SBT Ngữ văn 8 Kết nối tri thức Bài tập 2 trang 20

Bài tập 2 trang 20 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc lại văn bản Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam (từ Trong ba bài thơ đến cho nhẹ nhõm trong sáng?) trong SGK (tr. 63) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 20 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đoạn trích thể hiện nội dung gì? Dựa vào đâu em có thể xác định điều đó?

Trả lời:

Đoạn trích thể hiện nội dung: Thu vịnh là bài thơ mang cái hồn, cái thần của cảnh vật mùa thu nhất trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến.

Có thể xác định nội dung của đoạn trích dựa vào câu chủ đề: “Trong ba bài thơ, bài này mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao.”. Các câu còn lại trong đoạn đều hướng đến làm sáng tỏ ý được nói đến trong câu chủ đề.

Câu 2 trang 20 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Tác giả đã làm sáng tỏ nhận xét “Cái hồn, cái thần của cảnh thu là nằm ở trong bầu trời, ở trên trời thu.” như thế nào?

Trả lời:

Nhận xét “Cái hồn, cái thần của cảnh thu là nằm ở trong bầu trời, ở trên trời thu được làm sáng tỏ qua các lí lẽ, bằng chứng:

– “Trời thu rất xanh rất cao toả xuống cả cảnh vật.

– “Cây tre Việt Nam ta [...] như cái cần câu in lên trời biếc, gió đẩy đưa khe khế, thật là thanh đạm, hợp với hồn thu

“Song thưa để mặc bóng trăng vào cũng thuộc về trời cao.”

Tác giả đã lựa chọn phân tích những hình ảnh gắn với bầu trời, được cảm nhận trong không gian bầu trời để làm rõ cho nhận xét trên.

Câu 3 trang 20 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Xuân Diệu đã diễn giải ý hai câu kết của bài thơ Thu vịnh như thế nào? Em hãy nhận xét về cách phân tích hai câu kết của tác giả.

Trả lời:

Ý của hai câu kết được diễn giải như sau: "Sao ta còn bị buộc chân ở đây, sa lầy trong vòng danh lợi ố bẩn phi nghĩa này? Sao ta chưa trả mũ từ quan quy khứ như Đào Uyên Minh, cho nhẹ nhóm trong sáng?

Hai câu kết được tác giả phân tích bằng cách giải thích rõ ý thơ, khiến cho người đọc hiểu được nỗi “thẹn” của Nguyễn Khuyến là gì, và vì sao có nổi theo đó. Xuân Diệu đã đặt mình vào vị trí của Nguyễn Khuyến, nói hộ nỗi lòng của Tam Nguyên Yên Đổ qua từ ta. Cách xưng hỗ "ta như vậy khiến người đọc thấy được sự đồng cảm sâu sắc giữa tác giả của bài văn nghị luận – Xuân Diệu – và tác giả của bài thơ – Nguyễn Khuyến. Hơn nữa, Xuân Diệu đã diễn giải, phân tích hai câu thơ kết dưới hình thức câu hỏi tu từ. Điều này khiến cách diễn đạt không khô khan, xuôi chiều mà giàu cảm xúc, thu hút sự chú ý của người đọc.

Câu 4 trang 20 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Em có nhận xét gì về cách tác giả nêu bằng chứng trong đoạn trích?

Trả lời:

Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng hai cách nêu bằng chứng:

– Trích dẫn trực tiếp cả câu thơ (các câu Song thưa để mặc bóng trăng vào, Một tiếng trên không ngỗng nước nào, Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Nước biếc trông như tầng khói phủ).

– Dẫn ý được nói đến trong câu (các câu Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu, Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào được dẫn ý, diễn giải ý nghĩa của câu thơ chứ không trích nguyên văn).

Có thể thấy, việc nêu bằng chứng theo cả hai cách như trên khiến các bằng chứng đưa ra vừa đảm bảo tính chân thực, cụ thể lại vừa linh hoạt, phong phú.

Câu 5 trang 20 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: So với cách phân tích bằng chứng trong đoạn trích ở bài tập 1, cách phân tích bằng chứng trong đoạn này có gì khác biệt?

Trả lời:

Em tự đối chiếu cách phân tích bằng chứng trong đoạn trích ở bài tập 1 và bài tập 2, từ đó tìm ra sự khác biệt.

Lưu ý: Cách phân tích bằng chứng trong đoạn trích ở bài tập 1 thiên về giải thích, cắt nghĩa từ ngữ, mô tả hình ảnh. Cách phân tích bằng chứng trong đoạn trích ở bài tập 2 thiên về gợi mở ý được nói đến trong câu thơ. Ngoài hai bằng chứng Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu được nhà thơ diễn giải, mô tả cụ thể, trong những câu thơ sau, Xuân Diệu không hình dung cụ thể vẻ đẹp của cảnh thu, mà chỉ gợi tình – ý được gửi gắm trong đó. Thêm nữa, việc phân tích bằng chứng trong đoạn trích ở bài tập 1 còn gắn với so sánh, liên tưởng, mở rộng. Nhưng việc phân tích bằng chứng trong đoạn trích ở bài tập 2 không có sự so sánh, liên tưởng, mở rộng như vậy.

Từ việc tìm ra các điểm khác biệt, em cần ý thức rằng, trong văn bản nghị luận văn học, tác giả có thể phân tích bằng chứng theo nhiều cách khác nhau Điều đó tạo nên sự phong phú, đa dạng trong cách phân tích, tiếp cận đối tượng, khiến bài văn nghị luận trở nên hấp dẫn, thu hút độc giả.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 8 Bài 8: Nhà văn và trang viết hay khác:


Giải bài tập lớp 8 Kết nối tri thức khác