SBT Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo Bài 6 Đọc trang 5

Với giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 6 Đọc trang 5 sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Văn 9.

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Ý tưởng, thông điệp trong văn bản có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Trả lời:

- Ý tưởng là những suy nghĩ, dự định, mục tiêu của người viết. Ý tưởng thường nảy sinh qua quá trình người viết trải nghiệm, quan sát, khám phá, trăn trở trước cuộc sống, từ đó thôi thúc ý định viết.

- Thông điệp là những ý tưởng quan trọng (bài học, tư tưởng, cách ứng xử…) được gửi gắm trong văn bản.

=> Ý tưởng và thông điệp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ý tưởng là cơ sở để hình thành nên thông điệp, ý tưởng là cái có trước, từ đó được cụ thể hóa thành thông điệp gửi gắm trong văn bản.

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội là gì? Vì sao khi đọc hiểu văn bản, ta cần quan tâm đến bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội?

Trả lời:

- Bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội là hoàn cảnh, điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội tại thời điểm văn bản ra đời giúp cho việc đọc hiểu văn bản được sâu sắc hơn; là bối cảnh tại thời điểm người đọc văn bản, tác động đến cách hiểu, cách suy nghĩ, cảm xúc của người đọc.

- Khi đọc hiểu văn bản, ta cần quan tâm đến bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội vì những yếu tố này sẽ giúp người đọc hiểu thêm về mục đích viết và nội dung của văn bản.

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Những vấn đề toàn cầu nào đã được thể hiện trong các văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình, Bài phát biểu của Tổng thư kí Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu? Vấn đề em quan tâm nhất là gì? Vì sao?

Trả lời:

Những vấn đề toàn cầu được thể hiện trong các văn bản là: Nguy cơ vũ khí hạt nhân (văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình); biến đổi khí hậu (văn bản Bài phát biểu của Tổng thư kí Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu); công dân toàn cầu và bản sắc dân tộc (văn bản Bản sắc dân tộc: cái gốc của mọi công dân toàn cầu). Em trình bày vấn đề mà mình quan tâm nhất dựa trên quan điểm cá nhân và lí giải.

Câu 4 trang 5 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

THÔNG ĐIỆP NHÂN NGÀY THẾ GIỚI

PHÒNG CHỐNG AIDS, 01-12-2003

Cô-phi An-nan (Kofi Annan)

Cách đây hai năm, các quốc gia trên thế giới đã nhất trí rằng để đánh bại căn bệnh HIV/AIDS, cần phải có sự cam kết, nguồn lực và hành động. Tại phiên họp đặc biệt vào năm 2001 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS, các quốc gia đã nhất trí thông qua Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV/AIDS, trong đó đưa ra một loạt mục tiêu cụ thể kèm theo thời hạn để chiến đấu chống lại dịch bệnh này.

Ngày hôm nay, chúng ta đã cam kết và các nguồn lực đã được tăng lên. Song những hành động của chúng ta vẫn quá ít so với yêu cầu thực tế.

Đến thời điểm này, ngân sách dành cho phòng chống HIV đã được tăng lên một cách đáng kể, nhờ vào sự cam kết đóng góp tại từng quốc gia. Đồng thời, vấn đề thành lập Quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS, lao và sốt rét cũng đã được thông qua. Đại đa số các nước đã xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS của mình. Ngày càng có nhiều công ty áp dụng chính sách phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Nhiều nhóm từ thiện và cộng đồng đã luôn đi đầu trong cuộc chiến chống AIDS, hiện đang hoạt động tích cực trong việc phối hợp chặt chẽ với chính phủ và các tổ chức khác để cùng nhau ứng phó với bệnh dịch này.

Nhưng cũng chính lúc này, dịch HIV/ AIDS vẫn hoành hành, gây tỉ lệ tử vong cao trên thế giới và có rất ít dấu hiệu suy giảm. Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng 10 người bị nhiễm HIV. Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tuổi thọ của người dân bị giảm sút nghiêm trọng. HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ. Giờ đây phụ nữ đã chiếm tới một nửa trong tổng số người nhiễm trên toàn thế giới. Bệnh dịch này đang lan rộng nhanh nhất ở chính những khu vực mà trước đây hầu như vẫn còn an toàn – đặc biệt là Đông Âu và toàn bộ châu Á, từ dãy núi U-ran (Ural) đến Thái Bình Dương.

Chúng ta đã không hoàn thành được một số mục tiêu đề ra cho năm nay theo Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV|AIDS. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta đã bị chậm trong việc giảm quy mô và tác động của dịch so với chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2005. Lẽ ra chúng ta phải giảm được 1/4 số thanh niên bị nhiễm HIV ở các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất; lẽ ra chúng ta phải giảm được một nửa trẻ sơ sinh bị nhiễm; và lẽ ra chúng ta phải triển khai các chương trình chăm sóc toàn diện ở khắp mọi nơi. Với tiến độ như hiện nay, chúng ta không đạt được bất kì mục tiêu nào vào năm 2005.

