Tìm hiểu chung về văn miêu tả - Ngữ văn lớp 6



1. Miêu tả là gì?

- Miêu tả: “Dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào đó làm cho người khác có thể hình dung được cụ thể sự vật hoặc thế giới nội tâm của con người”.

(Từ điển Tiếng Việt

Hoàng Phê chủ biên, trang 62A)

2. Văn miêu tả là loại văn dùng ngôn ngữ để tái hiện cảnh vật, sự vật, sự việc, thế giới nội tâm nhân vật - mà mình quan sát được, cảm nhận được. Văn miêu tả giúp người đọc có thể hình dung ra đối tượng mà người viết đã miêu tả.

3. Phân loại

Có 5 dạng bài miêu tả:

a. Miêu tả phong cảnh: Sông nước Cà Mau,...

b. Miêu tả loài vật, sự việc: Chú Dế Mèn, Bọ Ngựa,...

c. Miêu tả sự vật: Họ Chuồn chuồn trẩy hội,...

d. Miêu tả người: Chú Lượm liên lạc,...

e. Miêu tả hoạt cảnh: Võ sĩ Bọ Ngựa và Dế Mèn tỉ thí,...

Bài 1: Hãy tìm những chi tiết nghệ thuật mà tác giả đã quan sát được khi tả cảnh Hồ Gươm?

    Hồ Gươm

Nhà tôi ở cách Hồ Gươm không xa. Từ trên gác cao nhìn xuống, hồ như một chiếc gương bầu dục lớn, sáng long lanh.

Cầu Thê Húc màu son, cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già, rễ lá sum sê. Xa một chút là Tháp Rùa tường rêu cổ kính, xây trên gò đất giữa hồ, cỏ mọc xanh um.

       (Ngô Quân Miện)

Gợi ý

- Cảnh được tả trong bài văn này là Hồ Gươm.

- Hai câu đầu tả cảnh Hồ Gươm từ cao, không xa nhìn xuống. Tác giả ví Hồ Gươm “như chiếc gương bầu dục lớn”; mặt gương cũng là mặt nước hồ “sáng long lanh”.

- Chi tiết thứ hai, tả cầu Thê Húc với hai nét vẽ: sắc cầu “màu son”, dáng cầu “cong cong như con tôm”. Công dụng của cầu là để dẫn vào đền Ngọc Sơn.

- Chi tiết thứ ba, tả mái đền Ngọc Sơn “lấp ló bên gốc đa già”, tả cây đa “rễ lá sum sê’.

- Chi tiết thứ tư, tả Tháp Rùa (xa một chút) với ba nét vẽ: “tường rêu cổ kính, xây trên gò đất giữa hồ, cỏ mọc xanh um”.

Tác giả đã sử dụng màu sắc hoà hợp: “màu nước hồ sáng long lanh”, “màu son” của cầu Thê Húc, màu “xanh um” của cỏ trên gò đất giữa hồ. Hai hình ảnh so sánh rất đắt: “Hồ như chiếc gương bầu dục lớn”, cầu Thê Húc “cong cong như con tôm...” Các từ láy gợi tả: long lanh, cong cong, sum sê. Hai nét vẽ gợi tả màu thời gian cổ kính, thiêng liêng, tạo ra cái hồn của cảnh vật, đó là “mái đền lấp ló bên gốc đa già” và “tường rêu cổ kính” của Tháp Rùa.

- Cảm xúc của tác giả được trang trải khắp các chi tiết cảnh vật: ca ngợi một nét đẹp cổ kính, trang nghiêm của Thủ đô Hà Nội với tất cả lòng yêu mến trân trọng, tự hào. Qua đó, ta thấy tác giả có tài quan sát và miêu tả.

Bài 2: Trời đang nắng bỗng đổ trận mưa rào. Hãy tả lại trận mưa đó?

Gợi ý:

a.Mở bài: Thời gian hoàn cảnh, thời gian đổ cơn mưa rào.

b. Thân bài: Tả cơn mưa theo trình tự

* Quang cảnh trước khi mưa

- Khí trời, cảnh vật, con người… khi chưa có cơn mưa.

