SBT Ngữ văn 8 Kết nối tri thức Bài tập 6 trang 16, 17, 18

Bài tập 6 trang 16, 17, 18 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc bài thơ sau của Lưu Quang Vũ và trả lời các câu hỏi:

LÁ BƯỞI LÁ CHANH

Công sự pháo

Phủ đầy nguỵ trang xanh

Trong những chùm cây dại

Có vài cành bưởi cành chanh.

Giữa giờ chiến đấu

Mẹ già em bé trong thôn

Đã bẻ cả cây vườn

Cả cành chanh cảnh bưởi

Đem tới làm ngụy trang cho bộ đội.

 

Chiến hào nắng chói

Bỗng thơm mùi bưởi, mùi chanh

Chan chứa lòng anh bộ đội

Bao nhiêu ân tình...

 

Ôi lá bưởi lá chanh

Hương vị quê nhà quen thuộc quá

Như ngày thơ nhỏ

Có cây bưởi cạnh cầu ao

Mấy gốc chanh ven hàng rào

Bưởi chín về mùa thu

Chanh sai về mùa hạ

Mẹ chăm gốc nhiều nên ngon quả.

 

Chanh bâng khuâng mùi lá

Lời mẹ thường hát đó:

“Con gà cục tác lá chanh”..

Bưởi cứ mùa xuân hoa trắng nở

Hương thơm ngát cả thân cành

Đi xa lòng vẫn nhớ

Dáng quê hương trong cây lá hiền lành...

Lá chanh đầu ai thường gội

Mái tóc dài ai cài hoa bưởi

Buổi ban đầu vấn vương...

 

Cây lá nơi này cây lá quê hương

Ôi những mẹ những em ta chiến đấu

Những cô gái cùng ta chiến đấu

Giống như người con gái hôm xưa...

 

Máy bay quân thù

Đốt những vườn cây sém lửa

Chồi biếc bây giờ đứt nhựa

Thân cành đau không cây ơi

Bầm gan tím ruột bao người.

 

Cả quê nhà

Cùng ta chiến đấu

Từng viên đạn lắp vào nòng pháo

Bồi hồi nghe hương lá bưởi lá chanh.

Vĩnh Phúc, 10 – 1965

(Lưu Quang Vũ – Bằng Việt, Hương cây – Bếp lửa, NXB Văn học, Hà Nội, 1968, tr. 22 – 24)

Câu 1 trang 18 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Bài thơ Lá bưởi lá chanh của nhà thơ Lưu Quang Vũ có phải là thơ tự do không?

Trả lời:

Bài thơ Lá bưởi lá chanh của nhà thơ Lưu Quang Vũ là một bài thơ tự do.

- Số lượng tiếng trong các dòng thơ không bằng nhau, cách chia khổ linh hoạt – Bài thơ gieo vần chân, gồm cả vần liền, vần cách: xanh – chanh, ao – rào. hạ – quả, vương – hương, hậu – đấu, xưa – lửa,...; tạo sự luyến láy và sự gắn kế về âm điệu giữa những dòng thơ.

– Bài thơ ngắt nhịp linh hoạt, biểu đạt phong phú các cung bậc cảm xúc của nhà thơ. Ví dụ:

Ôi/ lá bưởi/ lá chanh

Hương vị quê nhà/ quen thuộc quá

Như ngày/ thơ nhỏ

Có cây bưởi/ cạnh cầu ao

Mấy gốc chanh/ ven hàng rào

Bưởi chín/ về mùa thu

Chanh sai/ về mùa hạ

Mẹ chăm gốc nhiều/ nên ngon quả.

Câu 2 trang 18 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Xác định người bộc lộ cảm xúc trong bài thơ và đối tượng của cảm xúc đó.

Trả lời:

Người bộc lộ cảm xúc trong bài thơ và đối tượng của cảm xúc đó:

– Người bộc lộ cảm xúc trong bài thơ là một người lính chiến đấu xa nhà.

– Tình cảm của anh dành cho những người mẹ, người em ở nơi anh đóng quân. Họ là đại diện của nhân dân với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Câu 3 trang 18 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Cảm xúc của bài thơ vận động như thế nào?

Trả lời:

Cảm xúc của bài thơ vận động theo trình tự:

- Khổ 1, 2, 3: cảm động trước hình ảnh các mẹ già, em thơ mang lá bưởi, lá chanh để nguỵ trang cho những cỗ pháo.

- Khổ 4, 5: bồi hồi nhớ về những kỉ niệm thân thương nơi quê nhà.

- Khổ 6, 7, 8: niềm xúc động của người lính trước sự đồng hành, sát cánh của

nhân dân trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.

Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Nêu cảm nhận của em về ý nghĩa của hình ảnh lá bưởi, lá chanh.

Trả lời:

Cảm nhận về ý nghĩa của hình ảnh lá bưởi, lá chanh:

- Hình ảnh lá bưởi, lá chanh mang ý nghĩa biểu tượng cho tình cảm của nhân dân dành cho những người lính đang trực tiếp chiến đấu chống kê thù xâm lược.

- Hình ảnh đó cũng thể hiện ý chí, khát vọng hoà bình, độc lập của nhân dân ta – Lá bưởi, lá chanh biểu tượng cho tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng đóng góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Câu 5 trang 18 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Chồi biếc bây giờ đứt nhựa

Thân cành đau không cây ơi

Biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ trên là gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ là nhân hoá.

- Biện pháp tu từ được sử dụng đã diễn tả tình cảm xót xa của nhà thơ với có cây và thái độ lên án chiến tranh. Trong cảm nhận của nhà thơ, có cây không vô tri vô giác mà có cảm xúc như con người. Cây cũng biết đau khi bị bom đạn kẻ thù cắt đứt thân cành.

Câu 6 trang 18 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Trong câu thơ Hương vị quê nhà quen thuộc quá có sự kết hợp từ nào đặc biệt? Nêu tác dụng của sự kết hợp đặc biệt đó.

Trả lời:

– Trong câu thơ có sự kết hợp từ ngữ đặc biệt. Từ hương vị thường được kết hợp với các từ ngữ chỉ sự vật cụ thể (có hương vị) như nước giải khát. bánh kẹo, trái chín trong các cụm từ như hương vị nước giải khát, hương vị bánh kẹo,... Trong câu thơ, nhà thơ dùng hương vị kết hợp với quê nhà, một cụm từ chỉ sự vật trừu tượng.

– Tác dụng của sự kết hợp từ ngữ đặc biệt đó là vừa khẳng định hương bưởi, hương chanh là mùi vị của đặc sản quê nhà, vừa mang nghĩa trừu tượng một sắc thái, đặc trưng của quê hương.

Câu 7 trang 18 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Cảm xúc của bài thơ được khơi nguồn từ cảm hứng chủ đạo nào?

Trả lời:

Cảm xúc của bài thơ được khơi nguồn từ cảm hứng ca ngợi tình cảm của quê hương, của nhân dân đối với những người lính, đối với đất nước.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 8 Bài 7: Tin yêu và ước vọng hay khác:


Giải bài tập lớp 8 Kết nối tri thức khác