Tiếng Việt 5 VNEN Bài 1B: Cảnh đẹp ngày mùa

(Trang 9 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1)1. Quan sát bức tranh sau và cho biết tranh vẽ cảnh gì?

Tiếng Việt 5 VNEN Bài 1B: Cảnh đẹp ngày mùa | Soạn Tiếng Việt lớp 5 VNEN hay nhất

Trả lời

Quan sát bức tranh em thấy cảnh một cánh đồng lúa chín vàng ở làng quê, các cô chú nông dân đang gặt lúa.

2. Đọc

(Trang 10 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1)3. Ghép mỗi từ ngữ dưới đây với lời giải nghĩa phù hợp:

    Kéo đá           Hợp tác xã           Lụi

(1) .......: cây cùng loại với cây cau; cao một, hai mét; lá xẻ hình quạt; thân nhỏ, thẳng và rắn, thường dùng làm gậy.

(2) .......: dùng trâu, bò kéo con lăn bằng đá để làm cho thóc rụng khỏi thân lúa.

(3) ......: cơ sở sản xuất, kinh doanh tập thể.

Trả lời

(1) Lụi: cây cùng loại với cây cau; cao một, hai mét; lá xẻ hình quạt; thân nhỏ, thẳng và rắn, thường dùng làm gậy.

(2) kéo đá: dùng trâu, bò kéo con lăn bằng đá để làm cho thóc rụng khỏi thân lúa.

(3) hợp tác xã: cơ sở sản xuất, kinh doanh tập thể.

4. Cùng luyện đọc

5. Thảo luận, trả lời câu hỏi:

(Trang 10 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (1) Kể tên những sự vật trong bài có màu vàng và từ chỉ màu vàng đó.

(Trang 10 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (2) Những chi tiết nào về thời tiết và con người đã làm cho bức tranh làng quê thêm đẹp và sinh động?

(Trang 10 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (3) Bài văn thể hiện tình cảm gì của tác giả đối với quê hương?

Trả lời

(1) Những sự vật trong bài có màu vàng và từ chỉ màu vàng là: lúa chín – vàng xuộm, nắng- vàng hoe; xoan- vàng lịm; lá mít- vàng ối; tàu đu đủ, lá sắn héo- vàng tươi; buồng chuối đốm quả- chín vàng; tàu lá chuối- vàng ối; bụi mía- vàng xọng; rơm và thóc- vàng giòn; con gà, con chó- vàng mượt; mái nhà rơm- vàng mới, tất cả- màu trù phú.

(2) Những chi tiết về thời tiết và con người trong bài làm cho bức tranh làng quê thêm sinh động là:

-Thời tiết: mùa đông, ngày không nắng không mưa, đêm có sương, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ.

-Con người: Ai cũng vậy, cứ buông bát đĩa là đi làm ngay, cứ trở dậy là đi làm ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.

(3) Bài quang cảnh làng mạc ngày mùa thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước tha thiết và sâu nặng của tác giả.

6. Tìm hiểu cấu tạo của bài văn tả cảnh.

(Trang 11 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (1) Đọc bài văn tả cảnh “Buối sáng trên quê em” (trang 11 sgk).

(Trang 11 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (2) Xác định các đoạn của bài văn trên.

(Trang 11 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (3) Nội dung chính của mỗi đoạn văn là gì?

(Trang 11 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1) (4) Dựa vào bài văn trên, em hãy nhận xét về cấu tạo của bài văn tả cảnh: Bài văn tả cảnh gồm những phần nào? Mỗi phần có nội dung gì?

Trả lời

Các đoạn của bài văn Nội dung các đoạn
Đoạn 1: “Buổi sáng ... thật đẹp”. Giới thiệu cảnh đẹp của Sơn La.
Đoạn 2: “Đứng trên ... màn thóc”. Tả từng chi tiết của cảnh đẹp Sơn La.
Đoạn 3: “Ai đã ... ra đi”. Nêu cảm xúc trước cảnh đẹp của Sơn La.

=> Nhận xét:

Bài văn tả cảnh thường có 3 phần:

• Mở bài: Giới thiệu cảnh sẽ tả.