- Dấu hiệu báo cơn mưa đến: mây, bầu trời, sấm chớp, gió, loài vật, …..

* Khi cơn mưa đến: tả chi tiết cơn mưa từ nhỏ đến lớn:

- Hạt mưa to và thưa

- Mưa như trút nước, sấm chớp vang trời

- Mưa càng to gió cáng lơn, câu cối nghiêng ngã

- Con người trú mưa hai bên đường

- Các loài vật tìm chỗ trú mưa…..

* Quang cảnh sau cơn mưa

- Mưa nhỏ dần rồi tạnh hẳn, bầu trời trong xanh trở lại

- Mọi người tiếp tục công việc của mình, cây cối hả hê…….

c. Kết bài: Cảm nghĩ của em về cơn mưa rào.

Bài 3: Em hãy lập dàn ý cho đề bài: tả một lực sĩ đang cử tạ?

Gợi ý:

Dàn ý

I.Mở bài

- Xem buổi thi đấu thể thao (địa điểm, thời gian)?

- Người thanh niên đoạt giải Nhất môn Cử tạ đã để lại ấn tượng sâu sắc.

II.Thân bài

1.Khái quát không khí chung của buổi thi đấu:

- Thời gian: buổi tối chủ nhật.

- Không gian: khán đài đấu ở hội trường lớn, rực rỡ ánh đèn,...

- Khán giả: ngồi kín sân, sôi nổi, hào hứng, chờ đợi.

- Vận động viên: tập trung chuẩn bị ra khán đài, được huấn luyện viên quan tâm, chăm sóc cao độ.

2.Hình ảnh người lực sĩ trong cuộc thi.

- Ngoại hình lực sĩ:

   + Hình thể: cao to, cường tráng, bắp thịt săn chắc.

   + Trang phục: gọn gàng, bó sát, dễ cử động; màu sắc của trang phục nền đỏ có sọc đen, cổ tay quấn băng.

Gương mặt: rắn rỏi, tự tin toát lên sức mạnh của một vận động viên cường tráng về thể lực và dày dạn kinh nghiệm thi đấu.

- Động tác thi đấu:

   + Trước lúc nâng tạ: bước ra sân khấu, gật đầu chào, khán giả vỗ tay cổ vũ. Lực sĩ phấn chấn, khởi động nhẹ nhàng, xoa bột vào tay, đứng yên lặng, tĩnh tâm trong một phút.

   + Khi nâng tạ: hai chân dang rộng, tư thế chắc chắn, cúi xuống, từ từ nâng tạ lên ngang tầm tay rồi nâng lên ngang vai bằng một động tác bất ngờ trong giây lát.

   + Hội trường: nín lặng chờ đợi.

   + Đột ngột lực sĩ nâng bổng tạ lên cao quá đầu trong sự trầm trồ, thán phục của khán giả.

   + Tư thế đẹp: tạ nâng cao quá đầu, chân trụ vững, cơ bắp cuồn cuộn, gương mặt cương nghị.

   + Lực sĩ đưa tay hạ xuống ngang vai rồi buông thả tạ nhẹ nhàng xuống nền sàn đấu. Hội trường thi đấu vỡ ào trong tiếng vỗ tay, tiếng hò reo khích lệ.

- Cảm nghĩ của em về anh lực sĩ:

   + Vẻ đẹp: khỏe mạnh, cường tráng, nghị lực phi thường.

   + Liên hệ với học sinh về sự phấn đấu và rèn luyện thân thể.

III.Kết bài

Buổi thi đấu và hình ảnh người lực sĩ là tấm gương về sự khổ luyện và ý chí của con người. Em rất yêu quý anh lực sĩ.

Xem thêm tài liệu Ngữ văn lớp 6 phần Tiếng Việt và Tập làm văn chọn lọc, hay khác:

Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn lớp 6 hay khác:




Giải bài tập lớp 6 sách mới các môn học