SBT Ngữ văn 10 Bài tập 7 trang 16 - Kết nối tri thức

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài tập 7 trang 16 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10.

Bài tập 7 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Làng người Việt thường được lập gần sông và kênh. Từ xa, trông nó như một cụm cây xanh, trong đó mọc lộn xộn những cây tre với hình dạng uy nghi, cây xoài lá thẫm màu, cây bông gạo, cây mít, cây cọ,... Màu xanh thẫm của lùm cây nhiều vẻ này nổi bật ở chân trời trên nền màu xanh nhạt hơn của ruộng lúa. Về mùa xuân, màu đỏ của hoa phượng và bông gạo làm hiện lên một phong cảnh vô cùng đẹp mắt. Thường thường, vì tha thiết với quyền tự quản của mình, làng trồng quanh mình một hàng rào vững chắc những cây tre hoặc cây gai, tạo thành một phương tiện phòng thủ rất tốt, đồng thời hàng rào đó ngăn cản mọi con mắt bên ngoài nhìn vào trong làng. Ở nơi nào, như ở Phủ Diễn tại Trung Kì, tre khó mọc, người nông dân khắc phục khó khăn đó một cách độc đáo và rất kì lạ: họ rào kín làng mình bằng cách kết hợp hai thứ cây, một cây ngăn cản mắt nhìn, và cây kia ngăn không cho ai lọt vào làng. Cây thứ nhất là một cây họ lúa cao lớn, có dáng dấp như cây sậy, được trồng thành cụm dày, che giấu hoàn toàn bên trong làng; cây thứ hai là một cây phi nước, có gai, chỉ cao trên 1,5 m chút ít. Nhưng tạo ra ở chân hàng rào một lùm rất dày, nhiều gai mà giá trị phòng vệ ít nhất cũng ngang cây tre.

Dù thế nào, thì cảnh quan các vùng châu thổ Việt Nam ở đây đâu đâu cũng mang dáng dấp một công viên. Ở Nam Kì, trên các khúc lượn quanh co của sông Sài Gòn chẳng hạn, giữa Thủ Dầu Một và Sài Gòn, nhất là giữa Bình Sơn và Bình Triệu, trên suốt hơn 25 km đường chim bay, những làng mạc chen chúc thành các khóm dày đặc tạo cho ta cảm tưởng về một bức tranh ghép mảnh bằng cây xanh. Hành lang dài này cung cấp cho du khách một trong những khu vườn đẹp nhất Việt Nam.

(Theo Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, Sđd, tr. 181)

Câu 1 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tìm yếu tố miêu tả trong đoạn trích và phân tích tác dụng của nó.

Trả lời:

Yếu tố miêu tả trong đoạn trích được thể hiện qua các chỉ tiết: “những cây tre với hình dạng uy nghi, cây xoài lá thẫm màu” “màu xanh thẫm của lùm cây nhiều vẻ này nổi bật ở chân trời trên nền màu xanh nhạt hơn của ruộng lúa” “màu đỏ của hoa phượng và bông gạo làm hiện lên một phong cảnh vô cùng đẹp mắt” “những làng mạc chen chúc thành các khóm dày đặc tạo cho ta cảm tưởng về một bức tranh ghép mảnh bằng cây xanh”. Những chi tiết miêu tả này giúp hình dung ra một cách cụ thể, sống động vẻ đẹp xanh tươi, thanh bình của làng quê Việt Nam thời kì đầu thế kỉ XX.

Câu 2 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đoạn trích thể hiện thái độ gì của tác giả? Thái độ đó được thể hiện bằng cách nào?

Trả lời:

Đằng sau những thông tin khách quan được cung cấp trong văn bản, có thể nhận thấy một thái độ yêu mến, tự hào của tác giả đối với vẻ đẹp của làng quê Việt Nam. Thái độ đó cũng được bộc lộ một cách gián tiếp qua các cách diễn đạt như: “một phong cảnh vô cùng đẹp mắt”, “một cách độc đáo và rất kì lạ”, “một trong những khu vườn đẹp nhất Việt Nam...

Câu 3 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Liên hệ với cuộc sống làng quê thời nay, bạn nhận thấy có những thay đổi gì? Bạn nghĩ gì về những sự thay đổi đó?

Trả lời:

Làng quê thời nay đã có nhiều sự thay đổi, đã có những nhà máy, xí nghiệp cùng sự phát triển công nghiệp hiện đại chứ không còn thô sơ và giản dị như ngày xưa. Sự thay đổi đó mang tính tích cực khi khiến cuộc sống phát triển hơn. Tuy nhiên cũng khiến không khí và môi trường ô nhiễm.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 10 Kết nối tri thức khác