• Thân bài: Tả từng cảnh theo không gian và thời gian.

• Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ của người viết.

(Trang 11 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1)1. a. Đọc và tìm các phần mở bài, thân bài, kết bài của bài văn

Hoàng hôn trên sông Hương

Cuối buổi chiều, Huế thường trở về trong một vẻ yên tĩnh lạ lùng, đến nỗi tôi cảm thấy có một cái gì đó đang lắng xuống thêm một chút nữa trong thành phố vốn hằng ngày đang rất yên tĩnh này.

Mùa thu, gió thổi mây bay về phía cửa sông, mặt nước phía dưới cầu Tràng Tiền đen sẫm lại, trong khi phía trên này lên mãi gần Kim Long, mặt sông sáng màu ngọc lam in những vệt mây hồng rực rỡ của trời chiều. Hình như con sông Hương rất nhay cảm với ánh sáng nên đến lúc tối hẳn, đứng trên cầu chăm chú nhìn xuống, người ta vẫn còn thấy những mảng sắc mơ hồng ửng lên như một thứ ảo giác trên mặt nước tối thẳm. Phố ít người, con đường ven sông như dài thêm ra dưới vòm lá xanh của hai hàng cây.

Phía bên sông, xóm Cồn Hến nấu cơm chiều, thả khói nghi ngút cả một vùng tre trúc. Đâu đó, từ sau khúc quanh vắng lặng của dòng sông, tiếng lanh canh của thuyền chài gỡ những mẻ cả cuối cùng truyền đi trên mặt nước, khiến mặt sông nghe như rộng hơn. Và khi dãy đèn bên đường bắt đầu thắp lên những quả tròn màu tím nhạt, chuyển dần sang màu xanh lá cây và cuối cùng nở bung ra trong màu trắng soi rõ mặt người qua lại thì khoảnh khắc yên tĩnh của buổi chiều cũng chấm dứt.

Huế thức dậy trong một nhịp chuyển động mới, đi vào cuộc sống ban đầu của nó.

(Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường)

b. Mỗi đoạn trong bài văn trên nêu nội dung gì?

Viết kết quả vào phiếu học tập:

Mở bài Đoạn Giới thiệu đặc điểm của Huế lúc…
Thân bài Đoạn Tả đặc điểm đổi thay màu sắc của dòng sông Hương từ lúc ... đến khi ...
Thân bài Đoạn Tả hoạt động của con người ở .... từ lúc .... đến ....
Kết bài Đoạn Nêu cảm nhận về ...

Trả lời:

Mở bài Đoạn Giới thiệu đặc điểm của Huế lúc hoàng hôn yên tĩnh lạ lùng.
Thân bài Đoạn Tả đặc điểm đổi thay màu sắc của dòng sông Hương từ lúc trời chiều đến khi trời tối hẳn.
Thân bài Đoạn Tả hoạt động của con người ở ven sông và trến sông từ lúc hoàng hôn đến khi thành phố lên đèn.
Kết bài Đoạn Nêu cảm nhận về sự thức dậy của Huế sau hoàng hôn.

(Trang 12 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1)2. Nghe thầy cô kể câu chuyện Lý Tự Trọng (2-3 lần)

(Trang 12 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1)3. Dựa vào các tranh và lời thuyết minh dưới tranh, mỗi em kể lại một đoạn câu chuyện

Tiếng Việt 5 VNEN Bài 1B: Cảnh đẹp ngày mùa | Soạn Tiếng Việt lớp 5 VNEN hay nhất

Trả lời

      Lý Tự Trọng sinh ra trong một gia đình yêu nước ở Hà Tĩnh. Năm 1928, anh gia nhập tổ chức cách mạng và được cử đi học ở nước ngoài. Anh học rất sáng dạ, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh đều nói thạo.

      Mùa thu năm 1929, anh về nước, được giao nhiệm vụ làm liên lạc, chuyển và nhận thư từ tài liệu trao đổi với các tổ chức Đảng bạn bè qua đường tàu biển. Để tiện cho công việc, anh đóng vai người nhặt than ở bến Sài Gòn.

