Soạn bài Phân tích một tác phẩm truyện - ngắn nhất Cánh diều
Soạn bài Phân tích một tác phẩm truyện trang 26, 27, 28, 29 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 8 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 8 dễ dàng hơn.
1. Định hướng
1.1 Khái niệm:
- Là kiểu bài nghị luận văn học mà trong đó, người viết dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ một số đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Bài viết phải nêu được chủ đề; dẫn ra và phân tích được tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm; từ đó, nêu lên nhận xét, đánh giá về những nét đặc sắc này.
1.2. Để viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện, cần chú ý:
- Việc phân tích và nhận xét, đánh giá về truyện phải bám sát nội dung, hình thức của tác phẩm.
- Trước khi viết, cần tìm ý và lập dàn ý. Căn cứ vào đề bài để xác định cách tìm ý cho phù hợp (đặt câu hỏi hoặc suy luận)
- Các nhận xét, đánh giá trong bài văn về tác phẩm truyện, đặc biệt là các nét đặc sắc nghệ thuật, phải rõ ràng, đúng đắn, có lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. Nên kết hợp nêu các yếu tố cần phân tích với việc phát biểu những nhận xét, cảm nghĩ của bản thân về yếu tố ấy.
- Bài văn phân tích tác phẩm truyện cần có bố cục mạch lạc, lời văn chuẩn xác, gợi cảm.
2. Thực hành
2.1. Thực hành viết theo các bước
Đề tài (trang 27 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Phân tích truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.
a) Chuẩn bị
- Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Lão Hạc của Nam Cao.
- Nắm vững các thông tin liên quan (thể loại, chủ đề, các nhân vật cần chú ý và các nét đặc sắc nghệ thuật của truyện).
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi:
+ Cốt truyện tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao có gì đặc sắc?
+ Chủ đề của truyện là gì? Ấn tượng chung của em sau khi đọc văn bản như thế nào?
+ Nhân vật nào cần chú ý phân tích?
+ Nét đặc sắc và tác dụng của một số yếu tố hình thức trong truyện là gì?
+ Có thể rút ra những bài học nào từ văn bản truyện?
+ Với em, điều gì sâu sắc và đáng nhớ nhất sau khi đọc truyện?
- Lập dàn ý bằng cách sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục ba phần:
Mở bài |
Giới thiệu nhan đề, tác giả, thể loại và nhận xét chung về tác phẩm. |
Thân bài |
Nêu chủ đề và phân tích các biểu hiện làm rõ chủ đề của tác phẩm: - Phân tích nhan đề và đặc sắc của cốt truyện trong việc làm sáng tỏ chủ đề - Phân tích các nhân vật nhằm làm rõ chủ đề của truyện + Nhân vật lão Hạc (các chi tiết về hoàn cảnh, hành động, việc làm, cử chỉ, lời nói…) trong mối quan hệ với các nhân vật khác: con trai, ông giáo, “cậu Vàng”,… + Nhân vật ông giáo (Ông giáo là người thế nào, những chi tiết nào thể hiện điều đó?...) - Phân tích tác dụng của các nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện: nghệ thuật khắc họa đặc điểm tính cách nhân vật, bút pháp miêu tả (ngoại hình và nội tâm), lựa chọn chi tiết giàu ý nghĩa, lời văn giản dị, tự nhiên,… |
Kết bài |
Nhận xét khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện. Nêu tác động của truyện đối với cá nhân người viết bài. |
c) Viết
- Dựa vào dàn ý đã làm để luyện tập kĩ năng viết bài.
- Lần lượt phân tích các yếu tố đặc sắc của truyện theo trình tự hợp lí. Với mỗi yếu tố, cần chú ý điểm nổi bật, bằng chứng kèm theo và tác dụng của chúng.
- Trong khi phân tích, chú ý tạo điểm nhấn cho yếu tố hình thức được phân tích bằng những đánh giá, nhận xét xác đáng, tinh tế.
* Bài viết mẫu tham khảo:
Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu trong con người họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm như vậy.