Rõ ràng, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết của mình bằng những nguồn lực và hành động cần thiết. Chúng ta không thể tuyên bố rằng những thách thức cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng hơn và cấp bách hơn. Chúng ta phải đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mình.

Đó là lí do chúng ta phải công khai lên tiếng về AIDS. Dè dặt, từ chối đối mặt với sự thật không mấy dễ chịu này, hoặc vội vàng phán xét đồng loại của mình, chúng ta sẽ không đạt được đến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra, thậm chí chúng ta còn bị chậm hơn nữa, nếu sự kì thị và phân biệt đối xử vẫn diễn ra đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Hãy đừng để một ai đó có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ được chính mình bằng cách dựng lên các bức rào chắn ngăn cách giữa “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay, tôi kêu gọi các bạn hãy cùng tôi lên tiếng thật to và dõng dạc về HIV/ AIDS. Hãy cùng tôi đánh đổ các thành luỹ của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này.

Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV / AIDS bắt đầu từ chính các bạn.

(In trong Ngữ văn 12, tập một, Phan Trọng Luận (Tổng Chủ biên),

NXB Giáo dục, 2009)

a. Vẽ sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản. Em ấn tượng với lí lẽ, bằng chứng nào nhất?

b. Em có tán thành với ý kiến: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết” không? Vì sao? Từ đó, em có nhận xét gì về những giải pháp được nêu ở cuối văn bản?

c. Thông điệp gọi ra từ văn bản có còn ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay không? Tìm những ví dụ từ thực tế để làm sáng tỏ ý kiến của em.

d. Hãy thiết kế một sản phẩm truyền thông (bài báo, đoạn phim ngắn, infographic, tranh cổ động,...) để tuyên truyền về phòng chống phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV / AIDS.

Trả lời:

a. Em vẽ sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản dựa vào gợi ý sau:

- Luận đề: Việc phòng chống HIV/AIDS.

- Luận điểm 1: Những hành động để đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS còn quá ít so với thực tế.

- Luận điểm 2: Những giải pháp cần thực hiện để đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS.

- Lí lẽ và bằng chứng: Học sinh tự xác định dựa vào hệ thống luận điểm. Trên cơ sở đó, học sinh trình bày về lí lẽ, bằng chứng mà bản thân ấn tượng nhất. Chú ý đến cách lí lẽ, bằng chứng ấy góp phần chứng minh cho luận điểm và làm sáng tỏ luận đề.

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi trang 5 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2

b.

- Em tán thành với ý kiến: “Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”. Vì AIDS không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó. Nếu chúng ta vẫn còn sự phân biệt đối xử, phân chia khái niệm “chúng ta” và “họ”, còn những dè dặt, vô cảm, thờ ơ thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và không thể đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS.

- Nhận xét về những giải pháp được nêu ở cuối văn bản: Các giải pháp được nêu ở cuối văn bản xuất phát từ tình thế cấp bách trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS trên toàn cầu. Những giải pháp ấy cụ thể, khả thi và đề xuất hành động trên nhiều cấp độ: Cấp độ quản lí nhà nước (đưa AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự), cấp độ tâm thế, hành động, ứng xử của mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày (không phân biệt đối xử, không kì thị, vô cảm…)

c.

- Thông điệp được gợi ra từ văn bản: Hãy chung tay chống lại HIV/AIDS bằng các giải pháp thiết thực, đặc biệt qua việc chống phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh. Thông điệp vẫn có ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay vì căn bệnh thế kỉ mang tên HIV/AIDS vẫn đang tồn tại, trở thành mối lo âu của con người; việc kì thị những người mắc HIV/AIDS vẫn tồn tại trong cộng đồng của chúng ta.

- Ví dụ:

Người nhiễm HIV/AIDS có thể bị những người xung quanh xa lánh vì sợ lây nhiễm.

Người nhiễm HIV/AIDS bị phân biệt đối xử: họ khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm hoặc có thể bị sa thải khi chẳng may mắc HIV/AIDS.

Nếu phải chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử thì người bệnh gặp rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ cần có và quyền được kéo dài thời gian sống khỏe mạnh.

Việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS là việc làm cần thiết để ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận chăm sóc, điều trị và tham gia xây dựng cuộc sống không có HIV/AIDS.

d. Học sinh chọn sản phẩm truyền thông để lên ý tưởng thiết kế. Có thể trả lời một số câu hỏi: Phân biệt đối xử là gì? Vì sao không nên phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS? Những biện pháp nào giúp phòng chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS?

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 6: Những vấn đề toàn cầu hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 9 Chân trời sáng tạo khác