Ở Sài Gòn, mật thám đông như ruồi, nhưng bất cứ nhiệm vụ khó khăn nào cũng được Lý Tự Trọng hoàn thành. Anh nhanh trí, gan dạ và bình tĩnh. Có lần tài liệu nhiều, phải gói vào chiếc màn buộc sau xe. Đi qua phố, một tên đội Tây gọi lại đòi khám, anh nhảy xuống vờ cởi bọc ra, kì thật buộc lại cho chặt hơn. Tên đội sốt ruột, quăng xe bên vệ đường, lúi húi tự mở bọc. Nhanh trí, anh vồ lấy xe của nó, nhảy lên, phóng mất. Lần khác, anh chuyển tài liệu từ tàu biển lên, lính giặc giữ lại chực khám. Anh nhanh chân nhảy xuống nước, lặn qua gầm tàu trốn thoát.

Đầu năm 1931, trong một cuộc mít tinh, một cán bộ ta đang nói chuyện trước đông đảo công nhân và đồng bào. Tên thanh tra mật thám Lơ - grăng ập tới, định bắt cán bộ. Lý Tự Trọng lập tức rút súng lục bắn chết tên mật thám. Không trốn kịp, anh bị giặc bắt.

      Giặc tra tấn anh rất dã man khiến anh chết đi sống lại nhiều lần nhưng chúng không moi được bí mật gì ở anh.

Trong nhà giam, anh được những người coi ngục rất khâm phục và kiêng nể. Họ gọi anh là "Ông nhỏ".

Trước toà án, anh dõng dạc vạch mặt bọn đế quốc và tuyên truyền cách mạng. Luật sư bào chữa cho anh nói chưa đến tuổi thành niên nên hành động thiếu suy nghĩ. Anh lập tức đứng dậy nói :

– Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng thanh niên Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là làm cách mạng, không thể có con đường nào khác ...

Thực dân Pháp bất chấp dư luận và luật pháp, xử tử anh vào một ngày cuối năm 1931.

Trước khi chết, anh hát vang bài Quốc tế ca. Năm ấy, anh mới 17 tuổi.

(Trang 14 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1)5. Trao đổi về ý nghĩa câu chuyện:

   • Câu chuyện giúp em hiểu điều gì?

   • Hành động nào của anh Trọng khiến em khâm phục nhất?

Trả lời

-Qua câu chuyện Lý Tự Trọng chúng ta càng thêm cảm phục người chiến sĩ cộng sản gan dạ, dũng cảm, yêu nước có lý tưởng sống. Từ đó chúng ta càng thêm biết ơn, trân trọng những người anh hùng như Lý Tự Trọng.

-Hành động của anh Trọng khiến em khâm phục nhất là khi ra pháp trường, anh vẫn hát vang bài Quốc tế ca.

(Trang 14 Ngữ Văn 5 VNEN tập 1)Sưu tầm những câu chuyện kể về những tấm gương tuổi nhỏ chí lớn?

Trả lời

      Kim Đồng (1929 – 15 tháng 2 năm 1943) là bí danh của Nông Văn Dèn (một số sách báo ghi nhầm thành Nông Văn Dền), một thiếu niên người dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh là người đội trưởng đầu tiên của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đội TNTP HCM được thành lập ngày 15 tháng 5 năm 1941. Kim Đồng đã cùng đồng đội làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Trong một lần đi liên lạc, khi cán bộ đang có cuộc họp, anh phát hiện có quân Pháp đang tới nơi cư trú của cán bộ, Kim Đồng đã đánh lạc hướng họ để các bạn của mình đưa bộ đội về căn cứ được an toàn. Kim Đồng chạy qua suối, quân Pháp theo không kịp liền nổ súng vào anh. Kim Đồng ngã xuống ngay bên bờ suối Lê Nin (Cao Bằng) ngày 15 tháng 2 năm 1943, khi vừa tròn 14 tuổi. Tháng 7 năm 1997, Kim Đồng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

(Sưu tầm)

Xem thêm các bài Soạn Tiếng Việt 5 chương trình VNEN hay khác:

Xem thêm các bài Để học tốt môn Tiếng Việt 5 hay khác:

Các chủ đề khác nhiều người xem