Trước hết về nhân vật lão Hạc, lão có số phận bi thảm nhưng ẩn sau đó là những phẩm chất cao đẹp, đại diện cho người nông dân. Số phận lão Hạc cũng là số phận chung của biết bao người nông dân trước cách mạng. Vợ lão chết sớm, lão ở vậy gà trống nuôi con. Đứa con lớn lên vì không lấy được người mình yêu nên phẫn chí bỏ nhà ra đi. Lão ở vậy một mình với cậu Vàng – kỉ vật người con trai để lại. Nhưng cuộc đời lão càng ngày lại càng bi đát hơn, lão bị ốm, lão tiêu tốn nhiều tiền dành dụm cho con, bởi vậy lão đành bán cậu Vàng – người bạn đã ở bên giúp lão vơi bớt nỗi buồn khi phải xa con. Khi bán cậu Vàng lão vô cùng đau đớn, ân hận. Nỗi ân hận đó được thể hiện qua đoạn văn miêu tả đặc sắc: cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, hu hu khóc. Tình cảnh của lão thật đáng thương, lão luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bản thân.
Nhưng ẩn đằng đó chính là những phẩm chất cao đẹp của người nông dân lương thiện. Lão là một người giàu tình yêu thương, tình yêu thương đó được thể hiện ngay cả với một con vật: lão gọi chó là cậu Vàng, gọi nịnh như gọi một đứa trẻ, ông chăm sóc cậu Vàng chu đáo: cho ăn cơm trong bát như một nhà giàu, không chỉ vậy ông còn trò chuyện, mắng yêu cậu vàng, cậu Vàng làm lão bớt cô đơn, vơi đi nỗi nhớ con. Tình cảm sâu nặng của ông với cậu Vàng có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu thương con của lão Hạc, con chó là kỉ vật thiêng liêng mà người con để lại cho ông trước khi đi đến đồn điền cao su.
Tình phụ tử ở lão Hạc cũng vô cùng sâu sắc, thiêng liêng. Vì cảnh nghèo không cưới được vợ cho con, lão vô cùng đau đớn, bởi vậy bao nhiêu tiền của làm được lão đều dành dụm cho con, lão chịu kham khổ, để người đời chửi mắng chứ nhất định không chịu tiêu lạm vào tiền của con. Sau khi bị bệnh nặng, lão chỉ ăn khoai, hết khoai lão ăn củ chuối, rồi ăn sung luộc, rau má, củ ráy, nghĩa là vớ được thứ gì lão ăn thứ ấy,… Và cuối cùng lão lo lắng sẽ tiêu hết tiền cho con nên lão đành chọn cái chết để bảo toàn tài sản cho con trai mình. Cái chết đau đớn của lão Hạc xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao.
Mặc dù nghèo khổ nhưng lão luôn giữ lòng tự trọng. Lão không nhận bất cứ sự giúp đỡ của ai, ngay cả khi ông giáo đề nghị giúp, lão từ chối một cách hách dịch, bởi lão hiểu hoàn cảnh gia đình ông giáo cũng nghèo túng chẳng khác gì gia đình mình. Lòng tự trọng đó còn được thể hiện trong cách thức tìm đến cái chết của ông. Trước khi chết ông để lại tiền nhờ bà con lo ma chay, không muốn phiền hà đến hàng xóm. Lão chết bằng cách ăn bả chó, cái chết đau đớn, dữ dội như một lời tạ tội với cậu Vàng. Cái chết của lão Hạc chính là sự khẳng định cho sức sống bất diệt của nhân cách trong ông.
Ngoài nhân vật lão Hạc trong tác phẩm ta còn thấy nổi bật lên hình ảnh của một ông giáo nghèo, người bạn thân thiết của lão Hạc. Ông giáo có sự đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ đáng thương của lão Hạc: an ủi, động viên khi lão bán chó, chia sẻ nỗi buồn với lão Hạc, luôn tìm mọi cách làm cho lão khuây khỏa, lạc quan. Ông còn là người am hiểu tường tận nhất vẻ đẹp nhân cách của lão hạc: “Không cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Nghĩa khác ấy chính là con người có nhân cách cao đẹp nhưng lại phải chết vật vã, đau đớn và cái chết ấy lại càng làm sáng hơn nhân cách cao đẹp của lão.
Nghệ thuật kể chuyện xuất sắc: câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi (ông giáo) người luôn bên cạnh lão Hạc, bởi vậy khiến câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, ngoài ra khiến mạch kể trở nên tự nhiên, linh hoạt, tạo điều kiện kết hợp tả, kể với bình luận một cách tự nhiên, sinh động. Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lí, những bước ngoặt của truyện giúp bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn của văn bản: nhân vật được khắc họa qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến tâm trạng và qua lời nhận xét, bình luận của các nhân vật khác, bởi vậy chân dung nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.
Với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, lôi cuốn Nam Cao đã cho người đọc thấy chân dung số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng, họ bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết. Nhưng đằng sau đó còn là chân dung tinh thần đẹp đẽ: giàu tình yêu thương và nhân cách cao đẹp.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Đọc lại bài văn đã viết. Đối chiếu với những yêu cầu đã nêu ở các bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để kiểm tra và chỉnh sửa theo bảng hướng dẫn SGK/28.
2.2. Rèn luyện kĩ năng phân tích tác dụng của yếu tố hình thức truyện
a. Cách thức
Hiểu một tác phẩm truyện không phải chỉ hiểu nội dung như chủ đề, tình cảm, thái độ của nhà văn... mà cần nhận biết và hiểu được các yếu tố hình thức và tác dụng của chúng trong việc biểu đạt nội dung. Các yếu tố hình thức của truyện thường được chú ý phân tích là nghệ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện, ngôi kể, tình tiết, lời văn,...
b. Bài tập.
Đề bài (trang 29 sgk Ngữ Văn 8 lớp 8 Tập 2): Viết đoạn văn phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc (Nam Cao).
* Đoạn văn tham khảo:
Một trong những chi tiết để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc chính là cái chết của Lão Hạc. Nam Cao đã sử dụng hàng loạt các tính từ, động từ mạnh giúp người đọc hình dung một cách chi tiết về cái chết thảm khốc đó: “ Lão đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọp mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật giật một cái, nảy lên. hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. cái chết thật dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy…”. Vậy tại sao lão Hạc phải chết? Thực ra, lão Hạc là người rất muốn sống và ham sống. Lão đã làm mọi cách để có thể tồn tại trên cõi đời này. Nhưng lão phải chọn cái chết bởi đó là giải pháp duy nhất để giữ được bản chất lương thiện của mình. Lão chết để bảo toàn căn nhà, bảo toàn mảnh vườn mà bao năm qua hai vợ chồng lão đx vất vả kiếm được. Hơn thế nữa, lão không muốn ăn lạm vảo số tiền bòn vườn mà lão đã dành dụm để cho con cưới vợ. Đồng thời, lão Hạc không muốn làm phiền đến bà con hàng xóm. Cái chết của lão thể hiện lòng thương con âm thầm nhưng lớn lao, lòng tự trọng đáng quý của lão. Cái chết đó là sự giải thoát của lão Hạc là sự tự giải thoát trước cuộc sống ngột ngạt của xã hội phong kiến. Lão Hạc chọn cái chết như con chó. Cảnh lão Hạc chết có những nét tương đồng với với cảnh thằng Mục và thàng Xiên bắt cậu Vàng. Đó là lời tạ lỗi chân thành và sâu sắc nhất với câu Vàng. Qua cái chết đó, nam cao muốn thể hiện niềm tin vào người nông dân: dù có chết, họ vẫn luôn giữ bản chất lương thiện, lòng thương con và sự tự trọng của mình. đồng thời nó cũng thể hiện tấm lòng nhân đạo của tác giả được thể hiện trong tác phẩm.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Cánh diều ngắn nhất, hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:
- Soạn văn 8 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 8 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải lớp 8 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 8 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 8 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Soạn văn 8 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 8 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 8 - Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 8 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 8 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 8 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 8 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 8 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 8 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 8 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 8 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 8 - Cánh diều