sự hợp lực của nhiều người mà cả sự mệt nhọc của một người cũng được giảm bớt nhờ bài hát thô sơ.
Trong âm nhạc, nhịp điệu hàm chứa kích thích lớn. Nhịp điệu làm nảy sinh trong con người ham thích ghê gớm muốn bắt chước, hòa nhịp với nó không chỉ bằng bước chân, mà cả tâm hồn cũng đi theo nhịp…. Thật vậy, một cung đàn không thể cứ đánh liên miên đều đều bất phân nhịp mạnh nhịp yếu mà khỏi nhàm tai. Một họa phẩm cũng vậy, các đường nét phải đặt sao cho có tổ chức không hỗn loạn, mầu sắc phải ăn nhập hài hòa, mới không tức mắt.
Đối với loài người mê tín cổ xưa, còn cái gì có ích hơn là nhịp điệu. Nhờ nó mà mọi chuyện đều có thể làm được: Nó giúp cho công việc một cách thần kỳ; Nó buộc thần linh phải xuất hiện, phải đến gần và lắng nghe; Nó có thể uốn nắn được tương lai theo ý muốn của mình, giải thoát tâm hồn khỏi những điều tai ương và không chỉ riêng tâm hồn mình mà cả tâm hồn của quỷ sứ độc ác nhất.
Như vậy, toàn bộ hành vi ứng xử của con người là quá trình làm cân bằng cơ thể với môi trường. Trong quá trình đó, nghệ thuật đã thực sự đưa lại sự cân đối và trật tự cho những cảm xúc của chúng ta.
4. Giáo dục nghệ thuật hỗ trợ, thúc đẩy sự hình thành và xuất hiện hành vi sáng tạo.
Việc thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, bởi để cảm thụ nghệ thuật thì đơn thuần việc trải nghiệm thành thật các cảm xúc đã chiếm lĩnh tác giả vẫn chưa đủ, còn nhất thiết phải khắc phục một cách sáng tạo cảm xúc của bản thân. Chỉ khi đó tác động của nghệ thuật mới được thể hiện đầy đủ. Do đó, không phải ngẫu nhiên ngay từ thời cổ xưa nhất, nghệ thuật đã được nhìn nhận như một bộ phận và một phương tiện giáo dục. Ý nghĩa ứng dụng của nghệ thuật xét đến cùng đều được quy vào tác động giáo dục của nó.
Khi một tác phẩm nghệ thuật xuất hiện, con người sẽ đứng dưới nhiều góc độ khác nhau để đánh giá, phê bình nó. Tuy nhiên, cơ chế phê bình tác phẩm nghệ thuật - với tư cách như một sức mạnh xã hội mở đường cho nghệ thuật - đánh giá nó với chức trách cơ bản là chuyên đóng vai như là một bộ phận truyền lực giữa nghệ thuật và xã hội.
Xét theo quan điểm của tâm lý học, vai trò của phê bình nghệ thuật được quy vào việc tổ chức các hậu quả của nghệ thuật. Nó vạch ra một phương hướng giáo dục nhất định cho sự tác động của nghệ thuật. Làm sao giữ cho được tác động của nghệ thuật như là của nghệ thuật, chứ không để cho độc giả vung vãi sức mạnh do nghệ thuật dấy lên và đánh tráo các xung động hùng mạnh của nó bằng những lời răn dạy đạo đức duy lý vô vị như giáo lý tin lành. Đặc biệt, cần để cho tác động của nghệ thuật được thể hiện, để cho người ta được xúc động vì nghệ thuật.
Dạy cho người khác hành vi sáng tạo nghệ thuật là điều không thể làm được, nhưng điều này không có nghĩa là người dạy không thể góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và xuất hiện của hành vi ấy. Điều này được thể hiện rất rõ trong quan điểm của PGS. TSKH Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường Ðại học Sư phạm nghệ thuật trung ương khi được phóng viên báo Nhân Dân cuối tuần (www.nhandan.org.vn) phỏng vấn: Con người ngày hôm nay đang chuyển động rất nhanh, một ngày của hôm nay có thể bằng mấy mươi năm trước, vì thế, cần phải xem thế hệ hôm nay đang đòi hỏi những gì, để cập nhật những kiến thức mới, đưa hơi thở của cuộc sống vào chương trình giảng dạy. Chúng ta phải lắng nghe xem trẻ em hôm nay đang nói như thế nào, học cách nói của chúng, để có thể đưa những kiến thức cần thiết đến được với tâm hồn các em. Trẻ em hôm nay đang dùng một "hệ ngôn từ" khác, nếu những người làm công tác giáo dục nghệ thuật không đi sâu tìm hiểu thế giới ngôn từ đó, tìm hiểu tâm tư tình cảm của các em, mà cứ tự ngồi vẽ ra chương trình giảng dạy theo ý mình thì không thể đạt kết quả như mong muốn. Người làm công tác giáo dục phải xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt, ta cũng không nên kỳ vọng đào tạo tất cả đều thành thiên tài. Chúng ta chỉ cung cấp cho trẻ cái nền, còn phát triển lên như thế nào là tùy vào năng lực của mỗi người.
Nghệ thuật là điểm tập kết quan trọng nhất các quá trình của một cá nhân trong xã hội. Nó là phương thức để cân bằng con người với thế giới vào những giây phút nguy kịch và nghiêm trọng của cuộc đời.
Trong kế hoạch của tương lai, rõ ràng không chỉ có việc xây dựng lại toàn bộ nhân loại theo những nguyên tắc mới, không chỉ có việc làm chủ các quá trình xã hội và kinh tế, mà còn có cả “việc tôi đúc lại con người”. Trong việc tôi đúc lại con người, nghệ thuật sẽ nói lên tiếng nói có trọng lượng và có ý nghĩa quyết định nhất. Giáo dục nghệ thuật có một sứ mệnh đào tạo con người, huy động sức mạnh tồn tại trong cơ thể ta. Không có nghệ thuật thì sẽ không có con người mới sáng tạo trong học tập, trong lao động, vì “Nghệ thuật là tiếng nói của tâm hồn”.
Xem thêm các bài Soạn văn 12 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:
- Soạn văn 12 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 12 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 12 Kết nối tri thức
- Giải lớp 12 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 12 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 12 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT